vọng Sài-gòn

Tôi nhớ hoài một đêm thứ Bảy đang bát phố lòng vòng Sài gòn Chợ lớn, anh bạn tôi bỗng thốt lên “Giá mà giờ rủ nhau chui vô rạp coi cải lương thì mới đã đời!”

Câu nói vu vơ khiến tôi cũng thốt chùng lòng: đêm thứ Bảy giữa trung tâm Sài gòn, muốn tìm nghe một câu vọng cổ, coi một lớp tuồng mà rọi đuốc kiếm không ra!

Sài Gòn ở hai phía rèm nhung

Có lẽ từ thời những ban hát miền Lục tỉnh dạt về đây, nương theo bất cứ nơi nào lưu dấu chân khai khẩn mà dựng rạp sắm tuồng, nơi những bản tài tử, những bài vọng cổ được kết chuỗi thành lớp lang với đủ đầy kịch tính mà thành những kịch bản trọn vẹn, từ hương xa, đường rừng, cho tới tuồng tâm lí xã hội với đào kép ăn bận phấn sáp kiểu tân thời, dáng điệu lịch duyệt đời thường chứ không còn lối ra bộ cường điệu của tuồng tích cổ trang, hát bội.

rạp cải lương 3

Cải lương từ đó, là món nhắm tinh thần khoái khẩu của thị dân Sài Gòn, thú thưởng ngoạn cho mọi giới từ mặc khách tới bình dân. Đầy đủ chuyện giựt gân, diễm tình, những gã cướp rừng xanh đậm máu giang hồ tứ chiếng, tới câu chuyện đời mấy cô gái bán bar, chuyện nghĩa hiệp đường rừng, tới Lữ Bố mang khẩu khí giang hồ Cầu Muối và thứ tiếng lóng vỉa hè đặc trưng.

Dân Sài Gòn dễ bị chọc cười mà cũng dễ bị chọc cho khóc. Cải lương có hết, với miếng hài miếng bi đan lẫn như hai bức mặt nạ khóc cười đã từ lâu thành “logo” nhận biết của thế giới rèm nhung.

Dân Sài Gòn ham thói hiếu kỳ trước những điều mới, thì cải lương có tân cổ giao duyên, có kích động nhạc xập xòe, có đờn Hạ Uy Di, kèn tây và những bản tuồng hương xa mang âm hưởng ngoại quốc dù Cao Miên hay tiểu thuyết kinh điển Pháp. Từ tuồng dã sử nước nhà cho tới những pha đấu kiếm như chưởng Hương Cảng, đủ pha lộn mèo, tọt gươm vô nách chết dãy lâm sàng mà vẫn nấc ặc ặc trọn sáu câu, xuống xề mới chịu lăn ra chết (tới đoạn này giấy tiền được kẹp vô quạt chọi lên sân khấu rần rần, “tử sĩ” lóp ngóp dậy gom tiền gom quạt, cúi đầu chào tạ rồi vô cánh gà mới chia nhau).

đào kép 4

Cho tới tận mấy năm đầu thập niên 80, vẫn còn lác đác vài nhà hát cải lương hoạt động, áp-phích vẽ tay trưng lộng lẫy lừng. Người ta bu quanh mấy sạp thuốc trước rạp mua xá-xị bỏ bịch và quạt bóng kiếng, còn khăn tay thì thời này chưa xài khăn giấy, mỗi bà mỗi cô đều thủ chiếc mouchoir điệu đà để chậm nước mắt.

Người ta vô rạp, mê mẩn coi đào kép sắm vai, hả hê cười khóc những khóc cười mà bi hài của cuộc mưu sinh thường nhật trở nên quá trần tục, tầm thường. Thị dân cần những vở tuồng, những làn hơi cải lương mùi mẫn như những cuốn tiểu thuyết diễm tình vẽ bìa sặc sỡ để thêm thắt vào bữa tiệc đời chút món nhắm đưa cay. Điều này tới giờ vẫn nhìn thấy được qua lượt coi những phim truyền hình kiểu soap opera nội hóa dành cho các bà nội trợ và mấy chị tiểu thương.

đào kép 3

Về sau, tức là vào thời tôi lớn lên, những năm 80, khi trường phái bi lụy diễm tình bị lên án, dân Sài Gòn có món nhắm thoại kịch tươi vui, đời thường hơn với Trong Nhà Ngoài Phố mỗi tối thứ Năm, cải lương đen trắng vào tối thứ Bảy có cô Thanh Nga diễn Bên Cầu Dệt Lụa, cô Bạch Tuyết đi Âu châu diễn Đời Cô Lựu làm người hải ngoại khóc rần rần…Kì đó, cải lương Sài Gòn lại “thất thoát” thêm một Thành Được…

Rồi người ta vô rạp thưa dần.

thanh nga 2

Những hấp hối vô danh

Những rạp hát cuối cùng của Sài Gòn đã hấp hối và diễn những xuất hát cuối cùng ra sao, ngay cả người Sài Gòn cũng không biết, mà cũng không được các sử gia bận rộn lưu tâm ghi nhận.

Có lẽ rạp cuối cùng hoạt động đã là trụ sở của đoàn ca múa nhạc Bông Sen ở đường Nguyễn Thái Bình, đoạn Lê Công Kiều ngó qua, ngay gần tiệm cơm Âu Thiên Nam. Hồi Tết đâu như năm 2011 hay 2012, tôi có thử hỏi mua vé xuất diễn nào gần nhất, người bán vé uể oải thở dài yêu cầu tôi để lại số liên lạc đặng khi nào đủ vé coi mới dựng tuồng sắm vở.

Họ không bao giờ gọi lại cho tôi nữa, vài tháng sau nghe đâu đóng cửa luôn.

Kênh truyền hình giờ nhiều lắm, phát hình thâu đêm thấu sáng. Chẳng còn những bà mẹ nô nức dọn cơm rồi hò tụi con nít tắm rửa thơm tho từ sớm để cùng chờ coi cải lương truyền hình.

Từ “cải lương” thành thứ tính từ giễu nhại, dùng để chỉ những gì lòe loẹt hay hủ lậu quê mùa. Vậy mà cách chưa đầy thế kỷ, Trung Trực đã viết trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn rằng “…nên làm những việc chi hễ bịa vào tiếng nói cải lương được, thì trong trí vẫn trộm tưởng rằng việc ấy đã thập phần hoàn mỹ…”

Vậy mới thấy mặt trở trớ trêu giữa những giai kỳ.

Chỉ đôi chục năm về trước, có mấy ai ngờ có ngày người Việt kém chữ Việt đớn đau tới nỗi vĩnh viễn đánh mất nghĩa hiếu tri và canh tân tốt đẹp của hai âm tiết “cải lương”.

đào kép 1

Như tôi và anh bạn nọ, tội tình thay giữa đêm thứ Bảy Sài Gòn, lòng thèm nghe câu vọng cổ mà rọi đuốc kiếm không ra, nao nao ngỡ mình đang đi lạc.

Chỉ đôi dịp đi du hí miền Tây, buồn não ruột mở đài Trà Vinh lên coi chơi, nghe bản tân cổ đời đầu của làn hơi Lệ Thủy, thiếu điều muốn nấc lên vì nhớ.

lệ thủy

Tiếng nấc Trụ Vương giữa đêm bão thị thành

Tôi sửa soạn quần áo chỉnh tề, dùng cơm sớm rồi khoác tay chồng đi coi hát – than ôi, đó đã từng là một điển lễ không quá xa hoa của nếp sống thị dân Sài gòn không lâu về trước! Không rạp không rèm, cũng không trống kèn cờ quạt, phòng trà Tiếng Xưa trên đường Trần Hưng Đạo hiu hắt đêm thứ Năm, chỉ vài bước cách rạp Nguyễn Văn Hảo thuở nào, với đêm diễn kinh hoàng của đoàn Kim Thoa, vở Lấp Sông Gianh. Một mảnh lựu đạn xuất hát đẫm máu vẫn còn ghim trong cơ thể đào Thiên Kim tới tận bây giờ…

CREATOR: gd-jpeg v1.0 (using IJG JPEG v62), quality = 70

Bây giờ thì rạp Nguyễn Văn Hảo xưa tổ chức diễn hài, có loa phóng thanh và các cô PG đứng giữa đường phát tờ bướm. Còn nơi đây, chỉ cách vài bước, một mầm phục hưng yếu ớt của cải lương đang thoi thóp quẫy cựa trong khung cảnh một phòng trà.

Là phòng trà “ruột” của dân chuộng bolero, cũng là điểm tái ngộ của những ca sĩ hàng thượng thặng Sài Gòn xưa giờ đã ra hải ngoại, từ hồi còn “cát cứ” ở quận 10, Tiếng Xưa trở thành một góc lui tới đặc biệt của Sài Gòn, với lối trang trí sân khấu tuy thô sơ nhưng mang hơi hướm Sài Gòn 60’s, ban nhạc với những bản phối cũ và những đêm tái ngộ tưởng như có thể làm sống lại hàng chục năm đã từng bôi xóa.

Chỉ mới dời về khu trung tâm gần đây, án ngữ cửa ngõ ráp ranh Sài Gòn – Chợ Lớn, dù với khán phòng lịch sự hơn, cùng những ngôi sao hải ngoại không ngừng xuất hiện, nhưng có vẻ việc gián đoạn, di dời đã khiến những khách cũ không còn tìm tới xôm tụ như ngày nào.

Những đêm thứ Năm đặc thù phong vị giải trí kiểu Sài Gòn xưa với những ngôi sao cải lương cũ mới kiểu này là một đêm trong cả tuần hoạt động, cặp chủ nhân phòng trà chọn thực hiện như một lối “trả nghĩa” lại cho các nghệ sĩ vang bóng một thời. Nói là trả nghĩa bởi khi tôi tới, chỉ có lác đác vài bàn có khách.

Cặp nghệ sĩ trẻ diễn một trích đoạn tuồng Lữ Bố. Từng đường phấn sáp vẫn mang hơi hướm lối vẽ mặt tuồng, cặp “râu tôm” nghễu nghện quết tới trần nhà, rạch ròi từng ngón ra bộ, từng ý tứ lẳng lơ cụp lạc đầy ước lệ của lớp tuồng trứ danh.

Chồng tôi là người Bắc, có lẽ đây là lần đầu tiên được coi tuồng, dù chỉ một trích đoạn nhỏ trên bục diễn phòng trà, cũng đủ choáng ngợp bởi ánh mắt quắc lên của tay dõng tướng đa tình, hay những lẳng lơ bắt nhả của nàng Điêu Thuyền hàng hậu duệ. Trong một khoảnh khắc, người ta không thở nữa, mải mê ngắm nghía ngón nghề điêu luyện, lòng rộn theo tiếng nhạc khí phát ra từ dàn máy mà tưởng như sống lại cả một ban đờn.

Tôi đến để được tái ngộ và nghe giọng ca Đệ nhất Đào thương – sầu nữ Út Bạch Lan, nhưng bất ngờ hơn nữa, khi lớp trích đoạn rút vào hậu đài, một người đàn bà lớn tuổi chập chững bước ra sân khấu. Khuôn mặt bị biến dạng bởi tháng năm đã không nhắc nhớ được gì, cho tới khi khúc vọng cổ cất lên bi tráng:

…Trời ơi đám tôi trung đã phản Trụ đầu Châu kéo binh về vấn tội. Trong khi hoàng hậu Tô Nương lại bỏ ta sớm vội…bôn…đào…Lần đầu tiên, trẫm để cho suối lệ tuôn trào…

Đệ nhất Đào võ Diệu Hiền!

Có lẽ chưa người đàn bà nào cất tiếng nấc Trụ Vương tài tình hơn như vậy, đòn tay ra bộ điệu nghệ xuất thần, còn ánh mắt chợt thoắt tinh anh nộ khí vị hôn quân thất trận.

Đã có lần tôi may mắn được tài tử cine Trần Quang diễn lại cho coi một trích đoạn vai Trụ Vương trong vở diễn tốt nghiệp của ông tại trường Kịch nghệ. Nhưng nếu cái gian hùng ngạo nghễ trong Trụ Vương – thoại kịch của ảnh đế cine Sài gòn năm ấy đầy tính hàn lâm trong từng nếp nhăn khóe mắt, với ánh nhìn lạc thần của cơn cuồng khấu hung tàn và đài từ như tiếng chuông đồng ngạo nghễ, thì Trụ Vương qua làn hơi vọng cổ đàn bà lại khiến người ta run rẩy trước một thần lực tôn nghiêm, trong Cái Đẹp của tận cùng Cái Ác.

Người ta quên cả người đào hát đã về già trước mặt, khi nét uy nghiêm hằn dấu sát khí hung tàn mà vẫn bi lụy cất tiếng ca nghe buốt can tràng kẻ kiêu binh thất trận.

Tôi ngồi bật dậy khỏi chiếc ghế dựa, như không tin được ngần ấy uy lực tinh anh vẫn phát tiết ngời ngời từ cuống họng, lồng ngực cô đào từng một thời làm điên đảo khán trường cải lương của Sài Gòn hoa lệ.

diệu hiền

Mong manh nhành lan trắng giữa đêm mộng phục hưng

Hết Trụ Vương Thiêu Mình, người ta lại chao đảo sau nhịp ngựa hối hả với tiếng kêu thống thiết giữa pháp trường “hãy để anh can phần đừng giết oan một trang hào kiệt, nghe lời anh đình thủ bớ La…Thành…”, rồi dẫu có nghe lại một vạn lần bản Tần Quỳnh Khóc Bạn, người nghe vẫn rưng rưng theo từng ngón tay cô đào dừng lại, lẩy bẩy giữa không trung và làn hơi tắc nghẹn “Thôi rồi một lưỡi gươm đưa đã dứt mạng anh hùng…”

Hai bản ca trứ danh của bậc thầy Viễn Châu vừa dứt, đào Diệu Hiền lại trở về trong hình mạo người đàn bà bé nhỏ, chập choạng cúi chào khán phòng vắng ngắt, chập choạng tựa vào cánh tay dìu bước rời sân khấu trong tiếng tung hô tuy mỏng nhưng da diết không muốn ngừng.

Không chỉ là một đêm phủ phê thịnh soạn với đào võ Diệu Hiền, mà người ta còn được khoản đãi giọng tình mùi mẫn của Sầu Nữ Út Bạch Lan với những bài bản bất hủ, khuôn diện đăm chiêu nhưng thanh thoát, xứng tầm tàn dư nhan sắc một Đệ nhất Đào thương.

út lan 1

Nhưng vượt trên tất cả còn là lòng xót xa của chính từng người thưởng lãm những ánh hào quang muộn mằn sau cuối của hai bà hoàng sân khấu ấy, đó là những suy tàn của thời gian đã hiển hiện lồ lộ, lòng áy náy không tránh khỏi khi phải bất lực ngồi đó, nhìn những tượng đài cao niên vẫn phải dìu nhau đến từng đêm hát hiếm hoi bởi cuộc mưu sinh thường nhật, hay dẫu bởi ơn gọi mỏi mòn của nghề ca xướng. Họ vẫn dìu nhau đến, hóa thân bà chúa ông hoàng, nơi một ánh đèn leo lét nhất, một khán phòng thưa thớt cũng làm nên cả một di tích thành đường quý báu cho những hồi ức vãn thời.

út lan 3.jpg

Chúng tôi tiếc rẻ ra về, đi một đoạn sau hai cô đào một thời vang bóng, nay chỉ là hai cái bóng cập rập liêu xiêu dựa vào nhau, dắt díu từng bước ra khỏi vùng tối phòng trà.

Khán giả ngày nay cũng đánh mất thói quen tụ tập trước cổng rạp chờ chiêm ngưỡng đào kép ra về. Chắc trong đời hát xướng của hai người đàn bà tài hoa đó, đây là một trong những buổi vãn hát đìu hiu nhất.

Họ chỉ có nhau.

Chồng tôi có hỏi “Vì sao cải lương Sài Gòn biến mất?” Tôi không có được câu trả lời. Chỉ biết rằng ngày nay, người ta không trốn nhà mải miết theo ghe bầu gánh hát để ăn xin cơm tổ nên không được học đức khiêm nhu từ các tiền bối, không được dạy dỗ bởi các thầy đờn. Họ thi thố học hành trong những học viện chính quy, ra sức canh tân hai nghĩa “cải lương” và “vọng cổ” bằng phục trang dã sử Tàu lai trên những bản tuồng nghèo ca từ mà giàu tính tư tưởng. Thời của hoa và lệ, của những soạn giả hàng Hà Triều Hoa Phượng đã qua đi không hậu duệ, bởi những bài bản Viễn Châu hoa mỹ đã không còn dễ hiểu dễ nghe so với ca từ hoặc mang tính khẩu hiệu, hoặc nặng mùi sáo ngữ. Mà có lẽ cũng bởi ngày nay, ở những trường lớp dạy nghề ca diễn, người ta hình như cũng không dạy ra các thầy tuồng.

Trong một cuộc phỏng vấn, Cô Út đã từng thật thà nói “Mộng lớn của tôi bây giờ là dựng lại được một nhà hát thiệt đàng hoàng. Có nghệ sĩ vẽ cảnh trí, có máy vi âm thả dòng từ nóc rạp như hồi xưa, chứ ca ra bộ mà tay cầm mic phòng trà thật khổ cho mấy cháu, mấy em…”

Đêm đó, cơn bão hiếm hoi tạt ngang thành thị, gió giật và mưa tầm tã. Giữa cơn mưa xối vần vũ trên những nóc gia đã say ngủ, tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai làn hơi sầu nữ không chút tì vết thời cuộc, nhưng đã nhuốm hơi hướm tủi thân nghiệp mệnh xướng ca:

“Đêm nay mưa gió ngập trời,

Hỏi ai còn nhớ một người tên Lan…”

út lan 4.jpg

(bài viết đã sử dụng bởi tạp chí Người Đô-thị)

ngược dòng khuếch tán

Có lẽ mùi hương chính là thứ phục dựng tiềm thức và thiên đàng hữu hiệu nhất, bởi nó có tất cả: trọng lượng, nhiệt độ, vị, cảm giác, và màu sắc, quang độ,… Khứu giác có thể cùng lúc lay động mọi giác quan còn lại, và như vậy, cả một địa đàng có thể được dựng nên và tiêu hủy chỉ trong tốc độ khuếch tán của một giọt bụi hương.

“Chúng ta là những đứa con gái lớn lên trong nước hoa Tabu, quần jeans Hara và những hộp phấn Én thần thánh”, tôi nói như vậy với cô bạn gái vào một buổi chiều cách đây vài hôm.

Câu nói hết sức buồn thảm này đúng với mọi độc giả cùng thế hệ tôi, đã lớn lên, mê đắm trước những Poison và Anais, những Charlie và Fragile huyền thoại của thị trường xa xỉ phẩm đơn điệu của Sài Gòn cuối thập niên 80.

Rồi tất cả trở thành kí ức già cỗi với những cơn sốt Obssession và Giò, đại dịch unisex và những vụ nổ tung hoa cứu rỗi tính nữ của ngài Jacobs… Mỗi perfumista Sài Gòn (ít ra là ở Sài Gòn) đều lưu giữ trong tiềm thức những dòng hương thời cuộc đó.

Sài Gòn – với thuộc tính rất riêng và thứ thẩm mỹ khứu giác bồng bột của hết thế hệ đến thế hệ khác những perfumista cầu kì hay nhẹ dạ, mang riêng của nó một lịch sử mùi hương.
angela-lansbury-for-blackglama

Từ huyền thoại đơn hương Chà-và đến những dòng hương tuyệt mệnh của Kỷ Hoàng Kim

Khó có thể truy tìm chính xác ai là perfumista người Việt Nam đầu tiên, hay lọ nước hoa đầu tiên được du nhập đến Việt Nam. Nhưng hoàn toàn không khó để kẻ chơi cổ ngoạn tìm thấy những lọ chai nước hoa Shalimar nhà Guerlain được lăng-xê vào thập niên 20 hiện diện trong vô thiên lủng những món cổ vật tế nhuyễn được rao bán từ kho tàng cá nhân một gia đình tư sản xưa nào đó.

Du nhập tới xứ An Nam cùng lối sống cầu kì của cư dân nền văn minh Ánh Sáng, nước hoa như một món trang sức vô hình, không phục vụ mắt nhìn, nhưng vi tế mầu nhiệm hơn tất thảy những món “bắc kế” (từ thời này dùng chỉ trang sức, phụ trang) sang trọng nhất – một thứ đặc quyền của giới kỹ nữ và hàng thị dân phong lưu.

Đồng hành cùng tuyệt phẩm mùi hương của văn minh phong hóa đến từ Tây phương này còn có những dòng đơn hương chưng cất bởi các thương buôn người Chà (Java) sinh sống tại Sài gòn.

Theo câu chuyện kể lại của một nhà bào chế hiện sinh sống tại Đà lạt, khi ấy ông còn là một cậu thanh niên tỉnh lẻ hàng tuần theo chuyến hàng lên Sài gòn, từng ngẩn ngơ chiêm bái hình ảnh những bà trung lưu, những cô nữ sinh áo trắng dập dìu ra vô những hiệu buôn của người Chà bên ngoài Chợ Cũ (giờ là đường Hàm Nghi), nơi những hương liệu mỹ phẩm được chưng cất, đựng trong những vò thủy tinh lớn và chiết ra chai nhỏ theo định lượng để bán. Loại dầu thơm bình dân này hoàn toàn là những đơn hương thuần túy mang mùi thơm của những loài hoa, vị cỏ có trong thiên nhiên được chưng cất, không cấu trúc và không biến cố, nhưng thỏa đáp được nhu cầu làm đỏm cơ bản nhất của nữ giới nói chung.

Cho đến giờ, cậu nhỏ đó vẫn đang thầm lặng thực hiện tham vọng phục dựng những dòng đơn hương giản dị đó cho mầm mống một thị trường nước hoa nội hóa.

Vào thập niên 50, những dòng xa xỉ phẩm nhập khẩu và nếp tôn sùng các nhãn nước hoa mang âm hưởng Francophile thống trị tuyệt đối thị trường thượng lưu, một phần bởi uy danh kinh đô hoa lệ, một phần khác bởi chính bối cảnh thị trường thế giới vẫn chịu sự thao túng của thẩm mỹ lục địa già. Cho đến tận đầu thập niên 60, nước hoa mới trở nên phổ cập hơn cùng sự sầm uất của những thương xá tân kỳ bày bán đồ xa xỉ. Cũng từ đây, các quý bà quý cô Sài Gòn bắt đầu làm quen với những loại nước hoa nhập từ Hoa Kỳ, dao động vô chừng từ những thương hiệu gốc Pháp như YSL và Dior, cho đến những dòng hương “drugstore” với giá cả khá dân chủ xuề xòa, thừa sức cung ứng nhu cầu làm dáng của giới trẻ.

Nhưng kể từ 1975, Sài Gòn cô lập hoàn toàn khỏi thị trường xa xỉ phẩm thế giới, người ta lay lắt dựa dẫm chính vào nguồn mỹ phẩm chợ đen từ các thùng hàng gửi về từ hải ngoại.

Đó là những năm đầu thập niên 1980 tại Sài Gòn, khắp nơi ở khu trung tâm, nơi những tiệm ăn, nhà hàng sang trọng còn sót lại, và những dạ vũ tổ chức “chui” tại nhà, những nếp quen và mùi hương cũ vẫn được duy trì một cách tài tình. Người ta cự tuyệt những dòng hương mới lạ thượng trào trên thị trường thế giới, như một cố gắng tuyệt vọng trong việc bảo tồn vẹn nguyên bầu không khí hoa lệ của Sài Gòn vào những năm 60 phóng túng. Opium của Yves Saint Laurent cho giới nghệ sĩ và cavalliere cũ, Chanel No.5 và Shalimar được coi là tín chỉ thượng lưu. Mấy cô trẻ trung thích Charlie, Joy và Tabu bởi mức giá thân thiện hơn, trong khi Mon Péché nhà Lanvin, Magie Noir nhà Lancome và Poison nhà Dior chinh phục hết thảy mọi thị phần bởi chút vẻ lẳng lơ táo bạo.

Còn với nam giới, Paco Rabanne giữ nguyên vị trí thượng lưu trong khi eau de cologne của Old Spice chỉ còn là tàn tích tại những tiệm barber kiểu cũ, và Brut lui về thị phần trung niên trí thức. Về sau, những lọ cologne hiệu Old Spice tuyệt tích hoàn toàn tại thị trường Sài Gòn, trong khi Brut vẫn tồn tại một cách khá khiêm tốn sau nhiều đợt thay đổi thành phần và thiết kế mề đay trứ danh cũng bị loại bỏ. Chỉ mới gần đây, hai tên tuổi này chính thức tái xuất dưới hình thức các phiên bản sản phẩm vệ sinh cá nhân, Brut và nhãn Old Spice “con tàu đỏ” hầu như bị xóa tên khỏi danh mục những dòng nước hoa giành cho quý ông. Cần phải nói thêm rằng đây là một điều đáng tiếc, bởi sự đặc sắc trong ứng dụng note cẩm chướng ở Old Spice, và thi vị Fougère kinh điển của Brut vẫn là những huyền thoại đáng nể của lịch sử bào chế mùi hương trên thế giới còn gây tranh cãi tới tận bây giờ.

l-gda23j5lkmoyeq

Thảm họa Kỷ Disco: Quá nhiều hormone cho một thành phố nhỏ

Dựa trên tập quán “tàn dư” của các perfumista mới nhập môn bản xứ, những dòng hương lừng lẫy nhất của Kỷ Ngây Thơ – khoảng thập niên 20, 30, tình cờ hội tụ hài hòa với những dòng cực thịnh của cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 và chiều chuộng mỹ mãn gu khứu giác bạo liệt của đàn bà con gái Sài Gòn xứ ngọc Viễn Đông vào đúng thời kỳ “trở mình” hồi phục của Sài Gòn những năm 1980. Tất thảy là những tầng hương mang cấu trúc cầu kỳ, với nốt powdery, xạ hương, gia vị và hương hoa tổng hợp sực nức một vẻ duyên phấn sáp đầy kịch tính, đồng điệu ngẫu nhiên với nét bốc đồng khả ái của Sài Gòn, sự pha tạp Đông-Tây cổ-kim kì thú giữa văn hóa “phố lớn” Sài Gòn với dáng vẻ cổ thị nhưng tinh thần phồn thực sầm uất của khu Chợ Lớn. Phóng khoáng tới mức dễ dãi, duyên dáng theo một cách ồn ào, huyền mặc Đông phương trộn nhuyễn cùng tạp chất văn minh Âu hóa, khoái lạc thụ hưởng được tôn vinh, và nỗi sầu muộn “sentimental” lại lên ngôi thời thượng theo những cuốn băng cassette chuyền tay cùng tên gọi tắt phiên âm “sến”. Tất thảy đều trùng hạp tài tình với tinh thần những mùi hương được ưa chuộng nhất thời kỳ này, với ảnh hưởng tác dụng á phiện lên nỗi ám ảnh Yves Saint Laurent, hay những gia vị Trung Á đậm nét “tuồng hương xa” của nhà Guerlain lúc bấy giờ.

Nhưng đó cũng chính là nguyên nhân tàn lụi của những dòng hương xạ (musky) và hương Đông phương (Oriental) tại thị trường Sài gòn những năm dài sau dư chấn cơn sốt nặc nồng hương nhân tạo đó. Xạ động vật và lượng lớn trầm hương, hổ phách chiếm nồng độ cao trong các dòng nước hoa này bắt buộc sử dụng tinh dầu tổng hợp và những gam hợp hương thay thế để tạo cảm giác tương tự, đặc tả thuộc tính phương Đông. Bỏ qua lòng trân quý những cấu trúc bào chế bậc thầy và những chiến dịch quảng cáo triệu đô, hai trường phái này khiến người ta liên tưởng tới thứ thẩm mỹ rườm rà cũ kỹ, quá nhiều aldehydes, quá nồng nàn với một thông điệp dục tính sỗ sàng, bông tai nhựa to quá khổ và keo xịt tóc nặng mùi. Những mùi hương được ưa chuộng đồng nghĩa với sự xuất hiện nồng nực ở khắp nơi. Cả một xã hội đàn bà đỏm dáng và cá biệt, bất kể thời tiết trong ngày, đều cùng lúc tỏa hương một cách phồn thực tới sỗ sàng.

Trong kí ức của rất nhiều người, thập niên 70 và 80 đã lưu dấu bằng những cái nhăn mặt khổ sở và những tai nạn xây xẩm vì mùi mỹ phẩm nực nồng trong thang máy, tiệm ăn và các rạp cine. Những tên tuổi quý phái thượng tôn trở thành khái niệm bình dân xa cạ, khi mà một quý bà lịch duyệt cũng tỏa hương y hệt một cô nhân viên cửa hàng mậu dịch.

Thảm kịch tương tự đã xảy ra với dòng nước hoa mang số 5 huyền thoại của nhà Chanel trên thế giới – với note hồng và hương phấn kinh điển, đậm đặc và phổ cập đến nỗi ấn tượng “mùi hương bà ngoại” (dù đã là một bà ngoại cực kì am hiểu sành sỏi) cũng đủ khiến các cô gái trẻ phủ lên các dòng powdery định kiến “mùi người già”. Cùng lúc, việc các quý bà Á châu ồ ạt chạy đua theo “đẳng cấp Coco” cũng cùng lúc khiến dòng hương powdery này chịu thêm một định kiến về phong cách trưởng giả nouveau riche.

Không thể không nhắc đến một tác nhân góp phần trong cuộc truất ngôi ngoạn mục của trường phái Oriental và musky là sự xuất hiện của hàng nhái sau thời mở cửa, cùng với thói quen buôn bán nước hoa trong quầy kiếng những khu nhà lồng nóng bức khiến tất cả những gì người ta cảm nhận được là một sức khuếch tán mạnh mẽ và kinh hoàng không kém gì những chiếc khăn lạnh ở quán bia hơi hạng bét.

o.769

Sự thoái trào của mặt phẳng những mùi hương đồng hóa

Sài Gòn đã phải mất tới hai thập niên để rũ bỏ hoàn toàn nỗi ám ảnh cơn sốt “musky Oriental”. Giới bình dân lũ lượt trốn vào sự xoa dịu của Anais Anais, trong khi các bà sang trọng “cai nghiện” Chanel bằng Dune, Giò và nồng độ Đông phương dịu dàng hơn qua hương nhài của J’adore, các cô thanh nữ ưa nổi loạn, hâm mộ Kim Wilde và mô tô Rebel quay lưng lại với Poison tối ám để tung hô những chai Jean Paul Gaultier với thiết kế chai lọ muôn phần kích thích.

Cũng cùng thời điểm này, không ít dòng nước hoa kể trên cũng tuyệt tích trên thị trường thế giới, hoặc phải trải qua những cuộc biến dạng, cách tân (reformulation) với sự thay đổi không hề ít trong công thức. Poison liên tục tung ra các phiên bản thỏa hiệp đa sắc, với thành phần và nồng độ được điều chỉnh mềm mại hơn nên vẫn được ưa chuộng. Cùng lúc, cơn sốt “quả táo độc” được hóa giải bởi các dòng hương trái cây trẻ trung hơn, với thiết kế vỏ chai không kém phần hấp dẫn do nhà Lolita Lempicka liên tục tung ra rù quến thị trường nhiệt đới. Các tên tuổi Á châu với làn hương trong veo và mỏng tang của Kenzo và Issey Miyake như hai giải pháp thỏa đáng cho khí hậu đặc thù nhiệt đới cũng bắt đầu được mến mộ.

Đó đã là một cuộc ru ngủ dịu dàng kéo dài từ giữa thập niên 90 đến nay, với Tommy Hilfiger đồng hóa lằn ranh giới tính của thị phần trẻ chuộng mốt unisex, trong khi trên thượng tầng mua sắm, các dòng hương được săn lùng và ưu ái bởi sự bảo chứng đẳng cấp của chai lọ và thương hiệu. Phần còn lại hứng trận mưa “cổ tích Lái Thiêu” với những lê táo mận nhà Lempicka và Marc Jacobs cùng Kenzo không ngừng nghỉ tung hoa lên thị phần nữ tính. Hơn một thập kỷ thơm tho kéo dài, những thi vị mùi hương được tóm gọn bằng những cái tên thương hiệu, các bàn thắng thị trường được quyết định bởi thiết kế lọ chai – vốn là những thứ không thể trưng trổ để uy hiếp thị giác. Cùng lúc, thảm họa những dòng hương tội đồ được mệnh danh là “nước hoa Singapore” được hau háu tiêu thụ thật sự báo động cho vai trò của thẩm mỹ khứu giác trong sự thành công của một dòng hương. Người ta từ chối chi trả những số tiền khổng lồ phi lý cho cùng một thứ chai lọ được bán trên các sạp chợ đêm hoặc mạng internet với giá chỉ bằng 1/10.

Không chỉ lằn ranh giới tính và đẳng cấp bị xóa mờ, nhộn nhạo đánh lẫn, mà trào lưu những dòng hương nhẹ thơ lơ cũng đã báo động thoái trào khi mà những số tiền cực xa xỉ được trả cho những làn hương mỏng mảnh đến nỗi người ta phải áp mũi lên da mới cảm nhận được, và được quảng cáo là đỉnh cao của sự tinh tế mùi hương…da thịt vừa được tắm sạch trong bồn jacuzzi thả hoa tươi. Tất cả tan biến chỉ trong vòng 15 phút đầu, với những khứu giác hụt hẫng trước cuộc thăng hoa xí hụt.

Đó là khi người ta nhớ da diết cái thời mà đàn ông và đàn bà tỏa mùi khác nhau, như những cá thể rừng già tỏa hương hormone đặc thù quyến rũ, khi mà đóa huệ duyên dáng của nghệ nhân nhà L’Artisan Parfumeur phải vượt trội về độ cầu kỳ so với note ylang ylang điền dã của những dòng hương giá mềm dân chủ. Những tầng, những lớp hương phức hợp trong một cấu trúc cầu kỳ đã trở thành điển lễ cũ kỹ, đậm đặc và dày vò đủ khiến người ta muốn quay trở lại để thưởng thức từ đầu. Những cú xịt đầu vòi với mỗi hạt bụi dung dịch màu hổ phách là một thiên diễm tình có lớp lang, biến cố được khứu giác kiên trì lần dở từng trang, từng cảnh cho đến khi mùi mẫn ngấm hẳn vào thịt da. Những mẫu vật cũ được săn lùng khắp nơi trên thế giới, các phiên bản trường phái chypre và fourège kinh điển được phục dựng trong những diện mạo và tên gọi mới.

006-M

Những “lỗ mũi” nổi khùng và những dấu chỉ phục hưng

Khi Le Parfum nhà Elie Saab bất thần thắng lớn tại mọi trung tâm mua sắm Sài Gòn, như một dấu chỉ cho một trào lưu tuy chậm chạp cẩn trọng nhưng hoàn toàn chắc chắn của những gu thưởng thức cầu kỳ nhưng không còn cũ kỹ. Le Parfum bắt đầu khôn khéo với việc dẫn dụ thói quen khứu giác bằng hương trái cây, hoa cam, khá thông dụng và hợp thời. Nhưng ngay lập tức là một cuộc chơi vi diệu của đặc tính đàn bà rõ nét với hương hoa hồng và nhài. Sự có mặt của các note tổng hợp mang tên aldehydes chính là yếu tố nhắc nhớ đến cái duyên phấn sáp quá tay của những dòng hương huyền thoại. Việc Le Parfum được ưu ái mạnh mẽ chính là dấu hiệu đáng ăn mừng cho các tín đồ perfumista phe bảo thủ về một cuộc đại chấn hưng.

L’artisan Parfumeur cũng táo bạo xuất hiện tại các thương xá Sài Gòn với hợp hương khá dị biệt do được tạo ra bởi quái kiệt Duchaufour, người đã tiễu trừ vị kem sữa (creamy) đặc thù của hương huệ và tạo ra một cấu trúc kì cục nhất xưa giờ với lối dẫn dụ đặc tả từ…gốc đến ngọn, như thể người ta chào hỏi một quý bà bắt đầu bằng việc hôn vào chân vậy.

Những cú chấn động liên tiếp của các “lãnh chúa” haute couture trong thế giới thời trang từ 2008 theo chuỗi domino đã tác động bạo liệt lên thị trường nước hoa, mỹ phẩm và phụ trang – những rường cột chống đỡ tài lực cho các thành trì xa xỉ cuối cùng, khiến cả kỹ nghệ bào chế phải đi qua sự thỏa hiệp với mãi lực bằng những cấu trúc mùi hương thân thiện bên trong những lọ chai bắt mắt. Đó chính là thời điểm quật khởi bạo liệt của những “tân minh chủ” bất ngờ và bất trị nhất: những phù thủy ẩn danh phía sau những huyền thoại mùi hương, các nhà bào chế thượng hạng, và những chiếc mũi phù thủy nổi loạn.

Những nhãn hiệu độc lập được ra đời, mang danh tánh cá nhân của các nhà bào chế, báo hiệu một sự chấn hưng rầm rộ của những hợp hương cầu kỳ bất hủ, những cảm hứng dị biệt nhất nằm ngoài mọi khuôn mẫu của nguyên tắc hòa hương. Thị trường đang quay sang tôn sùng những dòng nước hoa thượng thặng thoát khỏi hệ nô dịch thương hiệu, mang những tên tuổi cá nhân xa lạ nghiễm nhiên trị vì ngôi vị đắt đỏ nhất trên thị trường. Bond No.9 bỏ cả Nữu Ước vào lọ, quái kiệt Francis Kurkdjian thao túng tín đồ sành sỏi bằng bộ sưu tập trầm hương hừng hực sâu thẳm như những cơn sốt nhục cảm, đế vương đến tận từng con số trên tag giá. Tất thảy, mùi mồ hôi, đồng thau han rỉ trong ngôi cabin gỗ hoang phế, những drap đệm tình nhân, cả những chiếc váy slip dress bằng tơ chưa giặt, và có lẽ cả Nữu Ước lẫn Sài Gòn đều có thể được thần thánh hóa dưới dạng dung dịch, và đựng đầy vào những cái chai.

Cùng lúc, giới chuộng mùi hương tại Việt Nam, dù chưa phải là một cộng đồng to lớn, một khi thói quen và điều kiện mua sắm tại nước ngoài đã trở lại như thời hoàng kim gần nửa thế kỷ trước, lập tức hình thành nhu cầu tìm đến những mùi hương cá biệt và thoát khỏi ảnh hưởng nô dịch thương hiệu hay sự quyến rũ thị giác của thiết kế vỏ chai. Tính cá nhân lại được tôn thờ mãnh liệt hơn bao giờ hết sau gần hai thập kỷ của những dòng hương chung chạ. Sự xuất hiện dù chỉ mới duy nhất một cửa tiệm có dịch vụ tạo hương bespoke tại Sài Gòn để làm ra những lọ nước hoa độc bản cho thân chủ cũng đủ để người sành hương nhìn nhận dấu chỉ đáng mừng cho một nền văn minh pefumista hậu nô dịch.

Bởi tất cả, trên cả hương thơm, đó là thế giới tuyệt xảo của những bản ngã được tôn thờ, của mùi hormone nhân tạo được thần thánh hóa, những tuyệt phẩm nghệ thuật mong manh nhất, tan biến bằng tốc độ tản hương nhưng có khả năng gây nghiện đến ám ảnh lâu dài, món trang sức lịch duyệt nhất của nếp sống phong lưu, kiêu ngạo vượt xa khỏi mọi trưng trổ ồn ào của tầng thị trường nhãn mác.

6a00d83451ccbc69e2017615997dd6970c-400wi

(bài viết đã được sử dụng bởi tạp chí L’Officiel)

MÙI THỊ DÂN

Tình cờ trong một bài nghiên cứu về những dòng nước hoa phong vị Đông Phương đã ngưng sản xuất, tôi bắt buộc phải săn lùng những mẫu vật đã hoàn toàn tuyệt tích khỏi thị trường. Duyên kỳ ngộ đến với tôi từ tay một phụ nữ trung niên, gửi gắm món kỷ vật trong ve nước hoa bằng thứ thủy tinh đã trở nên đục mờ, bên trong chỉ còn chứa không quá 10ml đáy cặn. Sắc hổ phách huyền thoại của thứ dung dịch xa xỉ đã chuyển sang thứ nước màu thắng quá lửa với mùi hương khét ngằn ngặt như những bông hồng chết trên giàn hỏa thiêu. 40 năm về trước, chị là cô con gái gia đình “tiếp quản” một ngôi nhà mà gia chủ đã ra hải ngoại. Trong tất thảy những cuốn album gia đình cùng tư trang để lại, cô gái nhỏ đã lén giữ lại chiếc lọ cầu kỳ như một kỷ vật của một thứ tàn dư diễm lệ mà cô hụt tay sờ chạm. 40 năm, chưa một lần chị dám phí phạm dù chỉ một làn bụi hương sót lại nơi đáy chai. Tôi hứa với chị sẽ hoàn trả mẫu vật sau khi trích lục để phân tích một phần hương bên trong.

Cái cảm giác ấn chạm vào đầu chiếc ve nhỏ, phóng thích một tia bụi nước đó trở nên thiêng liêng kỳ lạ, vượt xa chuyện sửa soạn xức thoa thường tình. Như thứ thanh âm cũ mòn thốt bật từ lòng đĩa vinyl cổ đại còn đính chiếc tem giá, những thước phim nhị sắc run rẩy trên phông bạc sau hàng thập niên trong phòng lưu trữ, tôi nhận ra mình vừa phóng thích khỏi chiếc lọ cũ kỹ cả một nền văn minh thời cuộc, hiển hiện ngay trên cườm tay, với đầy đủ biến cố cầu kì của một tuyệt tác mỹ phẩm, biến dạng nặng nề bởi ngần ấy thập niên đợi chờ được phóng thích.

Vị thần tai ác chui ra khỏi chiếc ve được thiết kế cầu kỳ, và trước khi tôi kịp chọn cho mình một điều ước, tôi bị quăng không thương tiếc lên chuyến tàu ngược thời gian và nhắm mắt lại để thấy mình, không phải ở thị trấn Provence với bạt ngàn đồng hoa lanvande tím, hay kinh thành Ba Lê thánh địa của kỹ nghệ bào chế nước hoa, mà giữa vẹn nguyên thập thành đô thị Sài Gòn gần ba mươi năm về trước: mùi Sài Gòn!

Hương phấn sáp khỏa lấp kỷ điêu tàn

Tại sao những dòng mỹ phẩm đặc trưng được sản xuất vào những năm 20 của Kỷ Ngây Thơ (Age of Innocence) và thập niên 70 diêm dúa luôn khơi dậy trong tôi chỉ cùng một tiềm thức?

Sài Gòn có mùi gì?

Tôi không tin người ta có thể ngay lập tức trả lời câu hỏi này. Bởi Sài Gòn là một đô thị…nặng mùi. Một tạp âm hổ lốn, đa tầng được cảm nhận bởi khứu giác đã mỏi mòn từ quá lâu đủ để chậm chạp bóc tách từng lớp, từng nốt trầm tích mùi hương ấy ra mà phân tích một thứ “hương Sài Gòn” chuẩn xác.

40 năm sống trong lòng Sài Gòn, tôi dõi theo kí ức của chính mình, nhắm mắt lại, hít thở và để mặc những note mùi hương làm công việc của nhà điêu khắc, tạc vóc chân dung Sài Gòn. 40 năm của một hành trình thoái hương đầy biến cố, cho đến khi bất cứ dòng nước hoa xưa cũ nào với trường phái đặc thù của mỹ cảm 1920 và 1970 cũng có thể lập tức phục dựng sinh động một kỳ đoạn nối dài từ giữa những năm 1970 đến cuối thập niên 80 của Sài Gòn, trở mình giữa lệ và hoa.

Đó chính là khoảng thời gian chuyển tiêp giữa nếp sùng bái thẩm mỹ Francophile còn lại của lớp thị dân elite, cùng những tinh hoa Bắc và Trung kỳ hội tụ về đây giữa những năm 50, pha trộn với trào lưu tân kỳ của những dòng hương “drugstore” Hoa Kỳ đầy tinh thần thực dụng và tag giá dân chủ hơn rất nhiều. Thập niên 20 và 70 tiền-disco gặp nhau trong vẻ hào nhoáng cảnh vẻ: những cô đào trang điểm quá tay, những tiến bộ vị lai của khoa học và những nỗi sầu chính trị hợp thời. Chypre và aldehydes, xạ hương đầy nhục cảm và thứ mùi phấn sáp trang kim của trường phái powdery.

Một chuyên viên tâm lý có thể dễ dàng lý giải điều này bởi sự can thiệp của vốn liếng tiềm thức hạn hẹp bó tròn trong đời sống thị dân, bởi những khái niệm đầu đời về thế giới mùi hương đã gắn liền với mọi kí ức của Sài Gòn giữa thập niên 80, bởi những chuyến du hành thần thánh từ những quầy lộng kiếng nhà lồng Bến Thành, đâm xuyên lối chợ trời Tạ Thu Thâu nực nồng xa xỉ phẩm, bước ra lối vào thương xá Tam Đa cũ chỉ còn là những ngách nhỏ sáng lòa giữa ban ngày bởi vải vóc, trang sức và “đồ Mỹ” được bán tống tháo lại từ những gia đình tư sản trước cuộc lưu vong quáng quíu, hay từ những chuyến hàng hải ngoại cứu rỗi nếp tàn dư còn cầm cự lại của thị dân đất ngọc Viễn Đông.

Sài Gòn đã bắt đầu trong tiềm thức khứu giác của tôi như vậy, như những vệt mùi đài các sa cơ, trưng trổ những nếp vàng son phồn thịnh giả cách, xoa dịu và khỏa lấp những phân hủy điêu tàn.

mùi thị dân

Xá-xị, hồng tiêu, hắc quế và nhang trầm Chợ Lớn

Sài Gòn, những năm giữa thập niên 80, người ta ồ ạt săn đuổi những dòng hương có những cái tên phù phiếm độc địa như Poison (độc dược), Mon Pèche (tội đồ) hay Tabu (điều cấm kỵ). Cùng lúc, trào lưu Oriental do Shalimar nhà Guerlain khởi xướng từ đầu thập niên 30 cũng phả làn hơi “hương xa” nồng nàn lên các dòng hương được ưa chuộng bởi sự gần gũi về tiềm thức văn hóa. Các dòng cologne thân thiện Bien Etre trở nên lỗi thời vì âm hưởng Francophile, không ít những chai lọ của thời này còn tìm thấy trong các hiệu bán đồ cổ ngoạn, bên cạnh những xấp dĩa vinyl và những mề đay mỹ kí hoen rỉ của một gia đình tư sản cũ nào đó, ghi dấu gu thẩm mỹ thời cuộc tuốt từ những năm 50 đầu 60.

Oriental, hay còn gọi là trường phái hương Đông-Phương với mùi xạ hương cùng những thứ gia vị nóng như quế, hồi đầy nhục cảm, đã làm nên cả một không khí của giáo đồ thụ hưởng Sài Gòn ngay giữa lằn ranh những tháng năm đầy biến động, nơi hoa và lệ cộng sinh san sát.

Cơn sốt đầy note hương bạo động với huệ, xạ cầy hương, nhục đậu khấu và hổ phách được bào chế vung tay này đã kéo dài đại dịch Tabu và Poison đến tận thập niên 90, và chỉ thật sự giảm nhẹ chút đỉnh trước cơn lụt xa xỉ phẩm tân kỳ thời mở cửa. Những buổi dạ vũ ball famille, những vũ trường chỉ vừa mới được mở cửa lại, những rạp cine mini ở khu trung tâm lại bật lên hơi lạnh lưu cữu của những máy điều hòa đã bất động suốt một thập niên.

Từ khu nhà lồng chợ Bến Thành, băng qua chợ trời xa xỉ Tạ Thu Thâu, kéo dài tới thương xá Tam Đa cũ, về sau là tòa nhà Intershop (đã không còn), xứng đáng được coi là thú bát bộ mới, thay thế cho passage thương xá Eden cũ dù kém hẳn phần lịch duyệt dành cho các bà các cô điệu nghệ. Những lọ nước hoa được bày bán ngay dưới ánh sáng trực tiếp của nắng, hay trong những tủ lộng kiếng chưng đèn nóng hổi – điều hoàn toàn bậy bạ trong nguyên tắc bảo quản mỹ phẩm, với những mức hét giá trên trời, nhưng thời đó còn chưa có vấn nạn hàng nhái, do phần lớn được thân nhân mua từ chính quốc, hoặc do các thủy thủ tàu viễn dương mang về.

Chính thời điểm này đã làm nên dấu mốc thú vị trong gu khứu giác của đàn bà Sài Gòn, hổ lốn và vô nguyên tắc như mọi thứ đặc sản của thị thành tạp chủng này, như bánh mì kẹp chả lụa Bắc Kỳ với pepperoni Ý Đại Lợi xịt xì dầu Chợ Lớn, chiêu trôi cùng ly café B’lao chánh hiệu.

Cũng là một đô thị phương Đông, nhưng người ta đổ xô vào những dòng nước hoa Oriental, khởi phát vào thập niên 20, và tái phát dữ dội trong văn hóa Âu Mỹ vào những năm 60, lây lan tới trào lưu hiện sinh của những năm 70. Đối với dân Sài Gòn, phong vị này vẫn toàn vẹn sự kì thú huyền bí của yếu tố “hương xa”, với hoa hồi và nhục đậu khấu, trầm hương và hồng tiêu, nhưng vẫn đủ gần gụi để nhắc nhớ từ trong tiềm thức những bánh savon trầm thượng hảo hạng được coi là món quà lịch sự dành cho nữ giới, những hiệu thuốc bắc đường Hải Thượng Lãn Ông, như một thứ mùi hương cửa ngõ mở vào lãnh địa phồn thịnh sầm uất Chợ Lớn.

Trong tất thảy những cam bergamot và hồng tiêu, húng quế ấy, cái khứu giác của đứa con nít Sài Gòn háo hức căng phồng đón nhận về hơi hướm phảng phất mùi tinh dầu lá xá-xị đã làm nên huyền thoại thương  mại cho hãng giải khát Con Cọp lúc bấy giờ, thứ mùi nhang khói mỏng mảnh đã đượm lẫn trong không khí từ bao đời, một khi mỗi căn phố đều có cửa tiệm và một bàn thờ ông Địa, mỗi nếp gia cũng leo lét khói nhang đêm, cho đến đình chùa miếu mạo xen kẽ trong khu dân cư. Tôi tin rằng Chợ Lớn sẽ khác lắm, nếu giả như một ngày người Hoa và tập tục cúng kiến không còn nữa, nếu giả như một ngày, đồng loạt những que nhang tắt ngấm. Đó mới thật sự là ngày Chợ Lớn không còn.

2046

Hương bá tánh trên bức chân dung người đẹp Viễn Đông

Nếu gia vị có xuất xứ Đông phương và những ngành quý mộc đã làm nên phong vị ẩm thực gourmand cho Sài Gòn, thì những hương hoa phù phiếm, hương vanilla, hương huệ đậm đà vị phấn sáp kem sữa chính là bức chân dung trọn vẹn nhất của vẻ đẹp đàn bà miệt Ngọc Viễn Đông. Thứ hợp hương tổng hợp gay gắt của những siêu phẩm được bào chế bởi nền kỹ nghệ tân kỳ những năm 70 này khiến những cái mũi thanh lịch đương thời sẽ phải nhăn nhúm khổ sở bởi trò tán tỉnh sấn sổ ồn ào không khoan nhượng, trong khi hương phấn sáp powdery khiến người ta lập tức liên tưởng đến những giá trị lỗi thời gắn liền với nữ hoàng phấn sáp Coco No.5 từng một thời được ưu ái ồ ạt bởi các bà các cô giới thượng lưu.

Tất thảy đều giả tạo và phồn thực, hào phóng như những bờ ngực phồng vun cao phía sau tà áo dài siết eo đúng điệu Sài Gòn. Những người đẹp “cao su” hồn nhiên và hào phóng ban phát cảm giác mềm mại cứu rỗi của nhục thể lồ lộ dưới hai vạt áo hoa. Hương vanilla đặc thù của tiệm Givral với những ổ bông lan ngập ngụa phẩm màu, dày mịn mỡ màng những lớp kem đỏm dáng phủ ngập những chiếc gateaux còi cọc thiếu sữa của thời bao cấp, như những đắp bù xoa dịu thị giác và khẩu vị con nít háu ăn. Những đầu móng tỉa tót cầu kỳ sơn bôi đỏ thắm, những gót hoa nghễu nghện chênh vênh khỏi mặt đường, và thứ mùi da thịt bị tẩm ướp đến biến dạng bởi hương mỹ phẩm, mùi thuốc uốn tóc và ít nhiều những vệt khói ám muội lẫn trong mái tóc, xống áo, tới hơi thở đàn bà, khỏa lấp cả những giọt mồ hôi nhễ nhại của tiệm nước đầu ngõ cuốc xe cuối ngày nhặt nhạnh lối mưu sinh bên vỉa hè phố thị.

Chỉ có sống ở Sài Gòn mới hiểu thứ hợp hương quái đản này, khi mà người ta đi nhảy đầm và ăn tiệm bất kể công việc lao động phổ thông cóp nhặt hàng ngày. Không hề hiếm những huyền thoại vỉa hè về những người ăn xin cuối ngày ngoắc xích lô đi ăn tiệm. Lằn ranh phân biệt được đặt ra rõ ràng giữa những địa vị và lợi tức khác nhau, nhưng quyền hưởng thụ được chia đều cho tất cả. Một nữ hoàng sàn nhảy hoàn toàn có thể kết thúc một ngày của nàng trong chiếc chòi ốp tôn chênh vênh trên mép dòng kênh nước đen, phó mặc ngày hôm sau cho một canh bạc hoàn toàn mới.

Kết hợp hương hoa với xạ hương, trộn với những mùi gia vị hương xa nồng gắt, người ta có được một hợp thể dễ gây say, gây nghiện của mồ hôi dân nhiệt đới nhễ nhại, thứ nhựa sống thật thà tiết rỉ quanh năm, hong khô dưới nắng và phát tán trong gió, hay đượm quện với những cơn mưa đồng bóng bất thần, trộn hòa chuếnh choáng trong ngăn thang máy, rạp cine, những hộp đêm kín gió đông người, nơi xống áo và người ta ma sát vào nhau, tóc trộn tóc, tay đan tay, và tất cả ướp đượm với đồ ăn và thức uống, champagne và bia hơi, đàn ông và đàn bà. Thứ hương “bá tánh” đó đã là một mùi đặc trưng của Sài Gòn, như những ám ảnh kinh hoàng kéo dài dằng dặc lên tận giường ngủ và lụi tàn giữa chăn nệm vào sáng hôm sau. Có lẽ bởi vậy, ở Sài Gòn, người ta bén mùi nhau, ghiền mùi nhau rất dễ. Mỗi cá thể ném mình vào đời sống cộng sinh nơi đây trở thành một phân tử mùi hương cực nhỏ làm nên cả một hợp chất nồng nực, khó chịu, sực nức, giả tạo nhưng gây nghiện và ám ảnh khôn cùng.

Như người đàn bà đồng bóng nhất, hào nhoáng và phù phiếm nhất đã một lần qua trong đời, Sài Gòn không bao giờ cho phép mình bị lãng quên, ngay cả khi người ta nhắm mắt.

02230939a

Mùi Hương Hoa Lệ

Như mọi cấu trúc cơ bản nhất của một dòng nước hoa, mọi kịch tính của mùi hương đều lắng dịu, thẩm thấu vào cơ thể và dâng lên những nốt cuối cùng, như một đoạn kết đẹp, tròn trĩnh, hoặc như những dấu chấm lửng vẫn mãi kéo dài tận trong tiềm thức.

Sài Gòn nông cạn, ô tạp, xô bồ và sống sượng trong cái thói rù quến bằng kẹo ngọt và những phần thưởng “ăn liền”, thói chiêu đãi hậu hĩ tới mức dại khờ và phóng đãng của ả gái hư không chuyên. Nếu ví Sài Gòn như một hợp hương mỹ phẩm, thì có lẽ những note dư hương day dứt cuối cùng ấy, chỉ có kẻ xa Sài Gòn mới thật sự được hưởng trong những mặc niệm hoài hương, hoặc những ai thương tưởng si mê Sài Gòn ngay khi sống giữa lòng đô thị, đủ để nhìn ngắm nhâm nhi những trầm mặc đằng sau phấn sáp trang kim, đủ để kiên nhẫn chờ đợi khoảnh khắc thật thà sau cuối của ả đàn bà đa chiêu.

Khi những mẫu nước hoa cũ khô dần vào da thịt, sự tài tình của nhà bào chế lại một lần nữa vén lộ những phong vị Đông Phương từ lớp hương đầu, đã được lọc qua những biến cố ồn ào nhất của thời cuộc, để lắng mình, vẹn nguyên mảnh khói nhang trầm mặc trong hơi thở về khuya của phố thị.

Một thời gian tôi mướn trọ trên căn gác xép giữa một hẻm bình dân đúng nghĩa điện câu đèn vàng. Cứ khoảng gần nửa đêm, tiếng lóc bóc của thằng nhỏ bán mì gõ lại vang lên, len lỏi vào mê trận không lối ra của những đường ngoặt bất thần chi chít. Thằng nhỏ quê tận đàng ngoài, trôi dạt vô đây phụ việc xe hủ tíu mì như một vạn kiếp di dân mỗi ngày tấp về đây. Nó sẽ chẳng bao giờ nhớ nổi đường ra giữa những lối ngoặt ngoằn ngoèo ác địa của những hẻm bàn cờ đặc trưng phố thị phương Nam này. Ông chú người Tiều sẽ cắm vài cọng nhang vô góc đường gần đó, thằng nhỏ Bắc Kỳ cứ theo mùi nhang, như cọng khói cứu sinh len lỏi hẻm đêm mà lần đường về. Thi thoảng, tiếng lốc cốc leng keng của nó vọng ra cũng đủ khiến ông chú Ba Tàu biết thằng nhỏ liệu đã rong ruổi lỡ bộ quá xa. Họ làm nên một cặp đôi kì lạ giữa cái thành phố này, bắt kết vào nhau trong cuộc sinh nhai đôi khi chỉ bằng làn khói hương mỏng mảnh mà không gian ô tạp của ban ngày sẽ nuốt chửng, quậy loãng và làm đứt bể tan tành chỉ bằng một cú đạp máy xe.

Tôi cũng từng có những đêm như thằng nhỏ Bắc Kỳ đó, ngơ ngác lêu bêu một góc hẻm lạ quơ chỉ bởi một chậu nhài, một nhánh ngọc lan, hay một bụi dành dành nhà ai lén nở đêm. Những trận du miên kì quái đó đôi khi dẫn tôi dừng lại trước một cổng ngôi gia, lập lòe ánh đèn trái nhót trên bàn thờ, nơi chân nhang đã nguội, và một bình huệ trắng đang phập phồng hơi thở vô hình rất sâu. Cũng như bao dân tứ chiếng đất này, tôi từng hôn Sài Gòn thật sâu để hít thở căng lồng ngực ủ ê làn hương bắp rang bơ quá lửa từ lớp váng ly café tréo ngoe trên ghế bố vỉa hè lúc quá nửa đêm chờ sáng, mà thấy thơm phưng phức những bình minh đục ngầu ảo ảnh, văng vẳng tiếng chuông lễ sớm.

Hoắc hương và đàn hương, hổ phách, hồng tiêu và vạn triệu những thành phần xa xỉ trong một dòng hương Đông Phương cũ kỹ cũng có thể gợi nhớ mùi triều dâng ngoài bến Bạch Đằng. Tôi cùng tụi bạn sống tuốt bên Thủ Thiêm, 3 giờ sáng í ới ngoắc con đò gắn máy phành phạc rẽ làn nước đục ngầu về bên kia mảnh lập thể còn lại của Sài Gòn, khi những lương dân tử tế mệt nhoài đã ngủ rất sâu, và những đôi chân có móng sơn kim tuyến vừa kịp rón rén nhịp gõ gót cao qua những hành lang cư xá. Những phấn sáp được tẩy trôi hay vội vàng xóa bôi nhoe nhoét bởi môi hôn vồ vập, những món trang sức mỹ kí cuối cùng được gỡ bỏ, những vệt nước hoa đã lồ lộ mùi hormone thật thà mệt mỏi. Người ta nghỉ ngơi, trong những căn hộ tân kỳ, thành lớp trong những căn phòng giành cho dân lao động nhập cư, buông tuồng thân ái trong những dãy nhà trọ tồi tàn lòe loẹt, nơi mà khoảng cách bán-mua cuối cùng cũng đã bay hơi.

Nếu Sài Gòn là một loại nước hoa, ở tầng hương cuối, điều khiến người ta luyến lưu dày vò dai dẳng nhất, đó là bởi thứ mùi hương mệt nhoài, giữa những ẩn ức và trưng phô thường nhật: người ta ngửi thấy Chính Mình, trước khi thiêm thiếp bằng an sau thêm một canh ngả nghiêng nữa của Lệ và của Hoa.

017-L

(bài viết đã được sử dụng bởi tạp chí Người Đô Thị tháng 06/2015)

bên dưới sớ vải Windowpane

suits4

Nhớ thời áo may guốc thửa…

Tôi vẫn còn nhớ khoái lạc thiêng liêng nho nhỏ rất Sài gòn của tụi học trò, như việc cắc củm xin tiền bỏ heo để trịnh trọng thỉnh về cây bút máy Hero và chơi sang mang cái vật thể vi diệu đó ra cho ông thợ trước cổng trường để khắc lên đó tên mình và một cái hình gì đó nhỏ xíu, thật sến để tâm đắc tận hưởng cảm giác sở hữu hoàn toàn khi tên họ đã được đường hoàng khắc lên thân cây viết máy, tô bằng một lớp nạm nhũ kim óng ánh.
Đó là cái khắc khoải của cảm nhận sự vô tận đến sốt ruột của thời gian khi khấp khởi cầm xấp vải ra tiệm may đặt thửa bộ đồ Tết hay tấm áo dài đi học. Đó là cái hoang mang của những lần chạy ra tiệm để ướm những mảnh vải lên người, cố lờ mờ hình dung ra tấm áo hoàn thiện sẽ ra sao và cái khấp khởi huy hoàng của ngày hẹn cuối cùng khi chiếc áo ấy, nghiêm chuẩn đến từng li, được ốp vừa khít trên đường lượn sống lưng con gái, đôi vai raglan nuột tròn không tì vết.
Tất cả mọi thức khi ấy đều được đặt, thửa ngoài tiệm và phải trải qua những đợi chờ hành hạ như vậy cho đến ngưỡng cuối cùng của khoái cảm sở hữu. Chúng tôi đã chọn những cặp guốc vẽ bông ngoài chợ, chọn riêng cặp quai rồi khấp khởi ngồi ướm chân chờ đo, chờ đóng từng chiếc đinh đồng ngập vào thân gỗ, cho đến khi chiếc gót cao su được gọt mài tinh xảo êm chân, nâng niu tới độ phải e dè bước chân sáo trẻ nít được quà. Chúng tôi, những đứa nhỏ lớn lên từ đống bầy nhí nhố hồi hộp bu quanh chiếc xe ông bán tò he, đứa có tiền mặc lòng vòi vĩnh mọi thức tham lam trong trí tưởng tượng trẻ con, từ con heo hồng cài bông xanh, con gà trống có 7 màu sặc sỡ hay ông Tề Thiên tay cầm thiết bảng thiệt oai. Tất thảy đều có thể được đáp ứng chỉ sau vài phút, dưới ngón tay nhoay nhoáy ngắt bột, nặn hình của người đàn ông mà khi ấy, với chúng tôi như một vị anh hùng.
Những chiếc giỏ xách lục bình, những chiếc nón vải mềm, hay thậm chí cả cặp bông hay chiếc lắc vàng “làm của” đầu đời của con gái mới lớn cũng được thửa đặt ngoài tiệm kim hoàn. Tôi xin cho mình một chiếc lắc, và ông thợ bạc hạ cặp mục kỉnh nghe tôi kể lể về những món tòn teng diêm dúa tôi muốn đính treo vào đó. Đúng ngày hẹn, tôi đến cửa tiệm, ông thợ bạc long trọng lau sạch đôi bàn tay chai sần rồi kéo ngăn tủ gỗ, nhón ra cho tôi một tia nắng vàng quý báu, lóng lánh những chiếc chuông, trái tim, những con mèo con vịt bằng vàng nhỏ xíu tòn teng được đính trên cọng xích đã được đo vừa cườm tay con gái, cùng chiếc thẻ bài khắc hoa mỹ tên tôi.
Và khi mùa Giáng sinh sắp tới, trước những chuyến nghỉ mát lên Đà lạt là những chiếc áo len được đặt đan từ vài tháng trước, tăng bội vạn các thi vị khấp khởi đợi chờ.

Bên dưới sớ vải Windowpane
Trong khi má con tôi sắm sửa quanh năm như vậy thì ba tôi mỗi năm cùng lắm ông chỉ có một hai bận ra tiệm may đồ mới. Những cửa tiệm của những ông thợ già đeo suspenders ngang vai, tay chemise nhàu nhĩ xắn cao quá khuỷu và sợi thước dây màu xác pháo vướt choàng qua cổ. Tôi đứng bần thần trước chiếc kệ lộng kiếng đã ố bụi, xếp san sát nghiêm mặc những súc vải dài từ đen, chàm, beige, và cả màu trắng creme, xanh bleu cho phụ nữ. Tôi hiếu kì chú mục vô bộ khuy manchette và kẹp cravatte mạ vàng đã ố, vài ba chiếc nơ đen bằng satin hồ cứng đã sờn toe hai mép như những hiện vật về thế giới bí mật của đồ tế nhuyễn đàn ông.
Ông bác chủ tiệm ngoắt tay gọi mua cho tôi cái bánh cam làm quà trước sự cự tuyệt của ba, rồi mới yên tâm quay qua đo đo đạc đạc. Tôi leo lên chiếc ghế phó may, đặt chiếc bánh gói trong giấy dầu lên đùi, ngắm nghía cái nghi thức long trọng ấy, hồi hộp tưởng tượng ba trong bộ lễ phục bảnh bao, như kép cine, với bông cẩm chướng đỏ cài trên ve áo.
Tôi đã đếm ngược từng ngày để được cùng ba đi “thỉnh” bộ đồ vía. Ông bác chủ tiệm dường như vẫn chưa hề thay chiếc chemise nhàu nhĩ với cặp suspenders vắt hai vai, hãnh diện hai tay rước bộ comple nặng trịch ra khỏi tủ đứng, nhanh tay gạt mớ nhật trình khỏi bàn cắt rồi long trọng trải tác phẩm màu chàm sẫm trước mắt tôi.
Như một nhà ảo thuật ranh mãnh, ông luồn tay vô ve áo rồi lật ra cho tôi ngắm lớp lót bằng thứ lụa mà theo ông là thượng hảo hạng chằn lót bên dưới lớp vải tweed loại Windowpane mà sau này tôi biết ra đời từ cuối thế kỷ 19 và đã từng tái thịnh vào thập niên 70, trước khi tôi sinh ra.
Tôi thất vọng: nó không hề bóng bẩy như bộ áo đuôi tôm của kép Gable hay mấy vị nhạc trưởng. Ông chủ tiệm cười xuề xòa bảo rằng hàng cổ sam bọc satin đó chỉ hợp với nghệ sĩ hay đại lễ, chớ thương nhân, trí thức bận bóng bẩy coi kì. Ba tôi gật gù tấm tắc khen lớp lụa lót trong thiệt khéo, không lệch nhăn luộm thuộm, không bắt điện với lớp áo chemise kêu rẹt rẹt như mấy hàng vải tổng hợp rẻ tiền.
Đó là lần đầu tiên tôi học bài học của mình về kỹ nghệ dệt may, khi ngỡ ngàng nhận ra cái căn nguyên cốt cách của một món may đo hàng thượng phẩm, ấy chính là cái chiều chuộng khéo léo tỉ mỉ với chính cái thân thể con người bên trong lớp áo, chứ không phải chỉ phụng sự ánh mắt người ngoài ở mặt vải trên cùng, và rằng cái đẹp của một bộ comple đo thửa đó chính là cái bộ khung cốt bởi những coup cắt được tính toán như thể một công trình kiến trúc, làm nên phong thái tôn nghiêm cao quý cho người mặc, phong lưu nhưng khiêm nhường nhã nhặn.
Ở đó, trong căn tiệm của thứ hào hoa ố vàng xộc xệch ấy, tôi tưởng tượng ra những ông hoàng…
Tôi lớn lên như vậy, từ những bữa cơm nhà, những bộ cánh áo đo guốc đóng, những cửa tiệm tàn dư bespoke và giữa những ông hoàng.

savile row

Bản ngã Bespoke và sự khiêm nhượng của tao nhân
Nói tới Bespoke, người ta nghĩ ngay đến con lộ của nếp phong nhã Savile Row, nơi những quí ông Âu châu, những chính khách, thương gia, học giả tìm đến để tôn thờ nghiêm cẩn cái nguyên tắc cốt lõi đặc thù của những bộ Âu phục chuẩn mực, với ni tấc được đo đạc riêng cho từng thân chủ, của những cuộc hẹn tới lui ướm thử những mảnh pattern được ghim đính cho đến khi vừa khít cơ thể, đính lược bởi những chiếc đanh ghim phó thợ, và điển lễ long trọng của ngày hẹn cuối cùng, bộ vía thành phẩm đã được hoàn tất trọn vẹn, chi li tới từng mũi khâu, những panel ngực, lưng, vai ốp mĩ miều hoàn hảo trên cơ thể như một bộ da thứ hai hào nhoáng, thứ mà không một cá thể thứ hai nào trên toàn địa cầu có thể xỏ tay ướm mình hoàn toàn vừa vặn như thế. Trên cả một bộ vía hoàn hảo, đó là dấu ấn cá nhân của cả phong cách, gout thẩm mỹ cá nhân của thân chủ, và dấu ấn tài hoa như chữ ký nét thủ tự của tay thợ đã nắn nót từ đường khâu tay cẩn trọng, nét thửa vải tuyệt tài.
Chính từ cung lộ ấy, phong cách hình thức nam nhân Tây phương được định hình nghiêm ngặt, những yếu nhân hàng đầu cho đến vị giáo sư, những thầy ký thượng lưu được phủ đắp lên một lớp giáp trụ không chỉ che khuất những yếu nhược trong thần thái phong mạo, mà còn thị uy tư chất tôn nghiêm của trang quân tử chuẩn mực Âu châu, những bờ vai rộng, dáng ngực vươn kiêu hãnh và những khống chế tế nhị khiến kẻ khoác bộ vía không thể mặc lòng khoa tay múa chân hay buông thõng tư thế trong giao thiệp.
Cũng từ những ngôi tiệm trên lối lộ lừng danh của những tay kéo già cự phách, những thế hệ làm nên huyền thoại đã gia nhập nền công nghệ thời trang đa sắc toàn cầu với một tinh thần haute couture tôn thờ cá nhân tính, những tuyệt phẩm độc bản cầu kì và lòng hãnh tiến cốt cách quân chủ.
Những đợt đại khủng hoảng toàn cầu khiến những đế chế couture liên tiếp rùng rùng sụp đổ, vụ phế truất ô nhục của Galliano, Lacroix bị bức tử, Saint Laurent đã ra người thiên cổ nơi vườn Majorelle, Versace mất Gianni, đành cam hạ cố đặt mình vào thị trường bình dân xa cạ bằng những phiên bản công nghiệp mang tag giá sặc sụa tinh thần dân chủ… Phe quân chủ của thế giới thời trang đã ngậm ngùi đón nhận cuộc thoái trào bi thảm của những giá trị được tôn thờ và những đại lễ haute couture trở thành những bữa tiệc carnival buồn bã của bữa chợ chiều, khi mà thuộc tính thương mại đã khuất phục nét hoa mỹ của những tuyệt tác may mặc và biến chúng thành những mẹt hàng cháy chợ khi được hạ cố sản xuất rập khuôn dưới hình hài thân thiện hơn, cho một địa cầu của những bộ da được tạo hình hàng loạt.

Đây có phải là bờ vực sau cuối của tôn giáo cá nhân?

Người ta không còn bị thống trị bởi những trường phái coup của những tay kéo thuần chủng Ý Đại Lợi hay Ăng lê nữa, đại dịch globalization xóa nhòa lằn ranh trường phái của những nét dị biệt của những dấu vân tay tài hoa và đặc chủng. Người ta mua những bộ suits được may hàng loạt, những mũi kim dây chuyền số hóa không tì vết, không cả dấu vân tay, và nhân loại được chia thành các nhóm size đánh số hoặc từ S đến XXL,…
Những thương hiệu lên ngôi, người ta đồng loạt khoác lên mình những mẫu tự và tên gọi hàng loạt, những phong cách được định đoạt bởi tính nhất thời của trào lưu và đó là sự kết liễu của những trường phái đã thành bất hủ, và những cặp manchette trắng chỉ còn là nét tàn dư giành cho những buổi hòa nhạc, và để thỏa mãn nhu cầu cá nhân hóa ở mức tối thiểu của thị trường, người ta có những lon nước ngọt in tên riêng và quyền tùy chọn trang trí màn hình điện thoại thông minh.
Và, như một kẻ lạc thời còn lại, giữa lòng Sài gòn, giữa những cuộc đổ bộ mời chào những trào lưu hình thức của màn hình điện thoại được cá nhân hóa, những bao ốp lưng tablet và những nhóm người được phân loại theo size ngoại hình, tôi chợt nhận ra sự giàu có vô biên của những kẻ vẫn có thể chọn thửa một vuông vải ngoài chợ mang ra tiệm, đủ cầu kì đến từng phân li thước thợ và thừa xông xênh dư dả để khấp khởi đợi chờ một lớp vỏ ngoài vừa vặn cho riêng mình, chọn cho mình một cốt lõi yêu chiều ve vuốt trên từng lớp da thân thể hơn cả việc khoa trương cho sự trọng vọng ngoại thân qua sắc hoa nhãn hiệu bên ngoài, chọn tôn thờ châu thân Bản Ngã bằng thứ hàng tơ lụa xa xỉ nhất, những form coup cho một Tư Phong tự tôn kiêu hãnh, và chọn lớp vỏ bọc ngoài cùng bằng những sớ vải thô của thứ hàng tweed kinh điển, phong lưu, nhưng nhã nhặn khiêm nhường.
Bản ngã cuối cùng của bespoke đã nằm lại đó, bên dưới lớp vải lót trong cùng, tự do khỏi ánh nhìn và mọi lời đánh giá, để phụng sự suy tôn điều duy nhất giữ người ta đứng thẳng thớm bên ngoài guồng quay trào lưu đồng hóa, nơi mỗi cá thể được tôn trọng và phụng sự như những ông hoàng đích thực.

suits

huyền sử tài nữ Paris

Trác Thúy Miêu

reutlinger-studio-postcard-depicting-the-dancer-cleo-de-merode-1875-1966

Nàng là gái Paris chánh hiệu, dù có một số tư liệu cho rằng nàng tên thật là Hortense Gervais sinh trưởng tại vùng Bordeaux hay Biarritz. Sinh ra dưới cung Thiên Bình, Cleopatra Diane de Merode còn là ‘con gái Vệ-nữ thần’ dựa trên tín ngưỡng chiêm tinh phương Tây, khiến nàng được bảo đảm đủ mọi ưu chất tài hoa, phong tư kiều mị, nhưng trên hết là tư duy sùng bái Cái Đẹp cùng lòng kiêu hãnh của một trang anh thư dòng dõi trâm anh thứ thiệt, con gái họa sĩ phong cảnh và một cựu diễn viên người Áo. Cha cô, Karl von Merode tự nhận mình là nam tước Freiherr von Merode đến từ một dòng dõi cổ kính tại Bỉ.

Và đây chỉ mới là lần đầu tiên số mệnh lắm khuất tất của nàng liên quan đến vương quốc này.

images (5)

Scandal đầu tiên: Màn thoát y bất đắc dĩ 

Bé Lulu, theo cách gọi âu yếm của song thân dành cho nàng, sớm hé lộ thiên hướng nghệ thuật, được gửi đến học viện Paris Opera Ballet từ lúc 7 tuổi. Và khi mới 11 tuổi, cô bé có mớ tóc mây xoăn tít đã có buổi ra mắt đầu đời trên sàn diễn danh giá của kinh đô hoa lệ.

Tất cả đã hứa hẹn một nghiệp lộ lẫy lừng cho một tượng đài nghệ thuật chuyên chính – nếu như nhan sắc ma mị của nàng đã không mê hoặc cả châu Âu, làm mụ mị mọi họa sĩ, nhiếp ảnh gia, lẫn giới truyền thông lúc bấy giờ, vượt xa tài hoa của đôi chân vũ nữ.

Người ta định danh nàng chính là hình mẫu đầu tiên của khái niệm celebrity trên thế giới – nơi mà phong mạo trội bật, thị hiếu thẩm mỹ cầu kỳ và những cuộc tình lâm ly có thể mang thứ hào quang lấn át cả tinh hoa tài khí.

13 tuổi, tiểu thần nữ Cleo đã là nàng thơ phía sau những họa phẩm bậc thầy của Jean-louis Forain và Edgar Degas. Ba năm sau, nàng đã vang danh khắp kinh đô Paris với mái tóc sơn nữ rối bồng bềnh, chẻ chuẩn chu giữa vầng trán Đồng Trinh, viền bằng những vành xuyến đính đá óng ánh, xổ tràn xuống tận vòng eo không tưởng, dệt thành một chiếc khăn shawl đầy đặn lăn tăn sóng tóc. Người ta ghi dấu dung nhan nàng trên mọi tấm bưu thiếp, cỗ bài và các bích chương quảng cáo. Mái tóc sơn nữ và đôi mắt yêu tinh trong như ngọc của Cleo trở thành một mẫu mực về nhan sắc đàn bà đầu thế kỷ 20, dẫn lối cho những nếp tóc xoăn, mắt mơ viền chì và những đôi môi bé xíu như đinh ghim của Kỷ Ngây Thơ 20’s, với các dải băng trang kim trên tóc, điệu vũ chanson phóng đãng và những chuỗi cườm tung tẩy trên váy flapper.

14cd606ffe2997d6bb58b37f0a020bb6

Nàng được cưng chiều, săn đón, ái mộ khắp nơi, và nghiễm nhiên trở thành giai nhân được chụp và họa hình nhiều nhất trên toàn nước Pháp, mà người ta còn cho là trên cả châu Âu.  Cleo trở thành nàng thơ hiển hiện qua rất nhiều tuyệt phẩm của các danh họa bậc thầy cùng thời cho đến nay vẫn được lưu truyền, làm nên một định hình bất hủ của “thẩm mỹ tiền showbiz” đầu thế kỷ trước.

1d3a0b449b4bcad1e4f7021e22f261d6Alfredo Muller, 1869-1939, cleo de m etching c.903Boldini cleobab59a8a7d7bc63c49eca18d3d2fcdb4

Portrait of Cléo de Mérode Georges Jules Victor Clairin (Fr843-919)

Danh họa người Áo Gustav Klimt cũng từng là một nạn nhân chung của cơn sốt Cleo. Nàng xuất hiện rất nhiều trong các tuyệt phẩm ma mị của ông, và về sau, bộ phim mang tên Klimt năm 2006 còn hiển hiện ít nhiều câu chuyện của danh họa và nàng vũ nữ Pháp qua nhân vật “Lea de Castro”.

Năm 1895, Toulouse-Lautrec vẽ chân dung Cleo. Năm tiếp theo, đến lượt nhà điêu khắc Alexandre Falguière rơi vào cơn sốt Cleo, làm nên cả một cuộc náo loạn nhỏ tại Paris Salon khi ông vén tấm trướng che trên tác phẩm mới của mình, phô bày bức tượng Cleo khỏa thân đầy mê đắm. Bản thân nàng thơ yêu kiều cũng bị chấn động trước phiên bản trần truồng mỹ diệu của mình. Trong bức thơ gửi chủ biên tờ Le Gaulois, nàng tha thiết phủ nhận mọi tin đồn rằng Falguiere đã sáng tác dựa trên mẫu thật: “Rất mong ông vui lòng đính chánh lại cùng độc giả của quý báo rằng tôi không hề là người mẫu nguyên bản cho bức tượng của ông M.Falguiere, sự khác biệt có thể được minh chứng nếu lưu ý quan sát đầu của bức tượng”.

họa phẩm Cleo in the Salon của Carlos Vasquez y Obeda minh thuật lại scandal đầu tiên của nàng với bức tượng khỏa thân

Nhưng hẳn nhiên, không ai quan tâm đến cái đầu của bức tượng Cleo khỏa thân cả!

Sau biến cố đình đám này, nàng rút lui khỏi vùng hào quang danh vọng lẫn ánh đèn sân khấu, với lời giải thích là do nỗi lúng túng khổ sở khi chịu đựng những ánh nhìn lia khắp châu thân nàng và liên tưởng đến “bức tượng trần trụi kì khôi nọ”.

Bức tượng định mệnh The Dancer của Alexander Falguiere hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Musée d’Orsay.

garv_07b

Người đẹp bịt tai và lịch sử mốt tóc chignon

Sau vụ “bảo vệ môi trường” bất đắc dĩ, thị dân Paris háu tin vẫn có cách xoay sở để sản sinh thêm những tin đồn khi nàng vắng mặt, và ‘tác phẩm’ tin đồn mới nhất của họ khi này là nhưng lời xì xầm độc mồm rằng người đẹp de Merode trên thực tế không có… tai! Sự thể bắt đầu từ mốt tóc chignon của Cleo, với mái tóc dày che phủ hai bên khuôn mặt búi lại phía sau.

images (1)

Quả là một mánh khóe thần sầu, vì ngay sau đó nàng Cleo tội nghiệp buộc lòng phải tái xuất trở lại hòng minh chứng sự tồn tại đầy đủ của các cơ quan nghe nhìn trên cơ thể mình. Cuống quýt đối đầu với tin đồn quái gở, nàng xuất hiện ở khắp mọi nơi, tại nhà hát, đi dạo miệt mài trên các phố lớn trung tâm, ngược xuống Bois, tóc xõa được vén cao, lộ rõ một đôi tai đăng đối bình thường như hàng vạn đôi tai thị dân háu chuyện khác. Và từ đó, mọi quý bà quý cô Paris hoa lệ đều nhất loạt bới đầu theo kiểu tóc chignon. Mốt này về sau kéo dài đến cực thịnh vào những năm 1920.

images (8)

Tình lang phiền toái và kỳ tích ballet bị lãng quên

Tuyệt nhiên, những biến cố ngoạn mục này không hề làm phương hại đến danh tiếng Cleo, mà trái lại, như hệ quả tất yếu của mọi cơn sóng của sắc màu dư luận, Cleo càng sở hữu một hấp lực khó cưỡng đối với sự hiếu kỳ của công chúng. Nói ngắn gọn lại là nàng nổi như cồn.

Vào cuối năm 1895, một sự kiện lẫy lừng đã xảy ra, kết thúc đầy cao trào cho một năm đầy ngoạn mục và ám ảnh phần số Cleo mãi về sau. Vua nước Bỉ, hoàng đế Leopold Đệ Nhị, vốn là một tay hào hoa khét tiếng, tuyên bố mượn dịp công du thương lượng về quyền lợi thuộc địa để đến kinh đô hoa lệ và thân chinh khám phá sự thật về tiếng tăm tài sắc giai nhân trứ danh Cleo de Merode trong một buổi diễn của nàng. Nhiều tư liệu lẫn tin đồn thị dân thời bấy giờ cho rằng vũ đoàn nhà hát nhạc vũ kịch Paris chính là đại bản doanh thanh lâu hạng sang trên đỉnh thượng lưu của một Paris phóng đãng. Giới săn tin mau mắn đúc kết một mối tương quan giữa thói hào hoa của vị quân vương ngoại quốc và nhan sắc của nàng vũ công đang gây sốt toàn thành.

images (9)

Khắp kinh thành Paris, trong mọi phòng trà lẫn phòng the, người ta hau háu truyền tụng những tình tiết lâm li lẫn dung tục về mối dan díu giữa nàng kỹ nữ vang danh 22 tuổi và vị khách làng chơi vương giả hơn nàng ngót nghét 40 niên. Người ta nói rằng Cleo chính thức trở thành gái bao hạng sang, món đồ chơi ưa thích mới của vị quân vương phong tình, người ta trầm trồ truyền tụng về những món quà sang trọng nàng được dâng tặng, về toa riêng đặc biệt được thiết kế riêng cho Cleo và lắp thêm vào đoàn hỏa xa hoàng gia Bỉ để nàng tháp tùng nhà vua trên đường kinh lý. Họ, rất rất lâu trước khi Brat Pitt và Jolie trở thành Bragelina, được gọi chung bằng một cái tên sặc mùi showbiz: Cleopold!

Kin Leopold and Cleo De Merode taken from the Taschen book Art Nouveau

Trên thực tế, cho đến tận thời điểm này, Cleo vẫn chịu sự giám sát khắc nghiệt của thân mẫu. Bà cựu minh tinh cùng con gái kiên quyết phủ lập mọi tin đồn liên quan đến vị vua hoang đàng, khẳng định rằng thứ duy nhất nàng từng nhận của vị khán giả trứ danh này là những bó hoa hồng chúc mừng vào sau các buổi diễn. Các tòa báo vẫn nhiệt tình loan tiếp thông tin tỉ mỉ đến từng chi tiết về chuỗi ngọc trai trắng muốt được vị quân vương gửi tặng Cleo, và về căn hộ huy hoàng ngài dùng để cất giữ nhân tình. Trong khi đó, Cleo vẫn ngày ngày lên xuống 5 tầng lầu để đi về căn hộ nơi cô vẫn sống cùng mẹ như một con chiên Công giáo ngoan đạo. Tuy vậy, những lời quy buộc vẫn hấp dẫn đám đông hơn. Trò tiêu khiển lỗ nhĩ của đám thị dân háu chuyện đã đến hồi tai quái, Cleo đào tẩu khỏi Paris để đến St.Petersburg, nơi nàng rơi tiếp vào những tin đồn truyền khẩu về lòng ái mộ bất thường của các bậc vương tôn dưới thời Sa Đế. Những lời xì xầm truyền tụng, những tình tiết li kỳ và phóng túng đã trở nên ồn ào lấn lướt cả kỳ tích của lịch sử nghệ thuật múa ballet: nàng đã trở thành nữ vũ công ballet đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật múa diễn cùng bạn diễn nam là Rupert Doone tại nước Nga.

Cleo de Merode-10

Cleo lại trở về Paris để chứng kiến tiếng tăm của nàng đã lẫy lừng hơn gấp bội, tỉ lệ thuận với mức thù lao cho mỗi lần xuất hiện trên sân khấu. Khôn ngoan và chai sạn hơn rất nhiều sau những biến cố vừa trải, Cleo quyết xem đó là một cơ hội vàng. Nàng nhận một khoản thù lao khổng lồ để xuất hiện tại nhà hát hí kịch Folies Bergere – điều mà chưa vũ công ballet nào từng làm trước đây. Cleo ngạo nghễ xuất hiện và yêu kiều bước qua mọi đàm tiếu bằng đôi chân vũ nữ, điều này mang lại cho nàng một lượng khán giả ái mộ khổng lồ chưa từng có. Vài tháng sau, tờ The Éclair phát động cuộc bầu chọn ra người đàn bà đẹp nhất Paris. 130 tấm ảnh được trưng bày trong một gian phòng của bản doanh tờ báo cho mọi thị dân đến thưởng lãm và bình bầu. Cleo đoạt danh hiệu tuyệt sắc giai nhân với số phiếu bầu gần một nửa trên 7000 phiếu bầu.

cleo11_2

Cho đến tận bây giờ, mối dan díu với hoàng đế Leopold vẫn là scandal được nhiều người truyền tụng nhất, làm nên vầng hào quang về tiếng tăm bậc nhan sắc đã ra người thiên cổ. Thám tử đặc vụ Xavier Paoli đã gặp gỡ với Cleo sau khi tin về mối tình vụng trộm đã kịp lan truyền khắp nơi. Ông ghi chép lại trong hồi ký mình, chứng thực lời tạ lỗi của đích thân nhà vua Bỉ: “Cho phép tôi thể hiện lòng thành tâm ân hận, bởi những quy buộc nhân gian dành cho tôi đã làm thương tổn danh phẩm quý cô. Than ôi, chúng ta đã không còn được sống trong thời cuộc nơi mà lòng ái mộ của một vị quân vương không hề là một tai họa! Cuối cùng, tôi chỉ là một ông vua quèn” (nguyên văn: I am only a little king)

Kỹ nghệ lancée của thần nữ Nam Vang trên giọng đờn Gia Định

2 năm sau biến cố bức tượng khỏa thân và tin đồn… không tai, cùng mẹ và người quản lí tiệm hí kịch Folies Bergere, khi này cũng là người đại diện của nàng, cùng 9 rương tư trang và một chú chó cưng, Cleo đến Tân Thế Giới lưu diễn trong suốt một tháng tại Nữu Ước.

Mặc dù trước đó, cả một chiến dịch lót đường cho người đẹp Pháp đã được tiến hành, với những bưu thiếp mang hình ảnh của nàng được bày bán khắp mọi quầy báo, nhưng chuyến lưu diễn đã không thành công như kì vọng. Giới truyền thông ghẻ lạnh trong những bài bình luận hờ hững đầy mai mỉa, ca tụng nhan sắc người đẹp Paris nhưng miệt thị vũ đạo cũng như diễn xuất của nàng. Vào ngày Cleo ngán ngẩm rời Hoa Kỳ, tờ Boston Globe bồi thêm một cú tiễn biệt bằng việc gọi nàng với hỗn danh “The Frost” theo lối chơi chữ quái ác, vừa có nghĩa là “đóng băng”, vừa mang nghĩa lóng lối Mỹ là “thất trận”. Mặc nhiên, Cleo tái xuất Paris, rủng rỉnh 9,000 Mỹ kim thù lao từ chuyến lưu diễn, tức là gấp 40 lần thu nhập hàng tháng của chính nàng tại Paris.

Năm 1899, thân mẫu Cleo qua đời, cũng là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành hoàn toàn cho bản lãnh Cleo. Nàng trở thành một nữ thương gia thực thụ biết khai thác hình ảnh và tiếng tăm bản thân ở mức tuyệt nghệ. Nàng tỏ ra nhã nhặn và lịch lãm trong mọi cuộc phỏng vấn, và khéo léo điều khiển báo giới lẫn dư luận và tình cảm công chúng theo hướng có lợi nhất. Các phóng viên được vời tới có mặt tại các cuộc họp giữa nàng và ban giám đốc nhà hát, cho phép họ tiến sâu vào quan sát hậu đài kì thú của công nghệ giải trí Paris,  nơi nàng thi triển mọi tinh hoa tài khí ở cả tư cách diễn viên lẫn trong mưu lược cổ xúy danh tiếng cá nhân. Những lúc nhàn rỗi, Cleo chơi dương cầm (nàng được biết là một cầm thủ hàng cự phách dù không bao giờ chơi đàn trước công chúng) hoặc đạp xe rong ruổi những ngõ đường vắng vẻ ở ngoại ô Paris.

be0d5f7d3ea49aca71cae05a3025f96a

Trong những năm tiếp theo, Cleo thật sự trở nên một danh tiếng minh tinh ca vũ tầm quốc tế, nàng lưu diễn xuyên lục địa và nhiều lần danh giá tái xuất Hoa Kỳ. Vua Xiêm Chulalenghorn khi đến Paris đã được nàng ưu ái dàn dựng riêng một chương trình nghênh đón, bản thân Cleo xuất hiện trong bộ phục trang diễm lệ theo lối hương xa, mình dát vàng, kim miện có chóp nhọn như các thần nữ trong tín ngưỡng Đông phương. Nàng uyển chuyển múa theo lối truyền thống của vương quốc Xiêm nhưng được thêm thắt cải tân bằng phong cách Parisian chánh hiệu.

06879ede34d09fac62db63aef68dc96b

Buổi diễn được hoan nghênh rầm rộ, công chúng Âu châu nức lòng trước vẻ đẹp hương xa khi được thể hiện trên trang tuyệt sắc Paris, sự pha trộn kì diệu giữa đôi mắt như cặp ngọc lưu ly đặc thù của người phương Tây, mớ tóc digan dầy dặn xõa dài trong phục trang Đông phương lạ mắt. Từ đó, Cleo liên tiếp ra mắt công chúng trong những màn múa mang âm hưởng Á đông, trong các bộ trang phục từ Cao miên đến Chà và và luôn được nức lòng ái mộ như một sứ thần thân thiện sau cách sách lược chánh trị hảo hữu của chánh quyền Phú Lang Sa.

60cf680627cf61368e153e7a4c60f3c0

Năm 1900, người ta cho vời ban đờn An nam đến Paris phô diễn nét văn hóa của quốc gia thuộc địa. Để thu hút công chúng và sự quan tâm của truyền thông, nữ hoàng nhảy múa de Merode được mời xuất hiện biểu diễn trên nền nhạc tài tử An Nam. Nàng xuất hiện trong những món trang sức theo lối cung đình Nam Vang và diễn tấu một vũ kịch truyền thuyết được cho là của người Chà Và, khi này được người chánh quốc lờ mờ coi là một nền văn minh Đông Dương nhất thống. Màn diễn tấu được đặt tên là Vũ Khúc Đông Dương dù sai trệch với tinh thần văn hóa An Nam nhưng lại tình cờ phối hợp mượt mà hơi hướm Cao Miên trên giọng đờn của ban tài tử Gia Định, và sự xuất hiện của Cleo đã khiến buổi diễn nổi tiếng đến mức nhà nước Phú Lang Sa chọn in hình trên con tem lưu hành khi ấy. Đây cũng là cơ duyên cho các nhà nghiên cứu về sau tìm lại bản ký âm thất truyền của bài đờn huyền thoại.

play-it-again

1 franc cho thanh danh thần nữ chốn hoàng tuyền

Tháng Sáu 1902, trên đỉnh vinh quang của các tiết mục múa mang màu sắc phương Đông, Cleo đến Anh quốc lần đầu, với trình mục gồm toàn bộ các bài diễn đa chủng đình đám của mình trong đợt lưu diễn kéo dài 2 tuần liền tại nhà hát Alhambra Luân-đôn gồm các điệu vũ âm hưởng Boheme, Hi lạp, Y pha nho và Cao miên. Năm 1904, khi lưu diễn tại Thụy điển, Nam tư, Đan mạch, và đặc biệt ghi điểm lẫy lừng tại Stockholm với những đám đông ái mộ nô nức tụ tập trước rạp diễn phong tỏa mọi con đường chỉ để nhìn tận mặt giai nhân. Hồi hương sau chuyến lưu diễn ngây ngất, Cleo tung cho chủ biên tờ Figaro tất thảy 3000 bức thơ tình thu thập được từ chuyến đi. Rất nhiều trong số đó được chọn đăng tải dài kì trên nhật báo.

images (13)

Nhưng về sau, Cleo giảm dần mật độ lịch trình diễn. Mặc cho lợi nhuận và lòng ái mộ vẫn ngày lên cao, Cleo dần tỏ ra đặc biệt thích thú với điêu khắc – chính bộ môn nghệ thuật đã oái oăm ghi dấu ba đào vào số phận và sự nghiệp của nàng năm 1895. Nàng thư thái và tĩnh tại khi say sưa với những bức tượng nhỏ hình các vũ công, đàn chiên, con giống ngộ nghĩnh… Những món thủ công này đều được rao bán với giá khá đắt và mang lại cho Cleo một khoản thu nhập đáng kể.

Cleo vẫn thi thoảng tái xuất sàn diễn cho đến tận sau tuổi 50. Bà chuyển về sống trong một biệt thự ven biển vùng Biarritz mà nhiều tư liệu cho là cố hương của bà. Nơi đây, bà dạy múa cho trẻ em để khuây khỏa nỗi nhớ nghề cho đến tận tuổi 80.

Cleo 4

Ngay cả sau khi lui về ẩn dật, nghiệp mệnh nữ chúa tin đồn vẫn không buông bỏ Cleo. Năm 1950, nữ văn sĩ Simone de Beauvois, phu nhân nhà biên kịch và phê bình Jean-Paul Sartre tung ra cuốn Le Deuxieme Sexe viết về gái bao hạng sang, trong đó, bà Beauvois có nhắc lại những sủng ái đặc biệt của vua Leopold giành cho ‘ả điếm hoàng gia’ Cleo de Merode. Cuốn sách cũng nhắc lại giả thuyết xuất thân thôn dã của Cleo và gợi ý rằng rất có thể Cleo đã tự nhận theo dòng dõi thế phiệt de Merode để cổ xúy danh giá bản thân. Tức nước vỡ bờ, Cleo khởi kiện, đòi bà văn sĩ phải bồi thường 5 triệu franc mới nghe. Nàng vẻ vang thắng kiện, nhưng cũng chính trong quá trình nghị án, người ta nhận ra rằng nàng cũng chính là bàn tay đạo diễn phía sau rất nhiều tin đồn về bản thân mình trước đây. Do đó, tuy thắng kiện, nhưng Cleo chỉ được hưởng một franc cho các tổn thất tinh thần và quy định dỡ bỏ mọi thông tin thiếu cơ sở có thể gây phương hại đến nàng trong mọi ấn bản về sau của cuốn sách đình đám nọ.

Như những ngày đầu sự nghiệp đầy tăm tiếng, cuối cùng, Cleo de Merode trong cuộc ẩn dật cuối cùng vẫn là người đàn bà chạy đuổi theo những cuộc phân bua vô tận, nàng vẫn là cô vũ nữ viết lá thơ thanh minh với tòa báo, hoặc mỏi mòn trong những cuộc bát phố xuôi ngược phố lớn Paris để xõa tóc trưng bày một đôi tai trọn vẹn. Sau biến cố với vụ kiện bà Beauvois, năm 1955, Cleo phát hành tự truyện Le Ballet de mavie (tạm dịch Vũ Điệu Đời Tôi), như một lần cuối cùng giành quyền lên tiếng cho chính bản thân mình, để nói những gì nàng cho phép thế giới lắng nghe.

069fc4e06792e02ebddec797ae471d05

Cleo qua đời ngày 17 tháng 10 năm 1966, yên nghỉ tại nghĩa trang Père Lachaise. Phía trên mộ phần Cleo là bức tượng chính nàng đang khóc than thân mẫu.

Lúc còn sống, de Merode đã kết hôn nhưng không có con. Theo tin tức trên các báo chí trong suốt cuộc đời sự nghiệp của nàng, thì de Merode còn đính hôn trước đó vài lần, trong đó có một bá tước Nga, một triệu phú Hoa kỳ, công tước vùng Manchester (vì sau bị ngăn chận bởi bà ngoại của ông này), một điền chủ Pháp, M.Reldoyen, một quý tộc Ba lan, Sigismund Malensky, và bản thân hoàng đế Leopold đệ nhị, sau khi hoàng hậu Marie Henriette qua đời. Hẳn nhiên, các nguồn tin của báo chí thời đó vẫn hoàn toàn không có cơ sở chính xác, dựa trên các tiểu tiết mờ nhạt làm căn cứ. Từ phía bản thân, lúc sinh thời, Cleo chỉ thừa nhận 2 cuộc tình lâu bền nhưng thê lương, một người mắc bệnh thương hàn qua đời, và người thứ hai là một học giả và điêu khắc gia Y Pha Nho đã bỏ rơi nàng theo một người đàn bà khác. Nhưng danh tánh và chi tiết về 2 mối tình này cho đến nay vẫn là những bí mật nàng mang theo xuống tuyền đài.

Cleo_de_Merode_by_SUDOR

Tổ nghiệp Celebrity và sự im lặng cuối cùng

Năm 2012, 46 năm sau khi Cleo cuối cùng cũng về tới chốn ẩn dật sau cuối chốn hoàng tuyền, khi thế giới nàng bỏ lại sau lưng đã hoàn toàn bị chi phối bởi quyền lực truyền thông và thảm đỏ, Michael Garval trở thành nhà “showbiz học” khi xuất bản công trình chuyên khảo đầu tiên bằng Anh ngữ về hiện tượng ghi dấu sự trở mình của thị phi toàn nhân loại vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 qua hiện thân nữ thủy thần kiều mị, cuốn sách mang tên Cleo de Merode and the Rise of Modern Celebrity Culture (tạm dịch Cleo de Merode và Sự Trỗi Dậy Của Văn Hóa Người Nổi Tiếng). Garval đã ghi chép lại công trình nghiên cứu, phân tích của ông đến từng ngóc ngách xảo thuật lancée phía sau ánh hào quang của nhan sắc và phần số tài hoa, đánh dấu sự bắt đầu cho một nền kỹ nghệ thực thụ về sau của thế giới, nơi các nghệ sĩ chân chính trở thành các minh tinh.

Sẽ không ngoa nếu lịch sử nghệ thuật trình diễn và công nghệ lancée được chia ra thành giai kỳ tiền và hậu Cleo, một khi tiếng tăm của nàng làm nên một cú chuyển dòng toàn phần về khái niệm nổi tiếng, giá trị của hiệu ứng hình ảnh, yếu huyệt của truyền thông và quyền lực của những tin đồn. Công trình nghiên cứu của Gavral đi sâu vào phân tích những cuộc canh tân mang tính xã hội và công nghệ đã khiến thế giới đi đến hình thành một xã hội hiện đại được dẫn dắt bởi các vị lãnh tụ đỏng đảnh đầy thói tật của chính trường thảm đỏ. Trong đó, Merode chính là một trong các tượng đài tiên phong đầu tiên, giữa tâm bão ái mộ và trải thảm đỏ huy hoàng dưới những trận mưa đá được ném ra từ công luận trong suốt cuộc đời nàng.

74c8a6b3140b1ea2322f2760b4557310

Mặc dù trước Merode, nhân loại vẫn luôn có những trang nhan sắc khuynh thành, những cuộc dan díu vụng trộm éo le đi vào huyền thoại, nhưng bước ngoặt lịch sử khi loài người phát minh ra kỹ thuật in ấn và nhiếp ảnh đã tạo nên hình thái thô sơ nhưng đầy quyền lực của truyền thông và báo chí.

Chính những tấm bưu thiếp ghi lại nhan sắc Cleo trong các bộ phục trang hương xa hoang đường của các vở múa Đông phương đã ghi dấu ấn và lưu giữ minh chứng cho vẻ đẹp bá mị vượt thời gian của một Cleo de Merode danh bất hư truyền. Nhưng với kỹ nghệ in ấn và truyền thông, vẻ đẹp vô ngôn trên các tấm bưu thiếp đã trở nên sống động với những chi tiết riêng tư đầy khuất tất, những thói tật phóng đãng li kỳ đã cho công luận một câu chuyện giật gân đằng sau nhan sắc thiên tinh. Chân dung truyền thông hình thành, cô ả đẹp đến vô thực với đôi mắt thủy thần và làn tóc mây sơn nữ vừa được nhiếp ảnh đặt lên bệ thờ nhan sắc, vừa được hả hê lôi tuột xuống tận đáy của án đa dâm hạ tiện và những cuộc trác táng phong lưu. Công chúng có cả một màn bi hài sống động li kỳ hơn bất cứ vở diễn nào trên sân khấu đại hí trường, bởi Merode tồn tại, hiển hiện, chiều chiều bát phố khắp kinh đô với mái tóc vén cao, tuyệt vọng phô trình đôi tai nguyên vẹn.

Sự phối hợp của hai nền kỹ nghệ này tôn vinh người đẹp, nhưng không cho phép nàng hóa thánh, hả hê độc địa phơi lộ chuyện riêng tư của nàng, nhưng lại cùng lúc đặt lên vầng trán nàng ánh hào quang nóng bỏng của mọi sự chú ý hiếu kỳ. Ngôi nữ hoàng thị dân tự lập đã được hình thành nên như vậy, công chúng hoặc yêu nàng, hoặc nghiện ngập trong những câu chuyện đầy ác ý về nàng. Truyền thông trao cho họ một quyền lực mới, nơi họ xộc thẳng vào phòng ngủ của người đàn bà đẹp, khoái trá tốc từng lớp xiêm y hào nhoáng của tiết hạnh và nhan sắc để lần mò vào từng chi tiết sống động nhất, để hả hê tiếp cận thịt da có thật của hình hài diễm ảo in trên bưu thiếp: “Nàng cũng như ta, tham dục, đa mưu và đầy khiếm khuyết”

cleo merode006_2

Với thói háu tin theo từng tờ nhật trình, lần đầu tiên thị dân nếm mùi quyền lực và thưởng thức màn bi hài kịch lâm li nhất do chính họ đạo diễn và tham gia, kéo dài đến hàng chục năm, ngay cả sau khi Cleo đã già nua, mệt mỏi và trốn lánh vào tuổi già cô tịch.

Màn kịch vẫn quá chừng hấp dẫn ngay cả khi cô đào chánh đã toan về già và nhan sắc thanh xuân cùng các phiêu lưu tình ái chỉ là những tro cốt cũ kỹ được tái hồi khai quật mua vui cho hậu thế. Như thể một kịch sĩ tài ba đã đi khuất vào cánh gà, thì những tiếng vỗ tay reo hò phấn khích vẫn hồi hồi điệp điệp vang lên, róng riết đòi hỏi thêm một đôi lượt tái xuất của bóng vía tài tình, níu dài âm hưởng giật gân kì thú.

Nhiều thập niên qua đi sau nhiếp ảnh và truyền thông, chính bước ngoặt kỳ vĩ của nhân loại bước vào nền văn minh internet đã khai quật lại đại dịch Belle Epoque trong một diện mạo hoàn toàn mới: những đoạn ghi hình phòng the gây cấn của các minh tinh tài tử, những phát ngôn thường nhật ngô nghê hay xốc nổi, những chi tiết li kỳ đầy mùi thịt da sống sượng… Trong đó, huyền thoại Cleo được lưu truyền với tốc độ mãnh liệt hơn như những di tích của những ánh hào quang celebrity đầu tiên của nhân loại. Những tin đồn cũ được nhặt nhạnh và tổng hợp lại, những tấm bưu thiếp của hơn một thế kỷ về trước được tái bản và số hóa – Cleo de Merode trở thành một thứ di sản chung chạ của những tín đồ Mỹ giáo và những con nghiện tôn thờ bái vật celebrity xuyên thế kỷ.

il_570xN.550085435_qp97

Chính qua Merode, Michael Garval đã tài tình tái hiện thời cuộc văn minh Belle Epoque trong bức biếm họa của ngôn từ, với những cơn sốt của văn hóa thị dân đã bồng bế tô vẽ cho de Merode và đẩy nàng lên đài hiến tế như một con cừu làm cống lễ thần linh. Vì sao nàng trở thành Kẻ Được Chọn? Cơn sốt thẩm mỹ thuộc địa hương xa trong thời cuộc chánh trị của các mẫu quốc thực dân, kết hợp cùng các phát kiến khoa học, sự phát triển của công nghệ nhiếp ảnh, in ấn và truyền thông đã hợp nhất tại khúc quanh định mệnh có Nàng, để cùng làm nên một trong những quả bom truyền thông giải trí đầu tiên trên thế giới. Và từ đó, người ta có Monroe chết cô độc trong cuộc tình với đệ nhất chính khách, James Dean không toàn thây giữa xác xe vặn vẹo, một linh hồn Presley mãi không siêu thoát, Lennon gục ngã trước họng súng tín đồ bái vật celebrity và Diana không toàn thây trong chuyến xe tử thần đào thoát bão flash paparazzi.

Giới yếu nhân thảm đỏ trở thành bàn cờ người với các quân cờ là những hình nhân tuyệt mĩ bị lột trần sống sượng như soi chiếu dưới ống kính truyền thông, thỏa mãn giấc mơ hoang đường của đời sống thị dân đang nhàm mòn dần đi dưới tốc độ kỷ nguyên công nghiệp: giấc mơ của khả năng nhìn xuyên qua những bức tường tư dinh tráng lệ và mọi lớp xống áo hào hoa, và truyền thông như vị thánh cứu rỗi, xoa dịu nỗi khốn cùng bằng lời an ủi “Tất cả họ, những kẻ đội hào quang, phía sau cánh cửa khép kín, đều trần tục như tất thảy chúng ta”.

Các ngôi sao giải trí mua vui cho công chúng của mình ngay cả bên ngoài màn bạc, trên các bãi biển cá nhân, và ngay cả sau khi chết.

Và Nàng, cho đến ngày nay, xuyên thế kỷ và màn hình máy tính, với đôi mắt thủy thần và làn tóc mây sơn nữ, vẫn là hiện thân của cơn sốt khởi thủy niềm si mê bái vật với những huyền thoại ồn ào.

Ở miền ẩn dật sau cùng, nơi những tiếng ồn thị phi không còn nghe thấy được, lần đầu tiên và duy nhất, Cleo được trả về, thanh thản và bằng an với những sự thật của riêng nàng, nằm sâu dưới nấm đất Père Lachaise và một bức tượng câm.

402dcd1e30024381f227313a83cf2f88

BOX:

Ngày 27 tháng 09, 2013, nhân dịp kỷ niệm 138 năm ngày sinh Cleo de Merode, buổi ra mắt cuốn sách khảo cứu Hát bội, Đờn ca Tài tử và Cải lương của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp tại Việt Nam đã là lần đầu tiên bản múa huyền thoại của Cleo được tái dựng, qua trích đoạn Vũ Khúc Đông Dương trên nền nhạc bản kí âm cổ xưa nhất tìm thấy được trong lịch. Cơ sở dữ liệu đầu tiên của hai nhà nghiên cứu chính là con tem của nhà nước Pháp lúc bấy giờ in hình Cleo de Merode trong trang phục cung đình Nam Vang cùng ban đờn của nghệ nhân Nguyễn Tống Triều tại buổi trình diễn đờn ca tại tử ở Nhà Hát Đông Dương năm 1900.

Tình cờ, tác giả đã chính là người mà nhạc sư Nguyễn Lê Tuyên nhờ thực hiện phần phục dựng bài múa, tái hiện hình ảnh Cleo de Merode vào ngày ra mắt cuốn khảo cứu, cũng chính là vào sinh nhật lần thứ 138 của bà. Trong một sự tình cờ, hậu duệ của bài múa này, tức tác giả, là người sinh sau bà đúng 100 lẻ một đêm. 

DSC_5609

Không đầy 3 tháng sau đó, vào 15 giờ ngày 5 tháng 12 2013, đờn ca tài tử chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đoạn phim tư liệu của nhà làm phim Huy Moeller ghi lại quá trình tái dựng vũ khúc đầu tiên của nhân loại trên nền nhạc đờn ca tài tử sẽ được công chiếu tại Việt Nam vào tháng Giêng 2014 tại trường Điện ảnh Quốc tế Sài gòn và Viện Trao đổi Văn hóa Pháp IDECAF.

Dự án phim Việt Nam đầu tiên về Cleo de Merode và đờn ca tài tử cũng đã được nhà biên kịch Ngô Thị Hạnh hoàn tất khâu kịch bản và trong quá trình kêu gọi đầu tư. Đây cũng là dự án điện ảnh đầu tiên của Việt Nam về di sản đờn ca tài tử, và cũng là phim điện ảnh đầu tiên trên tái hiện lại hình ảnh bà chúa tin đồn đầu tiên trong lịch sử nền công nghệ giải trí thế giới. 

cleo_de_merode_60

phong-linh hương

Trác Thúy Miêu

Giữa cuộc thoái trào hỗn mang của kinh tế và thời trang lãng mạn và cuộc lên ngôi của tính thương mại, khi mà các nhà thiết kế thời trang cố công xoa dịu thời cuộc bằng những tag giá bình dân, thì Issey Miyake, kẻ đến từ vũng lầy thảm kịch Hiroshima, vốn trứ danh bởi tư duy duy lí, sự tinh xảo trên quan điểm thực tế tối giản của thủ thuật thiết kế, lại chọn một thái độ lạc quan và an tĩnh đến điềm nhiên.

Chỉ 3 tháng trước ngày nhân loại bị người Maya tiên báo là chạm đáy vực suy vong tận thế, Issey Miyake tung ra ngay giữa lòng kinh đô thời trang thế giới những “quả bom” nhỏ lóng lánh hồng, lanh canh một tràng cười Thiền Đạo như những giọt phong linh(*), hoan hỉ và an nhiên.

IM10.Pyr 045

Khi lần đầu được tung ra giới thiệu tại Paris hồi tháng Chín, 2012, chỉ trong một đêm, Pleats Please đã nghịch ngợm xếp nếp toàn cung điện Louvre trong sắc lụa Á đông, những nếp gấp đàn hồi như những khoang đàn accordeon sặc sỡ. Issey Miyake tung ra những quả bom mùi hương nho nhỏ màu kẹo anh đào, óng ánh như kính vạn hoa màu hồng bị vò nhàu, và ướp mọi quý cô Paris vào những thùng nước ép quả, cắc cớ tạo nên cảm giác khô khốc trong cuống họng mọi quý ông

Những nếp gấp ướp nước ép trái cây

Trên cả thời trang, Issey Miyake là một nghệ nhân biết làm ra những tác phẩm mặc được, và một nhà thiết kế thời trang với những bộ sưu tập xứng đáng được coi là tuyệt phẩm. Nhưng sự linh diệu của thời trang và nghệ thuật của ông lên đến đỉnh cao khi tinh thần nhất thống ấy được chuyển hóa thành một công thức giản đơn để trở thành thứ tạo vật mong manh có vòng đời ngắn ngủi nhưng huy hoàng và đầy ma lực quyến rũ nhất – mùi hương.

Bộ sưu tập Pleats Please đã là một tạo phẩm như vậy, một chút hơi hướm của trò origami đơn giản nhất, thủ thuật xếp nếp để tạo độ đàn hồi và hiệu ứng bề mặt, cấu trúc thiết kế hoàn toàn hiện đại theo trường phái lập thể của hội họa, để bất ngờ song tác với từng cử động của người mặc để tạo nên sự mềm mại uyển chuyển kì ảo. Tinh thần và triết lý phương Đông luôn tồn tại trong từng thiết kế của Issey Miyake là vậy, đăng đối hoàn chỉnh giữa âm và dương, giữa trường phái lập thể và sự mềm mại bất định, giữa khối và sọc,… và với dòng hương Pleats Please, hai thái cực âm dương ấy thể hiện qua sự ồn ã tươi tắn trong những note đầu, với cái hoang hoải trầm lắng ở note cuối dùng, giữa những note va chạm lanh canh của chùm phong linh hương hoa quả, đến note lặng của tiếng khánh đồng ngân nga trên da thịt như một nét khiêm cung mà rù quến thuần chất Á đông.

pleat_narrowweb__300x495,0

Ngoài cấu trúc phối hương theo chiều dọc, mô phỏng những đường xếp nếp chạy xuôi theo cơ thể của bộ sư tập thời trang, Pleats Please còn được tác tạo theo những tiêu chí cảm xúc của ánh sáng (light), chuyển động (dynamism), và sự thoải mái (comfort), được thấy cả ở thiết kế thời trang lẫn dòng hương cùng tên.

Nói một cách khác, Issey Miyake đã mất gần 10 năm để hoàn chỉnh một câu chuyện về giai nhân Đông phương e ấp trong mỗi nếp gấp mang tên gọi vòi vĩnh trẻ con Pleats Please, từ những nếp xếp trên thân váy của nàng, cho đến dư hương như mùi vệt nước ép lê còn ẩm trên sớ vải lấp loáng sớ lụa của chiếc đàn accordeon – một tinh thần đăng đối hoàn chỉnh giữa Đông và Tây.

pleats-please-ss14-look-book_1

Cô gái có giọng cười phong linh

An nhiên và lạc quan như tinh thần một nữ đạo sĩ có hơi thở mùi anh đào, Pleats Please tươi tắn, vui nhộn, óng ánh với những note hương hoa quả tươi tắn, đầy sinh khí hoạt kê, thấp thoáng note gỗ thâm trầm đằm thắm.

Cùng với bộ sưu tập Pleats Please là những chiếc túi Bio Bag (Bao Bao) óng ánh như được khảm bởi những mảnh pha lê vỡ đã được tái hiện qua thiết kế vỏ chai, như một phiên bản bằng thủy tinh của Bio Bag, gấp khúc thứ chất lỏng màu kẹo ngọt lóng lánh bên trong, trông như những mặt kính vạn hoa long lanh những mảnh vỡ màu hồng kẹo anh đào, với hai mẫu tự E tạo cảm giác bị gấp đôi theo chiều dọc, như thể khuất vào cạnh chìm của một nếp gấp bén ngọt.

Pleats-Please-by-Issey-Miyake

Trong hình hài một trái lựu đạn màu hồng lóng lánh, cuộc tán hương vui nhộn của Pleats Please được kìm giữ bằng chiếc nút chai trông tựa như một búp hàm tiếu vô danh, mô phỏng những sóng lụa xô lệch và những chuỗi xếp nếp nhuyễn li ti chạy suôn sớ vải đã từng được nhìn thấy trong bộ sưu tập cùng tên năm 1993

PL_2013nov08re

Ngay từ lần kích hương đầu tiên khi mở nắp chai và giải phóng lớp bụi hương màu hồng đầu tiên, Pleats Please như cái duyên mào đầu câu chuyện với những cô gái phương Đông. Họ không hề trầm mặc khách sáo mà trái lại, tươi rói như thể vừa nghịch nước dưới tán hoa lê trong mưa, và phá lên tràng cười mang hương quả mọng. Cú khui nắp Pleats Please như màn mở nút champagne, thoát trào một chuỗi note trong trẻo biết kêu lanh canh, một thứ nước ngọt có gaz hương quả Nashi – một loài quả pha trộn giữa lê và táo. Pleats Please ồn ã, vui vẻ chào đón bạn bằng những note tươi tắn, giòn tan và mọng nước và trong như tiếng reo của cô thiếu nữ hiếu kì có giọng cười của chiếc phong linh bằng mùi hương.

Những note lê Nashi chua chua ngọt ngọt ấy cũng đã từng tạo ra những tiếng kính coong vui tai cho dòng Omnia Crystalline của Alberto Morillas, nhưng giờ đây là điểm son trong sự nghiệp tác tạo các hợp hương của Aurelien Guichard – bậc thầy đã từng làm nên huyền thoại nghỗ ngược Le Male Terrible của Jean Paul Gaultier, dòng suối Thiên thai Angel Aqua Chic của Thierry Mugler và thiên tình sử Love in Paris của Nina Ricci.

Hãy lại thật gần chiêm bái tiếng khánh đồng sau mưa

Tuân theo lẽ vạn vật, cây ra hoa rồi mới đến mùa kết trái. Nhưng trong cái luật luân hồi ngỗ nghịch của mình, Miyake đợi đến khi những note hương lê hương táo ấy lắng xuống và bắt đầu chín nẫu nồng nàn và hình thành một màn li điệu tài tình chuyển hóa mùi hoa quả tươi thành một cuộc bung nở bất ngờ của một hợp hương hoa điệu đà nữ tính tươi tắn như da thịt thiếu nữ sau mưa, phồn thực nhưng mong manh đầy khích lệ. Hương hoa tại tầng giữa của Pleats Please không có cái nồng nàn thường gặp với những note hồng hay nhài sambac, mà thanh cảnh với hương hoa đậu thơm, nhưng đầy ẩn ý lả lơi với hương mẫu đơn đan lẫn.

PL_20th_3rdvisual_02

Quả ngọt và hoa thơm, như các note hương và mọi cô gái trẻ có tiếng cười chuông gió, rồi cũng tuân theo quy luật mà bước vào kỳ đằm thắm. Các note hoa ảo diệu của khu vườn Eden Đông phương dần lắng xuống và thưa đi. Trong một khoảnh khắc, tưởng như Pleats Please đã hoàn toàn biết mất một cách đầy hụt hẫng, như câu chuyện liêu trai không hồi kết, như một dòng hương không note cuối cùng. Bên dưới tầng tâm điểm đã li hương, ngỡ như đã ngửi thấy mùi da thịt thật thà phơi lộ dưới vệt hương đã nguội. Phải chăng người đẹp phương Đông với tiếng cười phong linh đã quá hấp tấp quăng mình vào cuộc vui chóng vánh và suồng sã và mãi mãi không lưu lại được một note dư hương cuối cho những ám ảnh về sau?

Cảm giác hụt hẫng ấy kéo dài không quá 10 giây. Pleats Please đã trở thành đàn bà, nàng khiêm cung khép lại giọng cười lanh canh chuông gió, xếp lại những cánh mẫu đơn hớ hênh mời gọi, và thu dọn cho những note hương tuyệt đỉnh cuối cùng thành một thứ lời thì thầm bên gối, ẩn vào tóc, vào thịt da.

Nó đòi hỏi người ta phải được phép tiến lại rất, rất gần người đàn bà để được là kẻ cận kề mà thưởng thức. Cô gái hồn nhiên buổi sơ giao đã biết khiêm cung dành điều ảo diệu nhất của những note cuối cùng cho kẻ xứng đáng nhất. Tầng cuối của Pleats Please mang tất cả tính huyền diệu và sự khép kín của tinh thần phương Đông và cái duyên đàn bà. Note hoắc hương và tuyết tùng, như một hợp âm trầm giọng khánh đồng, đã ngân những echo của nó như vậy, hòa quyện với một nửa si lẳng tình tứ của vanilla nguyên chất nồng nàn và xạ hương trắng đầy vẻ ái dục, tạo thành những note mùi như da thịt ướp trầm hương, vừa rù quến vừa thiêng liêng thần thánh, khiến người ta giằng xé giữa vồ vập và tôn thờ, giữa hít hà nắm bắt, hay lặng thinh chiêm ngưỡng.

3398407341_bfd5625fc3

Cú trúc trắc trong tầng hương cuối này cũng là màn song tác tuyệt hảo của Pleats Please với chuyển động của người phụ nữ. Cũng như vẻ đẹp vi ảo của những nếp xếp pleat trên thiết kế Pleat Please chỉ bung nở khi người mặc chuyển động, tầng cuối của hợp hương Pleat Please ẩn quyện vào mùi da thịt tự nhiên của mỗi người, tạo nên những phiên bản riêng biệt không trùng lặp.

Đã quá lâu kể từ cú dội bomb lịch sử mang tên L’eau D’issey, chẵn chịa một thập niên, giới sành hương lại nô nức đón chờ dòng hương mới mang một cái tên khá nhộn tai, nghe như một điệu van vỉ nỉ non khả ái: Pleats Please – với câu thiệu hào hùng tạm dịch là “Dòng hương lay động tâm can”. Đây còn là một cú dội bom kép khi được tung ra như một dấu chấm lửng long lanh kéo sau dư chấn của bộ sưu tập thời trang xếp pleat, với những sóng lụa bén nhuyễn lượn lờ vần vũ theo từng chuyển động cơ thể của người mặc lần đầu được lăng-xê hồi 1993. Gần 10 năm sau, perfumer Aurelien Guichard kể lại câu chuyện đằng sau cảm hứng sáng tạo của những nếp xếp vinh hiển ấy, một sự tác thành giữa pop culture và truyền thống Nhựt Bổn luôn pha lẫn trong tư tưởng bậc thầy của gã người Phương Đông giữa lòng Paris Issey Miyake.

pleats_please_red_wine

(*) phong linh, hay chuông gió, theo tín ngưỡng Á Đông, chính là vật tạo sinh khí, niềm vui, sự thư giãn, xua đuổi những suy nghĩ tiêu cực và nộ khí.

Published in: on Tháng Mười Một 24, 2013 at 9:13 Sáng  Comments (1)  
Tags:

kẻ đốt diêm sinh tìm bộ lạc

Trác Thúy Miêu

Căn xưởng nhỏ cũng là nơi sinh sống của gã là một nơi cư trú hầu như không có dấu hiệu của những sinh vật sống ngoài chính bản thân gia chủ.

Nhưng khi đặt chân vào, người ta luôn có cảm giác cái thế giới vỏn vẹn vài mét vuông ấy đầy những ánh mắt, những linh hồn, những tiếng súng câm, những ngọn lửa bất động, và những tiếng kêu cứu vô thanh. 

Những đốm lửa gọi bầy và giấc mộng Noah

Khi đặt chân vào căn nhà nhỏ và cũng là xưởng vẽ của Trung Nghĩa, người ta dễ ngại ngần dợm chân bước bởi cảm giác bị nhìn xoáy vào từ những đôi mắt thú. Ngay sát lối vào là bức họa mới hoàn tất – một con báo. Đó là một con báo đốm thật sự, chỉ khác là không phải một tư thế uyển chuyển hay hung hãn như thường thấy trong các bức họa vẽ loài động vật mệnh danh sát thủ này. Con báo đốm màu vàng đang chìa cái đầu to ở tư thế gần như buông thõng ra khỏi bức tranh, phần còn lại của cơ thể con vật ngoằn ngoèo ẩn hiện trong một lớp khói mờ như ảo ảnh sa mạc. Nó nhìn thẳng vào người đối diện bằng một đôi mắt buồn bã, cao hơn cả lời van xin tha mạng hay một sự căm hận bạo liệt  – đó là cái buồn bã của kẻ bề trên, thở dài nhìn nhân loại.

1378806_10151726407287686_1932924195_n

Tôi đã không tự quyết định được điều gì cả, với con báo này”. Người họa sĩ gần như phân bua, “Nó tên là Lucy, một cô báo cái tôi vừa gặp tại khu bảo tồn rừng Nam Cát Tiên. Nó là con báo duy nhất, mà người ta vẫn chưa tìm ra một cá thể báo đực để đưa về đó cho chúng có bạn và sinh sôi. Với tôi, Lucy như một con mèo to, nhưng khi nó thành hình trên mặt giấy, tôi sẽ không bao giờ có thể giải thích được rằng vì sao thân thể của nó lại mấp mé giữa ranh giới định hình và vô hình như vậy. Ngọn lửa và khói màu đã tự làm nên tất cả.  Mọi thứ diễn ra trong 5 giây, công việc của tôi là khai hỏa (thật sự theo nghĩa đen) và dừng lại đúng vào khoảnh khắc thành hình duy nhất

Từ cuộc triển lãm gần một năm trước đây mang tên Giấc Mơ Cao Nguyên, Trung Nghĩa đã bắt đầu cuộc hành trình của mình với các chất liệu kì lạ này của hội họa: diêm sinh, thuốc súng, lửa, và khói màu. Và anh chỉ dùng chúng để vẽ nên các loài vật, phần lớn là loài sống trong thiên nhiên hoang dã. “Tôi đã định sẽ vẽ những bức tranh về buôn làng, về nếp sống người dân tộc, v.v… Nhưng tôi mau chóng nhận ra những con vật mới thật sự là nỗi ám ảnh của tôi”. Nổi bật nhất trong cuộc triển lãm là bức tranh con vọoc với đôi mắt màu hổ phách hoảng loạn nhìn ra từ đám khói cháy rừng, con sao la đang tháo chạy khỏi đám khói súng cuộn lên nuốt gọn nửa thân mình tuyệt mỹ của con vật, và bức họa con tê giác một sừng cuối cùng của Việt Nam vẽ từ trí tưởng tượng. Cũng chính từ bức họa này mà nhạc sĩ guitar người Úc gốc Việt Nguyễn Lê Tuyên đã “chấp bút” vẽ nên câu chuyện bằng âm nhạc về con tê giác cuối cùng, hàng năm trời lang thang đi tìm đồng loại cho đến khi bị bắn chết, đặt dấu chấm hết đau buồn cho loài tê giác tại Việt Nam.

64948_10151211048637686_1077051384_n

Và lần này, gần một năm sau, Trung Nghĩa lại tiếp tục với câu chuyện về cô báo Lucy khi còn chưa quá muộn…

Khói màu tạo nên khối hình thù con vật, những đốm hoa lửa nổ chi chít trên mình nó, không hẳn là những đốm da beo tuyệt mĩ của Tạo Hóa, đó là những vết bỏng thật sự. Loại thuốc súng nguyên sơ nhất được chế tạo từ phân dơi khô được Trung Nghĩa trộn màu và xử lí, tất cả được khai hỏa cho nổ tung lên mặt giấy, và bức tranh hiện hình. Con báo bình thản bước ra từ vụ nổ nhỏ của cơn nhập thần hội họa, cơ thể gần như tan biến vào không gian mờ khói súng, thân mình chi chít những vết bỏng, có nơi xuyên thủng cả lớp giấy. Đạn và đất đá bị hất tung mù mịt xung quanh nó, và nó nhìn vào người xem, không phải cái hoảng loạn man dại của loài thú cùng đường, mà bằng ánh mắt phiền muộn như tiếng thở dài của Thượng Đế.

Vén bức họa cô báo Lucy lên, phía sau là bức vẽ còn dang dở một con nai đực. Chiếc cổ to và cặp sừng ngạo nghễ – một sản phẩm hoàn toàn của trí tưởng tượng. Họa sĩ đã gặp mẹ con nhà nai trên đường, và anh trở về, bị thúc hối bởi cảm giác muốn tạo hình một chú nai đực – sinh vật duy nhất còn thiếu trong bức tranh thực tế mà anh đã nhìn thấy, như thể chúng cần một cá thể giống đực như vậy để quây quần và để bảo vệ.

Như thể tay họa sĩ lập dị đang cố xây cho mình, sau giấc mơ Khải Huyền, một con thuyền Noah, nơi gã có thể mang muôn loài lên đó, qua từng bức họa, mỗi loài trống mái một đôi, để tồn tại, và để sinh sôi.

“Người ta vẫn luôn gọi tôi là ‘thằng người rừng’, là Tarzan, còn tôi thì luôn cự tuyệt hình ảnh đó. Tôi muốn tháo chạy khỏi cái hình ảnh dở tỉnh dở quê, nổi loạn nửa mùa và showbiz không tới. Tôi muốn được thừa nhận, được thuộc về đám đông và hi vọng được yên ổn trong đó. Nhưng đến khi tôi bắt đầu từ bỏ ý định cố phủ nhận bản thân, cũng là lúc bắt đầu tìm tòi chất liệu để thực hiện những bức vẽ đầu tiên cho đợt triển lãm năm ngoái, tôi thật sự được tự do khi trở thành kẻ lập dị trong đám đông ngoài kia. Tập làm người thành thị đã lâu, thì đây chính là khi tôi cất lên tiếng hú bản ngã nhất của mình sau bao năm câm nín. Thật kì lạ, đó cũng chính là khoảnh khắc tôi nghe những ‘tiếng hú’ đáp trả. Tôi không chỉ có một mình. Cuộc hạnh ngộ với nhạc sĩ Lê Tuyên, giáo sư Salil Sachdev và tổ chức WWF đã cho Giấc Mơ Cao Nguyên thành hiện thực. Đó mới là  lúc tôi mới bắt đầu được thừa nhận, lúc tôi thật sự tìm được ‘đám đông’ của mình”

Người ta có thể nhận ra nhau như thế, trong nỗi cô độc của những sinh linh mỏi mòn tìm dấu một cá thể cùng loài, cùng kể câu chuyện của con tê giác sau cuối.

563287_10151306165267686_954426994_n

Và năm nay, họ lại đang cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình thứ hai mang tên Tiếng Gọi Núi Rừng, họ sẽ lại cùng nhau kể về câu chuyện của con nai đực vắng mặt tại Nam Cát Tiên, hay nỗi đơn độc của cá thể báo Lucy, trước khi chúng chỉ còn tồn tại trong hội họa.

1072479_10151533197347686_189432588_o

Một – Giây – Trước – Diệt – Chủng

Mối duyên tại Nam Cát Tiên đã quá đủ để đặt Trung Nghĩa vào tâm thế “con đầu đàn” mạnh mẽ thật sự trên đỉnh văn minh, sự mạnh mẽ để yêu thương chứ không hủy diệt. 

Sau đợt triển lãm đầu tiên Giấc Mơ Cao Nguyên vào năm ngoái, nội giới chào đón những họa phẩm đầy cảm xúc của Trung Nghĩa với những lời chúc mừng đến cùng sự ái ngại. Anh xuất hiện trong chính sự kiện của mình ở tâm thế một “kẻ tôi đòi”, hân hoan phụng sự chính những đứa con đẻ của mình.

Từ một nhạc sĩ trẻ háo danh của dòng nhạc thị trường, một tay showbiz nửa mùa với “máu nghệ” được pha loãng để chiều chuộng vị giác và khứu giác đám đông, với bằng cấp ngành thiết kế nội thất và chút năng khiếu hội họa, Trung Nghĩa xuất hiện tại cuộc triển lãm tranh đầu tiên của mình, hốc hác, hân hoan, và hoàn toàn tự do sau cuộc lột xác.

Người ta nói anh vẽ như nhập đồng, như kẻ được chọn, như bị dựa, hay được một Đấng Bề Trên mượn tay.

Và người ta tự hỏi anh sẽ đi đâu tiếp, sau khi thức dậy khỏi Giấc Mơ Cao Nguyên?

Suốt nửa năm ròng, không một dấu hiệu sáng tác, thậm chí không có cả một tin đồn mơ hồ nhất về bất cứ dự án sáng tạo nào. Nghĩa tìm thuê nhà, một nơi đủ tách biệt để khói súng và thuốc nổ không bị phàn nàn. Anh quyết định nuôi tóc để mỗi ngày sự ngứa ngáy khó chịu sẽ nhắc anh về những bức họa đang đòi được hiện hình.

Vẫn không có gì cả.

Chúng ta, những sinh vật ngạo nghễ ở đầu chuỗi thức ăn, vẫn khó lòng thừa nhận sự bất lực của mình như vậy. Mọi thứ được dấu kín, trong các file lưu trữ, giữa bốn bức tường, trong các dự án chỉ được vẽ bằng trí tưởng tượng. Thành phố là một sở thú lớn, nhốt những con thú lớn với những cơn bất lực to lớn. Tôi cũng vậy, với nửa năm ròng rung đùi ngồi chờ cảm xúc. Tôi vẽ một con chim cắt, vâng, với những năm học kiến trúc, với kí ức của cậu nhóc cao nguyên, tôi hoàn toàn có thể vẽ nắn nót một con chim cắt. Nó ở đó, trên cái bố cục kì cục nhất, chính giữa mặt giấy, và rồi tôi không thể vẽ thêm bất cứ gì khác. Con chim trơ khấc giữa khung giấy vẫn đậu ở đó nhiều ngày liền, và tôi gầm gào trong xưởng vẽ, lượn ra lượn vào với con dao trên tay, chờ đợi sự bất lực lên đến đỉnh điểm để trở thành cơn thịnh nộ đủ cho phép tôi xả một nhát lên mặt giấy để hủy hoại tất cả và làm lại một cái gì đó khác.”

Gã đánh cược một lần cuối cùng với bức họa chỉ mới bắt đầu của mình bằng thử nghiệm với khói màu. Sau đúng 5 giây đồng hồ, trên bức vẽ hiện hình  cả một trảng rừng rực lửa quanh con chim đang bốc cháy. Bản thân tác giả sẽ không bao giờ có thể tự giải thích được vì sao trình tự của bố cục lại diễn ra hoàn hảo đến vậy. Khối đất đá bắn tung tóe bên dưới và những lưỡi lửa vần vũ tạo nên hình khối của cả một trảng rừng phát hỏa. Đúng nó, những trảng rừng đã từng cháy ngùn ngụt sau lưng gã trên đường đi học về. Đúng 5 giây, và gã thì chỉ việc sững sờ chiêm ngưỡng Tạo Hóa hoàn thiện phần còn lại của bức tranh.

“Một con chim, đẹp và hoàn hảo, nếu được mang về nuôi, đặt trang trọng vào ngữ cảnh của chiếc lồng, nó vẫn là một sinh vật tuyệt mĩ. Nhưng bức tranh đó sẽ vĩnh viễn không thể hoàn thiện cho đến khi cho đến khi người ta được nhìn thấy chính con chim đó trong ngữ cảnh của nó ngoài tự nhiên”.

Những con chim đẹp nhất, và hót hay nhất, khi ở trong môi trường của chúng, dù là một khu rừng đang cháy.

Và các họa sĩ cũng vậy.

1472954_10151776515227686_969297029_n

Có lẽ duyên nợ với những loài chim rừng, kí ức về từng mảng trời cao nguyên bị che phủ bởi di chuyển của hàng ngàn con Ch’rao bay kín trời (loài chim mà giờ đây người ta chỉ nghe nhắc đến vào những cuộc thi ca hát với ca khúc trứ danh của Trần Tiến!) đã khiến chúng xuất hiện trong một chuỗi tranh Trung Nghĩa. Và cả những con bói cá cũng chỉ còn được nghe thấy trong một bài ca phổ biến. Chúng như những nhà hiền triết đủ màu, trầm ngâm bất động giữa vụ nổ bộc phá quanh thân, làn nước màu lam độc địa lênh láng dưới thân, chiếc cổ nhỏ xù lên rối bời, một túm lông vũ trên chỏm bắt đầu bén lửa. Đúng cái khoảnh khắc đó, khoảnh khắc Chỉ-Còn-Một-Giây-Đến-Hủy-Diệt đó, được chép lại.

1 giây quá muộn, những đốm lửa sẽ tiêu hủy cả bức họa. 1 giây quá muộn, loài bói cá cũng sẽ biến mất, và cả loài người nữa.

Người họa sĩ đưa bàn tay trần cháy xém dập tắt vụ hỏa hoạn do chính mình tạo ra, và tất cả dừng lại ở một bức tranh hoàn thiện.

Còn loài người, họ sẽ làm gì với vụ nổ bộc phá do chính mình tạo nên, vào đúng cái thời khắc định đoạt sinh tồn ấy, thời khắc Một-Giây-Trước-Hủy-Diệt?

 208146_10150151011262686_5295600_n

Kết cục buồn của Tarzan phố thị

“Bởi một ai đó đã đưa tay ra khi chính tôi chỉ còn một giây trước khi tự hoại. Một ai đó, hoặc chính tôi!”

Gã họa sĩ ngồi giữa bãi tha ma những con thú buồn, những sinh linh dãy chết, như nhà khảo cổ ngồi giữa những khối hóa thạch đã-từng-sống, kể những câu chuyện đan xen giữa thủ pháp hội họa và kí ức vùng Đất Cha* (chú giải: Buôn-Ma-Thuột phiên âm từ thổ ngữ Ê đê là Buôn Của Cha Thuột, về sau người Pháp nói trại thành Bản Mê hay Ban Mê Thuột)

“Cha tôi là một người hùng lí tưởng chánh hiệu, và một con chiên ngoan đạo. Ông hồ hởi mang gia đình đi kinh tế mới, xông xáo đưa mẹ tôi, khi này tôi còn trong bụng mẹ, từ B’lao theo về Daklak để giữ rừng vàng. Ngay cả khi cán bộ kiểm lâm được chia đất rừng để sống và canh tác, ông chọn ngay miếng đất cằn cỗi khó canh tác nhất nằm lọt trong hẻm sâu, với lí do ‘mình có phải người nông dân, biết canh tác gì đâu, ở đây là giữa lòng rừng, là an ổn nhất rồi’. Tôi lớn lên, biết nói chút ít tiếng dân tộc, chơi nhiều hơn với con nít người thượng. Lớp học tôi, heo bản chạy ra chạy vô, chúng tôi và cô giáo cứ phải gián đoạn để lùa chúng ra.”

Miếng đất xấu trong thung đã cho phép Trung Nghĩa lớn lên trong lòng rừng như vậy, có suối sau nhà, có khế rừng, và có những buổi chiều Ch’rao che kín bầu trời.

“Người lớn dạy chúng tôi trò bắt tổ chim. Tôi đã phá không biết bao nhiêu cái tổ như vậy, bắt không biết bao nhiêu loại chim non về nuôi chơi. Một số chết vì không có mẹ mớm mồi, số khác bị mèo vồ, sự xuất hiện của cá nhân tôi giữa góc rừng đơn độc ấy đã đủ để xáo trộn, can thiệp, và bẻ gãy vòng sống tự nhiên của rừng. Tôi vừa mê coi Ch’rao đậu kín tàng cây, đẹp đến độ sau này coi National Geography chưa thấy cảnh nào tương tự, tảng đá cứ lật lên là lại có vài con cua đá. Giống cua mà khi phát hiện tại Malaysia người ta đã loan báo trọng thể toàn cầu chính là thứ cua đá mà bọn tôi chơi hồi nhỏ. Nhưng tôi cũng mê trò phá tổ chim ngang với việc ngắm chúng. Cứ thế, chúng tôi phá không biết bao nhiêu tổ chim trải qua suốt tuổi thơ, cho đến khi tôi lờ mờ nhận ra: không còn cái gì để phá nữa. Chiếc tổ chim cuối cùng mà tôi bắt, con chim mẹ tao tác bay cuồng xung quanh, những lông cánh xơ xác của nó rơi ra, một cọng còn điểm li ti máu hồng. Đó là lần đầu tiên tôi đặt trả lại chiếc tổ chim và mấy con chim non trả về cho nó. Nhưng không hiểu sao con chim mẹ chỉ đứng từ xa xao xác kêu khản cổ, nhưng nó không bao giờ bay lại chiếc tổ cũ để mớm cho con. Vài ngày sau tôi sững sờ nhìn thấy xác chim non bị bỏ mặc trong chiếc tổ vấy mùi người.”

“Mùi người” đó cũng nồng đặc hơn trong không gian núi rừng Daklak, người Kinh xuất hiện mỗi năm mỗi nhiều, với những mánh khóe sinh tồn thời bao cấp mang về từ thị thành của họ. Vị cán bộ kiểm lâm từng một mình cầm súng chặn cả đoàn xe cán bộ khai thác gỗ trái phép đành bất lực trước những tờ công văn triện đỏ cho lệnh phá rừng hợp thức. Những con vooc bị lột da, hươu nai được thui sống ngay giữa chợ. Con suối sau nhà bị đặt bộc phá để vơ vét đến từng con cá nhỏ.

Ngày gốc cây cổ thụ ngay sau nhà, thân rộng đến gần chục người ôm, bị đốn ngã gây một tiếng động như một vụ nổ hủy diệt sau chót, cũng là lúc người hùng kiểm lâm biết ông đã hoàn toàn bất lực, cuộc đại xâm thực đã tiến đến tận thánh địa cuối cùng.

Ông bỏ nghề kiểm lâm, Trung Nghĩa theo cha mẹ đi làm rẫy và nuôi trong lòng mộng thị thành.

“Những cây gỗ lớn bị đốn hết rồi, người dân ùa ra thiêu trụi từng mảng rừng cây nhỏ để làm than mang ra chợ bán. Kí ức đường đi học của tôi là từng mảng rừng cháy đỏ chạy lan rừng rực sau lưng. Lửa, lửa ở khắp mọi nơi, lửa mang lại sự sống và văn minh cho loài người và đang kết thúc chính nền văn minh đó, con người và muông thú chỉ là một cái gạch nối ngắn ngủi giữa hai vụ cháy. Bản Mê trở thành thị trấn hoang đàng, người ta đi từng đoàn du lịch hay công cán, thực đơn giải trí là thịt rừng, rượu bản, gái dân tộc, rồi đến gái Kinh. Ngày tôi trở về thăm Bản Mê lần cuối vào năm 2 đại học, tìm ra con suối cũ và suýt dẫm phải kim tiêm vứt đầy lòng suối, tôi biết đó là lần trở về cuối cùng.”

21999_10151238045187686_1988281702_n

Hình ảnh những chiếc tổ chim mất dần trong kí ức thị thành, serie những bức vẽ tổ chim được đánh số thứ tự là một loạt thể nghiệm cuối cùng của Trung Nghĩa với khói màu. Không có không gian, không có câu chuyện, một vài nét phác của kỹ thuật thủ pháp được phô trương thi triển, chỉ là thấp thoáng bóng con chim non ngửa cặp mỏ tuyệt vọng vào khoảng không giấy trắng, hay ở một bức khác, chỉ một nhánh lông vũ lâm thâm những đốm máu đã ngả bầm.

Trung Nghĩa chần chừ “Tôi xin phép giữ lại câu chuyện của bức tranh này cho riêng người nào sẽ sở hữu nó”.

Gã ngại ngần trước thứ “mùi”riêng được chia sẻ đến tận cùng, và yêu cầu được tôn trọng, như tôn trọng chạc cây cuối cùng của gã người rừng cô độc.

Trung Nghĩa trở về Sài gòn, chính thức bắt tay vào quá trình vĩnh viễn tẩy xóa cái “gốc rừng” lạc thời man mọi: “Tôi làm tất cả để thị dân hóa bản thân. Tôi – thằng nhóc người Kinh giữa đám trẻ con dân tộc, và thằng Tarzan giữa đám bạn học người thành phố, tôi muốn được thuộc về đám đông của những kẻ mạnh. Tôi cố gắng dấu nhẹm luôn cả đam mê vẽ vời và âm nhạc của mình, biến chúng thành những món tài vặt lấy lòng mọi người xung quanh, tôi e dè với mọi dấu hiệu có thể tố cáo bản sắc của chính mình. Tôi cũng sắm cho mình một đôi giày Adidas hợp mốt thị dân, tôi vẽ mấy bức chân dung bằng chì tặng bạn bè để được yêu quý, tôi gọi điện cho quản lý của các ca sĩ nổi tiếng mà tôi may mắn quen biết được, để rình đón xem họ thích hát gì, và tôi viết những ca khúc hợp thời trang và ngồi chờ được thừa nhận.”

Tuy không học hành bài bản, nhưng do lớn lên trong môi trường ca đoàn nhà thờ Tin Lành, được nuôi lớn bởi người mẹ dẫu tảo tần nhưng luôn cẩn trọng giữ lớp son đỏ trên môi, bởi người cha dẫu khắc khổ nhưng vẫn chăm ướp các đứa con trong âm nhạc thánh ca, Trung Nghĩa được làm quen với âm nhạc và nhạc cụ từ nhỏ, đủ để anh “giải mã” các ca khúc nhạc Hoa thời thượng lúc bấy giờ và “điều chế” thành những ca khúc thời trang Việt Nam theo cùng công thức.

Đương nhiên là gã người rừng trở nên đắt khách với món hàng mỹ nghệ âm nhạc của mình.

“Bản năng sinh tồn của đứa trẻ lớn lên giữa rừng đã giúp tôi ngụy trang và tồn tại giữa rừng rậm bê-tông của cuộc đời thành thị, kể từ năm trăm ngàn đồng công viết ca từ cho một bản nhạc Hoa lời Việt đầu tiên. Việc viết nhạc thời trang nuôi tôi sống tạm ổn để chờ ngày trở thành vĩ nhân vặt.”

Con trai người kiểm lâm, kẻ đã bị nền văn minh “kinh tế” của đồng loại xua chạy khỏi mảnh đất của mình, đã trở thành thị dân. Gã nhập cuộc với phe mạnh, mong được họ dung nạp, gã cho rằng sự cấp tiến hợp thời của gã sẽ hoàn thiện lí tưởng anh hùng chủ nghĩa bại trận của chính cha mình.

Giấc mơ mòn dần, mòn dần, cho đến ngày Trung Nghĩa thỏa hiệp: “Có thể là một cô vợ ngoan, mở một quán nước, tụ tập vài bạn bè nghệ sĩ lại đàn hát và tụng ca nhau. Dẫu sao cũng không là một người hùng bị phế truất khỏi trảng rừng cuối cùng của mình, tôi sẽ cắm chiếc dùi nhỏ lên một rẻo đất phần đô thị, và có lẽ như thế, cuộc sống sẽ được duy trì, và trôi qua”.

Và có lẽ đã là như thế, như bao nhiêu lần những bản ngã đầy góc cạnh đã mòn vẹt trên mặt ghế cóc café phố thị, nếu không có những cú tát tận mạng, đủ để văng bật ra tiếng hú của gã người Kinh lưu vong xa thị tộc.

175047_10151477583607686_210211348_o

Cuộc triển lãm của những tiếng thét vô thanh

Có thể đã có những cú tát nảy lửa, những lần sa cơ đến tận đáy như vậy, đủ để đánh thức gã người rừng bị ngụy trang quá lâu, hoặc một nội lực nào đó sẽ chỉ chờ đến ngày gã chạm đến tận đáy đời mòn để bật thốt một tiếng kêu mang thổ âm đặc biệt của đàn ông miền núi.

“Có người còn đã từng khuyên tôi tập nói giọng Sài Gòn, xóa mờ âm sắc miền Trung để ‘dễ làm ăn hơn’. Tôi nói thuần thục âm sắc cả 3 miền, tôi có thể vẽ chớp nhoáng với 2 cây bút chì cùng lúc trong 2 tay, tôi viết một ít nhạc thời trang, tôi vẽ một vài bức họa chì tán gái, tôi làm tất cả để vui lòng người khác.”  Nhưng ngày gặp nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên, một giảng viên và nhà nghiên cứu âm nhạc tại Úc, cũng là người am hiểu hội họa, Trung Nghĩa mang tất cả những gì mình có, tất thảy những món từng được dùng làm mánh khóe “hội nhập” của gã tại Sài gòn, vị nhạc sĩ thản nhiên xem qua và thản nhiên phủ nhận tất cả “Nếu đây là những gì cậu có, thì cậu chẳng có gì cho tôi xem cả!”

71777_10151306587502686_434027792_n

Đó chính là cú tát cuối cùng đủ sức hất văng cái lốt thị dân giải trí của gã thanh niên nhập cư. Gã tìm đến những chất đất bazan được lọc kết cầu kì nhất, căn hộ luôn nồng nặc mùi diêm sinh, đôi bàn tay gã lâm thâm vết phỏng.

“Lần đầu khi ngọn lửa bắn lên tay tôi, vết phỏng không lớn nhưng khiến tôi nhớ đến những con nai bị thui sống ở chợ, tôi nhớ đến thân mình giãy giật của chúng, và đôi mắt, những đôi mắt chẳng phải vô cớ mà văn nhân thị thành vẫn ca tụng trong thi ca. Chúng nhìn, to tròn, hoảng loạn, đau đớn. Chúng ám ảnh tôi, những đôi mắt. Đôi mắt của con vọoc tội nghiệp bị lột da, những con mèo con bị vứt bỏ, những con chó nhìn đau đáu qua song lồng trên những chiếc xe chở ra quán thịt cầy,…Còn tôi, khi đó tôi làm gì? Giãy nảy vì một vết phỏng nhỏ hơn đầu đũa trên da thịt mình”.

Gã cũng từng nuôi một con mèo, nhưng người ta đã đập chết nó, con chó của gã cũng bị người ta thuốc chết. Gã không bao giờ nuôi thú cưng nữa.

“Khi người ta bận rộn với việc tìm cách lớn lên, làm những chuyện lớn lao và có những bạn bè to lớn, người ta có thể quên đi rất nhiều thứ. Tôi cũng vậy, tôi đã từng quên đi ánh mắt của những con vật, bị xua đuổi, bị cướp con, bị chết cháy, bỏ rơi, hay lột da,  đầu độc. Tôi đã từng quên cách hiểu ngôn ngữ của chúng, cho đến khi chính tôi học cách thừa nhận bản ngã mình, và chịu ám ảnh đến tận cùng bởi những gì tôi nhìn thấy trong đôi mắt một con vật bất khả tự vệ. Chúng nhìn tôi, những con nai bị thiêu sống hay những con chó chờ giết thịt: “Tạo Hóa ban cho Người vị trí đầu tiên của chuỗi thức ăn, ban cho người quyền năng của Văn Minh, tại sao Người ăn thịt con, đốt cháy nhà của con,  hành hạ con, mặc những bộ da của con? Tại sao Người bỏ rơi chúng con?”

265169_10151229628282686_778509560_n

Phải chăng ta đã cùng nhau chứng tỏ với Thượng Đế rằng người đã sai lầm? Ta không minh chứng được quyền lực tối thượng bằng sự dẫn dắt của sinh vật đầu đàn, mà ta tàn phá như những kẻ xâm lăng man rợ.

“Những ánh mắt ấy chưa bao giờ rời khỏi tôi, chúng chưa bao giờ rời mắt khỏi loài người để cất lên câu hỏi vô thanh ấy. Ta chọn không nghe, ta chọn không thấy, ta chọn quay lưng và bước đi đó thôi. Ngay từ những loài vật có lẽ được thuần dưỡng đầu tiên và gần gũi nhất với con người cũng đang lên tiếng kêu cứu”.

Nhạc sĩ Lê Tuyên, chính người đã cho Trung Nghĩa gáo nước lạnh cứu rỗi cuối cùng, cũng tìm lại sự tương tác cảm hứng để từ bức họa cái đầu một sừng của con tê giác cô độc mà sáng tác nên bản nhạc kể lại câu chuyện lang thang tìm đồng loại của con tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam, với cao trào của những tiếng nổ chát chúa bắn giật từ dây đàn căng cứng. Trong cuộc triển lãm và hòa nhạc Tiếng Gọi Núi Rừng vào tháng Giêng 2014 sắp tới, như một sự tình cờ ắt nhiên, khi Trung Nghĩa quyết định đưa vào triển lãm hình hài những con vật bị đe dọa ngay tại đô thị mà theo anh mô tả “rất có thể chỉ là một đôi mắt, đôi mắt của con nai bị thui sống tôi nhìn thấy trong chợ, hay những con mèo bị bỏ vào túi nylon cột chặt thả trôi sông, những con chó nhìn đau đáu vào tôi từ phía sau những chiếc rọ nhốt chung trên đường ra lò mổ”, thì người bạn lớn của anh, nhạc sĩ Lê Tuyên cũng sẽ trình bày tác phẩm ngắn kể lại kí ức của ông về câu chuyện của một chú chó con có thật, chú chó mà ông từng phải cho đi trong một cái hộp giấy, nó ngước mắt nhìn nhạc sĩ, và khoảnh khắc đó, ông tin rằng nó đã khóc.

“Tiếng gọi của núi rừng có thể là một thanh âm xa lạ với những đôi tai thị dân, nhưng tiếng kêu cứu thống thiết của thiên nhiên đang cất lên ngay giữa lòng phố thị đó vẫn hiện diện hàng ngày và rất ít, quá ít người đáp trả”

Trong cuộc triển lãm lần này, Trung Nghĩa sẽ tiếp tục đáp trả theo cách của mình.

“Có tài năng, sử dụng được tài năng và sống được với tài năng là 3 chuyện hoàn toàn khác nhau. Tôi được sinh ra là một anh chàng có khiếu, nhưng cái khiếu ấy, với cả âm nhạc lẫn hội họa, chỉ dừng lại ở mức độ tài lẻ.

Tôi sáng tác được nhạc, dựa theo công thức sẵn có của một ca khúc thị trường, tôi hoàn toàn có thể bẻ vài note nhạc để biến nó thành một ca khúc mới hoàn toàn. Tôi vẽ vung vít trong trường với hai cây viết chì cầm ở hai tay, bạn bè lác mắt, và những cô nàng nhận những bức chân dung tôi tặng chỉ phì cười.

Với khả năng âm nhạc của mình, tôi chọn làm theo sự đặt hàng để vừa lòng các ca sĩ. Tôi chưa bao giờ thành tâm yêu nó, thú thật là vậy. Tội lỗi của tôi là đã xem âm nhạc như một mối quan hệ có thể lên giường mà không cần tình yêu.

Tạo Hóa cho tôi một thanh kiếm, tùy nghi, và tôi đã chọn múa may như một đứa con nít với thanh kiếm nhựa!

Cho đến khi tôi tàn tật hoàn toàn!

1233991_10151644847032686_338184717_n

Đến tận bây giờ, với hội họa, tôi mới đang học cách sử dụng tài năng. Quá muộn ư? Tất cả những kiệt tác đều đã được sáng tác. Khói ư? Lửa ư? Kể cả máu ư? Kỹ thuật vẽ bằng bút lửa ở các nước láng giềng đã được phát triển khủng khiếp, đến độ một bức tranh kỳ vĩ chỉ được coi là hàng sản phẩm mỹ nghệ chứ chưa được xem là hội họa chính thống. Vậy tôi sẽ làm gì với đống phân dơi phơi khô và những miếng đất cao nguyên của mình?

Tôi không quyết định gì về ý nghĩa của những chất liệu của hủy diệt mà chúng đến với tôi, thuần túy dựa vào kí ức của đứa trẻ người Kinh sống trong rừng. Tuổi thơ tôi chỉ là thế, đất đỏ, và tất cả những gì của nền văn minh hủy diệt mà người ta mang đến để phá rừng và khẳng định quyền bá chủ”.

Phân dơi sẽ chỉ là phân dơi trong tay một gã nghệ sĩ nửa mùa, chất nổ sẽ trở thành công cụ hủy diệt trong tay một thợ săn trộm, và cây bút lửa sẽ chỉ là một dụng cụ mỹ nghệ trong tay một nghệ nhân thủ công. Đứng trước đống chất liệu ngổn ngang trong khi những kiệt tác đều đã được sáng tác, gã người rừng chọn tâm thế của riêng mình, những kí ức mà không nghệ nhân Trung Hoa nào sẻ chia được, nỗi đau mà không gã nhạc sĩ showbiz nửa mùa nào có thể sao chép được. Kí ức núi rừng đã cho Trung Nghĩa biết vết khói màu lem trên túm lông bói cá ấy có giá trị của cả một thông điệp, chứ không chỉ là một lỗi hỏa biến.

Nói một cách khác, Trung Nghĩa chọn cởi tấm áo thị thành, và bước vào khung tranh, trần trụi như chính nhân thân đầu tiên Tạo Hóa ban cho gã: con trai người kiểm lâm.

882663_10151328288527686_1222075964_o

nhân vật và tác giả, tháng 09 2013

nhân vật và tác giả, tháng 09 2013

ả Khàn hàng bún

Trác Thúy Miêu

Profile:

Đeo đuổi giấc mộng hò hẹn chân dài, anh hãy chọn ra một diva sáng giá của những sàn diễn gắt gao nhất, cô nàng làm dậy sóng khán đài và khiến một buổi trình diễn thời trang cũng rần rần tiếng reo hò quá khích của sân vận động Lạch Tray mỗi khi nàng xuất hiện.

Không quá khó để chọn ra nàng giữa thế giới của các ả hồng hạc yểu điệu trên sàn runway Sài-gòn, bởi không có nhiều hiện tượng như Trang “Khàn” giữa tên tuổi những cô nàng cục cưng của ngành thời trang Việt.

Đôi năm trước, ngay khi sự nghiệp đang khởi sắc lẫy lừng, nàng đột ngột biệt tích. Người ta đã mất công đồ đoán khá nhiều về tay đại gia cự phách nào đó đứng sau vụ mất tích chiếm hữu kiều nữ không phanh này.

Nhưng không có gã đại gia nào cả, và cũng không có nhẫn kim cương. Trang Khàn đột ngột tái xuất, và bắt tay vào…bán bún.

Sau đó là liên tiếp những hình ảnh cô nàng lăn xả vào xào nấu tung hoành trong các bếp ăn từ thiện, và hầu như không còn một thông tin ngoài lề nào về đời tư hay những phát ngôn lấc cấc của nàng.

Sau đó là nàng tuyên bố…đi tu.

Và mới đây, nàng đi đóng phim…ma.

Một cô ả bất thường.

Mặc nhiên, đó là một cô nàng sáng giá.

1146878_486768524746058_1753090479_o

Lời nguyền cấm khẩu

Đương nhiên, ông bạn sành sỏi sẽ tìm một quán ăn hợp ý người đẹp, thận trọng không quá săn đón trong việc đón đưa bởi nàng thích độc lập. Một quán chay vào bữa trưa được coi là phù hợp hoàn toàn cả với đời sống tâm linh thuần khiết lẫn thời gian biểu bận rộn của một con dân làng giải trí.

Ông bạn chờ đợi gì? Một cô gái có trái tim bác ái và tư cách đồng trinh? Hay một sự xuất hiện xứng tầm đáng để ông bạn mát mặt về bữa hẹn hò với một người mẫu danh tiếng lẫy lừng, một con ngựa bất kham tung vó trên sàn nhan sắc?

Người mẫu Trang Trần, đúng là nàng, rầm rộ đá chống xe, quạt cẳng chân dài loằng ngoằng khỏi yên xe máy, hùng hồn tháo giật mọi món phụ tùng từ khẩu trang đến cái nón lưỡi trai như của mấy tay chuyên chụp bóng chày. Bộ quần áo hẹn hò của nàng là một thứ thời trang không thể gọi tên, theo trường phái thẩm mỹ của mấy bà chị chiều chiều hốt hụi tiểu thương. Chắc hẳn chúng được lôi ra khỏi tủ quần áo một cách hoàn toàn ngẫu hứng. Thoăn thoắt búi ngược mái tóc lên đỉnh đầu và sải đôi trường túc xỏ dép lê, ả Khàn khét tiếng đùng đùng tiến vào quán.

913774_606304059399599_1405566154_o

Hãy suy nghĩ thật nhanh, anh bạn dại dột, một khi anh còn đường thoái thác thối lui. Cô gái này hoàn toàn không phải cuộc chơi nhàn hạ của thú tri kỷ tiêu dao ngàn đời giữa các người đẹp và đại gia.

Nhưng có lẽ ả cũng đủ sâu sắc để hiểu rằng nếu anh bạn tìm kiếm một tấm nhan sắc đã được thuần dưỡng, anh bạn sẽ chẳng tìm đến một ả Khàn hàng bún.

“Tôi lớn lên như một đứa con gái lanh lợi và dư dả chiều cao so với bạn bè xung quanh, được coi là đẹp, là sang, là “trông như người mẫu”. Nhưng khi bước vào môi trường nghệ thuật diễn xuất, và sau đó là thời trang, tôi lại là cô gái… kém sắc nhất. Các cô gái đẹp thi vào trường diễn viên để vào vai những nàng Bạch Tuyết da trắng môi son. Nhưng Bạch Tuyết chỉ có một, mà người ta có tới bảy chú lùn, và không có truyện cổ tích nếu không có các bà phù thủy. Từ khi đó, tôi đã độc chiếm cho mình những vai diễn trực tính, hoặc phản diện. Khuôn mặt xương xẩu và chất giọng khàn đặc chỉ cho tôi được như thế”.

Trước khi ra trường, ả đã khẩn khoản được thủ diễn một vai chính diện, đương nhiên là một cô công nhân xinh đẹp và bình dị. Trang Trần đã làm việc cật lực để thuyết phục người xem rằng ả hoàn toàn “trông như một cô gái đẹp”. Mọi việc mỹ mãn cho đến khi ả cất giọng thoại và hiện nguyên hình là một tinh thần Siu Black bên trong ngoại hình bé Xuân Mai: “Từ khi còn đi học, tôi đã nghe chán chê những tiếng kêu gào của thầy cô ‘Trang ơi, không chạy nữa! Không được cẩm chổi đánh bạn!…’ Tất cả những gì tôi có để đáp trả, là một vai diễn cô công nhân thuần phác, mong manh, cho đến khi tôi bắt buộc phải cất tiếng bằng cái cổ họng phản chủ. Nhưng tôi đã thử!”

Ả bỏ vào Nam với lời nguyền sẽ tỏa sáng ở một nơi nào đó người ta có thể diễn xuất mà không cần…mở miệng. Dĩ nhiên là ả không tìm đến với kịch câm, một khi mà thế giới thời trang sẵn lòng trải thảm đỏ dưới mọi đôi chân dài và showbiz cũng hoan nghênh một khẩu khí đầy thái độ – thứ mà ả có đến dư thừa.

964636_10200131832723955_1673590713_o

Từ đặc ân Gái Xấu…

Lại một lần nữa, ngay sau một khoảng thời gian trầy trụa tạo chỗ đứng, Trang Trần xuất sắc trong vai trò ‘gái đẹp’. Ả nổi nhanh như cồn, phát ngôn bạt mạng, và càn quét mọi đường runway sáng giá. Ả không cho phép bản thân bị lãng quên hay nhạt trò.

Người ta tin là ả đẹp đến nỗi cuối cùng thì vai diễn phim nhựa đầu tiên cũng đến tay.

Và đây là lúc, thay vì khẳng định vị trí “gái đẹp đóng phim”, Trang Trần lồm cồm chào sân điện ảnh trong bộ cánh một…con ma:

“Số phận không dành cho tôi đặc ân của mộ cô gái đẹp, còn tôi thì quyết giữ cho mình những đặc ân chỉ dành cho những cô nàng không-đẹp. Tôi không san sẻ với bất cứ ai, tôi giành việc của cascadeur và đòi tự đóng những cảnh khó, bị treo lộn ngược nhúng đầu vào nước, bơi giữa các xác thú chết hay tự tay cầm đuôi một con vật mà tôi sợ xưa giờ là con chuột. Tôi coi đó là những đặc ân của một cô gái biết diễn, chịu diễn, chúng giúp đẩy cảm xúc nhân vật đến tột cùng căm phẫn, lí giải cho sự thoái hóa về tâm lý vào cuối phim. Tôi chấp nhận hầu như tất cả, dẫu chỉ để không là một chân dài đóng phim bất kì nào khác. Tôi là một diễn viên được đào tạo bài bản, và yêu nghề.

Trước khi nhận vai diễn trong Biết Chết Liền, tôi đã cùng lúc phải cân nhắc với một vai ‘đẹp” khác. Tôi sẽ là một cô gái đẹp, mặc những bộ váy đẹp, nhưng số phận của một cô gái đích thị bị hủy hoại đến thành ma thì đất diễn lại phong phú hơn”.

Gái xấu thì cam chịu thiệt thòi. Thậm chí ả không hề có mặt trên shot ảnh chụp poster quảng cáo hào nhoáng treo trước cửa rạp cine.

Đương nhiên là Trang Trần nhảy dựng lên vì tự ái, cho đến khi sự khéo léo dàn xếp tuyệt hảo của nhà sản xuất đã thuyết phục ả với lí do “sự xuất hiện trong dung mạo cổ quái của Trang Trần là quân chủ bài chỉ tung ra vào phút cuối để tạo hiệu ứng bất ngờ với khán giả”.

Đó là một tay cực kì thông minh, anh bạn có thể học từ tay này rất nhiều.

Bạn đừng nên ca tụng nhan sắc một Trang Trần.

Thay vào đó, hãy cho cô nàng biết rằng bạn ghi nhận tuyệt đối năng lực của nàng, dù là trong vai diễn một con ma xấu điêu xấu đứng.

“Đặc quyền của gái không-đẹp chính là những cuộc tra tấn trước ống kính, những trầy trụa sứt sỉa sau mỗi đợt quay. Không, nhiều hơn thế, không mấy cô gái đẹp được trải nghiệm lòng căm hận, những hiểm nguy cận tử, và sự biến dạng của cả tâm hồn lẫn ngoại hình và có được khoái cảm chinh phục được vai diễn ngoài tầm trải nghiệm một kiếp thường”.

551537_10151464635534387_246826787_n

…đến Gái Đẹp được miễn giảm thông minh

Và nàng là như thế, không phấn son, không có những chiếc váy hợp mốt và lớp trang điểm cầu kỳ lúc giữa trưa, không ngốc, nói chung là không có bất kì dấu hiệu nhận biết thông thường nào của cái gọi là “label gái đẹp”.

Khi bạn chia sẻ với cô nàng cọc tính nhận định có vẻ nịnh đầm khéo léo này, ả lập tức xù lông nhảy dựng lên, phát ngôn đầy khẩu khí ở tư cách người đại diện của thế giới những thanh trường túc: “Ai bảo cứ đẹp là ngốc? Đơn giản là họ không cần phải vận dụng đến trí thông minh. Tại sao lại phi lý với chính mình thế, khi mà phần số và xã hội đã dọn sẵn những ưu đãi hậu hĩ cho bạn, và tất cả những gì bạn phải làm là đừng để họ phải thất vọng nếu một ngày bạn chểnh mảng về hình thức ngoại hình của mình. Chúng tôi cũng như quý anh, quý ông thôi. Hễ cứ bộ phận nào không sử dụng lâu ngày thì nó yên ngủ hoặc hao mòn. Vậy, nếu anh không cam lòng bắt một cô gái đẹp phát minh ra hợp kim thông minh để may quần áo và chế tạo tàu du lịch vũ trụ, hay không nỡ bắt một nữ diễn viên xinh đẹp vào vai xấu xí, thì cũng xin đừng đánh giá thấp hay chế giễu họ bộ não be bé xinh xinh không tì vết của họ. Nếu tôi đẹp như họ, tôi cũng sẽ có những vai diễn êm mượt giành cho mình, tôi cũng sẽ dễ dàng có được vị trí catwalk ưu đãi hơn mà không cần quá khắc nghiệt với chính mình từ những lúc diễn tập”.

Điều này hoàn toàn không có nghĩa là các cô gái không-xinh thì đều bản lĩnh, giàu cá tính, giỏi tán hay bán bún đậu đắt hàng, bạn sẽ kiên định với chủ trương nịnh đầm triệt để nhằm vào con ngựa bất kham đang nổi khùng trước mặt. Và nàng cũng không hẳn là chối từ thiện chí đó: “Hẳn nhiên, một chút mặc cảm về ngoại hình có thể đánh gục một người đàn bà. Nó đeo đuổi cô gái từ khi còn trẻ. Họ có thể không xấu xí, nhưng chỉ là một nhan sắc không-có-gì-đặc-biệt, và điều này có thể dìm họ vĩnh viễn vào vai những diễn viên quần chúng trên phông cảnh kịch bản số phần. Cuối cùng thì mọi kịch bản cuộc đời đều cần đến họ ở số lượng lớn. Tôi thì không, tôi không yêu sân khấu theo cái cách cam chịu làm diễn viên chạy cờ ăn lương tháng!”

Và từ đó, trên sân khấu cuộc đời, vẫn có những cô đào phụ, những nàng Bạch Tuyết môi đỏ má hồng, và có cả một Trang Khàn không giống ai trong hai số đó.

941220_444051205684457_1483834613_n

Cái váy của người đàn ông thành đạt

Cuộc chuyện trò bữa trưa đã xế nắng, và cô người mẫu trước mặt bạn đã sẵn lòng cho phép mình mềm mại hơn.

“Tôi xoay sở cho mình ổn thỏa trong thế giới của gái đẹp, tôi hoàn toàn thoải mái và tự hào về bản thân và ngoại hình của mình… cho đến khi đàn ông vào cuộc. Cuộc tình cuối cùng của tôi nhắc cho tôi nhớ mình vẫn chưa hoàn toàn bất khả xâm phạm. Anh ấy đã không đến với tôi như đến với một cô gái đẹp, nhưng trước xã hội, anh ấy mặc nhiên vào vai tay đàn ông có người yêu là người mẫu chân dài. Đó là một điều đáng hãnh diện đối với bất cứ người đàn ông nào, cho đến khi cô người yêu xuất hiện, giọng lào khào như đàn ông, ưa quần short dép lê, và mặc dù ở bên cạnh anh, tôi yêu thương đến mức phục tòng, tôi rời bỏ Sài-gòn và sự nghiệp, nhưng anh lại bị đánh gục, rất có thể chỉ bởi nguyện vọng giản dị rằng tôi sẽ mặc những chiếc váy bó gợi cảm, rồi nép vào bên cạnh anh, ít nhất là trước mặt bạn bè”.

Bao nhiêu năm mưu sinh và phát triển bản thân, những dèm pha soi mói đã không còn chạm đến Trang Trần được nữa. Nàng có được cho mình bộ giáp trụ sáng choang hoàn hảo. Cô nàng đắc thắng tội nghiệp, nàng đã không ngờ rằng ngay khi ướm thử quyết định gắn kết cuộc đời với một vũ trụ khác, nàng đánh đổi không chỉ catwalk Sài Gòn, mà cả bộ giáp trụ của mình. Showbiz đào luyện cho nàng trước mọi dèm pha, nhưng người đàn ông của nàng thì không.

Những cô ả bất kham, họ mạnh mẽ và tự tại hơn khi cô độc, và nếu người bạch mã hoàng tử không đủ bản lãnh, chính anh ấy sẽ thay mặt xã hội mà tấn công nàng.

‘Tôi đã có thể rời bỏ sự nghiệp vì người đàn ông, nhưng không thể vì anh mà mặc váy, khi tôi chưa muốn!”

Bạn sẽ thầm hiểu điều này còn có nghĩa là: “Và nếu bản lĩnh đàn ông của anh có thể bị tổn thương vì chuyện cái váy, thì anh đi mà mặc váy, điều đó hợp với anh hơn!”

922262_434897859933125_1044531017_o

Phải chăng đó là nguyên nhân một kiều nữ với mọi sóng gió lẫn ưu đãi của số phần, vẫn sinh ra để bổ khuyết cho đời sống ái tình của một người đàn ông thành đạt?

“Dĩ nhiên, tôi khẳng định chỉ có người đàn ông thành đạt mới đủ bản lĩnh để tán tỉnh hay chinh phục tôi. Thương trường hay sự nghiệp sẽ trau luyện cho kỹ năng sống của anh ấy, và chỉ có một thu nhập cao mới khiến cho anh ấy thoải mái khi yêu một cô gái cũng tự lập hoàn toàn về tài chánh và giỏi xoay sở. Ít nhất, sự thành đạt sẽ bảo vệ anh ấy khỏi nguy cơ tự ti về bản lãnh sống trong xã hội và thu nhập khi là người yêu, hay chồng của tôi”.

Chỉ có điều nan giải, đó là phần lớn họ, những người đàn ông thành đạt, họ ngộ nhận khá nhiều về cái quyền chọn lựa, nâng lên và đặt xuống, trong ái tình, và phần lớn những gã đàn ông thành đạt không có nhu cầu vào cuối ngày phải về nhà xăn tay áo chơi trò gồng tay với cô nhân tình đầu bò đầu bướu.

966360_10200150539791620_480810255_o

Gian nan đường đến nồi cơm điện

Một số đàn ông thành đạt khác sẽ nghiêng mình trước một cá tính Trang Trần, những tay ở tầm mã thượng hơn, sẽ bao dung trước lối phát ngôn của cô nàng trực tính.

Nhưng rồi họ lại cần những nhân tình có tính chính thức, an toàn và thường trực để biến thành vợ…

“Ngớ ngẩn là họ thường muốn uốn người tình thành vợ, rồi lại trốn vợ đi đến với người tình, một cô nàng cá tính nào đó mà họ không bao giờ còn phải mất công uốn nắn, mài nhẵn và đặt vào cái khung kính gia đình.

Không hẳn là tôi lên án thói trăng hoa, tôi thừa ‘nam tính’ để chấp nhận rằng thói trăng hoa nằm trong bản năng của giống đực. Chỉ tiếc, thưa các anh, rằng các anh là những tay nói dối kém cỏi. Tôi đủ thông minh để không coi lén điện thoại nên rất xem trọng anh nào có lỡ nhẹ dạ cũng xác định lúc tàn cuộc chơi: đủ tỉnh để không nghĩ món quà vặt ăn vụng ấy là ái tình. Bi kịch là ở chỗ các anh chẳng bao giờ đủ khôn để phân biệt được. Và phần lớn phụ nữ cũng chẳng bao giờ đủ khôn để không lục điện thoại chồng.

Tôi đã học phần khôn của mình, và bây giờ chỉ còn việc đợi gặp người đàn ông nào đã hoàn tất phần học khôn của chính anh ấy, rồi cùng nhau thẳng tiến đến cái…nồi cơm điện’.

Từ khi bỏ gia đình vào Nam lập thân, ả thừa ngang ngạnh và lì lợm để chưa bao giờ phải hồi gia trong tâm thế bại trận thất thểu.

Nhưng sau khi đào tẩu khỏi vùng sáng showbiz để chạy theo ái tình, và thất bại, người ta lại thấy Trang Trần tái xuất. Nàng nhợt nhạt hơn, ít xuất hiện tại các sự kiện, một tay gầy dựng phong trào bún đậu mắm tôm Sài Gòn, các sự kiện thảm đỏ được thay bằng những chuyến đi chùa làm việc phước.

Trang Trần bắt đầu được gọi là Cô Khàn nhiều hơn, như một thương hiệu quà vặt địa phương, như một điều kém long lanh, nhưng gần gũi.

Người ta không còn nghe Cô Khàn nhắc đến đàn ông.

“Tôi không muốn gọi đó là một vết thương tình cảm, nhưng nó có khiến tôi cẩn trọng hơn. Đứa con gái tự lập sẽ luôn tự hình thành nên bên trong mình một nửa đàn ông để tự bảo bọc chở che cho chính mình. Khi tôi gặp người đàn ông xứng đáng để là ‘một nửa của mình’, tôi trở về với mọi thuộc tính đàn bà, và sống thong thả hơn. Nhưng nay thì ‘một nửa đàn ông’ trong tôi khắc nghiệt hơn trước nhiều, gia trưởng và đa nghi hơn trước rất nhiều. Nếu có ai muốn đến với tôi lúc này, anh ta sẽ phải đấu tay đôi với ‘thằng’ Khàn trước khi chinh phục được ‘cô’ Trang.

Nếu ngày trước, chỉ một lời mời ăn tối có thể khiến tôi diện một chiếc váy gợi cảm, trang điểm lâm li và làm mọi trò dễ thương để chinh phục được ý trung nhân theo cung cách của mọi cô gái. Nhưng bây giờ, nhận một lời mời ăn tối, tôi sẽ rủ anh chàng ra quán nhậu, nơi tôi ngồi chồm hổm với cả một lũ bạn bè cười giỡn thả ga và nói bậy lem lẻm”.

Có vẻ cô nàng người mẫu ‘ngông không phanh’ không hẳn đã tuyệt vọng với ái tình, nàng chỉ tỏ ra cực kì cẩn trọng với những kì vọng. Nàng tỉ mỉ chọn lựa, và kiên quyết đẩy bật ngửa ngay từ đầu những đấng nam nhi kém vía, những kẻ không nắm trong tay tấm vé tham gia trò giải cứu người đẹp khỏi ‘một nửa đàn ông’ đang tung hoành và phong tỏa cuộc đời của chính cô nàng.

Vừa khắc nghiệt, vừa yếu ớt đến xiêu lòng, nàng thở hắt ra, và rành mạch từng âm tiết một, bằng cái giọng khàn đục trứ danh của mình: “Tôi không còn sức để yêu và để bỏ thêm một lần nữa!”

1265807_10200788385688862_998129010_o

(bài đã được sử dụng trên tạp chí Men&Life)

tay tài-tử Đông-dương

Trác Thúy Miêu

“Hoa Kỳ, hay châu Úc, là những quân thể xã hội đa chủng. Nền văn minh đa chủng dựa trên sự tôn trọng giành cho những nét văn hóa du nhập vào quần thể văn hóa bản xứ. Trước khi kịp phẳng hóa bề mặt thế giới và hô hào hội nhập, tốt hơn hết hãy giữ cho Phở được là Phở, Áo Dài vẫn cứ là Áo Dài, và spagetti không hề là món “nui xào kiểu Ý !”

06879ede34d09fac62db63aef68dc96b

Vị giáo sư mấp mé bên đường biên giải trí

Người ta biết đến ông qua hai đêm diễn song tấu với nhạc sĩ – giáo sư âm nhạc Salil Sachdev tại thành phố Hồ Chí Minh trong buổi triển lãm phối hợp hội họa-âm nhạc về động vật hoang dã mang tên Giấc Mơ Tây Nguyên. Chỉ sau cuộc hành trình với cồng chiêng Tây Nguyên của năm 2012, mới đây, giảng viên trường Đại học Quốc gia Australia Nguyễn Lê Tuyên lại trở về với một cuộc chơi hoàn toàn mới mẻ cùng bản kí âm cổ xưa nhất lịch sử âm nhạc tài tử Việt Nam do nhà dân tộc học Julien Tiersot ghi chép vào năm 1900.

Dường như người đàn ông ấy vẫn còn miên man vong thân liên tiếp vào những cuộc chơi đình đám của âm thanh và nhạc cụ, tuần tự trình bày lên bàn tiệc văn hóa của lớp thính giả cầu kỳ những món công phu nằm ngoài vòng hào quang của mảng âm nhạc giải trí đã đến hồi nhạt miệng.

“Đối với tôi, không có thứ âm nhạc không có tính giải trí. Giới trẻ nghe đến vọng cổ hay đờn ca tài tử, chèo, quan họ, là họ rùng mình nhăn mặt trước khi dám đủ liều, đủ phóng khoáng để tự chiêm nghiệm lấy. Tôi thấy tôi, với sở học về âm nhạc cổ điển Tây phương, hóa ra lại ‘trẻ’ hơn những thanh niên hiện đại”

Giáo sư Lê Tuyên theo học và giảng dạy về âm nhạc cổ điển phương Tây, nhưng chính sự trọng thị âm nhạc cho ông một điều kiện cơ bản để đòi hỏi tìm đến những sự thú vị và xa lạ. Ngay trong quá trình nghiên cứu, ông lại bắt gặp câu chuyện về một vũ điệu Đông phương của cô đào tuyệt sắc người Pháp – yếu tố giải trí hiếm hoi đã thu hút sự chú ý của công luận thời bấy giờ, là điều kiện duy nhất khiến ngày nay vẫn tìm thấy những tư liệu ghi chép lại buổi công diễn huyền thoại ấy. “Người Pháp đã mời cô Cleo de Merode múa trên giọng đờn Nam Bộ không nằm ngoài mục đích gắn liền tính giải trí hấp dẫn với một mảng nghệ thuật hương xa khi ấy còn quá xa lạ với công chúng phương Tây. Cô đào Merode đã hoàn thiện sứ mệnh cầu nối giữa giải trí và nghệ thuật ấy, và chúng ta ngày nay có được những tư liệu vô giá về bản kí âm cổ xưa, đặc biệt có ý nghĩa khi hồ sơ về đờn ca tài tử đang chờ được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể không phải chỉ của Việt Nam mà của toàn nhân loại.

Chúng ta nói rất nhiều về thế giới phẳng. Trên thực tế, ta không làm nên điều đó, bản chất của thế giới trong ngôn ngữ của âm nhạc, đã phẳng từ rất lâu”.

Chính sự xuất hiện của nữ vũ công tài sắc nước Pháp hơn 100 năm về trước đã vô tình gợi ý cho vị giáo sư đạo mạo một dự án liều lĩnh để đưa đờn ca tài tử vào lãnh địa giải trí mà chính ông chưa từng sờ chạm tới: điện ảnh. Ông muốn truyền tải câu chuyện của đờn ca tài tử xứ An Nam giữa bối cảnh nước Pháp và chuyện tình xuyên lục địa. Một hơi hám L’amant nội địa.

Một dự án điện ảnh được hình thành, một nhà biên kịch và một đạo diễn được lắp vào như những mảnh ghép phù hợp, và trang web indochinatheatre.com được thành hình chỉ trong vài ngày với tất cả sự phấn khích đầy máu liều nghệ sĩ lẫn cái đầu nhiệt thành của một gã đàn ông ham vui.

“Bên trong tôi vẫn luôn là đứa trẻ nít, và có lẽ trong mọi đàn ông đều vậy. Các nhà nghiên cứu, các học giả, những vị nghệ sĩ,…tất cả chỉ cần được bắt đầu với sự tò mò, kích thích, hay thậm chí là một lời khích nhằm vào yếu huyệt sĩ diện tự tôn là đã đủ để vận hành cỗ máy năng lượng vô tận bên trong mỗi người đàn ông. Một khi khai thác theo cách cực đoan nhất, ngần ấy năng lượng đủ để xoay vần thời cuộc và làm nên những cuộc chơi đẹp mắt, giàu ý nghĩa, cho cuộc đời một người đàn ông”.

 DSC_5544

Kimono, mojito, và vị học giả bị chọc tức

Tất cả đã bắt đầu như thế, trong lộ trình của giáo sư họ Nguyễn với đờn ca tài tử, đã bắt đầu từ một vụ khích tướng vô tình.

Mồi lửa đầu tiên khởi động cả một cỗ máy cầu kỳ đã được khai hỏa bởi lòng tự tôn ăn sâu trong tiềm thức ông thầy đờn Tây học khi nghe luận cứ có ít nhiều bài bác của một học giả người Hương Cảng, khi chuyển ngữ cụm từ “đờn ca tài tử” là “amateur music”.

“Khi nghe điều này, dù người đồng nghiệp nọ chỉ chuyển ngữ mà không hề mang ý kỳ thị, nhưng đó là một thái độ nghiên cứu nông cạn và sự thiếu tôn trọng khi chuyển ngữ tên gọi các nét văn hóa quốc gia trước khi đưa ra thế giới. Cả thế giới mặc kimono làm áo khoác tắm, gọi món pizza qua điện thoại và uống mojito mà không cần chuyển ngữ.

Hoa Kỳ, hay châu Úc, là những quân thể xã hội đa chủng. Nền văn minh đa chủng dựa trên sự tôn trọng giành cho những nét văn hóa du nhập vào quần thể văn hóa bản xứ. Trước khi kịp phẳng hóa bề mặt thế giới và hô hào hội nhập, tốt hơn hết hãy giữ cho Phở được là Phở, Áo Dài vẫn cứ là Áo Dài, và spagetti không hề là món “nui xào kiểu Ý”.

Cả một lộ trình nghiên cứu miệt mài lôi cuốn theo nhiều bằng hữu từ các lãnh vực khác để tạo nên một bệ đỡ hoàn hảo để đặt âm nhạc tài tử trở về đúng vị trí của nó trong kho tàng di sản của nhân loại,… tất cả được bắt đầu từ một thứ ai cũng có: lòng tự ái.

Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng với hàng loạt các phiên bản truyền khẩu của thời khẩn hoang lập thành Gia Định, đờn ca tài tử đã từ xuất xứ cung đình mà trở thành một sinh hoạt văn hóa làng xã chung của khắp miền sông nước Nam Bộ. Đó là nền văn hóa nghệ nhân dân gian, hơn là một nghệ thuật đầy tính hàn lâm học thuật.

“Các nghệ nhân cung đình, các sử gia và nhà nghiên cứu âm nhạc trở thành những tay chơi nửa mùa ‘amateur’ chỉ vì cách hiểu từ ‘tài tử’ theo kiểu biến dạng khẩu ngữ. Điều đáng coi là đau lòng là khi đa phần người Việt cũng không biết rằng nhạc tài tử có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế, du nhập vào miền Nam cùng các đợt lưu dân hồi đầu thế kỷ 19, các phiên bản ứng tác truyền khẩu được phát thịnh qua lễ hội và đời sống dân gian làng xã vùng Gia Định.

Theo quyển tự điển “Đai nam quốc âm tự vị” (1895) của Huỳnh Tịnh Paulus Của thì chữ tài tử có ghi chép lại nghĩa của từ này nguyên văn là ‘bọn chuyên nghề cổ nhạc’.

Đến bản tự điển của nhà sách Vĩnh Bảo năm 1951 mới ghi nhận chữ tài tử đã có thêm một nghĩa mới như là ‘amateur’: “Chỉ người chuyện về một nghệ thuật nào, chỉ vì thích nghệ thuật đó, chứ không phải dùng tài để mưu sinh.

Nếu nói như vậy, thử hỏi ở khắp Âu châu, người ta vẫn bắt gặp những nghệ sĩ đường phố chơi nhạc Bach, Mozart hay Schubert, nhưng như thế đâu có nghĩa là âm nhạc của Bach, Mozart và Schubert là âm nhạc đường phố?”

 bush

Nàng thơ 138 tuổi và cơn say tình xuyên thế kỷ

Lòng hãnh tiến đã khai hỏa cuộc chơi, nhưng chính tình yêu đã nuôi và duy trì cho một cuộc đeo đuổi dài hơi đầy tính chuyên nghiệp.

Cũng chính trong những cuộc viễn chinh ngược thời gian, lần theo dấu vết những đoàn nhạc công tài tử đầu thế kỷ 20 sang Pháp để trình tấu trong hội đấu xảo Marseille, vị giáo sư An Nam gặp trận “say nắng học thuật” với nàng thơ Cleo de Merode – giai nhân Phú Lang Sa cách ông gần 2 thế kỷ.

“Việc nhà tổ chức người Pháp muốn cô Cleo de Merode xuất hiện tại buổi biểu diễn hoàn toàn không khác gì sự có mặt của một minh tinh showbiz trong một cuộc triển lãm hội họa vậy – nhằm mục đích lôi kéo sự chú ý của công chúng và tăng tính giải trí cho sự kiện, mà họ e ngại rằng dù lạ lẫm thú vị, nhưng còn xa lạ với công chúng Pháp. Cleo de Merode là một vũ công nổi tiếng thời bấy giờ, nhan sắc hơn người, cô đẹp và kiêu hãnh đến độ đã khẳng khái chối từ lời cầu hôn của một bậc quân vương là vua nước Bỉ lúc bấy giờ, để vĩnh viễn sống tự do với nghệ thuật mà cô yêu thích. Khi được yêu cầu múa tại buổi diễn đờn ca tài tử, cô Cleo đã sử dụng một vũ kịch ngắn mang cốt truyện của người Chà Và, nhưng phục trang và động tác múa lại mang hơi hướm văn hóa Nam Vang. Nhiều nhà nghiên cứu về sau cho rằng điều này xuất phát từ việc mù mờ của người Pháp thời bấy giờ đối với các bản sắc văn hóa Đông Dương, nhưng riêng với tôi, Cleo đã tình cờ minh chứng cho sự hài hòa văn hóa không tì vết giữa các quốc gia, vượt qua lằn ranh biên giới địa lý. Bản chất thông điệp cảm xúc vô ngôn của âm nhạc đã là một tài sản chung giữa các sắc tộc, và ngôn ngữ hình thể của múa cũng vậy, không thuộc về ai, không dành cho riêng ai. Nó thừa sức thuyết phục mạnh mẽ hơn cả ngôn ngữ và ca từ. Điều này, với tôi, giải thích lí do vì sao trong đoàn lưu diễn đầu thế kỷ 20 ấy có cả những cô đào có giọng ca vào hàng thượng thừa ở Nam Bộ khi đó đi cùng, nhưng không có tài liệu nào ghi nhận sự xuất hiện của họ tại hội đấu xảo Marseille”.

Mang mối tương tư nàng vũ công đầu tiên từng múa trên làn điệu tài tử, bên cạnh các cuộc tiếp xúc và các buổi trình tấu tại Việt Nam, vị giáo sư say nắng còn ôm giấc mơ tìm kiếm hậu duệ của nàng Cleo để tái dựng Vũ Khúc Đông Dương tại Việt Nam “Tại Việt Nam, những làn điệu quen thuộc được dùng trong nghệ thuật múa hầu như chỉ tìm thấy trong giai điệu dân gian Bắc Bộ, hay các vũ điệu của người dân tộc. Khái niệm múa trên giai điệu đờn ca tài tử là điều khá mới mẻ ngay cả đối với các vũ công chuyên nghiệp. Nhưng đó lại chính là cuộc giao hoan thần thánh giữa ngôn ngữ cơ thể trong tương tác hồn nhiên với cảm xúc âm nhạc. Đó là khi người ta không chỉ thụ động thụ hưởng cảm xúc, mà tương tác, phản hồi với âm nhạc bằng cơ thể, và truyền đạt câu chuyện tương tác đó bằng ngôn ngữ hình thể. Tôi tin rằng nếu hơn một thế kỷ trước, Cleo de Merode đã làm điều không người Việt nào làm với âm nhạc của chính họ, thì chỉ cần một vũ công đủ tự do trong cảm nhận, sẽ tương tác nhuần nhuyễn được với âm nhạc tài tử, dù với hệ ngôn ngữ nào của nghệ thuật múa đi chăng nữa, cảm xúc sẽ là điều duy nhất. Tôi tin tôi sẽ tìm được hiện thân của Cleo de Merode ngay tại Việt Nam”.

 DSC_5250

Thứ tài sản không-là-của-ai-cả và sứ mệnh của Kẻ Đưa Tin

Nhiều người cho rằng việc đặt ý tưởng từ trong phôi thai lên thế giới phẳng của truyền thông quá sớm là sự bồng bột cả tin đầy nghệ sĩ tính và tỏ mối e ngại những rủi ro về tác quyền và sự đối trọng giữa các tình tiết hư cấu và tính xác thực dựa trên tài liệu nghiên cứu khi ý tưởng bị chia sẻ tự do. Giáo sư đáp trả bằng một niềm ung dung tự tại của một tay chơi sành sỏi:

“Làm sao người ta có thể ăn cắp được một tài sản không-là-của-ai-cả? Thậm chí nếu gọi nôm na đờn ca tài tử là di sản của Việt Nam, phải được lưu truyền tồn giữ bởi con cháu người Việt cũng là một quan điểm sai. Những mẫu trống đồng Đông Sơn nguyên vẹn được lưu trữ và trưng bày tốt nhất không phải tại Việt Nam, những họa phẩm bậc thầy hay những hiện vật quý đến từ lãnh thổ Việt Nam đang được đặt vào sự bảo vệ chuyên nghiệp của những bảo tàng viện lừng danh tại châu Âu. Trên hết, ngôn ngữ của âm nhạc, thứ ngôn ngữ phải được cảm thụ và trân trọng vượt rào cản chữ viết hay khẩu ngôn, một khi được thừa nhận là di sản phi vật thể, nó đã mang trong mình một sức thuyết phục rộng lớn, được coi là di sản của tinh hoa nhân loại nói chung, và được đặt dưới sự bảo trợ, nghiên cứu và phát triển không chỉ của người Việt, mà của các học giả, các nhà nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Di sản văn hóa không thể là một thứ của cải cục bộ, như nguồn cội văn hóa quốc gia, tộc người, có thể tự cô lập khỏi sự ảnh hưởng tương tác giữa các vùng văn hóa và toàn nhân loại nói chung. Nếu không gõ cửa, sẽ không nghe thấy tiếng trả lời. Chúng tôi là những nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, đạo diễn, nhà biên kịch, chúng tôi cần một nhà sản xuất. Trên con đường tìm kiếm những mảnh ghép còn thiếu, có cả những xác suất rủi ro mà tôi buộc lòng chấp nhận đánh cược. Mọi động thái pháp lý đã được thực hiện để bảo đảm bộ phim sẽ được kiểm soát tối ưu về tính xác thực lẫn mỹ cảm điện ảnh mà không ai khác, ngoại trừ chính tôi, có thể bảo đảm với những tư liệu tìm được trong quá trình nghiên cứu. Ngay cả với trường hợp xấu nhất của trò may rủi, tôi sẽ không gọi đó là ‘ăn cắp’ mà chỉ coi đó như thêm một cánh tay đưa ra với di sản đờn ca tài tử, và lấy làm mừng khi hấp lực của một mảng nghệ thuật âm nhạc gần như bị lãng quên đã có được hấp lực cần thiết đối với một nhà sản xuất nào đó. Thiết nghĩ người ta sẽ thanh thản và dễ tập trung hơn rất nhiều một khi không bị chi phối bởi phép tính lợi nhuận hoặc tiếng tăm cá nhân. Và tôi cũng không làm tất cả những điều này để dẫm chân lên tấm thảm đỏ đông đúc của giới giải trí”.

Có lẽ đó là lằn ranh rõ rệt nhất giữa một nghệ sĩ và một ngôi sao – lằn ranh của sự lựa chọn giữa tâm điểm ánh sáng và bóng tối hậu đài. Nguyễn Lê Tuyên vẫn giữ cho mình cái ngô nghê hồn nhiên kẻ sĩ khi phải đích thân ủy lạo cho dự án Nhà Hát Đông Dương. Sự ngô nghê ấy nằm trong thái độ lúng túng của vị giáo sư khi bị tấn công bởi các câu hỏi cơ bản mang tính cá nhân về tiểu sử và học hàm học vị của bản thân: “Tôi không lí giải nổi vì sao tôi mang về Việt Nam một thông tin kì thú đến vậy về chuyến hải hành của thứ di sản bản địa cách đây hơn 100 năm, và người ta lại quan tâm đến việc tôi đến Úc được bao lâu và sở thích cá nhân của tôi là gì? Tôi coi mình là kẻ đưa tin, đó là sứ mệnh và tôi cố làm tốt nhất công việc của mình. Thông thường, khi nhận bưu phẩm, bạn sẽ háo hức mở gói bưu phẩm, hay tò mò hỏi han gia thế của người đưa thư?”

Vong thân là thuộc tính của đam mê thực thụ. Đó là khi thứ đam mê đó trở nên to tát hơn chính bản thân chủ thể, kẻ đam mê thỏa mãn trong vai trò phụng sự đam mê của chính mình. Nhưng công luận còn cần một cái tên và một học hàm để vẽ chân dung kẻ chịu trách nhiệm cho thứ di sản được tìm thấy. “Điều đó có thể hiểu được. Nhưng những thứ tôi tìm thấy hay hơn cái học vị của tôi rất nhiều, hãy để tôi trình bày và thuyết phục, tôi giỏi việc này hơn! Giá trị nằm ở thông tin chứ không ở kẻ đưa tin”

 DSC_5300

Nhà Hát Đông Dương của những Kẻ Chịu Chơi

Với sự ám ảnh của câu chuyện về “con sáo không sang sông” Cleo de Merode, người nữ vũ công đầu tiên và duy nhất múa trên nền nhạc tài tử, vị giáo sư người An Nam đã quyết học theo sự thông minh của người Pháp để bắc chiếc cầu giải trí, đưa một món ăn tinh thần lạ miệng đến với quảng đại quần chúng. Lời khước từ cuộc hôn nhân vương giả với vị vua nước Bỉ được lí giải bởi sự dan díu của Cleo với tay đờn kìm tài hoa Nguyễn Tống Triều trong đoàn tài nhân sang Pháp lúc ấy, người đàn ông phía sau bản đàn hương xa mà nàng kiều nữ Paris đã hiểu và yêu theo một bản năng nghệ sĩ. Câu chuyện không thành của họ được tiếp nối vào hiện tại, với giọt máu lai của kỳ nữ Cleo tái hiện vũ khúc Đông Dương tại cố hương của đờn ca tài tử hơn một thế kỷ sau.

Đó là một lối tư duy không phải hoàn toàn quá mới mẻ đến từ giới nghiên cứu học thuật. Nhưng tại Việt Nam, khi những buổi trình tấu hòa nhạc, nghệ thuật múa cổ điển hay dân gian còn phân định rạch ròi tầng lớp khán thính giả với những sân khấu, rạp cine sầm uất sáng đèn hàng đêm, khi mà sự ghẻ lạnh của khán giả nội địa đối với các tác phẩm điện ảnh thể loại “gà chọi dự thi” với thực chất sinh hoạt màn bạc và truyền hình trong nước còn là hai hành tinh biệt lập, thì các hoạt động giải trí hóa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật hàn lâm vẫn giữ nguyên giá trị tiên phong và thuộc tính liều mạng của nó.

Cũng với suy nghĩ đó, Lê Tuyên mang theo về Việt Nam lần này một tham vọng lớn cho đờn ca tài tử: một kịch bản điện ảnh xây dựng xung quanh bản kí âm cổ xưa, lần đầu đưa đờn ca tài tử đến với công chúng Việt Nam qua chiếc cầu màn bạc. Ông “phải lòng” đạo diễn Huy Moeller hầu như ngay lập tức, mối duyên giữa âm nhạc và điện ảnh đã giúp ông tìm thấy đúng vị đạo diễn từng có các nghiên cứu âm nhạc và mối quan tâm tương tự đối với âm nhạc dân gian.

Website chính thức của dự án điện ảnh indochinatheatre.com, lấy tên Nhà Hát Đông Dương cũng đã được công khai đăng tải ngay sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với đạo diễn Huy Moeller và nhà biên kịch Ngô Thị Hạnh.

Vị giáo sư dư adrenaline đã tự đặt bản thân trước hai mối nguy cơ nhỡn tiền: hoặc ông đang có trong tay một dự án phi thực tế mang giá trị hài hước, hoặc ông đang phát ngôn đầy khinh suất về dự án hãy còn trong trứng nước trước công luận, không khác lắm so với việc tự tay vẽ ra một con cọp vằn vện dữ dằn và tự ép mình leo lên lưng nó mà cưỡi.

“(cười) Tôi hoàn toàn tự tin vào trực giác của mình khi phôi thai ý tưởng này từ trong quá trình nghiên cứu. Việc gặp gỡ các đối tác để hình thành ê-kíp dự án cũng hoàn toàn là một lực hấp dẫn tự nhiên giữa những người tâm huyết. Tôi tin vào duyên số và hấp lực tự nhiên sẽ gắn kết những ‘tay chơi’ thực thụ lại với nhau. Phần việc còn lại là lên tiếng để tăng hấp lực thu hút ấy, chúng tôi cần một công ty truyền thông và những người muốn cùng lao vào cuộc để thật sự khai hỏa cho cuộc chơi lớn, với máu ‘chịu chơi’ của dân nghệ sĩ, và cái đầu tỉnh táo của những kẻ chưa bao giờ biết thua”.

 DSC_5332

BOX: Vu khuc dong duong

Chỉ vài giờ sau cuộc nói chuyện với tôi, GS.Nguyễn Lê Tuyên đã được thỏa sức làm điều mà ông cho rằng mình có thể làm tốt nhất: thuyết phục và bảo vệ cho giá trị của đờn ca tài tử trước hàng trăm học giả tại Hội nghị Quốc tế Về Âm nhạc Truyền thống tại Thượng Hải, đi cùng là những nhạc công của ban đờn tài tử, như một cuộc viễn chinh lần thứ hai của tiếng đàn Gia Định hơn 100 năm sau ban đờn của thầy Nguyễn Tống Triều, dùng thứ ngôn ngữ thuyết phục nhất để bảo vệ và tôn vinh cho một niềm kiêu hãnh lâu đời từ những miệt sông nước thuở khẩn hoang.

Chính xác đờn ca tài tử ở góc độ văn hóa và lịch sử, vượt trên tầm nghệ thuật cổ nhạc, đó là một lối sống! Hơn mọi tư liệu dẫn chứng, tự thân âm nhạc đã mang sự thuyết phục của lối hòa đàn ngẫu hứng, tính tự sự và những phiên bản đa diện khi được lưu truyền theo hình thức dân gian. Trong tất cả những phiên bản lưu truyền đó, thì bản đàn Vũ khúc Đông Dương là một mảnh ghép trội bật mang nhiều ý niệm có giá trị về tính học thuật lẫn tinh thần văn hóa giao thoa của Đông Dương thời thuộc địa. Sắp tới, tôi còn tham vọng kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ Pháp trong việc lần tìm danh tánh từng vị nhạc công trong ban đờn đã thực hiện chuyến lưu diễn xuyên lục địa cách đây gần 2 thế kỷ”.

Vào cùng thời điểm, trang web chính thức của dự án phim Nhà Hát Đông Dương tại indochinatheatre.com cũng bắt đầu đi vào hoạt động, khai hỏa cho một cuộc chơi liều lĩnh khác của vị giáo sư đầy lắm mộng.

Sau cuộc viễn chinh đến Thượng Hải, cuốn sách nghiên cứu của ông về đờn ca tài tử cũng được nhà xuất bản Phương Nam cho ra mắt vào tháng Chín 2013, với tham vọng tái hiện lại một phần Vũ Khúc Đông Dương huyền thoại tại Marseille hơn 100 năm về trước ngay trong buổi ra mắt sách.

Có vẻ cuộc viễn chinh của vị giáo sư họ Nguyễn ngược thời gian theo dấu giọt đàn tài tử vẫn chưa tới hồi ngơi nghỉ.

“Cuộc đời nên là cuộc chơi không biết tới hồi tàn cuộc, chính những tư liệu, những con người và những cơ hội tình cờ tìm thấy trong quá trình rong ruổi ngược đời với đờn ca tài tử sẽ dẫn lối tôi đến những dự án khác, những mê lộ mới. Chỉ cần giữ được sự tò mò và liên tục đặt ra những câu hỏi đòi được trả lời, bánh xe năng lượng sẽ tiếp tục vận động. Tất cả chúng ta rồi sẽ nghỉ ngơi, nhưng chưa phải là ngày hôm nay!”lê tuyên thúy miêu

cuối nẻo cuồng phong

Trác Thúy Miêu

Nàng là loại đàn bà thụ hưởng không khoan nhượng. Đặt nàng vào khánh tận, tước mất của nàng những gã trai si tình, nàng sẽ lôi giật tấm màn cửa xuống đẻ làm nên một bộ váy trứ danh, và có bằng được mọi ngưỡng mộ phù hoa mà nàng xứng đáng. Nàng cần được khiêu vũ, tán tỉnh, sùng mộ, và nàng cần được hôn thật say đắm, đôi khi là bởi bất cứ ai.

Với Nàng, tất cả những điều đó không hề phi nghĩa khi nó đại diện cho danh dự giai nhân. Nàng bọc điều, hư hỏng, vô ơn, khốn cùng và luôn túng thiếu.

Nhưng nếu mỗi người đàn bà đều tìm thấy lối về thánh địa Tara của riêng mình, họ đều đã phải bỏ lại rất nhiều dọc đường thiên lý những gì thừa thãi để đủ nhẹ mà ngược chiều gió tìm thấy Bằng An.

19_6128_Scrltt_on_Log__Ta

Bạn là cô nàng phù phiếm, bạn thông minh mẫn tiệp, độc lập, cự phách trong kỹ thuật chăn dắt đàn ông, bạn vừa thực tế, vừa tham lam không buông bỏ dù một giấc mộng điên khùng phi nghĩa nhất? Người ta có thể cho rằng bạn là hiện thân của thái độ sống tân kỳ hiện đại, cho đến khi ngược dòng lịch sử, tìm về cuộc nội chiến xứ cờ hoa và gặp lại tiểu thư Scarlett mặc váy dạ hội may từ rèm cửa, băng biển lửa, điên cuồng tung roi trên cỗ độc mã kiệt quệ, bạn sẽ hiểu – chưa có gì thay đổi quá nhiều trong thế giới của đàn bà, từ những trận gió hoang dại thời Scarlett O’Hara.

Và ngày nào những cơn gió hoang của thời cuộc còn đổi chiều bạo liệt, thì vẫn chưa có gì thay đổi quá nhiều trên những chuyến đời quanh quẩn của những cô gái trở thành đàn bà nơi xứ lạ, bước qua những người đàn ông và những vết thương chỉ để trở về nhà – nơi họ tìm thấy điều phải mất một quãng đường quá xa để trở về và tìm thấy: Cõi Bình Yên.

Mọi cô gái luôn bắt đầu với một Ashley Nào Đó

Đã bao thập niên qua, người ta vẫn không thể quên hình ảnh nàng chỉ sau một lần ngự giá màn bạc cine, với mái tóc đen huyền, khuôn dung nhỏ nhắn, đôi mắt to ướt át và khuôn miệng bé như đầu đinh ghim, đôi khi mím lại thành một đường chỉ mỏng uốn cong ngạo mạn nơi khóe mép – một vai chánh toàn diện cho một thiên tiểu thuyết trên cả lãng mạn và bi tráng.

Nàng ngạo nghễ trình diện thế giới trong hình hài 16 tuổi như vậy – một trái táo xanh dốt, ngọt chua đồng bóng, cô nàng tiểu thư miệt vườn sôi nổi và dễ gây say của thái ấp Tara. Trong cuộc ra mắt đầu tiên với văn học và điện ảnh, Katie Scarlett chưa-hẳn-đàn-bà chỉ là một tiểu thần nữ thôn trang đỏm dáng, đa chiêu, ích kỷ và xinh xẻo như đúng mẫu những cô nàng con cưng của phần số. Tệ hơn nữa là cô nàng hoàn toàn ý thức được điều đó. Người ta có thể bắt gặp cô nàng ở bất cứ đâu bên ngoài điền trang Tara, dù là Mã Nhật Tân cận đại, hay lang thang đâu đó trong các department store thời thượng giữa Sài-gòn tạp chủng.

Bạn – cô gái tân thời, cũng có thể tìm thấy mình trong đó, khi mà người ta trẻ với mọi quyền ưu tiên của thanh xuân và nhan sắc, cũng chính là khi người ta vật nài thiếu thốn nhất bởi ô trống cuối cùng còn chưa kịp đong đầy. Cả bạn nữa, cũng là cô nàng bọc điều tội nghiệp.

scarlett

Nhưng chớ nhẫm lẫn Scarlett với những cô em tóc vàng hoe nhạt chuyện. Nàng uyên bác, láu lỉnh và hiếu kỳ như một con cún con. Nàng trội bật hơn cả bởi phía trên đôi mắt búp bê là một vầng trán đĩnh ngộ và khóe mép luôn sẵn sàng uốn cong đầy miệt thị – một dấu hiệu rõ rệt của một nền giáo dục vô nhiễm và cầu kì. Người ta sẽ nghĩ nàng sinh ra chỉ để làm lệnh bà hay nữ tướng cướp, cho đến khi nàng ngớ ngẩn si tình như bất kì gái non nào, trước một con gà trống bảnh chọe và hời hợt của nhà Wilkes lập dị – những người chỉ kết hôn giữa anh chị em cùng dòng tộc.

Tuổi trẻ không thể hoàn thiện được nếu người ta không thiếu thốn một điều gì đó, và có thể là bất cứ điều gì. Anh chàng khó gần nhất sẽ là anh chàng ám ảnh nhất, mọi cô gái trẻ đều cần một bi kịch nhỏ của riêng mình để mặc sức cài đính lên đó một vầng hào quang nhân tạo.

G

Khi người ta còn trẻ, người ta cần phải thấy thiếu bất cứ một Ashley Wilkes nào đó, hững hờ và ẻo lả đúng điệu một thanh niên quý phái miệt vườn, để cô nàng đỏng đảnh biến thành như một chú cún bất an, tuyệt vọng và hoàn toàn bất lực. Cô ả “thạch sùng còn thiếu mẻ kho” sẽ thấy khánh tận và tuyệt vọng khi cả thế giới chỉ thiếu mất đúng một nam thần miền Nam có mái tóc vàng. Nàng vùng vằng hờn dỗi một nỗi sầu không bao giờ lỗi mốt, và nàng vô ơn với tất thảy đặc ân của số phần, khinh bạc dù chỉ cần vài năm sau, những hồi ức về anh chàng nhạt vía cũng đủ khiến cô nàng phá ra cười lăn lộn.

Nhưng lúc này, nàng, và bất kì cô nàng nào khác, những nữ hoàng bi kịch và những nữ chiến binh bất bại, hẵng còn quá trẻ trung, mê đắm và hung hăng để hiểu một chân lí rất tầm thường: Ashley, cũng như mọi anh em từ đồng tuế đến hậu duệ của chàng, vẫn chọn khép chặt cửa khuê phòng cùng với một người bạn phối ngẫu nhàn nhạt và an toàn. Họ có thể tán thưởng vẻ nũng nịu yêu kiều của một O’Hara kiêu hãnh, nhưng không dại dột hoặc không đủ bản lãnh để chọn nhốt chung chuồng với con mèo cái bốc đồng và diễm lệ ấy – một tạo vật vượt quá tầm thống trị của họ, những gã Ashley An Toàn.

Góa phụ thiếu niên và gã hoang đàng sáng giá

Lòng tự trọng bị tổn thương đến cuồng nộ dấy lên cùng lúc với cuộc đại chính biến Bắc Nam của lịch sử Hoa Kỳ. Sĩ quan kiêu hùng Ashley dìu nàng Melanie, mà so với Scarlett là quá đỗi mờ nhạt vô vị, của mình vào căn phòng chồng vợ, bỏ lại phía sau cánh cửa khóa chặt một tiểu nữ thần căng phồng tía tái trong cơn đại thịnh nộ của ghen tuôn, tổn thương và kiêu hãnh. Cơn thịnh nộ được trút lên đầu bất kì tay dớ dẩn nhất cầu hôn với nàng lúc đó bằng sự chấp thuận. Nghiễm nhiên, Scarlett trở thành phu nhân của cậu Charles đang phát cuồng vì lòng biết ơn vô hạn trước sự hào phóng bất ngờ của thần Tình Ái.

189743_1239927343310_400_300

Cùng đợt sóng hàng loạt thanh niên từ những điền trang hòa lành nhập ngũ, cuộc nội chiến tước khỏi vầng hào quang của nàng những kẻ ái mộ trung thành, và Ashley – lí tưởng sống của nàng, sao khuê của nàng, con mồi điên cuồng của cơn háu tình về si đắm, vừa sặc mùi ăn thua đủ của nàng. Cú trả thù vặt bằng cuộc hôn nhân hờ đã chẳng thể làm Ashley ghen tuông đau khổ như mong đợi. Chàng ra đi, cùng tất cả mọi gã trai miền Nam, những kẻ hàng ngày vẫn tắm tưới nàng bằng mọi đón đưa êm ái, để mặc tiểu nữ thần ê chệ trước nụ cười vạch rãnh chân chim của tay thương nhân gian hùng lắm điều tiếng miền Charleston, Rhett Butler. Gã vô hiệu hóa lòng kiêu hãnh trẻ nít của nàng, xuyên thấu cả lớp váy phu nhân cùng những điểm tô phấn sáp mỏi mòn của nàng để che khuất cuộc tình tẽn tò và nỗi khánh tận ê chề về sau.

tumblr_liqomsbEAY1qbgi86o1_500

Cuộc hôn nhân hời hợt kết thúc như bắt đầu, Scarlett nghiễm nhiên trở thành góa phụ bởi một trận sởi của đức ông chồng tội nghiệp. Từ điền trang an hòa miền Nam nước Mỹ, tiểu thư O’Hara trưởng thành, chưa kịp làm đàn bà đã thành quả phụ, dấu đôi bàn chân nhỏ thoăn thoắt bước vũ cồn cào bên dưới lớp váy tang đen khả kính: “Than ôi, mạt vận rồi! Rồi sẽ chẳng còn điều gì xảy ra với cuộc đời tôi nữa!”

Chúng ta đã bao nhiêu lần thốt lên như vậy sau một cuộc tình hỏng kiểu? Nôn nóng háu đói trước những mời mọc còn quá ê hề của cuộc sống mà tưởng như vĩnh viễn không còn dành cho cô nàng xúi quẩy đáng thương duy nhất. Chúng ta thật đã ngô nghê biết bao!

Không buông bỏ hình bóng Ashley một cách đầy tuyệt vọng và phi lý, Scarlett giang tay cưu mang cả người vợ đang mang thai của tình quân trong mộng, cùng đối mặt với cuộc sống giữa lòng cuộc chiến. Không chỉ một lần, nàng tuyệt vọng đón nhận sự hào phóng từ gã Rhett tinh quái nọ, dù là một bản khiêu vũ trong chiếc váy tang đen, chiếc mũ hoa cẩm tú “còn thơm mùi Paris” đỏm dáng,… Nhưng gã chỉ từ chối nàng điều duy nhất mà nàng quá sẵn lòng ban phát: “Mở mắt ra đi cô em, tôi không định hôn cô đâu, bởi cô chỉ đang thèm được hôn quá thôi đó mà!”

tumblr_m7scdkmq3u1ra2wj7o1_400

Và chỉ với một cử chỉ khước từ trịch thượng như vậy từ gã hoang đàng trắc nết, đã khiến Ngài Butler trở nên bội phần kích thích, sáng giá, và đáng chiếm hữu biết chừng nào.

Tông đồ, quỷ dữ và người đàn ông được chọn lựa bất kì

Mọi mối quan hệ với một Rhett Butler đều đáng được coi là món trang sức sáng giá cho một người đàn bà. Ít nhất là một khi Ashley Wilkes vẫn còn bặt dạng giữa cuộc hỗn chiến. Cùng lúc, dẫu sao thì nàng vẫn giữ chặt vợ chàng bên cạnh trong vòng tay bảo bọc cao thượng của mình, cũng là để giữ trong tầm tay mối dây duy nhất giữa nàng với cuộc tình dai dẳng tuyệt vọng của mình.

G

Ả tiểu yêu đỏng đảnh và đa chiêu vẫn tiếp tục cuộc chơi tinh quái. Trong cử chỉ tưởng như thoát ra từ lòng trắc ẩn, bản năng bao bọc của người đàn bà vĩ đại, và ở tư thế gia ơn với người trong mộng, nàng ẩn chứa trong lòng một khoái cảm độc địa khi đặt gia đình Ashley vào vòng tay bảo trợ của mình. Nhưng chính bên trong cái trù hoạch độc địa ấy, Scarlett lại nảy sinh một bản năng bảo vệ vợ con của người mình yêu một cách mãnh liệt. Bản ngã hào hiệp và thói ích kỷ độc địa của đàn bà đang yêu đã kiến tạo nên nàng như thế, nửa tiên nữ, nửa ác thần. Cái trách nhiệm cao thượng vừa phi nghĩa ngông cuồng biến tiểu thần nữ thái ấp Tara thành người đàn bà thực tế, quyết đoán, thủ đoạn, và không khoan nhượng một cách thật thà, như mọi người đàn bà sinh ra để sống sót. Nàng có thể cưu mang vợ của người tình, và cũng có thể kết hôn với hôn phu của em gái. Nàng có một lý trí nhạy bén, một bản lãnh phi thường và một thanh danh hạng bét.

Giữa cao trào chính biến, Scarlett băng bể lửa tìm thoát tâm bão cuộc chiến tìm đường sống. Nàng điên cuồng và cô độc trên cỗ mã xa mang theo người mẹ nhợt nhạt và đứa hài nhi vừa sinh hạ dọc đường. Một thứ lí tưởng điên rồ, phi lý, nhưng cao thượng và bi hùng một cách lộng lẫy rất đàn bà trên cái phông nền bối cảnh của cuộc nội chiến đẫm máu.

gwtw-silloette

Nàng khiến người ta nghĩ đến vị tông đồ hộ giá Mẹ Đồng Trinh trong đêm tìm về máng cỏ Bethleem.

Người ta, hay nói đúng hơn là đàn bà có thể trở thành những siêu anh hùng và những vị thánh khi có một cái cớ, đôi khi là cái cớ phù phiếm và vị kỷ nhất do họ tự tô điểm nên đầy diễm ảo.

Hãy cho người đàn bà một người đàn ông, cô ta sẽ tự lo liệu phần còn lại của thiên tiểu thuyết đàn bà.

Ngày tàn của những nam thần tráng men

Có hai loại phụ nữ trên đời: loại thứ nhất coi “thụ hưởng” là một từ xấu. Và loại còn lại.

Họ tham lam, họ ham sống và phải sống sung sướng, họ thậm chí có thể có tất cả điều mình muốn đến cùng cuộc hôn nhân với người đàn ông biết hôn nụ hôn đình đám nhất lịch sử điện ảnh. Giá như Rhett Butler không có một bản lĩnh tài chính vững vàng của tay buôn súng thời chiến, có thể nàng đã yêu người chồng thứ 3 này của mình nhiều hơn chăng? Scarlett tội nghiệp, nàng vẫn thiếu thốn cùng cực trong cuộc sống xa hoa hậu chiến của mình.

scarlett-ohara--large-msg-13185297937

Nàng luôn luôn thiếu thốn một điều gì đó, và việc này khiến nó trở nên hệ trọng quá mức bình thường. Ashley, vẫn là Ashley, là một hình mẫu thích hợp cho bức tượng thánh thiêng liêng lóng lánh đã được vay mượn để người đàn bà sống, yêu, mơ mộng, và đạp bằng mọi chướng ngại. Chính quãng thời gian quá dài mà nàng đầu tư cho mối tình đơn phương ấy đã khiến nó trở nên hào nhoáng và thiêng liêng, bao bọc vòng hào quang xung quanh mái tóc hoe vàng và khuôn diện thanh tú nhợt nhạt của quý ngài Ashley Wilkes…cho đến khi Melanie qua đời, bỏ lại Scarlett không đối thủ và một nam thần ủ dột lỗi thời và nhạt vía. Cái cốt lõi háo thắng và phù phiếm của người đàn bà tiu nghỉu lụi tàn, không đủ khiến nàng đánh đổi vòng tay kẻ mạnh của Rhett Butler để chiếm hữu một bức tượng được tô màu sặc sỡ.

Chúng ta, những chiến binh háo thắng trong cuộc mưu cầu hạnh phúc, đôi khi si mê chính cuộc chinh chiến lẫy lừng lẫm liệt hơn cả phần thưởng cuối cùng. Bạch mã hoàng tử một thời hiện nguyên hình thật thà một sĩ quan thất trận, một nhà quý tộc thất thế, và một người đàn ông góa bụa, đặt lời tỏ tình muộn mằn lên đầu gối người đàn bà đã đi qua một cuộc chiến trong vai trò thánh nữ, mẹ, và đàn bà.

Lớp tráng men mỡ màng tróc vảy, trớ trêu đặt dưới chân nàng nguyên vẹn một Ashley Wilkes vô can, thất hồn và xa lạ – kẻ xứng đáng được để yên trong nỗi muộn phiền góa bụa sau một vòng tay an ủi muộn màng.

212216-gone-with-the-wind

Sự mất mát cuối cùng và miền bằng an bất biến

Sự thương hại và lòng từ tâm mà Ashley tội nghiệp còn có được từ Scarlett lại, oái oăm thay, chính là thứ duy nhất nàng còn có được từ người đàn ông duy nhất biết về nàng và từng thật sự yêu nàng.

Mọi cố gắng của Scarlett đã quá muộn, Rhett đã cho đi sự kiên nhẫn cuối cùng trước ngưỡng tự trọng tôn nghiêm của đàn ông tính. Cuộc ái ân cay nghiệt cuối cùng, một đứa trẻ chết yểu trên lưng ngựa và một cuộc sẩy thai đã là quá đủ để hoàn toàn phá hủy cuộc hôn nhân thứ ba. Trong nỗi đau đầy cáo buộc của Rhett, Scarlett soi mình để nhìn thấy sự thất bại ê chề qua người chồng kiên nhẫn và những đứa trẻ bị bỏ rơi bên lề chinh chiến của người đàn bà lắm cuồng vọng “Làm mẹ à? Một con mèo còn biết làm mẹ hơn cô!”

Lần thứ hai trong đời, nàng có tất cả. Và cũng như mọi lần, nàng khánh kiệt, túng thiếu, cô độc đến khốn cùng. Rhett sập lại cánh cửa trước mọi cố gắng tuyệt vọng của Scarlett để được yêu chồng như một người vợ tôn ngưỡng và ăn năn.

the-infamous-scene-of-gone-with-the-wind

Người ta cần đến hơn quá nhiều lần mất mát để đặt xuống những phù phiếm thừa thãi, và những muộn màng không thể nào sửa chữa.

Người ta cần đến hơn quá nhiều lần mất mát những điều sinh ra để mất mát: những người đàn ông và những đứa trẻ mong manh như nhau, chỉ để nhận chân điều thiêng liêng, an toàn, và chung thủy cuối cùng.

Có thể Thượng Đế luôn biết Ngài đang làm gì trong bức đại đồ phần số, trong khi những đứa con cưng của Ngài mù lòa trong quá nhiều nhu cầu, và những thiếu hụt tưởng như quá chừng to tát. Ta luôn ngoái lại sau lưng và xót tiếc những điều bất khả vãn hồi, để tiếp tục tạo ra những phần phước bị lãng quên ngay trước mắt. Phải mất mát và đau đớn lắm để nhìn ra miền bình yên được đặt để sẵn cho mỗi người.

Điều đến cùng ta khi đến với cuộc đời này, và bất biến cho đến ngày cuối – như một mảnh đất để ở và mảnh đất để nằm lại.

Và nút thắt huyền vi của tác phẩm được cởi ra, điềm nhiên như sự thức tỉnh sau cú rơi chạm đáy:

–       Rhett, đừng bỏ em, rồi em sẽ đi đâu?

–       Thật tình, cưng ạ, anh mặc xác!

Rhett3

Không lí giải, không biện luận, và không còn cần quá nhiều dữ kiện để trong sự mất mát cuối cùng, người ta mới có thể nhận ra điều không-thể-mất.

Nàng trở về không vì mệt mỏi, bởi người ta đâu thể tìm về Bằng An như một chặng nghỉ chân.

Nàng trở về mà như lần đầu đi đến. Cuối cùng thì mỗi người đàn bà đều có cho riêng mình một Tara, tự tại, an nhiên, và bất biến, trước và sau tất cả những chặng viễn du. Rhett Butler bước ra khỏi đời nàng, giúp nàng đặt xuống ảo mộng thừa thãi cuối cùng.

Đoạn đời của giai nhân điền dã bị cuốn theo cơn lốc thời cuộc như thế: đúng một vòng bão tố, để an nhiên khép lại đúng gốc cây định mệnh để, như ngài Gerald O’Hara đã từng, nhìn bao quát mảnh đất máu huyết thiêng liêng “Tara! Nhà! Tôi về nhà thôi. Và sẽ nghĩ ra một cách nào đó để có lại được chàng. Cuối cùng thì…ngày mai sẽ luôn là một ngày mới!”

gone-with-the-wind-tara2

Cơn gió thời cuộc của đại chiến Bắc-Nam đã cuốn bông hoa miền Georgia đi đúng một vòng lốc xoáy, để đặt nàng lại chính nơi cuộc viễn du bắt đầu, trong hình hài người thiếu phụ ba chuyến đò hai lần góa bụa. Nhưng kẻ sống sót sau cuộc chiến vẫn chưa thể ngừng tồn tại, vòng miên viễn còn xoay theo chiều gió, và rất có thể, bình yên chưa hẳn sẽ đến vào ngày mai.

Nhưng rồi mỗi Tara của mọi Scarlett vẫn luôn ở đấy, nơi để tìm về, xoa dịu và chữa lành, an nhiên và tự tại, như điều duy nhất có thật để xứng đáng cho mọi cuộc chiến sinh tồn, mỗi giá trị bản ngã chí tôn và lòng kiêu hãnh cùng tình yêu thiêng liêng bất biến.

Hollywood's Greatest Year: The Best Picture Nominees of 1939

báo lửa latin

jennifer_lopez_body_hands_hair_stomack_5127_540x960

Trác Thúy Miêu

Hẳn nhiên, nàng không sở hữu một làn hơi phồn thực như vòng ba của mình, nhưng ắt hẳn rằng nàng biết hát, như một nghệ sĩ giải trí chánh hiệu. Nàng ý thức được mọi món quà mà Tạo Hóa đã ưu ái trao tặng cho nàng, và sử dụng chúng vừa điệu nghệ, vừa tận lực đến cạn cùng. Nàng đứng đó trên sân khấu, nhảy múa như bản chất, hùng hổ như một nữ tướng, nàng tóc rối mặt trần trên màn bạc, khai thác triệt để nét nheo đuôi mắt quen thuộc,  cặp môi gợi tình, nàng ở đó, hung hăng và lộng lẫy trên ghế nóng quyền lực của show truyền hình danh giá, và như những lọ nước hoa nàng say sưa tung vào thị trường mỹ phẩm, tất cả chưa bao giờ là có một khoảng lặng đủ lâu cho sự quên lãng. Nàng là Báo Lửa mang dòng máu Latin.

j-lo_2376806b

Nàng đảo lộn khái niệm về hình ảnh kinh điển của một “cục cưng của Mỹ” bằng làn da rám, đôi lưỡng quyền bén ngót, cặp mắt Đông phương, vòng hông phồn thực và mái tóc mây màu lửa. Nàng len lỏi hiển hiện bằng âm nhạc của mình, trên màn ảnh nhỏ, và vào tận tủ trang phục của mỗi căn hộ thị dân kiểu mẫu không chỉ của nước Mỹ. Mỗi lần vào phòng thu của nàng là một lần đe dọa cát cứ lẫy lừng các bảng vàng Billboard, nàng “phóng hỏa” màn bạc cine Hollywood bằng chất lửa Latin ngay trên đấu trường tỏa sáng hầu như chỉ dành cho những giai nhân da trắng. Trong cuốn Icons of American Popular Culture (2009), Robert D. Cotrell đã ví von Lopez là một Oprah Winfrey của người Latin, một nhân vật đương thời cho những huyền thoại “vượt lên chính mình” kiểu Mỹ: “Nàng là một nghệ sĩ giải trí hoàn hảo và trở thành một thế lực tài chính thực thụ (…) Lopez chứng minh rằng một Latina hoàn toàn có thể hiện diện ở thượng tầng yếu nhân Hồ-ly-vọng, nghệ sĩ thu âm hàng đầu, chơi ngon lành trong đấu trường kinh thương, chỉ với vài lọ nước hoa tay ngang mà bỏ túi ngon ơ 500 triệu Mỹ kim niên lợi.

Lopez đã ngang nhiên bước vào hàng “thế lực băng đĩa” với xuất thân “lờ nhờ” về một cô gái đẹp nhảy nhót vui mắt, và đặc biệt, phong cách Latin sặc sụa gắn liền nàng với dòng nhạc luôn mang số phận ngoài luồng, dòng nhạc nhảy dành cho cộng đồng Latin và “sang không nổi”. 

Nàng quá đẹp để hát như một nữ thần âm nhạc, nhưng đủ đẹp để kết hợp vũ đạo vào thứ âm nhạc được coi bằng mắt.

Không có nhiều cô gái đẹp minh chứng thành công điều ngược lại. Nàng không chỉ khôn ngoan và tỉnh táo, mà còn sở hữu một khả năng lao động cật lực đáng nể. Mỗi một phát ngắm đều mang hứa hẹn xuyên hồng tâm thị trường ở hiệu quả thuyết phục nhất, dù đó là một dự án âm nhạc, hay một biến cố cuộc đời. Nàng được coi là những thân hình Vệ Nữ đầy lửa trên sàn diễn, nhưng đứng thăng bằng một cách hoàn hảo không một lần quá tay sa chân từ gợi tình đến gợi dục – điều mà ngay cả các nhà mỹ học cũng khó lòng phân định.

Trong suốt chiều dài sự nghiệp, Lopez thoăn thoắt thay đổi phong cách cá nhân, và liên tục ghi điểm tối ưu với mọi kiểu tóc. Mỗi kiểu trang phục của nàng làm nên trào lưu, và mỗi lần xuất hiện là một lần làm nên huyền thoại, như sự việc chiếc váy màu lông công trên thảm đỏ Grammy đến nay vẫn là một điểm son huy hoàng của nhà Versace. Chiếc váy có thể làm nên một lần khuấy động thảm đỏ cho nhan sắc Lopez, nhưng thần diệu hơn, chính danh tiếng Lopez cũng điểm trang cho niềm hãnh diện của quyền lực thời trang Versace.

Người ta gọi nàng là “ngư nữ”, là “búp bế phố Bronx”, nhưng nàng tuyên bố “Nếu vậy, tôi là một búp bê thiện chiến. Đấm đá tôi liên tiếp đi, tôi vẫn thừa mạnh để nghiến răng  tung ra nguyên vẹn trận mưa đòn đáp trả, cho đến khi thắng. Tuổi thơ tôi đâu chỉ là một cô ballerina bằng sứ mặc váy xòe. Tôi tập quyền anh để dư sức chịu đòn 15 hiệp.”

f97f1443ee2e75f95152e2bd2e13739b

Định mệnh từ nàng Đạm Tiên Selena

Từ một cô nàng vũ công gốc Ecuador chuyên múa phụ họa cho New Kids on the Block hồi 1991, nàng cặp kè với cô nàng Cruz cùng làm chuyến đổi đời tới Los Angeles và sắm một vai trò khiêm tốn cho một show truyền hình cho đến tận 1993. Nhưng như đã thấm vào máu, không một bước ngoặt nào của Lopez mà không được thực hiện bằng những bước nhảy. Nói một cách khác, nàng nhảy múa dọc đường dài vinh hiển. Ngay từ khi mới đến L.A. và hẵng còn là một vũ công minh họa cho New Kids on the Block, Lopez lại tiếp tục làm vũ công dự bị cho các show của Janet Jackson, và được chọn rong ruổi theo “gánh” Janet World Tour hồi cuối 1993, nhưng nàng chối từ, như một động thái chủ động cự tuyệt vai trò một vũ công minh họa đến mãn kiếp. Nàng chọn chật vật với đài CBS để xuất hiện trong bộ phim Second Chances. Cuộc động đất Northridge năm 1994 phá hủy toàn bộ phim trường và bộ phim phải ngưng lại hoàn toàn khi chỉ mới phát sóng 6 tập. Lopez lại lắt lay với bộ phim truyền hình khác, Hotel Malibu, và cũng chỉ được phát sóng vài tập trước khi phá sản hoàn toàn, lần này bởi một lí do giản dị hơn: bộ phim quá dở!

tumblr_m3u2ynCtMp1rvksyro1_400

Dấu son thật sự chỉ được ấn định ngay vào khi nàng nếm trải đòn dư luận. Khi thủ diễn vai Selena trong bộ phim cùng tên, ngay từ những ngày mới bắt đầu bấm máy đã chịu sự đả kích dữ dội từ cộng đồng Mỹ-gốc-Mễ. Họ nổi trận lôi đình và cho rằng phải một cô đào gốc Mễ mới bảo đảm tinh thần chủng tộc của Selena. Nhưng ngược lại, các nhà phê bình và báo giới tỏ ra hào hứng với cuộc hóa thân hoàn hảo của cô nàng gốc Ecuador với những trang viết bạt ngàn hào phóng tụng ca. Bộ phim Selena đã được làm ra để tôn vinh chính cô nàng gốc Ecuador, có phần lừng lẫy hơn cả cuộc tôn vinh dành cho nguyên bản thần tượng Mễ Tây Cơ. Nàng Lopez ẵm ngon ơ giải Quả Cầu Vàng Best Actress in a Motion Picture Musical or Comedy.

Cũng chính hồn vía của Selena, bộ phim ghi dấu cuộc lấn sân chớp nhoáng thứ hai của Báo Lửa sang lãnh vực âm nhạc. Đáp trả sự hậm hực của dân Mễ về nguồn gốc của nàng, sau thành công vang dội của Selena, Lopez phơi phới tuyên bố nàng “chưa bao giờ ý thức mãnh liệt hơn về dòng máu Latin của mình”. Say sưa với thành công của bộ phim, Lopez gửi ca khúc tiếng Tây Ban Nha Vivir Sin Ti do nàng thực hiện trong phim đến hãng đĩa Sony và được nồng nhiệt chào đón. Lopez được khuyên rằng ca khúc sẽ bán chạy hơn nếu nàng Mỹ hóa cái niềm kiêu hãnh Latin đó một chút bằng phiên bản tiếng Anh, và album đầu tay của Jennifer Lopez ra đời như vậy, mang cái tên sang cả On the 6.

Như một ngôi sao lắm bạo mộng và cũng giàu tự ái, Lopez ý thức được sự đón tiếp nồng hậu của hãng Sony dựa chủ yếu vào ngoại hình và tiếng tăm màn bạc sẵn có của nàng. Nhưng con báo lửa đã nhập cuộc, giờ thì như mọi cuộc chuyển đổi ngành nghề của bất cứ người mẫu và diễn viên nào trên cõi nhân gian, cô nàng muốn minh chứng rằng chính giọng ca của mình sáng giá hơn tất cả, và rằng nàng đã được sinh ra cho nghệ thuật âm nhạc chuyên chính. Công luận hoài nghi tham vọng đồng bóng của nàng, tất cả cùng đợi chờ kết thúc lạc tông nữa của nhan sắc lạc loài trong thế giới của những diva âm nhạc. Lopez không chỉ đặt cược một cú thua chí mạng trên thị trường đĩa nhạc, mà còn là sự hủy hoại toàn phần với danh vọng màn bạc vừa chớm xây dựng được với không ít kì công.

Trót một cửa bạc, nàng xấp ngửa tranh thủ thuở tiếng tăm còn đang được ưu đãi, liền tay tung ra dòng thời trang, nước hoa và phụ kiện đóng mác J.Lo by Jennifer Lopez ngay trúng vào mùa săn nóng bỏng nhất, với sự hậu thuẫn của cá mập Andy Hilfiger và Larry Stemmerman. Cùng lúc mạnh tay củng cố chiến địa đang hồi thượng phong, Lopez tiếp tục kí hợp đồng với phim Out of Sight diễn cùng nam thần Hồ Ly Vọng George Clooney, và sau khi công chiếu, Lopez nghiễm nhiên trở thành cô đào Latin đầu tiên kiếm ngon ơ hơn triệu Mỹ kim cho một bộ phim. Trong tất cả mũi tấn công tứ phía về mọi lãnh vực giải trí ấy, Lopez đón lỏng luôn thị phần thiếu nhi với giọng cô kiến Azteca trong bộ phim hoạt hình Antz.

2011-08-23-09-21-52-8-jennifer-lopez-voiced-the-character-azteca-in-the

Súng lục, thảm đỏ và váy xanh…

Rồi mùa thu hoạch cũng đến, quả bom ca nhạc On the 6 chính thức công phá thị trường băng đĩa Hoa Kỳ vào mùa hè 1999, lọt thỏm vào top 10 Billboard200. Học được bài học từ điện ảnh, Lopez khôn ngoan chọn song ca cùng divo Latin Marc Anthony bản No Me Ames và lại thắng đậm. Nền công nghệ giải trí nghiêng mình đầy thận trọng trước người đàn bà có làn da màu lửa với những “tài lẻ” đủ để bao sân hoành tráng thị trường giải trí đa diện của thế giới. Chỉ trong 12 tháng, từ một minh tinh, nàng trở thành ngôi sao nhạc pop.

Nàng cặp kè với Sean ‘Diddy’ Combs. Trong một vụ xô xát tại hộp đêm ở Manhattan, Lopez và Combs chạy khỏi hiện trường nhưng bị cảnh sát chặn lại và tìm thấy khẩu súng ở băng ghế trước. Combs hầu tòa, Báo Lửa không chờ quá lâu để quyết định chia tay với cuộc tình phiền phức.

haden-guest12-10-2

Một khi đã án ngữ vinh hiển các chiến địa nóng bỏng nhất của thị trường giải trí Mỹ, nàng cần một cuộc chơi mới, đẹp mắt hơn, để tái củng cố hình ảnh, thay vì chấp nhận kết cuộc thường thấy của các nữ minh tinh sau mỗi cuộc tình bê bối. tại lễ trao giải Grammy lần thứ 42, Báo Lửa khôn ngoan và diễm lệ xuất hiện trọng chiếc váy Versace xanh nhức nhối màu đuôi công nhiệt đới, mỏng ngốt người, và phong phanh đến sốt ruột. Bộ váy và những gì nó không che đậy hút flash một cách hiệu nghiệm. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, có tới 642,917 lượt download hình ảnh nàng trong bộ váy huyền thoại nọ từ website chính thức của Grammy, trong khi Lopez tỏ ra thản nhiên và vô can trước sự ưu ái ồ ạt ấy dành cho… chiếc váy.

jennifer2000

Khi mà hào quang màu đuôi công thắm thiết ấy còn đang gây rần rật toàn cầu trên mạng internet, J.Lo đã kịp lao vào phim kinh dị dòng biến thái The Cell.

Mùa thu đầy ác mộng năm 2001, trong khi cả nước Mỹ còn quằn quại sau vụ tấn công tòa tháp đôi, thì tại ngôi gia huy hoàng ở ngoại ô L.A., nàng cưới một đồng nghiệp cũ – nam vũ công Cris Judd. Ngay sau đó, bà Judd cùng 60 nghệ sĩ Latin khác cùng ghi âm bản El Ultimo Adios để tưởng nhớ ngày 11 tháng Chín tang thương.

attachment

Một năm sau, mặc dù diễn xuất hoàn hảo trong pha đánh chồng trong phim Enough, bộ phim không mấy thành công, Lopez rầu rĩ thừa nhận với báo giới rằng nàng đã trải qua giai đoạn trầm cảm khi thực hiện phim này. Chẳng rõ nội vụ thế nào, chỉ biết rằng nàng đệ đơn xin bỏ chồng hầu như ngay sau đó. Và cũng hầu như ngay sau đó, công khai du dương với kép đẹp Ben Affleck. Công chúng ham mộ của Lo thở phào phỉ chí – cuối cùng thì nàng cũng cặp kè với một trang nam tử nên thân nên hồn. Chàng và nàng đẹp và vừa vặn như một cặp búp bê bánh cưới vậy. Không phụ lòng bà con, vài tháng sau chàng cầu hôn nàng và báo giới ghép cái tên chung Bennifer cho cặp tượng đài ái tình toàn mỹ của văn hóa pop Mỹ. Cái tên chung này của cặp đôi về sau trở thành một trào lưu ghép tên trong các cặp đôi ngành giải trí, khi mà cuộc đời chưa có tên Brangelina!

ben-affleck

Từ Ben đến Marc…

Người đàn bà đang yêu hào hứng tung luôn ra dòng nước hoa long lanh hạnh phúc Glow by Jlo. Giới perfumist ái ngại cho cuộc lấn sân dại dột của nữ hoàng giải trí, nhưng Glow – như mọi sản phẩm ghi dấu ấn JLo, nghiễm nhiên lọt vào danh sách những dòng nước hoa cháy chợ nhất nước Mỹ. Nước hoa của nàng, như các tín đồ mùi hương ca tụng, mang trở về thuở hoàng hoa của những dòng hương mang chữ kí ngôi sao và mở lối cho hàng loạt những dòng mùi hương lấp lánh tên tuổi các cô đào, ca sĩ về sau điên cuồng tấn công thị trường mỹ phẩm.

1bfhperyx1xduoq45pain181020095635

Với hoa hồng tình ái ôm trong tim, người đàn bà lan tỏa hạnh phước trong mọi điều nàng sờ chạm tới. Album This Is Me…Then được tung ra vào tháng 11, như lời tự sự về chuyện tình riêng với nhân tình tài tử, đặc biệt là huyết tâm thư nồng thắm nàng gửi gắm vào bản Dear Ben. Nàng ghi đòn hoa mỹ vào lòng chàng thơ và những singles từ album này cũng theo đó mà ghi điểm lẫy lừng ngoài thị trường, tuy I’m Glad và Baby I Love U! không được phần vẻ vang bằng Jenny from the Block. 2.6 triệu bản bán ra liền tay khắp nước Mỹ, dán nhãn bạch kim đúp (double platinum) vinh hiển. Nàng tiện tay đóng cặp luôn với Ralph Fiennces trong mối tình lãng mạn của vị chính khách và nàng hầu phòng da ngăm trong Maid in Manhattan, một kịch bản như thể được dựng nên chỉ để minh họa cho ca khúc Jenny from the Block.

Sau bao nhiêu đợi chờ khắc khoải của cặp Bennifer và những tín đồ, mãi thì tới tận tháng Giêng 2003, vụ ly dị của Lopez và Judd mới hoàn tất. Cặp đôi ăn mừng bằng việc sánh đôi đóng cặp trong phim Gigli, với Lopez thủ vai một cô nàng…đồng tính. Phim không nổi lắm, với món lợi nhuận hom hem 7 triệu bạc Mỹ trên toàn thế giới và được coi là bộ phim tệ nhất nhì trong lịch sử điện ảnh loài người. Viện cớ vì giới truyền thông quá chú mục thóc mách đám cưới đã định cử hành vào ngày 14 tháng Chín năm đó, cặp Bennifer hoãn hôn. Thoi đưa 4 tháng sau thì họ chia tay, cũng với cùng lí dó xem chừng rất tiện lợi – sự hiếu kỳ của truyền thông gây thương tổn cho sự riêng tư của cuộc tình mà cách đó mấy tháng nàng vừa ca hát véo von đến từng chi tiết trong album cháy chợ.

Nhưng Lopez không bao giờ để công chúng chờ đợi qúa lâu trước khi cống hiến cho họ một màn trữ tình đúng điệu hơn. Đặc biệt lần này, trái tim của người đẹp đã chứng tỏ sự thông thái của nó không kém sự tính toán chiến lược của bộ óc, khi lượng fan dòng nhạc Latin của nàng tăng rầm rộ bởi cuộc tình mới với divo Latin Marc Anthony. Không như hai cú trượt tầm ngắm điện ảnh với Ben, bản song ca trước đây của cặp đôi Lopez – Anthony đã minh chứng chàng không chỉ là một bạn tình hào hoa sáng giá, mà còn thật sự là một đồng sự xứng tầm. Lần này thì họ cưới liền tay, ngay khi chàng kịp ly dị người vợ cũ, và trước khi lời nguyền của công nghệ giải trí kịp tấn công sự long lanh và mong manh của các cặp đôi danh giá.

jenwed

Lại một lần nữa trong cuộc đời mình, Báo Lửa may mắn lại được đỏ tay bạc cả ở ván nghiệp lẫn ván tình. Sau đám cưới, Lopez ghi dấu sự nghiệp điện ảnh của mình với tuyệt phẩm lãng mạn “Shall We Dance?” bên cạnh kép lão khi này vẫn còn phong độ mùi mẫn Richard Gere. Dù bốc lửa hừng hực với những bước vũ trên sân khấu ca nhạc, nhưng lần đầu khán giả của Lopez nhận ra rằng người ta không thể vừa đa nghệ, vừa tinh thông đến hoàn hảo mọi mặt của công nghệ giải trí. Dù là một vũ công hừng hực trên sân khấu ca nhạc, Lopez không tránh khỏi sự ngô nghê khập khiễng khi thủ diễn vai cô vũ sư dòng ballroom chuẩn mực. Nhưng mặc nhiên, scene Argentine Tango đã đi vào huyền thoại của vũ đạo điện ảnh, và bộ phim mang về ngon ơ 170 triệu Mỹ kim. Đà thượng phong này đưa nàng thẳng tiến đến hợp đồng với Pepsi cùng Beyonce và nam thần đá banh David Beckham trong đại chiến dịch quảng cáo “Samurai”

004SWD_Jennifer_Lopez_067

Cơn thịnh nộ của người đàn bà biết hát

Nhưng cho đến khi này, cô nàng “búp bê phố Bronx” vẫn chưa được giới phê bình thừa nhận giọng ca cho tư cách diva chính thống, mặc nhiên với những cú tung đòn tuyệt hảo của nàng vào thị trường băng đĩa. Chính mật độ xuất hiện trên màn bạc của nàng khiến giới truyền thông ngờ vực một khả năng toàn tài.

Tháng 3 2007, album Como Ama una Mujer được tung ra, được công bố là album minh chứng cho tư cách âm nhạc chính thống của giọng ca Lopez. Với những ca khúc trúc trắc không dành cho những làn hơi nửa mùa, album tiếng Tây Ban Nha này lập tức dẫn đầu chỉ số cháy chợ toàn nước Mỹ chỉ trong một tuần, cát cứ Billboard Top Latin Albums trong suốt 7 tuần lễ huy hoàng.

Kể từ đó, nàng nghiễm nhiên tiễu trừ mọi nghi vấn về tư cách diva ca nhạc thượng tầng thế giới. Các album bách chiến bách phát, tour diễn song hành cùng phu quân Anthony lời lãi lẫy lừng tới 10 triệu Mỹ kim, và cả những hoạt động xã hội hữu hiệu gây nức lòng nước Mỹ. Trong đêm cuối cùng của tour diễn, đôi uyên ương công bố tin mừng: báo lửa đã đậu thai! Cùng lúc, tin vui này tiễu trừ luôn lời mỉa mai bóng gió của báo giới về “bí mật quốc gia hàng đầu” về chất lượng tình ái của cuộc hôn nhân vàng son nọ.

2djyqfr

Chưa hết, y giới xác nhận niềm hoan hỉ được nhân đôi: Báo Lửa mang song thai! Để ăn mừng sự kiện này, nàng tiện tay tung ra thêm dòng nước hoa Deseo đùng đùng khuynh đảo thị trường mỹ phẩm, trước khi yên tâm lâm bồn. Cuối cùng, còn hơn cả tin mừng về cặp song sinh, nàng khai nhụy một cặp vừa đủ gái trai: Maximilian David và Emme Maribel. Tờ People đấu giá thành công quyền đăng tải hình ảnh lứa “báo con” đầu lòng của thiếu phụ lừng danh với con số kỷ lục là 6 triệu Mỹ kim.

people2008-jennifer-lopez-and-marc-anthony-22229700-1000-1360

Thiên chức làm mẹ thúc đẩy nàng thành lập quỹ phi lợi nhuận mang tên con gái The Maribel Foundation với mục tiêu chăm sóc sức khỏe và đời sống phụ nữ trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, ngay sau đó là dòng nước hoa rừng rực mùi nắng Latin: Sunkissed Glow, và My Glow, tưng bừng nồng sực hương hoa nắng bừng nở trên làn da nâu của nhan sắc Latin. Thiết kế vỏ chai dựng theo những bánh savon trong phòng trẻ tại nhà nàng, và nắp chai đúc hình tiểu thiên sứ hai mặt là biểu tượng của cặp song sinh. Cùng ngày nhãn nước hoa My Glow ra mắt, thì bản Fresh Out the Oven (Nóng Hổi Mới Ra Lò) cũng được tung lên mạng internet. Tả xung hữu đột, nàng như càng dồi dào sinh lực sau khi làm mẹ, và xuất hiện, bất bại trên mọi chiến địa nóng bỏng kinh doanh, truyền hình, điện ảnh và ca nhạc.

my-glow-jennifer-lopez

Định mệnh đổi chiều sau 7 năm hương lửa, Lopez và Anthony tuyên bố ly thân. Cô nàng Báo Lửa, giờ đây đã là một thiếu phụ độc thân đã qua một lửa, tái xuất mùa thứ 11 American Idol, kiếm chác sơ sơ 20 triệu, tuy thống kê cho thấy đây là mùa lên sóng kém cỏi nhất về lượt xem. Nhưng nàng đã thủ thân một cuộc chơi mới trên sóng truyền hình với show Q’Viva!, song hành cùng cựu phu quân Anthony bên cạnh nhà biên đạo Jamie King, cùng lúc vẫn đều đều phủ sóng màn bạc với What to Expect When You’re Expecting, thu âm bản Goin’ In cho phim Step Up Revolution, ngao du thế giới với tour Dance Again World. Tour diễn vừa kết thúc, nàng lại lao vào lồng tiếng cho phim hoạt hình Ice Age. Với tour Dance Again, show Q’Viva!, Lopez quay về khai thác thế mạnh vũ đạo ban đầu của mình, và cũng lập tức tìm cho mình một bạn diễn đủ sáng giá để giúp nàng duy trì hào quang. Tour diễn đồng hành cùng Enrique Iglesias như một sự tiếp nối của Dance Again đã là một động thái cần thiết để một lần nữa thu phục khán giả hâm mộ những bước vũ quyện lửa Latin của kẻ đã ở lại trên đỉnh vinh quang đủ nhiều và đủ lâu.

Ngay sau vụ ly thân với salsa divo Marc Anthony, Báo Lửa chín mùi hầm hập 41 thu vàng ấy lập tức tham gia đại vận hội môn chăn dắt phi công trẻ. Người ta nhìn thấy nàng công khai dung dăng với chàng vũ công Casper Smart chỉ mới 25 ngon nghẻ, xuất hiện tại tuần lễ thời trang Paris. Cặp đôi cùng đồng lòng quyết không khai một lời cùng báo giới, nhưng lại không dấu được những lời âu yếm như đôi chim câu trên Twitter. Nàng cám ơn chàng ngày kỷ niệm một năm hẹn hò vào ngày 25 tháng 10 vừa qua, chàng gọi nàng là “con gấu nhỏ bé ngọt ngào xinh xẻo tốt bụng nhất trên đời”, v.v… và v.v… Nhưng tuyệt nhiên, với những bước điêu luyện của Báo Lửa trên đường dài sự nghiệp, và chiến thuật lẫy lừng muôn thuở về những cuộc tình cùng những chiến hữu sáng giá, không quá nhiều người bỏ phiếu cho cuộc cá cược về một vụ đính hôn hay thậm chí kết hôn của họ.

article-0-127C11EC000005DC-741_634x357

Nàng giã từ  ghế nóng quyền lực của show Idol với lời từ biệt đầy khẩu khí như các đây chưa lâu, khi cô vũ công minh họa từ chối tour diễn của đại tẩu Janet Jackson: “Đã tới lúc quay về làm việc của mình!”

Việc của nàng, đó làm tất cả! Câu trả lời của Báo Lửa với Vanity Fair về cuộc ly thân với Marc Anthony cũng đủ để lý giải bản năng sinh tồn sự nghiệp của một nữ chiến binh thực thụ “Tôi tự yêu bản thân mình đủ để ra đi.” Nàng còn nói thêm: “Tôi lạc quan và toàn tâm để bước tiếp, nuôi dạy hai con, làm mọi điều tốt nhất ở tư cách một người mẹ, một nghệ sĩ giải trí, và một con người.”

jennifer-lopez-pregnant

Tám điều đàn ông thích nhất về Hà Hồ và Jennifer Lopez

Phụ nữ có thể ghét họ cay đắng và hể hả rằng Hồ Ngọc Hà quá vạm vỡ ở tư cách cựu người mẫu, còn J.Lo thì to béo thuần túy. Nhưng đàn ông, bất kể ông nào có tim còn đập và máu đỏ chảy trong vein, đều ngấm ngầm tán thưởng vòng ba đầy rù quến của hai bà mẹ một lửa này. Một cách thật thà bên trong những bộ cách đài các xa cách, họ hiện nguyên hình là những con gái của Nữ Oa với thân dáng của những chiếc bình với phần đáy to, chắc, và chứa đầy sức sống.

Jennifer+Lopez+Pitbull+2011+American+Music+K8PXk52nxNjlho-ngoc-ha-khong-co-chuyen-hat-nhep-tai-han-quoc-4

Chắc lẳn như hai nữ lực điền tuyệt đẹp, họ bạo dạn phô phang những múi cơ bụng rõ nét đáng thèm thuồng nhưng với sự mềm mại của những con báo cái mĩ miều trong mọi bước nhảy nhanh, mạnh, dứt khoát và cực kì kích động trên sàn diễn. Cặp đùi họ không thanh mảnh kiểu đũa ngà, nhưng đủ dài để quấn vòng quanh một chiếc cột, và đủ rắn chắc để giết chết một con trăn.

article-2125859-127CDB7C000005DC-719_634x643ho-ngoc-ha-daniel

Bước ra khỏi ánh sáng sàn diễn và những vũ đạo bạo liệt, Hà Hồ và J.Lo đều thuyết phục công luận và mọi phóng viên từng tiếp xúc bằng một sự nhã nhặn tỏa sáng. Họ chưa bao giờ và không bao giờ hạ mình tới mức nhũn nhặn, nhưng từ hành vi, phong thái, cho đến thái độ chiều chuộng ống kính, hào phóng ban phát nụ cười nữ hoàng, cả hai đều biết cách thể hiện sự trang nhã tối ưu của tính nữ. Có thể nói, bên cạnh mọi tài năng mà ngành công nghệ giải trí đòi hỏi, phong thái một nữ hoàng showbiz này không phải là điều mà bất cứ cô đào nào cũng tập luyện thành công được.

1331917506_jennifer-lopez-hrhnha5

Đặc điểm nhận dạng của họ vẫn là làn hơi sặc khói, khàn khàn mơn trớn, thứ giọng người ta chỉ có thể nghe khi nói rất sát bên tai, và trên chăn gối.

Ngoài những bộ váy thiết kế xa xỉ, họ cùng sở hữu những lọn tóc mây mỡ màng như một thứ chất liệu hoàn hảo cho mọi nhà tạo mẫu tóc, từ lối bới cao kiêu kỳ khoe cổ thiên nga, đuôi ngựa cho những ngày của smart casual, xoắn từng tép hoang dại, hay thả những lọn to bồng bềnh bao quanh hai đôi lưỡng quyền trứ danh. Khó lòng có người đàn ông nào không ao ước được luồn ngón tay vào mớ vật chất đầy rù quến đó, dù chỉ để vuốt ve.

como-ama-una-mujer-photoshoot-jennifer-lopez-20137166-600-705121130musikHH014cbb85jpg1354260029

Dù là một chiếc sơ-mi trắng giản dị với cặp jeans bó ngặt nghèo, hay chiếc áo bodysuit dát kim sa óng ánh trên sân khấu, hoặc lộng lẫy với váy maxi dạ tiệc, Hà Hồ và J.Lo luôn ở đỉnh cao của sự gợi cảm với ưu thế của thân hình tây ban cầm. Nhưng sexy, khi đó là Hà Hồ hay J.Lo ở đỉnh cao phong cách, chưa bao giờ đồng nghĩa với gợi dục.

JENNIFER-LOPEZ-CASPER-SMART-AMASho-ngoc-ha-sexy-tot-dinh-voi-mau-nude-0

Dù tự nhiên hay xã giao, khiên cưỡng, họ thuần thục đến điệu nghệ món vũ khí tối thượng của đàn bà: nụ cười. Họ cười bằng mắt, bằng cả hàm răng với quang lực nhiều megawatt, và khuôn miệng rộng, rạng rỡ, luôn mang lại những nụ cười tỏa sáng và dễ lây.

Cuối cùng thì dù đang rã mồ hôi trên sàn tập, hay tuyệt mĩ chỉnh chu trên thảm đỏ, dù ngổ ngáo như những nữ chiến binh gợi tình nhất hay lộng lẫy quyền uy trên ghế nóng truyền hình, thứ mà những người đẹp khác không thể tập luyện hoặc mua sắm mà có được, thứ quật ngã hay khơi gợi mọi lòng tôn ngưỡng của đàn ông, thứ biến những thân hình đàn bà thành sự khêu gợi thách thức của những chiếc cúp cầu kì cao giá, đó chính là hào quang của sự tự tin, và sinh lực của những con báo lì đòn, khôn ngoan, và tạo lập nên tất cả không chỉ từ nhan sắc – họ đã thật sự lao động cật lực cho hào quang có thật của mình!

ho-ngoc-hacomo-ama-una-mujer-photoshoot-jennifer-lopez-20137070-500-618 

hồ sơ mang bí số 007

timothy dalton

Jasmine nOir

Đàn ông âm thầm muốn đá cho gã một cú, đàn bà âm thầm mơ tưởng về gã, con nít muốn được như gã. Tất cả những điều đó đều quá ồn ào, hào nhoáng và nguy hiểm cho một điệp viên.

Nhưng đây không phải là một điệp viên bất kì. Điệp viên mang bí số 007 thuộc Cục Tình Báo Anh.

“Bí số” ấy không có gì là bí mật với quá nhiều thế hệ khắp nơi trên thế giới, người ta đều có thể vanh vách gọi tên cúng cơm của gã, theo một giọng Shakespearean đầy kịch tính:

“The name is Bond – James Bond!”

007s

Được cha đẻ là nhà văn Ian Fleming đặt tên theo nhà điểu cầm học người Caribe mà bản thân ông ngưỡng mộ. Về sau, khi gặp gỡ bà quả phụ của ông Bond, Fleming tán tụng “tôi không ngờ một cái tên ngắn cụt, phi lãng mạn, đặc sệt Anglo Saxon, nhưng cực kì nam tính này chính là cái tên phù hợp nhất. Nên tôi cho một James Bond khác ra đời”. Về sau, Fleming thú thật, có phần thẳng thắn hơn, với tờ New York Post rằng “Tôi muốn gã là một tay Anglo Saxon thô thô đần đần một chút, và cái tên cộc lốc này chính là cái tên đần nhất mà tôi tìm ra được”.

Về sau, cái âm thanh cụt lủn ấy đã làm nên lời thoại ngắn ngủn, nhưng đầy khẩu khí cao ngạo làm nên ấn tượng sâu sắc lừng danh trong lịch sử điện ảnh thế giới: “The name’s Bond – James Bond”.

James Bond được xây dựng dựa vào thời kỳ Fleming hoạt động tại Cục Tình Báo Hải Quân trong đệ nhị thế chiến. James Bond là sự hợp nhất của những mẫu hình sĩ quan phản gián và biệt kích mà ông đã từng gặp. Nhưng hơn hết, ông gửi gắm vào nhân vật này cả những nét rất chân thật về bản thân, từ sở thích khoái ăn trứng khuấy, đến mọi nhãn xà bông, nước thơm cạo râu mà ông ưa dùng. Các chi tiết về nghiệp vụ tình báo dựa trên kinh nghiệm có thật, cho đến tên của những bạn học hồi nhỏ, người tình, người thân của Fleming cũng được đưa vào để làm nên thế giới của Bond.

Naval-Commander-Ian-Fleming

Fleming muốn Bond có một ngoại hình của ca sĩ Mỹ quốc Hoagy Carmichael nhưng ngầu hơn một chút. Chàng có mái tóc đen dày mạnh khỏe, khóe miệng khắc nghiệt và đôi mắt có ánh thép. Chàng có một khiếu hài hước duyên dáng và lạnh lùng, một dòng máu Scotland sáng giá, mẫu thân sở hữu một nhũ danh vân vi cầu kì là Monique Delacroix đến từ Thụy Sĩ, và thân phụ là ngài Andrew Bond ở Glencoe, Scotland.

Hoagy Carmichael

Bond và cuộc đời bí ẩn của chàng không có một thông tin gì về ngày sinh nhật. Về sau, John Pearson chấp bút nên một hồ sơ chính thức cho chàng, mặc nhận ngày 11 tháng 11 năm 1920 là ngày chào đời của James Bond, trong khi John Griswold là sau đó một năm, vào ngày 11 tháng 11 năm 1921.

Tuổi tác, điều đó chưa bao giờ quá quan trọng đối với bản thân James Bond, một khi tay chân vẫn đánh đấm ngon lành, tình ái miên man, và những bộ âu phục, những chiếc đồng hồ vẫn cực kì hợp mốt.

Từ chiếc cánh gà Beretta đến tuyệt tác DB5 trên tử địa Skyfall

Như tay hiệp sĩ cầu kì về thanh kiếm tri kỷ của mình, James Bond hoàn toàn có thể được coi là người đàn ông có bộ sưu tập xe và vũ khí đáng ham muốn nhất của mọi thời kỳ. Đây là một cuộc biểu trưng khí tài hùng hậu và mĩ miều nhất của lực lượng an ninh phản gián Ăng-lê.

Cậu ấm James Bond của M16 chẳng khác gì một cô Barbie với những phụ kiện không thể thiếu của mình. Giả sử ví von như vậy bởi, khác với mẫu người biệt kích lủng củng lang cang với những bộ sưu tập vũ khí hạng nặng và những viên đạn to cỡ quả bom, James Bond có cho mình những món đồ chơi thông minh tinh xảo và mang theo ít nhiều thói hài hước kiểu Ăng-lê. Ban đầu chỉ là vài cây viết ngụy trang, hay món lưỡi lê giấu trong giày, nhưng từ khi xuất hiện khẩu súng lục bé xíu bằng vàng trong The Man with the Golden Gun, thì những món đồ chơi lợi hại này cũng là một sức hấp dẫn kinh điển của bí số 007.

Vậy là từ đó, mỗi vụ án mới của Bond đều không thể bỏ qua “tiết mục” được trông đợi không kém gì những pha rượt bắt, đó là cuộc giới thiệu trang trọng các món “phụ trang” siêu thông minh được nghiên cứu và thiết kế riêng cho chàng. Motif này trở thành một điển lễ kinh điển cho mọi thể loại điệp viên tình báo, phản gián hay siêu thám tử. Đến cả bộ truyện tranh Conan của Nhật Bổn, dù rõ rệt chịu ảnh hưởng của trường phái tâm lí tội phạm Agatha Christie và dấu ấn Sherlock Holmes, nhưng không thể thiếu một nhà bác học ranh ma phía sau mọi món đồ chơi thủ thân của tay thám tử.

Thậm chí gười ta bắt đầu ái ngại khi dường như chàng đã được trang bị hơi quá tay và trở thành một gã bóng bẩy ẻo lả ỷ lại vào những món đồ chơi công nghệ. Nhưng rồi xét trên sự cân sức của mỗi vụ án, phía kẻ xấu cũng được trang bị đồ hàng xôm tụ không kém, từ khẩu súng bằng vàng của Scaramanga, đôi mũi giày tẩm độc của Rosa Klebb, cho đến cái nón chóp viền thép của Oddjob, cùng hộp trang điểm đầy vi khuẩn của Blofeld. Với ngần ấy kẻ thù nham hiểm, thâm độc và chịu chơi, những món đồ chơi siêu công nghệ của Bond được giải oan hoàn toàn, và cuộc đối đầu lại trở về thế cân sức.

Nhưng hai món vũ trang cơ bản nhất, hơn cả những món phụ kiện bé xíu và buồn cười của nghiệp vụ tình báo, chính là “thanh kiếm” và “chiến mã” của một tay hiệp sĩ chân chính. Trong trường hợp của Bond, đó là bộ sưu tập súng và xe.

Ban đầu, cha đẻ Fleming chỉ trang bị cho chàng khẩu Beretta 418 mập mạp chắc nịch và hữu dụng, một ‘thanh kiếm’ phù hợp với sự thô ráp, lạnh lùng của nguyên bản James Bond. Không lâu sau đó, một độc giả mến mộ nhưng sành sỏi hơn về súng ống viết một lá thư công kích cái cánh gà mập mạp và ngộ nghĩnh ấy là “đồ thứ súng cho đàn bà nhét bóp đầm!”

beretta 418

Tay độc giả cuồng nhiệt này đề cử khẩu Walther PPK 7.65mm bảnh bao ngạo nghễ hơn. Khẩu Walther này xuất hiện ngay trong cuộc tấn công màn bạc của Bond trong phim Dr.No, khiến mọi quý ngài xem phim cứ thở dài sườn sượt. Một món đồ chơi bặm trợn cỡ đó xem chừng tuyệt hảo để rút ra từ sau ve áo pardessus hay tuxedo của mẫu người hùng màn bạc chánh hiệu con nai vàng.

dr.no gun

Boothroyd, tay độc giả nhiều chuyện nọ còn khuyên Fleming sắm thêm cho quý tử tinh thần của mình một cái bao súng Berns-Martin ba quai, và một lô một lốc những món đồ chơi chết người khác. Để đáp lễ, Fleming đặt luôn tên cho tay thiếu tá phụ trách quân bị của M16 là Boothroyd.

ian_fleming_Geoffrey_Boothroyd

Bond còn thủ thân thêm vài khẩu tầm tầm cỡ Colt Detective Special và khẩu Colt cán dài Army Special. Ngoài ra, để cho bằng anh bằng em và không mất thể diện trước hậu duệ Rambo, Bond cũng có cho mình một bộ sưu tập súng trường, trong đó là khẩu Savage Model 99 và Winchester 308.

Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên trên phim, trùm mật vụ M đã ra lệnh cho Bond bỏ khẩu Beretta “bóp đầm” để nhận khẩu Walther PPK. Họ (khẩu súng và Bond) sống hạnh phúc bên nhau suốt 18 bộ phim.

Từ Don Quijote đến James Bond, súng ống kiếm cung đã có, thì khoản ngựa xe mới thật là thứ khiến Bond trở thành thằng cha may mắn đáng ghét nhất thế giới đối với mọi quý ông. Trong khi Batman quanh quẩn với cỗ xe chuột chũi duy nhất, thì Bond từ ban đầu đã được Fleming trang bị cỗ Bentley 4½ Litre đầu bạc, và về sau là Mark II Continental Bentley. Trong vụ án Goldfinger, chàng lái chiếc Aston Martin DB Mark III có thiết bị định vị tối tân giúp chàng truy sát kẻ thù bon bon dọc ngang nước Pháp. Nhưng sau vụ truy lùng đó, người ta lại thấy chàng một mực chung thủy với chiến mã Bentley.

aston martin

Nhưng chỉ cho đến khi đường đường xuất hiện trên màn bạc, cuộc đầu tư điên cuồng vào những cỗ mã xa tối tân của Bond mới thật sự khiến nam nhân thế giới sục sôi thèm muốn. Thời thập niên 1980, chàng ngon lành sập cửa chiếc Aston Martin, còn những năm 2000 là thời kì của cỗ V12 Vanquish điệu nghệ và chiếc DBS đen thẫm bẹp dí như một con gián bảnh bao siêu tốc độ. Giã từ sự thanh lịch thuở ban đầu của vẻ đẹp bạch mã với tên tuổi Alfa Romeo, những lần xuất hiện về sau, Bond thể hiện tư chất tối ưu của một điệp viên thượng hạng khi điệu nghệ điều khiển volant từ xe cứu hỏa, tải hạng nặng, tàu ngầm phóng lựu cho đến tăng thiết giáp. Nhưng cuối cùng, con chiến mã trung thành vinh dự xuất hiện từ Casino Royale cho đến Skyfall vẫn là tuyệt tác màu xám bạc Aston Martin DB5.

aston martin db5

Trong suốt điệp vụ trùng điệp hiểm nguy Skyfall, ngay cả khi bà đầm sắt trùm mật vụ M chết trên cánh tay mình, Bond cũng không bao giờ lộ nét đau đớn sâu sắc và tinh tế bằng giây phút chiếc Aston Martin DB5 bị phá hủy thảm thương. Ngay cả khán giả máu lạnh nhất cũng hiểu chàng Bond đã bị đả thương vào yếu huyệt. Cánh mày râu trong khán phòng cine khắp thế giới cùng rên xiết xuýt xoa đồng cảm: đó là một cỗ chiến xa tuyệt hảo!

aston martin skyfall 

Tay người Úc cơ hội và triều đại Roger Moore

Một trong những vụ án huy hoàng thời kì đầu của chàng mang tên From Russia with Love. So với vụ Dr.No, các hệ thống bí danh khi này cũng bắt đầu hình thành, thiếu tá Boothroyd mang bí danh độc tự  Q cho đến mãi về sau. Đây cũng là lần xuất hiện thứ hai và sau cùng của Sylvia Trench, được nôm na coi là bạn tình lâm thời của Bond sau mỗi vụ phá án. Với 2 vụ giết người so với Dr.No, James Bond bắt đầu hứa hẹn dấn sâu vào những vụ án mạnh dạn hơn về tính bạo lực. Người ta vẫn còn kể rằng John F.Kennedy đã xem bộ phim này lần cuối tại tòa Bạch Ốc ngày 20 tháng 11 nằm 1963 định mệnh, trước khi đi Dallas, mặc dù mãi đến tháng Tư 1964, bộ phim mới được phép công chiếu rộng rãi tại Hoa Kỳ.

DR-NO_610

Đến vụ Goldfinger, Bond bắt đầu trở thành một hiện tượng. Đó cũng là khi chàng tập tành lái chiếc Aston Martin DB5, và sử dụng vũ khí có tia laser của công nghệ tiên phong. Đây cũng là bộ phim James Bond đầu tiên đoạt Oscar về hiệu ứng. Nhưng với Bond, nếu chàng có thật, đây là một vụ án vinh quang nhưng cũng đầy mất mát. Cha đẻ của hình tượng James Bond, người đàn ông đã chu đáo đặt vào tay chàng khẩu súng lục thô kệch ngắn ngủn đầu tiên, Ian Fleming qua đời trước khi phim công chiếu.

ian fleming

Từ đó, các điệp vụ cine của 007 bắt đầu rời xa khỏi kịch bản văn học gốc. You Only Live Twice dựng trên bối cảnh Nhật Bản, với bạn tình Kissy Suzuki và nhan nhản ninja để bao sân chiều chuộng khán giả châu Á. Sean Connery, như thể đã hóa thân vào Bond-phiên-bản-gốc, tuyên bố không tiếp tục đóng các phim sau. Là nam diễn viên thủ diễn James Bond theo kịch bản văn học gốc của Fleming, Connery như một Bond đầu-tiên-và-duy-nhất ra đi như một hành vi tuẫn tiết đáng trọng!

you only live twice

Sự ra đi của Sean Connery khiến người ta lúng túng và cập rập chọn anh kép George Lazenby người Úc kế vị vào vai James Bond. Lazenby xuất hiện hoàn hảo, tay lấp lánh chiếc Rolex Submariner, mình vận bộ suit may ở tiệm Savile Row của Connery để lại, và tỉa tót râu tóc ngay tại hiệu ưa thích của Connery ở Dorchester Hotel. Các nhà phê bình chỉ có thể khen ngợi anh chàng về sự cần cù và dũng cảm tự đảm nhiệm các vai nguy hiểm không cần đóng đúp. Nhưng công chúng la ó phản đối, họ trót quá gắn bó với Connery, cho rằng Lazenby quá bận rộn thay phục trang xoành xoạch như một cô dâu diêm dúa, và quá mỏi mệt trong việc hùng hục chạy theo cái bóng của Connery. Đó là chưa kể giọng phát âm Úc đặc sệt quê trớt của anh chàng khiến phải dùng đến việc lồng tiếng, tổn hại ít nhiều đến hiệu quả thể hiện trên phim.

george lazenby

Thế là hình tượng chàng Bond lại đòi hỏi một lần đổi lốt. Lần này, kép Roger Moore ứng cử, dù đã 45 tuổi. Moore trở thành nam diễn viên bền bỉ nhất trong các nam diễn viên thủ diễn James Bond, chính xác là trong suốt 12 năm. Roger Moore bắt đầu ra tay áp đặt một kỷ luật mới cho James Bond. Hai vụ án đầu, chàng khệnh khạng hút cigar thay cho thuốc lá thường, và uống buorbon thay cho martini. Moore khôn ngoan phá lệ và lập tiền lệ riêng của mình – như một con đực mạnh thực thụ, cũng là điều mà hình tượng James Bond không thể thiếu.

Moore bắt đầu cho Bond…cai thuốc. Vào những năm 1970s, James Bond trở nên “đời” hơn, pha phỉnh một chút khiếu hài hước duyên dáng, song song món chính là những màn đấm đá tuyệt đỉnh. Hẳn nhiên, Bond của những năm 70 không thể nào có được sự đường bệ của Sean Connery, nhưng gã đột nhiên trẻ trung và có duyên hơn, lịch duyệt, duy lý và rõ ràng là háu gái hơn. Về võ nghệ, tuy không điệu nghệ như Sean Connery, Bond của Moore được coi là anh chàng hóm hỉnh và dễ gần nhất trong mọi phiên bản James Bond cả trước đó lẫn về sau.

roger moore

Đài từ thượng đẳng của nam thần xứ Welsh và James Bond bán lạc xoong

Đến tận những năm 1987-1989, Bond mới có một giọng phát âm Ăng-lê thuần chủng chánh hiệu truyền thống “Shakespearean” của kép Timothy Dalton, người kế nhiệm Roger Moore. Tờ Guardian ủng hộ phiên bản mới này của James Bond “Đành rằng đó không phải là Connery, và thiếu hụt cả cái duyên lịch duyệt của Moore, nhưng ít ra, đó không phải là Lazenby”, ám chỉ giọng thổ âm Úc nặng chịch của Lazenby, từng gây khốn đốn cho hình ảnh James Bond.

Timothy Dalton nhập vai James Bond hoàn hảo, với chiếc mũi khoằm của loài thần điểu, mái tóc dày rậm như lông quạ, đôi mắt khi thì ủy mị ươn ướt như mắt cún, khi thì sáng quắc như mắt diều hâu ngay dưới cặp chân mày rậm rì sắc nét như dao phay. Chàng dày vò các nữ khán giả bằng khuôn vai vuông vức, cơ thể nam thần và chiếc cằm chẻ đẹp như một cặp mông thiên sứ. Chỉ cho đến khi chàng thật sự thoát kiếp James Bond và tái xuất ngời ngời trong Jane Eyre, vai bá tước Rochester cục cằn và đa cảm, người ta mới dám chấp nhận rằng chàng không phải là James Bond nữa.

timothy_dalton

Sự xuất hiện hoàn hảo cuả Timothy đã là một thách thức khó vượt cho kẻ kế nhiệm là Pierce Brosnan bóng bẩy. Cũng sở hữu mái tóc đen dày hơi lượn sóng, với “cặp mông thiên sứ” có phần teo tóp hơn, Pierce Brosnan được đánh giá là giai kỳ điển trai màu mè đỏm dáng nhất của Bond.

pierce brosnan vanity

Khi kí hợp đồng kế nhiệm nam thần Timothy, Brosnan hồ hởi tuyên bố “Tôi muốn đào sâu hơn nữa vào bên trong người đàn ông này, lột lớp vỏ bọc máu lạnh của anh ta như lột một củ hành, và phơi lộ một tâm hồn nhạy cảm bất khả xâm phạm của người đàn ông đó”. Điều này làm khán giả hâm mộ của Bond run sợ – Bond không phải là loại đàn ông treo quả tim của mình tòn ten trên ve áo để làm dáng. Nhưng rồi người ta đã có một Bond gốc Scotland của Connery, nói giọng Úc của Lazenby, mang dòng dõi Welsh quí phái của Dalton, thì cuối cùng, đến lượt Brosnan sẽ cho người ta một phiên bản Bond Ái-Nhĩ-Lan rất riêng và khác biệt.

Bond lại hút cigar và chuộng những bộ suits bảnh bao thửa tận bên Ý. Golden Eye với Brosnan cũng là điệp vụ đầu tiên xảy ra sau khi Liên bang Xô viết rã đám. Bond và M16 cũng phải cập nhật tình hình chính trị chung, thay các vụ đối đầu với chính quyền chính thể bằng những vụ rượt bắt gay cấn với các siêu thế lực mafia mới của nước Nga lộn xộn. Cũng bởi tính cập nhật thực tế, Judi Dench vào vai bí số M – đầu lãnh M16, một khi ngoài thực tế, ghế trùm cơ quan tình báo M15 của Anh quốc cũng vừa chào đón nữ chủ nhân mới: bà đầm sắt Stella Rimington.

Công luận nghi ngờ vẻ oặt ẹo điệu đàng của kép Brosnan, các nhà phê bình thở dài phán “Và Bond đã tái xuất, lần này với mái tóc hỉ nhi!”, nhưng MGM vẫn tuyệt đối tin cậy vào cái đẹp và sự hào hoa, quyết đưa Bond về với bản ngã. Đầu tiên là bằng cách tước đoạt bớt những món đồ chơi lặt vặt của chàng, cùng mọi yếu tố hoang đường quá tay mang sắc màu giả tưởng. Bond mạnh mẽ hơn, u sầu hơn, và “người” hơn.

Một lần nữa, khi mà ngoài kia, trào lưu cơ bắp đã lắng xuống, việc thay đổi phong cách cho Bond hoàn toàn phù hợp với thời kì của những anh chàng metro-boy mảnh mai, biết làm đẹp và gần như lưỡng tính, Jack của Titanic thế chỗ Commando, và rock bờm xờm bị hất cẳng bởi boybands thiếu niên tiến bộ.

Các quý ông trung thành của những thế hệ James Bond kinh điển có thể chỉ muốn tung một cú đá vào mông tay Bond đời-sau oặt ẹo này. Hơn nữa, gã rõ ràng là một tay bán đồ lạc-xoong chuyên nghiệp. Gã rao bán mọi thứ, từ nước uống, xe cộ, đồng hồ, bút máy,… chỉ cần một cú lắc tay điệu nghệ bên sòng bạc, gã tài tình rao bán chiếc đồng hồ lấp lóe dưới manchette công tử bột. Gã ngời ngời sáng giá và hốt về bạc triệu mỗi lần tái xuất, chưa kể các nhãn hàng thủy chung lại vồ vập lao vào, Bond của Brosnan được trang hoàng long lanh như cây thông Giáng sinh hạnh phước, với đồng hồ, thời trang, giày và những cỗ xe gây mê đắm.

brosnan poker watch 

Cuộc cách mạng của James Lạt-Nhách

Nhưng công chúng là một đứa trẻ khó chịu, ngay khi thế hệ hâm mộ giai kỳ bóng bẩy của Bond bắt đầu quen với hình ảnh của chàng điệp viên thơm phức trong các bích chương quảng cáo đồng hồ Omega, thì cuộc cách mạng phong cách của James Bond tạo nên một vụ ồn ào chưa từng thấy. Giữa thời loạn lạc của thế giới phẳng phi giới tính, giữa sự tìm tòi khắc khoải một hình tượng nam thần thẳng thớm đáng tin cậy, James Bond cần mau chóng thoát ra khỏi cái dung mạo mĩ miều của những điệp viên tài tử “tóc đen như mun, cằm chẻ như mông” vốn đã thành tiền lệ.

pierce brosnan

Với hình tượng Obama, thậm chí đã có lúc người ta cân nhắc một James Bond da đen…hơn tóc. Nhưng ứng viên thắng cuộc cuối cùng đã khiến tất thảy công luận hồ nghi và cự nự dữ dội: Daniel Craig.

Gã có bản mặt của một tay mafia Đông Âu hơn là một điệp viên Anh quốc. Đôi mắt nhỏ, linh hoạt, chiếc cằm nhọn và một thái độ lì lợm khó gần. Gã có diện mạo của một tay sát nhân máu lạnh sẵn sàng tung nắm đấm thép mà không buồn nheo mắt.

Người ta thổn thức nhắc nhớ những vệt chân chim nơi đuôi mắt Brosnan và vết lõm chen giữa hai múi cằm đẫy nẫn của Dalton. Than ôi, kẻ kế nhiệm thậm chí còn mang một đôi tai vểnh của loài dơi và mái tóc lưa thưa màu sáng.

daniel2

Người ta tung vào thế giới cinema một James-Bond-Không-Thèm-Đẹp!

Thậm chí đã có cả một website với địa chỉ danielcraigisnotbond.com kêu gọi tẩy chay phiên bản mới của James Bond. Tờ Daily Mirror chạy nguyên trang nhất chỉ để bỉ bai Craig với hàng tít nhái theo câu thoại lừng danh của Bond “The Name’s Bland – James Bland” (tên là Lạt Nhách – James Lạt Nhách).

Bond (bởi đó chính là tính cách Bond) phớt lờ đúng điệu Ăng-lê và tái xuất dưới hình hài Daniel Craig trong phi vụ Casino Royale. Món lãi ròng từ phim này, kể từ Moonraker, chưa bao giờ cao đến vậy! Công luận đổi chiều xoành xoạch, người ta tung hô James Bond mới. Chàng mảnh mai hơn, trông “chì” và “ngầu” hơn, không xăm lên trán hàng chữ “vận động viên làm tình”, và không cầu kì giãy nảy nếu ly martini của chàng không được pha đúng điệu. Đơn giản là vì chàng-như một tay Bond đúng điệu, cóc quan tâm!

daniel1

Còn tư cách người hùng và những trò táo tợn? Hãy xem chàng được đích thân nữ hoàng Elizabeth (do chính lệnh bà thủ diễn) vời đến điện Buckingham để hộ tống bà trên chiếc trực thăng bay đến sân vận động Olympic Stadium, cùng lệnh bà tôn quý của nước Anh nhảy thẳng từ trực thăng, bên dưới cánh dù bằng lá cờ liên minh lộng gió!

QUEEN+AND+DANIEL+CRAIG 

Fashionisto siêu hạng và 40 bộ suits cho một cảnh quay

Với vẻ điển mã xứng tầm một quý ông, chàng có tất cả những cái tên quyền lực nhất của giới thời trang làm hậu thuẫn cho tủ phục trang khét tiếng của mình. Giorgio Armani, Brioni, Roberto Cavalli, Tom Ford, Hubert de Givency, Gucci’s Frida Giannini, Douglas Hayward, Rifat Ozbek, Jenny ackham, Miccia Prada, Oscar de la Renta, Anthony sinclair, Phillip Treacy, Emanual Ungaro và Donatella Versace là những cái tên làm nên thế giới hào hoa của James Bond.

Bond cầu kì và chuẩn mực đến từng tiểu tiết. Chàng phân biệt được một ly martini lắc và khuấy khác nhau ra sau, chàng thích ống quần của mình ôm vừa, tỉa tót tuyệt khéo, nhưng không bó sát bởi chàng không phải Tom Jones. Cả tuxedo cũng vậy, chàng thích sự nghiêm cẩn, không xum xuê hoa lá, và đặc biệt ưa chuộng những chiếc sweater chui đầu bằng hàng cashmere thượng hạng. Chàng có thể đã xuất hiện từ nửa thế kỷ trước, nhưng chắc chắn chưa bao giờ muốn mình trở nên cổ lỗ.

Bond Style

Chuẩn bị cho vụ mới nhất của James, nhà thiết kế phục trang của chàng Jany Temime tuyên bố cô đã chuẩn bị cho James Bond lệ bộ chuẩn mực nhất chào mừng 50 năm cát cứ màn bạc, nhưng mang mọi yếu tố đương đại của thẩm mỹ thời trang 2012. Cô nói say sưa như một bà nội trợ sành điệu đi sắm sanh chưng diện cho đức lang quân lừng lẫy hơn là một chuyên viên thiết kế phục trang nói về diện mạo những vai diễn: “Tôi không chạy theo trào lưu mốt mà bám theo kịch bản. James đâu phải loại rảnh rang đọc tạp chí thời trang hàng ngày, tôi rành anh ta quá mà! Tôi biết James sẽ muốn mặc gì và vì sao, tôi luôn tự vấn bản thân trước mỗi quyết định: Đây có phải là thứ James sẽ bỏ tiền ra mua không?”

Tủ quần áo của chàng bày san sát chằn chặn những hàng suits bất tận, phô ra những ống tay và khuôn vai thẳng táp, hoàn hảo của kỹ thuật cắt may thượng hạng, hầu hết đóng mác Tom Ford. Bản thân Craig trong đời thực, cũng là một thân chủ mê mệt của phong cách lịch duyệt đến tối giản, đầy tính thực dụng rặt Mỹ của Ford. Ngay từ khi mới làm việc với Temime, Craig đã báo trước, theo kiểu mà chính James Bond biết mình muốn gì, rằng chàng thích form cắt mảnh mai nhưng phải dễ vận động, và hơi hoài cổ về nét kinh điển của thập niên 60.

tom ford

Mặc dù kép Roger Moore khẳng định rằng Bond vẫn có thể xài ngon ơ mấy bộ thửa cho chàng từ hồi 70s và 80s (đương nhiên, ngoại trừ quần ống loe và cổ sơ-mi to gộc), nhưng tuxedo và suits vẫn kinh điển vào hàng bất hủ. Nhưng ngay cả Moore cũng không còn mặc những bộ vía oai vệ đó nữa: “Chúng được may từ cách đây hai ba thập niên, cả bản đồ thế giới cũng đã thay đổi, huống gì số đo vòng bụng của anh kép diễn về già là tôi. Thời đó tôi cũng mê mẩn phong cách James Bond lắm, nhưng đó là ngài Bond, còn tôi rồi cũng tự xoay sở cho mình một gout riêng về cả đồ ăn lẫn rượu vang và áo vest”. Moore vừa ra mắt cuốn sách của mình về Bond, với cái tên “Bond on Bond” do nhà xuất bản Lyons Press ấn hành, trong đó, ông kể lại rất nhiều về phong cách bảnh bao của hiện tượng mang bí số 007.

Sean Connery, người đầu tiên thủ diễn James Bond năm 1962, cho đến nay vẫn còn ưa thích những bộ suits màu ghi mảnh dẻ Bond từng mặc thời đó, nhưng mấy cái quần yếm bằng vải bông trong Goldfinger thì quả là một cơn ác mộng với thời trang quý ông đương thời.

Đến những năm sau này, James Bond của Pierce Brosnan được diện rất bảnh trong bộ đồng phục sĩ quan Hải quân Hoàng gia, lay động nên bao cuộc đại chấn nức nở trong tim những nữ khán giả nhẹ dạ. Ngoài giai kỳ bảnh bao đột xuất này của Brosnan, thông thường thì James Bond là mẫu đàn ông thích sự tinh tế lẫn thực tế trong từng tiểu tiết của một phong cách tưởng như hoàn toàn giản dị. Cuối cùng, chàng là một điệp viên luôn đặt mình vào giữa chốn trùng điệp hiểm nghèo, chắc chắn không có nhu cầu khoác lên mình một bộ cánh quá lâm li và nổi bần bật giữa chốn đao kiếm vô tình như vậy.

navy uniform

Thời mới xuất hiện, một người đàn ông như chàng hẳn nhiên sẽ chọn hiệu may Savile Row lừng lẫy ở London làm chốn tin cẩn sắm sanh lui tới. Tới năm 1995, chàng thức thời và điệu nghệ hơn giữa thời cuộc phi biên giới, những điệp vụ của chàng giờ mang tầm cỡ toàn cầu, và nhà thời trang Ý Đại Lợi Brioni giờ mới xứng tầm sắm sửa của siêu điệp viên. Nghệ nhân bậc thầy của nhà này là Angelo Petrucci phóng mũi kéo điệu nghệ theo lối cắt may Ăng-lê truyền thống có vạt dài hơn so với các quý ngài La Mã, và đương nhiên là với những cặp ống quần hoàn hảo, ôm suôn, thẳng muốt và sắc nếp như dao: “Anh James, với tôi, là đại diện chí tôn của cái gọi là gout thượng đẳng. Suits là biểu tượng của quyền lực phái mạnh, với một người như James, suits chính thống là phải được may thửa chuẩn mực theo số đo. Chưa kể, hãy ngắm những cô nhân tình của ảnh, cô nào bà nào cũng sành sỏi điệu đàng, đều có con mắt để tán thưởng một bộ vía khéo cắt, bởi chính họ cũng tuyệt đỉnh cầu kì và rất am hiểu thời trang, anh James không thể lôi thôi được”.

bond style 2

Trong Skyfall, Temime vận cho Naomie Harris và Berenice Marlohe những bộ phục trang không hổ thẹn dòng dõi những thế hệ “Bond girls” về trước như Halle Berry và Ursula Andress. Cả hai đã từng khuấy đảo màn bạc trong những bộ bikini, đùi quấn đai súng lục, và Barbara Bach với chiếc váy dạ hội đen viền đá trắng, với được xẻ cắt cao vút đến tận… thiên đàng! Temime quyết định cho Marlohe ăn vận theo phong cách hoàng kim của cựu minh tinh Ava Gardner với bộ váy L’Wren Scott như bộ da thứ hai diễm lệ mà để vừa khít một cách kích động như thế, mỗi buổi sáng, đào Marlohe phải chịu một công đoạn may đính để bảo đảm chiếc váy bó sát thân hình. Và khi chết, nàng được Temime ưu ái cho diện thật đỏm trong chiếc váy đỏ thắm trễ tràng của Donna Karan. Karan phỉ mãn với hiệu ứng gợi tình một cách chết chóc này: “Nghĩ đến Bond girl là phải nghĩ đến gợi tình, sự thông minh, sức mạnh, và lẽ dĩ nhiên, là một thân hình sát thủ!”

berenice_marlohe_skyfall

Trong khi đó, Harris cần một thiết kế hung hăng năng động hơn cho những pha hành động và được cho mặc một chiếc jacket của Belstaff, tank top, và quần da.

Còn riêng cho James, ngay vào màn rượt bắt đầu tiên – một điển lễ mở màn cho mỗi phi vụ của 007, chàng cần một bộ suit vừa đẹp, vừa ôm, vừa thoải mái cho mọi trò vung tay quạt chân của 007. Điều này đồng nghĩa với 40 bộ suit y chang nhau, cái thì cánh tay dài hơn một chút để chàng cưỡi motor, cái thì cần đệm đầu gối cho chàng té đỡ đau, và có cả những bộ cài đặt những túi máu giả, và cả những bộ rách sẵn để đối phó với thứ tự lộn xộn của cảnh quay.

Chàng là siêu điệp viên trường phái sắp đặt, điều này không thuộc hệ tư duy bủn xỉn được. Temime hãnh diện như bà nội trợ siêu hạng “Tất cả phục trang ở đây đều thuộc hàng thượng hảo hạng. James có thể chạy phăm phăm qua nước, bụi, nhảy khỏi tàu hỏa, và chỉ cần phẩy nhẹ, là lại sạch bong như mới”

motor ride skyfall

Những người đàn bà của Bond

Thuật ngữ “Bond Girl”, chỉ những cô nhân tình lâm thời của James Bond, là một đại danh lẫy lừng có phần hơn cả các khái niệm “Playboy Bunny”, “Victoria’s Angel” hay “Cosmo Girl”. Xét về giai tầng, họ không hề dân chủ đại trà. Đó là những nữ sát thủ, minh tinh, hoặc yếu nhân, thậm chí chính khách. Họ là những Pussy Galore, Plenty O’Toole, Xenia Onatopp hay Holly Goodhead. Nói một cách nôm na, đó là những đại diện điển hình của vẻ đẹp xa hoa thượng đẳng, những nữ thần nhục cảm phóng túng, những đóa hồng nhung kiêu sa dùng để trang trí ve áo tuxedo của ngài Bond trong từng điệp vụ.

bond girls2

Nàng có thể là bất cứ ai, miễn sở hữu một thân phận ly kì và một thân hình đẹp. Nàng có thể là chiến hữu hay cừu nhân, nàng cũng có thể là nạn nhân hay thân chủ. Nhưng điều rất quan trọng cần được phân biệt rõ ràng, trùm tình báo mang bí danh M, dẫu là người đàn bà cực kì quan trọng trong mọi cuộc phiêu lưu, phần số và tâm hồn 007, bà ta không hề được tính là một Bond Girl. Ngoài ra, đồng sự Miss Moneypenny cũng bảo toàn một mối quan hệ chiến hữu với Bond khá trong sáng, dù ở phần cuối của điệp vụ Skyfall, có những chi tiết cho thấy cô hoàn toàn có khả năng đã từng đứng vào hàng ngũ Bond Girls.

Dẫu đa dạng đa chủng đến mấy, tộc người ưu tú “Bond Girls” cũng có những mẫu số nhận biết chung. Thoạt tiên là những thân hình tuyệt hảo, thường xuyên được lồng tuyệt khéo trong những bộ trang phục hơi ngầu kiểu nam tính, kiên nghiệt, điểm một vài món trang sức góc cạnh, dây lưng da to bản và giày da mũi vuông. Nhưng họ còn phải có khả năng xuất hiện đột ngột trong vẻ đẹp lẫy lừng đàn bà tính, những bộ váy dạ tiệc dính trượt trên da, váy ngủ satin, push-up bra thượng hạng, bikini trang trí súc lục, và thi thoảng chỉ có một lớp dầu bóng trơn trượt trên mảnh thân trần.

You-Only-Live-Twice-Girls Bond-Girls-6

Phần lớn Bond Girls tuân thủ ngặt nghèo làn da rám nắng, ngoại trừ các cô của thời kì đầu khi mốt nhuộm da chưa thịnh, hoặc những kiều nữ Đông Âu.

Tóc lại là một phạm trù mênh mông đối với các Bond Girls. Họ có thể là các nàng có mớ tơ vàng hoe như Mary Goodnight, đến màu hạt dẻ của Gala Brand, nâu sóng sánh như mật của Tatiana Romanova, xanh tím như Solitare, hay đen thẫm như Vesper Lynd. Hẳn nhiên, đó là những cô nàng có khuôn miệng rộng háu tình, phần lớn có màu mắt xanh, thậm chí xanh như màu Tiffany, long lanh giữa sắc xám và ve chai mắt mèo. Đặc biệt Pussy Galore sở hữu đôi mắt huyền vi tím thẫm – người đẹp mắt tím duy nhất trong trải nghiệm tình sử của James Bond.

Trong khi nàng Vesper Lynd xuất hiện trong Casino Royale với tất cả mọi nét thuần chủng Bond Girls kinh điển ở trên, thì Dominetta Domino Vitali bằng mọi cách trở thành hình ảnh trội bật với sandals da trắng, da rám nâu, tóc bồng kiểu Bardot và các nét trên khuôn mặt đều yêu kiều nhỏ nhắn, thay cho khuôn miệng rộng của những nàng man-eater truyền thống.

james_bond_girls_03

Mẫu đàn bà ưa chuộng của Bond, hẳn nhiên, không chỉ là những tiêu chuẩn về ngoại hình và thời trang. Chàng thích những cái tên hoặc bí danh ly kì, mà điển hình nhất là Pussy Galore, Solitaire (tên thật của nàng là Simone Latrelle), và Tiffany Case (do thân phụ cô này tức tối vì cô sinh ra không phải là nam tử, ông đưa cho mẹ cô 1000 đồng và một hộp phấn Tiffany rồi bỏ đi). Hay như Vesper Lynd, nghe như West Berlin được nói trại theo âm sắc Đức Ngữ, ám chỉ tư cách điệp viên hai mang của cô nàng. Đương nhiên, chàng cũng không chối từ các nàng có danh tánh bình thường.

Dù không nhan nhản những pha cụp lạc phòng the, nhưng chỉ một số tình tiết khơi gợi đủ để người xem hiểu rằng Bond là anh chàng không chối từ ân huệ ái tình từ những cuộc phiêu lưu trời cho ấy. Nhưng không phải cô gái nào của Bond cũng là những tiểu thư đến từ số phần nhung lụa. Rất nhiều trong số các nhân tình của chàng từng bị hãm hiếp, hay là nạn nhân của bạo lực tình dục. Họ mất niềm tin và kỳ thị nam giới (đương nhiên là cho đến khi gặp Bond): Tiffany Case không những bị cha bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, mà lớn lên còn bị hãm hiếp tập thể từ khi vị thành niên, cả nàng Honey Ryder cũng cùng chung số phận. Pussy Galore thậm chí bị cưỡng hiếp từ khi 12 tuổi bởi chính chú ruột. Solitaire có một quá khứ may mắn và trơn tru hơn, nhưng nàng vẫn còn tân đến tận cuối phim. Giai nhân Đông Kinh Kissy Suzuki cũng cay đắng kể về sự kỳ thị khi nàng đến Hollywood lúc 17 tuổi “Họ nghĩ vì tôi là người Nhật nên tôi như một loài vật, và thân thể tôi là thứ dành cho tất cả mọi người”.

james_bond_girls_20

Không chỉ ở trong hồ sơ quá khứ, mà ngay cả trên màn bạc. Lupe Lamora bị chính người tình Franz Sanchez hạ nhục trong Licence to Kill, chung số phần là ngư nữ mĩ miều Andrea Anders trong The Man with the Golden Gun. Nàng nuôi hận nên âm thầm gửi Bond một viên đạn bằng vàng để tố cáo gã nhân tình máu lạnh Francisco Scaramanga và khuyến dụ Bond vào vai cứu vớt gái bơ vơ.

Bond không chỉ thành công ra tay bảo bọc giai nhân hoạn nạn, mà còn mang lại… niềm tin yêu cuộc sống đến với họ, bằng chứng là thay vì cạn kiệt lòng tin vào đàn ông, họ đều chuyển sang yêu thương thắm thiết, si mê và cuồng nhiệt tự nguyện trao thân cho người hùng lẫm liệt.

Nói một cách khác, Bond là quý ngài luôn có cho mình những cuộc tình ly kì theo khuôn mẫu, một kiểu tân văn học Danielle Steel cổ lỗ sĩ và đôi khi quá tay đến khôi hài. Trong điệp vụ Goldfinger, Pussy Galore trước khi gặp Bond là một ả đồng tính nhưng lại say đắm hiến thân cho Bond. Ngay trên giường, chàng không dấu sự hiếu kỳ “Tôi tưởng em chỉ yêu đàn bà?” Và nàng đáp “Tôi chưa bao giờ gặp một người đàn ông thực thụ trước đây!”

goldfinger_goldcorpse 

Di vật của Fleming

Đàn ông muốn được như chàng, đàn bà muốn có chàng, một số khác chỉ đơn giản là muốn lại gần chiêm bái cái đồng hồ lấp loáng dưới ống tay áo tuxedo của chàng.

Ngay từ lần ra mắt màn bạc đầu tiên trong điệp vụ Dr.No, Bond đã hãnh diện trưng phô chiếc đồng hồ như một vật cực kì quan trọng đối với tư cách nam nhân của chàng. Chàng lẫy lừng với bộ sưu tập những Rolex, Breitling, Hamilton, Seiko và Omega. Nhưng không chỉ là những chiếc đồng hồ có thể nằm trên bất cứ cái cổ tay dân chủ nào. Đó là những phiên bản đặc biệt gây nên những cuộc săn lùng tuyệt vọng của thói đua đòi không phải là không có ở cánh mày râu.

pierce brosnan watch

Từ khi tạo nên một James Bond từ chính cuộc sống của bản thân, Ian Fleming đã hào phóng “tặng” luôn cho đứa con tinh thần của mình chính chiếc đồng hồ Rolex ưa thích của ông. Chỉ đến điệp vụ thứ 11 của Bond ấn hành năm 1963, Fleming mới cung cấp đoạn miêu tả đặc biệt hình ảnh Bond, vào một đêm biếng nhác, đưa mắt liếc vào “chiếc Rolex Oyster Perpetual kềnh càng có quai kim loại” trên cổ tay. Đó là một chiếc Rolex Explorer I cực kì đàn ông tính. Một cách cụ thể hơn, về chiếc đồng hồ của Fleming, đó là model 1016 với mẫu dây đeo 7206, bằng thép không rỉ, mã sản phẩm 596851.

ian's rolex

Con gái riêng của vợ ông, Fionn Morgan, cho rằng đó chính là chiếc đồng hồ Rolex chung thủy đầu tiên và duy nhất của nhà văn. Sau khi ông mất vào năm 1964, chiếc đồng hồ huyền thoại được giữ trong một ngăn an toàn ở nhà băng cho đến khi bà quả phụ Ann Flemming qua đời vào năm 1981. Một lần nữa, sau gần 2 thập niên, chiếc Rolex trứ danh lại được phản chiếu lấp lóa ánh sáng ban ngày.

rolex-explorer-1016-jbw007-20100201v500

Điều kì diệu nhất, đó là nó vẫn hoạt động bình thường khi được lấy ra khỏi két sắt, theo lời kể lại của Morgan. Món gia bảo lẫy lừng ấy được tặng lại cho con rể của bà Morgan.

Chiếc Rolex nổi tiếng này được trưng bày tại triển lãm Ian Fleming Centenary nhân ngày sinh lần thứ 100 của ông – 28 tháng Năm, 2008. Bảo tàng Chiến tích Hoàng gia Anh đã lên kế hoạch cho cuộc trưng bày kéo dài 45 tuần mang tên “For Your Eyes Only: Ian Fleming and James Bond.” Mary Gibson, con gái của Fionn Morgan đồng ý cho mượn chiếc đồng hồ mà bấy lâu nay chồng cô vẫn đeo, cùng hàng loạt những vật dụng cá nhân của Fleming có xuất hiện trong thế giới của Bond.

bond's watch

7 lí do vì sao phụ nữ mê James Bond

  1. Bond tự tin. Điều đó khiến chàng gợi tình. Chàng có sự ngổ ngáo của kẻ nắm chắc phần thắng trong mọi cuộc đấu – thứ bản năng của con thú mạnh ắt nhiên sẽ thu hút bản năng kén chọn của đàn bà. Trên thực tế, không chỉ với đàn bà, mà cả đối với đàn ông, không ai bị quyến rũ bởi sự khiêm tốn cả.
  2. Chàng luôn bình tĩnh, ngay cả khi luôn ở trong tình trạng nắm chắc cái chết. Chàng không bao giờ có một động tác thừa, bị chi phối bởi cảm giác run sợ, hoảng loạn hay giận dữ. Người ta không có một James nhảy chân sáo ôm một bó hoa to đến tặng người đàn bà, đấm tay lên tường khi nổi giận, hoặc trốn ra chỗ vắng hét to để xả stress. Khi tặng hoa cho phụ nữ, nếu đó là Bond, đó sẽ chỉ là một cành hoa – cành đẹp nhất. Ngay cả trạng thái hạnh phúc cũng không khiến chàng có bất cứ hành vi, động thái nào thừa thãi. Chàng luôn nói đủ chậm, không bao giờ liến thoắng và tuyệt nhiên không ấp úng. Ánh nhìn của một sát thủ siêu hạng có khả năng tập trung cao, chàng không bao giờ đảo và chớp mắt một cách thừa thãi, đây cũng là một chi tiết luôn khiến phụ nữ phải lòng.
  3. Bond không bao giờ bận bịu cho việc phô phang cái cõi lòng của chàng đối với phụ nữ, và bằng cách đó, chàng kích thích bản năng của họ: bản năng tò mò. Nói một cách khác, một khi kích thích được bản năng phụ nữ, thì đó là một sự gợi tình. Chàng không hay cười, và đối với phụ nữ, một người đàn ông đang sung sướng một chuyện gì đó có thể đáng yêu, đáng làm bạn, nhưng không có gì là sexy cả. Chàng kiệm lời, luôn giữ lưng rất thẳng, và điều này kết hợp với một bộ tuxedo thượng hạng là một hình ảnh không thể cưỡng lại được đối với bất cứ người đàn bà có lương tri nào trên thế giới.
  4. Chàng uống Martini, đôi khi Bourbon, cho đến phi vụ cuối mới thấy chàng tỏ ra dân chủ và uống beer. Chàng thích rượu, điều này hứa hẹn cuộc mây mưa ngay lần hẹn đầu, nhưng tất cả chỉ như một tiềm năng hơn là một lời hứa.
  5. Hẹn hò trên một chiếc Aston Martin không hề là một tai họa. Và những cuộc bạc ngả nghiêng ở các casino vương giả, khi chàng vãi tiền mặt hào phóng như vãi đạn, dù là tiền túi hay tiền quỹ phủ phê của Cục Tình Báo, cái kiểu vung vãi ấy được coi là cực kì khả ái, ngay cả đối với các quý bà quý cô phong lưu.
  6. Bond không bao giờ cố công gây cười và không đánh đồng một thằng hề nhạt với sự lịch duyệt duyên dáng. Chàng nổi tiếng với kiểu nói ngắn gọn nhưng không cộc lốc, và lời tự giới thiệu trứ danh huyền thoại cine: “The name’s Blond – James Blond.” Nhưng chàng có thứ hài hước tưng tửng của dân Ăng-lê, đủ để hấp dẫn những phụ nữ biết coi khiếu hài hước là dấu hiệu của trí tuệ.
  7. Phụ nữ lãng mạn thích biến cố, âm mưu và các thảm kịch, và đó là món tráng miệng mỗi bữa của Bond. Điều này cuốn hút họ hơn cả những cơ bắp của chàng. Cô nàng năng động sẽ mơ mòng việc được tham dự trò mạo hiểm, các ả nhà lành sẽ hưởng thú giật gân an toàn trong vòng tay bách thắng. Khi trải qua một cuộc hẹn hò êm đềm quá, phụ nữ sẽ phải sáng tạo ra các âm mưu và thảm kịch, với Bond, họ hoàn toàn có thể thảnh thơi và thụ hưởng các biến cố đó. Đương nhiên, càng an toàn hơn khi chàng là một nhân vật tưởng tượng, và khi đó, người ta không thể thua, hoặc chết.

jamesbondDanielCraig

BDSM – vết răng trên táo cấm

bdsm

Những chiếc móng tay tỉa nhọn cắm ngập thịt da cũng tạo nên những hân hoan thân xác cho cả kẻ cho người nhận, nhục giác đang được vờn vuốt bị lay tỉnh lộn nhào trong vòng xoáy điệu nghệ của những cơn nhói giật bất ngờ trên châu thân ngây dại, không chỉ đến từ người đàn ông, mà cũng thường xuyên không kém, từ sâu kín một góc thuộc tính cái hung hãn đàn bà được thật thà phơi lộ.

Nhưng người ta có thể đi bao xa, từ bản  năng chinh phục hay quy tòng của bản ngã đàn ông đàn bà, để thoái hóa thành hành vi cục súc của con thú mạnh và thứ lạc thú bệ rạc của cơn nghiện khổ dâm?

Nhục tình trường phái salon & loài thú hoang được phóng thích

Ái tình nhục dục là một thứ nghệ thuật của mọi tế bào cảm nhận trên cơ thể, những buông tuồng phô phang tòa thân thể trước hồi hộp trân ngắm thèm thuồng, của mùi hương của những thân thể thật thà trộn quyệt với nhau thành món cocktail mùi hương gây say tận óc, của những vuốt ve sờ nắn tràn chảy châu thân, ắp ứ đầy lòng bàn tay, của cảm nhận da thịt xa lạ ngon lành ấm nóng òa ngập trong vòm miệng, của cả những rung ngân nỉ non hào hển khi người tình như thể dây đàn vi diệu, bật thốt thanh âm khi bần bật rung dưới đầu ngón tay. Một bản giao hưởng hoàn hảo của mọi giác quan được ban tặng!

Người ta gọi đó là những cuộc làm tình trường phái boléro, hoặc những bản nocturne lãng mạn sặc mùi diễm tình tân thế hệ, hoặc những scene ái tình trong video “soft core” thời thập niên 80’s có nhạc nền và những mái tóc xịt keo.

Thứ nhục tình salon phòng lạnh xông hương, nhục tình lý tưởng.

Nhưng những cuộc ái ân không hoàn toàn chỉ là đại lễ của tín ngưỡng tình ái thiêng liêng, không chỉ có các thiên thần mình xịt dầu thơm và những thăng hoa thần thánh.

Bởi đôi khi, những mân mê dè dặt không còn đủ nghĩa gần gũi, da thịt có lúc cũng đói khát cả những gấp vò bạo liệt, vị giác không được thỏa mãn đủ đầy cho đến khi cắm ngập răng vào những thứ ngon lành chưa nuốt trọn vào lòng vẫn cứ nóng sốt trêu ngươi, khiến bật thốt tiếng rên rỉ đau đớn và khuất phục.

177329304048346037_Sg8NdraZ_c

Giữa cuộc phong nguyệt lim dim, đôi khi bạn sẽ điếng thót mình vì một cú…phát vào mông, hay bất thần cảm nhận mười móng tay dài tỉa chuốt sắc ngọt cào cấu thôi thúc vào thịt da. Chớ vội hoảng hồn với những dấu hiệu mang màu sắc “thú tính” xa lạ ấy từ người tình vốn vẫn luôn dịu dàng trong suốt những giờ còn lại trong ngày. Bởi đó chỉ là khi cái phần hoang dại ẩn sâu đang được thật thà giải thoát, khi tin cậy và yêu thương là tuyệt đối.

Và cũng chớ ngạc nhiên khi cảm thấy trong chính cơ thể sự đòi hỏi khốc liệt của một cơn đau chưa đủ đầy, hay những vuốt ve trở nên nhột nhạt trên những mạch máu đã căng bần bật, thôi thúc đòi chờ một va chạm bạo liệt hơn.

Đó là khi bản bolero du dương chuyển khúc li điệu của cơn đói tình, của giằng xé vồ vập, một vũ điệu hồng hoang của giống mạnh và con mồi đang cơn đòi được quy tòng trong khuất phục. Đó là khi thăng hoa bạo liệt trên cả vết đau trên thân thể.

Tất cả những mỹ từ hay ho, những mô tả giật gân của cuộc làm tình lắm biến cố trên có thể khiến một nhà mô phạm cau mày, một quý bà sạch sẽ phải rùng mình che mắt, nhưng một tín đồ của tôn giáo Ái Tình sẽ thấy ở đó mọi sắc thái thuộc tính của một cuộc tình, có cuồng điên mụ mị, có phục tòng dâng hiến, có chiếm hữu tham lam và tất thảy những dày vò gây nghiện. Ấy là cuộc cận kề gần gũi thật thà nhất khi đàn bà là đàn bà, trong tay và dưới chân người đàn ông của mình, hiến dâng và ban phát, rã rời nhàu nhĩ và thỏa mãn hoàn toàn. Còn đàn ông sẽ là đàn ông, say sưa trò chơi quyền lực ngang tàng, ham hố vị kỷ trong vai trò con đực, dẫn dắt vần vò tùy nghi, hào phóng trao ban khoái cảm, tưới tràn phủ phê mầm sống vào vực thẳm đàn bà, đang khai mở đón chờ trong thuần phục.

bdsm

Những cuộc cưỡng dâm thường nhật

Chớ coi đây là một bí quyết ân ái để vội hổ lốn du nhập vào văn hóa gối chăn những bộ đồ da dữ dằn bặm trợn, nhùng nhoặng xích nhợ, những món đồ chơi hăng mùi nhựa, tiếng rên rỉ hòa thanh cùng tiếng động cơ chạy pin kêu rè rè vô cảm, hay đơn giản hơn, thả rông cơn ngốn ngấu những hồng hộc chày dậm cối giã nông phu còn sặc sụa mùi tỏi cháy bia chua của những làng nướng vỉa hè.

Cuộc chinh phục, dù bạo ngược hoang tàn, mà không cần đến tinh hoa thao lược và nghệ thuật tâm lí chiến thì chỉ đáng hàng man mọi sặc mùi phun-rô, một màn cưỡng hiếp thuần túy.

Đáng thương thay, khi màn đêm buông xuống, ngay trong lòng đô thị văn minh còn sáng đèn, hay heo hút chi chít trong những lối hẻm đèn vàng gác trọ ngoằn nghèo bề mặt thành phố, nhan nhản trong từng căn hộ hiện đại, hay đìu hiu những khu khối dân cư văn hóa, vẫn âm thầm đều đặn diễn ra những cuộc cưỡng dâm hợp pháp.

32785550

Vâng, chính xác là những cuộc cưỡng bức thô bạo ngay trong vòng dung thứ của tấm bình phong chồng vợ, hay thuần túy ân nghĩa ái tình thiêng liêng. Những sờ chạm trở thành một thứ xâm phạm sỗ sàng. Họ hả hê trút lên thân thể bạn tình cuộc tổng tấn công cấu véo kéo giật toàn mặt trận, nhây nhám vần vò những gì là kín đáo và mong manh đằng sau lớp áo văn minh bị kéo tuột phũ phàng. Món gia vị quá tay vụt trở thành món chính, cuộc vân vũ mây mưa vằn tia hằn học của sự đói khát hung tàn – một dấu hiệu không nhầm lẫn của thứ đàn ông tính bị thui chột trong suốt những tiếng đồng hồ còn lại trong ngày.

Bạo tình nhục thể đôi khi cũng không ít khi chỉ là hệ quả của một trải nghiệm tình dục nghèo nàn, sự lạc lối trong văn hóa gối chăn, hoặc tệ hơn, lòng tham dục cục súc vô độ, các mối dây rung cảm trở nên vô cảm với lối ân ái thường tình, tìm cậy đến những gì dị biệt, khác lạ để khơi dậy cảm xúc đã thui chột bằng vô số xảo thuật và khí cụ phụ trợ trong một thứ cấu xé và hằn học, tuyệt vọng lay thức cơ thể đã trơ lì trước những âu yếm vuốt ve.

Bản chất của ân ái yêu đương bị chà đạp khi những tình nhân đến với nhau trong bộ giáp trụ của hiệp sĩ cổ đại hay những sợi xích của thời văn minh nô lệ, họ đến với nhau trong cuộc giao cấu cay nghiệt, trong nghèo nàn cùng cực của cảm xúc ái ân và chỉ số văn minh âm tính, mặc nhiên với bằng cấp văn hóa của người trong cuộc.

Gọi là giao cấu, bởi từ bản chất, đó không hề là những cuộc giao hoan.

Lock--legs--bondage--album1_large

BDSM: bản năng tiền sử, biến cố tâm thần, hay hố tự hoại của văn minh tình dục?

Xin không dám lạm bàn đến phạm trù tình dục thuần túy, khi những bạn tình như những đối tác của một cuộc chơi trường phái BDSM (bondagedisciplinedominance-submission, và sadism-masochism: các đôi thuật ngữ chỉ nhiều cặp trạng thái của trường phái bạo dâm và khổ dâm). Đó là khi hành vi tình dục được xem như một hệ quả tâm lí mang chức năng giải tỏa.

Từ trong tiềm thức hoang sơ của nhân loại, bản chất dã thú thôi thúc người ta nắm giữ và chiếm hữu bằng những cú ngoạm, cắn, và hàng triệu năm tiến hóa văn minh đủ để khống chế hành vi dừng lại ở những vết răng cắn yêu của cử chỉ âu yếm thuần túy.

Whip-it-by-Kelly-X-Kelly-Futerer

Từ trong bản chất ngữ nghĩa, bạo dâm và khổ dâm đã không mang trong nó chữ “tình”. Người ta giải tỏa các nhu cầu trong những vai diễn. Vị học giả giấu sau lớp áo tri thức nỗi đau của thời thanh niên làm mọt sách, sẽ hả hê quy phục dưới chân bạn tình, vòng đai ô nhục quanh cổ, thỏa mãn trong trạng thái một con thú-người bị thuần dưỡng. Nhưng cô nàng công chức với những năm dài trong bộ thời trang công sở và đạo đức Thanh giáo vong thân có thể giấu dưới lớp váy chính chuyên một chiếc roi da nữ quyền, hoặc che mặt đằng sau chiếc mặt nạ plastic đen khắc nghiệt, vô cảm, hả hê ban phát những cơn đau da thịt cho bạn tình. Vai trò hoán đổi, đôi khi kẻ thuộc phái mạnh mang trong mình khao khát bị khuất phục sai khiến, và ngược lại.

Đến đây, BDSM đi khỏi phạm trù tình ái mà trở thành hành vi tính dục của một sự giải thoát tâm lí.

Hoặc đơn giản hơn nữa, là một cuộc chạy đua hoang mang tìm kiếm một trào lưu làm tình mới của kẻ muốn ra chiều sành sỏi, hay bởi quá ngập ngụa dư thừa mà hóa thành mỏi mòn tuyệt vọng.

Chiếc rào cản của hàng triệu năm tiến hóa văn minh bị đạp đổ, nhân danh bản năng gốc, những đàn ông đàn bà chông chênh tìm về khoái cảm nô lệ hay trò nhục cảm của con thú mạnh, và hằn học trút tình vào nhau trong màn giả trang quái đản.

Ái tình và hôn nhân không tồn tại trong chủ nghĩa BDSM cực đoan. Không hơn không kém, con người tìm về những cuộc cưỡng dâm thời cổ đại, nơi quyền gieo-thụ giống thuộc về kẻ mạnh trong cuộc đấu tranh nghiệt ngã để sinh tồn. Trong khi hôn nhân và ái tình là một sự gắn kết bậc cao, nơi ngay cả nỗi đau và những dày vò giằng xé cũng là những biểu hiện của tình yêu vượt trên thú tính.

tumblr_mcyrelqjUP1ryfagpo1_500

Vùng thật thà của bản năng trần trụi

Bản năng sinh tồn của dục tính vĩnh viễn không mất đi. Đó chính là thứ tiềm thức khiến người ta run lên trong khoái lạc của những nụ hôn như ngấu nghiến, khoái cảm được cắn nhẹ lên ngón tay hay vành tai, hay những món tóc bị phũ phàng nắm giật trong khoảnh khắc xa rời lý trí nhất.

Từ những hành vi bản năng, chúng trở thành tín hiệu gợi tình của kẻ đang sẵn cơn mê không còn ngại ngần cảnh vẻ.

Một chút phiêu lưu thả mình tin cậy vào trò oái oăm của lớp băng đen che mắt, cho phép từng mô xúc giác bị đánh động đến căng thẳng trong đợi chờ và hưởng ứng, hay khi được đặt vào tình huống bị động hoàn toàn với đôi tay trói chặt, thân thể vào cuộc yêu đương thụ hưởng trong cao trào hỗn loạn của cơn thèm muốn được quy hàng.

BDSM_light_by_Vampirenish

Những rên rỉ đớn đau, những vật nài mời gọi được bung mở hân hoan không kềm hãm. Cuộc đợi chờ, trò ve vãn lắm biến cố níu dài phút giây chờ đợi để được òa vỡ làm đàn bà đàn ông.

Và như thế, mỗi đêm là một cuộc phiêu lưu kì thú, nơi người ta dẫn dắt nhau để lạc lối cùng nhau.

Chẳng phải những cuộc tình hằn dấu đau thương cũng chính là cuộc tình đậm đà ám ảnh dằng dai nhất?

slave-bondage--bdsm--slave--Love--quotes--discipline--nice--comments--JUST-PICTURES--sayings--KCLAYNE--Bow-down_large

Vậy nên khi mọi trạng thái ái tình được tả chân qua hành vi chăn gối, nó cũng hiển hiện mọi tần số nặng nhẹ của thú đau thương.

Nhưng không phải khi người ta bước khỏi cuộc tình để khoác vào những vai trò man rợ, hay khi những nâng niu chiều chuộng bị thế chỗ bởi sự hân hoan của nhục cảm được-bị chà đạp dày vò.

Điều khiến cuộc mây mưa kéo dài đến tận nụ hôn trước khi ngủ, đôi khi chỉ cần một bàn tay đặt khéo lên trán người tình, êm ái chắn che khỏi cú va đập vào vách tường trong những nhịp thúc dồn hối hả của cao trào yêu đương.

Bởi vẫy vùng trong vòng tay đâu chỉ là khối thịt da khác giới, mà chính là thân thể tình nhân, với từng li da thịt để yêu thương ngấu nghiến, nhưng không phải để làm đối tượng đả thương.

Hãy để những vai diễn và các khí cụ của thói bạo dâm khổ hạnh lại cho các nhà nghiên cứu tâm lí học và những chuyên viên xã hội.

Vì khi xác thân đã thỏa mãn cuộc vầy vò vân vũ, những người tình vẫn cần nằm ngủ an toàn và tin cậy bên nhau.

bdsm_by_Fort_o

tín đồ giữa hai hỏa tuyến

Hoa Nhài Đen

handiedan-pin-up-mixed-media-600x309

Với những giá trị cộng thêm hào phóng của thú “chơi hàng hiệu”, trò phong lưu của việc săn tìm trưng trổ các logo thời trang cao cấp trở thành một thú chơi thực thụ của các tân tín đồ “Việt mới”. cũng cầu kì điệu nghệ không kém thú điền viên chim hoa cá cảnh, hay các nhà sưu tầm nghiệp dư đắm đuối theo đuổi lộ trình cổ vật, nhưng muôn phần cay cú trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để sắm diễn vai trò tín đồ tuẫn giáo, diễn ra ngay nơi chưa hề là thánh địa thời trang.

Thụ hưởng mọi tư chất ưu việt của một sản phẩm dòng thời trang xa xỉ luôn là nguồn xoa dịu khoan khoái cho mọi tín đồ trên thế giới. Nhưng hơn hẳn thế, nếu bạn là một tín đồ sống tại một quốc gia xa xăm, tít trong ngóc ngách Á châu nơi ngay cả tốc độ ánh sáng của nền văn minh thời trang luôn rọi chiếu muộn đến vài mùa fashion week, thì việc sở hữu những món siêu phẩm non mùa lại càng là một khoái cảm vượt tầm thẩm mỹ thụ hưởng thuần túy.

Nó loảng xoảng to và rõ thân phận danh tánh vị chủ nhân, nó rổn rảng gợi ý đến những tag giá thượng lưu vô tưởng, và nó khệnh khạng ấn một con triện “chịu chơi” to bự lên trán bạn. Bạn được chào đón vồn vã hơn, bạn đầm mình vào những ánh mắt trầm trồ hay tị nạnh, nó cất nhắc bạn ra khỏi tầm văn hóa hay đẳng cấp xã hội vốn có và đặt thẳng bạn vào một cái chiếu sành điệu chung chung. 

…từ dân “chơi” hàng hiệu

ly-nha-ky11

Gọi là “tân tín đồ” bởi vì quả tình, cách đây chưa quá lâu, chúng ta còn nằm trong vùng thảm họa nơi người ta coi Nike là “thời trang hàng hiệu”, và cho đến tận bây giờ, những con đường đáng gọi là runway hè phố tại tâm bão Sài-gòn vẫn còn oằn mình dưới cuộc bạo hành hàng loạt của dép cối nhãn hiệu Doctor.

Sân chơi “nội gia” của thời trang Việt cho đến nay vẫn là những show diễn về cơ bản là vui chơi giải trí mang nặng tính phục trang hơn là thời trang, trong khi cả một khoanh lớn miếng bánh thị phần hoàn toàn thuộc quyền khuynh đảo của các thế lực tội đồ hàng fake Tàu, và một đỉnh cao thượng lưu nằm trong vòng cương tỏa của các tên tuổi hàng hiệu chánh hãng lẫy lừng trên thế giới.

Không chỉ nhìn vào sự phân chia thị phần của ảnh hưởng hàng hiệu toàn năng để phân định một vấn nạn nô dịch. Một dấu hiệu nhận biết khác nằm trong chính khía cạnh thụ hưởng của mỗi “tân tín đồ” khi chạm ngưỡng thời trang cao cấp. Nếu tại London, một tín đồ tầm thượng trung hồn nhiên bỏ đôi Jimmy Choo để thay nơi công sở vào chiếc túi Birkin dòng grande lux có giá tròm trèm 5000 USD dùng để đựng cả thế giới, thì tại Việt Nam, đây hoàn toàn đáng được coi là một món tung hàng hoành tráng trên thảm đỏ hẳn hòi.

“Dân chơi hàng hiệu” tại xứ sở nhập môn xa xỉ học cách vanh vách chỉ ra những dấu hiệu nhận biết giữa một món authentic (hàng chính hãng) và một món hàng trá hình dù tinh vi đến mấy.

Họ là những cuốn cẩm nang sống luôn được cập nhật để vạch mặt tội đồ hàng fake.

Nhưng họ bất lực trước khả năng chiêm ngưỡng thực sự trước những ưu chất mà nền công nghệ thời trang thế giới lao tâm khổ tứ để phụng sự các diva.

Các ngôi sao lao vào cuộc tố tội hàng fake của nhau, cật lực bảo chứng cho vật sở hữu của mình. Các cô nàng fashonista thiết lập thành cả một đội ngũ phân biệt đẳng cấp hàng hiệu tại mỗi night club cho đến khu văn phòng cao cấp, soi xoáy bất kể dấu hiệu giả trá nào trên đôi giày đối thủ, hay hể hả so sánh chiếc phiên bản H&M yếm thế bên cạnh một “con” Versace-đời-Donatella chánh hiệu lẫy lừng.

Trong cuộc cạnh tranh không khoan nhượng ấy, các tín đồ mỏng thẻ thành những kẻ chiêu hồi. Họ quay quắt tiết kiệm ngặt nghèo để an toàn sở hữu một chiếc túi chính hãng dòng bề thế, hay chiêu hồi vào vũng lầy tội lỗi, bỏ cuộc trước một phiên bản Trung Hoa hoàn hảo có giá chỉ ngót 1/100, với 99/100 còn lại tương đương giá trị lòng kiêu hãnh tín đồ để trở thành phản đồ.

Thế là theo một cách nào đó, tất cả đều trở thành dân “chơi thời trang hàng hiệu”: họ đã “chơi” các thương hiệu một vố nên thân trong chính sự sùng bái mù quáng của đám đông tân tín đồ lạc lối.

…đến thảm họa nữ trọc phú thời trang

92d49793-5a22-4a6a-ad27-f10d3a1922f5

Hẳn nhiên, với một thị trường mà cả khoanh bánh lớn bị nhấn chìm trong đại nạn fake, dường như các quyền lực chính hãng đã bị chơi khăm một vố nên thân bởi chính các phản đồ chiêu hồi. Nơi đây không phải vùng thánh địa thời trang, nhưng trên thực tế, mỗi boutique chính hãng cũng không hề là một thánh đường dã chiến của các nhà truyền giáo vong thân vì nghiệp đạo văn minh xa xỉ.

Thiết lập tên gọi và hình ảnh như những dấu hiệu quyền lực mới cho tầng xã hội thượng lưu, các tên tuổi làng chiếu trên của thế giới điềm nhiên phủ sóng các department store xa xỉ nhất, trên màn bạc cine, thảm đỏ, bao bọc quanh những yếu nhân làng giải trí, dấy lên cả những vụ chưng diện ồn ào và những tag giá xa xỉ được “phanh phui” trưng trổ. Tầng xã hội mới được hình thành đón lỏng thị phần tín đồ mỏng thẻ nhưng dạt dào tham vọng.

Chúng ta tôn sùng nhãn hiệu như những vị tông đồ mang mùi thiên đàng về hạ giới, phả sắc xa xỉ tầm cỡ toàn cầu lên toàn cảnh kinh tế đìu hiu của tỉnh lị nhiệt đới, và chúng ta thậm chí thỏa hiệp với những món thời trang giả hiệu bởi các logo như những lá bùa bảo hiểm cho mức độ cháy chợ của quyền lực song tự LV, nhị sắc hắc bạch Chanel, hay trưởng giả một cách phổ cập đến toàn dân của Gucci bản xứ.

Chúng ta hả hê khi tậu được cặp kính cũng đường hoàng gắn mác đặt tên, an toàn trong quyền năng hãnh tiến của logo nữ thần tóc rắn chạm hùng hồn hai bên thái dương, và tự an ủi rằng khi nước mạ xuống màu và lộ tẩy vẻ tiều tụy của món đồ chơi Trung quốc rẻ tiền bằng nhựa, ta đã có thể đường hoàng đầu tư không đáng kể cho một món thời trang mới, theo vòng xoáy trào lưu vốn quá nghiệt ngã để các tân tín đồ kịp đuổi theo bén gót.

Chiến dịch tôn vinh nền văn minh hàng hiệu được ta góp phần tụng ca với âm hưởng Trung Hoa. Trong sự tôn sùng bát nháo ấy, các quyền lực chính hãng điềm nhiên chấp nhận san sẻ mối lợi nhãn tiền với thị trường hàng fake, nhưng vẻ vang độc tôn vầng hào quang tán tụng bởi cả các tín đồ được sờ chạm đến quyền lực thời trang chỉ với những phiên bản LV giá tròm trèm 20USD.

Đây chưa phải là một cuộc cai trị hưng thịnh của thời trang cao cấp, nhưng hẳn nhiên, nó nghiễm nhiên biến vùng đất vô đạo trở thành một thuộc địa tiềm năng, nơi muôn tín đồ cùng tù mù ngưỡng vọng những tên gọi đã không còn là xa lạ, dẫu chưa một lần quẹt thẻ showroom chính hãng.

Một cách tài tình, ngay cả các kênh bán sỉ lẻ hàng fake, kinh doanh “hàng hiệu xách tay” cũng khoác vai nhà truyền giáo, ủy lạo cho thương hiệu tối cao xuống tận những tầng chi xài khiêm tốn nhất. Dù hoàn toàn nằm ngoài sự chào đón của các tập đoàn thời trang chính thống, sự “phân phối hình ảnh” cực kì thành công này cũng vô tình khiến vầng hào quang trào lưu nhãn hiệu lan tỏa rộng và mạnh hơn chính nguyên bản vốn nặng tính quân chủ kiêu kỳ.

Trong khi đó, ngập ngụa toàn thân trong hàng thời trang chính hãng, với nguy cơ sập bẫy fake ở bất cứ đâu, và bất cứ lúc nào cũng có thể sa ngã vào tội danh “thảm họa trọc phú hàng hiệu”, chính những tín đồ trung thành và chính chuyên nhất của hàng authentic cũng phải trà trộn đứng chung tầng nô dịch với phần còn lại của thị trường dân chủ.

Thời trang xa xỉ, ở một tần suất chênh lệch nào đó giữa tag giá phù hoa và mức sống của một quốc gia còn chưa phát triển quá cao khỏi tầm lúa nước, thì những tín đồ chánh hiệu và giả hiệu chỉ là một cộng đồng nô dịch u mê của đại cục thời trang chung trên thế giới.

Tôn ngưỡng nhưng không nô bộc

Các tín đồ tự trọng nhưng mỏng thẻ bị hoang mang hoàn toàn giữa hai hỏa tuyến ngặt nghèo. Sự cứu rỗi của các hãng buôn mang tính “thời trang chan hòa” như Zara hay H&M vẫn chưa đủ độ thân thiện về tài chính trong khi đại dịch hàng nhái lại nhanh tay hơn với tag giá hạ sát sàn và kiểu tiếp thị du kích đến tận từng timeline facebook cá nhân.

Vấn đề duy nhất còn lại để bám víu cho từng tín đồ ở vùng xa đất thánh chỉ còn lại độc tôn hững ý thức cơ bản nhất của lòng tự trọng cá nhân, văn minh tiêu thụ và văn hóa hưởng thụ.

Ngay cả ba nhóm từ nhì nhoằng trừu tượng ấy cũng quá khó nhớ so với một phép so sánh giản dị giữa hàng trăm Mỹ kim và vài trăm ngàn đồng Việt Nam.

Chỉ có kiến thức sơ đẳng của một fashionista sẽ cho phép bạn đầu tư vào những món trọng yếu cho bộ cánh, và khi đó, những đôi giày nên luôn được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu – điểm cứu cánh cho toàn bộ diện mạo. Những thiết kế không mùa, little black dress kinh điển, hay một chiếc trench coat bất hủ, và đặc biệt là một mùi hương nước hoa tinh vi đến từng note sẽ chỉ có thể là những tuyệt phẩm mang dấu ấn kiêu hãnh của những tượng đài như Louboutin, Chanel, Burberry, hay Bvlgari.

Một chi khoản rộng rãi hơn một chút có thể được tập trung vào những thiết kế hoàn hảo và thân thiện của các hãng bán lẻ uy tín như H&M, Bebe, Zara, v.v… Trong khi đó, các tên tuổi thiết kế trong nước cũng đang bảo đảm độ nhạy trào lưu khi thỏa mãn kịp thời cho tín đồ trung lưu những ảnh hưởng tân kỳ nhất qua bộ lọc thẩm mỹ riêng. Các nhãn hiệu DMC, Maschio (cho các fashionisto), Ngân’s Private Collection, Miki, Umbrella, Urbanista, Kelly Bui, v.v… hoàn toàn là những lựa chọn đáng kiêu hãnh cho một diện mạo fashionista phố lớn.

Phần còn lại của cuộc hoán chuyển theo vòng xoay trào lưu có thể được thỏa mãn từ những cuộc hành hương nho nhỏ đến các boutique bản xứ, thú mix-and-match chỉ dành cho fashionista thông minh, tận dụng lợi thế của xứ sở nơi một bộ cánh may đo luôn nằm trong tầm với, hoặc noi gương Stefano Pilati làm cuộc rong ruổi khám phá các khu flea market… đều sẽ cho bạn một ảnh hưởng đúng điệu của phong cách tinh thần từ các tuần lễ thời trang non mùa nhất, nhưng không với tag giá vô tưởng, hoặc hạ mình xuống tầng tội đồ hàng nhái.

Cuối cùng, sẽ không thể là tín đồ nếu bạn ngưỡng vọng sự sáng tạo của các nhà thời trang bằng cách ăn cắp và bán rẻ.

Nhưng sẽ chỉ là một cuộc nô bộc tuyệt vọng của những nạn nhân tội nghiệp nếu tất cả cùng tuyệt vọng rướn đến sự sở hữu tác phẩm hơn là thấu hiểu, ngưỡng mộ, và tác tạo nên một phong cách thời trang riêng.

Ở giữa hai lằn ranh ngặt nghèo ấy, là những tín đồ chính hiệu: sành điệu, tự trọng, và thông minh.

5AFK000Z

mật mã Christian Dior

 

Trác Thúy Miêu

Không dưới 300,000 bông hoa tươi tại buổi diễn haute couture trong mùa Thu Đông 2012 mới đây tại Paris, nhắc nhớ đến những đóa hoa lộn ngược đã từng đảo lộn cả cục diện thời trang thế giới vào mùa Xuân năm 1947, cũng tại buổi diễn nhà Dior.

Vượt qua cơn chao đảo sau sự ra đi ô nhục của Galliano, chưa bao giờ những sáng tạo của tổ nghiệp Christian Dior lại được nhắc tới nhiều đến thế. Nhưng không mấy ai biết, không chỉ khai sinh ra trường phái New Look, cải mệnh cho cả nền thời trang haute couture hãnh tiến của Pháp, bên dưới những chiếc chân váy xòe phù phiếm của thiết kế New Look, Christian Dior đã cài cắm cả một đại đồ công nghệ ready-to-wear cho thị trường thời trang dân chủ, tiên phong cho chiến lược license và chiêu bài phụ trang – mà ngày nay vẫn đóng vai trò vũ khí tối thượng trong bài toán tồn vong của mọi thế lực thời trang trên thế giới.

Raf Simons đã phục chế và cải biên mỗi 20 yard vải xa xỉ của New Look, nhưng liệu gã có là người thật sự nắm giữ chìa khóa mật mã Dior?

Tay quân nhân đa cảm

Ngược chiều lịch sử thời trang couture Pháp, người ta không thể không nhắc đến thanh danh một thời lừng lẫy Lucien Lelong – người hầu như không bao giờ trực tiếp thiết kế, mà chỉ khai triển các ý tưởng sáng tạo qua các thiết kế riêng của mình. Đó cũng là lí do vì sao ông còn được biết đến như một lò tôi luyện mát tay cho nhiều tên tuổi couturier Pháp về sau

Năm 1942, một lần nữa, Lelong lại minh chứng cho sự sáng suốt trong thuật dụng nhân khi tiếp nhận tay quân nhân phục viên trẻ tuổi Christian Dior vào vị trí thiết kế chính bên cạnh Pierre Balmain. Kinh nghiệm duy nhất của cậu Christian lúc này là những bức vẽ thời trang được bán trên vỉa hè với giá 10 xu, một gallery hội họa bị sập tiệm, và một quãng thời gian học việc tại tiệm Robert Piguet trước khi nhập ngũ.

Vào thời kỳ này, Paris đang trải qua kỳ nô dịch của các tông đồ, trong cuộc vị kỷ đặc trưng của tính phù phiếm thời trang, khi không chỉ Christian Dior, mà các tên tuổi sáng giá như Jean Patou, Jeanne Lanvin và Nina Ricci, cũng phải thân chinh nghênh đón sự ưu ái đến từ kẻ thắng trận – họ trở thành những nhà thiết kế và bạn thâm giao của các phu nhân của sĩ quan Quốc xã cao cấp đồn trú tại Paris. Trong khi đó, người em gái của Dior là Catherine lại gia nhập quân kháng chiến Pháp. Cô bị Gestapo bắt và đưa và trại tập trung Ravensbruck, nhưng may mắn thoát chết và được trả tự do vào 1945. Về sau, với lòng tự hổ thẹn của bản thân, và sự tự hào về người em gái, ông đã dành tặng dòng nước hoa đầu tiên Miss Dior để vinh danh Catherine.

Khía cạnh xúc cảm đầy cá nhân tính này của Dior cũng thể hiện thuộc tính mẫn cảm và lãng mạn của các couturier Pháp. Mỗi bộ sưu tập của ông luôn đi kèm với mẫu áo khoác được đặt tên theo thị trấn sinh trưởng của Dior – ‘Granville’, và ít nhất luôn có một người mẫu trình diễn với loại hoa mà ông yêu thích: lilly of the valley.

Corolle – vòng hoa lập quốc

Năm 1946, chững chạc bước khỏi chiếc nôi tiệm Lucien Lelong, Dior chính thức đặt viên gạch đầu tiên cho đế chế haute couture lẫy lừng mang tên mình, với thủ phủ đặt tại trái tim của Paris – nhà số 30 đại lộ Montaigne, cùng sự hậu thuẫn của tài phiệt Pháp Marcel Boussac. Họ đã cùng nhau thiết lập cả một tiểu vương quốc với 6 triệu franc và 80 nhân công tinh nhuệ được chắt lọc khắt khe nhất.

Tiệm Christian Dior tại nhà só 30 Avenue Montaigne là một đế chế hơn là một tiệm thời trang thượng lưu, bởi ngay từ cuộc trình diễn ra mắt đầu tiên, Dior đã đơn phương tung ra cả một cuộc cách mạng không tiền khoáng hậu, vĩnh viễn trở thành dấu ấn trứ danh của không chỉ đế chế Dior, mà còn là tiền đề cho bộ mặt lịch sử thời trang nhân loại về sau: huyền thoại New Look.

Thoạt tiên, bộ sưu tập độc lập đầu tay của Dior được đặt tên là Corolle (Vòng Hoa), chính Carmel Snow – tổng biên Harper’s Bazaar khi ấy, đã mệnh danh New Look cho bộ sưu tập, khi thốt lên “Đây quả là một cái nhìn mới (new look) của thời trang!” Còn với Dior, khi nhận xét về form dáng chủ đạo của cú tung đòn chào sân này, ông chỉ sung sướng thốt lên “Tôi đã thiết kế nên những nữ thần hoa!”. Nhưng đó không hề là những bộ giả trang biết người mặc thành những bông hoa lộn ngược, mà cho họ một vẻ yêu kiều phù phiếm nhưng tinh tế với vòng eo mong manh và vòng hông phồn thực.

Bộ sưu tập được tung ra ngày 12 tháng Hai, 1947, như đòn chiến lược phủ đầu của tân đế chế dưới hình hài bộ sưu tập Xuân hè 1947. Về sau, các mô tả còn nhắc lại hình ảnh 90 người mẫu được tuyển chọn cầu kì, khoan thai diễu hành tại đại bản doanh 30 đại lộ Montaigne với hai dòng thiết kế được đặt tên ngộ nghĩnh “Mèo và Chó” và “Huit”.

Nhắc về ảnh hưởng New Look trong tư duy thiết kế của mình, Dior giải trình trong hồi ký: “Tôi muốn những thiết kế của mình được xây dựng đúc khuôn trên chính sự tuyệt mỹ trong cấu trúc thân thể quý bà – những người điệu đàng trong cả lúc quét nhà”.

Ông tin rằng các nữ thân chủ đáng thương của mình đã quá ngột ngạt sau thời chiến tranh kiêng khem tằn tiện, và ngấy đến tận cổ những bộ váy tuềnh toàng kiệm vải như những bộ đồng phục khắc khổ. Cũng như những quý ngài quân nhân, những người đàn bà của họ cũng cần được xoa dịu, hồi sức, và đặt về đúng vị trí được cưng chiều của mình sau cơn bĩ cực của Âu châu trong chiến cuộc. Ông quyết định chào mời họ một hình thái mới của sự yêu kiều đỏm dáng đến cùng cực, được nhiệt tình lăng-xê bởi những minh tinh diễm kiều nhất.

Giới thượng lưu Âu châu thở phào hân hoan chào mừng sự trở lại của những bộ cánh xa xỉ hào huê, các nhà thiết kế cùng thời cũng không khỏi bị ảnh hưởng bởi sức thuyết phục hoàn chỉnh của New Look. Hiệu ứng cải mệnh được minh chứng hoàn hảo, Dior chính thức khoác bộ cánh mới cho toàn thảy giới thượng lưu châu Âu và Hoa Kỳ trong cơn sốt rần rật lan truyền từ mọi tủ quần áo của các nữ lưu hàng đầu xã hội.

Những bà hàng xén cục tính và các quý bà mau quên

Nhưng New Look đã không dễ dàng thuyết phục toàn xã hội Âu châu, khi này còn phân tầng giai cấp rõ rệt. Người ta gay gắt lên án thú chơi ngông của Dior khi thẳng tay cổ súy cho việc dùng 20 yard vải thượng hạng cho mỗi chiếc váy, khi mà các nữ thị dân trung lưu đáng kính vẫn còn o ép thói làm đỏm thuần chủng Paris của mình trong những chiếc váy cộc kiệm vải như một tàn dư khắc khổ của kinh tế thời hậu chiến. Trong hình hài một cuộc cách tân táo bạo, New Look lại dư dả yếu tố hoài cổ để thắng lớn khi nhắm vào ký ức vàng son của thời trang tiền chiến, thậm chí lui về các trào lưu hoàng kim đầu thế kỷ, với vòng eo siết chặt sắc màu trưởng giả, những chiếc bustier lồng gọng xương, táo tợn phô phang bờ ngực đẫy đà ngổ ngáo. Tất cả là một hình hài mới của những madame Bovary, các cô gái nhà Gibson của một thời văn chương lẳng lơ khuê các.

Trong một buổi chụp ảnh lăng-xê New Look, các người mẫu nhà Dior đã bị tấn công bởi đám đông các bà nội trợ phát cáu trước những chiếc váy trưởng giả ngoài tầm ngân quỹ đám đông. Các couturier phái thủ cựu khinh miệt những cặp găng tay, kiểu giày và nón lích kích lang cang của New Look, và coi Dior như một gã hàng xén kiếm lời từ những món quà vặt bán kèm hơn là tôn vinh giá trị tối cao và duy nhất của thiết kế couture.

Nhưng cuộc phản kích không kéo dài quá lâu, cùng dòng hồi hương ồ ạt của giới thượng lưu, New Look trở thành một liệu pháp xoa dịu tinh thần và khiến người ta mau chóng quên lãng dư chấn kinh hoàng của cuộc đại chiến. Paris vụt trở về hình hài huy hoàng, ít ra là về hình thức của một kinh đô hoa lệ, tâm điểm hành hương của những quý bà vẫn ôm lòng nuối tiếc những cửa tiệm thời trang cầu kỳ và phù phiếm trong cơn lốc New Look.

Sau khi minh tinh Rita Hayworth và Margot Fonteyn xỏ thân hoa vào những yard vải yêu kiều của New Look, thì Dior chính thức chinh phục cả các bậc nữ lưu quyền quý của hoàng gia Anh quốc. Ông được vời đến biệt điện để thực hiện catwalk show vương giả đặc biệt dành riêng cho hoàng tộc, khiến vua George V âu lo cấm tiệt hai vị công chúa trẻ là Elizabeth và Margeret mặc bất cứ mẫu New Look nào, để nêu gương giản dị cho con dân Anh-quốc, khi này vẫn lao đao thắt lưng buộc bụng trên đống hoang tàn hậu chiến, dù chính New Look cũng ủy lạo form dáng “thắt lưng buộc bụng”, thậm chí có phần cực đoan triệt để (!)

Mặc tình, các công nương hoàng gia lại tiếp tục gia nhập câu lạc bộ thượng khách nhà Dior, kéo theo toàn thể các nữ yếu nhân Anh quốc. Cùng lúc, với ảnh hưởng của cô đào vương giả Grace Kelly, New Look chính thức chinh phục cả hai phe tân cựu, và báo hiệu hoành hành Hollywood trước tiên, như để khai pháo cuộc tấn công bạo liệt nhất vào thị trường thời trang Tân Thế Giới.

New Look: Chiến lược thiên tài ẩn trong tầng váy couture

Dior chào mời cho Paris một khái niệm nữ tính mới, với những đường cong cơ thể được tạo khối mạnh mẽ với thân trên bó sát, gia cố khung gọng, các miếng đệm ở hông càng đường bệ tôn vinh thân dáng như những chiếc đồng hồ cát của các nàng vệ nữ Paris. Cũng như trong trường hợp của chiếc váy mini huyền thoại Chanel, form dáng của New Look được ghi nhận đã xuất hiện từ trước thế chiến, và nhanh chóng bị thui chột do đột biến kinh tế khi cuộc đại chiến nổ ra. Cũng vào thời điểm ra đời của New Look nhà Dior, Christóbal Balenciaga, Jacques Fath và Charles James cũng tung ra form váy tương tự cho dạ phục. Nhưng chỉ có Ngài Dior mới can đảm đẩy New Look vào cả dòng thời trang mặc cho ban ngày – nơi nội lực tồn tại của nó được phổ cập mạnh mẽ nhất.

Cũng từ bước bành trướng sang tủ quần áo mặc ban ngày của quý bà quý cô mà New Look vững vàng trên vị trí khống chế mọi kiểu dáng trào lưu của thời trang thế giới cho đến tận thập niên 1960 và vĩnh viễn ghi dấu ấn không chỉ như một trào lưu, mà trở thành một trường phái mang tên Dior. Chỉ tính trong năm 1949, chỉ riêng dòng hàng mang âm hưởng New Look đã mang lại cho nhà Dior một khoản lợi nhuận 12.7 triệu franc.

Mỗi nửa năm một lần, Dior tung ra một tuyên ngôn mới, diễn dịch bằng cấu trúc, form dáng, và trực tiếp quyết định tốc độ vòng xoay của trào lưu thời trang thế giới, cùng áp lực lên các kỹ nghệ tân kì của kỹ thuật may thêu thủ công của làng nghệ nhân couture Pháp, thành hình các bước ngoặt tiền đề cho sự phát triển của haute couture Paris ngày nay.

Những sáng tạo đều đặn ấy của “kỷ Dior” còn mang ý nghĩa thương mại khi thúc ép các tín đồ vào cơn sốt đổi thay diện mạo tủ trang phục với một mật độ đều đặn theo mùa, vĩnh viễn xóa bỏ thói quen của hững chiếc váy “gia truyền” hằn nếp xếp và thơm mùi long não được tận dụng qua hàng thập niên, thậm chí hàng đời nữ chủ.

Ông cũng là nhà thiết kế đầu tiên đặt trọng sự phối hợp của tổng thể diện mạo, với trang phục chỉ là một trong các yếu tố cấu thành. Các thiết kế dòng New Look cho mãi đến về sau, đều đòi hỏi một sự phối hợp hoàn chỉnh của giày, găng và mũ, để có thể thành hình một tác phong chuẩn mực và toàn mỹ. Cũng chính từ tư tưởng này, Dior cùng đồng sự là Jacques Rouet tiếp tục tung ra dòng phụ trang xa xỉ, lúc này bị lên án kịch liệt bởi French Chamber of Couture. Phái bảo thủ cho rằng việc giá trị của couture bị quyết định bởi những món “quà vặt” ấy là một điều xúc phạm ghê gớm, và là một chiêu thuật mang màu sắc con buôn. Chỉ vài thập niên sau đó, chính chiêu thuật con buôn cùng những dòng sản phẩm phụ trợ như nước hoa, mỹ phẩm, túi xách và mắt kính đã trở thành những vị cứu tinh thần kì và bền bỉ của ngành công nghệ thời trang toàn thế giới nói chung, và haute couture nói riêng.

Được biết đến như ông hoàng couture của nước Pháp, nhưng chính Chrisian Dior cũng được phái ready-to-wear âm thầm thờ phượng như một vị tổ nghiệp, khi đã là nhà thiết kế đầu tiên thiết lập trường phái ready-to-wear với các cửa tiệm sang trọng ở đại lộ số 5 và 57, New York, vào tháng Mười Một, 1948.

Cũng trong năm ấy, như một nhà chiến lược khôn ngoan và sự hậu thuẫn sáng suốt của Boussac, Dior tiếp tục khai trương dòng nước hoa Dior Parfums và quả bomb thương mại chào sân mang tên Miss Dior, như một sự tưởng nhớ ưu ái đến người em gái Christina, và một năm sau là nước hoa Diorama, khiến cái tên Dior chính thức trở thành đại diện cho một phong cách thời trang hoàn chỉnh cho quý bà, từ lụa là xống váy đến mùi hương.

Năm 1949, một lần nữa, giới kinh doanh thời trang ngả nón tôn vinh nhà Dior là bậc thầy chiêu thức khi tiên phong trong việc phát hành license phụ trang, như một chiến lược đi cùng tư duy thiết kế của New Look, đòi hỏi sự đồng nhất của các món phụ trang giày, găng, nón,… đi kèm, để thật sự có được một lệ bộ New Look hoàn chỉnh và sành điệu. Từ New Look, các phụ trang thật sự được coi là những thành tố cấu thành của một mẫu thiết kế, và sự am hiểu hoàn mỹ của tư cách một tín đồ thượng lưu chân chính. Cùng với cộng sự khi này là Jacques Rouet, Dior phát hành các license, củng cố đế chế bởi một lực lượng đồng minh khét tiếng của các dòng phụ trang, từ vớ dài, khăn lụa, đến mỹ phẩm. Quyền lực các hội sở lan rộng toàn cầu, Dior trở thành thế lực bất bại và thành chiến lược mẫu mực cho các nhãn hàng thời trang cao cấp về sau.

Ẩn chứa phía sau những tán hoa cầu kỳ của New Look là một công thức thẩm mỹ và văn hóa hoàn chỉnh của bộ óc thiên tài Dior. Nhưng vì tính xa xỉ trong những tầng vải hào phóng, cùng sự bất tiện của vẻ cầu kỳ trong cấu trúc đã khiến New Look lu mờ ngay sau cái chết của cha đẻ Dior. Ông đã không kịp viết nốt những chương khai triển cho mệnh đề tuyệt hảo của mình.

Xương cá, ván bài định mệnh, hay ái tình cho cái chết của Vua?

Dior tiếp tục khuynh đảo thị trường thế giới vào những năm 1950, nhưng chưa lần nào lặp lại sự hiển hách của cú chào sân lẫy lừng New Look. Vào lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, năm 1957, nhà Dior đã bán ra 100,000 bộ trang phục, còn bản thân nhà thiết kế thì nghiễm nhiên xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time tháng Ba cùng năm.

Cậu Yves Saint Laurent trẻ tuổi – khi này mới 19, được Dior nhận vào vị trí trợ lí thân cận của nhà thiết kế. Hai năm sau đó, Christian Dior gặp bà Lucienne Mathieu Saint Laurent – thân mẫu của Yves, và thổ lộ quyết định chọn con trai bà làm kẻ kế vị về sau. Khi này, Dior mới 52 tuổi và đang kỳ sung mãn. Vào ngày 23 tháng Mười năm 1957 đáng nhớ đó, sau đúng 1 thập niên lập quốc lẫy lừng, Christian Dior – bậc thầy couture và chiến lược ready-to-wear của thời trang thế giới vĩnh viễn trút hơi thở cuối cùng tại Montecatini, Ý.

Cho đến nay, những lời đồn đại xoay quanh cái chết của ông vẫn phủ điểm thêm cho hào quang tên tuổi thiên tài một tấm màn bí ẩn sành điệu. Trong số những lời xì xầm của nội giới có cả một cuộc ái ân quá bạo liệt dẫn đến suy tim, một tai nạn hóc xương cá, và một ván bài gay cấn khiến trái tim đang suy yếu của thiên tài của thời trang thế giới ngừng đập.

Một số tờ báo lúc bấy giờ cho rằng nguyên nhân cái chết là do suy tim khi bị hóc xương cá trong bữa ăn. Tờ Thời Báo, vừa đăng ảnh Dior lên trang bìa 7 tháng trước đó, thông cáo về nguyên nhân cái chết là do suy tim bởi hưng phấn trong một van bài gay cấn. Nhưng chỉ riêng nhà quý tộc và thâm giao tri kỷ của Dior là Alexis von Rosenberg, Baron de Rédé, trong cuốn hồi ký của mình, là nhắc đến một tin đồn hành lang khác của giới nhạy tin, cho rằng trái tim thiên tài đã ngưng đập sau một trân mây mưa lừng lẫy – như một cái chết huy hoàng và đáng mơ tưởng nhất xứng đáng với một vị vua.

Cho đến nay, người ta vẫn tranh cãi dữ dội về các nguyên nhân này. Sự thật hiển nhiên duy nhất về Dior đó là cục diện thời trang thế giới đã vĩnh viễn ghi dấu ấn chóng vánh nhưng sâu sắc của ông.

Đế chế bị thôn tính và những kẻ kế vị

Ngai vàng bỏ trống của Dior khiến vương triều của ông trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Dường như không một ai trước và sau Dior có thể xứng tầm để lấp vào hố đen không đáy mà thiên tài quá cố đã để lại sau lưng. Rouet bộc lộ ý định khai tử đế chế Dior, nhưng gặp phải sự phản đối dữ dội từ các đối tác nhượng quyền license của nhà Dior, và toàn thảy nội giới của thời trang Pháp. Quyền lực, vai trò và cuộc tồn vong đại mệnh của House of Dior khi này đã trở nên quá quan trọng cho cả nền kinh tế của nước Pháp lúc ấy. Rouet buộc lòng phải chỉ định kẻ kế vị, và cánh tay phải của Dior lúc sinh thời – vị á thần ẻo lả Yves Saint-Laurent lên ngôi nhiếp chính khi chỉ mới 21 tuổi. Cuộc đăng quang thuận tình tất thảy tín đồ thời trang Pháp và thế giới, những đoàn hoa tươi một lần nữa được tấp nập gửi đến nhà số 30 đại lộ Montaigne, nhưng lần này là để chúc tụng vị tân vương.

Sau 4 mùa phụng sự, Yves từ bỏ lốt á thần nhà Dior để khai lập đế chế riêng. Vị trí của ông được thay thế bởi Marc Bohan, với một cuộc cách mạng nho nhỏ mang tên Slim Look, nhưng chưa bao giờ trở thành cơn lốc huyền thoại như dấu ấn New Look của vị tiền nhiệm lẫy lừng. Nhưng Slim Look, cùng những sáng tạo làm nên lịch sử của Yves Saint Laurent về sau với váy Mondrian và tuxedo nữ, hay đại tiệc hoa tươi gần đây nhất của tay người Bỉ Raf Simons vẫn cho thấy kể từ khi con tim Dior ngừng đập, các triều đại kế vị vẫn là những hậu bối của một sức ảnh hưởng trường tồn của dấu ấn Pháp mang tên Christian Dior.

Cuộc khai tử đáng lẽ đã diễn ra sau cái chết của Dior cuối cùng lại xảy đến năm 1978, với tuyên bố phá sản của tập đoàn Boussac. Nhưng điều này đã không còn xâm hại được đến sự tồn vong của đế chế Dior, với uy quyền và vị thế đã được rỡ ràng khẳng định – nhà Dior chính thức thuộc về tập đoàn Willot. Năm 1994, Bernard Arnault không hổ danh trùm cá mập thời trang, đã khôn ngoan dang vòng tay hào phóng mua lại tập đoàn Willot, mà ở đây, món hàng sáng giá nhất chính là nhà Dior, như viên ngọc sáng giá nhất trên đỉnh chiếc vương miện thời trang Pháp hào hoa.

Phiên bản Ăng-lê ấm đầu và vòng hoa tang 300,000 đóa

Và đó là khi nhà Dior bắt đầu một triều đại vàng son và ồn ào với vị tân vương Ăng-lê do Arnault chỉ định – John Galliano.

Giới bảo thủ Pháp gầm lên phẫn nộ trước gã Ăng-lê nhỏ thó và xấc xược, Arnault được dịp minh chứng cho tư duy tân kỳ cởi mở của bản thân với lời tuyên bố “Bản thân tôi đã hi vọng tìm được một giám đốc sáng tạo người bản xứ, nhưng tài năng không có quốc tịch, và tôi tìm được John. Y có thể nói tiếng Anh, nhưng thiết kế nên thời trang Pháp. Ngôn ngữ sáng tạo của John chính là thứ mà Monsieur Dior từng dùng để viết nên bản tuyên ngôn thời trang của mình: một sự pha trộn giữa trường phái lãng mạn, thói đỏm dáng lẳng lơ nồng nặc đàn bà tính, sự lịch lãm cổ điển bất hủ, và tính thời thượng táo tợn nhưng vô cùng chặt chẽ.”

Quả nhiên, Galliano khai mở cho kì đại thịnh của đế chế Dior, gã không là Christian Dior khi khôn ngoan không chọn lặp lại hào quang của vị tông đồ người Pháp. Galliano bành trướng Paris với chiêu trò “porn chic” đầy nhục cảm, dẫn đầu một trận sốt sặc mùi tính dục ảnh hưởng lên cả thiết kế của các nhãn hàng khác. Nhưng bằng một cách nào đó, Galliano nhắc người ta nhớ trận “sốt” kinh hoàng của hiện tượng New Look. Thay vì cần mẫn cách tân các thiết kế của Christian Dior, người ta nhận ra sự tương đồng giữa 2 nhà thiết kế cách nhau vài thế hệ qua tư duy thẩm mỹ ẩn sau các chiến dịch quảng cáo ngông cuồng và bạo ngược chỉ thuộc về những thiên tài mang mệnh đế vương.

Không là kẻ trực tiếp chăm sóc dung nhan cho các phu nhân Quốc xã như nghiệp tổ Dior, nhưng hậu bối Galliano đã chạm đến ngưỡng cuối cùng của sự ngạo mạn khi dây vào vụ vạ miệng mạt sát người Do Thái. Như một cái cớ hoàn hảo, nhà Dior thải hồi vị tông đồ lẫy lừng nhất của huyền sử triều đại couture này.

Một lần nữa, mệnh tồn vong nhà Dior chao đảo với ngai vàng bỏ trống sau lưng tên ngạo vương lưu vong. Lặp lại phương kế của Rouet năm xưa, sau cái chết của Dior, Arnault buộc lòng chỉ định cánh tay phải của Galliano là Bill Gayten vào vai nhiếp chính, trong khi ngai sáng tạo chính thức được rao tìm người kế vị.

Đó lại đã là một giai đoạn chông chênh đáng nhớ của cục diện thời trang toàn thế giới.

Cho đến khi gã người Bỉ Raf Simons – vốn là một designer theo trường phái tối giản, bất ngờ đăng quang vào chiếc ghế tối cao của quyền lực haute couture toàn thế giới.

Điều đầu tiên gã đã có thể làm, là nhắc nhớ thế giới đến một Christian Dior phía sau những năm dài đầy hào quang điên rồ của gã hiệp sĩ râu kẽm Galliano. Khôn ngoan tránh né ảnh hưởng của Kỷ Hoàng Kim mang dấu ấn tay người Anh, Raf bỏ ra 4 tháng trong kho lưu trữ nhà Dior và 300,000 bông hoa tươi phủ ngập gian khánh tiết vào tuần lễ thời trang haute couture Pháp mới đây, như một sự nhắc nhớ đến quyền năng trường tồn bất bại của New Look, vừa như một tang lễ buồn thảm cho một huyền thoại bất khả tái hồi.

 

mẹ cả Cosmo

Túy Ca

Khi mà các cô các mợ diva thành thị tân thời ngày nay còn đang mải mê chạy theo thái độ sống lẫn tủ quần áo của Carrie Bradshaw trong Sex And The City, không mấy ai còn nhớ đến vụ chấn động New York hồi thập niên 1960 mang tên Sex and the Single Girl, cho đến gần đây, khi phiên bản gốc của Carrie Bradshaw thời ấy – bà đại tổng biên tờ Cosmopolita qua đời, ngày 13 tháng 08, chỉ 2 tuần sau khi bước khỏi chiếc ngai Mẹ Cả Cosmo.

Theo kinh Cựu ước Cosmo của các cô nàng phố lớn (bigtown-girls), tình dục là điều tuyệt vời nhất, bên cạnh ăn và thở. Helen yêu mến bà Hillary Rodham Clinton, trò buôn nhảm và những chuyện ly kì, bà là tín đồ của Donna Karan và Calvin Klein, yêu chồng, mê đàn ông cho vui, và nghiện sự nghiệp.

Nói một cách vắn tắt, bà đã là một Cosmo girl chánh hiệu.

Năm 1962, Helen Gurley chào đón tuổi 40 của mình với cuốn sách Sex and the Single Girl. Cuốn sách được xuất bản tại 28 quốc gia và giữ vững vị trí bestseller trong suốt năm đó. 3 năm sau, Helen Gurley đường hoàng đăng quang ghế tổng biên tờ Cosmopolitan đang hồi xuống dốc và cải mệnh cho tạp chí này ngay từ những ngày đầu nhậm chức. Trải qua suốt thập niên 1960 ấy, bà đã vào vai nữ tuyên giáo bạo miệng nhất cho ý niệm tự do tình dục trong đời sống nữ giới với những bài phỏng vấn, đặt các nữ nghệ sĩ tân thế hệ vào vai trò dẫn dắt, cùng những loạt bài tư vấn cho một phong cách sống đầy rủi ro nhưng gay cấn cho các nữ độc giả nhà Cosmo. Bà trang bị cho các nữ độc giả của mình ý thức về quyền năng nội lực mạnh mẽ của họ để sở hữu tất cả: ái tình, khoái lạc và tài chính – một cái nhìn mà ngay cả các nhà hoạt động nữ quyền mạnh mẽ nhất thời ấy là Betty Friedan và Germaine Greer, trong cuộc đấu tranh chung chung đại diện các bà nội trợ toàn tâm toàn ý tề gia, vẫn chưa dám công nhiên nhìn nhận. Với binh đoàn tinh nhuệ của mình, gồm những nữ nhân sành sỏi, có gout, diễm tình và táo tợn được lôi vào cuộc thánh chiến, Helen Gurley hình thành một chân dung đa sắc nóng hổi của thuộc tính “Cosmo girls”, về sau trở thành hình thái điển hình của sự văn minh và tiến bộ thật sự của nữ giới.

Nhưng những năm oanh liệt của vị công thần nhà Cosmo nhanh chóng bị lãng quên. Năm 1997, bà bị dời khỏi vị trí tổng biên Cosmo U.S. bởi sự xuất hiện của Bonnie Fuller. Vào thời điểm này, Cosmopolitan đứng hàng thứ 6 trong cuộc đua cháy sạp của các tạp chí Mỹ, và trong suốt 16 năm liên tiếp, giữ vị trí hàng đầu tại các hiệu sách của các trường đại học toàn nước Mỹ. Nhưng bà vẫn được trọng dụng tại hãng xuất bản Hearst và duy trì vai trò đại tổng biên cấp cao của toàn thảy 59 ấn bản Cosmo trên toàn thế giới cho đến ngày cuối đời – ngày 13 tháng Tám 2012 vừa qua.

Cẩm nang thụ hưởng của gái thành thị đơn thân

Nhìn lại những năm tháng với Cosmo Mỹ, bà đại tổng biên thở phào nhẹ nhõm và tự hào: “Đó là tờ tạp chí tuyệt vời. Nếu có một điều gì tôi muốn họ ghi nhận khi nhớ về tôi, đó sẽ là: bà ta đã tạo ra một thứ hữu ích. Các nữ độc giả của chúng tôi, họ luôn cần một cuốn cẩm nang để bước vào thế giới bản ngã của chính mình.”

Suy nghĩ đó đã được hình thành từ những ngày mới nhậm chức tổng lãnh tờ Cosmo Mỹ, bà đã thiết lập và cài cắm hệ thống ngôn ngữ riêng của một tộc người mới: các “Cosmo girl” – ngổ ngáo, gợi tình, thông minh lẫn ranh mãnh. Bà tự mô tả mình là một “mouseburger” (bánh mì kẹp chuột) – hàm ý môt phụ nữ không có lợi thế của nhan sắc thiên phú, nhưng có khả năng buộc bản thân phải học và làm việc cật lực để trở nên quyến rũ và thành công. Trên trang bìa Cosmo, Helen dàn trải những tấm dung nhan với những mái tóc kiểu sư tử cuồng nộ, những khe ngực sâu đắm đuối của nhiếp ảnh gia Francesco Scavullo, rồi thượng lên phía trên dòng tít “Không Gì Mau Mỏi Mòn Như Tình Dục – Sự Thật Về Nhu Cầu Tình Dục”. Hoàn toàn không hướng độc giả của mình vào một xu hướng lãnh cảm có kiểm soát, nhưng cho họ một quyền năng tự chiều chuộng và đặt bản thân lên chiếc ngai nữ hoàng tối thượng của riêng mình.

Hẳn nhiên, trong cái công thức tự chiều chuộng ấy, Helen hào phóng dành mấy trang ảnh thơm phức của thập niên 1970 cho quý ông, với bức ảnh kép Burt Reynold e ấp khỏa thân gây sóng gió rần rần suốt năm 1972 khói lửa.

Helen và lối ngôn luận ngả ngớn của Cosmo trở thành một cái gai cho không ít người, mà oái oăm phần nhiều là nữ giới, những cô gái trói cuộc đời nghiêm cẩn của mình trên những dãy bàn công sở. Cosmo đầy thái độ, nhưng thật thà đến sống sượng, đặc biệt là các chuyên đề “săn trai” đôi khi táo tợn đến mức nó khiến người ta nghĩ đến một cuốn cẩm nang dạy các cô gái quyến rũ sếp mình rồi nằng nặc đòi kết hôn.

Một phản ứng dữ dội khác đến từ nhà hoạt động xã hội Betty Friedan, với lời phán xét rằng các bài viết của Cosmo thuần túy là “sự vẽ vời viển vông về tình dục cấp độ tuổi teen”, nhưng về sau, chính bà đã thay đổi quan điểm và tôn vinh Helen rằng “bàn tay biên tập tài hoa đã trở thành nguồn cảm hứng mẫu mực cổ xúy cho tiến trình giải phóng phụ nữ.”

Song song với quyền năng của một nhà nữ cách mạng hợp thời, hẳn nhiên thái độ lộng ngôn của gái hư Cosmo đã mang lại hiệu quả kinh doanh ngoạn mục cho tờ báo. Chỉ trong vòng 4 số tạp chí, giá một tờ Cosmo trên sạp đã nâng từ 35 xu đến 50, và nhanh chóng đạt mức 60, song song với cuộc chạy đua quảng cáo của các nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm và sản phẩm tiêu dùng. Đỉnh cao phát hành vào năm 1983 là 3 triệu bản in, rồi duy trì ở 2.5 triệu với giá 2,95USD mỗi tờ vào thời điểm Helen rời vị trí tổng biên tập ấn bản Cosmopolitan Mỹ.

Cosmo Girl tự làm luật và những phần thưởng dọc nẻo đường “hành pháp”

Các độc giả của Cosmopolitan không nghĩ rằng Cosmo-girls là mấy ả lẳng lơ rẻ thối. Nàng là cô người mẫu nõn nường ngoài bìa, nàng hoạt kê và thay đổi đề tài câu chuyện liên tục, sành sỏi mọi tin đồn hành lang, mau quên, chóng chán, có khả năng bắt chước mọi minh tinh với mức giá shopper ranh mãnh, và biết cách tự pha chế hỗn hợp mặt nạ cho công thức spa tại gia. Mẹ cả Cosmo tin mãnh liệt rằng một Cosmo-girl đích thực sẽ luôn có cách để trở thành một ai đó.

Vì đối với bà, “một ai đó” đồng nghĩa với danh tiếng, tài sản, sự trọng vọng, những người đàn ông. Nó còn đồng nghĩa với văn phòng riêng trải thảm giả da beo mềm lút chân, hoa dán tường đồng màu với ghế dựa, gương trang điểm và lỉnh kỉnh chai lọ mỹ phẩm, cùng một chiếc gối dựa thêu dòng chữ “Gái ngoan lên thiên đàng, gái hư đi tứ xứ”.

Đó còn đồng nghĩa với thứ quyền lực thừa đủ để chủ tọa một cuộc họp nội bộ với các tổng biên các tờ sở hội mặc bất cứ cái gì Mẹ Cả muốn, nó còn là chiếc đồng hồ Cartier mua năm 1967 với giá 400USD, sợi lắc vàng trên cánh tay của tập đoàn Hearst tặng nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, và bốn sợi khác được giải thích là quà từ “mấy tràng bảnh trai, nhưng không phải nhân tình.”

Nó đồng nghĩa với đàn ông, tình dục không tình yêu, ái tình không hôn nhân, và hôn nhân không con cái. Helen dồn tụ mọi bản năng thiên chức và tờ báo của mình, chăm bẵm và điên cuồng bảo vệ, dồn cho nó mọi sự ưu tiên mà chính bản thân bà chưa bao giờ có được cho mình trước đây. Helen trở thành vị nữ thần hộ mạng của các Cosmo-girl, theo đúng kiểu một bà tiên đỡ đầu mà chính Helen thời xuân trẻ chưa bao giờ có.

“Tôi tin rằng hầu hết các cô tuổi đôi mươi cho rằng mình không đủ đẹp, đủ thông minh hay gợi tình. Họ không có thứ công việc đáng mơ ước, và một tỉ rắc rối nội gia. Nhưng họ cần nhìn thấy, đó là tất cả những nguyên liệu tự nhiên để có thể chuyển hóa thành những điều tuyệt diệu nhất. Và tôi thì kể họ nghe câu chuyện cuộc đời mình, cùng họ ham hố khai thác, vắt kiệt những chào mời của cuộc sống, và cầu khiến số phận chiều chuộng lại mình cho đến kỳ phỉ mãn.”

Bà “bánh mì kẹp chuột” đại diện cho những điều không nằm trong bất cứ tiểu thuyết nào: những cô gái không quá đẹp, không quá thông minh, nhưng làm việc ra trò nhất, dai sức và lì đòn nhất, để trở thành một tạo vật ưu tú, đồng tác giả với Thượng Đế để tự đạo diễn cuộc đời của chính mình – nơi họ thủ vai nữ chính hoàn hảo như mong muốn.

“Tất cả nằm ở khả năng tự tuân thủ cam kết. Tôi chỉ không bao giờ có thể hiểu những ai không làm được điều này. Mỗi người là một nhà làm luật, vậy hãy làm luật, và phần việc còn lại tùy thuộc vào sự tự trọng. Hãy chỉ làm những việc có lợi cho mình, và cho lí tưởng đã chọn lựa, và phần thưởng không cần đợi ở cuối con đường, bạn sẽ nhặt được những món quà kì diệu nhất dọc nẻo đường ‘hành pháp’ ấy của chính mình.”

Trước danh xưng là nhà hoạt động xã hội, Helen nhún vai xa lạ “Đối với các nhà hoạt động kiểu ấy, đàn ông là kẻ thù. Với tộc người Cosmo, ờ thì cũng có thù một số đàn ông đấy, nhưng ân ái với họ thì lại là điều cực hay ho, tuyệt diệu. Vậy thì nếu bạn là đàn bà dị tính, ắt nhiên, đối tượng tình dục của bạn phải là đàn ông. Vậy nếu tôi là một nhà hoạt động kiểu đó và bảo các cô gái Cosmo của mình rằng ‘Chúng ta sẽ không thèm làm tình nữa, bởi như vậy sẽ cần đàn ông, mà phụ nữ tiến bộ không cần đàn ông!’, trời ơi, tôi điên à?”

18 cuộc phiêu lưu của Helen Công Sở

Đường bệ trên chiếc ghế uy quyền và áp lực, Helen vẫn duy trì thân hình mỏng tang với chiều cao 5.4 feet và dao động cân nặng xê dịch trên dưới 100 pounds được duy trì hoàn hảo với chương trình tập luyện hợp lí và thực đơn ăn kiêng được tuân thủ với một sự cam kết sắt đá. “Chớ bao giờ mơ rằng bạn sẽ là một bà béo 60 tuổi gợi tình, và hi vọng những shot ảnh chụp tại một sự kiện từ thiện sẽ khiến bạn đẹp hơn là một ca sửa mũi hoặc căng da”, Helen thật thà thừa nhận mọi xảo thuật thẩm mỹ mà bà đã không hề dại dột chối từ để duy trì một hình mạo quý bà thanh tú từ trước ngưỡng oan nghiệt 60.

Helen Gurley đã không sinh ra như một nàng thiên nga nhan sắc. Sinh năm 1922 để lớn lên giữa lòng thời kỳ đại khủng hoảng, Helen Gurley đã biết tự xoay sở kiếm tiền tiêu vặt bằng chính những gì được trang bị từ nhỏ – cô đi dạy nhảy cho bọn trẻ con. Cha mất khi Helen lên 10, và thân mẫu, một bà giáo, quyết định chuyển đến Los Angeles, nơi mà nàng vịt con xấu xí Helen lấm tấm mụn đọc bài phát biểu đầu đời của mình ở tư cách học sinh tốt nghiệp xuất sắc của trường trung học John H. Francis Polytechnic năm 1939.

Với mảnh bằng tốt nghiệp, tương lai của vịt Helen xấu xí được hứa hẹn trước một đời nữ nhi công sở văn thư. Với kỹ năng đánh máy chữ và tốc ký được học ở trường kinh nghệ, trong chỉ 7 năm, Helen tham gia vào hội chứng chung của thanh nữ văn phòng, tức là nhảy cóc việc làm 18 lần, và một trong những trạm dừng bất kể ấy, khi dừng chân tại hãng đại diện quảng cáo Foote, Cone & Belding, khả năng viết lách của Helen mới được khám phá. Cô được giao thêm công việc của một copywriter. Sau một thời gian củng cố profile, Helen tiếp tục được Kenyon & Eckhardt rước về và trở thành copywriter sáng giá nhất ngành quảng cáo vùng bờ Đông Hoa Kỳ.

Nhưng chính những đồng nghiệp của Helen lúc này cũng không hay biết đây chính là quãng thời gian cô âm thầm tự trang bị những kinh nghiệm và mối quan hệ cần thiết cho một văn sĩ, một biên tập, và một người dẫn chương trình truyền hình về sau. Năm 1982, bà thật thà thú nhận với tờ New York: “Thế này nhé, tôi không nhớ nổi một nơi nào mình đã từng làm việc mà không có dan díu ái tình công sở với ít nhất một ai đó cùng chỗ làm”. Khi được hỏi điều đó có tính cả những vị sếp, bà trả lời: “Tại sao lại phân biệt đối xử với họ?”

“Không có sex, đời coi như bế mạc!”

Cùng với cuộc nhảy cóc sự nghiệp theo kiểu thời thượng của các city girl cả thèm chóng chán, giữa các phiêu lưu ái tình công sở, cuối cùng thì ở tuổi 37 – khi ấy được coi là muộn mằn, Helen bước vào cuộc phiêu lưu dài hơi hơn, được gọi là hôn nhân, với David Brown, vốn cũng từng nắm cương vị quản lý tại Cosmo, và về sau trở thành nhà sản xuất phim.

Chính ông là người khích lệ Helen viết sách, tạo điều kiện cho vợ tranh thủ viết lách vào những dịp cuối tuần, và giúp vợ đặt tên cho cuốn sách đầu tay “Sex an the Single Girl” – một đại cẩm nang lối sống gái độc thân phố lớn. Cuốn sách lập tức lọt bảng top sellers 1962, và cặp đôi bất bại chuyển tổ ấm lẫy lừng của họ đến New York. Các nhà làm phim mời chào Helen món 200,000 Mỹ kim hậu hĩ, nhưng không phải là cho cốt truyện mà cho cái tít quá chừng ngon tai, với Natalie Wood vào vai nhân vật mang tên Helen Gurley Brown nhưng hầu như chẳng thể hiện nét tính cách nào của phiên bản Helen gốc.

Ba năm sau đó, cuốn sách thứ hai được tung ra, với cái tên “Sex in the Office” (Tình Công Sở). Cũng trên đà thắng thế, cặp đôi đề xuất một ý tưởng tạp chí với hãng phát hành Hearst nhưng không thành. Bù lại, Helen gây ấn tượng mạnh mẽ và được Hearst mời về chăn dắt tờ Cosmopolitan khi này đang ngắc ngoải trên các sạp báo.

Sau khi về nhà Cosmo, khi này còn là ấn bản phổ cập thuần túy thời hậu chiến, với những mẹo chăm trẻ và công thức nấu ăn. Bà thẳng tay khai trừ hầu hết các chuyên mục và chỉ giữ lại phần cẩm nang ăn kiêng.

Không cần doanh số để chứng minh, ngay sau cuộc cải tổ này, người ta có “Chiếm lấy anh ta! Những chiêu thức quyến rũ thật sự hiệu quả” trên tờ YM, tờ Madamoiselle có “Hãy làm tình khi đèn sáng!”, Glamour thì giật tít “29 mẹo cho cuộc làm tình nhớ đời.”,  cùng “Khảo sát trải nghiệm tình dục” trên Marie Claire, trong khi Shape trịnh trọng đăng tít “Khoa học rù quến”.


Vị trí tổng biên của tờ Cosmo không dễ dọa Helen, bà tiếp tục dấn bước sâu hơn vào lãnh địa truyền thông, và làm host cho talk show “Outrageous Opinions” năm 1967, phủ sóng 19 thành phố với danh mục khách mời celeb sẵn sàng khai tất tật quan điểm cá nhân về tình dục lẫn những phạm trù mẫn cảm khác.

Nhưng đợt dội bom thị trường xuất bản chưa ngừng lại ở đó, với cùng lúc hai cương vị ở lãnh địa báo chí và truyền hình, bằng một cách nào đó, Helen tiếp tục tung ra 5 đầu sách: Having It All năm 1982 và 1993, vào tuổi 71, bà viết The Late Show, với tít phụ loằng ngoằng nhưng vẫn rất ngon tai: “Chiến Lược Tồn Tại Điên-Rồ-Một-Chút Nhưng Thiết Thực Cho Quý Bà Trên 50”.


Trong một cuộc phỏng vấn, bà thản nhiên đúc kết tinh thần tư tưởng của cuộc cách mạng riêng của mình bằng câu nói “Nếu bạn không làm tình, đời coi như bế mạc. Nó là thứ phân cách giữa các cô gái và các cụ cao niên”.

Trong suốt đời sống hôn nhân, cặp đôi bất bại nhà Brown vẫn chọn không có con. Helen không cam đánh đổi, và David ủng hộ bà.

Tạp chí, truyền hình, và “Having It All”

Nữ đại tổng biên Cosmopolitan Helen Gurley Brown, một trong những nhà hoạt động bình đẳng giới ồn ào và quyết liệt nhất, lại dường như tỏ ra tự mâu thuẫn trong lời tuyên bố “Nếu bạn không phải là đối tượng tình dục, bạn nguy to rồi!”, và gây ồn ào hơn nữa là câu nói trứ danh “gái ngoan lên thiên đàng, gái hư đi tứ xứ”.

Sự mâu thuẫn cực đoan trong hai vế ý thức hệ này cũng hiển hiện trong đời sống riêng tư của Helen, nơi mà từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế của thời ấu thơ, bà bước vào vị trí nữ quyền tân tiến, ủy lạo cho hình ảnh những cô gái vừa hoạt kê vừa gan góc nhan nhản trên toàn thế giới. Vậy mà trong suốt 32 năm tại vị nhà Cosmo, đương khi hô hào đàn bà con gái làm tình và thụ hưởng sự trâng tráo hợp thời trang ấy khi vén váy sải bước qua cửa miệng dư luận, bản thân Helen lại là một vị phu nhân rất mực thủy chung của duy nhất một người đàn ông, cùng lúc tự cho phép mình duy trì các thói xấu vô hại, trong đó có cả thói phù phiếm của thuật thẩm mỹ.

Trong khi Helen vẫn an toàn trong pháo đài hôn nhân lý tưởng của bản thân, thì ngoài kia, xã hội Mỹ sản sinh ra một thế hệ nữ công dân hoang đàng chi địa, mốt ái tình “chơi cho vui” lên ngôi, và tỉ lệ li hôn lẫn hội chứng trầm cảm, bệnh lây qua đường tình dục ở các ‘Cosmo girls’, và các ca nạo phá thai tăng điên đảo. Người ta quy buộc cho Helen dấu ấn tội đồ.

Nhưng cuối cùng, đã không ai nghĩ đến hàng loạt những tạp chí khiêu dâm dành cho quý ông như Penthouse và Hustler cũng đang tung bay như bướm trên mọi sạp báo Mỹ. Và, lời tự bào chữa của Helen lúc sinh thời: “Cuối cùng thì đàn bà đâu có làm tình một mình?”

Thẳng thừng qua tiêu chí của Cosmo, Helen công nhiên đề cao yếu tố tiền bạc, sự nghiệp và tình dục trong đời sống phụ nữ, dù không nhất thiết theo trình tự trên. Các “mục tiêu sống” này được hô hào ủy lạo trong suốt hàng thập niên các chuyên mục bài viết và cẩm nang hướng các Cosmo girl đến ngưỡng cảnh giới cao nhất của các kỹ năng sống rập khuôn: rù quến, làm đẹp, phô diễn năng lực, cạnh tranh, và giải trí nhẹ. Theo bà, “Cách mạng nữ quyền có chăng là một nhu cầu hướng đến sự sòng phẳng, hơn là khái niệm công bằng. Tôi là người làm truyền thông, và tôi chọn thực hiện cuộc cách mạng của mình một cách thực tế nhất, bởi thực tế nên là chất liệu duy nhất của tạp chí và truyền hình.”

Nhưng nếu thuần túy nhìn nhận Helen Gurley ở thông điệp của người đàn bà muốn có tất cả, và làm tất cả để có điều mình muốn, lại là một sai lầm lớn. Trong khi các nhà hoạt động khác khuyến dụ phụ nữ mạnh mẽ hơn trước các nhu cầu của thuộc tính đàn bà, thì Helen khuyến khích họ khai thác và thụ hưởng nó. Nếu việc bị coi là đối tượng tình dục là nỗi sỉ nhục với trào lưu bình quyền chung, thì Helen khuyên độc giả của mình kiêu hãnh và tận dụng thế mạnh đó. Những tiêu đề giật gân của Cosmo về “50 cách chiều chuộng đàn ông” là những thông điệp ngầm của Helen với một nửa còn lại của thực tế phòng the “…để có điều mình muốn”.

Nhưng phụ nữ thật sự muốn gì? Freud không trả lời được, và Helen lẫn các tín đồ Cosmo của mình cũng vậy. Như lão già gân Hefner và đế chế Playboy của lão, Helen tạo nên một đế chế đối lập, và còn là phiên bản giống cái của Thỏ Cột Nơ. Bà lột truồng cả Burt Reynolds lẫn Arnold Schwarzenegger lên trang bìa ruột cho chị em rửa mắt, xếp bên cạnh trang rao bán đồ trang sức rẻ tiền, vài chiêu giường chiếu kinh điển cùng các bài tư vấn về bệnh xã hội. Chủ nghĩa vật dục được hô hào to và rõ, và ngôn ngữ thân thiện xoa dịu cảm giác sống sượng của phiên bản Playboy có chữ.

Cosmo trở thành chân kinh của những phiên bản tiểu Helen – những cô gái với nhan sắc nhàn nhạt, trình độ tầm tầm để văn hóa đọc dừng lại ở một tạp chí lối sống với ngôn văn thân thiện và vài cuốn tiểu thuyết thời danh. Helen không khích lệ họ tự nâng cấp bản thân để gia nhập một thượng tầng xã hội hay tri thức. Bà xoa dịu họ, và cung cấp cho họ những cẩm nang khai thác thú vui thụ hưởng từ chính nhan sắc vừa chừng, mức thu nhập trung bình, và tất cả đàn ông trong mọi quán xá lẫn công sở Hoa Kỳ.

Helen mặc nhiên trở thành phần tử phiến loạn của chính cuộc cách mạng bình đẳng giới. Bà đã đạp lên lằn ranh tuyệt kỵ cuối cùng khi tự chọn cho mình việc không làm mẹ: “Tôi không muốn từ bỏ ngần ấy thời gian, yêu đương, và tiền bạc”.

Năm 1982, khi xuất bản cuốn Having It All, Helen đã viết cho chính những cô gái Cosmo của mình, những cô gái trẻ, độc thân, xứng đáng thụ hưởng mọi điều như bất kì người phụ nữ có chồng nào khác: tiền tài, sự nghiệp, và tình ái. Trong khi các tạp chí tiến bộ khác cân chỉnh cho người phụ nữ khả năng điều tiết giữa công việc xã hội và đại nghiệp tề gia, thì Helen cho rằng các cô nàng Cosmo cũng hoàn toàn xứng đáng tự dành cho mình những điều đó, có hay không có người đàn ông bên cạnh, như chính Helen đã từng làm, với những buổi dạy nhảy của mình trong tuổi thơ bĩ cực mà không có người cha bên cạnh. Hãy yêu đương, phiêu lưu, và cho phép người đàn bà được vuốt ve âu yếm, và khi người bạch mã hoàng tử xuất hiện, nàng sẽ đủ am hiểu để biết cách nhận ra nhà vô địch cuối cùng của cuộc đời mình.

Và như thế, Helen đã dành nửa thế kỷ lửa hương cho nhà vô địch mà bà mất 37 năm cuộc đời để tìm thấy, cho đến khi ông qua đời vào năm 2010.

Tình dục ngoài 50 dưới cơn mưa đá

Helen bảo thủ trong chính cuộc cách mạng của mình. Dẫu về sau, một chút cải tiến cho font chữ các hàng tít sinh động hơn, dàn trang hình ảnh phóng khoáng hơn, nhưng trong suốt hàng thập niên tại vị, bà kiên định với đường lối đã được lựa chọn và minh chứng. Đã từng có những tin đồn về một cuộc cải cách, thậm chí số hóa một số chuyên mục cho phiên bản điện tử, nhưng rồi Helen trấn an tất cả: “Đây là lần đầu chúng tôi thử làm một điều gì khác lạ và táo bạo. Tôi đã cố thỏa hiệp, cũng thử tự cải thiện cho tươi mới hay táo bạo gì đó. Kết quả là tôi thề sẽ không bao giờ thử trò này nữa.”

Bị “nhắc khéo” về sự bảo thủ của tuổi già, Helen nhún vai lờ phắt: “Tôi chẳng thấy mình giống một trưởng lão đáng kính và vô dụng chút nào cả. Tôi là vụ ngoại lệ. Tôi thường nổi khùng với một số người lớn tuổi, đặc biệt những người có cân nặng trên 195 pounds. Họ làm tôi phát cáu và phát ghê!”

Mặc dù với thân hình mỏng tang lá lúa, khi bị Page Six của New York Post liệt vào danh sách thảm họa ngoại hình, Helen sốc chao đảo: “Cả đời tôi đã phải thật sự lao động để cải thiện hình thức mình, làm tất cả những gì có thể. Cuối cùng là bị lên án bởi gầy quá, và như thể tôi ủy lạo cho việc phân biệt đối xử với mấy người bị béo phì vậy. Tôi không làm điều đó bằng việc tự gầy đi, chính họ tự  khinh bỉ thân thể họ bằng cách để mặc cho nó trương lên”.

Ngay cả cuốn sách cuối cùng của bà, cuốn cẩm nang tồn tại cho phụ nữ trên 50 tuổi, tuy không vào hạng bestseller nhưng cũng kịp làm không ít người khó chịu. Trong cuốn này, bà viết rằng phụ nữ không thể có chất lượng cuộc sống cao nếu không làm việc. “Còn chương viết về tình dục ngoài 50 tuổi nữa chứ, chương ưa thích của tôi, vậy mà là chương bị ném đá dữ nhất. Tóm cho gọn, chỉ là suy nghĩ: nếu bạn ngưng làm tình, bạn không còn là đàn bà. Thế là tất cả đồng loạt ném đá vào tôi.”

Ngay cả một số bạn bè của Helen cũng tỏ ra bị xúc phạm và thấy nhột nhạt khi cuốn “cẩm nang bà già ham vui” này cho rằng họ có thể ngủ với bạn của chồng cũng được, chỉ là sex thôi mà. Đâu có đi nghe hòa nhạc, thắp đèn cầy ăn tối, chỉ là sex thôi mà.

“Tôi đặt trọng vai trò của tình dục. Thủ dâm cũng được, nhưng làm tình với con người thật thì vẫn tốt hơn”. Ngay cả với bạn của chồng? Bà ngập ngừng một thoáng rồi cả quyết: “Tôi cho rằng không nên phân biệt đối xử thái quá với bất kì đối tượng nào.”

Tự nhận mình đã nếm khá đủ mùi cuộc chơi trước khi lấy chồng, Helen dành lời nhắn nhủ cho các Cosmo độc thân: “nếu bạn không thể tìm thấy cái gã cưỡi ngựa trắng trên trán có đánh dấu dành sẵn cho bạn, thì đừng có lấy chồng, trừ khi bạn học được cách hài lòng với tình yêu của một anh chàng kha khá, rồi tự tay dạy chàng cưỡi ngựa trắng, uốn nắn hành xử cho chàng cho đến khi bạn có thể hầu như tự hài lòng.”

Chính bà là người ủng hộ việc tung chi chít lên trang bìa những rãnh ngực sâu hoắm năm 1965, một cuộc cách mạng hẳn hoi vào thời kì ấy. Nguyên tắc cơ bản về nội dung thì không khác mấy so với mấy cuốn sách dạy nữ công gia chánh, với phương châm: cứ tuân thủ theo công thức và hướng dẫn, rồi bạn cũng sẽ trông như thế này!

Và chỉ với sự thân thiện hào phóng như thế, các Cosmo girls thật sự đã đi tứ xứ, như Coca Cola có thêm bộ ngực nóng bỏng vậy! Sự khác biệt giữa Helen và một nhà hoạt động bình đẳng giới chính chuyên, đó là nhà hoạt động tin rằng phụ nữ bình đẳng với nam giới, còn Helen tin rằng gái độc thân bình đẳng với gái có chồng.

Vĩnh biệt Mẹ Cả

Hai tuần trước khi Helen qua đời, các nguồn tin kên kên bên ngoài cổng tập đoàn truyền thông Hearst bắt đầu hỉ hả rúng động với tin bà sẽ rời vị trí đại tổng biên sau những thập niên lẫy lừng tại vị. Người ta lại nhớ đến một cuộc sa thải dịu dàng với danh dự tổng biên Cosmo Mỹ để dẹp chỗ cho kẻ kế vị Bonnie Fuller 39 tuổi. Helen lịch thiệp cho rằng đây là lẽ tất nhiên “Sẽ chẳng hay ho gì khi để một lão yêu tinh già như tôi ngồi biên tập những trang báo cho mấy nàng gái phố lớn 23 tuổi. Họ đã làm điều đúng đắn, và thực thi nó một cách nhã nhặn.”

Những ai biết rõ hơn về Helen sẽ hiểu rằng đây không phải là một cuộc từ nhiệm êm ái. Cosmo-girl lâu năm ấy chưa bao giờ tự chuẩn bị cho mình để trở thành một cụ bà cao niên lẩn khuất thư nhàn và bị lãng quên, bà chưa bao giờ sẵn sàng để ngừng làm việc, cũng như việc Helen ở tuổi 90 vẫn đều đặn tập thể hình, và cầu viện đến thủ pháp căng da mặt – bà thậm chí chưa sẵn sàng để ngừng yêu đương. Các độc giả của số Cosmo đầu tiên giới thời Helen, giờ cũng đã chí ít tầm 50 tuổi, và khẩu khí của Helen, từ số tạp chí năm 1965 đến nay, vẫn không hề thay đổi.

Năm 1988, Helen bị công kích dữ dội khi cho phép đăng bài viết về AIDS, trong đó viết rằng quan hệ tình dục dị tính không mang lại nguy cơ lây nhiễm cho phụ nữ, ngoại trừ một số tư thế nhất định. Helen bị lên án đã hồ đồ, thiếu kiến thức và vô trách nhiệm. Kể từ đó, tờ Cosmo hầu như không còn đề cập đến đề tài căn bệnh thế kỷ, nhưng bản thân Helen lì lợm thì vẫn không có vẻ gì là thay đổi quan điểm cá nhân.

Đã có cả một cuộc cân nhắc chuyên nghiệp nhất để tính toán cho sự thay đổi của tờ báo sau những thập niên dưới tôn chỉ tuyên giáo của Mẹ Cả Cosmo, và tập đoàn Hearst đã có điều họ cần – một thực tế duy nhất để thải hồi vị nữ thần vệ quốc sớm 18 tháng trước hạn định của hợp đồng trách nhiệm. Mẹ Cả kiêu hãnh trả lời “Tất cả vụ om sòm này đến tai tôi sau cùng, và tôi là người hết hồn khi biết tin. Đơn giản là tôi chả đang rời đi đâu cả.”

Hai tuần sau khi tin đồn phát tán, tin tức nóng hổi được xác thực duy nhất từ nhà Cosmo là cái chết của Helen.

Frank A. Bennack Jr., CEO của tập đoàn Hearst bùi ngùi vĩnh biệt vị nữ đại công thần quá cố: “Helen Gurley Brown đã là một biểu tượng. Nguyên tắc trung thực và thẳng thắn mà bà vẫn luôn cổ xúy độc giả cùng áp dụng vào cuộc sống, các mối quan hệ, sự nghiệp, và cả vẻ đẹp đã cải mệnh cả nền công nghệ báo chí. Bà đã sống dày và giàu từng ngày trong cuộc đời ấy, và bà sẽ vĩnh viễn được tưởng nhớ như một Cosmo Girl đúng nghĩa. Chúng tôi sẽ rất nhớ bà!

Vâng, và chúng tôi sẽ rất nhớ bà, Helen!

bạch mao nương

Túy Ca

Là tàn dư sống sót từ “kỷ haute couture” hoàng huê kiều mị, Nàng sở hữu một nhan sắc của loài hồ ly thành tinh mà hóa thánh – vừa gợi tình, u mặc, vừa ngạo mạn tôn nghiêm. Nàng là nhân chứng hoàn hảo cho tinh túy nhan sắc Đàn Bà.

Như chính dòng nước hoa trứ danh Nàng từng đại diện, Carmen Dell’Orefice đã có những note hương đầu tươi tắn của tuổi 15 hoàng hoa hiển hiện sắc hương dậy thì trang bìa nhà Vogue, một tầng hương giữa vừa nồng nàn mùi hormon đàn bà, vừa u thảm những chuyến đò bến đục, của xa hoa, khánh tận, và đam mê. Nhưng nhan sắc madame Carmen mới thật sự lộng lẫy ở những note cuối cùng, quý phái dư sắc trầm hương của giai nhân 80 tuổi – người mẫu cao niên nhất của lịch sử catwalk thời trang.

Cuối thập niên 1950, cả thế giới mắc chứng ngứa ngáy hàng loạt bởi câu nói của đào Monroe rằng nàng chỉ ‘khoác’ vài giọt Chanel No.5 lên người khi đi ngủ. Người ta coi người đẹp tóc vàng này là một đại sứ vinh hiển cho danh tiếng nước hoa No.5 nhà Chanel. Trong khi đó, ngược chiều đám đông, bà Coco lại chọn một người đàn bà khác cho những shot ảnh quảng cáo lọ nước hoa bất hủ kia: Nàng có một khuôn mặt thanh tú, đôi gò má bén ngót, chiếc cổ của loài linh dương, nụ cười mệnh phụ quý phái và đôi mắt yêu tinh. Shot ảnh, cũng như dòng nước hoa và chính người đàn bà trong ảnh, trở thành những chuẩn mực trường tồn.

Nửa thế kỷ sau, No.5 vẫn ngự ngai chí tôn của dòng mùi hương xa xỉ, và mệnh phụ tóc trắng Carmen Dell’Orefice lại vừa sải bước hồng hạc trên catwalk mùa SS2012 vừa qua, sau khi mừng sinh nhật tròn 80 tuổi và học hàm tiến sĩ danh dự của trường Đại học Nghệ thuật London.

Như những note cuối của dòng hương tuyệt tác, nhan sắc của người đàn bà khi lắng xuống như note trầm đằm thắm trong sự quý phái đến mức tôn nghiêm, đó là khi dung nhan trở thành khí chất, và hóa thánh cho người đàn bà sặc sụa vẻ quý phái được giới hậu đài mọi sàn diễn couture kính cẩn gọi bằng hỗn danh The Countess (Bà Bá Tước).

Nàng ballerina của Dalí

Là kết quả cuộc dan díu tồi tệ đủ để nảy mầm một nhan sắc mặn mòi nhất nhì trong lịch sử loài người, sự kết hợp hoàn hảo giữa cái ngạo mạn hoang dã của tay nghệ sĩ violin Ý, với vẻ thanh tú uy nghiêm của một vũ nữ ballet Hungary, Carmen đã trải qua tuổi thơ vạ vật ở viện tế bần, trải qua cơn bệnh thập tử nhất sinh ở tuổi 12, được phát hiện trên một tuyến xe bus ở tuổi 13 và xuất hiện trên bìa Vogue chỉ 2 năm sau đó; 3 đức ông chồng, 3 bận phá thai và 2 lần phá sản, nàng vẫn lộng lẫy xuất hiện tại mọi tuần lễ thời trang từ Paris đến New York, nàng đốt nóng sàn diễn của những thiên tài đương đại từ Thierry Mugler, Jean Paul Gaultier đến John Galliano bằng ngọn lửa bạch kim trên mái tóc bồng, khuôn mặt của yêu nữ thành tinh với cặp lưỡng quyền có thể dùng để cắt bánh mì.

Cách đây 67 năm, sau shot ảnh đầu đời do Herman Landschoff chụp thử, mẹ nàng nhận được lá thư từ chối khéo léo rằng “cô Carmen Dell’Orefice tuy rất khả ái, nhưng đáng tiếc, không mấy ăn ảnh”. Carmen lại tiếp tục cam chịu sự chê bai chì chiết từ bà mẹ nghèo nhưng cầu toàn đến khắc nghiệt. Cho đến nay, đã là cụ bà cao niên hiếm có, Carmen vẫn rùng mình khi nhớ lại “Tôi bị phũ phàng tước sạch mọi sự tự tin, đến đôi tai của mình cũng khiến tôi ngượng ngùng vì xấu hổ”. Chỉ có người cha đỡ đầu của cô đã không tin vào điều đó. Ông âm thầm gửi bức ảnh đến tòa soạn nhà Vogue. Một năm sau đó, hình ảnh của Carmen đã xuất hiện lẫy lừng trên trang bìa tạp chí này.

Ngày ấy, nàng chỉ là cô gái nhỏ còi xương đang chơi trò tình yêu với cậu con trai nhà bán tạp hóa trong xóm, và thoắt trở thành nhan sắc trang bìa của một trong những tờ tạp chí thời trang hùng mạnh nhất toàn cầu, nhưng vẫn trượt patin đến studio để tiết kiệm tiền đi xe bus.

Chính trong thế giới thời trang, Carmen tìm được cho mình người mà nàng coi như người mẹ thứ hai – người mẫu thượng hạng Dorian Leigh. Nàng hay gọi bà là “má”, còn Dorian trở thành thân chủ của những chiếc váy do nàng và mẹ nàng may.

Dorian Leigh

Má Dorian cho nàng một ít tiền để đi taxi đến nơi làm việc, còn nàng dùng tiền đó để mua thức ăn mang về nhà. Năm 1947, với sự can thiệp của “má Dorian”, khoản thu nhập còm cõi của cô gái trẻ được nâng lên mức 10 dollar mỗi giờ và thậm chí đến 25 dollar với các shot hình quảng cáo.

Ở tuổi 16, Carmen trở thành một trong những người mẫu trang bìa trẻ tuổi nhất của Vogue, là cục cưng của các nhiếp ảnh gia khét tiếng nhất cùng thời. Shot ảnh bìa cho Harper’s Bazaar năm 1960 do Melvin Sokolsky chụp mang tên Carmen Las Meninas đã trở thành bức ảnh huyền thoại được phổ biến và săn lùng khắp thế giới.

Với một sự xanh xao, dáng điệu kiêu kỳ, và khả năng tạo dáng siêu phàm với đôi cánh tay như cặp chân loài hồng hạc, Carmen chính thức trở thành nàng thơ của danh họa thiên tài Salvador Dalí.

Quyền lực của hormon đàn bà và gã bần tiện tốt số

Đến thời điểm này, trái với sự chờ đợi của hãng đại diện người mẫu và tờ Vogue, nàng thiên nga con vẫn chưa chịu thật sự bung nở vào vẻ đẹp thiếu nữ đến thì. Thất vọng với cô nhỏ còi cọc, hãng Eileen Ford từ chối tiếp tục đại diện cho Carmen, trong khi nhà Vogue cũng tỏ ra thờ ơ nhạt nhẽo, còn các photographer cũng đã chán ngấy việc phải chờ stylist nhồi khăn giấy vào áo ngực của cô thiên nga chậm lớn.

Đó là khi Carmen phải cầu cứu đến y học và những mũi tiêm để kích hoạt các dấu hiệu dậy thì. Như một lối thoát sự nghiệp hơn là một đòn trả đũa, Carmen bắt đầu nhận lời chụp catalog và nội y, với đôi bàn tay dài muốt che khuất gương mặt và mức lương vọt lên đến 300 dollar mỗi giờ.

Với lượng hormon đàn bà được kích phát bởi sự can thiệp của y học, Carmen một lần nữa ngự thế thượng phong làng mẫu với những đường cong ngốt người và sự già dặn bắt đầu nhuốm màu trên khuôn diện tiểu nữ thần.

“Khi này tôi mới 17 nhưng trông như một bà 35”. Cả một dạ tiệc đã được tổ chức long trọng để giới thiệu tiểu thần nữ vừa chín tới với các quý ngài trẻ của New York. Nàng nhanh chóng thu hút được sự ngưỡng mộ của các công tử hoang đàng phố lớn, từ tay chơi De Cicco, Igor Cassini cho đến Joseph P.Kennedy.

Nhưng tầm ngắm của giai nhân lại dừng lại ở ngài William Miles chững chạc, hơn nàng những 10 tuổi và là một doanh nhân. Nàng thuận ý kết hôn, và nhận ra mình chỉ đơn giản đã gia nhập một hãng đại diện tồi tàn và keo bẩn nhất trong lịch sử. Đức lang quân cương quyết bắt nàng phá thai, thâu tóm mọi món thu nhập của nàng, hàng tuần đích thân đến hãng nhận tiền lương của vợ và chi cho carmen 50 dollar mỗi tuần dằn túi. Nàng ly dị chồng ngay sau khi bé gái Laura ra đời, như nghiệp mệnh để lại từ mẹ nàng. Tóc nàng bắt đầu trổ bạc từ đấy. Đến tuổi 43, Carmen quyết định chấm dứt việc nhuộm tóc khi toàn bộ đã chuyển sang màu trắng bạc, cho nàng một vẻ uy nghiêm nửa như một nữ thần, nửa xa lạ như một loài linh thú diễm kiều, chính thức vĩnh biệt hình ảnh đằm thắm của nàng ballerina tóc mun.

Nhiếp ảnh gia cơ hội, một gã nghiện, và một xác chết

Không phải mất quá lâu để nàng lại khép cánh tình hồng hạc vào vòng tay nhiếp ảnh gia Richard Heimann sau chỉ 6 tháng quen biết. Thiếu phụ ngờ nghệch say sưa với cuộc hôn nhân mới và rắp tâm nghỉ hưu non để chuyên chú nghiệp tòng phu, và gã nhiếp ảnh gia cơ hội bỏ rơi nàng ngay tức khắc.

Chuyến sang sông lần thứ ba của nàng cũng diễn ra không lâu sau đó, với kiến trúc sư Richard Kaplan. Lời thề “cho đến khi nhắm mắt” trên thực tế kéo dài chưa đến 10 năm. Chàng hóa ra là một con nghiện hạng nặng, và họ chia tay khi Carmen khám phá ra việc đức phu quân lôi kéo cả cô con gái riêng của nàng là Laura vào vũng lầy ma túy. Về sau, Laura trở thành chuyên gia tư vấn cai nghiện có tiếng tại California.

Sau cuộc ly dị cuối cùng, giai nhân tuyệt vọng thất thểu trở về sàn diễn, và từ đó đến nay, dù vẫn dập dìu lên xuống vài chuyến đò tình tròng trành và chóng vánh, Carmen không còn rời bỏ sự nghiệp lần nào nữa – nàng dành sự chung thủy duy nhất cho điều sẽ không rời bỏ nàng. Và quả tình, sàn catwalk chưa thủy chung bền bỉ với bất cứ người mẫu nào như với Carmen.

Điều kì lạ là Bạch Mao Nương vị tình vẫn tiếp tục giúp đỡ các ông chồng của nàng ngay cả sau này. Nàng khuyên Ông Ba trở thành tay máy điện ảnh, chi trả mọi khoản để ông này trở thành đạo diễn, và cuối cùng thì phim Godspell cũng ra đời. Carmen xoa tay tâm đắc “Ít ra, có một số khoản đầu tư của tôi cũng có ích đấy chứ!”

Mãi đến cuối thập niên 1980, nàng rón rén thử thời vận một lần nữa với David Susskind – một host truyền hình lịch lãm. Nhưng quý ngài talkshow lăn ra chết trước ngày cưới, tưởng như chấm dứt mọi cố gắng cuối cùng của madame đa tình Carmen.

Nhan sắc lưu vong trong vòng tay tài phiệt

Cuộc đời người đàn bà có nhan sắc của mụ phù thủy hoạt hình ấy hẳn không hề là một chuyện thần thoại màu hồng. Nhưng tư chất kiêu hãnh tự tại, sự vô ưu khoáng đạt trong triết lý sống, mặc nhiên với mọi biến cố của số phận và con người ném về phía mình khiến người đàn bà trở thành một thánh mẫu uy nghiêm và vô nhiễm.

Không hẳn nàng là thể loại “lạc quan không khoan nhượng” với một niềm đam mê và tham vọng cào cấu bên trong để dằng dai bám trụ trong giới phồn hoa của thời trang cao cấp. Điềm tĩnh và thăng bằng hoàn hảo như một tư chất tối ưu của một vũ công ballet, nàng đào luyện cho riêng mình một nụ cười mềm mại, bí ẩn, nửa vị tha nửa mai mỉa vào mọi cú đá của số phận, nhưng vẫn ủy mị đàn bà đủ để thốt lên đầy sầu thảm “Than ôi, tôi biết làm gì khác đâu nào!”, rồi giang đôi cánh tay yêu kiều với những ngón dài hoa mỹ trong một dáng vẻ vừa bất lực, vừa sang cả đến cầu kỳ.

Nàng là nàng thơ của những cái tên khắc dưới chân mọi tượng đài, từ Horst, Avedon, Penn và Parkinson, cho đến thiên tài cổ quái Salvadore Dalí. Và nàng hẹn hò dan díu cũng với không ít trong số đó, mà nổi tiếng và ồn ào nhất là nhiếp ảnh gia Norman Parkinson. 41 tuổi, họ gặp nhau tại một bữa tiệc, ông khen rằng nàng “trông không đến nỗi nào so với một cái túi xương cũ nát” và khuyên nàng quay trở lại sự nghiệp người mẫu. Dalí tôn thờ nàng, còn “người đàn bà mặc quần và nhảy múa” Dietrich thì có lần lau dọn bếp cho nàng. Đó là một cuộc đời mà ký ức được nạm óng ánh bởi kỷ niệm, khuôn mặt và dấu ấn tài hoa của những siêu sao, thiên tài và huyền thoại.

Nhưng ánh hào quang của các tinh hoa thiên tài chỉ là thứ tài sản quá trừu tượng cho đời sống một bậc nhan sắc, còn những quý ngài trẻ tuổi si mê bộ môn tình ái với các quý bà độ tuổi mặn mòi lại không đam mê chiến tích cưu mang một nữ hoàng thất thế.

Nàng chọn đặt mình vào vòng tay tài phiệt. Trong những năm 80 và 90, Carmen thua toàn bộ tài sản vào thị trường chứng khoán, khánh tận đến mức phải đấu giá toàn bộ những bức ảnh quý từ thập niên 40, trao tất cả cho nhân tình là Norman Levy để đầu tư cho Madoff trong canh bạc chết người của thị trường tài chính. Trong suốt 12 năm, vợ chồng nhà Madoff cùng cặp đôi Carmen – Norman luôn thân thiết cặp kè cùng nhau như một gia đình hảo hữu tầng thượng lưu.

Có vẻ cuối cùng, Bạch Mao Nương đã tìm được chiếc áo vừa vặn, ấm áp và thừa lộng lẫy xa hoa để xứng hợp với mình: một người tình, và một nhà tư vấn đầu tư ngoại hạng.

Vụ lừa thế kỷ, và thứ tài sản không thể tịch biên

Levy mất năm 2005 khi 93 tuổi, để lại cho người tình cuối đời của ông là Carmen toàn bộ tài sản trị giá 244 triệu Mỹ kim, nhưng dưới quyền thừa hành và cai quản của hảo hữu Madoff.

Carmen khép cánh phù dung, sống an nhàn và vô ưu thụ hưởng trong sự tin cẩn tuyệt đối mà Levy dành cho Madoff – kẻ nắm trong tay vận mệnh tài chính của người đàn bà phù phiếm. Nàng Carmen âu sầu và đơn độc đều đặn đi ăn tối cùng người bảo trợ khôn ngoan và ân cần, nhưng những lần này không còn sự hiện diện của phu nhân Madoff.

Cùng lúc, thâu tóm quyền quản lý và đầu tư tài sản của Levy, Madoff dùng con số mê hoặc 244 triệu để thu hút hàng loạt nhà đầu tư thiêu thân khác vào vụ lừa lịch sử. Tháng 12 năm 2008, một nhà đầu tư khác, cũng là một quý bà đã gửi trọn tài sản tiết kiệm cả đời cho Madoff, gọi điện cho Carmen và cho nàng hay rằng Madoff đã thua đến đồng xu cuối cùng số tài sản khổng lồ của nàng cùng hàng loạt nạn nhân khác vào sàn chứng khoán. Yêu kiều, nàng thốt lên rền rĩ “Vậy là tôi khánh kiệt những 2 lần trong đời rồi đấy!”

Trắng tay, Bạch Mao Nương lại quay về với thế giới của những shot hình và catwalk, nơi nàng luôn được tôn thờ và chào đón, dù đang ở độ tuổi nào: “Tôi biết làm gì khác đây, khi những người đàn ông bỏ ra đi hoặc trở nên bất lực, hoặc chết? Làm mẫu là điều duy nhất tôi biết làm để tự nuôi mình, là lãnh vực duy nhất tôi am hiểu, và là thứ duy nhất khiến tôi hứng thú, nơi tôi yêu và được yêu lại”. Và cũng là thứ duy nhất thủy chung bề bỉ với nàng từ thập niên này sang thập niên khác.

Liệu tổn thương mà người tình quá cố để lại cho nàng – tay Madoff lừa đảo, có khiến trái tim già nua mệt nhừ của Bạch Mao Đại Nữ vĩnh viễn đóng cửa trước ái tình (dẫu chỉ trong tròm trèm 20 năm còn lại). Bạch Mao Nương lại lim dim khóe mắt bén ngọt viền chân chim “Nhà ngân hàng chắc sẽ lấy mất của tôi nhiều thứ. Nhưng không phải Tình Yêu”.

Tuy nhiên, lúc này có vẻ như Bạch Mao Nương đang không thuộc về vòng tay gã đàn ông nào cụ thể cả, nhưng chớ vội cho rằng đó là bởi dòng hormon hiếm hoi của tuổi dậy thì đã cạn kiệt trong cơ thể người đàn bà ấy. Khi được hỏi liệu dục tình đối với nàng khi này có còn là điều quan trọng, nàng hỏi lại “Thế thở có quan trọng không?”

Gần đây không lâu, khi được hỏi về một trong những bí quyết giữ vững chiếc vương miện nhan sắc trên đỉnh đầu kiêu hãnh, cụ bà kiều mị 80 tuổi đã hồn nhiên liệt kê ngoài những hãng kem thoa mặt và thực đơn chay tịnh là những buổi đánh golf cùng nhân tình trẻ, với tuổi đời chưa bằng một nửa của mình. Nàng đã học được thứ kiến thức ái tình khôn ngoan nhất của người đàn bà: si mê nhưng không tôn thờ, thụ hưởng nhưng không phụng sự.

Note lưu hương lộng lẫy tuổi 80

Áp lực nặng nề nhất cho một nữ cao niên 80 tuổi trong thế giới người mẫu “Đó là khi mấy tay designer đời mới cứ nằng nặc bắt tôi xỏ vào mấy cái quần da mà cả đời tôi không bao giờ mặc tới”

Nàng không than vãn, chỉ là “Bạn biết đấy, khi bạn ngấp nghé ngưỡng 80, áp lực không chỉ là nhan sắc, mà trên hết, đó là lòng tự tôn và danh dự – những note cuối cùng tinh túy nhất của nhan sắc đàn bà để dung nhan vào huyền thoại. Dẫu sao thì bản thân tôi cũng đã là một di tích sống rồi”. Thái độ thăng bằng và tuyệt đối quý phái của madame Carmen trong tình trạng khánh kiệt không khỏi nhắc người ta nghĩ đến một Marie Antoinette trên đường đến đoạn đầu đài, nhưng với Carmen, nàng tiến bước lên sàn catwalk.

Từ thời thủy tổ của nghề người mẫu, việc tuổi thọ các công dân catwalk vượt quá 24 đã là điều hiếm. “Thì tôi cũng nghĩ vậy. Tôi nghỉ hưu lần đầu năm 1959, hồi mới lấy ông chồng thứ hai được hai tuần. Ông ấy liền bỏ tôi vì điều đó, thế là tôi lại quay về với thời trang.”

Sẽ là sai lầm trầm trọng nếu cho rằng ẩn sau cốt cách quý phái ấy là một Carmen đầy tuyên ngôn bình quyền của thế hệ các nhà hoạt động đội đá vá trời và thô kệch. “Giải phóng phụ nữ hả? Làm ơn đừng giải phóng tôi được không? Tôi đã phải làm việc thật sự cật lực để đàn bà được như thế này. Tôi hết mình tôn trọng các bà các chị dũng cảm và giỏi giang ấy, nhưng làm ơn lắng nghe này, một khi bạn đã ở một độ tuổi nào đó như của tôi đây, làm ơn giữ lại cặp nịt ngực trên người. Năng động, tự do, với cặp nhũ thõng thệu thì cũng vẫn khó coi như thường”

Và nàng vẫn nghiễm nhiên là tượng đài sống của giới thời trang, từ các designer đến mọi siêu mẫu hàng thượng thặng. Nàng lộng lẫy, hào nhoáng, phù phiếm và tinh tế đến từng chiếc móng tay, nhưng đài các và tôn nghiêm như một nữ bá tước thời phong kiến trong bộ cánh thời thượng cầu kì, một chứng nhân sống sót của “kỷ haute couture” hoàng kim lừng lẫy.

Tất cả những điều đó hoàn toàn mâu thuẫn với xuất thân bần hàn của cô bé còi cọc trượt patin đi làm thêm và tự may váy cho mình từ những tấm vải thừa. Vào những ngày đó, nàng và cô bạn chí thân là Suzy Parker – người mẫu cục cưng của Chanel, thường tha theo mình chiếc máy may trong những lần lưu diễn đến Paris. Họ say sưa ngắm nghía những vật phẩm xa xỉ của thời trang trong mọi buổi diễn, rồi về phòng khách sạn và tự may lấy cho mình những bộ váy tương tự, theo kiểu Paris, để mặc đến các buổi tiếp tân, dạ hội.

Hẳn nhiên, ngày nay, Carmen không còn phải tự cắt may xống váy cho mình nữa, nhưng có tới 5 chiếc máy may: “Bạn bè cũ, cứ chết đi là di chúc tặng lại cho tôi chiếc máy may cũ thuở cơ hàn của họ. Mà biết đâu đấy, nhà ngân hàng cứ gửi thư đòi tiền, lại dọa tịch biên căn hộ này của tôi bất cứ lúc nào. Có thể tôi sẽ lại cần đến chúng, quan trọng là sẽ vẫn có những buổi dạ tiệc cần xuất hiện cho tươm tất đàng hoàng. Có những thứ nhan sắc chỉ hoàng hoa vào cao trào của thanh xuân và phần số, rồi lụi tàn trong một thứ hương thừa héo hắt. Nếu là một loại nước hoa tỏa hương bền bỉ, bạn sẽ muốn những note cuối chỉn chu.”.

Chat với Carmen

Trí tuệ, nhan sắc, hay tài sản?

Tất cả. Nhưng theo thứ tự như trong câu hỏi.

Mơ ước thời thơ ấu của bà?

Hạnh phúc! Không đói. Và tự do.

Hầu như bà đã gặp, làm việc cùng, quen biết tất cả những tượng đài, vĩ nhân làng thời trang thế giới. Còn sót ai mà bà chưa gặp?

Madame Curie và Pierre Teilhard de Chardin

Hãy mô tả bản thân trong 3 từ.

Cao, bất hủ, khôn ngoan.

Vật gì bà luôn mang theo người?

Bằng lái, trong đó có ghi rõ tôi là người hiến xác, địa chỉ nhà mình, và chìa khóa.

Ai là người ảnh hưởng đến bà nhiều nhất?

1.     Mẹ tôi, nay đã mất

2.     Người bạn và chỗ dựa tinh thần suốt 64 năm là Eileen Ford, giờ đã 90 tuổi rồi

3.     Bạn gái thân suốt 58 năm Margaret Hoffman, giờ 95 tuổi và tinh thần minh mẫn hơn bao giờ.

4.     Sau đó là mọi quý ngài đã từng yêu tôi (sau cha tôi)

Nỗi sợ lớn nhất của bà?

Đạp vỏ chuối, trượt té.

Lần cuối bà nói yêu một ai đó là khi nào?

Cỡ 20 phút trước.

Lời khuyên tuyệt vời nhất bà từng được trao?

Hồi đó mẹ tôi nói “Thiên hạ đều có thể sai bét, và con luôn đúng!”

Trời ơi, bà mới chí lý làm sao!

người đàn ông kể chuyện cổ tích vào khóe tai quý bà

Trác Thúy Miêu

 Maurice Roucel liều lĩnh sử dụng những note mùi bạo tay để rung gợi mọi dây thần kinh khứu giác của tiềm thức và kỷ niệm: mùi bánh quy, hương vanilla trên lớp kem sữa của những ổ bánh cưới, mùi hạnh nhân bỏ lò, nỗi ám ảnh của hương kem chống nắng sặc sụa vùng biển quê ông, và những ly lemonade của các tiểu thần nữ từ thôn trang đến tỉnh lỵ… Một “giấc mơ tuổi hồng” sến sũng đặc sệt hương xưa, được xây dựng từ hoa sứ rẻ tiền và mùi thơm của những món quà vặt, được tài tình sắp đặt vào các tầng hương mà tạo thành một trạng thái hưng cảm đồng bóng của một câu chuyện cổ tích không-dành-cho-trẻ-con sặc sụa ái tình và sắc dục.

Mùi hương, ở một hình thái tự hiên nhất, là hợp hương của thảo nguyên, rừng thẳm, hoa quả, nước và quý mộc. Nhưng rồi cũng đến đầu thế kỷ 21, khi tất cả được bỏ lọ, đóng nút trong dây chuyền công nghệ hẳn hoi – như những giọt cảm xúc và hồi ức được lên công thức, và sản xuất hàng loạt.

Nhưng kể từ huyền thoại Chanel No.5 ra đời những năm 1920, lịch sử nước hoa sang trang và sản sinh ra những mùi hương lẫn thành phần tổng hợp không hề có trong tự nhiên. Không hữu hình và hữu hạn như những trường phái hội họa, nhưng nó lay động những dây thần kinh tiềm thức và nhắc người ta nhớ đến những khoảnh khắc, cảm xúc, không gian, kỷ niệm có thật. Mẹ Thiên Nhiên cho người ta những khuôn mẫu của mùi hương, và chính con người cũng góp phần vào kho tàng tiềm thức mùi ấy, với thức ăn, mùi da thịt, vải vóc, mùi trộn lẫn của các thứ mỹ phẩm lẫn trong mồ hôi, hay một lọ nước hoa đã cũ, v.v… Điều này khiến kho tàng những thành phần mùi hương trở nên vô tận, sáng tạo chồng chất lên sáng tạo.

Hoa San Hô – câu chuyện cổ tích mùa hè của Lolita Lempicka đã ra đời theo dòng kể tiếp diễn từ “chương I” mang tên L de Lolita Lempicka ra đời trước đó không lâu.

Cú nhắm đã tài tình xuyên thấu hồng tâm tiêu thụ, khi lão Maurice Roucel khoái trá rung giật mọi nút thần kinh khứu giác lẫn yếu huyệt tiềm thức của bất kì perfumista ở trường phái hay gout khứu vị nào.

Vết tình trên cổ quý bà và chân dung tình dược Hoa San Hô

Mùa hè năm 2008, sau một loạt các hợp hương thần thoại màu mè với những quả táo óng ánh và cỏ ba lá thếp vàng, tiểu thần nữ Lolita Lempicka lại tiếp tục với câu chuyện cổ tích dành cho mùa hè, của loài ngư nữ biết thoa kem chống nắng, nhai bánh bích-quy thơm phức mùi vani, và biết giờ trò lẳng lơ với bông hoa sứ cài đầu.

Fleur de Corail (Hoa San Hô) chính là cái tên lí tưởng nhất để định danh cho sự lộng lẫy hoang dại của hợp hương ngỗ nghịch và lãng mạn này, kết hợp giữa nước ép trái cây Địa Trung Hải, kem chống nắng và bánh cưới – một câu chuyện cổ tích lắm dữ kiện của gã rậm râu Maurice, được kể bằng một giọng đặc sệt âm sắc Francophone.

Lão ngang ngược lôi tuột các perfumista đến một hoang đảo trong cuộc đào tẩu màu mè, hoang đàng và đầy nắng gió bằng thứ nước biển tổng hợp đựng trong những lọ thủy tinh diêm dúa giá 47USD/1.0 oz. màu xanh đỏm dáng, với hình thù gần như bất định của một giọt nước nhang nhác hình tim, với góc cạnh nhẵn thín như những viên sỏi biển. Một hạt ngọc trai nhỏ xíu đính vào tấm lưới đánh cá bằng sợi vàng tinh xảo quấn quanh cổ chai, lủng lẳng một mề đay khắc hình nhánh hoa đá, một Chi Đại Hoa trắng muốt và mẫu tự L nửa bay bướm nửa ngô nghê – tất cả được sắp đặt ngẫu hứng như đang dập dềnh trên mặt bể màu xanh lơ pha sữa đục.

Nhưng chính những giọt tinh chất chứa đựng bên trong, ở tận cùng lớp khám phá, mới là cao trào của câu chuyện cổ tích mùa hè.

Các nhà phê bình nhận xét rằng lần này, lão Maurice lại tung ra câu chuyện của những cuộc ái ân chớp nhoáng kiểu Địa Trung Hải, ngụy tạo những vệt mùi đầy ẩn ý trên cổ, sau dái tai và giữa khe ngực các quý bà quý cô.

Ly mocktail vô hại, bánh quy vùng Provence, và chuyện nàng ngư nữ háu tình

Lão đã kể câu chuyện cổ tích long lanh không dành cho trẻ con của nhà Lolita Lempicka như thế, bắt đầu với một ly mocktail vui nhộn và có vẻ như vô hại.

Lớp đầu tiên là những note nho, bưởi và cam bergamot lanh canh như một ly mocktail cho các cô chưa đủ tuổi uống rượu.

Nhưng ngay từ khoảnh khắc tiếp theo, hợp hương biến chuyển thành một vụ bùng nổ nho nhỏ mùi bánh quy. Chính xác là món biscuit Navette marseillaise truyền thống của những quầy đồ ngọt miền Provence, một sự trộn lẫn giữa hương thơm vani và nước cam.

Nhưng món khai vị với dư hương cam lẫn vani béo ngậy được nhanh chóng chuyển tiếp vào một note hương gần như hạnh nhân, và sự tươi tắn của cam chuyển thành một hợp hương hoa nhài, hoa sứ hoặc mộc lan, non nớt nhưng nồng nàn và… nóng nực.

Đó là một sự dọn đường lí tưởng cho cao trào hương hoa của tầng hương giữa. Một sự bung nở của khám phá dậy thì, với các note hoa trắng xuyên suốt. Như thể một cô gái đã đến tuổi, ngậy và đầy dụ dỗ vô tâm như một mẻ bánh quy hạnh nhân đã chín tới. Những note hương ấm nóng chỉ được làm dịu nhất thời bằng hương hoa trắng, nhưng bùng nổ, nồng sực và dai dẳng như làn da đượm mùi kem chống nắng được hít ngửi rất, rất gần.

Như một tiểu thần nữ miền nhiệt đới được đặt vào ngai chủ đạo, hoa sứ được đặt lên đoạn cao trào của tầng hương giữa. Hoa sứ, trong ngành công nghệ bào chế mùi hương, là nguyên liệu chính của tinh dầu “Monoi”, các sản phẩm chống nắng và cả bánh cưới. Một mối liên kết hình dung hoàn hảo cho ý tưởng cổ tích mùa hè của Lolita!

Bữa tiệc bơ sữa và cô dâu Địa Trung Hải này kéo dài một cách tài tình tới 6 đến 7 tiếng đồng hồ, trước khi bước vào những note dư hương của tầng cuối.

Tại phần kết của câu chuyện có hậu, các note hương được lắng xuống từ của tâm điểm hương hạnh nhân và hoa trắng, thành một thứ mùi kem vani và mộc lan đã được khéo léo ẩn vào note trầm từ tầng đầu. Sự ngọt ngào bồng bột của ly mocktail khai vị và bữa tiệc bánh quy đã biến mất không dư vị. Tất cả còn đọng lại trong khả năng lưu hương đến 2 tiếng của tầng cuối là dư chấn váng vất của một cơn say nắng bất thần còn rung lên hầm hập mùi nắng, cát, và vị kem sữa của da thịt dậy thì.

Cả thế giới chìm đắm vào câu chuyện của lão rậm râu người Pháp, tiếp nối câu chuyện cổ tích nhiều chương về quả táo long lanh tình dược vốn đã quá thành công của nhà Lolita.

Từ khoai tây chiên vùng Cherbourg đến thế giới cũng những “con ma” nhà Chanel

Như một bản bolero hoa mỹ, gợi tình, và sến một cách khả ái, kiệt tác Fleur de Corail ra đời và được truyền tụng khắp thế giới trong những lọ nhỏ màu xanh như thế, bất chấp những dấu hiệu đen tối của trường phái lãng mạn đang khuynh tàn của thị trường thời trang, đi cùng đại dịch những dòng nước hoa lưỡng tính (unisex) và thứ bản sắc bị đồng hóa chung chạ.

Đứng trước cơn bão chung, kẻ truyền nhân kiêu hãnh của Henri Robert nhà Chanel thản nhiên miệt thị cuộc cách mạng thẩm mỹ đại đồng: “Toàn cầu hóa? Có thể ở góc độ tiếp thị và kinh doanh. Tôi là một perfumer – loại người chẳng bao giờ quan tâm đến các vấn đề kiểu đó. Một loại nước hoa nào đó cho nhân dân toàn thế giới? Không bao giờ! Một thứ tội ác đối với tính sáng tạo. Đã là một nhà sáng tạo, bạn hẳn nhiên là phần tử phản động đối với cách mạng toàn cầu hóa, chuẩn hóa, và đồng hóa. Đúng ra, tôi nghĩ mỗi người nếu đã là một vũ trụ khác biệt, cần có một dòng nước hoa được thiết kế và bào chế riêng cho mình, như một bộ cánh may đo vậy.”

Maurice Roucel sinh ra ở miền biển vùng Cherbourg, Pháp, nơi ông mang theo một tuổi thơ có mùi trộn lẫn giữa kem chống nắng L’Oreal, mùi khoai tây chiên từ các kiosk hàng quà, và lọ nước hoa Soir de Paris của Yves Roches trên cườm tay bà ngoại “Bây giờ nhà Roches đã thay đổi điều gì đó trong công thức và cho xuất xưởng một phiên bản còi cọc của Soir de Paris. Hay chỉ vì cảm xúc của tôi đã khác nhiều so với những mùa hè hồi còn nhỏ ở Cherbourg?”

Cậu Maurice đã từng mơ ước trở thành một nhà thám hiểm khoa học, nhưng ông tự nhận mình đã là một cậu bé “quá ngỗ ngược để làm một Einstein”. Ngoài những trò rắn mắt ở trường, cậu tập tọe bước vào thập niên 60 với mái tóc dài và chiếc áo thun in cờ Anh quốc như một tín đồ cuồng nhiệt của Beatles.

Vốn theo đuổi ngành học là hóa hữu cơ và là một tay cứng cựa trong phân ngành ghi sắc (chromatography). Maurice gửi hồ sơ của mình đi khắp nơi để tìm việc một cách hú họa, và một trong những hồ sơ ấy được gửi đến tay Henri Robert – đại phù thủy mùi hương của nhà Chanel, khi ông này đã ở độ tuổi trên 70. Chàng Maurice khi này mới 23, đã trở thành truyền nhân của tay tổ nhà Chanel như vậy. “Thoạt tiên, tôi không phấn khích lắm với trò bào chế nước hoa. Tôi thấy tức cười mỗi khi nhìn những tay perfumer đánh hơi sụt sịt mấy cái que giấy thử mùi. Người ta gọi họ là “những con ma” cũng đúng thôi. Cả thế giới lẫn đào Monroe xức nước hoa hiệu Chanel No.5 ra đường cho đến khi lên giường, nhưng vinh quang thuộc về Coco, còn ông già Ernest Beaux tội nghiệp (người tiền nhiệm của Henri Robert) thì chẳng ai biết tới.”

5 năm và 15 phút

Mọi perfumista sành sỏi đều có thể nhận biết một siêu phẩm của Maurice Roucel qua thủ thuật sử dụng sự xuất hiện lẩn khuất tài tình của note mộc lan hương.

Cùng với note hương trứ danh này, ông đã lưu danh mình với Shalini – thuộc 10 loại nước hoa đắt nhất thế giới năm 2011, cùng một danh sách choáng ngợp của các tuyệt tác mùi hương mang tên Envy (Gucci), 24 Faubourg (Hermes), Oro (Roberto Cavalli), serie Be Delicious (DKNY), Orange (Marc Jacobs), v.v…

Nói về những sáng tạo của mình và những tag giá từ siêu xa xỉ đến thân thiện được treo vào đó, Maurice giữ thái độ hồn nhiên hầu như phi thương mại hoàn toàn: “Trên thực tế, giá thành đôi khi hoàn toàn không hề được quyết định bởi thành phần thứ dung dịch chứa đựng trong chai. Thành phần cơ bản đầu tiên của mỗi hợp hương là tâm hồn và tài hoa của perfumer. Như môn gấp giấy của người Nhật vậy, tất cả bắt đầu từ một miếng giấy. Thế rồi “voilà!”, thành cả một môn nghệ thuật. Đương nhiên, nếu có thể bỏ thêm vào đó cả những nguyên liệu thiên nhiên đắt tiền nữa thì hoàn hảo, như Shalini vậy, nó hoàn toàn cân xứng với 900USD cho mỗi lọ bé xíu. Tôi làm ra nó và thấu hiểu đứa con đẻ của mình. Còn Rochas Rocade và L by Lolita Lempicka không phải vì thế mà kém cạnh, chúng chỉ là những đứa con may mắn hơn vì không phải dựa vào tính cầu kì của hương liệu. Nhưng những ca dễ đẻ không hề đồng nghĩa với những đứa trẻ kém ưu chất. Về sự cầu kì của chúng cũng vậy, Hermes 24 Faubourg tôi đã mất 5 năm để tạo ra Hermes 24 Faubourg trong khi Shalini chỉ mất 15 phút”.

Với la liệt các danh hương lẫy lừng thị trường mỹ phẩm thế giới này, Maurice nghiễm nhiên trở thành chủ sở hữu các giải thưởng danh giá Prix Francois Coty 2002, FiFi Pháp, FiFi Hoa Kỳ, và giải “Oscar des Parfums” Awards của Pháp.

Nhưng cho đến sự ra đời liên tiếp của cặp đôi song nữ Lolita là L de Lolita Lempicka, và sau đó là “cô em” Fleur de Corail ra đời, ngọt ngào và diêm dúa đến táo tợn – một dấu ấn của trường phái sến bất khuất như điểm son tối thượng trong chuỗi dài những câu chuyện cổ tích bằng mùi hương nỉ non chốn phòng khuê “tiểu nữ thần” Lolita Lempicka.

Đàn bà Hungary, người tình của Helmut Lang, và Chúa!

Nước hoa luôn song hành với thời trang, được xem như một món phụ trang tinh tế và khó chọn nhất. Ngược lại, liệu vòng xoay trào lưu của thời trang có ảnh hưởng đến tính trào lưu của thời trang?

Không nhất thiết, và không thường xuyên. Các mùi hương, các dòng nước hoa được gán ghép cho các mẫu thiết kế thời trang để đạt mức tổng hòa mỹ mãn nhất. Hãy nghĩ đến các thương hiệu như Chanel, Houbigant hay Yardley, với những loại nước hoa đưa tên tuổi họ lên hàng danh gia không kém công hiệu so với các thiết kế thời trang của họ. Chính tập quán vận động của trào lưu thời trang khiến vòng đời của các dòng nước hoa cũng theo đó mà ngắn đi. Giờ thì người ta có cả những “bộ sưu tập” mùi hương theo mùa, dẫu chỉ xê dịch ít nhiều về nồng độ. Tôi chọn tìm cảm hứng và ý tưởng theo mùa, nhưng là khái niệm mùa của thời tiết hơn là mùa thời trang.

Nước hoa cần thể hiện tinh thần cảm xúc và văn hóa thời cuộc hơn là trang hoàng cho chiếc váy. Một perfumer phải biết mở lòng đón nhận mọi sự ảnh hưởng của vạn vật ở mức độ chắt lọc nhất, để rồi tái hiện lại bằng thứ ngôn ngữ của thính giác. Chẳng hạn thiết kế xe hơi đang nghiêng về vẻ góc cạnh, nam tính, thì đó là khi nước hoa thể hiện vẻ bóng bẩy cơ khí đó bằng những note hương của mình. Dòng Alliage đã là một điển hình cho thời trào lưu công nghệ xanh, mốt ăn chay và thuyết hiện sinh gần gũi thiên nhiên có từ hồi 1968, chẳng hạn. Trong khi nước hoa Charlie chính là hiện thân dịu dàng của đàn bà tính. Vào thời mà bản lĩnh tài chánh, lối sống tân thượng lưu và mơ ước dối già được coi là 3 giá trị tối thượng của số đông, thì các dòng nước hoa thập niên cuối 70 đầu 80 cũng đậm đặc một sự xa hoa và hào nhoáng của các hương liệu tổng hợp. Thế rồi đến nay, vừa vượt qua thời thượng trào của những mùi hương vị lai xa lạ, người ta lại tìm về tính nguyên bản của vạn vật, thế là các loại hoa và xạ hương mang màu sắc Đông phương lại trở về mùa thịnh vượng.

Perfumer được ban cho các giác quan cảm nhận tinh nhạy và cầu kì trong hưởng thụ, chiều chuộng các giác quan ấy. Điều gì có thể thỏa mãn giác quan của ông nhất?

Tất cả những gì có khả năng chiều chuộng phủ phê mọi giác quan của tôi. Tôi yêu nhạc, mê thú ẩm thực, có thể uống như hũ chìm, mê những hàng vải hảo hạng, và đương nhiên, tôi mê mùi hương trên hết thảy. Nếu phải từ bỏ một giác quan nào đó, chắc tôi sẽ chọn thị giác. À không, đợi đã, trời ơi, tôi mê cảnh đẹp, những con người đẹp đẽ, và đặc biệt là đàn bà đẹp!

Thế nào là một người đàn bà gợi cảm?

Đẹp mắt, cao thượng, và biết cách chuyển động thật duyên dáng. Tóc nàng có thể là bất cứ màu gì, da cũng vậy, chủng tộc hay tín ngưỡng cũng có thể là vô chừng… nhưng nàng đàn bà thuần túy, theo kiểu diêm dúa và đài các thuần Pháp. Và đôi mắt, và thứ gì nàng có đằng sau đôi mắt… Cá nhân tôi thì ưa các cô nàng Hungary.

Nếu có một mùi hương bất kì cho người đàn ông muốn chinh phục mẫu đàn bà ấy?

Chắc chắn là Musc Ravageur!

Hương liệu tự nhiên nào gợi tình nhất? Và tại sao?

Trầm hương. Thậm chí ở phương Đông, người ta sử dụng nó như một chất kích dục mà chỉ riêng cách sử dụng cũng đã đầy kích thích. Họ đốt trầm trên lò than đặt bên dưới người đàn bà để xông hương cho phần thân thể thiêng liêng nhất của nàng trước mỗi cuộc mây mưa.

Helmut Lang Cologne đã là một quả bomb thương mại. Gợi ý cho cảm hứng đến từ đâu?

Helmut bảo tôi ngửi những tấm trải giường của nhân tình của ông ấy, đương nhiên khi chúng đã được giặt sạch, và tôi có Helmut Lang Cologne.

Lọ nước hoa đầu tiên của ông?

Eau Sauvage. Đối với tôi khi ấy đã là cả một cuộc khai minh. Cái món ấy khiến tôi đào hoa hẳn ra.

Perfumer mà ông ngưỡng mộ nhất?

Chúa.

đàn bà như hương…

by f.

Sự khác biệt giữa một dòng hương siêu phẩm và phiên bản tội lỗi của hàng nhái, dẫu trí trá tinh xảo đến mấy, vẫn  nằm ở cuộc đan xen ngoạn mục của những note hương trong một bản tổng phổ hòa hương vi diệu.

Với một dòng nước hoa siêu phẩm, mỗi tia bụi nước là cả một bản giao hưởng tài tình, một câu chuyện được “lắng nghe” bằng khứu giác và tiềm thức. Nó là âm nhạc, là hình ảnh, nó có những biến cố, những nút thắt oái oăm dẫn đến những cao trào đậm đặc huy hoàng.

Mỗi một loại nước hoa là một câu chuyện khác nhau, mà giá trị chắt lọc lại trong những note dư hương cuối cùng với ma lực ám ảnh dằng dai.

Khi dàn giao hưởng đã tấu hết note cuối cùng, sợi vĩ vẫn còn rung lên dư chấn khoái cảm, như chính sự run rẩy cuối cùng của từng tế bào khứu giác, ngân nga thứ âm nhạc vô ngôn của da thịt.


Người ta nói đến những thiên tài âm nhạc và văn chương, những kẻ đã tác tạo nên cho nhân loại những phần đời hoang tưởng để sống giàu hơn một số phần hữu hạn, để đi nhiều hơn đôi chân có thể, trải rộng hơn không gian đời người, phá mọi quy luật logic để thả mình vào một thế giới hoang đường trong vài trống canh thụ hưởng.

Nhưng không mấy ai biết đến những thiên tài về mùi hương – các perfumer, những sinh vật thượng tầng với khứu giác siêu phàm và gout hưởng thụ duy mỹ. Họ là những tay phù thủy biết tiêu khiển với tiềm thức, tái hiện những cảm xúc xa xỉ nhất của tinh thần lãng mạn và ký ức. Họ xâu chuỗi và sắp đặt các note hương vào những bản tổng phổ kỳ vĩ trong kết cấu 3 chương, được tấu lên vào khoảnh khắc chạm đến làn da, rồi thăng trầm những biến cố, li điệu suốt hàng giờ sau đó, để rồi lắng đọng, nhường chỗ cho những note cao quý sau cùng.


Một dòng hương thứ phẩm sẽ chỉ còn hăng hắc lớp hương bề mặt của loại nước tẩy mùi, chông chênh lấp liếm bụm che những dấu vết tố cáo thứ mùi bài tiết thật thà sống sượng. Cả hai sẽ trộn lại, trấn áp và tố cáo lẫn nhau trên cùng một bản thể.

Chỉ với một hợp thể kiêu hãnh của văn minh thời trang, người ta mới thụ hưởng được những note hương thượng hạng cho khứu giác – những điều đọng lại cuối cùng, tôn nghiêm và đầy ám ảnh.

Đối với một mùi hương, sự ám ảnh ấy có thể kéo dài tối đa 8 tiếng.

Đối với một tuyệt phẩm đàn bà, sự ám ảnh ấy có thể kéo dài hơn cả 80 năm.

Có lẽ khi gã Maurice rậm râu, cha đẻ của dòng hương sến cách tân nhà Lolita Lempicka đã nghĩ về nàng thơ của danh họa Salvador Dalí khi thốt lên lòng ngưỡng mộ dành cho những người “đàn bà Hungary với sự kiểu cách của người Pháp”.

Bởi Nàng là một thứ xa xỉ phẩm của lịch sử catwalk thời trang, một tạo vật hiếm hoi mà Chúa trời ắt đã thiết kế nên trong tình trạng lâng lâng phê thuốc.

Với những cấu thành tinh túy nhất của xuất thân, nàng mang dáng dấp nữ hoàng của một vũ công Hungary và nét hoang dã bạo tàn của một tay hoang đàng người Ý.

Nhưng những thành phần tuyệt hảo đó đã không ủ nồng dậy men, nếu không có những thăng hoa và thống khổ đến tận đỉnh lẫn đấy, nếu không có những chê bai bỉ báng, những bận khánh kiệt khốn cùng để thấy tài sản duy nhất còn lại để làm nên một danh dự đàn bà – khả năng Yêu.

Và lịch sử thời trang đã cho nhân loại một người đàn bà như vậy – người mẫu 80 tuổi Carmen Dell’Orefice.

Mỗi người đàn bà là một mùi hương riêng biệt.

Mọi tầng hương đầu đều khoa trương, kiều mỵ hay diêm dúa.

Nhưng thời gian qua đi, vài giờ, hoặc vài thập niên,…

điều còn lại cho những note nhan sắc cuối cùng là danh dự, sự kiêu kỳ của tư chất tự tại, thanh tao và vô nhiễm.

 

Người ta sẽ thảng thốt nghiêng mình khi lặng người nhận ra note hương cuối mà Maurice nghiêm cẩn tác thành nên Fleur de Corail diêm dúa lại là những note trầm hương, với những ưu chất mà ông gán cho khái niệm đàn bà thượng đẳng: tôn nghiêm, xa cách, và gợi dục đến cầu kì.

 

Đàn bà như hương, sự suồng sã cuối đời sẽ bóp méo hình mạo đến nhăn nhúm mà rỉ ra thứ hương bài tiết.

Còn những quý bà chân chính – họ trải qua tuổi trẻ để tạc nên những khắc vạch tuổi già lên những phiến trầm hương.

dân Anglais thứ thiệt

Trác Thúy Miêu

Alice Temperley coi trọng những điển lễ, những dịp hội hè, và nhất là các đám cưới. Đó chính là người phụ nữ mà các nữ nhân hoàng tộc Anh quốc tìm đến để tham vấn chuyện sắc phục hội hè, và cả các fashionista trung lưu. Dù đó là đám cưới thôn trang vùng Glastonbury ảm đạm, hay các tân nương da nâu đến từ trảng nắng sóng sánh mật ong ở miền địa đàng Tuscany, nữ tông đồ người Anh sẽ vẫn phủ lên họ một lớp kem màu ngà như truyện cổ tích, biến họ thành những nàng Lolita vừa chín tới trong bộ cổ trang thời thượng, phóng khoáng và hoang đàng, hòa quyện oái oăm với duyên trầm mặc của một Jane Eyre thanh đạm nhưng kiêu kỳ dòng máu Anglais.


Chiếc váy màu cẩm thạch cho em gái công nương

Cách đây không lâu, ngày mà Sarah Burton đăng quang bằng bộ váy cưới hoàn hảo cho công nương Kate Middleton, nhưng cô em gái Pippa lại xuất hiện với chiếc váy màu xanh ít nhiều làm lu mờ cả cô chị trên đỉnh hôn nhân vương giả, thì cả nước Anh và châu Âu đã hướng sự ưu ái đặc biệt đến Alice Temperley – người đàn bà làm nên bộ váy màu cẩm thạch trứ danh nọ. Nàng lập tức được cả hoàng tộc vồ vập, bắt đầu với chính tân công nương Kate Middleton cho đến bà mẹ kế nhà chồng Camilla.

“Điều thú vị nhất với tôi là hình ảnh Pippa rời bữa dạ tiệc trong chiếc váy xanh, nó đã lan xa tới tận những đâu đâu.” Ngay buổi sáng sau ngày Sarah Burton lẫn Kate Middleton đăng quang với chiếc váy cưới hoàn hảo, trong khi cô em đăng quang thần tượng thời trang trong lòng mọi con dân tín đồ Anh quốc, thì tại Notting Hill, Alice Temperley bị tấn công bởi những yêu cầu mua các phiên bản của chiếc váy màu ngọc trứ danh ấy. Nhưng nàng từ chối “Pippa xứng đáng được sở hữu riêng chiếc váy ấy cho mình. Và tôi cũng không định làm rùm beng lên chỉ vì một chiếc váy, chỉ là một chiếc váy.”

Với giải Designer of the Year tại sự kiện 2011 Hollywood Syle Awards, cuối cùng thì bà trùm áo cưới Ăng-lê Alice Temperley nghiễm nhiên trở thành cục cưng của cộng đồng sao Mỹ, nhưng không ít nữ yếu nhân danh tiếng xứ cờ hoa, những cô đào Mỹ thượng hạng tìm đến tiệm Temperley và được khéo léo chối từ, thường là với lí do “chỉ còn hàng bày mẫu”. Các ngôi sao bước ra khỏi cửa tiệm nhà Temperley kiêu ngạo, nhún vai ngán ngẩm trước sự bảo thủ lì lợm của người đàn bà Anglais cuồng tín.

Alice cùng nhãn hàng vốn xưa nay khiêm tốn Temperley London bắt đầu thật sự được đặc biệt ưu ái bởi những nữ thân chủ hạng yếu nhân hoàng tộc, hoặc xoàng xĩnh ra cũng tầm minh tinh màn bạc, từ đào mụ đến đào tơ, và đặc biệt là những cô dâu tinh tế thừa đủ may mắn để đặt chiếc váy cưới Temperley London vào tầm ngắm. Lọt thỏm giữa cuộc tung hô quy mô rầm rộ ấy, bản thân Alice Temperley vẫn thu nhỏ, lặng lẽ, với một sự ngạo mạn của bản chất thuần chủng phớt tỉnh Ăng-lê.

Sự kiện đích thân Pippa – giờ đã vượt mặt cô chị trong vai trò thần tượng phong cách của giới fashionista Anh, xuất hiện thân mật ngay hàng ghế đầu trong show diễn tại New York của Temperley London, đủ khiến dân tình khiếp vía, báo chí râm ran những hàng tít lẫy lừng. Người ta sốt sắng muốn biết bằng cách nào Alice đã kéo được về phía mình một vị thân chủ thân thiết vương giả cỡ vậy, nàng chỉ ngơ ngác “Cô ấy lại mua đồ suốt, nhất là từ hồi đám cưới cô Kate. Rồi tôi rủ: ‘nè, Chủ Nhật tôi diễn show đó, cô thích coi không tôi để vé?’ và cô ấy đồng ý. Tôi không hề biết rằng nó sẽ được coi là một vụ tầm cỡ rộn ràng đến thế này, và tôi cũng không hiểu vì sao nó nên thế. Có lẽ rằng nếu cả tôi cũng nhảy cẫng lên vì cô Pippa, thì đó chẳng giống tôi chút nào, chẳng nằm trong sợi gene nào trong cấu tạo bản chất của tôi cả.

Pippa khả ái, tôi mến người khách hàng ấy và mời cô ấy đến show diễn của mình. Khái niệm này thì hiểu được, chứ còn bắt tôi cố nghĩ ra một điều gì phức tạp hơn thế thì không thể. Những điều đó với tôi xa lạ lắm.”

Người đàn bà thủ cựu và an nhiên ấy của lục địa già cuối cùng cũng nhẹ tâng đặt dấu ấn như đóng mộc hoàng gia Anh quốc lên thảm đỏ danh dự của những danh nhân dữ dằn nhất của làng thời trang thế giới, khi mà tầm cỡ quy mô của Tempeley London – cái tên cục bộ và kiêu hãnh, chưa thể gọi là một đế chế dàn trải đại đồng và hùng mạnh.

Tiểu quỷ vùng Somerset

Lớn lên ở điền trang Somerset, là trưởng nữ trong gia đình có 4 chị em, Alice luôn được cha khuyến khích nên trở thành một nhà nghiên cứu, hay một bác sĩ thú y, hoặc bất cứ thứ gì đại loại thế. Nhưng thừa hưởng từ chính cha mẹ mình niềm hứng khởi trong việc kiến tạo, cô gái dại dột lại thích cắt phăng những cái chụp đèn thời 1920 của bà thân sinh để làm nữ trang, nơ và xắc tay cầm chơi. “Mẹ tôi hay túm được tôi trong phòng ngủ của bà, bay thủ cái kéo to, lăm le quanh tủ quần áo của bà để cắt xén mọi thứ thành từng rẻo vải thảm hại, những chiếc khăn shawl, những chiếc váy, lồng chụp đèn, tất tật, một cách tàn nhẫn.”

Quả tình, cô trưởng nữ nhà Temperley có cho mình một vẻ hung hăng từ nhỏ “Tôi hung hăng cắt xén tóc mình tơi bời, rồi nhuộm lòe loẹt. Gần nhà tôi có bà hippie, hay tự nhuộm tóc bằng lá ngón cho đến khi nó đỏ rực rỡ lên. Tôi ấn tượng ghê gớm và học làm theo, nhưng tóc tôi lại ra màu cam chóe. Ở trường thì tôi bị coi là phần tử phiến loạn bởi những món tôi treo máng lên mình, tôi xé cụt vớ dài, cắt cao váy ngắn, đại loại thế, và cắt xén tả tơi cả những nội quy nhà trường. Tôi tuyệt vọng, tuyệt vọng, tuyệt vọng chực chờ cái ngày rời xa nơi ấy.”

“Tôi mê London. Có thể đi bộ ở mọi nơi, lang thang xuống mấy khu chợ cũ, vòng quanh Brick Lane, Covent Garden, lại ngược lối Soho sầm uất. Khi đó, tôi học chăm hẳn, bởi cho đến khi này, tôi thật sự được học cách kiến tạo thay cho cắt xé, xây thay vì phá. Trước đó tôi thích làm ra những thứ cầu kì chỉ để trưng bày là đẹp, và rồi tôi đã học được cách làm nên những thứ để trưng bày những gì lẽ ra nó che đậy, đó là cơ thể, rồi hơn nữa, đó là lối sống và tâm hồn.”

Với một tư tưởng duy mỹ hơn là một đầu óc chiến lược, Alice trở thành một quái tính được thời trang chính thống thuần dưỡng trong ngôi trường kì cựu của nước Anh. Cô bé Alice từ nhỏ đã biết đường loay hoay bán đi những đôi hoa tai thủ công trong trang trại trồng táo của gia đình, đã từng làm những món đồ thêu thủ công, những chiếc váy dạ tiệc đơn giản, bán cho các cửa hiệu dọc King’s Road và Covent Garden để tự trang trải tiền ăn học. “Điều này giúp tôi cân chỉnh kỹ năng sống và cả thái độ sáng tạo rất nhiều. Khi vào trường Royal College of Art, tôi đã biết làm mẫu và kinh doanh. Tôi nhận ra điều mình phải làm để bắt giấc mơ đi làm nuôi mình, và mình được trả tiền để sống trong mơ.”

Người đàn bà làm nghề may váy cưới

Nhưng chính sự thận trọng đó đã khiến một Alice Temperley không là một McQueen hay Gaultier phá chùa, bán trời không văn tự. Nàng kiến tạo nên những món xinh xắn, quý báu, và bất hủ tới mức an toàn. Khi mà các ngôi sao lẫn tín đồ đua nhau noi gương bạo ngược của Emilia Fox và Liberty Ross, và ít nhiều e dè với dòng góc cạnh của Kate Moss. Alice không chọn đạp đổ các thanh barrier, nàng chọn lòng tôn ngưỡng và tính công phu kỳ xảo, nâng tầm từng thiết kế lên hàng nghệ phẩm. “Tôi đang không cố chứng tỏ điều gì hay trở thành một hiện tượng mới nổi liều mồm. Tôi thuần túy thích tạo ra một cái gì đó mặc được, và mặc vào là đẹp. Không làm cách mạng, tôi làm đàn bà làm nghề may váy cưới, những bộ váy hoàn hảo.”

Temperley London đã ra đời như thế, ngay khi Alice tốt nghiệp vào năm 2000, với sự trợ lực hoàn hảo của tri kỷ Lars von Bennigsen.

Chỉ sáu năm sau đó, tờ Vogue Mỹ tung hô Alice là “nhà thiết kế gây sốt giữa đại cục thời trang Anh”, với những thiết kế mỏng manh màu ngà và trắng, những tảng đăng-ten thêu tinh xảo và dấu ấn những nghệ nhân thủ công siêu hạng của truyền thống may mặc đượm màu quân chủ.

Alice đã mang mình đi trên một đoạn đường xa là vậy, từ vùng thôn trang Somerset đến ngôi hội sở yêu kiều ở giữa khu Notting Hill thời thượng, với 5 nhãn hiệu độc lập, chiều chuộng những tín đồ vintage thượng hạng trên khắp 37 quốc gia, với từng thiết kế xứng đáng đượi coi là siêu phẩm tuyệt đỉnh của lối sống hoài cổ, lại hiển hiện một thái độ sống của mọi tiểu thư Ăng-lê đương đại.

Cho đến nay, chẵn một thập niên sau hôn lễ với Lars, những thiết kế váy cưới của Alice vẫn là một phiên bản hiển hiện buổi lễ thành hôn cầu kỳ nhưng tham đạm của họ, với chủ đề thẩm mỹ 1920, nơi nàng Alice Temperley chọn khoác cho mình bộ váy bằng chiffon nhàu, những mảnh ren tinh xảo nhất mà nàng cất công sưu tầm, được đính với những vảy cườm li ti chỉ 2mm rải rác, và tấm lưng trần đính chuỗi ngọc trân châu thanh nhã nhưng đầy khí chất công tằng tôn nữ kiêu sa.

Hầu như ngay lập tức, Alice, với tất cả đàn bà tính được thấm nhuần từ nền giáo dục cổ điển từ thời điền trang Somerset, đã ao ước thu gọn cuộc sống và mọi hoài bão vào một khuôn bếp gia đình. Khi này, chính Lars, với vai trò cái đầu tỉnh táo của Temperley London, và ngọn đại phong nâng đỡ cho sự nghiệp sáng tạo của vợ, đã không hề muốn có con. Mãi 6 năm sau, Alice mới được thỏa nguyện với đứa con đầu lòng.

Cũng cùng trong năm khai hoa, Alice chứng tỏ với vị quân phu CEO của mình một sự thăng bằng đáng nể mà nàng có thể dành cho hạnh phúc lẫn cơ đồ. Tháng Chín năm 2008, Alice tung ra sàn diễn bộ sưu tập xuân hè đình đám, và 5 ngày sau đó, nàng “tung” ra đời bé trai Fox London Temperley von Bennigsen Mackiewicz.

Giờ đây, gia đình họ lại tìm về sống ở Somerset 3 ngày mỗi tuần. Cô con gái vị trang chủ đã đi rất xa, chỉ để thong thả trở về, nhưng vẹn tròn và viên mãn. Chỉ với danh phận, các giải thưởng, những thân chủ có tên là Kate Middleton, Halle Berry, Scarlett Johansson và Sarah Jessica Parker, cùng tước hiệp sĩ hoàng gia MBE được phong tặng năm 2011 vì những cống hiến cho ngành thời trang Anh quốc, người ta mới hiểu được người mẹ trẻ chốn điền dã ấy đã đi bao xa.

Người đàn bà ngồi trong quả bóng thủy tinh

Đằng sau những thiết kế trầm mặc cổ điển, Alice Temperley đã từng được biết đến như một nữ hoàng tiệc tùng và tửu lượng đáng gờm. Đến giờ, người ta vẫn còn nhắc đến hồi sinh nhật tròn 30 vui nổ trời của nàng, cả một buổi dạ vũ Ả-rập với 400 vị khách mời ăn vận hào nhoáng khùng điên, với champagne chảy tràn như suối. Nhưng rồi nàng cùng chồng mua ngôi nhà ở Somerset, nơi Alice như một nữ sĩ miền quê, rút vào cái âu thủy tinh cách ly của mình, quẩn quanh với chồng con và những bản vẽ. “Tuyệt đối không một tiếng ồn, không tạp âm, dị vật nào được chào đón ở đây. Tôi khoanh vùng cuộc sống ở Somerset chỉ vừa đủ để sống vừa với chồng con – những người yêu thương nhất của tôi. Không điện thoại, internet, không gì cả, 3 ngày mỗi tuần. Chỉ có tôi, tình yêu, và những ý tưởng được hình thành trong bầu không khí vô nhiễm ấy. Chỉ ở một bầu không khí như vậy, tôi mới có thể toàn tâm nghĩ đến những chiếc váy cô dâu tinh khiết, một dòng nước hoa được chắt lọc tinh chất từ trong tư tưởng thanh tịnh toàn phần.”

Cùng lúc, ở nửa đầu cán cân đa nhân cách ấy, Alice ngả theo xu hướng internet hóa các hoạt động PR của nhãn hàng. Temperley London đang dần loại bỏ những buổi diễn để trưng bày hình ảnh trên internet, và Alice còn đang tìm nhiều phương tiện khác để thay thế một buổi diễn theo kiểu catwalk truyền thống. Chính tinh thần này giúp nàng vượt qua giai kỳ khủng hoảng kinh tế một cách tự tại và khôn ngoan nhất.

“Tôi có thể sống được trong một cái bong bóng, hay một cái âu bằng kính. Tôi cần một người đồng sự đủ tâm tri kỷ để bảo bọc mình khỏi mọi cọ xát với khía cạnh tài chính hay hành chính gì đó của công việc, và cả đời sống nữa. Tất cả mọi thứ diễn ra quá nhanh, và tự nhiên, như cách một quả bóng tuyết lăn lăn và to phình ra vậy. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra, tôi bần thần ngồi trong cái âu bằng thủy tinh của mình ngó ra, không ý thức được gì ngoài việc một đại gia bán lẻ nào đó đang nợ ngập đầu sa lầy phá sản. Tôi không tìm thấy trong cấu tạo gene của mình một mảnh nào cho phép tôi hiểu biết chút gì về cuộc đại chấn thê thảm này. Những cửa hàng nhỏ bắt đầu mất khả năng thanh toán, một số đóng cửa. Tôi chỉ còn cách từ chối bán hàng cho bất cứ ai không trả tiền ngay lập tức. Nhưng chính Lars mới là người đã đi qua hỏa ngục ấy thay tôi.”

Và ngay giữa cuộc suy thoái, như một động thái sáng suốt cho Temperley kết nối với thị trường trung tầm rộng lớn hơn, nàng tung ra dòng nhãn Alice by Temperley “Luôn là một cảm giác tích cực khi bắt tay làm một cái mới, trong khi mọi thứ xung quanh đang sụp đổ. Sẽ còn là một năm bão tố, và con thuyền mới này, dưới bàn tay hoa tiêu của Lars, sẽ đưa chúng tôi an toàn vượt khỏi vùng tâm bão.”

Câu chuyện cổ tích màu ivory

Mỗi thứ Bảy, Alice tiếp đến khoảng 15 cuộc hẹn với các nữ thân chủ đang mấp mé ngưỡng hôn nhân. Các cô dâu tương lai tìm đến với Temperley luôn tìm kiếm một cái gì đó “không như kiểu váy cưới thông dụng hoặc truyền thống, nhưng vẫn mang nét thiêng liêng, hơi bất thường, nhưng không giống một cái bánh kem nhân cô dâu.”

Và đó cũng chính là công thức ma thuật của những bộ váy cưới Temperley. Mặc nhiên với dàn thân chủ hoàng thân quốc thích, sự ưu ái của giới thảm đỏ showbiz, hay những ngợi ca của báo chí, Alice Temperley vẫn không lớn lắm khỏi cô bé tay cầm kéo to cắt xoẹt vào chụp đèn thập niên 20 và nhuộm tóc như trái bí đao – cô nhỏ bất toàn. “Tôi không cho rằng có nhiều người ngoài kia nhìn nhận tôi như một nhà thiết kế. Tôi hành xử khác lắm. Cứ nhìn vào những chiếc váy cưới như phục chế từ đầu thế kỷ trước, người ta cho rằng tôi lãng mạn vô cùng. Thật ra, so với tất cả những gì bềnh bồng lô xô và lóng lánh của giới thời trang áo cưới, thì tôi chỉ là một bà giáo khắc khổ dạy môn lịch sử, với đôi chân đặt vững dưới đất chớ không bay bổng giữa mây đăng-ten.”

Bước vào thế giới thời trang, như chính phong cách Thanh giáo khổ hạnh nhị sắc trắng đen của mình, Alice thật ra vẫn là cô nhóc 11 tuổi ở vườn táo Somerset, nghiện phim đen trắng, nhảy waltz trong bếp, giả đò mình là Marlene Dietrich hay Ginger Rogers. “Tôi ngán tận họng việc người ta dán mác cho thiết kế của tôi là trường phái bohemien, chỉ vì những nét váy flapper và tinh thần 1920 trong những chiếc váy cưới. Được thôi, thế là tôi dấn thân sâu hơn nữa, với hình hài Victoria, hay dòng hippie 1970 cho mùa hè 2011. Rồi xem, tôi sẽ minh chứng, những vẻ đẹp đó đã bất hủ đến nay, và rồi chúng sẽ không bao giờ lỗi thời. Những con số thập niên đi cùng chỉ có tác dụng gợi nhắc một thời kỳ, nhưng trường phái thẩm mỹ ấy là bất biến và vô hạn. Đó, theo tôi là điều quan trọng nhất cho một chiếc váy cưới. Chúng không nên cổ lỗ, nhưng sẽ không là những món vật quá hợp thời chỉ để vài năm sau đó, người ta phải ngượng ngùng vì vẻ quê mùa lạc mốt khi xem lại những tấm ảnh cưới.”

Thế là cô thôn nữ nước Anh chơi cuộc chơi của mình, từ Lolita đến Cleopatra, từ Grace Kelly sang Marie Antoinette, hay Jane Eyre đến ả mèo giống Gaulois bé bỏng Vanessa Paradis.

Giữa cuộc du hành vượt thời gian nhoay nhoáy như vậy, váy cưới nhà Temperley còn lại cho mình một dấu ấn gì đặc biệt? “Tôi thích làm ra những chiếc váy xinh, tinh xảo, màu trắng hoặc ivory kinh điển. Chúng trông yêu kiều nhưng thiêng liêng như một món hồi môn xưa cũ, nhưng không bệ vệ, trịnh trọng và dọa nạt bất cứ ai về gia thế hay độ kệch cỡm của nữ chủ nhân. Quan trọng hơn hết, nó giống như một bức tranh minh họa cho một câu chuyện cổ tích trang nhã với kết thúc có hậu, dù cô dâu có là nàng thủ thư khắc khổ, hay một nữ tài phiệt lang sói dữ dằn đến cỡ nào. Hôn lễ chính là ngày họ hoàn thiện tròn đâỳ câu chuyện cổ tích của riêng họ. Vậy, hãy hồn nhiên chọn mặc vào một chiếc váy trắng.

Alice lạc vào xứ sở khùng điên

Với tất cả những nỗi ám ảnh đầy màu sắc văn chương và sử học ấy, khó có thể hình dung tinh thần Temperley giữa một tuần lễ thời trang, và Alice tuyệt vọng vào vai của mình giữa khung cảnh nháo nhào mộng mị của một Wonderland. “Quả là nền công nghệ thời trang thế giới đã cho ra đời một đám đông hoảng loạn. Tôi có lạc lối thật, giữa cuộc đại hội phù hoa ấy. Như cô Alice lạc vào xứ sở khùng điên, tôi gặp không ít ả phù du ngạo mạn, những tay lập dị tham ái và loạn ngôn. Trời ơi, làm ơn thức tỉnh, chúng ta thiết kế ra thời trang, và đó không phải là một bộ môn khoa học. Chúng ta không bào chế thuốc cứu người, và càng không đang bảo vệ trái đất.”

Temperley không là một thế lực thương mại khét tiếng, nhưng bằng một tinh thần rất riêng, nàng hồn nhiên như một nhà truyền giáo tuẫn tiết, thiết lập cả một đế chế âm thầm. Tròn 1 thập niên sau sự ra đời của Temperley London, người ta nhận thấy làn sóng các nhà thiết kế trẻ và độc lập của nước Anh, lẳng lặng phục chế lại một tinh thần đế vương thuần chủng, ngạo mạn trên cả lối sống nô dịch thương hiệu, tác tạo ngay trên những chiếc máy may cổ lỗ trong mọi gian bếp, phòng ngủ, hay studio tự tạo dưới gầm garage. “Ngày nay, các celebrity trở thành các tông đồ khai sáng, và các nhãn mác thời trang là một thứ tôn giáo mê cuồng. Rập khuôn theo các tên tuổi lẫy lừng nhất, thật khó cho một nhà thiết kế trẻ để độc lập khởi sự mà không thúc thủ đầu quân cho một thánh đường lừng danh nào đó.”

Trào lưu nô dịch hàng hiệu có thể được nhìn thấy ở bất kì đâu, đặc biệt tại những thị phần chú trọng vào giới trẻ – những kẻ nông nổi, nhạy cảm với mọi trò khích tướng của các đấng cường quyền thời trang, từ tạp chí đến nhãn hàng. “Các phu nhân Anh quốc ở tầm tuổi tôi lại may mắn coi mix-and-match là một lối chơi tao nhã. Trong khi các tín đồ mới nhập môn say sưa rập khuôn theo hình mẫu celebrity, và đồng loạt nhuộm highlight, mặc jegging, dẫm bừa lên slimheel và hô hào thông điệp toàn dân cùng cá tính. Đâu đâu cũng thấy môi và ngực, thật thiểu não làm sao.”

Một người Anh chuyên chính và chủ thuyết của Temperley

Ngay từ khi mới thành lập, giữa những catwalk lẫy lừng của thời trang Anh, Alice điềm nhiên tung ra bộ sưu tập ngô nghê tự tại như một bài đồng dao cổ, với những chiếc váy thôn nữ thời thượng, tươi tắn lẫn uẩn mặc hương xưa.

So với bây giờ, có lẽ các tín đồ nhà Temperley đã có phần trưởng giả trang đài hơn hình hài đầu tiên ấy. Một phần do cuộc tấn công dồn dập của các tiểu thư nhà Middleton, và cũng bởi những tháng ngày Alice trải qua các cuộc chọn lọc đến hơn 300,000 hình ảnh đậm chất hoài cổ cho cuốn sách True British: Alice Temperley: “Sau một thập niên, người ta sẽ nghĩ nhiều hơn đến tủ quần áo của khách hàng, hơn là những ám ảnh vị kỷ sắc màu thẩm mỹ cá nhân. Thực hiện cuốn sách cũng là dịp để tôi đường hoàng nhìn lại 10 năm, những nơi đã đi qua, những trạng thái cảm xúc, cái cách mà tất cả hiển hiện như một biểu đồ khúc chiết, từ đó mà biết mình sẽ còn làm những gì về sau.” Và hẳn nhiên, ở đoạn cuối bảng biểu đồ thời cuộc ấy, người ta thấy hiển hiện tinh thần vương giả cầu kì trong tình hữu hảo của nhà thiết kế quân phiệt và hai tiểu thư nhà Middleton.

Cuốn Alice Temperley: Người Anh Chính Thống, đã có cho mình một tựa để chuẩn xác chân phương, đầy cao ngạo cục bộ như chính tên gọi Temperley London: tôi, và tinh thần nơi tôi sống, tất cả đã quá đủ cho một thái độ thời trang. Alice Temperley công nhiên tỏ lòng tôn ngưỡng các thẩm mỹ và lối sống truyền thống. Và như bản năng của đàn bà tính, nàng ưa nhìn về quá khứ để bói toán tương lai: “Làm một dân Ăng-lê đòi hỏi một sự can trường thực thụ, và tôi là một người ái quốc chuyên chính.”

Nhưng giữa một đại cục thời trang Anh quốc đương đại, với trào lưu chiết trung và cuộc tiêu khiển với họa tiết của những người Anh-mới, Alice vẫn không lạc lõng mà khôn ngoan ngồi vào chiếc ngai vintage chí tôn, quây quanh mình là những tín đồ thượng lưu hoài cổ. “Công nương và tiểu thư thứ nữ nhà Middleton, cả hai đều duyên dáng và khả ái – một dòng dõi Ăng-lê ưu tú hẳn hòi. Họ cho tôi một làn hơi trong mát giữa cuộc khuynh đảo làng thời trang của những diva showbiz từ nước Mỹ. Đây là các cô gái Anh chính tông, những vị đại diện tuyệt hảo cho thời trang và đẳng cấp nước Anh.”

Cuốn True British thoạt tiên đã là một dự án cá nhân, khi mà Alice và Lars cùng muốn nhìn lại một quãng đường dài tròn 1 thập niên của Temperley London, họ lôi ra những tư liệu, các phác thảo, và những hình ảnh cũ. Quá trình sắp xếp tích nhặt đã xâu chuỗi thành một cuốn sách hoàn chỉnh, một chủ thuyết hoàn hảo cho mệnh đề quân chủ của người đàn bà mang họ Temperley.

Vậy chủ thuyết đó là gì? Alice trả lời: “Đàn bà tính thuần túy, những giá trị thẩm mỹ bất hủ, trường phái chiết trung, không phải ngượng ngùng chùn tay trước mọi tiểu tiết cầu kì, hoa văn thêu, nền văn minh của nghệ thuật trang trí, và những gì mềm mại nhất. Với dòng hàng chủ lực, đó là những thiết kế cho dạ tiệc của quý bà, dòng thường nhật điệu đàng cho các tiểu thư son rỗi, và dòng cưới cho các tân nương kiểu cách sành điệu, tất cả được quy đồng thống nhất về một chủ thuyết đó, qua mọi mùa và mọi trào lưu.”

“Tôi chưa bao giờ cố để hợp thời hay gây sốt trào lưu. Không hẳn bởi bất cần, mà vì kết cục duy nhất của hợp thời là lỗi thời.”

Đó cũng là một thứ di sản mà cô Temperley ở Notting Hill muốn gửi lại cho thế hệ designer hậu duệ của nước Anh “Cứ thật thà với bản chất, đam mê hay thông điệp sẽ tự khắc hiển hiện trong tinh thần của thiết kế, hay bất cứ tạo vật gì bạn làm ra. Đây là một quá trình đòi hỏi cô lập, độc lập để được thuần khiết hoàn toàn. Đừng lắng nghe bất cứ ai.”

Quả vậy, với Alice, và với F, nếu thời trang là tôn giáo, thì thiết kế là lời xưng tội thật thà nhất. Người ta không thể đọc thuộc lòng lời xưng tội do kẻ khác viết nên.

Cũng chính với chủ thuyết này, Temperley London trở thành thánh đường của mọi tín đồ thấu đáo tinh thần vintage.

Bản tân cổ giao duyên của smartphone và Filofax

Đầu năm nay, Alice lại đường hoàng bắt tay với hãng văn phòng phẩm Filofax tung ra một bộ sưu tập không thể “Temperley” hơn, tôn vinh một lối sống tưởng như lạc thời giữa thế giới như một tổ ong lầm than rào rào tiếng bàn phím, nhoay nhoáy smartphone và tablet. Bộ sưu tập “Your Life in Your Hands” nhắc nhớ người ta đến một thế hệ của chị em nhà Bronte, những trang viết tay, các món văn phòng phẩm tinh tế – một dấu ấn đặc thù của Alice Temperley.

“Tôi ưng hợp tác với các hiệu truyền thống Anh quốc, như nhà Filofax, và cả nhà làm khăn lụa nổi tiếng Twinings nữa. Tôi bị mê hoặc bởi lối sống của những bữa tiệc trà thanh nhã, huyền thoại Earl Grey từ Trung Hoa vượt biển đến Âu châu. Vậy là tôi chọn các họa tiết in trên khăn lụa là những thành phần của món trà Earl Grey: cam bergamot, tinh dầu, những cái lọ sứ đời Minh, v.v… Thế là tôi có món trà thượng hảo hạng Twinings Tea!”

Như một nhãn hàng tri kỷ, những cuốn sổ tay của Filofax kết hợp với thiết kế của Temperley trở thành một món cocktail hoàn hảo giữa tính chức năng, lối sống công danh xưa cũ đầy thi vị, và thẩm mỹ cầu kỳ nhưng tuyệt nhiên tinh tế của một vật phẩm xa xỉ hương xưa. Chúng được kết đính trang trí với ren, những đồng xu cổ và loại da bọc thượng hạng. Thiết kế The Guinea (đồng ghi-nê cổ) là một món vật hữu dụng và tinh xảo đủ để mang từ văn phòng đến dạ tiệc. Trong khi đó, thiết kế The Affair (cuộc tình) là tuyệt phẩm dành riêng cho các quý cô làm công việc sáng tạo, lấy từ kinh nghiệm sử dụng của chính Alice – cũng là một thân chủ trung thành của Filofax, để lấy cảm hứng từ tư duy thiết kế nội thất, một tiểu thư phòng tuyệt mỹ chứa đựng các bản giấy khổ A5, lí tưởng cho việc ghi chép lẫn kí họa phác thảo. Các phiên bản hạn chế của những cuốn sổ tay này, ngoài các món văn phòng phẩm được đính kèm bên trong, còn có những công thức nấu ăn của vua bếp Ăng-lê Mark Hix, một mảnh thư nhỏ kiểu rỉ tai mách lẻo về những hội chợ, các quán café, tiệm sách, điểm đến ưa thích, và thậm chí cả bài tập yoga của chính Alice Temperley!

Và như thế, mỗi nữ chủ nhân đủ duy mỹ để sở hữu một phiên bản Temperley for Filofax sẽ nghiễm nhiên được chào đón vào một phong cách sống tao nhã, như một tri kỷ của Alice Temperley.

Ai nói người Anh chuyên chính không dân chủ và thân thiện, đương nhiên, ở mức giá 400 bảng Anh?

Lời cuối cùng từ nhà sáng tạo “Sự nghiệp, đó cũng là một khía cạnh của cảm xúc, nếu không là nơi mà cảm xúc được dung dưỡng mãnh liệt nhất. Nó cần những sản phẩm có cảm tính và mang dấu ấn cá nhân hơn. Những dòng thủ bút, những nét phác thảo tay, cảm giác của làn giấy thượng hạng trượt bên dưới ngòi viết, đó là tầng tối cao của thú xa xỉ thượng lưu.

Smartphone có thể có chức năng notebook, thế thì một cuốn sổ tay sẽ có ngăn đựng smartphone. Dung hòa hoàn hảo, phải không nào?”

TIPS BOX

Chiếc váy cưới hoàn hảo:

Chồng tôi muốn lấy tôi làm vợ từ hồi chưa nhìn thấy cái váy cưới. Tôi tin chắc các vị hôn phu khác đều vậy. Đương nhiên nên là chiếc váy biết ca tụng tối đa mọi lợi điểm hình thể của tân nương. Một chiếc váy cưới hoàn hảo nên cho cảm giác rằng cô dâu đang thư giãn và hưởng thụ hạnh phúc.

Chiếc váy cưới đáng nhớ nhất:

Là váy cưới của chính tôi! Tôi đã thử tự vẽ 3 phác thảo khác nhau, rồi chọn ra chiếc mình ưng ý nhất. Chúng đều điểm những tảng ren thêu kiểu thời Victoria, những mảnh cườm mang hơi hướm flapper thập niên 1920s, và đính những hạt trân châu tôi túc tắc gom nhặt giữ gìn như báu vật từ hồi còn nhỏ.

Chiếc váy cưới của bà thân mẫu:

Mẹ tôi lấy cha tôi, mặc chiếc váy hoa, làm lễ trong khu vườn miền nông trang.

Lời khuyên cho những đôi uyên ương trẻ?

Cười, thật thoải mái. Bảo bọc cho nhau. Và luôn thành thật.

Bài hát lí tưởng nhất cho một đám cưới:

Bản “Smile” của Shirley Bassey.

 

Julia Đại Đóa & tình sử 3 chương

Túy Ca

Có những giai nhân trở thành thần tượng chỉ vì một màu mắt, một tỉ lệ vàng, hay một đôi gò nhân tạo phập phồng gay cấn. Còn nàng, nàng vĩnh viễn ghi dấu trên thánh đường nhan sắc cine với chỉ một nụ cười thỏa thuê cực đại.
Ngô nghê tuệch toạc, thậm chí hơi tồ với đôi chân sếu trong đôi boots gái giang hồ Mã Nhật Tân, như bộ khung lỏng khỏng để nâng đỡ một nụ cười “Ultrabrite” đỏ thắm công suất 1,000 watt. Nàng không vân vi đầu mày cuối mắt, nàng toe toét cười dưới mái tóc xù rối beng, thế là Richard Gere, Elvis Presley và cả thế giới gọi nàng là Người Đàn Bà Đẹp, còn các sếp sòng làng cine thế giới thì trả nàng tàn tàn cỡ 15 triệu bảng nếu muốn đóng dấu răng môi người đẹp lên bộ phim của mình.

Bằng một cách nào đó, sự nghiệp lần lượt khoác lên nàng những vai diễn về cô gái bên lề hôn nhân với đôi chân đủ dài để vọt lẹ thoát thân khi chỉ còn vài bước trước bàn thờ Chúa. Từ My Best Friend Wedding, cho đến Runaway Bride. Nàng như cô sếu vườn mải miết vào vai tháo chạy ra khỏi những chiếc váy dài màu trắng, nàng chạy miết, qua vụ kết hôn xí hụt với Kiefer Sutherland, cuộc lửa hương chóng vánh với lãng tử đồng quê Lyle Lovette,… cho đến khi nàng ngừng lại, và làm tất cả để không bỏ chạy khỏi cuộc vợ chồng gian nan đang vào hồi hấp hối. Đó là chưa kể đến tay bạch mã hoàng tử thời vụ thoắt ẩn thoắt hiện mang tên Patric, mà mỗi sự xuất hiện của chàng lại ghi dấu một lần dang dở của nàng với… người đàn ông khác.
Cuối cùng, như trong scene cuối của My Best Friend’s Wedding, nàng vẫn là cô nàng trong chiếc váy phù dâu màu tím lavender, kiên cường ngồi lại trong một tiệc cưới đã đến hồi ly cốc đổ.
Có tồn tại thật chăng, những người đàn bà không được Chúa tạo ra để làm vợ? Có tồn tại thật chăng, một chương kết có hậu cho mọi cô gái trễ đò? Và kịch bản dang dở cuộc đời giai nhân với nụ cười đại đóa còn chưa viết trọn 3 chương.


CHƯƠNG 1. CHUYẾN ĐÒ XÍ HỤT VỚI KIEFER SUTHERLAND

Lần rắp ranh khăn gói sang sông đầu đời của nàng đã có thể là đám cưới trữ tình nhất thập niên, với tân nương Julia Roberts 23 tuổi và nam thần màn bạc Kiefer Sutherland. Nhưng bởi đây là Hollywood, chẳng phải thiên đường, nên 150 khách mời thuộc hàng thượng tầng danh vọng đã tề tựu tại phim trường 14 của 20th Century Fox, được dựng tái hiện một thứ vườn địa đàng thủ công. Nhưng ngay khi mà các tay phó thợ chỉ vừa kịp dựng giàn dây leo hoa mỹ, trải những thảm cỏ xanh thì đã nghe tiếng hô “Cắt!”
Những đơn đặt hoa được hủy bỏ, hãng thịt Marcondas Meats cũng tẽn tò chung số phận, tiệm rượu được dặn ngưng chuyển đi những kiện champagne hảo hạng. Khi này, bốn nàng phù dâu vừa mới nhận mỗi nàng một đôi Manolo Blahnik 425USD tiệp màu với những chiếc váy lấy từ tiệm Fred Hayman ở Rodeo Drive. Chiếc váy may đo riêng cho cô dâu, nghe đâu hao tới 8000USD được ra lệnh xén thành váy ngắn, cho mãi về sau vẫn treo như vật vô chủ ở salon của Tyler Trafficante ở West Hollywood. Chiếc bánh cưới, định sẽ có 4 tầng phù hoa diễm lệ, chạm hoa violet lẫn những dải lụa xanh bằng kem sữa mãi mãi không được hoàn thành. Người ta lấy ruột chiếc bánh ra làm đồ tráng miệng. Chỉ riêng chú gà tây nặng 15 pound là hú hồn thoát nạn.
Một kịch bản cine hoàn chỉnh: khách mời cỡ bự, thất tình, thông tin truyền trực và gián tiếp đến dư luận thế giới, và cô dâu tháo chạy thục mạng, v.v…
Ai mà tin được, cô nàng xuất hiện trên mọi cuộc phỏng vấn truyền hình để hò la to và rõ về tình yêu nồng nàn chung thủy của mình sẽ hành xử như một ca đột biến như thế. Chàng hôn phu ngớ ngẩn mất một thời gian để hiểu việc gì đang diễn ra, còn nàng thì hớn hở vô tư tròng vào bộ váy lung tung xòe của Tinkerbell để nhập vai vào phim Hook của Steven Spielberg chỉ vài hôm sau đó.

Kịch bản “Cô Dâu Chạy Trốn”
Chính xác là vào cái ngày Thứ Sáu đen tối ấy, cái ngày định mệnh đáng ra gắn kết họ lại với nhau, lại chính là ngày Sutherland thất thểu dọn đồ khỏi nhà nàng, trong khi nàng ngồi gặm bánh burger ở tiệm Nowhere Café sành điệu cùng kép Jason Patric. Jason xui xẻo lọt thỏm vào vụ đổ bể của đôi uyên ương xí hụt nghe đâu cũng chỉ là một cuộc hẹn hò chóng vánh của Julia trước đây. Vài giờ sau, họ cùng nhau bay đi London, rồi đến Dublin, thuê hai phòng riêng tại khách sạn Shelbourne.

Một nhân viên ở đây mách lẻo với báo chí rằng chiếc nhẫn cưới không còn ở trên tay nàng, còn nàng thì trông rũ rượi với mái tóc te tua nhuộm màu cam kì cục. Hiển nhiên, nếu đây chỉ là một cuộc chạy trốn thế nhân và tìm lại an bằng tĩnh tại trong tâm hồn, thì họ đã thảm bại, hay chí ít là vào nhầm khách sạn. Cả hai lại lẳng lặng dời đi vào sáng hôm sau để gần như biến mất vào vùng thôn dã Ái Nhĩ Lan quanh đấy.

Nhiều người đồn rằng họ đến tị nạn tại nhà tay bass nhóm U2 là Adam Clayton ở gần vùng đó.
Phải chăng nàng lại đang chạy khỏi một cuộc hôn nhân để lại là một nhân tình? Hay nàng chỉ thuần túy tìm khuây khỏa trong vòng tay ủi an của người bạn tốt khác giới và đẹp trai? Người ta chỉ biết rằng chàng kết bạn với chú rể từ hồi cả hai cùng đóng phim The Lost Boys, nhưng chính Kiefer đã xóa tên Jason khỏi danh sách khách mời sau một trận cãi cọ tưng bừng với Julia.

Quá đủ cho vết nhơ bội phản trên trán cô dâu đào tẩu. Nhưng Garry Marshall, đạo diễn phim Pretty Woman, lại lên tiếng khẳng định một điều tối trọng về nàng “Julia như con mèo vậy, luôn đòi hỏi phải được nhận thật nhiều những ôm ấp vuốt ve.”

Gã hôn phu hoang đàng và vị cứu tinh thời vụ
Lại một hôn lễ gây ngạc nhiên nữa của Julia Roberts dành cho dân Hollywood hóng chuyện. Thật ra, có vẻ như sự tan vỡ đã có đầy đủ dấu hiệu báo bão. Kiefer đã có lần lấy cớ đi “nghiên cứu chất liệu” cho vai diễn của mình đã dọn ra khỏi nhà Julia và đến ở trong phòng trọ tồi tàn giá 105USD/tuần tại khách sạn St.Francis, và cặp kè đi đánh billards với vũ nữ Amanda Rice. Rồi khi Kiefer quay về với Julia, thì nàng Rice khai với báo chí những lời không hay của chàng về việc Julia “thiếu tự tin về ngoại hình, thích sở hữu, và kênh kiệu đỏng đảnh từ sau hồi đóng Pretty Woman”.

Julia điềm nhiên trả đũa bằng sự tận tụy yêu chiều tuyệt đối của Kiefer, bằng việc chằng chối đây đẩy việc có quan hệ ái tình với cô vũ nữ biết chơi billards nọ, và cuối cùng là một lễ đính hôn linh đình lễ nghĩa.

Đòn trả đũa của người đẹp rộng miệng chưa thật sự kết thúc. Chỉ 2 ngày sau khi Kiefer tung tăng bay về sau chuyến tiền trạm cho tuần trăng mật như dự định, Julia thẳng tiến ra spa Canyon Ranch ở tận Tucson, dường như để chuẩn bị cho một diện mạo tối ưu cho ngày trọng đại, và kẻ “tình cờ” xuất hiện ở Tucson lại không ai khác, mà chính là Jason Patric. Thế là sau một buổi tối với món piccata gà và yogurt bơ lạc, Julia rời phòng ăn với Patric, trông có vẻ như đang an ủi nàng tận lực.
Và nàng vẫn không trở về L.A. cho đến sau khi tuyên bố hủy hôn (khi này được tạm gọi là “hoãn hôn”) được đại diện cả hai đàng trai gái tung ra. Dân sành chuyện ở Hollywood thì đồn ầm lên việc Julia nhập vai cô dâu chạy trốn đã đơn phương hủy hôn và cho chú rể môt cú nên thân, sòng phẳng vừa phải với vụ vũ công bàn billards trước đó. Tệ hơn nữa, chàng còn không được là kẻ đầu tiên biết về việc hủy hôn, mà nghe báo lại từ bạn bè.

Hội chứng nhập vai
Đương nhiên, đối với Julia, tay đào tẩu chuyên nghiệp, đây không hề là việc “đời người một lần”. Nàng có tiền sử dan díu lưới tình với các tài tử đóng cùng phim, như thể sẻ chia cùng một hội chứng với đồng nghiệp maneater trứ danh Angelina Jolie. Mới 19 tuổi, nàng chung sống với Liam Neeson cùng đóng trong Satisfaction, khi này 38 tuổi. Nàng hủy hôn với anh chồng trong phim Steell Magnolias là Dylan McDermott, 29 tuổi, sau khi đóng chung và phải lòng với Kiefer trong phim Flatliners năm 1990. Một nàng Tinkerbell dư thừa lãng mạn và dào dạt tư chất tình nhân. Nàng yêu chính bản chất của việc yêu và được yêu, còn nhân vật đối tượng có thể tùy nghi thay đổi.

Chính bối cảnh yêu đương lãng mạn của các kịch bản cho phép nàng dễ dàng thả mình vào mọi thể loại lưới tình, trong khi các anh chàng chẳng dại gì xô ra khỏi vòng tay mình Người Đàn Bà Đẹp đang lúc si tình – một nhan sắc được coi là đặc biệt trứ danh thế giới với miệng rộng chân dài và mái tóc rối to xù.

Nhưng một khi được mệnh danh là Pretty Woman trong siêu phẩm cine cỡ bự, với nụ cười trứ danh ngang ngửa Mona Lisa, thì có gì ngăn nàng kiếm chút khỏa khuây an ủi bên ngoài phạm vi màn bạc? “Thành công mà bạn có được trong lãnh vực nghề nghiệp hào nhoáng này có thể chả dính dáng hoặc chi phối hoàn toàn đời sống riêng tư và tình cảm của bạn”, nàng thống thiết thật thà như vậy với tờ Sunday Express.

Hú tim sau chuyến hụt đò
Ngay sau khi Kiefer ly dị vợ cũ, Julia hạnh phúc trưng khoe một chiếc nhẫn kim cương nhức nổ con ngươi, rồi họ dọn về sống chung vào mùa xuân, cùng nhau tuyên thệ tình yêu long trọng bằng một cách khá phổ biến với dân Hollywood là xăm mình. Nàng thửa cho mình một trái tim đỏ chót và kí hiệu Trung Hoa mang ý nghĩa “sức mạnh của trái tim” ngay trên vai trái.
Tháng Hai trước đó, Julia lại được ứng cử giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, trong khi chàng, từ sau vai diễn cùng với nàng, thì vẫn hoàn vô danh trên bước đườn dặt dẹo – một câu chuyện Hollywood điển hình, giữa những bước sải của cặp giò dài bỏ mặc lại sau lưng chàng tài tử yếm thế hận đời. Nàng vun vút leo lên đỉnh cao cát-sê đến 7 triệu Mỹ kim cho vai diễn trong Renegades, trong khi vị hôn phu đóng cùng phim chỉ nhón được một xấp cỡ 2 triệu rưỡi toẻn hoen, nhưng cũng đã hơn gấp đôi mức cát-sê thông thường của chàng.

Nàng đào tẩu để trả đũa cay nghiệt? Chàng quá chênh lệch và xa vắng trong hao quang của nàng? Cô nàng bộc trực với khuôn miệng biết cười kiểu tỏa nắng ấy cuối cùng chỉ quá lãng mạn tang bồng để tiến quá gần ngưỡng cửa hôn nhân.
Dường như cả hai người trong cuộc cũng chưa có câu trả lời, liệu hôn lễ xí hụt là điều đáng tiếc, hay một cảnh báo kịp thời đã phát huy hiệu quả.

Nhưng một thực tế cho thấy đó là một điều hợp lý chính là việc cả hai đều sống tốt khi không có nhau, và ngay tức thì tìm riêng cho mình một cuộc tình thay thế. Kiefer được đặt vào tình thế hoặc lớn lên cho nhanh, hoặc là chết. Còn người quản lý cũ của Julia là Bob McGowan thì khẳng định “Julia là cô nàng phổi bò, có vẻ nông cạn và bồng bột, nhưng thừa nhạy cảm để cắt đứt mọi chi tiết thừa thãi hay vướng víu trong cuộc đời mình. Cô ấy phải có khả năng làm thế muốn mãi giữ sự bồng bột vô ưu ấy trong cả tâm hồn lẫn thần thái.”
Một cách thông thái và chuẩn xác, lời nhận xét của McGowan đã trịnh trọng tống lên trán Kiefer mảnh giấy vuông vức ghi to và rõ dòng chữ “Đồ Bại Trận!”

CHƯƠNG 2: LÃNG TỬ ĐỒNG QUÊ MANG TÊN LOVE(TTE)

Chỉ tròm trèm đôi ba năm sau chuyến đò hụt, thay cho một kịch bản hôn lễ huy hoàng, nàng đột ngột lên xe hoa trong hôn lễ dã chiến, chân trần tóc xõa, ngời ngời hạnh phúc bên chàng ca sĩ đồng quê. Tại đám cưới mộc mạc nhưng ngập tràn hạnh phúc ấy, chàng đã hát cho nàng một bản country có cái tựa lê thê “Em Có Nghi Ngờ Chuyện Chúng Mình Sinh Ra Là Để Cho Nhau?”. 21 tháng sau, nàng mới trả lời rằng: “Có!”

Hôn lễ dã chiến của hai bại binh ái tình
Họ gặp nhau tháng Sáu năm 1993, đều thất thểu bước ra từ hai cuộc tình rách rưới, nàng với cuộc dan díu chóng vánh cùng Jason Patric, và chàng với người tình lâu năm Allison Inman. Họ cưới nhau tức thì trong một hôn lễ giản dị chỉ sau 3 tuần gặp gỡ. Chàng hớn hở tuyên bố “Tôi như được cứu rỗi, tôi thấy an bình và vững tin. Đó là nhờ khả năng biết chính xác điều mình muốn và quyết đoán tức thì. Không có gì để cân nhắc nữa, chúng tôi quả là sinh ra cho nhau. Tôi biết một ngày nhìn lại, tôi sẽ vẫn thấy đây là một quyết định đúng đắn hoàn toàn” Còn nàng thì say sưa “Mỗi khi tôi nói chuyện với chàng, hay nhìn ảnh chàng, hay chỉ cần suy nghĩ về chàng, tôi lại thấy mình mới khôn ngoan và may mắn làm sao, vì đã chọn người ấy làm chồng.”
Thế là họ chóng vánh thề nguyền trước bàn thờ Chúa, rồi chỉ một ngày sau đám cưới, nàng trở về phim trường The Pelican Brief, chàng tiếp tục tour lưu diễn. Và mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy, như thể họ chưa bao giờ kết hôn. Trong suốt cuộc hôn nhân đầu đời của mình, nàng tiếp tục đóng I Love Trouble, Ready to Wear, Mary Reilly cho đến Game of Love, trong khi chàng ca sĩ country cũng miệt mài đường thiên lý.

Họ sống riêng, và mỗi bận gần nhau không quá được một tuần. Nàng ở New York, chàng heo hút chốn điền trang vùng Texas. Họ cố gắng xem đó như một cuộc hôn nhân bình thường “Chúng tôi thức dậy, dùng điểm tâm, chàng đi làm và tôi cũng vậy. Chúng tôi về nhà vào buổi tối và hỏi thăm nhau về công việc trong ngày. Mỗi khi tranh thủ ở được bên nhau, chúng tôi hể hả giới thiệu với mọi người chung quanh đây là chồng, là vợ. Và chúng tôi ngỡ vậy là đủ.”

Lại một cơ hội nữa cho Jason
Cuối cùng, lịch trình của mỗi người cũng cho phép họ cùng ở New York vào cùng thời điểm. Mỗi người sống tại một khách sạn, giao du với bạn bè riêng của mình. Vài ngày sau, vào đúng dịp kỷ niệm một năm ngày cưới, họ lại mỗi người mỗi nơi, nàng vào phim trường I Love Trouble, chàng hoàn tất album I Love Everybody. Bốn tháng sau paparazzi chụp được cảnh chàng rời phòng khách sạn cùng nữ ca sĩ country Kelly Willis suốt hai đêm liền. Vài tuần sau, người ta lại thấy cảnh Julia gục đầu tâm sự trên vai người tình thời vụ Jason Patric ở ngay Công viên Trung tâm. Trước đó, nàng đi Malibu giỡn sóng với Richard Gere, lúc này mới ly thân.

Và từ một câu chuyện cổ tích, họ bước vào một kịch bản phổ cập của những cặp đôi thảm đỏ. Tại một bữa tiệc, khi nghe hỏi “Julia đâu rồi?”, chàng uể oải trả lời “Cô ấy… cô ấy ở khắp mọi nơi”
Ngày mà cả thế giới run rẩy trước hình ảnh Tom Hanks lên nhận giải Best Actor cho phim Forrest Gump, chàng nhìn xuống người vợ 7 năm của mình và nghẹn ngào “I love you”, thì Julia Roberts, vắng mặt đêm trao giải Oscar, lại đang âm thầm chuẩn bị một vụ tiếng tăm đình đám theo một kiểu rất khác: nàng quyết định tuyên bố ly thân, trong khi chàng ca sĩ đồng quê tội nghiệp còn nằm nhà thương vì gãy xương trong tai nạn motor.
Đức tin cổ tích kết thúc có hậu cũng kết thúc tại đây.
Ngày họ tuyên bố ly thân, chàng nhốt mình trong nhà cả ngày ở Texas, trong khi nàng ở London, chào đón ngày độc thân trở lại một cách bình thản như mọi ngày, có chồng hay không có. Nàng đang hoàn tất phim Mary Reilly, nàng rất bận.
Còn chàng, tiếc tục độc hành đường thiên lý, đành AQ tinh thần “Nhạc country thì phải buồn, chẳng ai thèm nghe bạn kể lể mình hạnh phúc vui vẻ ra sao đâu. Ít nhất là từ giờ tôi lại có thể sáng tác tốt.”

CHƯƠNG 3: NGƯỜI HÙNG ĐƯƠNG NHIỆM DANNY MODER

Sau nhiều năm mỏi mòn hôn các chú ếch mà vẫn không thấy hoàng tử nào xuất hiện đủ lâu, nàng Julia khi này đã 36 xuân đặt mọi kì vọng vào tay cameraman Moder nhỏ hơn mình 1 tuổi khi âu yếm gọi chàng là “gã khổng lồ của tình sử Julia”. Nhưng sự nổi tiếng đã quay lại chơi khăm nàng khi chính các thành viên trong gia đình chàng khổng lồ cục cưng nọ không tỏ ra hào hứng lắm với việc chào đón siêu minh tinh này vào gia phả nhà Moder.

Nàng dâu lắm trò
Hẳn nhiên, dấu ấn tội đồ nàng đã mang phải từ khi đặt chân vào đời chàng như một kẻ cướp chồng người, và dù cho Moder có mệt mỏi khẳng định tái hồi rằng Julia chưa bao giờ là lí do của cuộc hôn nhân thất bại với người vợ cũ Vera, mọi cố gắng tỏ ra thân thiện nhu mì của nàng dâu oan nghiệt này vẫn tiếp tục va phải sự ghẻ lạnh của dòng họ Moder. Nàng xuất hiện trên khắp mặt báo, toe toét nụ cười nổi tiếng, mặc chiếc áo thun ghi dòng chữ “A Low Vera” (Vera Hạ Tiện) như một lối chơi chữ của từ “aloevera” (cây lô hội).

Vera là một chuyên viên trang điểm có mức thu nhập bằng 1/10 của 1/100 mức thu nhập siêu hạng của Julia, nên Julia sốt ruột huỵch toẹt đề nghị số tiền 2 triệu USD, bao luôn mọi chi phí luật sư để ly dị chồng và Danny mau mau thuộc về nàng.
Vậy là nàng đã thu xếp ổn thỏa cho mình tấm chồng của cuộc tình đầy sóng gió như ý. Nhưng nàng vẫn còn thiếu thốn lắm. Nàng hắt ra lời tâm sự não nề vào buổi chiếu ra mắt phim Nụ Cười Mona Lisa “Tôi không muốn sống một mình, và thế là phải đối mặt với bi kịch” – như một lời tổng kết hoàn hảo cho mỗi người phụ nữ lao đao bên bờ vực hôn nhân.

Ngày Bruce Willis ca bản “Một Lũ Khùng”
Danny Moder và Julia Roberts kết hôn vào ngày 4 tháng Bảy, 2004, tại trang viên của nàng tận Mễ Tây Cơ. Tất cả đều được giữ bí mật tuyệt đối, kể cả với 60 khách mời, lơ ngơ xuất hiện vì tưởng đó chỉ là một bữa tiệc thôn trang mừng ngày quốc khánh Hoa Kỳ.
Cả một ngày dài họ tụ tập chơi bóng đá, nướng thịt ngoài trời, với Julia cố nài các bạn thức chơi đến tận nửa đêm. Họ ngồi rải rác mệt nhoài trên những băng ghế gỗ quanh ngôi nhà bằng gạch từ thế kỷ 19. Nến và lồng đèn Trung hoa được thắp lung linh, thiên hạ bắt đầu hồ nghi, rồi vỡ òa khi Roberts và Moder tiến ra. Dưới vòm hoa được kết bằng những cánh hồng thôn dã, Danny quỳ một gối trước Julia, khi này đang lia lịa chấp thuận một cách hào hứng đến sốt ruột: “Vâng, vâng, vâng!”

Nàng diện bộ váy bằng cotton hồng thêu những hạt cườm cổ xưa của Judith Beylerian, đầu cài vòng vương miện đính những hạt thủy tinh được cắt gọt thô sơ bằng tay và ngọc trai, trong khi vị hôn phu xúng xính như một chú chihuahua diêm dúa và can trường trong sơ mi đỏ tía bồng bềnh bèo nhún của Beylerian mặc với quần tan pants. Họ trao nhau lời thể được viết tay trên mảnh giấy con, trước vị chủ hôn, than ôi, cũng là luật gia riêng của Julia là Barry Hirsch.
Và rồi họ khiêu vũ dưới bầu trời sao trong âm nhạc của Sade lẫn Bob Marley đến tận 2 giờ sáng, để rồi tiếp tục tiệc tùng kéo dài tận này hôm sau. Bruce Willis tới muộn và góp vui hai bài country ngộ nghĩnh mang tên Chó Tru và Một Lũ Khùng (Hound Dog và Chain of Fools).

Sự lúng túng của “phụ tá máy B” giữa tâm điểm spotlight
Họ gặp nhau, lúc nàng đang đóng cặp cùng Brad Pitt, trong khi chàng Danny Moder điển trai không kém chỉ khiêm tốn đứng ở vị trí tay quay trợ thủ. Vậy mà Julia tài tình thoát khỏi lời nguyền về các cuộc dan díu với bạn diễn để rơi vào lòng tay “phụ tá máy B”. Mối tình làm lu mờ Brad Pitt ấy không hề là một cái tội, nếu tay phụ tá máy B nọ chưa hề kết hôn 5 năm với nàng chuyên viên trang điểm Vera Steinberg, còn chính Julia lúc này vẫn ngấp nghé vực hôn nhân cùng cuộc tình với tài tử Benjamin Bratt.
Người đẹp tồ chống chế “Anh ấy bảo cuộc hôn nhân đã thất bại, tôi thì tôi tin ngay sau bữa tối đầu tiên của chúng tôi với nhau.” Nhưng chỉ nàng Vera và gia đình Moder là đoan chắc rằng người chồng sa ngã đã bị điều khiển bởi mụ đàn bà tóc xù nổi tiếng lăng nhăng, đã xỏ xâu được một lô lốc những Liam Neeson, Dylan McDermott, Keifer Sutherland, Jason Patric, Daniel Day-Lewis, Richard Gere cho đến Matthew Perry. Nàng là một điển hình maneater với vòm miệng tham lam không từ thủ đoạn.

Người duy nhất mang họ Moder đứng về phía Julia cũng là một người đàn bà ngoại tộc – mẹ của Dany. Bà Patti rộng lượng đã nhắm mắt khi 59 tuổi bởi một cơn suy tim, ngay trước khi có tin Julia và con trai bà lại rậm rịch chia tay. Dòng họ Moder lại thêm một lần nữa tuyên án Julia vào tội ngộ sát, thậm chí chính Danny cũng bị đại gia đình cô lập và tẩy chay ngay giữa đám tang người mẹ. Chính điều này lại vô tình gắn kết chàng với Julia khắng khít hơn bao giờ hết.

Sau hôn lễ kín đáo và lãng mạn ở dinh thự của nàng ở New Mexico, anh chàng cameraman mới thật sự nếm mùi chia sẻ vầng sáng hiếu kì cùng người phối ngẫu nổi tiếng. “Tệ nhỉ,” nàng thơ tóc xù nói thẳng với đấng phu quân mới, “đáng lẽ anh phải lường trước mọi chuyện vào ngay cái lúc anh cả quyết tiến đến hôn nhân cơ chứ, và trong đó, có cả những tay phóng viên ảnh nữa. Trọn gói về tôi là thế, anh đã có điều anh muốn thì đừng phàn nàn về những thứ đính kèm. Tôi vẫn là Julia mà anh từng biết, cùng tất cả những hệ lụy toái phiền để biến cô Julia ấy thành Cô Julia Roberts Vĩ Đại. Vợ anh là một người đàn bà nổi tiếng, hãy học cách hân hoan chấp nhận điều đó đi.”

Cuộc chiến “gánh xiếc Julia” chống lại “bà cô bên chồng”
Đỉnh điểm căng thẳng xảy đến vào khi người cha 67 tuổi của Danny tái hôn. Sau một thời gian dài bị ghẻ lạnh bởi nhà chồng, Người Đàn Bà Đẹp xuất hiện miễn cưỡng tại hôn lễ, bị bao vây bởi những người họ hàng nhà chồng đầy định kiến và thù địch. Dĩ nhiên, rating nhà chồng lên vùn vụt từ khi có nàng dâu tiếng tăm, hội báo giới chen chân hòa vào cùng các khách mời của bữa tiệc, chứng kiến cảnh các chị em của Danny hằn học tố tội Julia lợi dụng sự kiện này để khuấy rating cho bản thân. Chị gái của Danny là Jyl cay nghiệt tuyên bố: “Cô ta xuất hiện ở đâu là cứ như có gánh xiếc ở đó. Cô ta thích như thế, còn tôi thì phát lợm giọng. Rồi ai đó cũng phải đặt cô ta vào đúng chỗ của mình chứ, nếu không ai làm thì để tôi làm”. Còn Julia lại cho rằng chính Jyl chứ không ai khác đã bán rẻ thông tin đời tư của mình cho báo giới như đòn thù vặt kém cơ.
Nhưng nàng nhận ra rằng mọi chuyện vẫn chưa đủ tồi tệ cho đến khi Danny kiên quyết muốn duy trì liên lạc với vợ cũ. Những cuộc cãi vã thường xuyên với mức độ cay nghiệt tăng dần. Cuộc tình mãnh liệt của hai kẻ tội đồ cuối cùng cũng trở thành một hôn nhân xấu xí, Julia cáu tiết: “Tôi tin rằng mình có quyền chọn cho phép những ai bước vào cuộc đời mình, và tôi không chọn Vera. Danny cũng không chọn cô ấy, anh ấy chọn đến với tôi, vậy thì tôi sẽ không đời nào cho phép Vera can dự vào giữa chúng tôi như thế này nữa.” Và nàng càng tin tưởng hơn và phép màu cứu rỗi của một đứa con chung – điều mà Vera chưa bao giờ làm được cho Danny.

Nhưng Julia không ngờ chính nàng cũng chia sẻ với Vera khó khăn đó: nàng không dễ thụ thai. Nàng kiên trì theo đuổi các đợt trị liệu, với hi vọng y học sẽ cứu rỗi hạnh phúc hôn nhân của mình và đứng về phe nàng trong cuộc chiến chống bóng ma Vera. Julia chưa bao giờ tỏ ra tuyệt vọng, nàng kiên định đến ngô nghê: “Rồi xem, không chừng sang năm tôi sẽ mang thai, bằng bất cứ giá nào!” Điều này khiến nhiều người ngờ rằng xác suất xin con nuôi chiếm khá cao trong mọi khả năng, kể cả với sự can thiệp của y học.

Hiệp định hòa bình và Cô-Julia-Có-Tất-Cả
Đây là lần Cô Dâu Chạy Trốn kiên quyết bắt cuộc hôn nhân phải liền lạc và hạnh phúc bằng mọi giá. Nàng nghiến răng nhịn nhục các chị em bên chồng, thậm chí còn hào phóng đãi họ chuyến bay tới New York để có mặt tại bữa tiệc sinh nhật bất ngờ dành cho Danny.
Chàng xúc động tâm sự rằng “giây phút nhìn thấy Jyl đứng đó, tôi hiểu Julia đã phải thỏa hiệp đến mức nào để bảo đảm hạnh phúc tuyệt đối cho một cuộc hôn nhân lý tưởng giữa hai chúng tôi. Cả Jyl cũng trở nên dễ chịu hơn, như thể có một hiệp ước ngưng bắn giữa hai người vậy.”
Về phần nàng Mona Lisa tóc xù, một thỏa hiệp phi thường khác để minh chứng tư cách làm vợ là việc chủ động tránh né giới truyền thông và chỉ nhận một phim trong cả năm là bộ phim Mona Lisa Smile với Danny làm đạo diễn hình ảnh.
Nàng xoa tay phỉ mãn “Vậy đó, giờ thì người ta nhìn vào và sẽ nghĩ: Julia Roberts, cổ cuối cùng cũng có tất cả!”
Và quả vậy, hơn cả sự mong đợi, cặp song sinh Hazel và Finn ra đời khỏe mạnh năm 2004 dù phải sinh non, và cậu út Henry vào năm 2007 dường như đủ để “cổ cuối cùng cũng có tất cả!”

Người đàn bà còn lại trước gương
Nàng hể hả, và điên cuồng cả quyết, bằng cả sự ồn ào của khuôn miệng ngoại cỡ, không ngừng say sưa tuyên bố về hạnh phúc hoàn hảo mà mình có được.
Trong khi giới nhạy tin vẫn đều đặn nghe những tiếng rạn vỡ lọt ra từ tổ ấm đôi uyên ương nhiễu sự, và thi thoảng lại nghe chuyện Danny tuyên bố với gia đình về một cuộc li hôn sớm muộn gì rồi cũng lại xảy ra, trong khi Người Đàn Bà Đẹp mỏi mòn níu giữ chiến thắng héo hon của cuộc hôn nhân “ăn cả, về không” phi nghĩa.

Cô gái giang hồ trong cuộc tình cinema bất hủ Pretty Woman ngày nào giờ đây đã đường bệ vào vai “đào mụ” trong bộ phim Mirror Mirror ngớ ngẩn. Người ta không khỏi xót xa cảnh nàng u buồn nhìn xoáy vào bóng mình trong gương, nụ cười huyền thoại của Người Đàn Bà Đẹp chỉ còn lưu dấu những khắc vạch cay nghiệt của thời gian quanh khuôn miệng từng một thời chói chang tỏa nắng.

Thế rồi nàng lại thủ diễn bên cạnh Javier Bardem trong phim Eat Pray Love, và rồi lại nghe tin đồn họ nhập vai hơn cả khi có mặt đạo diễn và ống kính máy quay. Nhắc đến máy quay, thì ắt nhiên, mối thâm giao mới mẻ giữa Julia và Javier cũng không thể nằm ngoài phạm vi lia ống kính của đám paparazzi lẫn chàng cameraman Danny Moder của nàng.
Người ta e ngại rằng một khi cuộc hôn nhân tan vỡ, hoặc Julia vĩnh viễn cự tuyệt sự mong manh phi nghĩa của giá trị hôn nhân, hoặc nàng sẽ vong thân vào la liệt những anh chồng thời vụ, hồn nhiên đạp gót lên thứ từng làm nàng hãi sợ, khốn đốn và khổ đau nhất.
Nàng đã Yêu, Nàng đã Cưới, và bây giờ, người ta Cầu Nguyện cho Nàng.

ả di-gan xuyên thế kỷ

Túy Ca

Nếu chỉ là một diva với vẻ đẹp phù thủy và mái tóc huyền, có lẽ ngôi sao sự nghiệp của Cher đã tàn lụi từ sau cuộc chia tay với người tình huyền thoại Sonny. Nhưng ngay cả khi những diva hậu duệ lần lượt rời bỏ bầu trời sao trong hình hài suy kiệt, thì người đàn bà 66 tuổi ấy vẫn đều đặn dậy sóng showbiz: “Sự nghiệp tôi giống như trò xe điện đụng trong công viên. Tông vô bức tường thì tôi lại trở lui quẹo sang lối khác, ôi, tôi tông cả tá bức tường đủ loại. Nhưng tôi chưa bao giờ ngừng lại. Có lẽ đó là thứ chìa khóa quyền năng duy nhất của tôi: không bao giờ dừng lại”

Sonny & Cher – cặp đôi du mục

Có thể nói chàng tài tử điển trai Warren Beatty đã “mở hàng” tình ái khá mát tay cho cả cuộc đời hồng nhan lừng lẫy của Cher sau này, từ khi nàng mới 16 tuổi.

Cho đến giờ, nhìn ngắm nàng trên sân khấu, diễm lệ hay lòe loẹt với những bộ thiết kế quá trớn kiểu Bob Mackie, người ta vẫn không khỏi nhắc nhớ đến bản I Got You Babe mùa hè 1965 đã làm nên danh tiếng của nàng chỉ qua một đêm, ca khúc mà từ đó, sàn nhạc thế giới đã có cho mình một cặp song ca hippy hàng đầu Sonny-and-Cher. Họ gặp nhau khi nàng 16, chàng 27 và còn có tên là Salvatore Bono, và cùng nhau họ dẫm chân lên mọi nẻo đường thiên lý của showbiz, đầy đủ mọi cú hit lẫn những cú thất bại nên thân.

Họ cùng nhau hát vòng quanh thế giới, liên tiếp ghi điểm các cú hit để đời và xuất hiện trên mọi Tvshow đắt rate nhất của thập kỷ. Thoát khỏi hình ảnh một-nửa-kém-vía của cặp đôi huyền thoại, Cher làm mọi cách để trở nên trội bật hơn bên cạnh người tình-bạn diễn của mình. Nàng trở nên hoạt bát với những lời tuyên bố táo bạo rất chiều lòng công chúng trẻ chỉ chực làm loạn cuối thập niên 60. Với mái tóc mây đen thẫm, cặp mắt huyền luôn được tô đen, và chất giọng thổ khàn khàn, Cher có vẻ đẹp hương xa, nửa Đông phương huyền bí, nửa gypsy tiến bộ, khiến nàng được xem như một biểu tượng phong cách của thời kỳ dành cho các cô nàng choai choai bụi bặm, mắt quầng thâm hanh hao sau những đêm đi hoang “đốt cỏ”.

Cũng chính vào thời kỳ này, Cher trở thành vị đại sứ lăng-xê mốt quần palazzo ống loe về sau làm nên sóng gió thời trang toàn cầu đến mãi tận cuối thập niên 1970, cùng nững chiếc váy maxi hoa văn Mường Mán – thủy tổ của trường phái boho đến nay đã hình thành một dòng phong cách thời trang riêng biệt của những tín đồ thế kỷ 21.

Đó cũng là khi Sonny rút vào vị trí nhà sản xuất bên ngoài vùng sáng và Cher độc chiếm tầm ngắm spotlight với những album solo đặt nàng lên vị trí một trong những nghệ sĩ solo sáng giá nhất Hoa Kỳ thập niên 60, dẫn lối cho sự nghiệp truyền hình và điện ảnh của nàng.

Người đàn bà không mang họ

Sau vài cú tung bomb màn ảnh cine, Sonny and Cher bắt đầu tỏ ra lạc thời với dòng nhạc dễ nghe, trữ tình và quá đỗi lành mạnh cho những trào lưu đen tối, phù hợp hơn cho lối sống đốt cỏ đập đá liên miên của giới trẻ lúc bấy giờ. Các bộ phim Sonny sản xuất cho Cher cũng liên tiếp bồi thêm cho họ những cú thất bại thảm thương về tài chính.

Họ cùng nhau du canh đến lãnh địa truyền hình và ra mắt show truyền hình đầu tiên mang tên The Sonny and Cher Nitty Gritty Hour – một món cocktail lộn xộn vui tai vui mắt của thoại hài, tiểu phẩm trào phúng và ca nhạc. Với chương trình này, họ trở thành ứng viên cho 15 giải Emmy Awards. Ở tư cách hiện tượng truyền hình Mỹ, Sonny và Cher tái xuất sàn nhạc và lại ghi điểm hit oanh liệt với All I Ever Need Is You năm 1971 và A Cowboy’s Work Is Never Done năm 1972.

Lượng người xem rầm rộ khẳng định cú đánh bạc ăn may với lãnh địa truyền hình của họ đã nhắm trúng hướng. Bé gái Chastity Bono ra đời, như viên kẹo long lanh trang trí trên đỉnh một chiếc bánh kem ái tình viên mãn.

Năm 1975, sự nghiệp hoàng kim được đẩy lên đến đỉnh điểm bằng một thứ đòn bẩy mang tính nguyên tắc, chiến lược và quy luật của showbiz: scandal lộ hàng. Cher trong bộ cánh hơi hướm nữ hoàng Ai Cập do Bob Mackie thiết kế, với phần váy tụt trễ quanh xương chậu, khiến mỗi cú chuyển hông của kiều nữ mắt khói đều mang một nỗi đe dọa hân hoan với chiếc váy luôn sẵn sàng trượt khỏi vùng bụng phẳng để rơi không kìm hãm xuống tận cổ chân.

Chưa bao giờ trước đó trong sự nghiệp, một album hay một show truyền hình có thể mang lại cho Cher nhiều hàng tít trên các thể loại báo chí đến vậy. Được đà thắng thế, Cher liên tiếp xuất hiện với những bộ cánh ngày càng khiêu khích hơn. Những năm tháng tiếp theo đó là sự bành trước tuyệt đối của danh tiếng và phong cách Cher, cùng lúc với cuộc hôn nhân vào hồi rời rã với Sonny.

Nàng nghiễm nhiên trở thành ngôi sao sáng giá, trong khi chàng lu mờ trên màn ảnh, và lại bấp bênh trong vai trò nhà chiến lược gia đình.

Sonny và Cher chính thức ly dị. Chỉ 3 ngày sau, Cher kết hôn với tay nhạc sĩ Gregg Allman. Đây cũng là khi nàng giã từ những tình khúc hiện sinh trong sáng lãng mạn bao năm song ca cùng chồng cũ và quăng mình vào dòng nhạc rock, khi này đang được giới trẻ hoan nghênh hồ hởi hơn hẳn so với những bản tình ca. Ngoài bé trai Elijah ra đời một năm sau đó, họ còn cùng nhau cho ra đời album Two the Hard Way không mấy thành công. Một đứa trẻ, một album ế và 2 năm sau, Cher lại ly dị.

Năm 1978, nàng chính thức “biên tập” tên mình, thẳng tay ngắt bỏ mọi thứ thừa hưởng từ người cha tài xế xe tải, cha dượng và hai ông chồng. Thế là từ Cherilyn Sarkisian La Piere Bono Allman, nàng chỉ còn vỏn vẹn độc một tiếng Cher để định danh.

Disco, Rock, và cánh bướm tội lỗi

Năm 1979, Sonny and Cher hát bên nhau lần cuối trong The Mike Douglas Show với hai bản United We Stand và Without You. Về sau này, họ còn gặp lại nhau một lần nữa trong TV show đình đám của Letterman năm 1987.

Sau cuộc tái ngộ đáng nhớ ấy, Cher giã từ những tình khúc đầy màu sắc trữ tình thôn dã của một thời với Sonny và những bản rock lạc thời của ông chồng sau, nàng lập tức buông mình vào đại dịch disco và lại ghi điểm lẫy lừng, với bộ phục trang Viking thiếu vải trong shot ảnh bìa single Take Me Home. Ngay sau đó, album Prisoner, Cher lại xuất hiện hầu như hoàn toàn khỏa thân, mình quấn xủng xoảng xích nhợ. Cú ghi bàn trúng đích, các hội đoàn quyền phụ nữ la ó nàng ủy lạo thứ hình ảnh phụ nữ trong hình hài nô dịch, điều này đồng nghĩa với việc Cher trở thành celebrity ồn ào, đa sự và thành công nhất của thời kỳ.

Thoăn thoắt đón lỏng gout nghe nhạc thất thường của đám thanh niên hoang mang của nước Mỹ, Cher chỉ lưu chân lại lãnh địa disco không lâu. Với bản Bad Love như nụ hôn tạm biệt disco, Cher quay sang với rock, cùng cả một bộ sậu ban nhạc lấy tên Black Rose, cặp bồ với tay guitar Les Dudek và ra mắt một album thua bét nhè ngoài thị trường băng đĩa. Nhóm nhạc và cuộc tình tan vỡ vào năm sau đó.

Không đủ thời gian để thậm chí biến mất hay tỏ ra trầm cảm, Cher lập tức trở tay lái trực chỉ miền đất đã từng không chào nón nàng nồng hậu cho lắm – điện ảnh. Liên tiếp sau đó là 5 năm của sự nghiệp màn bạc rực rỡ, những vai diễn sáng giá và các giải thưởng danh giá, cho đến khi Cher tái xuất sàn nhạc vào cuối thập niên 80’s cùng album Heart of Stone, thân mình khoác tấm lưới trong veo, khoe hình xăm con bươm bướm thật oai trên mông. Khi này, việc xăm mình là một việc hoàn toàn xa lạ ngay cả đối với các ngôi sao chịu chơi nhất xứ Hoa Kỳ. Các kênh truyền hình ngán ngẩm từ chối phát hình video ca nhạc này của nàng, MTV lưỡng lự mãi mới dám rụt rè phát sóng vào sau 9 giờ tối. Nhưng 11 triệu bản album Heart of Stone được lập tức bán hết vèo trên toàn thế giới, và được mang ra ngắm nghía vào bất cứ giờ nào trong ngày.

Ngôi sao danh vọng muộn màng cho ông nghị Bono

Một ngày tháng Giêng 1988, khi đang ở London, Chastity đánh thức Cher dậy với một câu nói “Ba chết rồi!” Sau này cô con gái duy nhất của cặp đôi huyền thoại còn kể lại rằng “chưa bao giờ thấy mẹ tôi ngã quỵ và khóc thảm thiết như vậy”. Khi này Sonny và Cher đã ly dị được gần 23 năm.

Cher tức tốc trở về Mỹ, hình ảnh nàng nức nở mụ mẫm được tải đi trên sóng truyền hình khắp thế giới “đây là một điều tôi không cho rằng một ngày sẽ nguôi khuây”. Mãi 10 năm sau đó, vào 1988, cặp đôi huyền thoại Sonny & Cher được đặt ngôi sao mang tên họ lên hành lang danh vọng Hollywood Walk of Fame. Cher đến cùng phu nhân cuối của Sonny là Mary Bono, người thay mặt phu quân quá cố đón nhận ngôi sao danh vọng.

Không lâu sau cái chết của ông nghị Bono, FBI có chứng cứ cho rằng thật ra, Sonny đã bị đánh bằng gậy đến chết do nắm giữ các thông tin có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và vũ khí.

Tâm sự với tờ Vanity Fair, Cher cho biết chính Sonny đã nhìn thấy trước cuộc chia tay một khi tình nhân bé bỏng đã đủ đầy lông cánh “Một ngày rồi em sẽ bỏ anh ra đi. Em sẽ sống tiếp ngon lành và làm nên những điều vĩ đại.”

“Giá như anh ấy đừng quản lý tôi một cách chặt chẽ đến khắc nghiệt như thế, có lẽ tôi đã không ra đi”, Cher hơi tỏ ra hối tiếc khi nhắc lại chuyện cũ. “Với anh ấy, tôi như con ngỗng đẻ trứng vàng hơn là một cô vợ… Tôi tha thứ cho anh ấy, tôi nghĩ vậy. Anh luôn làm đau tôi, anh hơn là một người chồng – anh là một người chồng tồi, nhưng một người dẫn dắt tuyệt vời, một người thầy!”

Kiện tướng môn lái phi công

Tuy được biết đến như nàng thơ của chuyện tình bất diệt Sonny&Cher, Cher cũng có cho riêng mình một tình sử lẫy lừng với những người đàn ông, những vị vua, và nhất là các chàng trai kém tuổi – điển hình cho gout tình vị thất thường của nàng.

Dẫu khoảng cách pháp lý giữa 2 cuộc hôn nhân trong đời nàng chỉ là 3 ngày, nhưng về sau, Cher còn tiết lộ rằng giữa khoảng thời gian của 2 người chồng, nàng còn tranh thủ được một cuộc phong nguyệt chóng vánh xí hụt với Elvis Presley khi biểu diễn tại Las Vegas. Dẫu sao thì đó cũng chỉ là trò tán tỉnh vô hại (theo lời kể của Cher) đã được dừng lại đúng lúc khi nàng từ chối theo Elvis lên phòng.

Trong cuộc nói chuyện với chương trình Good Morning America, quý bà đa tình này đã tống tộc kể không chỉ về vụ đòng đưa với vua rock ‘n’ roll, mà cả với Marlon Brando, mà thời lượng lẫn phạm vi hoạt động của cái gọi là mối tình chỉ được giới hạn trong một chuyến bay. Danh sách nhân ngãi của những năm 80 hoang đàng còn có thêm Tom Cruise lẫn Val Kilmer, nhà sản xuất phim Josh Donen, Rob Camilletti – chàng thợ làm bánh 22 tuổi mà nàng gặp gỡ vào sinh nhật 40 của mình, họ sống bên nhau suốt 3 năm sau đó “Các mối tình của tôi thường kéo dài được vài năm. Cứ hễ tôi dính dấp tới một người đàn ông nào thì những anh chàng khác cứ vây lấy tôi, và ngay khi tôi độc thân trở lại thì hơn một nửa trong đám đó biến mất không sủi tăm. Đàn ông mê đàn bà đa tình thì là chuyện đương nhiên, nhưng bạn thấy đấy, không phải tay gà mái nào cũng có gan sở hữu một người đàn bà như vậy.”

Sang đầu hập niên 90, Cher giã từ phi công nướng bánh và lại dậy sóng tình với tay guitar của Bon Jovi là Richie Sambora trong hai năm. Trong suốt cuộc dan díu này, nàng vẫn đều đặn đánh đu tiên với Eric Clapton, Mark Hudson và tài tử Ray Liotta. Năm 2009 lắng dịu với độc một tay đua 38 tuổi là Tim Medvetz, và 2010 nổi bật nhất là mối quan hệ với nhà biên kịch Ron Zimmerman.

Ngoài một vài điểm nhấn sáng giá trong chiều dài tình sử, phần số đào hoa của Cher vẫn ứng nghiệm với các chàng phi công trẻ bị hút như thiêu thân vào sức rù quyến của quý bà có vẻ đẹp của một nữ phù thủy hoạt hình. Khi tham gia thủ vai chính mình trong Stuck On You, Cher đã thích thú với trò đùa của kịch bản khi mô tả nhân tình của nàng là một cậu nhóc trung học do Frankie Muniz thủ diễn. Quý bà lẳng lơ hôn người tình trẻ, nhắc chàng ngủ sớm “vì còn bài kiểm tra môn Vật Lý sáng mai”. Nàng nhún vai “có thể có một chút cường điệu về độ tuổi, chỉ để vui thôi. Nhưng những chàng trai trẻ, họ cố gắng nhiều hơn để tỏ ra xứng đáng với một quý bà, và lòng quả cảm đó khiến họ xứng đáng được đối xử như những người đàn ông trưởng thành hoàn hảo. Cuối cùng thì tôi không đi tìm độ tuổi của người đàn ông để yêu đương cho phù hợp. Điều quan trọng là độ tuổi của chính tôi mà họ cho tôi cảm nhận khi ở bên họ. Những chàng trai khiến tôi thấy mình trẻ trung hơn, thay vì phải trịnh trọng như một quý bà. Tôi không quan trọng họ là ai, làm nghề gì, danh giá cỡ nào hay bao nhiêu tuổi, tôi chỉ quan tâm đến việc tôi cảm thấy gì khi ở bên anh ta.”

Barbie Vĩnh Cửu và những cuộc hành xác li kỳ

Cher được các tín đồ tán tụng ngưỡng mộ không chỉ bởi khả năng biến hóa để “bao sân” trọn gói mọi hoạt động trong lãnh vực giải trí, khẩu khí nửa hài hước nửa bất cần, vị trí tiên phong của mọi trào lưu ăn mặc, tình sử rối rắm lâm li, mà còn bởi vẻ trẻ trung thách thức thời gian của nàng.

Có thể nói, Cher và Dolly Parton chính là hai tín đồ tuẫn tiết nổi tiếng nhất của ngành dịch vụ giải phẩu thẩm mỹ. Nhưng trong khi Dolly Parton ngày càng giống một cô búp bê cổ đại bằng vải nhàu nhĩ nhưng diêm dúa, thì Cher thành công hơn với việc duy trì phong độ nhan sắc trong những lần xuất hiện “bằng xương bằng thịt” trên sân khấu, trước ống kính theo dõi khắt khe của báo giới.

Cuối thập niên 90, tờ National Enquirer tung ra chùm ảnh của Cher chụp trong suốt hai thập kỷ, với một chuyên gia giải phẫu thẩm mỹ chỉ ra mọi phương pháp phẫu thuật đã được áp dụng chỉ riêng trên khuôn mặt nàng trong suốt thời gian này. Kết quả có được là một danh sách dài ngoằng các kỹ thuật cấy ghép từ lạc hậu đế tiên tiến nhất của y khoa, từ chất collagen trên đôi môi mượt mà căng mọng, những lần nâng căng da mặt để triệt tiêu nếp nhăn, kỹ thuật lột da để có được làn da trẻ con, và vô số những từ chuyên môn dễ làm rùng mình dân ngoại đạo. Nhìn vào loạt ảnh, người ta nhận ra việc Cher đã khéo léo thay đổi khuôn diện của mình trong suốt một thời gian dài với các bước được thực hiện rải rác cách quãng để xóa nhòa thành công vẻ đẹp sơn cước man dại hồi thập niên 60, thay vào đó là một khuôn mặt sắc sảo, kiêu kỳ theo lối Anglo-Saxon, đôi mắt mèo xếch ngược ma quái, cặp cánh mũi được cắt gọn, hàm răng được chỉnh sửa hoàn hảo tăm tắp như hàng quân danh dự Hoàng gia, và đôi vòm cong chân mày cao vổng tưởng như sắp chạm tận chân tóc.

Nhưng đó chỉ mới tính đến khuôn mặt, bên dưới chiếc cổ thiên nga cũng kinh qua vài lần nâng căng kéo duỗi là bộ ngực phồng xẹp thất thường theo từng gout thời trang của nàng qua mỗi thời kỳ. Thân hình tuyệt mỹ đến bất thường của Cher là một biểu tượng sống động nhất của sức chịu đựng phi thường của phụ nữ. Nàng có sơ sơ vài lần tháo lắp túi ngực mỗi khi có một kỹ thuật mới được tung ra, từ túi muối sinh lý đến túi silicon dẻo, từ mốt mổ rạch nhũ hoa cho đến trào lưu nội soi thẩm mỹ. Ngoài ra, Cher trải qua cả sự đau đớn của người đàn ông đầu tiên của nhân loại là ngài Adam, bởi nàng cũng từng bẻ đi một dẻ xương sườn của mình vì một mục đích cao cả và thiêng liêng hơn không kém, là có một vòng eo cao và nhỏ hơn. Và hẳn nhiên, cặp mông cũng chia phần trải nghiệm không ít lần tái chỉnh gia cố cho cái sự nõn nường căng mẩy.

Sau một thời gian dài mỏi mòn phủ nhận mọi thông tin về các cuộc phẫu thuật thẩ mỹ, cuối cùng, Cher cáu kỉnh đáp trả: “Láo toét hết, nhưng nếu tôi muốn cắm một cặp nhũ lên lưng mình thì cuối cùng, đó cũng là bộ nhũ của tôi và lưng của tôi!”

Trên tòa thân thể trứ danh ấy, nàng còn tiên phong với những hình xăm từ khi mốt xăm mình còn được xem là đặc quyền của các phạm nhân. Không hổ danh tín đồ phá luật, Cher trở thành nữ minh tinh Hoa Kỳ đầu tiên đam mê nghệ thuật xăm mình, và đối xử cực kì cẩn trọng với mỗi hình xăm được cân nhắc ghi dấu lên thân thể.

Không như kẻ hậu duệ Angelina Jolie, Cher không mang vẻ huyền bí của một đại tẩu giang hồ nhiều tâm sự. Những hình xăm của nàng không bị cài cắm quá nhiều tư tưởng hiền triết cao siêu về tôn giáo hay tín ngưỡng. Chúng được đối xử như những món trang sức tinh xảo điệu đà được chọn đeo vĩnh viễn lên làn da người đẹp – một thái độ xăm mình mà theo nàng, là một tâm thế nữ tính nhất để đưa mốt xăm mình vào thế giới thời trang một cách thuyết phục và đầy “thời trang tính” nhất: tức là không quá nhiều ý nghĩa nhân văn hay thần chú phương Đông, chỉ cần đẹp!

Trong lệ bộ xăm trổ của Cher, trứ danh nhất vẫn là hình bướm hoa khá to trên mông, một sợi dây mảnh tinh xảo quanh bắp tay trái, treo tòn teng ba món bùa hỏ: chữ thập Ai Cập cổ, thánh giá và trái tim, chữ kanji mang ý nghĩa quyền lực trên vai phải, một cụm họa tiết Art Deco trên cánh tay phải, bông hoa lan đen gần chỗ kín, và một bông cúc Nhật trên cổ chân trái.

Vài năm gần đây, thông tin báo chí lại cho biết rằng Cher đang lên quyết tâm… tẩy cho bằng hết các hình xăm trên cơ thể. Một số hình ảnh trong các show diễn gần đây của Cher cho thấy nàng đã thành công tẩy xóa một vài hình xăm cỡ nhỏ. Cher giải thích “hồi tôi xăm mình, chuyện đó còn được coi là ngầu lắm, chỉ có các cô gái hư thứ thiệt dám xăm mình là Janis Joplin, đám gái đua xe, và tôi. Còn giờ thì nó chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Ngày trước, đối với tôi, khi xăm mình lần đầu sau khi chia tay Sonny, điều đó cho tôi cảm giác thật sự giải thoát, một dấu ấn thật sự. Còn bây giờ, xăm mình thành trò trẻ ranh.”

Đàn-bà-hơn-cả-đàn-bà và thần nữ của tín đồ đồng tính

Nhắc đến diva của dân đồng tính, dân nghe nhạc thế hệ 80’s trở về sau thường nói đến ngôi Đồng nữ Madonna. Nhưng từ rất lâu trước đó, và bền bỉ cai trị cho đến tận bây giờ, thần nữ của thánh đường đồng tính thật sự vẫn luôn thuộc về Cher – người mà các thủ pháp phẫu thuật thẩm mỹ đã mang lại cho nàng một sự hào nhoáng kiểu cách, những điệu đàng phù phiếm quá tay cho phép nàng đàn-bà-hơn-cả-đàn-bà với chất giọng thổ trầm đục của đàn ông, và một thân thể gần như nhân tạo, đến mức không ít thế hệ fan âm nhạc lớ ngớ về sau nhầm tưởng nàng là một ca chuyển giới.

Nàng được fan âm nhạc đắm say, các giáo dân thời trang ưa chuộng, nhưng cộng đồng thật sự tôn ngưỡng Cher một cách tha thiết và ồn ào nhất là cộng đồng gay. Cũng chính họ là nhân tố tôn vinh nàng lên mọi ngai vàng ‘dân lập’ của giới showbiz, bên cạnh những giải thưởng danh giá về điện ảnh hay âm nhạc. Trước cả Đồng nữ Madonna, Cher đã và mãi đến tận bây giờ vẫn là người đàn bà hiếm hoi được yêu bởi những nam nhân cầu kì này.

Để được một xã hội gồm toàn những giám khảo khắc nghiệt với khiếu thẩm mỹ cầu kỳ đến vậy đồng lòng yêu quí tôn vinh trên toàn thế giới, đó chính là ngai vàng nhan sắc và phong cách tối cao mà không phải minh tinh làng giải trí nào cũng đạt được.

Trong suốt 4 thập niên, giữa những rừng sao non rồi sao tàn sao rụng, Cher tồn tại và tỏa sáng như thách thức mọi quy luật đào thải cay nghiệt của ngành công nghệ giải trí. Không chỉ với sự trợ giúp của dao kéo thẩm mỹ, mà còn là một sự vận động đáng nể của con thiêu thân tuẫn tiết nhất của ánh đèn sân khấu. Nàng luôn thoăn thoắt đổi thay, nàng di chuyển liên tục, thắng và bại, nàng hippie và rồi nàng lại rock, nàng tấu hài trên sóng truyền hình và nàng đắm đuối với tình ca Mễ Tây Cơ, nàng lập dị gothic rồi có lúc đỏm dáng với pinup phục hưng,… nhưng nàng luôn vận động, thoăn thoắt, và dòng vận động ấy bảo vệ nàng khỏi mọi cú trượt chân khỏi bầu trời showbiz đã sẵn dư thừa sao sáng. Mỗi dòng nhạc, lãnh địa hay phong cách thời trang của Cher là một tuyên ngôn khác của sự tự do tận cùng vô ưu nhất, nàng tham lam ham hố với mọi cuộc thử sức xa lạ, không chùn chân trước mọi nguy cơ của cơn mưa đá dư luận sẵn sàng xả vào bất cứ bộ hình hài quá tay nào, hay một bộ phim thất bại, một album không bán nổi vài ngàn bản. Và với chính sự an nhiên trước dư luận ấy, cùng với phong cách đàn-bà-trên-cả-đàn-bà, Cher trở thành hình mẫu hóa thân của một lực lượng đông đảo các tín đồ chuyển giới.Sự xuất hiện của Cher trong vai người đàn bà đồng tính trong phim Silkwood, cuộc hạ cánh vào lãnh địa nhạc dance và các hoạt động xã hội về nhân quyền của nàng trong những năm gần đây lại càng khiến cái tên Cher khắc sâu hơn trên đài vinh danh tối cao của cộng đồng gay thế giới.


Đòn chơi khăm của nghiệp mệnh giáng xuống giai nhân mắt huyền khi đứa con gái đầu lòng là Chastity Bono trở thành một trong các tín đồ của nàng, tuyên bố đồng tính và đổi tên thành Chaz Bono khi mới 17 tuổi. Cher thú nhận với báo giới sự đau đớn, nỗi sợ hãi và cảm giác tội lỗi như thể chính con gái mình đang trở thành hậu quả bởi hình tượng của người mẹ không-biết-đánh-vần-từ-sợ. Nhưng mất không quá lâu để nữ hoàng đồng bóng lấy lại tinh thần, chấp nhận lựa chọn của Chaz, và tuẫn tiết hơn nữa trong những tuyên ngôn, hành vi đấu tranh cho quyền bình đẳng của dân đồng tính. Nàng trở thành diễn giả cuồng nhiệt và sáng giá nhất tại cuộc hội nghị Phụ Huynh, Gia Đình và Bằng Hữu của Người Đồng Tính toàn nước Mỹ.

Năm 1998, Cher được vinh danh với giải thưởng GLAAD Media Award dành cho cuộc đấu tranh chống kỳ thị giới tính của bà, năm 1999, Cher vẫn nghiễm nhiên đứng vào danh sách 25 quý bà sành điệu nhất thế giới do The Advocate bình chọn. William J.Mann, tác giả cuốn Gay Pride: A Celebration of All Things Gay and Lesbian ca tụng rằng “Chúng ta rồi sẽ vẫn điên cuồng nhảy nhót với nhạc của Cher tại những hộp đêm thời thượng nhất ngay cả khi nàng 90 và chúng ta 60 tuổi. Cứ chờ mà xem!”

Trong cuộc bình chọn top 10 Thần Tượng Đồng Tính, dù đa tình và vẫn giữ ngôi vị kiện tướng môn thể thao chăn phi công trẻ, Cher vẫn bảo toàn ngôi vị nữ vương. Jimmy James tuyên bố “sau đại thảm họa toàn cầu, tất cả những gì còn lại sẽ là lũ gián và Cher.” Nhân vật Jack McFarland của serie truyền hình nổi tiếng về đồng tính giới Will & Grace cũng chọn Cher là thần tượng, và nàng được mời thủ diễn chính mình trong serie bất hủ này. Lần đầu vào năm 2000, Cher xuất hiện và Jack tưởng nàng là một trong những tín đồ đồng tính của Cher, và lần xuất hiện năm 2002, Cher trở thành Chúa trong giấc mơ về Thiên Đàng của chàng gay nổi tiếng McFarland.

Nghiệp mệnh của thần nữ Gay Diva

Trong khi bà mẹ trứ danh còn đang mải ca múa trước triệu triệu tín đồ đồng tính, hô hào cho khái niệm bình đẳng giới cho giới tính thứ ba, vinh danh niềm kiêu hãnh đồng tính, thì chính cô con gái đầu lòng Chastity, kết quả mối tình lớn với Sony Bono, đã không thể đối mặt với những kỳ thị xã hội Hoa Kỳ đương đại vẫn giành cho một người đồng tính nữ. Mọi thứ trở nên nặng nề hơn sau khi cô tuyên bố công khai xu hướng tình dục của mình khi mới 17 tuổi. Chastity quyết định đã quá đủ cho sự chịu đựng của mặt trái niềm kiêu hãnh đồng tính, và quyết định trải qua cuộc đại phẫu đau đớn để chuyển đổi giới tính hoàn toàn và trở thành chàng trai Chaz Bono.

Tưởng như những va chạm của quan niệm xã hội nhạy cảm ấy sẽ đầu độc mối quan hệ mẫu tử của Cher và Chaz, nhưng điều kì diệu đã xảy ra. Chính khi nằm bất động trên giường hậu phẫu, lích kích lang cang những ống truyền dịch và những vết rạch xẻ khắp cơ thể, Chaz cho biết anh đã như cảm thấy gần gũi hơn với những trải nghiệm của mẹ ruột qua những cuộc giải phẫu thẩm mỹ. Dẫu với nhu cầu níu kéo thanh xuân để trở thành người đàn-bà-hơn-cả-đàn-bà, hay để một người đàn bà trở thành đàn ông, không chỉ đơn giản là một cuộc thiếp đi trong phòng mổ. Ở tư cách người mẹ, người đồng hành, và Mẹ Cả Vĩ Đại của dân đồng tính toàn cầu, Cher tuyên bố “Chaz đã chọn một con đường khó khăn nhất, nhưng là một lựa chọn mà tôi ủng hộ. Tôi tôn trọng sự dũng cảm của con tôi, bước xuyên qua mọi sự mỉa mai đàm tiếu của dư luận, và dù không thể thấu hiểu, tôi sẽ đấu tranh để thông cảm. Giới tính và ngoại hình, tất cả rồi đều trở thành những thứ có thể bị can thiệp và đổi thay, ngoại trừ tình yêu của người mẹ.”

Nhưng sóng gió của bà mẹ Mỹ điển hình chưa dừng lại ở đó. Ngay khi Chaz đang say sưa thụ hưởng đời sống của người đàn ông thực thụ cùng hôn thê Jennifer Elia và tham gia chương trình Dancing With The Stars 2011, bác sĩ hân hoan báo tin vui – Cher làm bà nội-ngoại!

Đúng thế, cuộc đại phẫu chuyển giới đã không thay đổi “tất cả”, Chaz vẫn âm thầm giữ cho mình chức năng mang thai. Khi quyết định có con, Jennifer được cho là có thể trạng yếu hơn vị hôn phu nổi tiếng nên trách nhiệm được giao cho trụ cột gia đình.

Chaz hạnh phúc tuyên bố trước rằng nếu là một bé trai, đó sẽ lại là một Sony Bono. Cher hoàn toàn thích thú với sự kiện này, với điều kiện duy nhất là không được gọi nàng là “bà”, dù là “nội” hay “ngoại”.

“Nếu sáng mai mà tôi thức dậy trong cơ thể hình mạo một người đàn ông, tôi sẽ chỉ dãy đạp khóc la và cướp ngân hàng kiếm tiền làm lại, bởi tôi sẽ chẳng thể hình dung chính mình là bất cái gì khác – tôi là con gái!”, nàng thậm chí không hay gọi mình là đàn bà.

“Chaz giỏi hơn mẹ nhiều lắm. Tôi sẽ không bao giờ can đảm như con tôi. Đó là một cô gái, à không, chàng trai thông minh. Trời ơi, tôi vẫn lẫn lộn như vậy khi nhắc đến con mình.”

Cuộc chơi chưa đến lúc tàn

Album thứ 23 của Cher mang tên Believe vẻ vang nhận giải Grammy và trở thành dấu son trong sự nghiệp ca hát của nàng. Tháng Ba 1999, bản Believe ghi điểm tuyệt đối trên khắp 23 quốc gia, trở thành album bán chạy nhất trong năm và biến Cher thành người phụ nữ lớn tuổi nhất (khi này 52) ghi điểm tuyệt đối trong lịch sử Hot 100 rock era. Cher trở thành nữ nghệ sĩ duy nhất đoạt solo Top 10 trong suốt các thập niên 60s, 70s, 80s, 90s, và 2000s.

Từ dư chấn Believe, Cher tung ra Living Proof và ngay lập tức lọt Billboard 200 ở vị trí thứ 9 nhưng không vượt qua được sự thành công của Believe trước đó, dù được nghênh tiếp nồng hậu hơn tại Âu châu. Tháng Sáu cùng năm, không nản lòng với kết quả “tạm được” của Living Proof, Cher tuyên bố chọn Living Proof để thực hiện tour diễn giã từ sự nghiệp. Các tín đồ của nữ hoàng tóc mây mắt khói lặng người chờ đợi dấu chấm hết huy hoàng của một sự nghiệp 40 năm không tiền khoáng hậu.

Show diễn gồm cả những đoạn clip từ thập niên 1960s về sau, ghi dấu những bước thăng trầm của Cher trong mọi lĩnh vực, từ âm nhạc, điện ảnh đến truyền hình, loang loáng những diện mạo thay đổi xoành xoạch theo thời cuộc của lệnh bà không tuổi. Từ thời giai nhân sơn cước mắt khói, quần ống loe hippie và mái tóc mây rối, đến hình mạo khôi hài của những clip truyền hình nơi nàng vào vai Cleopatra diêm dúa, thời disco của những mái tóc xịt keo dựng đứng, áo da quần bó, hay những bộ trang phục trong suốt và bó sát của thời kỳ hoàn thiện thẩm mỹ, phô phang thân hình Barbie hồi xuân trong những bộ cánh bị ném đá.

Tour diễn đã thật sự trở thành lời giã từ… dần lân nhất lịch sử showbiz, sau khi ròng rã lưu diễn từ Mỹ đến Mễ, vòng quanh Canada đến châu Âu sang châu Úc. Đến đây, tour diễn được chính thức đổi tên thành Never Can Say Goodbye (Không Thể Nói Lời Từ Biệt). Sự thành công của lời từ giã ồn ào dài hơi ấy khiến Cher lại say máu chiến chinh. Đài NBC phát sóng liên tục chương trình Cher: The Farewell Tour Live và trở thành chương trình đắt view nhất 2003 với 17,3 triệu lượt xem, ẵm về cho nữ hoàng về hưu hụt một giải Emmy Outstanding Variety, Music or Comedy Special.

Album Live: The Farewell Tour được theo đà tung ra, cùng album The Best ăm 2004. Nữ Hoàng Hưu Trí, như mọi dự đoán, như con nghiện sân khấu khó cai, lại tái xuất năm 2008 với hợp đồng 200 buổi diễn trị giá 60 triệu Mỹ kim ký với đại gia Ceasars Palace ở Las Vegas và chấm dứt vào ngày 5 tháng Hai, 2011.

Người ta lại được nhìn ngắm lệnh bà tái xuất trong những bộ phục trang trứ danh của Bob Mackie. Tay viết phê bình thời trang Booth Moore của Los Angeles Times phải thốt lên “thế giới không còn sản sinh những style icon như thế này nữa!” Ngay từ đầu sự nghiệp, Cher đã có cho mình một tư duy giải trí hoàn hảo, khi mà hình ảnh luôn thay đổi đủ bạo tay để dẫn dắt trào lưu. Nàng không leo bảng phong thần top hit chỉ dựa vào số đĩa được ban ra. Nàng là cô Barbie sống, một giấc mơ thời trang sinh động thoăn thoắt dao động giữa danh hiệu đẹp nhất đến tận đáy danh sách những bộ cánh lố lăng nhất từng thấy trên thảm đỏ. Yêu hay ghét Cher, mặc kệ, người ta vẫn phải bất ngờ trước mỗi lần xuất hiện của nàng trong ngót nửa thế kỷ.

Năm 2010, Cher tái xuất màn bạc, rực rỡ trong bomb cine Burlesque cùng bản thu riêng cho bộ phim “Welcome to Burlesque” và ca khúc đầy thái độ “You Haven’t Seen the Last of Me” (Chưa Phải Là Lần Cuối Bạn Thấy Tôi Đâu). Chính ca khúc này một lần nữa ghi điểm tuyệt đối trong US Dance Charts, biến Cher thành nữ nghệ sĩ duy nhất liên tiếp ghi điểm tuyệt đối bảng xếp hạng Billboard trong suốt 6 thập niên. Tháng 10 cùng năm, nàng vĩnh viễn ghi dấu bàn tay trên nền cement trước nhà hát Grauman’s Chinese Theatre ở Hollywood. Hai tháng sau, tờ Glamour trao nàng Woman of the Year Lifetime Achievement.

Năm 2011, khi tin đồn Cher qua đời được tung ra, nàng mau mắn nhờ Diane Warren viết cho mình một ca khúc lấy tên RIP (ngàn thu an nghỉ), rồi tuyên bố trên mạng Twitter sẽ tiếp tục thực hiện một tour diễn vào tháng Chín 2012, mặc nhiên với lời giã biệt thống thiết và dài dằng dặc trước đó của mình.

Chỉ đơn giản là cô nàng hippie 66 tuổi ấy chưa thể dừng chân.

chân dung đại hiệp Prorsum

Trác Thúy Miêu

Bailey biến Burberry từ một đặc quyền của giới thượng lưu trở thành một món thời trang “nóng” ở đỉnh cao thị trường mua sắm, một thứ tuy kiêu kỳ nhưng đầy kích thích chứ không lạnh lùng cao ngạo với những tấm thẻ mòn vẹt của tín đồ trung lưu. Cũng như vậy, với mạng internet được khai thác hoàn hảo, từ một biểu tượng mang nặng thuộc tính Ăng-lê, Burberry trở thành một dấu hiệu nhận biết của giới sành điệu trên toàn thế giới.

Tân vương của thời trang quân chủ

Nếu cái chết bi thảm của McQueen và cuộc lưu vong ô nhục của Big John được xem như những sự kiện đánh dấu ngày lụi tàn của thế hệ các tông đồ haute couture vong thân và bốc đồng văng mạng, thì nền thời trang Ăng-lê lại có phía bên đầu kia cán cân một Christopher Bailey, an vị vô can và kiên cường trong căn phòng làm việc chỉ cách vài phút đi bộ với nơi mà cách đây không lâu, người ta tìm thấy thiên tài quá cố McQueen co quắp trong ngăn tủ.

Không hề ngoa ngôn khi đặt hai tên tuổi này lên hai đầu cán cân của hai thái cực đối lập đến cực đoan. Nếu Lee McQueen và hiệp sĩ râu kẽm Galliano là những đại diện của tinh thần Gothic tân thế hệ, sự cầu kì của tư duy vị nghệ thuật vong thân mâu thuẫn với những tag giá phi thân thiện và sự đìu hiu của mãi lực thị phần xa xỉ, thì nhà Burberry với dấu ấn của Bailey, cũng như tên tuổi Vivienne Westwood lại được biết đến bởi sự sang cả, bảo thủ một cách âm thầm, pha trộn với tính thực tế tỉnh táo đến khắc nghiệt của một đầu óc tài phiệt, kiên định qua những cơn rùng mình kiệt quệ của bức tranh chung buồn rầu của thời trang xa xỉ, được góp phần hủy hoại hoang tàn bởi những nhát cắt, nét vẽ ngông ngạo bạo tay của các vị đạo hữu đồng bóng kể trên. Cả hai vế đều cùng tạo nên một dòng chảy chính thống của thời trang Anh Quốc, chung tay khuynh đảo tổng diện thời trang thế giới.

Bailey ngồi vào ghế sáng tạo tối cao nhà Burberry khi chỉ mới 27 tuổi, và lập tức vung tay biến một tên tuổi đang mấp mé bờ vực trở thành “di sản thời trang” trở về giữa tâm bão thời trang thương mại toàn cầu, với một ảnh hưởng được khôi phục lại trạng thái hoàn toàn sung sức, nghiễm nhiên bước vào giai kỳ thịnh vượng hoàng kim hoàn toàn trái quy luật với những suy thoái thống khổ của tổng diện thời trang xa xỉ toàn cầu.

Tài hoa và mưu trí, không chỉ xuất hiện như một tổng lãnh sáng tạo với những ngón thiết kế hoa mỹ hớp hồn, Bailey sớm minh chứng bản thân là một tay mưu lược xuất thần, khi các nước cờ chiến lược được liên tiếp tung ra hợp lý, kịp thời và chuẩn mực. Từ dòng Burberry Lifestyle Collection được phục dựng thành công, cho đến Burberry Brit – phiên bản dân chủ thân thiện hơn rất nhiều so với Burberry London hay những trò ngông mỗi tuần lễ thời trang của Burberry Prorsum. Cùng lúc, các cửa hiệu độc lập được liên tiếp khai trương tại mọi thánh địa thời trang thế giới, từ tòa building thứ 6 ở Mã Nhật Tân, cho đến dấu triện Anh Quốc ngạo nghễ giữa lòng Đông Kinh – Nhật Bản, và mới đây là vụ nổ “nho nhỏ” lấp lánh hào quang quyền lực Ăng-lê ở trung tâm thánh địa Đài Bắc, cũng chỉ là vài dấu son “khiêm tốn” của đế chế đã phủ sóng hoàn toàn 185 quốc gia trên toàn thế giới.

Cả mạng lưới quyền lực ấy được điều khiển bởi hội sở tối cao đặt tại Westminster, được đích thân Bailey thiết kế từng chi tiết từ kiến trúc đến nội thất, kể cả những tấm rèm cửa cho đến từng kiểu chân ghế. Mọi thứ hoàn hảo, chuẩn mực, sặc sụa một thứ mùi mẽ thanh lịch pha trộn lí tưởng giữa truyền thống Burberry và bản thể một Christopher Bailey. Chính tại nơi đây, từng mẫu thiết kế được làm nên từ khâu phác thảo cho đến mẫu thành phẩm hoàn chỉnh đầu tiên, do chính Bailey soi xét tỉ mỉ đến từng mối chỉ. Một studio riêng để chụp từ mẫu thử cho đến những shot ảnh campaign tối mật. Các đại diện mãi vụ cũng được mời đến tại hội sở Westminster để xem xét từng mẫu thiết kế mới ra lò, lăm le chờ đợi các cuộc dội bomb thị trường. Các cuộc ra mắt sản phẩm được thực hiện trong một khu vực tái hiện một tiểu lộ mua sắm, với các mẫu thiết kế được trưng trổ trong khung kính các cửa tiệm giả tưởng, quyết định hình hài cho trận đồ thương mại tại mọi cửa hiệu Burberry trên toàn thế giới chỉ vài tuần sau đó.

Khi tín đồ là “friends”

Hãy tưởng tượng thập niên trị vì của ngài tổng lãnh trẻ tuổi Christopher Bailey trong suốt chiều dài lịch sử xuyên thế kỷ của nhà Burberry được trình bày như những chuỗi ảnh trong một trang Flickr, bạn sẽ thấy mình bắt đầu với những chiếc áo khoác gabardine từ 1856 – như một dòng trang phục thực dụng thuần túy cho những dịp dắt chó đi dạo trong thời tiết Luân Đôn ẩm ướt, hay trong những cuộc thám hiểm Antarctica của Shackleton. Click lên gần một thế kỷ rưỡi về sau, bạn sẽ thấy mình đang lướt ngón tay lên thiết kế trenchcoat Burberry phiên bản Bailey, khi “anh chàng người Anh gầy nhẳng” (như ông tự mô tả) một lần nữa phủi bụi trên lớp trenchcoat truyền thống, rồi tung ra hàng loạt phong cách canh tân theo lối quân đội, rồi sau đó là những phiên bản cầu kì hơn của kỹ thuật trang trí, họa tiết thêu, cùng bảng màu kẹo ngọt dành cho quý bà quý cô đỏm dáng.

Tờ New York Times khi này đã sớm nhận ra sự ảnh hưởng của thời Bailey còn làm việc dưới trướng Tom Ford tại Gucci, một tinh thần “hư hỏng một cách lịch lãm”, báo hiệu một thiên tài phá luật.

Qua mỗi show diễn, khi mà thương hiệu Burberry bận rộn với mùa bội thu qua các thương vụ hậu hĩ, thì bản thân Bailey cũng được phen hưởng trận mưa ca tụng của giới phê bình, đến cùng các giải thưởng và mưa móc hoạn lộ, dồi dào đến độ chỉ đến 2009, ông đường hoàng ngồi vào ngai sáng tạo tối cao. Đây cũng là thời kỳ Bailey rấp ranh chuẩn bị cho cuộc tái xuất lẫy lừng của vó ngựa tiên phong Burberry Prorsum show tại Milan, cùng lúc, hạ tầm ngắm vào công nghệ thông tin và mạng xã hội như những món vũ khí tối thượng mới của cuộc chinh phạt nhà Burberry, điều có thể mau chóng đặt tên tuổi nhà này, từ một hiện vật tôn nghiêm đầy bụi, trở về đúng vị trí tiên phong của giới thời trang.

Chỉ mới năm ngoái, show Prorsum được truyền hình trực tiếp HD 3-D đến mọi kinh đô thời trang New York, Paris, Dubai, Tokyo và Los Angeles. Ngay lập tức, lợi nhuận vọt lên 60%. Cũng như hồi 2009, Bailey ăn mừng ghế tổng lãnh với chiến dịch dân chủ Art of the Trench, lôi kéo mọi tín đồ Burberry tham gia với hình ảnh Burberry được mặc ở khắp mọi nơi, trong mọi thời kỳ và bởi bất kì ai, và biến Burberry thành một tính từ đầy kiêu hãnh của một phong cách sống, và một tên gọi mới của uy tín và quyền năng.

Đây là thời kì mà ngay cả các nhãn hàng cũng có “friends”, và Buberry trở thành nhãn hàng quảng giao nhất, kết bạn với cả triệu tín đồ chỉ trong năm đầu gia nhập cơn đại dịch Facebook, tăng gấp đôi chỉ sau đó 6 tháng, rồi đạt ngưỡng “giao du” với 3 triệu “bạn bè” một tháng sau đó. Sự thân thiện ấy được tưởng thưởng tức thì với mọi cơn sốt thương mại không đợi mùa mua sắm. Tất cả sự nhộn nhịp hân hoan này trong phạm vi nhà Burberry diễn ra khi mà ngoài kia, khung cảnh chung của kinh tế thế giới và thời trang cao cấp, về cơ bản, là tuyền một màu ảm đạm hoang mang.

Á quân lên ngôi người hùng Anh Quốc

Bailey nhìn trước và tiên định cho mọi thứ, trên từng tiểu tiết trong hơn 50 bộ sưu tập mỗi năm, từ những chiếc túi xách nổi tiếng cho đến từng chiếc áo khoác trẻ em. Mọi shot ảnh cũng được đích thân vị tổng lãnh siêu phàm soi xét cẩn trọng. Trong chiến dịch Art of the Trench mới đây, các tín đồ khắp thế giới được mời gọi gửi về tổng hội nhà Burberry những tấm ảnh cá nhân hay của người thân khoác trenchcoat, nhưng không một tấm nào được đăng tải trên trang mạng nhà Burberry mà không qua sự kiểm duyệt của đích thân vị tổng lãnh khắt nghiệt.

Lòng kiêu hãnh nghiệt ngã của dòng máu Ăng-lê và áp lực của uy danh tối thượng của gia huy thời trang mà mình phụng sự đã cho Bailey quyền năng vô hạn ấy, để kiểm soát và thống trị: “Tôi làm từng việc nhỏ nhít ấy với 100% năng lực lẫn quyết tâm. Chính điều đó cho phép tôi hoàn toàn thanh thản phủi tay khi một vấn đề đã được xử lí đến hoàn thiện để nhảy phắt vào vấn đề kế tiếp, sung sức như mới bước khỏi phòng tắm vào buổi sáng. Tôi không tin mình có năng lực siêu phàm, chính công việc này dạy cho tôi quyền năng đó. Để có thể nói một cách hết sức thật thà, tôi chưa bao giờ muốn một công việc như thế này cả. Hẳn nhiên, việc tưởng tượng mình có khả năng phân thân không nằm trong ngay cả những ước mơ khùng điên nhất. Tôi đã từng là kẻ luôn biết khôn ngoan an vị ở bục á quân.”

Vị á quân khôn ngoan đã được Donna Karan “thỉnh” về từ trường Royal College of Art từ năm 1993. Ba năm sau đó, Bailey lại đầu quân về dưới trướng Tom Ford tại nhà Gucci. Cậu sinh viên mới ra lò hoàn toàn thỏa mãn với vị trí của mình khi ấy, ở bục á quân phía sau những quyền năng tối thượng của các đế chế thời trang. “Tôi không ham muốn vầng hào quang cũng như áp lực của họ, thật đấy! Nhưng nếu có một bức xúc nào của kẻ luôn dưới trướng người mạnh nhất, đặc biệt khi bạn là kẻ luôn kiên định vào những ý tưởng của riêng mình, tôi là một kẻ như thế đó, thì khó khăn duy nhất của tôi, đó là học cách tôn trọng một thực tế rằng mình không hề là người có quyền quyết định cuối cùng.” Còn bây giờ, ngồi trên ngai sáng tạo tối ca của quyền lực thời trang Anh quốc, nắm trong tay quyền phủ quyết tối thượng và duy nhất, Bailey tận hưởng quyền năng ấy đến từng tiểu tiết trong công việc.

Đầu máy video và trench coat chợ trời

“Vào thời của tôi, gia đình tôi sở hữu đầu máy video trước nhất trong cả phố. Hồi đó, riêng việc nghĩ rằng người ta có thể thuê về nhà một bộ phim đã là một ý tưởng siêu phàm về tiêu khiển trong nhà rồi. Thế là con chó và chiếc đầu máy trở thành hai thứ có ý nghĩa nhất để hoàn thiện một tổ ấm gia đình.” Món vật mang màu sắc “công nghệ truyền thông” mà ông sở hữu riêng cho mình khi ấy là bộ điện đàm được nối lòng thòng với nhau bằng một cọng dây, bởi loại không dây khi ấy vượt quá tầm chi tiêu cho một món đồ chơi của gia đình người thợ mộc. Mãi đến năm 11 tuổi, sau khi thắng một giải đấu Nhu Đạo, Bailey mới được ba mẹ thưởng cho một chiếc đồng hồ điện tử.

Đối với Bailey, khi ấy và bây giờ, công nghệ là phương tiện của kết nối, hơn là sự đào thoát khỏi đời sống xã hội. Bọn trẻ khác đắm mình vào videogame, và bây giờ là mạng xã hội và các trò chơi thế giới ảo. Còn cậu trai thứ ông thợ mộc Bailey, với món điện đàm ngày nhỏ mà cậu chơi chung với người mà thân nhất cho đến tận bây giờ, hay với trang Facebook của Burberry với những triệu “friends” của nó, là những công cụ của kết nối và tương tác, hơn là đào thoát và cô lập.

“Đến lúc lên trung học, cả trường có duy nhất một chiếc máy vi tính, được coi là linh vật thiêng liêng của cả trường, không ai được động vào, nên tôi không biết gì vi tính hay internet vào thời đó cả, nhưng như một duyên số, tôi biết kha khá về trenchcoat. Bọn con nít mặc đồng phục đi học, tôi cũng vậy, nhưng tự may lấy và thêm thắt linh tinh một chút. Bọn con nít chúng tôi thích lang thang ở mấy khu chợ trời giá rẻ, lần nào tôi cũng tha về vài chiếc trench coat và giày platform.”

“Trenchcoat chẳng hạn, là một ví dụ. Đó là một thứ trang phục về bản chất là dân chủ. Mọi người mặc trenchcoat, từ các thầy ký tỉnh lẻ với bộ suit kẻ sọc, đôi vớ màu đậu đỏ và chiếc cà-vạt to bản của ông thân để lại, cho đến quý cô tân thời rảo gót trên hè phố London, hay quý bà vùng ven đều đặn mỗi tháng một lần cưỡi Range Rover lên phố lớn. Với trenchcoat, bạn có tất cả, giới thượng lưu, các ngôi sao nhạc trẻ, các trùm mafia ở Cecile, nam phụ lão ấu, v.v… Nhưng điều làm nên Burberry trenchcoat, đó là thái độ – thứ thái độ phản ảnh hay làm nên những bản thể đang khoác nó lên người.”

Thời trang xa xỉ không phải là đặc quyền

Hẳn nhiên, tinh thần dân chủ của trenchcoat nhà Burberry không đến cùng những tag giá dân chủ tí nào. “Tùy thôi. Mỗi người ngoài kia có một chi khoản khác nhau, làm gì có một thứ duy nhất nào đó dành cho tất cả. Và không nên có thứ gì như vậy cả. Tư tưởng đại đồng là thứ ngớ ngẩn… Tôi cũng không cho rằng Burberry là một thứ đặc quyền, tôi thích coi đó là một động lực tạo lòng ham muốn. Người ta có thể cùng yêu thích và ngưỡng mộ nó, nếu họ chưa thể chi cho một món như vậy, tốt thôi, họ sẽ cố, và khi này, thời trang, hơn hẳn một “đặc quyền”, nó trở thành sự tưởng thưởng xứng đáng. Không có thứ xa xỉ nào có được bằng sự dễ dãi cả. Đặc quyền, đó là một thứ cay nghiệt, nó nói với kẻ khác rằng: ‘này, anh chị không xứng đáng thụ hưởng tôi, mãn kiếp!’, mà Burberry thì khác, nó là một sự xa xỉ xứng đáng được giành lấy.”

Tinh thần xa xỉ với sự ngạo mạn không màu mè ấy đã một lần nữa được tái chấn hưng rạng rỡ dưới tay Christopher Bailey, như thể chỉ một tài hoa nước Anh mới có thể làm được, từ lòng kiêu hãnh Ăng-lê thuần chủng – điều mà cả thế giới đều biết là không hề mang tí chút gì tinh thần dân chủ đại đồng. “Thuộc tính Ăng-lê, không như dân du lịch vẫn nghĩ, không chỉ là những quầy điện thoại công cộng đỏ loét, hay mấy chú cảnh sát trong bộ quân phục cầu kì đứng dưới cái tháp đồng hồ to to. Đối với tôi, đó là cả một thái độ. Đối với tôi, đó là một chuỗi va đập liên tiếp giữa truyền thống và hành vi đập phá, và những cuộc canh tân.”

Bản chất của nước Anh, cũng như thời trang, hay sáng tạo,  được làm nên bởi hai mặt đối lập này. Họ có những kẻ tham vọng, kiểu nghệ sĩ giả tưởng, các nhà thiết kế, các Lee và John. Rồi nước Anh cũng có những tay bảo thủ trứ danh, và các tài phiệt chính trị trong mọi lãnh vực, những nhà công nghệ hoàn toàn tỉnh táo. Cả hai thứ đó hòa nhập, làm nên nước Anh, làm nên Burberry – niềm kiêu hãnh Ăng-lê, và cũng là phản ảnh của bản thể một Bailey Ăng-lê thuần chủng.

Cũng như vậy, sự mẫn cảm nội tâm của Bailey được kiểm soát một cách hoàn hảo khi ông đón nhận thanh quyền trượng sáng tạo của Burberry, làm kẻ phục hưng, bảo vệ, và lèo lái đại cuộc đế chế thời trang này, với một tinh thần tự tôn cao ngạo sặc mùi thượng lưu Anh quốc. “Đó là sự tôn trọng đối với thương hiệu. Có 6000 con người làm việc tại đây, vấn đề không chỉ là sản phẩm, các thiết kế hay các mùa mua sắm. Đây là một nền văn hóa, một di sản. Đối với hơn 6000 con người ở đây, đó là cuộc sinh tồn và vận mệnh gia đình. Đế chế này tồn tại hơn 155 năm, xuyên qua mọi cuộc đại chiến, mọi thảm họa kinh tế, mọi thời đại hoàng kim,… Một đại chiến thuyền lướt qua mọi trận sóng giữ của hai thế kỷ mà tôi đang đứng vào vị trí hoa tiêu. Điều này xứng đáng để tôn trọng, bảo vệ và kiêu hãnh, và đương nhiên là hoàn toàn xứng đáng để tôi xuất hiện hoàn hảo, và làm việc cho đến khi hoàn hảo. Đây là hàng thời trang Anh hẳn hòi, và chúng ta đang đi qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng. Thay vì gào lên chửi thời cuộc, tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là tỉnh táo ở mức có thể và tìm, hoặc tạo ra lối thoát sinh tồn.”

Phù thủy internet bước ra từ thời đại vinyl

Sinh trưởng ở Halifax, Yorkshire, nơi mà trong hồi tưởng của mình, Bailey mô tả lại như một “thị trấn hiền hòa bình lặng. Những con người ở đó không ôm mộng tha hương viễn xứ để lập thân. Người ta sinh ra, an bằng với thị trấn nơi mọi người đều biết nhau”. Không như nỗi ám ảnh ấu thơ thường gặp với các thiên tài thời trang như McQueen hay Gaultier,  cậu trai thứ nhà Bailey không mê trò may váy cho búp-bê, và thậm chí không biết đến sự tồn tại của thời trang: “Khi ấy, đối với tôi, thời trang không nằm trong từ điển cá nhân. Một thứ nghe hoàn toàn xa lạ và thậm chí hơi ngớ ngẩn”. Nhưng với người cha sống bằng việc chuyên trách việc bài trí các khung kính bày hàng cho tiệm Marks and Spencer, Christopher mê mải với khoái cảm sáng tạo, dẫu đó là thiết kế đồ gỗ, kiến trúc, hay những tấm vải: “Thứ tôi yêu thích là việc thiết kế, tôi bị mê hoặc bởi định lượng tỉ lệ, cấu trúc, bố cục, v.v… Và thời trang là một phương tiện trong muôn vàn cách để làm điều tôi yêu thích.”

Chỉ đến khi được giáo viên môn mỹ thuật khuyến khích, Bailey theo học tại Batley School of Art & Design, ông mới thật sự tiếp cận với khái niệm thời trang, bên ngoài những chiếc trench coat cũ. Bailey ăn mặc theo lối goth vì mê Cure, Siouxsie và Banshees, ông nghe Bob Dylan trên băng cassette và thần tượng Joan Armatrading. “Tiến vào thời kỳ của đĩa CD, tôi là kẻ duy nhất không luyến tiếc gì sự ra đi của thời đại vinyl, những cuốn cassette và những bộ phim video đã làm nên không gian thẩm mỹ của suốt thời thơ ấu.”

Với học bổng trường Royal College of Art, Bailey giã từ những bộ đồng phục tự may và bước vào thời kỳ của sơ-mi chấm bi mặc với quần đen. Không hẳn với bộ dạng ấy, mà với những phác thảo bài tập tại trường, Bailey đã lọt mắt xanh Donna Karan trong một dịp bà ghé thăm trường.

Thế là Bailey chuyển đến New York. Việc đầu tiên ông làm là lặc lè lôi bằng được một bộ máy tính cá nhân theo trên chuyến bay và leo vài tầng lầu lên căn hộ New York đầu tiên của mình, cùng với một bộ máy fax lỉnh kỉnh, và bắt tay vào thiết lập tài khoản thư điện tử đầu đời với địa chỉ chrisbailey@aol.com. Còn chiếc điện thoại di động đầu đời phải chờ đến khi Bailey hạ cánh an toàn vào nhà Gucci năm 1997 – một chiếc Nokia thiết kế theo kiểu dáng một chiếc xe đua Ý màu đen “Nó là một cục gạch không hơn không kém, nhưng tôi ưng ý lắm, thấy mình thật ngầu”.

Từ Cloet đến Simon Woods

Vừa khi về với nhà Burberry như một cuộc hồi hương quay đầu về với nền thời trang quân chủ chính thống, Bailey chia sẻ cuộc sống giữa London và Milan, như giữa Burberry và người tình Geert Cloet – khi này là giám đốc nhãn hàng của Miu Miu.

Bailey có cuộc sống của mình như vậy, hoàn hảo giữa sự nghiệp và tình ái, và ông tưởng như đã nắm được quyền kiểm soát sự cân bằng lí tưởng ấy cho đến khi Số Phận bắt đầu can thiệp vào năm 2004, khi Cloet được phát hiện bị ung thư não. Cả hai mua một ngôi nhà ở Yorkshire để Cloet luôn ở gần hơn với gia đình nhà Bailey những khi ông phải về London. Sự thu xếp của Bailey chỉ kéo dài thêm được một năm sự sống cho Cloet. Bailey vĩnh viễn vùi mình vào công việc, ngay cả những dịp cuối tuần vốn vẫn dành cho gia đình và Cloet.

Không như người ta chờ đợi, Bailey không để lọt dù chỉ một nét tự sự màu tang chế vào công việc và các thiết kế của mình. Các thông điệp, ý nghĩa hay giá trị nhân văn được cài cắm vào các show diễn được thừa nhận là một động thái thuần túy chuyên nghiệp, như một nghiệp vụ cung ứng nhu cầu lãng mạn của báo giới. Căn hộ độc thân được mua ngay gần văn phòng, chất đầy những món đồ điện tử. “Tôi không có sở thích kể lể chuyện mình leo trèo khỏi vực thẳm đau buồn của chuyện cá nhân ra sao. Tôi làm việc điên cuồng, điều này hẳn nhiên là không nên rồi. Tôi thích tự trang bị cho cuộc sống và công việc của mình những phương tiện tân kỳ nhất. Trên đường từ sở về nhà, tôi vén màn cửa căn hộ của mình, bật sẵn đĩa nhạc Dylan,… chỉ bằng một thao tác trên iPhone. Tôi ôm iPhone đi ngủ. Phần đau thương cô độc và những dày vò gì đó, mời bạn tùy nghi hình dung.”

Mới đây, anh chàng diễn viên Simon Woods điển trai, sau khi chia tay người tình 2 năm là cô đào Rosamund Pike, đã công khai giới tính và chính thức cặp kè nghiêm chỉnh với Christopher Bailey. Có thể nói đây là cặp đôi đồng tính gây đau lòng phụ nữ nhiều nhất! Họ gặp nhau tại hôn lễ ái nữ ngài cựu tổng thống Hoa Kỳ là cô Chelsea Clinton. Woods được cô dâu chú rể giới thiệu với người đã thân chinh thiết kế bộ lễ phục tân lang và tập đoàn phù rể.

Cả hai vừa mua và sửa sang lại căn nhà ở Chelsea để thành một chốn đi về, mà theo họ mô tả, là “lôi thôi một cách có chủ đích, thư giãn, và thuần túy Ăng-lê”. Bailey thanh thản nhẹ tênh bước vào một cuộc sống nhẹ nhõm hơn, với mọi yếu tố cá nhân được tối giản: “Mọi thứ như trên chiếc thuyền ông già Noah vậy, được giữ lại mỗi thứ một cặp – một trạng thái lí tưởng nhất của cuộc sống.”

Trong ngôi nhà mới, Bailey không còn trang bị đến tận răng với những thiết bị tân kỳ nữa, hầu hết là sách, có các trang bằng giấy, như thời tiền-ebook, vài cặp loa nhỏ để cắm vào Ipod.

Ông có thể là kẻ đã chấn hưng một niềm kiêu hãnh thời trang quân chủ, cùng lúc Facebook-hóa cả một show diễn phù hoa, kẻ vừa giở trò hô mưa hoán vũ tại thánh địa Đông phương Đài Bắc,… và làm tất cả những việc ấy với chỉ những ngón tay lướt trên bề mặt Ipad trơn tru hoàn hảo và vô cảm, nhưng chỉ với vài cặp loa nhỏ trong ngôi tổ ấm mới ở Chelsea, Christopher Bailey đã có thể hài lòng thở ra tĩnh tại “Và thế này, tôi cân bằng tuyệt đối và lại một lần nữa giành quyền kiểm soát tối ưu!”

Burberry không biên giới và cuộc oanh tạc Đài Bắc

Thay vì mòn mỏi với những ngôi sao giải trí tạo dáng mỗi người 5 phút trước backdrop và nhấm nháp champagne như thường lệ, sự kiện ra mắt flagship của nhà Burberry tại Đài Bắc đã được đựng cả vào một không gian hình trụ, với màn trình diễn âm nhạc của ngôi sao Ăng-lê Tom Odell trong một thứ “thời tiết kỹ thuật số” của tay đại phù thủy Christopher Bailey.

Thật ra, đây không phải là lần đầu Bailey thực hiện trò “hô mưa gọi gió” từ hồi tuyết rơi trên catwalk mùa thu 2011 và sau đó là trận mưa nhân tạo trên đường băng fall 2012. Nhưng lần này, ông phù thủy có thêm cả gió lẫn lá vàng bay.

Với ý tưởng hòa trộn thế giới tự nhiên trong ngôn ngữ kỹ thuật số, cũng là tiêu chí canh tân của Burberry, với một mức đầu tư công phu và khổng lồ vào tính liên kết xã hội qua công nghệ truyền thông đại chúng. Video sự kiện Đài Bắc được lập tức đăng tải trên website và trang Facebook nhà Burberry với sự hưởng ứng hồ hởi của 12 triệu tín đồ, chỉ tính riêng trên Facebook.

Dẫu sao thì việc “hóng nguội” những hình ảnh của vụ bỏ bomb Đài Bắc này cũng chỉ đủ để tín đồ tại các thánh địa khác mất kiên nhẫn hơn khi chờ đại phù thủy Bailey tiếp tục màn lưu diễn phong ba xuyên lục địa được hứa hẹn sẽ liên tiếp diễn ra trong năm nay. Và hơn ai hết, các tín đồ tại tâm bão New York càng thấy tủi thân hơn khi chỉ mới có London, Hongkong và Chicago được nhà Burberry xách nhận là các mục tiêu dội bomb sắp tới.

Từ mùa SS2011, nếu không chỉ xét đến yếu tố thời trang của các thiết kế được chưng diễn trên catwalk nhà Burberry, thì đó đã là màn khai pháo cho món vũ khí tối thượng của Christopher Bailey – kỹ thuật số trong công nghệ truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Hiệu quả hiển hiện rõ rệt qua các cú click mãi vụ tăng vọt ngay sau show diễn. Tiếp nối lập tức là con sốt co giật hàng triệu cú click chuột của mọi tín đồ săn hàng “nóng” ngay trên mạng. Trong khi đó, những chiếc áo khoác trenchcoat tưởng như đã thành di tích của lịch sử trang phục nhân loại, ngay sau khi được đích thân tiểu minh tinh Emma Watson chưng diện, lại đường hoàng trở thành món thời trang tối thiết của văn minh ăn mặc toàn cầu, khi mà các công dân trẻ của thế giới phi biên giới di chuyển liên tục giữa mọi môi trường có sử dụng thiết bị điều hòa nhiệt độ, từ sân bay đến khách sạn. Tĩnh tại một cách khôn ngoan, Bailey giữ sự bình thản trước các thương vụ hậu hĩ tăng vọt “Truyền thông mạng, điều quan trọng là hẵng khoan xem đấy như một công cụ thương mại, nếu không muốn dừng lại ở mức một cửa hiệu ảo buôn bán lặt vặt. Đây là một phương tiện tiếp cận và duy trì liên lạc hoàn hảo. Đối tượng không còn là các khách hàng, mà mở rộng hơn, họ là công chúng, gồm cả những người chưa hề mang ý nghĩ sẽ sở hữu một món hàng Burberry. Chừng nào chúng tôi còn mang một giá trị giải trí giàu thời trang tính, chừng nào tên tuổi vượt qua tầm một nhãn hàng để trở thành một phong cách sống, ngày đó, có thể tính cả những tín đồ “chưa mua” là những người “rất có thể sẽ mua”. Đó là cả một chặng đường dài, mà phần thưởng nằm ở đâu đó khuất tầm mắt.”

Phong cách quý ngài Christopher Bailey

Không cầu kì hay quái đản như vẫn thường thấy ở các nhà thiết kế cùng thế hệ, Christopher Bailey luôn xuất hiện như một đại diện hình ảnh mới của Burberry: không quá chải chuốt, nhẹ nhõm và thân thiện – một ngôn ngữ tác phong hoàn hảo cho thế hệ quý ngài trẻ của nước Anh đã mỏi mòn ngán ngẩm cực hình đóng khung bỏ hộp.

Không chỉ các quý ông mà ngay cả các nữ độc giả của F cũng hoàn toàn có thể rút ra cho mìh một chìa khóa giá trị từ các nguyên tắc phong cách của Christopher Bailey.

1. Nếu một món phụ trang, trang sức, hay chiếc kẹp cà-vạt mà bạn đang đeo là món đầu tiên được người đối diện khen tặng, thì rõ ràng là bạn đang treo máng có nhiều, đặc biệt đối với một quý ông. Chiếc đồng hồ chẳng hạn, dẫu có đắt giá đến mấy cũng không nên được trưng trổ ồn ào. Không có thứ đẳng cấp nào được khẳng định bằng một tiếng quát to thô lỗ cả!

2. Mặc một món gì đó “hợp mốt” trên người quả là điều hay. Nhưng không phải tất cả mọi món trên người.

3. Người ta nên cảm nhận được con người đằng sau bộ trang phục. Khi con người ấy hoàn toàn nhạt nhẽo, mờ mịt hoặc trống rỗng, thì bộ đồ vía đắt tiền của bạn cũng thõng thẹo bùng nhùng như bị đang treo trên một cái đinh mà thôi.

4. Bạn có thể không hề là một tín đồ thời trang, nhưng hãy mặc vì môi trường xung quanh bạn, nếu không vì thú chiều chuộng tô điểm bản thân.

5. Tôi thật sự ngưỡng mộ những quý ông đeo cà-vạt. Tôi thích cái tinh thần ấy, nhưng thế hệ tôi đã bắt đầu thấy tù túng trong những bộ suit. Cứ mỗi lần phải khoác đủ lệ bộ, tôi thấy mình như tay ngốc đang cố làm ra vẻ khệnh khạng. Nhưng thứ làm tôi phát bệnh là mặc suit với T-shirt và giày thể thao. Giày, giày luôn là chìa khóa phong cách. Tôi ghét thậm tệ kiểu người ta vận một cặp quần may đo chỉnh chu hẳn hoi với một đôi giày thể thao mới kính coong, một tổng thể đồng đẳng hóa mọi chi ngành của thời trang, và tính cá nhân hoàn toàn bị triệt tiêu đằng sau thứ tác phong nửa sạp nửa quầy ấy.

6. Một bộ suit luôn cần có một chiếc sơ-mi cổ điển, trơn tru chuẩn mực. Vải in hoa, kẻ sọc, hay màu mè chỉ hợp với jeans mà thôi.

7. May thay vào thời đại này, đàn ông không còn quá bị đe dọa bởi việc làm đẹp, nhưng điều này chỉ áp dụng với mẫu đàn ông như David Beckham mà thôi – mẫu đàn ông thẳng thớm và thừa thãi bản lĩnh để diện một cái chân váy hay tỉa tót hàng lông mày. Và ai mà chẳng biết anh ta là cầu thủ bóng đá nổi tiếng hùng hục ra sao, cưới cô vợ đẹp dữ dội thế nào. Đó nên là một mẫu anh hùng mới cho nam giới noi theo.

8. Vài giọt nước hoa trên ngực bao giờ cũng công hiệu hơn cả chục cú xịt nước hoa vào cổ. Và trừ khi bạn đẹp trai quằn quại, đừng nhuộm highlight.

9. Nếu bạn có cảm giác “dường như” mình đang chưng diện “hơi” quá tay, thì rất có thể bạn đang chưng diện quá tay thật.

10. Không phải mẫu đàn ông nào cũng hợp với áo khoác da. Nếu có được một chiếc áo khoác da may đo thì tốt nhất, bởi một áo khoác da lùng nhùng rộng sẽ khiến bạn trông như một cụ cao niên.

11. Bàn về chuyện chưng diện, tôi cho rằng nam giới đang quả tình tỏ ra lười biếng. Máu phiêu lưu liều lĩnh, lòng quả cảm đàn ông tính rất nên được áp dụng vào việc ăn mặc. Hãy tin vào cảm giác của mình. Trong trường hợp cảm giác của bạn sai bét và trông bạn như đồ ngớ ngẩn, thì bạn vẫn có thể soi gương để nhận biết và cứu vãn cơ mà.

anh Ba

Jasmine nOir

Chàng tỏa ngập bá khí, oanh tạc mọi sân khấu từ đại nhạc hội ngoài trời cho chí tạp kỹ dã chiến, từ huê tình kiểu vàng Tây cho đến pop Mỹ lời hải ngoại. Khán giả con dân tứ bề từ chồm hổm nền đất đến ghế nhựa ghế nhôm, nhất nhất hưởng ứng hô hào theo từng động tác thể hình được chàng say sưa thi triển trên mọi nền ca khúc tủ.

Từ quý bà phố lớn đến diva tỉnh lỵ, bạn có thể không biết rằng không có một nhà thiết kế thời trang nào tên là Zara hay Victoria’s Secret cả, nhưng lần này thì bạn không thể nhầm lẫn: tháng này, chúng ta hò hẹn với Ngọc Sơn!

Có cái mùa nào, hơn cái thứ nắng hạ Sài Gòn, để bao dung hơn cho khao khát phong phanh ngực áo bên một ca trà đá vỉa hè, những âm thanh nỉ non của loại nhạc sàn hẻm lao động xập xoàng giữa trưa trời đứng bóng?

Vùng thoát khỏi những hẹn hò quá lịch sự cho một cú tung hê, quý bà đài các và nực nội, lần mò về cái thú phong phanh bứt thoát, hòa mình vào dòng người tấp nập đổ về những tụ điểm coi ca nhạc và trốn bức của đám thị dân dễ dãi, léo nhéo tiếng loa phường, thôi thúc hoan hỉ chờ xem cuộc đại nhạc hội héo hon đêm hè. Bạn cũng sẽ thử liều thả mình hồ hởi hò reo cùng những tên tuổi ngoài lề dòng Ngân Hà hẹn hò sang cả đã quen khẩu vị hẹn hò của quý cô nhà F.

Tại sao không, một cuộc phiêu lưu tìm với những gì bạn vẫn nghĩ là không dành cho một quý cô văn minh dát kín châu thân mình mẩy? Tại sao không, thật thà như một chút hư hỏng hiếu kỳ bên trong lớp váy, tìm về những ca khúc vẫn phát ra từ dãy phòng trọ bến xe trong hoan lạc lầm than.

Một đêm liều mình với chương trình âm nhạc hóng gió như vậy có thể dẫn đưa bạn đến những hẹn hò vô lường nhất.

Chàng có thể chính là vị lực sĩ đang nức nở khóc trên bước chacha salon và nền nhạc techno sôi động kia, khuấy động cơn sóng cồn hò reo tán thưởng của đám đông bên dưới.

Bạn có cho mình một ông hoàng đa danh – MJ Việt Nam, Cựu Hoàng Nhạc Sến, Chế Linh Hậu Chiến, v.v… đến nay vẫn huy hoàng chinh phạt trấn bá sàn nhạc lục tỉnh lẫn mọi tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ.

Một khi đã chấp nhận trò mạo hiểm, quyết định trút bỏ bộ cánh diva đài các để lăn thân vào một cuộc phiêu lưu cực kì hiểm trở như vậy, bạn rất rất nên rũ bỏ luôn những mường tượng hào hứng và lãng mạn theo luật văn minh, như một hiệu ứng chống sốc, vì cú sốc đầu tiên có thể rình rập bạn bất cứ lúc nào, hất tung lộn nhào quý cô đang chênh vênh trên đôi gót văn minh phản chủ.

Chàng hẹn bạn vào giữa trưa, vào giờ mà mọi khi, bạn đang thụ hưởng bữa điểm tâm muộn của cuối tuần lười nhác. Bạn chỉ phát hiện sự khác biệt này khi lần theo địa chỉ để kết thúc tại một quán nhậu trưa thưa khách, với mọi dấu hiệu đầy đe dọa về những vũng lầy của văn minh ẩm thực chờ chực trên những tờ thực đơn bọc nhựa trơn nhẫy.

Chàng bước khỏi chiếc xe thể thao 2 cửa, nụ cười rộng, tanktop cổ sâu, chuột chồn cuồn cuộn châu thân, quần cargo phun-rô, tay đeo chuỗi hạt, một sợi dây vàng thả chiếc mặt ngọc Phật nằm giữa hai tảng ngực sáng loáng, tay xách một túi nylon ý nhị hé lộ cổ chai rượu nguyên tem. MỘt thực đơn được trình bày ngồn ngộn hứa hẹn cho cuộc vui quên sầu với mọi xác suất đáng ngờ.

Sự dè dặt của bạn sẽ bị đẩy đến đỉnh điểm khi mà chai vang đỏ nọ được trút ra, khuấy loãng với nước tăng lực để tạo thành một hỗn hợp màu thịt kho lõng bõng, trong khi dater oai mãnh của bạn hồn nhiên gọi thêm món rượu Minh Mạng.

Bạn đã sẵn sàng chưa?

Quý Cô Thứ Dữ và sự phù phiếm của Minh Mạng

Dẫu máu liều cao đến mấy, quý cô văn minh của F vẫn phải dè dặt nêu lên một câu hỏi vô hại kiểu “em yêu khoa học” về món danh tửu đựng trong thứ bình thạch cao giả gốm nọ. Như thể ngay lập tức tắt nguội mọi tư tưởng lãng mạn quá trớn, Cựu Hoàng Sến trấn an “Anh cũng chẳng biết, nghe nói bổ dương nên gọi uống cho… bổ. Bổ đâu nhất thiết phải xài, nhưng không xài cũng phải bồi dưỡng cho khỏe!”

Cho đến thời điểm này, bất cứ quý cô nào của F cũng sẵn lòng hoan nghênh nhiệt liệt tinh thần khỏe cho vui này của Ngọc Sơn, trước những chai Minh Mạng vô hại và hỗn hợp màu nước đường quá lửa mà chàng vừa tự pha.

Dater thiện chiến của F., những kinh nghiệm hẹn hò đủ để bạn đưa duyên câu chuyện nhập đề với những đề tài mà chàng ắt nhiên phải quan tâm nhất, ở đây là độ nổi tiếng của chàng.

Mà nói đến sự nổi tiếng của chàng, tức là nói đến cộng đồng PalTalk, một “đại gia đình” với một nếp sinh hoạt và những tập quán rất riêng của nó. Đều đặn mỗi ngày, chàng bật webcam, vừa thu hình, vừa vui vẻ chào hỏi “cả nhà”, vừa trình diễn tiết mục thể dục thể thao chào ngày mới.

Cũng chính những cuộc phóng ngôn qua lại trong đại gia đình những người hiển linh mà khuất mặt này, chàng trở nên khinh suất và hào phóng ban phát thói lộng ngôn cùng những hình ảnh xuất thần vang bóng.

“Ngông thì đương nhiên là tôi ngông, vì tôi ở tầm cỡ để ngông. Cả quốc gia này có mấy ai được Ngọc Sơn ngồi xuống nói chuyện, làm sao lại không ngông? Ngay cả em, em phải cỡ nào em mới ngồi đây với tôi.”

Bạn chúi nhủi trước đòn phong tước bất ngờ của cựu hoàng. Hãy đón nhận điều này như một huân chương vẻ vang chàng vừa hào phóng cài lên cái tầm cỡ của bạn. Hãy tự nâng một ly hỗn hợp thần tửu và tự chúc mừng mình, hỡi Quý Cô Thứ Dữ của F!

Cuộc triển lãm sắc đẹp trên sân khấu tạp kỹ và trinh tiết đời trai

Gật gù tâm đắc với tầm vóc mới của kẻ đối diện, chàng bắt cuộc hàn huyên giữa những cú gắp mồi. Như mọi cuộc hẹn hò, bạn hiểu rằng tảng băng giao tế sẽ dễ dàng được xả đông với chủ đề mà chàng tâm đắc say sưa nhất. Bạn thử bắt đầu bằng âm nhạc và sự nghiệp ca hát vang lừng bao thập niên của chàng.

“Tôi không có gì hết, không album, không sự kiện, lùm xùm làm gì hả em? Thích bản nào tôi thâu bản đó, và ca diễn ở những sự kiện lớn thôi. Đại Gia Đình của tôi bây giờ thành đạt giàu có lắm, và có dịp là mời anh Ba thôi. Ai cũng yêu thương anh Ba hết, cả Đại Gia Đình của tôi. Nhưng tôi sắp tung ra một clip quay mới, từ giờ trở đi sẽ là một Ngọc Sơn Tập 2, mới hoàn toàn, đẹp hơn trước nhiều lắm, tôi bảo đảm!”

Dường như chàng lờ phắt yếu tố âm nhạc và say sưa về Cái Đẹp.

“Ngày xưa tôi hát người ta thích, một phần chắc tại thấy tôi gầy ốm, đam mê ca hát. Còn bây giờ, tôi làm gì họ cũng thích, nên tôi lại chuyển sang hát nhạc sôi động, vì tôi thích thấy người ta vui. Chẳng bao giờ tôi coi là hệ trọng chuyện đi nghe nhạc rồi bình phẩm giọng ca hay bài hát, hoặc lên sân khấu kiểm tra âm thanh, ban nhạc,… Tôi đi bán sắc mà! Tôi chỉ cần bước lên sân khấu, và đứng yên. Họ la hét, vỗ tay, tôi còn đứng, họ còn vỗ tay. Vậy là tôi cứ đứng như vậy cho tới lúc thấy vậy đủ lâu rồi, cũng kì, vậy là tôi bắt đầu ca. Mỗi lần tôi lên sân khấu như vậy, tôi lại đứng, ngó qua ngó lại chơi.”

Trong sự bỡn cợt của kẻ có quyền hưởng thụ lòng yêu chuộng từ công chúng của mình, vẫn không thể phủ nhận quý ông trưa hè của F là một ca sĩ, nếu không muốn nói là một ca sĩ sở hữu một giọng ca có nội lực từng chinh phục cả một thế hệ thính giả tân nhạc thời kỳ Tiền – Vpop, giọng ca mà cho đến nay vẫn không suy mòn sau hơn 2 thập niên ca hát.

“Nói vậy thôi, chứ đứng trên sân khấu, tôi nhìn xuống khán giả của mình, tôi biết, đó là tình yêu thương. Tôi không biết các ca sĩ sau này ca hay, ca giỏi hơn ra sao, nhưng khỏe thì tôi chấp. Em biết nhờ đâu không? Phải giữ gìn trinh tiết đời trai.”

Khi cụm từ nguy hiểm này lặp lại lần thứ hai, bạn bắt đầu hoang mang về độ nghiêm túc của nó.

Đây không phải là lần đầu bạn được xác tín về trinh tiết được giữ gìn cẩn mật của chàng, một thứ kiên trung gương mẫu cho thế hệ anime vị thành niên đang nhan nhản trò chơi chồng vợ.

Phàm những vùng cơ thể được cẩn trọng che chắn nhất là là vùng trũng thu hút sự chú ý và những trò cắc cớ nhất. Người ta vẫn chưa quên món quà không tiền khoáng hậu vào sinh nhật gần đây nhất của chàng. Thùng quà được vần vào “chánh điện” tòa nhà, được long trọng mở gói và một cô gái ngồi chồm hổm bên trong, mắt nhắm nghiền, tay khư khư cây pháo kim tuyến tịt ngòi. Thoáng trên sắc diện của chàng là sự lúng túng của kẻ gian gặp phường đội khi cô gái điệu nghệ ấn cặp môi ẩm nhẫy lip gloss lên má người hùng ngày sinh nhật.

Các hội đoàn bảo vệ bà mẹ trẻ em hẵng khoan lên tiếng, bởi các chị phải tin chắc rằng cô gái đã rời buổi tiệc an toàn với danh dự tẽn tò không hề sứt mẻ.

“Tôi cam đoan rằng ai chửi ai ghét tôi, tôi cũng không giận họ, nhưng tôi dám tuyên bố sẽ kiện bất cứ hành vi hay từ ngữ nào cố ý xâm phạm trinh tiết đời trai của Ngọc Sơn!”

Và cả bạn nữa, quý cô đang run rẩy của F., hãy tự trấn an mình rằng bạn rồi cũng sẽ như cô-bạn-món-quà nọ, bạn sẽ rời buổi tiệc an toàn, với danh dự, trinh tiết, và tư cách pháp nhân của đôi bên không hề sứt mẻ.

Dr.Love và Hội chứng Tâm Thần Phân Liệt Hệ Phẫn Uất Vô Tư

Sau khi đã tự trấn an, bạn nhận ra rằng cả hai đang bàn đến một giá trị thiêng liêng và vu vơ như linh hồn, kiếp luân hồi và vật thể bay không xác định: trinh tiết của một người đàn ông. Cảnh sát không có chứng cứ, chính phủ không quan tâm, và khoa học vô phương xác định, trong khi các quan niệm tôn giáo và phong tục lại có những định nghĩa rất mơ hồ.

Liệu cái giá trị thiêng liêng vu vơ ấy, như những khối da thịt vo tròn bơm căng, cũng được huy động trong công cuộc củng cố rating của mỗi ngôi sao giải trí?

Trong cuộc trắng trinh khắc khổ ấy, người ta vẫn thấy chàng ngày ngày chăm chỉ khoe thân, phụng phịu trong những shot ảnh kiểu thập niên 80’s được xử lí huyền ảo, núng nính khoe khoang đường rãnh hẹp như một con hẻm chẻ ngặt nghèo lách giữa hai tảng ngực như bình nguyên lồng lộng trong kiểu áo tanktop trễ ngực trứ danh. Hay như gần đây nhất, chàng lẫy lừng tăm tiếng với shot ảnh lịch sử, mình mặc cặp áo ngực, mà về sau được giải trình là của…bà thân mẫu mà chàng thử mặc để biết size mua quà tặng mẹ.

Còn trước mặt bạn, chàng chỉ khanh khách cười, gọi đó là những trò đùa tếu cho vui “Kính thưa các đồng chí, để đúc kết tinh thần cuộc họp, tôi tuyên bố mồm ai nấy nói!”

Câu chuyện được dông dài dẫn dắt đến cuộc sống sinh hoạt của chàng trên vùng đất mà chàng mới khám phá vài năm gần đây, và tận lực khai thác: cộng đồng mạng.

“Có người thấy không thích, tôi bị chửi là dâm đãng, biến thái hoài. Đó là vì người ta không hiểu. Tôi coi đó là những bệnh nhân tâm thần phân liệt hệ phẫn uất vô tư, lấy việc quăng gạch ném đá làm niềm vui. Thiệt là tội nghiệp. Vậy nên tôi lấy luôn nick trên FaceBook cho mình là Bác Sĩ Tâm Thần.”

Quả tình, Facebook của chàng, với ảnh đại diện chân dung chính chàng trong bộ phục trang hoàng đế nhà Thanh lâm ly lẫm liệt đầy bá khí, là một phương tiện tiếp cận công chúng hoàn hảo và nóng bỏng. Bạn có thể bất ngờ phát hiện đa số những người quen biết của mình đều là chỗ “bạn bè” trong Friendlist của Bác Sĩ Tâm Thần.

“Facebook của tôi vui lắm, mà mọi người yêu thương nhau dữ lắm! Vô đó là để yêu thương lẫn nhau. Tôi có biết bao nhiêu đứa em rưng rưng ghi những lời comment rất xúc động: ‘Cám ơn anh Ba đã chỉ cho tụi em tìm thấy niềm vui và sự thanh thản trong tình yêu thương!’ Bởi vậy, tôi không lập page để hi vọng có nhiều người vô, xô bồ như bên Paltalk. Ở đây, chỉ anh em bạn bè yêu thương nhau mới được Accept vào, nên lúc nào cũng chỉ có những lời yêu thương, không khích bác ẩu đả, phức tạp lắm!”

Bạn liên tưởng đến hình ảnh của chàng trong ngôi nhà trứ danh với bức phù điêu của chính chàng được mạ vàng trước cửa. Những chi tiết trang trí bên trong, dẫu xung đột cao về xuất xứ, kiểu dáng lẫn niên đại, vẫn mang người ta về đúng khoảng thời gian cuối thập niên 80’s lẫy lừng của những cuốn băng cassette Ngọc Sơn, những bước moonwalk Việt hóa trên sân khấu tạp kỹ đại nhạc hội Sài Gòn. Bầu không khí ấy, cùng những dây đèn màu nhấp nháy, lưu tồn vĩnh viễn quanh Ngọc Sơn, như một bầu không khí thân thiện với sự tồn tại ngồn ngộn của chính chàng.

Ngọc Sơn có cho mình những biệt điện an toàn như thế, cho đến khi hơn một nửa trong đám đông quanh chàng chỉ còn là những kẻ hiếu kỳ. Họ không khích bác, mà khích lệ để nối dài cuộc vui.

Và bạn nhìn thấy mình trong ấy.

“Em có để ý tôi chưa bao giờ cãi tay đôi hay lên án một ai điều gì? Tôi là vậy, sinh ra là để làm đẹp, hay mua vui, làm thằng hề, gì cũng được, chứ không để hiềm thù. Sắp tới tôi tính mở thêm một account nữa, để add được thêm người, chọn lọc những người biết yêu thương nhau, chắc đặt tên là Trinh Tiết Đời Trai.

Nhìn lên thì chẳng bằng ai

Ngó xuống lại thấy còn may lắm rồi

Luôn vui và sống với đời

Mặc cho tai họa tơi bời xảy ra

Không trách người, tự trách ta

Không thù không oán, đó là Ngọc Sơn!

 

Một dấu lặng ồn ào

Nương theo dòng thi cảm, chàng chợt chùng xuống “Tôi cứ suy nghĩ mãi, vì sao mình được yêu thương nhiều vậy? Câu hỏi này cứ ám ảnh tôi mãi, tôi thử mọi dòng nhạc, mọi kiểu chơi ngông,… Rồi đột nhiên, tôi nhận ra câu trả lời đơn giản: vì tôi Đẹp!”

“Gần đây tôi cứ cầu nguyện với Trời Phật, thôi, tôi xin cho mình chết đi. Còn gì mà phải mong muốn tham vọng nữa. Làm gì với những đủ đầy ấy? Có những khi tôi cầu nguyện được ra đi ngay lúc này. Giờ tôi chẳng còn muốn gì hơn nữa, chỉ muốn chết, thật! Nhưng cầu hoài mà không chết được, vậy thì còn sống ngày nào thì tôi phải thật đẹp ngày ấy”

Chùng lòng trước cú bẻ quặt vô-lăng đối thoại đầy tâm sự, bất cứ nữ độc giả duy mỹ nào của F cũng cảm thấy chút sững sờ thiêng liêng khi người đàn ông vạm vỡ đối diện chạm tay vào chiếc mề đay ngọc Phật màu đỏ tím treo trên sợi dây chuyền vàng mà nói “Tôi thề với em, thật đấy! Tôi đẹp trai, đắt gái nhất thế giới, náo loạn thiên hạ, và tôi chỉ cầu cho mình được chết.”

Nhưng không để giây phút nặng nề thiêng liêng ấy kịp kéo dài quá thời lượng mặc niệm, chàng lại hào hứng với một ngữ điệu sặc mùi bợm nhậu miền Nam “Mà đừng thấy tôi đẹp mà tưởng tôi ham hố chi ba chuyện đàn bà. Fan hâm mộ có đau buồn cũng phải chịu, đâu dễ gì một Ngọc Sơn này cho ai đó lấy đi trinh tiết đời trai!”

Bạn vẫn can trường, xứng danh F.Dater, không buông bỏ một câu hỏi đã mang sẵn trong túi xách: “Còn những đứa trẻ? Rồi một lúc nào đó, gia đình, những đứa trẻ của mình?”

Câu trả lời thoáng qua rất nhanh khi chàng, tỉnh táo đến bất thường, tập trung vào một cú gắp vào đĩa mồi khi này đã trống: “Thôi, thua! Bỏ đi!”

Buổi trưa cuối tuần vẫn nồng nực đủ để nung chảy lớp fond de teint thiểu não dưới ánh nắng đứng bóng nghiệt ngã. Cả hai choáng váng đứng lên rời quán, dù chàng một mình uống gần hết món rượu trộn của mình. Hoàng đế một thời của những dòng nhạc “vàng Tây” chợt nhìn bạn, ánh mắt không rõ say hay tỉnh “Vui quá! Hôm nay vui quá xá! Vậy là vui rồi, thôi khỏi cần viết gì nữa, mất vui! Mấy em thương anh Ba nên cứ đòi viết đó thôi, tụi báo chí, đứa nào cũng thương anh Ba hết. Đánh bóng tên tuổi hơn nữa chăng? Để làm gì nữa? Anh đã là Ngọc Sơn rồi. Tiền tài, danh vọng, sức khỏe, chưa bao giờ sung sức và phong độ hơn lúc này. Hồi trước chỉ có vẻ đẹp tâm hồn, tôi cống hiến cho mọi người cái đẹp đó. Còn bây giờ, tôi mới thật sự Đẹp à nghe! Mà nè, em ráng đừng yêu anh, mấy cô nữ nhà báo là hay thương anh lắm đó! Em lấy chồng đi, anh Ba mừng lắm, anh Ba làm chủ mưu cho, hà hà, anh Ba Chà Kú mà!”

Bỏ bạn sững sờ sau lưng với khám phá cuối cùng về những thứ đằng sau tên gọi thân mật “anh Ba”, gã trai Hải Phòng 44 tuổi bước về phía chiếc xe hai cửa, bước chân tỉnh táo như chưa hề có giọt rượu nào vào cuộc hẹn giữa trưa.

Bạn như còn nghe tiếng cười khanh khách kì quái của gã, và giọng nghêu ngao như nấc trong ca khúc hoạt kê

Trong trái tim này number one
Suốt cuộc đời number one
Sông cạn đá mòn dù sao đi nữa
Anh vẫn number one la là là lá la

BOX

“Tôi không háo thắng, tôi không nhận mình hơn người khác điều gì, chỉ xin về cho mình một chữ Nhẫn. Còn thành công của tôi ngày hôm nay, nó là số phận của tôi. Chính vì vậy mà dẫu tôi có làm trò tếu táo cho vui trên mạng, gây om sòm náo loạn, người ta vẫn yêu thích tôi. Đâu phải tay ngớ ngẩn nào làm chuyện ngớ ngẩn cũng được yêu thích vỗ tay?”

“Cái xã hội này giống như tụi con nít còn đi học vậy. Giỡn chơi, cả đám hùa vào chơi ác…tụt quần một đứa, gọi là trò bắt nạt. Lớn lên, cứ thấy ai xắn quần đứng thẳng lưng lên là có cả một cộng đồng xông tới túm quần tay nọ kéo xuống. Thôi thì đã vậy, tôi tự tụt tôi!”

Hình như anh không phải là nghệ sĩ duy nhất có suy nghĩ ấy, bởi ngày càng có nhiều nghệ sĩ giải trí trẻ tự tụt.

“Họ đủ tư cách để tụt chưa?”

 

tội ác bên trong lớp váy tín đồ

Hoa Nhài Đen

Có thể nói, nội y, hay còn gọi một cách cầu kì đúng điệu Francophone là “lingerie”, chính là cách mà thời trang “sờ chạm” trực tiếp nhất đến các tín đồ của mình. Nhưng sự sờ chạm vào những phần mẫn cảm nhất của tòa thân thể ấy, là một sự vuốt ve, nâng niu chiều chuộng, hay những cọ xát thô lỗ, lại không do Thời Trang quyết định.

Nhưng những cú đụng chạm ấy âm thầm diễn ra nơi ít người nhìn thấy nhất, giấu bên dưới lớp trang phục hào nhoáng bên ngoài. Nhưng nếu thời trang là tuyên ngôn và thông điệp, thì lingerie chính là lời tuyên ngôn cuối cùng, long trọng nhất và cũng thật thà nhất về nữ chủ nhân của nó, dù không hề là lời tuyên ngôn được hét to cho mọi người cùng nghe, ngoại trừ một khán-thính giả tối trọng và duy nhất vào cuối ngày.

Bạn có thể chi 20 USD cho một chiếc váy cưới hoàn hảo tại flea market, nhưng mọi fashionista văn minh đều nên hiểu, nếu có 2 thứ trên tổng diện cơ thể của bạn đòi hỏi đầu tư cầu kì và xa xỉ nhất, đó chỉ có thể là giày và lingerie.

Vậy mà đây lại chính là phần trang phục đang bị ngược đãi nhiều nhất quanh ta. Những cuộc ngược đãi thầm lặng bị đè nén dưới những lớp áo xống. Đôi khi đâu đó trong một công sở, trên đường hay tại một night club, những cuộc ngược đãi ấy vẫn bật thoát một tiếng thét thảm họa vươn ra ngoài: một sợi dây suspender đính hạt nhựa Trung Quốc tố cáo cả một tiểu khu hàng nhái ẩn giấu bên trong, một lưng quần màu khó xác định vươn ra khỏi lưng quần jeans như tiếng thét thất thanh cầu cứu, hay một cặp mông bị phân đều chằn chặn bốn khối bởi một vết hằn chữ V, tố cáo một chiếc quần grannie cổ lỗ sĩ bên dưới lớp váy bó tân thời.

Bạn có thể đứng 20 phút trước tủ quần áo rộng mở và thay vào cởi ra tổng cộng 5 lần cho mỗi cuộc sửa soạn, để rồi lướt thật nhanh qua ngăn kéo lingerie với một sự lựa chọn bất kì.

Nếu quả vậy, thật đáng tiếc, bạn nên làm ngược lại!

Lingerie Hồ Quảng và Nghệ Thuật Trang Trí Đỉnh Cao

Thoạt tiên phải nói đến các nàng diva đa tình và đỏm dáng. Tưởng chừng họ là những tín đồ cục cưng của thời trang tuẫn tiết vì sự cầu kì và tinh thần lãng mạn đến tận lớp lót.

Bạn như một nghệ sĩ và mọi lớp áo quần được đối xử như phục trang trình diễn, và lingerie là thứ để dành cho những show diễn tài tình nhất, cho một khán giả đặc biệt may mắn duy nhất. Đó là khi các thảm họa bắt đầu, và ngay lập tức, F cần có những tiếng còi cảnh tỉnh.

1. Sex Doll:

Không có cái tên nào phù hợp hơn để gọi trường phái lingerie này. Chúng được thiết kế để biến người mặc trở thành một búp-bê tình dục lòe loẹt và ngớ ngẩn. Quần không đáy, coup áo được đục hai lỗ, trông tựa như loại áo đặc chủng của phụ nữ đang cho con bú. Bạn có cả một cái chợ buôn sỉ phụ liệu may mặc trên chỉ 3 rẻo vải tí hon: ren, bèo nhún, đăng-ten, gấu bông to bằng ruồi, vải đốm da beo, những quả pom pom bằng bông xù, hạt nhựa giả pha-lê, v.v…

Món lingerie “đặc chủng” này trông có vẻ phù phiếm nhưng rõ ràng ngập ngụa thuộc tính thực dụng của một món trang phục chức năng. Nhưng ngoại trừ trường hợp bạn đang hẹn hò với một người đàn ông đặc biệt hâm mộ búp bê Barbie, còn thì xác suất bạn trông không hề giống một Thiên Thần nhà Victoria’s Secret là 99.9%!

Đã từng có thời, điều này được coi là sexy, trong những cuốn video xxx thời thập niên 80, nhưng đến nay, vào 2012, chúng chỉ còn đồng nghĩa với những nam tài tử phim đen đầy lông lá, nhạc pop bằng organ điện tử, hay tệ hơn nữa là các cô nàng phố đèn đỏ Patpong ở Bangkok – những thứ chỉ phát huy tác dụng duy nhất và phũ phàng hiệu lực ngay tại chỗ là hiệu quả diệt dục.

Thật tệ nếu bạn tự đánh giá rằng người đàn ông của mình sẽ nhảy dựng lên vì sung sướng khi bạn xuất hiện, ngô nghê với các món khí cụ bằng ren ấy, châu thân lỉnh kỉnh gấu bông, bong bóng, tai thỏ lẫn dây suspender đính vào vớ lưới nhì nhoằng.

Trong thẩm mỹ phòng the các thế hệ trước, vâng, một quý bà ren rua đầy mình, tay cầm tẩu thuốc và cả cái khăn choàng lông phe phẩy như phục trang Hồ Quảng là biểu tượng của những gì li kỳ và gay cấn xảy ra sau 11 giờ tối. Nhưng nếu bạn đang không yêu đương với một vị cao niên, thì đừng bao giờ quên nguyên tắc “càng ít càng nhiều”, và “vui mắt” không đồng nghĩa với “khôi hài”.

2. Pin-up Lolita:

Một biến thể văn minh của dòng lingerie phố đèn đỏ nói trên chính là những kiểu nội y nhắc nhớ các trào lưu pin-up thập niên 50 và bộ bikini của nàng BB thập niên 60.

Bạn gặp chúng ở bất cứ đâu, với một chút ren nhún vui vui, lốm đốm chấm polka, hoặc kẻ sọc kiểu thôn nữ phát rồ, lưng quần thấp như tuột trễ dưới xương chậu và cặp coup tròn xoay mềm mại chỉ đủ ôm nửa bầu ngực dưới. Chúng là một thứ ngô nghê vờ vịt, che đậy nhưng chào mời, bất định và đồng bóng, dậy thì và hồi xuân, ngay cả khi ôm gọn lên những đường cong mùi mẫn của thân hình diva tuổi vào thu (nếu nàng còn may mắn giữ được những nơi cần thon gọn)

Nói một cách khác, pin-up lingerie là một món hay ho rất nên có mặt trong mọi ngăn kéo tối mật của tín đồ lãng mạn. Nhưng ngay cả khi bạn là một cô nàng quen đóng khung lệ bộ trong những bộ suits lịch thiệp, hãy cho phép mình một chút nghịch ngợm hư hỏng vô hại bên dưới lớp váy đen đầy phẩm giá.

Nhưng hãy cẩn thận! Chỉ cần một chút quá tay mất cân bằng, bạn sẽ hóa thân thành một nhân vật hoạt hình ngập chìm trong bèo nhún, và hình ảnh mỹ nhân mẫu giáo ấy khó lòng có thể gợi chút hứng tình nào. Minnie Mouse có thể nổi tiếng vang lừng và được mến mộ thật đấy, nhưng không người đàn ông hay cậu trai nào muốn hẹn hò với nó cả, ngoài một con chuột tưởng tượng.

Cuối cùng thì yếu tố ghi điểm của dòng Lolita lingerie này vẫn được thực hiện tối ưu trong phòng ngủ, như một lời tuyên ngôn đầy màu sắc nữ tính của sự sẵn sàng và lời hứa hẹn đầy hào hứng của một cuộc tiêu khiển vô ưu.

Thảm Họa Nội Y Thực Dụng

Phổ biến hơn hẳn so với sự cầu kì của trường phái hoài cổ Hồ Quảng nói trên, là những thảm họa của định kiến chức năng khi nói đến nội y, để ấn định chúng vào cụm từ “quần áo lót”. Ngay cả các thương hiệu lẫy lừng tên tuổi, những chuỗi cửa hàng bán lẻ cho đến những quầy sạp nhà lồng, kiểu nội y chức năng này thu hút từ cô nhỏ mới dậy thì tập thói cả thẹn, cho đến những cô nàng vừa lập gia đình và bắt đầu lo ngại vấn nạn mỡ thừa.

Chúng là những khí cụ nâng đỡ, tém gọn và tái quy hoạch các khối phần thân thể. Những cặp coup nhồi đệm push-up, những kiểu quần grannie lưng cao bó bụng, và cả những cặp pantyhose tiện dụng.

Tuẫn tiết trong cuộc gò nén thân hình, bạn sẽ không thể ngờ chúng có thể dẫn dắt bạn đến những tội ác thời trang ghê gớm nhất.

1. “Gia Tài Của Nội”:

Bằng một niềm tin hồn nhiên nào đó, bạn hi vọng phần lưng cao và dày bản của loại quần lót bó bụng này sẽ ôm giữ những mảng cơ thể lỏng lẻo và chèn ép bộ nội tạng của bạn lại thành vòng lưng ong. Nhưng kết quả luôn luôn có được, đó là ngấn lưng quần nghiệt ngã hằn sâu trên những tảng cơ đã rệu rã như sắp bong tróc tan chảy khỏi cơ thể bạn, những khối cơ rung rinh bị dồn nén và đẩy ngược cho đến kỳ phun trào ra khỏi lưng quần và, đương nhiên, bộ nội tạng quá tải của bạn vẫn ở nguyên vị trí cũ với thể tích không đổi.

Điều tệ hại hơn nữa, thứ đai trinh tiết bất đắc dĩ này sẽ cho bạn một phong cách xứng danh dũng sĩ diệt dục khi trút bỏ bộ cánh bên ngoài, và thứ cảm giác gần gũi duy nhất với một người đàn bà trong chiếc quần như thế chỉ có thể là hình ảnh võ sĩ môn vật tự do hoặc các cụ bà đáng kính.

Không hài lòng với vòng eo lỏng lẻo của mình? Hãy bỏ số tiền tương đương một tá quần như vậy vào một cái thẻ tập thường xuyên hay một chiếc xe đạp, bằng không thì hãy tập làm quen với những ngấn mỡ phun trào ẩn hiện sau lớp áo, và những tiếng thét kinh hoàng vang lên gần bạn mỗi bận cởi đồ.

Nhưng, oái oăm thay, điểm cộng của kiểu quần lót grannie tân thời với bản lưng cao lại phát huy dáng vẻ gợi tình của một thân hình thon thả, xương hông cân đối, và đặc biệt với cặp dây nịt vớ – một thứ hơi hướm bdsm cực kì kinh điển và gợi tình! Đến đây thì chức năng tạo dáng của nó được phát triển đúng đắn nhất, tức là định hình và tôn dáng cho nữ chủ nhân, với cặp chân như được kéo dài hơn nhờ phần eo nâng cao và phần bụng mềm được bó săn thít, phẳng phiu. Một khi thoát y và được mặc như món trang phục rù quến trong phòng ngủ, chiếc quần lót ôm bó lưng cao, với những đường nẹp luồn xương na ná những chiếc corset kinh điển của Jean Paul Gaultier sẽ khiến bạn trông như một món quà được long trọng gói ghém lịch sự đến mức không người đàn ông có lương tri nào không muốn mau mau xé bỏ cái gói để chóng hưởng món quà theo một cách không hề lịch sự chút nào cả.

Một biến thể tinh tế của granny panties, với chất liệu mỏng và một tỉ lệ đăng-ten chấm phá khôn ngoan để cân chỉnh form dáng thô rộng của chiếc quần, sẽ cho bạn vẻ mong manh có khả năng kín đáo trêu mời mọi tư tưởng manh động, và các cuộc tấn công được hoan nghênh nhằm vào tạo vật mỏng manh sương khói ấy.

Thế là cuối cùng, chẳng có thứ nội y nào thay thế cho một thực đơn khôn ngoan, kỷ luật vận động hay phẫu thuật thẩm mỹ cả! Còn nếu bạn không thể ăn kiêng, tập thể dục và cũng phản đối nốt phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng lại trông cậy vào một chiếc quần lót để cho mình vòng eo gợi tình, thì, đương nhiên, bạn rất không nên thoát y trước mặt bất cứ ai cả!

2. Sporty Undies:

Vậy là từ thời gây sóng gây gió của Mel C nhóm Ngũ Vị, khái niệm “sporty” mất hết ý nghĩa về sự gợi cảm của thể hình khỏe mạnh và cô nàng năng động, mà chỉ còn gợi nhớ đến trán cao miệng rộng, vạm vỡ, và múa hát. Ngay cả những bộ đồ lót kiểu dáng thể thao bằng thun co giãn cũng không giúp cải thiện tình hình hơn chút nào. Chúng có thể phù hợp trong phòng thay quần áo của một lớp thể dục nào đó, nhưng làm ơn, đừng nhầm lẫn khi mang chúng vào để tạo hình cho một nữ kiện tướng đại vận hội phòng the.

Tệ hại hơn hết, các nẹp thun viền sẽ tiết lộ bất cứ gam mỡ thừa nào tích tụ tại vòng eo và ngang mông. Để điều tiết ngấn chữ V và tinh thần thể thao hùng hục ấy, một chiếc quần thể thao dáng G-string hay “thong” sẽ là giải pháp tối ưu, an toàn nhưng vẫn nóng bỏng.

Tuy nhiên, nếu bạn là fashionista dòng casual bụi phủi, thường xuyên cặp kè với quần cargo lưng xệ hoặc jeans, thì những dải nẹp lưng quần sặc sỡ sẽ là điểm nhấn nhá vờ như vô tình nhưng gợi ý lắm thứ hay ho. Nhưng bạn sẽ phải chấp nhận một luật bất thành văn của tín đồ trường phái sporty, đó là những bộ ngực trần bên dưới chiếc sơ-mi nam phong phanh vờ vịt, hoặc chiếc tanktop khỏe mạnh, phóng khoáng và trêu ngươi.

3. Ngẫu hứng Mismatch:

Cùng với một cuộc chơi mismatch với những mảnh không cùng một bộ, bạn là hiện thân của lối sống “bán nghệ sĩ” của những cô nàng cẩu thả một cách hữu ý, hút Marloboro Light cao bồi nửa mùa, shopping bằng thẻ, có một công việc dính dáng xa gần tới thời trang và hành xử như đang sống ở Notting Hill. Nói chung là có vẻ vui nhộn và dễ thở.

Mốt này trở nên thịnh cực kì hồi thời của Britney Spears, dẫu sao thì không lâu sau đó cô nàng cũng được nhìn thấy mặc một bộ đồ hình chú heo màu hồng nên đây cũng không hề là một tấm gương điển hình đáng đưa vào cân nhắc cho lắm.

Nhưng kể từ đó, những cô nàng thế hệ “nghệ sĩ một nửa” bắt đầu hứng thú với trào lưu mismatch như một sự tự do buông tuồng dung túng cho thói cẩu thả, một lối thoát dễ dãi để bao biện cho thời trang luộm thuộm. Thảm họa sẽ thật sự diễn ra một khi bạn kết hợp một chiếc quần kiểu thanh nữ virginal bé xíu bằng ren màu trắng ngà với một cặp áo ngực bằng thun cotton kẻ sọc. Đó sẽ là một cặp đôi khiên cưỡng và nhếch nhác, một kiểu tự do vô chính phủ quá đà. Bạn trông giống một cô nữ sinh kí túc, đã mắt nhắm mắt mở vơ bừa những mảnh lingerie của mấy cô bạn cùng phòng mà quàng bừa vào người. Không có sự hời hợt nào có thể xúc phạm thời trang thậm tệ hơn thế, và cũng như cô nàng mặc quần grannie, tốt hơn hết bạn không bao giờ nên cởi quần áo trước mặt bất cứ ai.

Chớ vội cả tin vào cảm giác dễ dãi của vẻ ngẫu hứng cố tình ấy! Tiêu khiển với mismatch là một bộ môn khoa học cao siêu, đặc biệt khi dính dáng đến nội y. Bạn phải tính toán đến sự hài hòa về màu sắc nhưng trên hai mảnh chất liệu đối nghịch, hoặc là đối lập hoàn toàn về màu, nhưng tương thích tài tình về chất liệu hay tại một chi tiết trang trí bất ngờ nào đó. Sự va chạm đối nghịch của hai phần trong cùng một cặp sẽ tạo nên một bức tiểu họa lập thể lí thú với những hiệu ứng bất ngờ.

Một chiếc quần spandex kiểu boyshorts như cặp quần đùi con trai ngắn cũn mặc với cặp nịt ngực ren đỏ thắm sặc vẻ quí bà là một dẫn dụ hoàn hảo, chẳng hạn. Bạn thích phá luật và tự làm luật, vậy đó! Bạn không thích việc mọi thứ phải đi theo một cặp đồng màu. Còn trong mắt các chàng, đây là cả một sự thay đổi lí thú sau màn trình diễn của ái tình kẹo ngọt đều đặn hàng đêm. Bên dưới bất kể bộ váy áo nào, bạn đột ngột xuất hiện đầy ngẫu hứng, khoáng đạt, vô ưu, và vui mắt trong một dáng điệu ngộ nghĩnh, hoặc bởi quáng quàng hậu đậu đến mức không tìm ra mảnh còn lại của một bộ ton-suit-ton, hoặc bạn thừa mứa tự tin vào thân hình ngon rau ráu tới mức chẳng buồn xét nét đến bộ đồ lót vốn chẳng bám được trên da quá vài giờ mỗi ngày!

thăng trầm hai mảnh bikini

Hoa Nhài Đen

Giáo sư danh dự khoa kinh tế trường đại học Baruch, Aaron Levenstein khả kính, là tác giả cuốn “Escape to Freedom: The Story of the International Rescue Committee”.

Không nhiều người biết điều này.

Nhưng câu nói của ông: “Các con số thống kê, chúng như những bộ bikini vậy – phô diễn ồn ào những thứ đầy thi vị, nhưng luôn bảo đảm che đậy những yếu tố nền tảng quan trọng nhất” đã khiến ông nổi tiếng trên toàn thế giới

Cuộc chiến hạt nhân chống nguyên tử trên không phận Riviera

Từ năm đầu tiên uể oải đứng lên sau Đệ Nhị Thế Chiến, toàn châu Âu đặt lên vai giới thời trang Paris trách nhiệm cứu rỗi và chữa lành, vốn dĩ là quyền năng lợi hại muôn thuở của thời trang, nhằm tô điểm cho bức tranh thời hậu chiến khi này còn quá đỗi thê lương u ám. Nhưng không ai ngờ, khi mà madame Coco còn lưu vong với nghi án phản quốc, thì vận mệnh phục hưng lại nằm trong tay những tông đồ ngoại đạo: một chủ tiệm chạp-phô và một tay kỹ sư cơ khí vùng Riviera.

Đầu hè năm ấy, khi mà giới thượng lưu Âu châu đổ xô về bãi biển Cannes nhằm bù đắp những tháng ngày u tối, Jacques Heim – một nhà thiết kế kiêm chủ một cửa hiệu đồ tắm ở Cannes đã trở thành người hùng bất đắc dĩ khi liều mạng tung ra mẫu áo tắm Atome với nghĩa tên gọi “nguyên tử” đầy mùi ca tụng đòn tung bom chí mạng của quân đồng minh tại Nhật, và cũng nhằm hàm chỉ diện tích vải eo hẹp đến ngộp thở của món thời trang này.

Thoạt tiên chỉ với mục đích bán trong cửa tiệm riêng của mình, nhà thiết kế kiêm doanh nhân ranh mãnh đã thuê tàu bay viết quảng cáo bằng khói trắng lên nền trời thừa nắng của miền Nam nước Pháp, xưng tụng Atome là “bộ đồ tắm nhỏ nhất thế giới”.

Nhưng tay chủ tiệm có lời công bố mau mắn nọ đã không ngờ rằng ông không hề là người hùng đơn độc. Cùng lúc, cũng tại Pháp, một nhà thiết kế tài tử khác cũng đã nỗ lực tung ra một mẫu tương tự cho mùa hè phục hưng hậu chiến 1946. Chỉ 3 tuần sau khi lời công bố của Heim được tải bay phấp phới trên trời, Louis Reard – một kỹ sư cơ khí đột nhiên chiêu hồi vào lĩnh vực đồ tắm đồ bơi, cũng tung lên nền trời vùng Riviera thông điệp quảng cáo đầy màu sắc hào hùng và láu cá “Bikini – còn nhỏ hơn cả loại đồ tắm nhỏ nhất thế giới.” Trò “ranh mãnh hơn cả kẻ ranh mãnh nhất nước Pháp” ấy đã khiến Reard khéo léo ăn theo luôn cả hiệu ứng marketing của gã chủ tiệm tội nghiệp. Cái tên bikini ngộ nghĩnh dễ nhớ chính thức trở thành tên gọi của kiểu áo tắm hai mảnh cho đến nay vẫn đảo điên khuấy động sóng biển lẫn sóng tình hơn 70 năm sau.

Khi dự định công diễn bikini tại Paris, Reard đã không thể tìm ra một cô người mẫu nào chịu mặc thiết kế kiệm vải này, cho đến khi ông may mắn gặp người mẫu Micheline Bernardini, vốn mang trái tim quả cảm của một vũ nữ khỏa thân chuyên nghiệp. Cô trở thành vị nữ đại sứ chính thức đầu tiên của cách mạng bikini ghi dấu xâm lăng lên sàn diễn thời trang Paris năm ấy.

Không ai biết được liệu gã chủ tiệm hay anh kỹ sư cơ khí của mùa hè 1946 ấy đã tiên liệu trước cuộc cách mạng dài hơi, với tầm ảnh hưởng xuyên thế kỷ, đã vĩnh viễn thay đổi bộ mặt các bãi biển và can thiệp khó lường vào khái niệm đạo đức xã hội lẫn giá trị hôn nhân của hậu duệ hơn nửa thế kỷ về sau.

Người ta cho rằng bàn thắng của tay kỹ sư cơ khí hơn 60 năm về trước được quyết định không chỉ bởi dòng slogan láu cá, mà chính tên gọi bikini đã khiến trào lưu bùng nổ như chính những vụ thử bom hạt nhân xuất phát cùng năm trên hòn đảo cùng tên. Cả hai vụ nổ trên quần đảo Marshall và bãi tắm Cannes đều để lại cho nhân loại thứ quyền năng hủy diệt và những đống hoang tàn gớm ghê.

Tiết hạnh Hoa Kỳ và người đàn bà Gaulois bé bỏng

Như một lộ trình ngẫu nhiên, bikini vượt bể dội bomb tổng lực lên thị trường thời trang Hoa Kỳ chỉ sau một năm liên tiếp càn quét Âu châu. Vụ bùng nổ bikini tại Cannes đã không thực hiện cuộc càn quét dễ dàng qua những vùng duyên hải nước Mỹ, nơi kiểu áo tắm tiết hạnh khả phong vẫn kiên cường bám trụ trên thân thể quý bà công dân Hợp Chủng Quốc.

Dân Hoa Kỳ thủ cựu mỏi mòn níu giữ những giá trị cực đoan của Âu châu cũ nên tỏ ra câu nệ hơn với những mảnh trang phục giật gân gay cấn này.

Tài phiệt dòng thời trang biển Fred Cole, chủ nhân ông của Cole of California tỏ ra dè bỉu với ít nhiều kì thị đối với cơn sốt bikini của người Pháp, rằng chúng được thiết kế cho “những thân hình dí dị thiệt thòi của đàn bà giống Gaulois”. Ông giải thích rằng các cô gái Pháp sở hữu những cặp chân ngắn đụt nên cần cậy nhờ vào bikini, với hai bên chiếc quần bơi được giảm thiểu cho chân có vẻ dài hơn, và điều đó, cộng với sự lõa thể sỗ sàng của người Pháp, khiến bikini là bộ đồ tắm “để lộ tất cả mọi sự thật về người phụ nữ, ngoại trừ tên thời con gái của bà thân mẫu.”

Nhưng sự mỉa mai huỵch toẹt ấy không làm nản lòng một người phụ nữ Gaulois. Con mèo cái nhỏ của nước Pháp Brigitte Bardot tung tẩy khối thịt da hừng hực trong shot ảnh chụp vào liên hoan phim năm Cannes 1953 đã là một đòn chí mạng giáng lên những mảnh swimsuits thủ cựu.

Tiếp bước theo cô là giai nhân nước Mỹ Marilyn Monroe, dẫn lối cho Esther Williams cho đến Betty Garble trong trào lưu bơm căng danh vọng bằng những đường cong được che đậy hững hờ.

Khi ấy, liên hoan phim Cannes và đào BB đã hình thành một mối liên hệ cộng sinh. Cannes nâng đỡ bước nàng vào hàng danh vọng màn bạc, ngược lại, nàng đặt Cannes lên bờ ngực đẫy đà chỉ chực nhảy xổ khỏi coup áo bikini, và trở thành đại diện quan hệ cộng đồng hùng mạnh nhất của Cannes (cả sự kiện và thành phố diễn ra sự kiện).

Trong khi Mỹ vẫn tỏ ra lãnh đạm, thì ở lục địa già Âu châu, với sự ủy lạo nhiệt tình bằng ngọc thể của những thần nữ ái tình màn bạc như BB, Anita Ekberg và Sophia Loren, bikini vào thượng tầng cao trào. Nhưng những quốc gia lân bang của Pháp là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý Đại Lợi vẫn cùng một số tiểu bang Hoa Kỳ, kiên cường ôm ghì nền đức hạnh chuyên chính, cấm triệt để bikini.

 

Chiếc vương miện hoa hậu bị nguyền rủa và những nhà cách mạng không có rốn

Năm 1951, cuộc thi Miss World đầu tiên, tiền thân là Festival Bikini Contest đánh dấu cuộc chiến du kích của bikini vào mặt trận thời trang chính thống, do Eric Morley tổ chức, với tư duy đả cựu nghinh tân hiếm hoi của xứ Ăng-lê. Báo giới ồ ạt hoan nghênh sự tiến bộ này và mặc nhiên gọi tên cuộc thi là Miss World, từ đó mà Morley đăng kí cái tên này như tên gọi chính thức của sự kiện. Hoa hậu đầu tiên, Kiki Hakansson từ xứ Thụy Điển đã tài tình người đẹp nhất trong bộ bikini mà ở xứ cô hiếm hoi mới có dịp diện đến, một phần bởi quá nhiều các đối thủ hạng nặng đến từ các nơi dư dả đường duyên hải đã rút tên khỏi cuộc thi dưới áp lực của đạo đức ăn bận của nước nhà. Thế là về sau, chính cuộc thi người đẹp bikini toàn cầu đầu tiên rơi vào cái bẫy danh dự Miss World của chính mình. Bikini bị phế truất khỏi chính sự kiện của nó, và được thay thế bởi những bộ váy dạ hội sang cả, Hakansson là hoa hậu Miss World đầu tiên và duy nhất đầu đội vương miện, mình vận đồ bơi, và người đàn ông duy nhất trên cõi nhân gian nguyền rủa vương miện của nàng là đức Giáo Hoàng.

Từ đó về sau, các cuộc thi nhan sắc cũng lần lượt công khai cấm vận bikini. Các nhóm nữ quyền tung rải tuyên ngôn bài bác bikini tại các cuộc thi đầu thập niên 70, các đoàn thể xã hội tạo sức ép lên kinh đô điện ảnh Hồ Ly Vọng, đòi hỏi các đạo diễn tiễu trừ những mảnh vải không-hề-nhỏ-nhít ấy ra khỏi màn bạc, dù những bộ phim về nam thần hoang dã Tarzan từ thập niên 30 đã sớm trưng trổ tòa thiên nhiên hùng vĩ của đào Maureen O’Sullivan trong bộ bikini sơn nữ với một lí do hiển nhiên là chuyên nghiệp nhất: tôn trọng bối cảnh kịch bản. Nhà nghiên cứu điện ảnh Bruce Goldstein mô tả nôm na bộ cách Sơn Nữ Tên Jane này là “một loại khố để hở một bên sườn, và người ta có thể nhìn thấy nhiều hơn là một mảng sườn”.

Thế là các nhà đạo đức hè nhau dựng tạm một liếp rào phẩm hạnh, với một định chế nôm na là cứ hở rốn như bikini là dâm ô một rọ.

Ranh mãnh như chính cha đẻ người Pháp của bikini, các tạp chí vẫn đăng ảnh chụp bikini, nhưng tinh ma hiệu chỉnh mờ phần rốn, hoặc với những tư thế khôn ngoan vờ vịt che chắn bộ phận vô tội này, chiều theo quan điểm định hình kích thước phẩm giá trên.

Mọi trang bìa phần phật những phần bụng dưới được lập lờ bào nhẵn, những lỗ rốn vô tội được chắn che cẩn thận, và những chiếc quần tắm nhỏ xíu tuột trễ thật sâu dưới xương hông vẫn như có thể bị rơi tuột xuống tận cổ chân bất cứ lúc nào.

Và như vậy, chiếc bikini của người Pháp đã thâm nhập thị trường Hoa Kỳ qua con đường những vị nữ đại diện vẫn đầy đủ phẩm hạnh và không có rốn.

 

Cuộc chinh phục những cô đào Hồ Ly Vọng

Năm 1962, tiêu chuẩn nhan sắc Mỹ Bond Girl, khi này do Ursula Andress thủ diễn, chói chang diễm lệ đi lên từ biển, tái hiện hoàn hảo một bức tranh Vệ Nữ mình bận bikini trắng toát mồ hôi. Scene này lập tức đi vào huyền thoại những pha bất hủ của chuỗi dài phim James Bond mọi thời kỳ, được coi là scene bikini nổi tiếng nhất thời đại đã đưa đào Ursula lên đài cao danh vọng. Theo mô tả lại, đó là một dẫn dụ bằng hình ảnh tuyệt vời nhất của cuộc cách mạng tình dục trên màn ảnh Mỹ những năm 60, và cũng là cái cớ để phái thủ cựu chế giễu gọi trại tên nàng thành Ursula “Undress”.

40 năm sau, Halle Berry, trong một phim khác về James Bond là Die Another Day, tái hiện hình ảnh Ursula Andress trong bộ bikini giống hệt.

Năm 2001 bộ bikini trắng nổi danh ấy được mua lại trong một cuộc bán đấu giá với 61,500USD

Tiếp nối thành công hiển nhiên của bikini với màn bạc Mỹ, các siêu phẩm cine, ca nhạc và truyền hình Hoa Kỳ tiếp tục tung ra những quả bom gây ngộp khác trong Dr.Stragelove, Beach Party, và ca khúc ngộ nghĩnh Itsy Bitsy Teenie Weenie Yellow Polka Dot Bikini trở thành bản pop “bikini ca” của tín đồ thời trang toàn thế giới, với giai điệu ngộ nghĩnh về cô nàng cả thẹn lần đầu mặc bikini đã trở thành ca khúc nổi tiếng nhất về bikini và nâng món trang phục ồn ào này vượt tầm thời trang chức năng để trở thành một hiện tượng xã hội và một đại diện của lối sống thanh niên thành thị mới.

Nương theo đợt sóng thần của cuộc đại cách mạng tình dục và pop culture, bikini trở thành thứ thời thượng nóng rẫy nhan nhản khắp các hồ bơi bãi tắm của Hợp Chủng Quốc. Tờ Playboy của ông lão chăn thỏ Hefner cũng lập tức căng phơi bikini lên trang bìa vào 1962, hai năm sau, tờ thể thao đứng đắn Sports Illustrated cũng nối gót Playboy. Bà hoàng pin-up Marilyn Monroe tung tẩy những khối thân thể tròn căng như muốn nẩy vọt khỏi bộ bikini trên những tấm poster quảng cáo phim và mọi bìa tạp chí. Cùng với nàng là hàng loạt các cô đào thứ dữ, Jayne Masfield, Gina Lollobrigida đến Hayworth và Raquel Welch cùng đắm chìm trong làn sóng bikini.

Chính từ giai kỳ bikini này, lịch sử điện ảnh ghi nhận hàng loạt truyện phim được xây dựng trên bối cảnh bãi biển với yếu tố kịch bản không nhất thiết quá cầu kì. Đây chính là bệ phóng của siêu hình tượng nhan sắc nước Pháp Brigitte Bardot thập niên 60, và về sau này là kiều nữ truyền hình Mỹ Pamela Anderson với những màn chạy nhảy leo trèo mải miết trong series bỏng con ngươi Bay Watch cuối 80.

Cơn đại dịch dai dẳng và những biến chứng li kỳ

Sau hồi hưng thịnh lẫy lừng, những năm cuối 1980 và đầu 1990 đã chứng kiến sự hắt hủi của giới thời trang và các tín đồ dành cho bikini, với màn tái xuất gay cấn của áo tắm một mảnh, lần này với đường hông khoét cao ngặt nghèo đến tận eo, mô phỏng trang phục aerobic khi này đang gây sốt khắp địa cầu qua các video hướng dẫn của minh tinh Jane Fonda và siêu mẫu Cindy Crawford.

Cộng thêm vào đó là những phát hiện mới đầy đe dọa về căn bệnh ung thư da do nắng khiến bikini trở thành kẻ tội đồ khủng khiếp. Năm 1988, hãng bikini của ông tổ Louis Reard phá sản chấm dứt cuộc vinh hoa của anh kỹ sư cơ khí số đỏ, khi mà những mảnh bikini khi này chỉ có mãi lực bằng 30% mãi lực áo tắm một mảnh.

Ông đã không phải chứng kiến ngày lụi tàn của cơ đồ, bởi ông đã viên mãn yên nghỉ 4 năm trước khi phải chứng kiến sản nghiệp một đời vào cơn khánh tận.

Đã phải mất gần một thập niên để bikini chờ đợi những công thức kem chống nắng hiệu quả hơn.

Với chiêu bài cũ là mượn lực từ đối phương, sau thời kì thập niên 90 đen tối, bikini tái xuất lẫy lừng trong một thái độ hoàn toàn mới, mượn ý tưởng từ phần eo được vén cao quá độ khiến những cặp mông bị phơi lộ hầu như hoàn toàn của swimsuit một mảnh. Cánh mày râu lại được phen tối tăm mặt mũi trước những chiếc quần bikini mà cấu trúc phía sau chỉ còn là một dải chất liệu mỏng manh ngặt nghèo, hoặc thậm chí chỉ còn là một sợi dây mảnh mai đến khó chịu, nằm lọt thỏm ngoạn mục giữa đôi gò mộng, dễ bề khiêu gợi lắm sự nhiễu nhương.

Viện thời trang Met đưa ra nhận định về cuộc tái xuất vẻ vang này của bikini là một “hiện tượng xã hội về ý thức thẩm mỹ cơ thể, quan niệm đạo đức, và thái độ giới tính.” Phái PETA thức thời cũng không bỏ qua cơ hội và biến bikini thành vũ khí tối thượng trong chiến dịch sao khỏa thân “I’d Rather Go Naked”. Các siêu bom tình Pamela Anderson, Traci Bingham và Alicia Mayer đường hoàng xuất hiện trưng phô thân thể tươi rau ráu trong những bộ bikini kết bằng rau xanh, cũng tươi xanh ngon lành không kém, nhằm ủy lạo thực đơn ăn chay và hạn chế giết mổ.

Từ đây, con cháu hậu duệ của huyền thoại bikini cũng sinh đẻ đề huề. Từ dòng họ -kini đến các chị em họ -ini đã cho ra đời những dòng mẫu đa dạng, hình thành cả một hệ thống thuật ngữ cực vui tai mà tín đồ nào cũng phải bảo đảm thuộc nằm lòng. Từ monokini, numokini (không có phần áo), seekini trong suốt, tanikini với phần áo theo kiểu tanktop, camikini với áo có gọng như corset, hikini, thong, sling shot, minimini, teardrop, micro, v.v… và v.v…

Bikini vượt tầm thời trang hay một món đồ bơi thực dụng để trở thành một lối sống đầy thái độ và, oái oăm thay, đáng dùng để là cờ hiệu hay linh vật của mọi tổ chức nữ quyền cách đó không lâu còn tẩy chay và kì thị. Một cuộc điều tra cho thấy 85% bộ bikini được mua chưa bao giờ thật sự nhúng nước một lần lấy lệ, nhưng đến những năm đầu thế kỷ 21 đã mang lại nguồn niên lợi 811 tỉ Mỹ kim. Đương nhiên, đó là chưa kể nguồn lợi kinh tế đi kèm từ dịch vụ bikini waxing và công nghệ sản xuất kem chống nắng và nhuộm da.

Calvin Klein – người hùng thời trang Mỹ & chiếc quần lót phi giới tính

Trác Thúy Miêu

Từ khi lên 5, Calvin đã biết chắc điều mình muốn làm với sự nghiệp về sau. Cậu sẽ trở thành một nhà thiết kế thời trang và sẽ không ai ngăn cậu được. Như thể định mệnh cho đứa trẻ lì lợm cắm đầu vào hào quang của một trong những nhà thiết kế hùng mạnh nhất công nghệ thời trang thế giới, với tài sản hàng tỉ Mỹ kim và một cái tên bành trướng mọi thị trường thời trang, mỹ phẩm thân thiện, từ quần áo, nước hoa, kính mát cho đến tận những mảnh đồ lót. Mỗi bước tiến quân hoành bá của song tự CK đều mang về một ngân khoản và uy danh lẫy lừng cài lên ngực kẻ mang danh “Calvin the Conqueror” (Kẻ Chinh Phục) trong suốt 40 năm bất bại.

Mộng bá chủ từ quầy tạp hóa phố Bronx

Sự nghiệp lẫy lừng ấy đã bắt rễ từ rất sớm, những tháng năm lớn lên của cậu Richard Klein khu Bronx, New York. Sinh ra vào cuối năm 1942 với hai dòng máu Áo-Hung, tuổi thơ cậu Klein không có chút hào quang của tầng xã hội phong lưu le lói được đến tiệm tạp hóa của cha cậu, nơi cậu lớn lên để tập phụ việc, như một phần số khiêm nhường được ấn định lầm lũi giữa những kệ di sản chạp phô cha truyền con nối.

Giữa những quầy kệ của cuộc sống phố Bronx, Klein khép mình khỏi những trò chơi của bọn nít nhỏ cùng xóm, cậu ở nhà, lúi húi tập vẽ và mê mẩn trò vá khâu. Những khoảnh khắc huy hoàng trong tuổi ấu thơ ấy của cậu nhỏ lập dị nhà Klein là những chuyến được theo mẹ đi mua sắm trên phố lớn. Trên thực tế, những chuyến tháp tùng hào hoa ấy của cậu là cùng người mẹ – người đàn bà đa đoan tằn tiện, săn lùng những đợt hàng thời trang giảm giá, hay các tiệm hàng giá rẻ. Nhưng chính những cuộc săn loanh quanh phố lớn ấy đã kết thúc bước chân ấu thời của cậu tại trường trung học Mỹ Thuật Công Nghệ, với mục tiêu trực chỉ Viện Công Nghệ Thời Trang Nữu-Ước. Klein tốt nghiệp ngoạn mục khi 20 tuổi, và vài năm sau thành thân với cô Jayne Centre, cùng lúc chính thức đặt chân vào giới thời trang New York ở tư cách một thực tập sinh vô danh. Sau đó, Klein chuyển sang phụ việc cho Dan Millstein với tiền công 75 dollar mỗi tuần bằng việc vẽ lại các thiết kế áo khoác kiểu Âu châu cho nhà này. Thời ấy, hầu như Hoa Kỳ chưa có lấy cho mình một phong cách thời trang rõ nét riêng biệt, mà phần lớn chịu ảnh hưởng từ các trào lưu thời thượng của Lục Địa Già. Chính công việc này đã cho Klein thâm nhập sâu sắc nhất vào tinh thần Âu châu trong từng cấu trúc thiết kế khi này khuynh đảo sàn thời trang Hợp Chủng Quốc.

Từ những bản vẽ “nguội” này, Klein ấp ủ mầm mống sự nghiệp cho một hãng thời trang riêng, như một sự trỗi dậy của lòng tự trọng Hoa Kỳ, kèm theo tag giá đại đồng thân thiện đủ để hất cẳng những thế lực xa xỉ Âu châu khi này vẫn đang chiếm thế độc tôn.

Năm 26 tuổi, với 2,000 dollar tiền tiết kiệm và 10,000 mượn từ Barry Schwartz, một người bạn thời ấu thơ, anh chàng đã thành công gieo hạt mầm đầu tiên cho thế lực thời trang Hoa Kỳ non trẻ, mang tên Calvin Klein Ltd., với Schwartz trở thành cổ đông đầu tiên và duy nhất.

Từ tai nạn tình cờ của tay buyer ngớ ngẩn…

Tiếp tục tập trung vào dòng thời trang áo khoác, mọi ý tưởng từ thời còn ngồi vẽ lại những chiếc áo khoác châu Âu được dịp tuôn trào vào nhữn sản phẩm Mỹ thật sự. Nhưng thành công và may mắn lại gõ cửa hãng Calvin Klein nhờ một tai nạn hi hữu một năm sau ngày thành lập, khi một doanh nhân bước ra khỏi thang máy vào nhầm tầng lầu và bước nhầm vào văn phòng hãng thời trang Calvin Klein vô danh. Tình cờ sao, doanh nhân này là một chuyên viên thương vụ của hãng department store Bonwit Teller danh tiếng. Ông ta vào nhầm chỗ, nhưng khi bước ra, đã đặt xuống chi khoản 50,000USD cho một thương vụ không thể đúng đắn hơn, và lời nhắn nhủ mang tính sấm truyền “Ngài Klein, ngài sẽ được thế giới thời trang phát hiện ra.”

Chỉ trong một năm đầu hợp tác, nhà Bonwit Teller đã thực hiện 1 triệu USD thương vụ với Calvin Klein.

Sự hào phóng của bạn hàng đầu gấu đã giúp Klein tự tin xâm lấn sang dòng thời trang sportswear thân thiện vào năm 1973. Các thiết kế đầu tay của ông, với dấu ấn đơn giản, lịch thiệp và đầy chất thực tế đặc thù đã nhanh chóng được dân Mỹ mệnh danh đầy tự hào là “The Calvin Klein Look” cho cả một trường phái thẩm mỹ thời trang thực dụng. Cùng năm, tô điểm thêm cho vầng hoàng quang mới của thời trang Mỹ, Calvin Klein ẵm luôn giải thưởng danh giá Coty Award.

Nhưng phía sau những bước tiến liên tiếp ấy của sự nghiệp là những rạn vỡ đầu tiên trong cuộc sống riêng của Klein. Năm 1974, khi đương trên đài danh vọng, ông ly dị vợ, rơi thẳng vào những cuộc tiệc tùng triền miên và mọi thứ chất kích thích mà lối sống hippy thượng lưu có thể mang lại cho những ai đủ tiền để nghiện ngập. Năm 1978, con gái Marci 11 tuổi của Klein bị bắt cóc, như một đòn cảnh tỉnh ông bố trẻ, lôi tuột Klein khỏi những cuộc đắm mình thâu đêm ở hang ổ khét tiếng Studio 54.

Marci an toàn hồi gia, và Calvin Klein cũng vậy.

…đến quyền lực Mỹ tái sinh từ vũng lầy đồng tính

Đầu 1980, Calvin Klein – giờ đã thành tên gọi một thế lực thời trang mới, lại đặt chân đến một khúc quanh định mệnh, khi tung ra chiến dịch quảng cáo cho mẫu quần jeans bó sát, với cô đào non Brook Shields pose một dáng giật gân với lời tuyên bố như thách mọi nam nhi trai tráng Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ “Không có gì lách vào nổi giữa tôi và Calvin”, đương nhiên là ám chỉ nhiều hơn đến sự khắng khít ngặt nghèo giữa làn da đùi của nàng với chiếc quần bó đến ngứa mắt.

200,000 chiếc bán hết vèo trong tuần đầu tiên, các nhà hoạt động nữ quyền lại được dịp om sòm la lối, nhưng đó chỉ là một dấu son cho mỗi chiến dịch quảng cáo thật sự thành công. Calvin trở thành điển hình tiên phong cho phong trào chiến dịch quảng cáo kèm tai tiếng, mà kẻ tiếp nối nhanh nhảu nhất cũng chính là ông.

Hai năm sau đó, Klein tung bomb quảng cáo quần lót nam để khai hỏa cho dòng sản phẩm nóng sốt nơi đáy quần nam nhân toàn thế giới cho đến tận nay. Hẳn nhiên, với shot ảnh các nam thần làng mẫu mình chỉ mặc độc những chiếc quần thun bó đến cháy da, Calvin Klein thắng lớn. Nhưng vị ngọt thành công chỉ mới ngây ngất được một năm thì cơn hoảng loạn toàn cầu về bệnh AIDS khiến các đáng nam nhi co vòi lập tức trước hình tượng tình dục phi giới tính của mẫu quảng cáo nhà CK, và bất cứ kiểu quần lót bó sát vào nơi rất không nên xây xát ấy, đúng ngay vào lúc vừa bỏ 65.8 triệu USD ra mua lại licensee của Puritan Jeans, Calvin Klein ngập đầu trong món nợ trời giáng.

Ngay trong vũng lầy sự nghiệp, Klein lại tái hôn, nhưng đây không hề là một đoạn đường quang đãng. Ông tái nghiện và được đưa đi điều trị tại Hazelden Clinic ở Minnesota. Sau khi cai nghiện, như gã khổng lồ thức giấc, Klein công khai giới tính, và bắt tay với tài phiệt truyền thông David Geffen để gỡ công ty khỏi món nợ khổng lồ. Tự học từ thương vụ suýt xóa sổ Calvin Klein, ông bắt đầu phát hành license của chính mình. Cái tên Calvin Klein quả là món hời được giá, ngay lập tức lây lan khắp thị trường thời trang, phụ kiện và mỹ phẩm như một trận đại dịch lây lan nhanh chóng mặt. Từ mắt kính, đồng hồ, ví bóp, v.v… Điểm nhấn của cuộc càn quét là quả bomb mùi hương sặc mùi tuyên ngôn của phong cách Calvin Klein – nước hoa unisex cKone, đánh dấu sự tở lại huy hoàng của quyền lực Calvin Klein bách thắng.

Cao điểm xảy ra vào năm 2002, khi Klein bán lại công ty cho tập đoàn Phillips Van Heusen Corp với giá trị 400 triệu Mỹ kim, với 30 triệu giá trị cổ phiếu. Nhưng cái tên Calvin Klein vĩnh viễn ghi dấu quyền lực trong lịch sử ngành công nghệ thời trang Hoa Kỳ và thế giới.

Chất bôi trơn mang tên Tình Dục

Nhìn vào một shot ảnh hay clip quảng cáo của nhà Calvin Klein, người ta không tài nào biết được món gì đang được rao bán. Liệu đó là kính mát, nước hoa, hay quần bò?

Chỉ riêng Calvin Klein biết chắc thứ ông ta bán, và nó cũng chẳng phải kính mát, nước hoa hay quần bò.

Đó là SEX!

Nhưng tôi đang không định nói rằng nhà Calvin Klein thành công nhờ công nghệ mãi dâm. Không! Chữ SEX viết hoa là một cuộc chơi vi diệu hơn rất nhiều.

Từ TVC, các trang tạp chí cho đến những tấm biển quảng cáo khổng lồ, tất cả đều được phủ ngập những thân mình thiếu vải, loang loáng thịt da hoàn mỹ, và chỉ một vài mảnh của sản phẩm chủ đạo được đeo đính vào đó một cách tài tình.

Mọi dân nội giới rành chuyện của công nghệ thời trang Mỹ đều biết ông tổ của các chiến dịch quảng cáo thời trang gợi tình trên mảnh đất Tân Thế Giới không ai khác, chính là quyền lực thời trang mang tên người đàn ông Mỹ Calvin Klein.

Dù ủng hộ hay phản đối, hiển nhiên, sự phổ biến của cái tên Calvin Klein cũng đủ khẳng định đó là một thế lực hùng mạnh, và tất cả được xây dựng trên ý tưởng về sự gợi tình. Vậy đó, một anh chàng cô nàng mới ra ràng nào cũng hiểu, nếu bạn muốn một phong cách trẻ trung gợi cảm, bạn đi mua đồ hiệu Calvin Klein, và hầu như tag giá thân thiện đến nỗi, “bạn” ở đây có thể là các cô cậu sinh viên còn sống nhờ vào quỹ bỏ túi của một gia đình trung lưu, cho đến những tín đồ thênh thang sự nghiệp.

Klein tuyên bố “Mọi thứ tôi sờ chạm đến, trong các chiến dịch quảng cáo, đều gây tranh cãi. Chính những tiếng la ó đi cùng mãi lực này hình thành một phản xạ có điều kiện trong tư duy sáng tạo. Nếu nó giật gân, gợi cảm và nhạy cảm, và có một mối dây mong manh liên quan đến sản phẩm chủ đạo, thì tôi lập tức sẵn lòng liều mình với ý tưởng quảng cáo đó, bất chấp! Một trò tiêu khiển cực kì thú vị.”

Từ đó, không chỉ được vị nể trong giới thời trang, Calvin Klein còn là một cái tên khét tiếng đối với giới quảng cáo. Ông là một thiên tài lì đòn, sẵn sàng đạp đổ mọi biên giới, thay đổi mọi tiêu chuẩn, và tự định đoạt rằng điều gì là chấp nhận được trong quảng cáo thời trang. Ông khuấy động quanh mỗi shot ảnh, clip TVC của mình những luồng phản ứng đa chiều. Tung hô hay la ó, mặc tình, ông có quanh mình một đám đông ồn ào với mọi sự chú mục hướng về từng chi tiết trên hình ảnh quảng cáo.

Kiện tướng mặc quần đùi và cuộc hành hung 25 chiếc xe bus

Nhưng không phải là một tay con buôn bất chấp thủ đoạn, cuộc chơi của gã người Mỹ khôn ngoan chỉ dừng lại ở những hình ảnh khơi gợi đến hàng tỉ thứ cấm kị hay ho, rồi hình thành nên một màu sắc thuộc tính gắn liền với nhãn hàng: trẻ trung, gợi tình, biết thụ hưởng và không ngán dư luận.

Điển hình là bức ảnh cô người mẫu Pati Hansen năm 1979, lồm cồm chổng mông vào tuế nguyệt trong cặp quần jean CK bó sát. Bức ảnh này, dưới dạng một biển quảng cáo khổng lồ, được chưng liên tù tì 4 năm tại quảng trường Times, trở thành một tượng đài biểu trưng cho tinh thần thời trang dân chủ gắn liền với tên tuổi Calvin Klein.

Năm 1982, cùng với sự bành trướng của Klein vào lãnh vực nội y, tất cả những kinh nghiệm lão luyện từ các chiến dịch quảng cáo trước được tập trung đầu tư cho dòng thời trang không thể phù hợp hơn này. Klein đặt bước chân đầu tiên vào mảnh đất sặc mùi SEX với lời tuyên bố hào hùng “Tôi không làm nên những bộ đồ lót có thiết kế gợi cảm, mà chỉ thiết kế ra những thứ làm chính người mặc trông gợi cảm hơn. Và đó chính là điều mà tôi sẽ đặt vào trọng tâm của hình ảnh quảng cáo, chứ không phải các bộ áo quần. Hình thể hoàn hảo và sự gợi tình sẽ được khai thác và cảm thụ tối đa, nam hay nữ, bất kể, tôi sẽ thực hiện điều này với những người mẫu có thân hình tuyệt hảo”.

Thế là ông tìm đến kiện tướng Olympic môn nhảy sào người đầy cơ bắp, mặc cho anh này thiết kế quần lót mới nhất của ông, chụp lại, thuê đăng trên thân 25 tuyến xe bus ngược xuôi Nữu Ước.

Chỉ sau một đêm, toàn bộ cửa kính của 25 chiếc xe bị đập vỡ tan tành và những tấm poster bị cướp sạch, chỉ trừ tấm biển khổng lồ ở Times Square là may mắn thoát khỏi những bàn tay táy máy của quý bà, và cả các quý ông.


Không cần phải bàn đến mãi lực của chính sản phẩm nữa, đó hiển nhiên đã là một quả bomb quảng cáo vang dội lịch sử thời trang.

Nhưng đó chỉ là cú dội bomb dọn đường, đáng để người ta nín thở chờ dòng underwear nữ thật sự khai hỏa.

Tuân thủ đúng tinh thần unisex của nhãn hàng, những thiết kế quần lót đầu tiên của Klein dành cho nữ hoàn toàn lấy cảm hứng từ những kiểu quần shorts, quần đùi boxers của nam. Các cô nàng vô ưu hồn nhiên như đang mặc quần của bạn trai, gợi tình róng riết đến mức dẫu đẩy năng suất tối đa, hãng của Klein không còn có thể đáp ứng nhu cầu thị trường 2 năm sau đó. Klein thản nhiên buông bỏ, bán lại dòng hàng nóng rẫy tay này lại cho cá mập Kayser Roth Corp và ngon ơ bỏ túi 11.2 triệu Mỹ kim.

Cũng với chất bôi trơn của thẩm mỹ gợi tình, Klen liên tục thắng lớn ở thị trường nước hoa với hình ảnh các nam thần thời đại vờn đùa một quý cô hoàn toàn khỏa thân để quảng cáo cho nước hoa Obsession. Một cuộc thăm dò cho thấy đây đã trở thành hình ảnh quảng cáo đáng nhớ nhất đối với người tiêu dùng ở Mỹ trong suốt 4 năm liền, còn Obsession trở thành nhãn nước hoa bán chạy thứ nhì trên toàn thế giới.

Không có gì có thể ngăn Klein lại nữa, ngay cả bản thân ông. Calvin Klein trở thành một tính từ của vẻ đẹp đầy dục tính và một lối sống hưởng thụ cởi mở và những lằn ranh giới tính bị đạp đổ phũ phàng. Mỗi hình ảnh ký tên CK đều có khả năng vươn ra khỏi tầm quảng cáo thời trang thương mại, mà chính thức trở thành một tuyên ngôn lối sống. Chúng khiến không chỉ các tín đồ thời trang cũng phải ngoái đầu nhìn lại, và người ta không còn ngỡ ngàng trước sự tồn tại và hùng bá hiển nhiên của tên tuổi Calvin Klein.

 

BOX BUÔN CHUYỆN

Như một mối lương duyên với những chiếc quần lót và những thân thể nam thần làng mẫu, gần đây người ta không còn ngỡ ngàng trước cảnh Calvin Klein, ở tuổi ngót 70, cặp kè với chàng người mẫu nhỏ hơn mình 46 tuổi Nick Gruber.

Phải mất công lùng kiếm lắm mới có thể lần ra anh chàng, qua nick Nick Oo trên Facebook, và hồ sơ người mẫu được đăng trên ModelMayhem.com với cái tên Nick London. Hồ sơ này gần đây mới bị xóa mất tăm.

Sự việc không có gì là lạ từ khi Calvin Klein công khai về xu hướng tình dục của mình, và sự quan tâm đặc biệt đến các cậu người mẫu măng tơ theo đúng kiểu Nick Oo, Nick London, hay Nick Gruber, tùy theo cách gọi.

Năm ngoái, Calvin đã hào phóng tổ chức cả một buổi tiệc sinh nhật hoành tráng mừng tình nhân 21 tuổi. Trên tấm thiệp mời, ông cho in dòng chữ “Trong tinh thần lễ hội đón chào năm mới, và kỷ niệm sinh nhật Nick Gruber, hân hạnh thân mời quý vị đến tiệc tối cùng Calvin Klein tại Indochine ngày 21 tháng Giêng, lúc 21 giờ. Đây sẽ là chiếc vé nóng nhất cho toàn giới đồng tính và tinh hoa thời trang New York.”

Mới đây lại có tin đồn họ chia tay.

Một số người quen của Klein cho biết họ chỉ “tạm thời chia tay”, vốn là tình trạng khá thường xuyên của cặp đôi bền bỉ một cách thất thường ấy, trong khi Daniel Nardicio – một nam vũ công nightclub, bạn thân của Nick, khẳng định rằng Nick đã có lần buông lời tâm sự “muốn sống bên anh trọn đời” khi được hỏi về mối tình với CK, còn Klein, phừng phừng hạnh phúc ở tuổi ngót 70, xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia, tuyên bố ông đã “tìm được một tình yêu hoàn hảo với một chàng trai tuyệt vời”.

Oái oăm thay, người ta bắt đầu gọi Klein là “lão già dại trai” khi Nick bắt đầu post lên Facebook của mình những tấm ảnh mặc quần lót của thương hiệu đối thủ của CK là Jockey, trong một tư thế đáng gọi là một phiên bản vụng về của trường phái quảng cáo mang tên người tình huyền thoại.


Trịnh Nam Sơn – cậu nhỏ nghịch nắng trên đồi hoa râm

Jasmine nOir

Ông yêu những lời nũng nịu.

Ông thích những nàng thơ hiện sinh, lẳng lơ vừa chừng, và vẫn còn sót lại, giữ gìn cái duyên thẹn thùa kín đáo.

Họ được đưa vào bóng vía âm nhạc của ông. Vì nàng sẽ cho ông những bất an lãng mạn mà thành những cuộc chia tay ghi dấu trong ca khúc Trịnh Nam Sơn.

Nhưng người đàn ông lại cần một sự an toàn cho cuộc đời bên ngoài âm nhạc. Người đàn bà bước ra khỏi vùng thơ nhạc, đặt vòng tay bảo bọc quanh gã cowboy có hàng râu kiểu goatie đã lấm tấm hoa râm.

“Nàng công chúa hạt đậu” và ổ gà trên Con Đường Màu Xanh

Tạo ra một cá tính âm nhạc rất riêng, những giai điệu sáng láng thênh thang và rất “Tây”, Trịnh Nam Sơn đã là một liều sinh tố âm nhạc cho cơn khát của thế hệ trung học thời bấy giờ, vốn đã mệt nhoài sau khi đã mỏi mòn chán chê những băng cassette hải ngoại của thứ nhạc vàng cải biên. Cái tên Trịnh Nam Sơn trở thành một đại diện cho dòng hải ngoại tân thế hệ, sang trọng nhưng thân thiện, với những ca từ vừa khít với bất cứ tâm sự nào, như một bộ suit Armani.

Nhưng trên hết, sự ấm áp của cái tên Trịnh Nam Sơn còn chạm đến trái tim non của các cô gái trẻ bằng chính giọng ca bảng lảng đầy đàn ông tính, lối nhả chữ an nhiên đến bất cần, và gần gũi như một lời tâm sự sát tai, chứ không cầu kì như một ngôi sao ca nhạc hát từ trời Tây nào đó.

Trong mọi lời ca của giọng đàn ông lãng du phớt tình, mọi cô gái trẻ đều lịm đi với lời lẽ vừa ngạo tình vừa mã thượng ấy

Người yêu hỡi hãy quay mặt đi

Em thênh thang trên con đường về

Trìu mến như một người tình, cao thượng như một người cha

Giọt nước mắt hãy lau thật khô,

Tình yêu đã tan theo mây trời

…và lúng túng như một tay Việt kiều vụng về môn ngữ pháp

Anh mong em từ đây,

Nhìn lại con đường em đi trên… đầy màu xanh

Bạn nhảy dựng lên, quai hàm nhức nhối như bị lừa nhai phải một hạt sạn to bự, và nổi da gà bởi một câu văn tệ lậu hết chỗ nói.

Cơn rùng mình có thể ví với việc đọc một bức thư tình cực kì lãng mạn nhưng sai chính tả, hay trong cơn yêu đương với tình nhân nóng bỏng nhưng mắc tật cà lăm. 

Cười vang sảng khoái khi nghe lời trách cứ, gã trai tóc hai màu xuê xoa phân bua “Thời tôi đi học trường nhạc bên ấy, chúng tôi học kỹ năng của nhà soạn nhạc, với lại Mỹ đâu có dạy viết ca từ bằng tiếng Việt ra sao. Tất cả là những bản hòa thanh, những note nhạc như thứ ngôn ngữ duy nhất để truyền tải trạng thái của con tim.”

Rồi chàng lại lần mò tiếp, cho đến khi tìm ra cách chống chế thuyết phục nhất: “Ta thử nào, thay bằng ‘nhìn lại con đường em đang đi… đầy màu xanh’. Em thấy chưa, bản này tôi viết cho tự sự một người đàn ông, mà bắt nam ca sĩ ngân nga âm ‘i’ kéo dài nghe sẽ không thể nào thênh thang bằng âm “ên” vang rền như thế được, đúng không nào? Cuối cùng thì em đúng, cảm xúc của thính giả là quan trọng lắm, giữa các lựa chọn, tôi buộc lòng phải chọn một câu ngữ pháp Mỹ nhưng người ta sẽ vẫn cảm nhận được lối nhả chữ đẹp vào đoạn ngân cao trào cuối cùng ấy, em hài lòng chưa?”

Dù biết thừa đây chỉ là màn chống chế vụng chèo khéo chống của tay láu cá, lúc này đang thao thao bất tuyệt về khẩu âm khẩu hình và mọi thứ biệt từ âm nhạc cao siêu, bạn cũng chịu cho qua bởi vẻ lúng túng gãi đầu gãi tai ấy, và nụ cười hào sảng xuề xòa ấy thật ấm áp, dễ chịu và dễ lây.

Dẫu sao thì đó cũng là một giai điệu đẹp, và thứ ngôn ngữ mà người nhạc sĩ nên sử dụng thuần thục nhất, chả phải là những nốt nhạc đó sao? Và cuối cùng, khi anh ta đủ thiện chí để nhanh nhảu tìm một lối chống chế, chẳng phải là lúc bạn vào vai vị tha và cười xòa cho tan viên sạn đã nhai phải hơn một thập niên về trước?

Cậu bé ngoan, người quân tử, và gã hèn

Nhưng cũng chính sự xuề xòa nghệ sĩ tính ấy đã là nguyên nhân cho bao kẻ tài hoa phải kết thúc vĩnh viễn trong sân chơi underground và cái áo hoa mỹ AQ của một tay nghệ sĩ tự do, ngoài rìa sàn nghệ thuật chính thống của những tài danh cầu toàn và những sản phẩm được chuốt trau hoàn hảo.

“Tôi cầu kỳ lắm chứ, với sở học của mình và những kỳ vọng về diện mạo tác phẩm khi được mang ra trình bày. Nhưng ngoài kiến thức và những cảm xúc sáng tác, tôi còn phải biết rõ mình đang có gì trong tay. Nếu tôi bắt 5 nhạc công làm công việc của một giàn giao hưởng, là tôi sai quá rồi. Nếu tôi làm thánh làm tướng hét la dữ dằn ra vẻ oai vệ với họ, thì tôi sẽ đằm mình lại để hát ra sao? Vậy là tự gây khó cho mình rồi. Chi bằng xác định những điều kiện mình không thể kiểm soát hơn được nữa rồi tìm cách hài lòng với nó.”

Xuyên thấu bức chân dung thái độ nghệ thuật ấy, bạn có thể nhìn thấy bên dưới một anh chàng hòa lành đến khó chịu. Gã luôn lảng tránh những cuộc tranh cãi (mà bạn sẽ thích gọi là tranh luận hơn), gã sẽ chọn thụ hưởng một mối quan hệ yên ổn và an toàn, chứ không thật sự muốn lao đầu vào bi lụy. Đây chính là người đàn ông sẽ vui vẻ mặc chiếc áo mà bạn chọn, ăn món ăn mà bạn nấu, và làm tất cả những điều đó vì một tình yêu hòa bình.

“Quan trọng là mình sướng cái đã, rồi sự thoải mái ấy sẽ lây lan cho những người xung quanh. Để tỏ ra một kẻ cầu toàn, tôi có thể từ chối diễn nếu ban nhạc dở, tôi có thể khoa chân múa tay cà khịa với bất kì ai mà tôi cho là sai quấy, rồi tự đâm đầu vào tường thôi, xem ai thiệt thòi cho biết. Tôi sẽ thành một lão nhạc sĩ già cáu bẳn, nói không ai nghe, và chắc chắn sẽ mắc thêm chứng đau dạ dày. Tranh cãi chỉ là trò phân định đúng sai không bao giờ đi đến hồi kết. Tôi không nhận mình sai, nhưng người ta đến với nhau không phải vì kẻ kia luôn luôn đúng. Khi sự thanh thản và niềm vui được xem trọng thật sự, có những thứ xộc xệch trở nên không còn quá quan trọng nữa. Nếu cuộc đời không bao giờ hoàn hảo, hãy vui vẻ chấp nhận điều đó, và sau đó làm cho nó dễ chịu hơn bằng chính thái độ của mình.”

Trong sự hồn nhiên trẻ con của ông lúc này, bạn đã kịp thấy nhuốm màu thỏa hiệp – một sắc màu của sự khôn ngoan, kinh nghiệm và trưởng thành.

Người đàn ông có thể không bao giờ lớn, nhưng không chọn làm một đứa trẻ ngoan cố cứng đầu.

Mọi đứa trẻ ngoan, mọi tay quân tử mã thượng, và mọi gã hèn đều có một điểm chung: muốn chơi vui thì phải biết nhường nhịn.

Đứa trẻ trên đồi và sự tàn nhẫn vô ưu

Sinh ra ở Sài gòn, nhưng lớn lên ở Đà lạt, đứa trẻ lâu năm trước mặt bạn đến từ những ngọn đồi. Nơi đó, ông đã trải qua một tuổi thơ của nỗi cô độc hồn nhiên, mấy con vật nuôi trong nhà, những người thượng lâu lâu ông nhìn thấy khi họ gùi hàng xuống phố, hay những dịp cuối tuần hiếm hoi được đi câu cá với ông thân sinh…

Đó không chỉ là những nét phác một tuổi thơ. Người đàn ông ấy vẫn vậy, vết dấu của Sài gòn và cuộc hội nhập với Hợp chủng quốc cũng chỉ để phủ phả lên đó một vẻ trai lơ hiện sinh 70’s và mùi văn hóa Harley Davidson của những tay nghệ sĩ xăm mình. Gã ngố rừng vẫn như ngày đầu xuống núi “có những khi phóng xe trên xa lộ cao tốc, tôi đột nhiên có một cảm giác thôi thúc rất kì khôi: tôi muốn bảo ai đó dừng xe, cho tôi xuống, để tôi được thả mình chạy vào những cánh rừng, những ngọn núi hai bên đường. Tôi vẫn là thằng nhóc lặng thinh giữa thiên nhiên núi rừng và muôn vật, và có lúc, tôi muốn thinh lặng giữa cuộc đời, đó là cách tôi trở về, không hẳn với Đà lạt, mà tìm ngược lại vào trong. Tôi không phải là anh chàng hướng ngoại, là kẻ giỏi mồm mép, nhưng tôi khoái gặp mọi người, ai ai tôi cũng mở lòng hồ hởi vô tư, như đứa nhỏ ở trên núi quá lâu nên chỉ chờ dịp để huyên thuyên, để làm bạn. Tất cả không đến từ đời sống Mỹ đa chủng ồn ào, mà đến từ những ngày dài một thân một mình ở Đà-lạt, mong được đi câu cá, được gặp bố và anh trai, để rồi khi còn lại một mình, lại sống với sự an nhiên trong cô độc.”

Nhưng nếu cô độc trong một căn phòng khóa trái dễ khiến người ta trở thành yếm thế, thì sự cô độc giữa thiên nhiên thoáng đãng chỉ khiến người ta thư thái và hào sảng chân thành hơn mà thôi. Rời Đà-lạt về Sài-gòn, rồi lại theo dòng thời cuộc sang đất Hoa-kỳ khi mới 17 tuổi, anh chàng ngố rừng thay vì hoảng loạn co cụm và đề phòng với “life style phố lớn”, lại tự luyện cho mình một khả năng buông lỏng đến mức tưởng như xuề xòa, để tở mở dễ dàng hơn khi thích ứng với môi trường và thời cuộc cứ thay đổi xoành xoạch xung quanh: “Tôi không chọn va đập nên không mặc giáp trụ phòng thân. Tôi chọn đón nhận và cộng sinh, nên mềm mại đưa cánh tay với lòng bàn tay mở ngỏ. Rất có thể, tâm thế hòa lành ấy sẽ khiến cuộc đời không cà khịa với ta nữa. Thái độ định đoạt hành vi và số phận, tôi chọn sống chớ có chọn đối đầu và chinh chiến đâu? Kết cục là tôi sống ổn, ở mọi nơi.”

Đó cũng là cách mà người đàn ông đến với những người đàn bà, như một duyên phần được hồn hậu đón nhận. Và đó cũng là cách mà người đàn ông ra đi khỏi những cuộc tình, như những đổ vỡ được thanh thản chấp nhận: “Một chuyện tình không thành, đó là điều đáng buồn, đáng tiếc. Nhưng tôi không có dịp biết được đã có người đàn bà nào ôm hận phía sau tôi không, bởi tôi chỉ biết một điều duy nhất – tôi đã làm tất cả những gì có thể, nếu nàng không hạnh phúc, tôi đã chọn ra đi. Những gì còn lại đều không trong quyền năng kiểm soát của người đàn ông nữa rồi! Thôi thì nguyện cầu cho họ đều hạnh phúc.”

Bạn rùng mình nhìn người đàn ông trước mặt, không có gì để gợi nhớ sự tàn nhẫn của một tử tước Sébastien de Valmont trong bi kịch Dangerous Liaisons, ngoài vị tanh lạnh sau nụ cười bất lực vô lương “It’s beyond my control!”

Sự hồn nhiên của trẻ con, khi kết hợp trong tâm thế cầu an của kẻ trưởng thành, có thể trở thành thứ gây thương tổn ghê gớm nhất, nhẫn tâm và vô cảm nhất.


Hãy dừng lại, bên ngoài vùng spot-light vô nhiễm!

Quý cô của F, hãy gác qua cơn chấn động nhỏ, cuối cùng thì tất cả cũng là những sự thật về bản ngã kẻ đối diện – điều nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn, “beyond one’s control”. Hãy tập ngửa lòng bàn tay để thảnh thơi chấp nhận, và tránh cho mình những vết cứa hồn nhiên.

Hãy đồng ý nhận lời cùng dùng bữa và níu dài cuộc hàn huyên. Khuôn mặt người đàn ông đồng hành lập tức dãn ra nhẹ nhõm khi bạn đề nghị chọn nhà hàng.

Như mọi người đàn ông có cho mình một khẩu vị phóng khoáng nhưng một hệ miễn dịch mong manh, ông nhường chỗ cho bản năng đàn bà trong bạn trỗi thức. Không phải cho những tán tỉnh đòng đưa, mà cho phần Nữ Oa đội đá luôn sẵn có trong mỗi người đàn bà Việt.

“Đi khắp nơi lang bạt kỳ hồ, sống cách biệt khỏi cộng đồng người Việt khi ở Mỹ, tôi vẫn có thể biết chắc một điều: tôi chỉ mê phụ nữ Việt Nam. Đi đâu thì đàn bà Việt Nam cũng là nhất! Chẳng có cô đầm nào có thể cho tôi cái rung động khi xưng anh gọi em. Cứ tưởng tượng cảnh nằm bên nhau thủ thỉ, cứ “mày mày tao tao” là thấy kì khôi rồi. Rồi về sau về làm vợ làm chồng, cứ tưởng tượng cảnh được nàng gọi là “mình ơi” là thấy trăm ngàn lần thi vị, ai còn ham hố gì đầm tây nữa chứ. Ông bà tổ tiên mình xưa cũng khéo chiều người đàn bà Việt Nam, nên mới nghĩ ra thứ ngôn ngữ có lắm bằng trắc kì tình, khiến họ nũng nịu như hát hay, vừa lả lơi vừa thẹn thùa, dễ thương lắm!”

Đó không hẳn là tay sành sỏi trò nịnh đầm, nhưng chính vẻ hồn nhiên ấy lại là hấp lực của Trịnh Nam Sơn, bởi mọi lời khen của tay lãng tử thô vụng ấy đều mang một giá trị chân thành đặc biệt.

Nhưng sau mỗi buổi diễn, trước vòng vây ái mộ của những nữ thính giả, của những thừa mứa tôn tụng vuốt ve, người nhạc sĩ dẫu hòa nhã, cũng không che dấu được vẻ lúng túng ít nhiều.

“Ánh đèn sân khấu, đó là vầng sáng quyền năng. Tôi không nói đến quyền lực của sự nổi tiếng, mà tôi chỉ quan tâm đến quyền năng kì diệu của những sự sờ chạm vô hình, của sự thông thấu mà người ta có thể có được với nhau, qua âm nhạc, và nhất là âm nhạc do mình sáng tác nữa. Nhưng ngay sau đó, khi bài hát đã xong, nhường chỗ cho những câu chuyện, những lời khen, những bó hoa, là tôi lại trở về làm gã ngố rừng. Tôi yêu quý trân trọng mọi sự chú ý, nhưng quá nhiều đôi khi khiến tôi lúng túng lắm, chẳng biết phải làm sao. Hãy chỉ để tôi hát và chơi nhạc của mình thôi.”

Sự thâm thúy đến từ những kỹ năng tồn tại tưởng như ngô nghê nhất, và cách của Trịnh Nam Sơn bảo bọc ông trong một vùng hồn nhiên vô nhiễm, ngay cả khi phải đứng giữa ánh đèn spot-light.

Hãy đừng làm kinh động đến vùng không gian vô nhiễm ấy!

F.dater hãy nhẹ nhõm rời cuộc hẹn, để lại sau lưng người đàn ông hoàn toàn hài lòng với nụ cười hồn nhiên thỏa mãn.

Trên mọi nẻo hẹn hò, hãy nghe lời khuyên của F: tránh xa những người đàn-ông-con-nít, nếu bạn chỉ đủ nũng nịu để làm một nàng thơ, và hẵng còn quá sớm để vào vai một người mẹ. Nhưng đó cũng chính là những người đàn ông bạn sẽ hi vọng gặp lại một ngày, vào một cuộc hẹn hò hoàn toàn khác, đôi khi chỉ để tự tay làm một món quà quê, để lại được nhìn thấy nét hân hoan con trẻ.

Tuẫn-tiết, Văn-minh, và Đầy Thái-độ

Trác Thúy Miêu

Đứa trẻ không chọn sinh ra vào một ngày lành

Đúng 2 năm về trước, F số đầu tiên tung ra tuyên ngôn “thời trang không phải là nghệ thuật, nhưng cần cả một nền văn minh để kiến tạo và thụ hưởng nó”.

Chặng đường một năm đầu khởi tạo đã được thực hiện đúng với lời tuyên ngôn đầu tiên ấy, khi lần dở ra trên từng trang báo, những câu chuyện, cuộc đời, những thăng trầm của tài hoa thống khổ, và những thái độ thời cuộc đằng sau những đế chế thời trang hùng mạnh và những cái tên đã hóa thánh.

Ngày khai sinh của ấn phẩm F-Thời Trang, ngoài kia, thế giới đang rùng rùng sự sụp đổ của những tượng đài quyền lực trong bi kịch của khánh tận và kiệt quệ, của Christian Lacroix và Alexander McQueen,… Haute couture rùng mình trong cơn tự hủy, những tín đồ hoang mang với câu hỏi “Rồi đây chúng ta sẽ có gì để trông đợi, trước mỗi mùa Thu Đông?”

Nhưng, như đứa trẻ không chọn sinh ra vào ngày lành, F chọn cả tin, điên rồ và lãng mạn, F chọn hướng về thời trang, không chỉ như một trận đồ thương mại, mà còn như một lối sống, một tín ngưỡng, một Tình Yêu.

Đó là một năm của những hồ sơ tên tuổi khét tiếng nhất được lần dở, nghiêm cẩn, trung thực và bạo liệt như chính bản chất của thời trang chuyên chính. Đứa trẻ hư Marc Jacobs, hooligan phá đền Jean Paul Gaultier cho đến cái chết bi thảm của thiên tài yểu mệnh Lee McQueen. Đó đã là năm hình thành nên những loạt bài tư vấn trận đồ mua sắm thế giới, cho đến nay vẫn là kim chỉ nam thân thiết của các shopper Việt, sẵn sàng công phá những bãi săn và trực chỉ hành hương về những thánh địa thời trang nóng bỏng nhất hành tinh. Và miên man bên lề là những cuộc hẹn hò, từ “the boy next door” xóm Manor Johnny Trí Nguyễn cho đến gã đàn ông đồ đá đồ đồng Ngô Quang Hải… F bày ra trước độc giả của mình, những người được gọi là F.readers, một bữa buffet cuộc đời, từ nền văn minh đằng sau những thứ không chỉ là quần áo, cho đến thời trang trong phong cách sống, và trong cả lạc thú đặc ân của một F.diva – những cuộc hẹn hò và những người đàn ông.

12 số F đầu tiên đã ghi dấu cho 12 đại tiệc thụ hưởng thời trang chuyên chính, nơi tất cả đều là Thời Trang, và sự xa xỉ tột cùng của những người đàn bà biết bao phủ bản thân bởi những gì tinh tế và cầu kỳ nhất, với mọi tag giá.

Những vị vua và những bà hoàng đi về đâu?

Đúng một năm sau đó, trong khi F chào đón kỷ niệm tròn 1 năm phát hành thì ngoài kia, như phần số oái oăm của đứa trẻ không chào đời vào ngày lành, giới thời trang cuồng nộ với sự thái quá cuối cùng của gã hiệp sĩ râu kẽm John Galliano. Các tín đồ ở Anh quốc và cả Paris lang thang giữa đại lộ thời trang, tay giơ cao biểu ngữ nguệch ngoạc “The King Is Gone!”, trong khi tay Don Quijote của huyền thoại haute couture nhà Dior bị truất ngôi trong chuyến lưu vong ô nhục. Đứa trẻ hư cuối cùng đã bị đánh đòn và ngai vàng đến nay vẫn còn để trống.

Yếu ớt, vô tâm và vị kỷ, những cơn sài giật đồng bóng của thế hệ thiên tài thời trang đã khiến cac tập đoàn cá mập ngán tận cổ. Họ trở nền phiền toái và tạo bất an không kém sự lộng lẫy kì tài của những thiết kế họ tung ra mỗi mùa.

Những thành trì haute couture còn lại cần những cánh tay tài hoa mới, và những bờ vai khỏe mạnh, vững bền để gánh vác, chờ cuộc chấn hưng.

Trải dọc tuổi đời thứ 2 của F, thế giới lại quằn mình vĩnh biệt một vị vua khác, người giờ đây ắt đang lướt bước moon-walk trứ danh nơi thiên đàng, vĩnh viễn một Neverland cho những thiên tài không bao giờ lớn.

Kế tiếp sau Vua Pop về tuyền đài không lâu là một giai nhân tri kỷ khác của ông, một huyền thoại nhan sắc của nhân loại – người đàn bà mắt tím Liz Taylor. Nàng ra đi, trong khối thân thể tàn tạ và chiếc váy cưới thứ 8 chưa kịp hoàn thành.

Và trong những sinh ly tử biệt ấy, F vẫn lãng mạn và dư dả đức tin để hân hoan thốt lên vào số kỷ niệm 1 năm phát hành: “Cuộc vui chỉ mới bắt đầu!”, bởi với tinh thần lạc quan không khoan nhượng, F hiểu rằng chính khi những cuộc hoán chuyển dữ dội nhất diễn ra, khi những điều đã cũ lần lượt ra đi, đó đồng nghĩa với những khởi đầu mới, và F đang ở mức vạch đầu tiên, sung mãn và đầy kiêu hãnh, bởi: “đứng ở vạch xuất phát luôn là những gã khổng lồ, những người hùng và những quán quân, và cả những kẻ lãng mạn nữa. Bởi khi người ta bắt đầu, tất cả những sự tính toán tỉnh táo nhất, những hoạch định khôn ngoan nhất, tất cả chỉ chịu sự khống chế duy nhất: giới hạn của trí tưởng tượng.”

Đã là 12 tháng, 12 số ấn phẩm của xen kẽ với những cuộc phế truất, những cuộc tử biệt nặng nề, còn là những tên tuổi đang tuần tự thay máu đại cục thời trang thế giới. Từ nữ truyền nhân tóc vàng của Lee McQueen quá cố đã rạng rỡ chinh phục làng thời trang trong chiếc váy hoàn hảo dành cho tân nương hoàng gia Anh Quốc, cho đến người đàn bà nắm trong tay quyền trượng nhiếp chính đế chế Versace và gia huy nữ thần tóc rắn, trong khi ngoài kia, thế trận siêu nhân sự thiết kế thời trang đang được dàn sắp lại bởi những “quân cờ” trẻ trung, sung mãn, và đầy tham vọng. Thế cục vẫn luân hồi chuyển xoay quanh những ngai vàng bỏ trống, những cây thập giá vinh hoa và khổ nạn của haute couture đã sẵn sàng chờ những vị tông đồ trẻ. Cùng lúc, lực lượng những con người đằng sau mỗi ấn phẩm F cũng đón nhận những tay viết mới như một cuộc tiếp máu đúng thời điểm. Và một cuộc hoán chuyển đổi thay lớn đã diễn ra.

Ngạo nghễ trên đống hoang tàn

Chuyên mục Shopping City khép lại, nhường chỗ cho những cuộc du ngoạn hưởng thụ cho một diva sành sỏi, thay cho những câu chuyện về các tên tuổi làng trường túc trong chuyên mục Model được thay thế bằng Style Icon, với những câu chuyện cuộc đời những vĩ nhân đương đại của thảm đỏ thế giới. Họ không chỉ là những nhân vật thượng lưu sành trò ăn vận, mà đưa định nghĩa Style về mọi khía cạnh và giá trị của nó. Đó là vua Pop, Đồng nữ Madonna, Liz Mắt tím, lệnh bà nhà Vogue Anna Wintour, hay tay đàng điếm cao niên Mr.Playboy. Những cuộc đời không hề mẫu mực, nhưng duy mỹ đến tuẫn tiết vong thân ngay giữa phần số phù hoa tráng lệ.

Cũng chính từ Style Icon, F đã tung ra chùm chuyên đề về sự man rợ của thời trang xa xỉ, về những sinh linh vô tội bị tra tấn và thảm sát để đánh đổi cho các nạn nhân của cơn nghiện xác. Họ khoác lên mình những xác chết và tự gọi bản thân là những nữ nhân đại diện cho tầng thượng lưu ưu tú. Trải dài trên liên tiếp nhiều trang báo là chân dung máu lạnh của lệnh bà Vogue Mỹ Anna Wintour với quyền lực tối cao và trái tim của một nữ đồ tể, phía đối diện là cuộc chiến bền bỉ quyết liệt của nữ chính ủy PETA – Ingrid Newkirk, cùng các chiến binh của mình, trong đó là một lực lượng những minh tinh nổi tiếng nhất thế giới tình nguyện khỏa thân và tạo một sức công phá khôn lường lên thị trường thời trang lông thú. Hơn cả lệnh bà tối cao của truyền thông thời trang Anna Wintour, chính họ mới là những mẫu mực duy mỹ chân chính của văn minh thời trang mà F muốn cùng độc giả của mình hướng tới.

Năm thứ 2 của F còn ghi dấu sự ra mắt của Top Brand – một cẩm nang kì thú về huyền sử các tên tuổi thế lực thời trang thế giới, một cuộc chơi thuần túy vị kỷ và tự do của những tay viết không bị chi phối bởi áp lực quảng cáo của một tạp chí. F dàn trải trước các độc giả của mình một giá trị cộng thêm vô song cho mỗi tuyệt phẩm thời trang được mua sắm, vượt trên tầng khoái cảm của việc sở hữu một món “hàng hiệu” đắt tiền, và cũng là một tác động gián tiếp đến nền văn minh hàng chính hãng, đặt một lằn ranh đẳng cấp rõ rệt giữa một tín đồ văn minh với một nạn nhân của các tay buôn sỉ người Tàu và những món vật thứ cấp, nỗi rùng mình kinh hoảng của văn hóa shopping. Thay cho Shopping City, Top Brand tiếp tục đóng vai trò cẩm nang tri thức thời trang cho mọi shopper duy mỹ, khôn ngoan và tự trọng.

Lại thêm 12 tháng nữa, F dẫn dắt các diva tuần tự đến với những hẹn hò, từ tiếng đàn rơi vỡ trong một chiều lặng gió của người đàn ông Hà Nội Phú Quang, rồi ngược về phương Nam đón lấy tia nắng heo hắt cuối ngày với thần tượng tân nhạc Nguyễn Ánh 9,… Tuổi đời thứ 2 của Date Of The Month còn là dấu son ưu ái của những vị vua, từ ông hoàng Nhục Tình Ca Phạm Duy cho đến gã ngạo vương trên bể lệ đàn bà Đàm Vĩnh Hưng.

Ở chặng đường từ vạch xuất phát của mình, F, ngạo nghễ trên đống hoang tàn, chọn sự lãng mạn không khoan nhượng, chọn một tầng văn minh thời trang hướng thượng cực đoan nhất, và chọn chạm vào những vị vua.

Người ta sẽ đi đâu, sau khi chạm vào những ngôi sao?

…và bạn vẫn chưa đọc F năm thứ 3!

Cũng chính từ bom chuyên đề cuộc chiến chống thời trang xác thú, F đã khai mở cho chính mình chặng chinh phục tiếp nối – chủ kiến thời trang. Khi thời trang thoát khỏi tầm mức hạn chế của thuần túy bộ cánh trưng trổ nông khơi, bản chất phù phiếm của nó chính là nghệ thuật thụ hưởng trong xa xỉ cực đoan. Đó có thể là món thời trang non mùa vừa chạm kệ boutique, đó có thể là một tư duy yêu và niêm luật sống mà mỗi độc giả, nhân vật của F xác lập và trung thành tuyệt đối.

Từ số đầu tiên cách đây 2 năm, F đã hình thành mạnh mẽ và rõ ràng một sắc thái ngôn luận, từ văn phong ngôn từ, cho đến thông điệp và thai độ.

Bạn cho rằng các ngôn luận của F đã quá sặc sụa thái độ?

Bạn cho rằng F đầy áp đặt ngông ngạo trong những chủ kiến dễ gây dư luận đa chiều?

Đó là chỉ là vì chúng tôi chưa thực hiện F năm thứ 3!

Stefano Pilati – kẻ đang nắm số cá cược cao về khả năng ngồi vào thế chỗ chiếc ngai bỏ phế trên đỉnh thời trang Pháp đã nói: “Từ những ngày đầu của prêt à porter, đã là những ngày khai mở cho yếu tố thương mại của thời trang. Và ngày nay nó đã thành cái chợ. Trào lưu được định nghĩa là thứ kiểu dáng nào được nhiều người chọn mua nhất trong mùa. Trong thời trang dân chủ, tín đồ quyết định cho xu hướng của tín ngưỡng, đông thắng ít, mạnh thắng yếu. Thành ra cái chợ!”

Không thể hân hoan hơn cho những tín đồ đẳng cấp, khi mà ứng viên sáng giá của thế lực Dior lại là một cái đầu tỉnh táo với một chủ kiến đầy thái độ và quyết liệt đến vậy. Vì F, cũng nhưng những độc giả của mình, tin rằng thời trang, dẫu là prêt à porter dân chủ, cũng cần những kẻ mạnh, những phần tử quá khích, và những chủ kiến dẫu có đầy áp đặt, để chấn hưng, tạc dựng nên một thái độ thời trang rõ rệt, phân định tầng đẳng rạch ròi. Thời trang cần là một bức tranh lập thể đa sắc, nhưng mạnh màu và nặng nghiệp – như tất cả những gì đại diện cho tố chất của thời trang và những tín đồ tuẫn tiết của tinh hoa nghiệp đạo Thời Trang.

Bước vào năm thứ 3, F đã chuẩn bị cho thách thức mới ấy bằng 2 số khai pháo của Smart Money – câu chuyện thật thà đằng sau mỗi món săn vi diệu của fashionista. Smart Money là kim chỉ nam để phân biệt giữa một tín đồ với một nạn nhân. F không chỉ là những câu chuyện nội giới của các nhà thiết kế, các tượng đài phong cách, các nhà thời trang đầy quyền lực, và các cơn sốt theo mùa, Smart Money chính là câu chuyện của độc giả F – những fashionista tân thế hệ: văn minh, ranh mãnh và duy mỹ cực đoan. Đó chính là lý do mà F ưu ái đặt Smart Money ở vị trí đầu trong ấn phẩm, một sự sờ chạm thiết thực đến các độc giả của mình.

Như tuyên ngôn đầu đời của F, thời trang không chỉ là nghệ thuật thuần túy trong ý nghĩa vong thân, đó còn là một thái độ sống, đó còn là một tín ngưỡng để xoa dịu và dẫn dắt, chứ không hề là thói phù phiếm trong những tiếng quẹt thẻ mòn mỏi u mê của những tín đồ thống khổ.

…Và đó vẫn chưa là tất cả mà F có thể vén màn quá sớm khi mà cho đến tận cuốn ấn phẩm F số 24, mọi thứ vẫn chỉ mới đang bắt đầu.

Bạn có thể tin rằng bạn đang cầm trong tay một sản phẩm đích thực của thế hệ văn minh thời trang mới.

Sự thật là, chúng tôi, mỗi người trong cái ê-kíp những con người điên rồ, tuẫn tiết và lãng mạn kì cục đằng sau từng trang viết, từng shot ảnh, ưng gọi đây là một Tác Phẩm hơn.

Và trong thế giới của Thời Trang, trong quan niệm của F, sự khiêm tốn là một giá trị xa xỉ.

vintage: hoài cổ & thức thời

 

Hoa Nhài Đen

Mùa thời trang vừa qua, từ Spring-Summer với cú ghi điểm lẫy lừng nhà Gucci qua màn tái hiện mốt flapper 20’s, mọi tuần lễ thời trang đều ngập trong đăng-ten, hơi hướm những chiếc quần ống loe và những cặp mắt kính màu trà nhạt to như mắt chuồn chuồn hồi 70’s cũng đã được dự báo ngoài thị trường, cùng lúc catwalk nhà LV biến thành một thứ công viên Disney với mọi nét hoa mộng của một câu chuyện cổ tích trong mơ, dệt bằng đăng-ten trên silhouette vintage 60’s không thể nhầm lẫn… Người ta nôm na gọi đó là mùa của vintage!

 

Vintage Không Hề Là Thời Trang Chính Thống!

Các tín đồ vintage bĩu môi: “Vintage ư? Từ đời nào rồi, Diễm!”

Phải chăng chúng ta luôn là vòng quay ngớ ngẩn tự lặp lại mình như vòng ngựa gỗ của Marc Jacobs?

Phải chăng thời trang vẫn luôn là sự cũ kỹ luân hồi?

Phải chăng cả thế giới là tín đồ vintage?

Trên thực tế, đôi khi chúng ta quên đi một thế giới ngầm vẫn luôn tồn tại song song với những trào lưu luôn thay đổi của thời trang đương đại.

Nhưng vintage chưa hề là thời trang, hay một dòng thời trang chính thống, cho đến khi những John Galliano, Marc Jacobs hay Miuccia Prada quyết định lôi chúng ra khỏi bảo tàng hay những phiên chợ flea market, đặt chúng lên runway đương đại một lần nữa, sau khi tài tình thổi phà vào đó mọi giá trị thẩm mỹ tân thời, và biến chúng thành những tuyệt phẩm thương mại, hay những phiên bản cổ vật dư thừa tiềm năng cháy chợ.

Vintage chưa hề là thời trang, vì khi nó trở thành thời trang, nó buộc phải bước ra khỏi mảnh sân sau vintage

Ralph Lauren SS-2012

Vương quốc cổ đại của những sơn nữ điên tình

Nguồn gốc thời trang vintage, vốn là một uyển ngữ mỹ miều cho những món trang phục cũ, thậm chí đã qua vài đời chủ nhân, vốn là một chiêu thức cổ xưa của các nữ tiền nhân tằn tiện. Cho đến nay, vintage đại diện nhiều hơn cho việc tái hiện, phục chế những trào lưu thời trang quá vãng, gồm cả retro và antique, với yếu tố sáng tạo hầu như không có, hoặc rất thấp.

Vintage tồn tại song song với vòng quay trào lưu của thời trang đương đại, và trở thành một góc khuất phía sau bề mặt sôi nổi của các biến chuyển của thời trang chính thống, nằm ngoài mọi quy luật đào thải luân hồi. Vintage không chỉ là phép cứu rỗi cho những diva cổ điển với tinh thần thủ cựu bài tân nặng nghiệp, những con nghiện hương xưa chính hiệu, mà đây còn là vùng đất dung dưỡng thú sưu tầm của shopper mỏng thẻ bởi cơ hội cho những món săn chính hãng với tag giá bình dân. Còn đối với các fashionista trí thức, vintage là một lựa chọn cho thông điệp văn hóa. Người ta có thể đoán được dòng văn học, triết lý sống hay trường phái mỹ thuật ưa thích của nữ chủ nhân, dẫu đó là văn học cổ điển, thuyết hiện sinh, hoặc dark-art.

Đó là một nền văn minh thời trang tự trị, nơi các nữ công dân của nó nhắc nhớ đến những tinh thần hoàng kim quá vãng của lịch sử thời trang, hoặc đơn giản chỉ tạo nên cảnh tượng một cuộc oanh tạc của các cô gái nhỏ vào rương quần áo cũ của ngoại. Đôi khi, sự cầu kì và tinh tế được thay thế bằng hình hài nhàu nhĩ của boho 70’s, bị ép duyên với cặp hoa tai disco 80’s, và mắt khói rock chic, để kết thúc bằng một hình mạo vui nhộn diêm dúa của sơn nữ điên tình.

Mặc tình, vintage vẫn tồn tại, ngộ nghĩnh và an nhiên, nơi những hồn vía retro thoát khỏi vòng xoay đào thải nghiệt ngã của những mùa thời trang thương mại. Từ đó, vintage khoác vào mình một giá trị vượt tầm những món vật cũ xưa, vintage trở thành một thông điệp và lối sống, được gìn giữ và tôn vinh bởi những tín đồ riêng của nó, trong khoảng sân sau của trường phái bất hủ và mọi giá trị văn hóa đi kèm.

 

Lãng mạn phục hưng hay chiến lược thương mại Déjà Vu

Cuộc dịch chuyển các mùa trào lưu của thời trang đương đại, và những thế lực thời trang thay nhau tung lên catwalk những sắc màu cạnh tranh gay gắt nhất, như một sự cố gắng tuyệt vọng tìm kiếm những cuộc thay hình đổi dạng mới mẻ, thậm chí quái dị, với mục đích duy nhất là khác biệt và trội bật. Các mùa haute couture biến thành những lễ hội giả trang với giá trị giải trí tối đa và hiệu ứng thương mại tối thiểu.

Như điều tất yếu phải làm khi đi lạc, khi những điều mới mẻ đã trở thành kỳ dị và lệch lạc, người ta sẽ tìm lối quay đầu, nhưng với một tâm thế mới của kẻ đã qua một chặng đường dài.

Louis Vuitton SS-2012

Đó là khi khoảng sân sau, hay thế giới ngầm vintage trở thành nguồn tư liệu sống động của chính các thế lực thời trang đương đại. Sự ảnh hưởng của nó được thể hiện mạnh mẽ và trực tiếp nhất vào runway thượng đỉnh haute couture.

Khi chạm đến ngưỡng tối thượng của trào lưu, người ta sẽ chạm đến những điều đã cũ, và như vậy, biểu đồ vận động của thời trang là một đường xoắn ốc theo chiều đi lên. Vòng xoay lặp lại tại điểm xuất phát, nhưng tại một tầm độ cao hơn.

Như Stefano Pelati xông pha vào các phiên chợ flea market ải mốc để tìm đến chính chiếc váy mang chữ ký của người tiền nhiệm Yves Saint Laurent.

Như chính Chú K. cổ quái nhà Chanel đến tận mùa haute couture vừa rồi vẫn hú hồn hiển hiện trên catwalk một phong mạo madame Coco của đầu thế kỷ trước.

Hoặc như kẻ hậu sinh Sarah Burton, tuân thủ trung thành những giá trị cổ điển trên từng tảng đăng-ten để hoàn thiện chiếc váy cưới trứ danh cho Kate Middleton, hơn là liều lĩnh với một thiết kế tân cổ giao duyên gượng ép và cái tôi phi nghĩa.

Những mảng diềm ren cổ lỗ sĩ lại lên ngôi nữ hoàng catwalk, và khối màu lập thể Mondrian vẫn vẹn nguyên một tinh thần Yves tái sinh, qua bộ lọc cẩn trọng của những tên tuổi mới của làng thời trang.

Cuộc thăng hoa của thời trang vẫn là những chuyến đi ngược, trong khi tự thân những vẻ đẹp xưa cũ, đi lên từ thế giới ngầm vintage, cũng tự vận động cuộc cải biên cho một thẩm mỹ thanh tân cho những tín đồ đương đại.

Temperley London

Không chỉ là một giải pháp mang màu sắc lãng mạn, nguồn cảm hứng vintage còn là một thế đòn bẩy tuyệt vời cho vị thế thương mại đang hồi chao đảo của dòng thời trang cao cấp, khi mà yếu tố chiến lược đằng sau mỗi thiết kế cầu kỳ biết tìm về đúng lợi thế thương mại vô song của dòng vintage: tiềm thức – thủ thuật tâm lí có thể ngay lập tức làm xiêu lòng mọi tín đồ điệu nghệ. Nói một cách khác, họ tung lên catwalk những ảo ảnh thân thuộc déjà vu.

Cùng với cuộc tái hiện rầm rộ tinh thần vintage trong những phiên bản tân kỳ, thông minh và dư thừa mãi lực, những kẻ đang nắm trong tay vận mệnh sống còn của thời trang cao cấp đã chọn dẫn dắt một cuộc hành hương tìm về những bản ngã của thời trang từ những giai kỳ hoàng kim cực thịnh.

Đôi khi người ta không cần phải đi quá xa để tìm thấy những điều mới mẻ.

Ralph Lauren SS-2012

 

3 octave rưỡi và 48 năm

Túy Ca

Từ James Dean trong chiếc xác xe méo mó khét khói, Edie Sedgwick với những ngày thảm hại cuối đời, Michael với cơ thể bị hủy hoại, và giờ đây là Diva Đen, kết thúc cuộc đời như lời thoại trứ danh của Savannah trong Waiting To Exhale: “cuối cùng, tôi nhắm mắt và… thở ra!”

Chúng ta tỏ ra sửng sốt, bất ngờ và đau xót trước cái chết của Whitney Houston, nhưng thật ra trong suốt hơn một thập niên qua, chúng ta đã đứng đó, nhìn nàng chết từ từ ngay trước mắt.

Tiếng ngân lạc điệu cuối cùng

Vào ngày thứ Năm cuối cùng trong đời, nàng có mặt tại buổi tổng duyệt cho đêm gala hằng niên của sự kiện pre-Grammy của Clive Davis – người được coi là đã phát hiện ra Whitney, để cùng tập với Brandy và Monica, trước sự chứng kiến của báo giới. Nàng tươi cười nồng hậu như mọi khi, nhưng trong một dung mạo rối bời, bộ trang phục lỏng chỏng trơ khấc và mái tóc bết ẩm mồ hôi.

Nàng loạng choạng và tỏ ra thất thường trong suốt buổi chiều hôm đó, khi nhảy chân sáo quanh phòng khánh tiết như một đứ trẻ, lúc lại lơ ngơ lang thang bất định ngoài tiền sảnh. Đội cảnh vệ khách sạn nhận cú phone báo rằng Diva Đen đang làm trò trồng cây chuối ngoài khu vực hồ bơi.

Đêm cùng ngày, người ta lại nhìn thấy nàng xuất hiện ở party “For the Love of R&B” của Kelly Price tại Tru nightclulb, hoàn toàn tỉnh táo và thăng bằng. Whitney ngân nga một đoạn gospel ngắn cùng Price, làn hơi của nàng rõ ràng đã không còn phong độ, nhưng điều này cũng đã không còn là sự lạ, kể từ tour diễn sau album “I Look To You”.

Chỉ có điều đã chẳng ai biết được rằng đó chính là màn biểu diễn cuối cùng của Diva Đen.

Hình ảnh của Whitney khi rời Tru Club đêm định mệnh và cái vẫy tay sau cuối. Đã không ai biết rằng đó là lời vĩnh biệt của Diva Đen.

Whitney Houston mãi mãi không sửa soạn để xuất hiện tại đêm gala nọ. Vài giờ trước sự kiện, người ta tìm thấy Diva Đen trong bồn tắm, không còn ca hát, nghiện ngập, và yêu đương.

“Sinking to rise no more…”

Cho đến khi nàng mất đi, người ta vẫn tin rằng câu chuyện tình sâu sắc nhất của Whitney chính là cuộc tình với người bạn gái Robyn Crawford từ 16 tuổi, và về sau là trợ lí riêng trong suốt nhiều năm. Là một con chiên mộ đạo, Whitney tài tình hóa giải scandal bằng một đám cưới linh đình, đương nhiên với một anh chàng rõ là dư thừa nam tính.

Năm 1992, Diva Đen kết hôn với Bobby Brown trước sự chứng kiến của 800 khách mời, trong số đó có không ít người ngấm ngầm tỏ vẻ e ngại cho sự vững bền của những lời thề đang được nồng nhiệt trao nhận trước bệ thờ. Whitney say sưa mê đắm và hể hả đẹp lòng. Nàng cần một vòng tay vững chãi, một thần tượng trong nhà, một người đàn ông để ngước nhìn tin cậy. Trong cuộc trao đổi ấy, nàng phải chấp nhận luôn những gì chàng tha lôi vào cuộc đời nàng, gồm cả những đứa trẻ của hai người đàn bà khác, và đó chỉ mới là màn khởi đầu.

Những vụ ẩu đả nội gia của cặp đôi lập tức được báo giới cập nhật nóng sốt liên tiếp sau ngày cưới. Đáng tiếc, dường như gene cà khịa của Bobby lại nhằm vào cung thê nhiều hơn, tỉ lệ thuận với tình yêu nồng nàn mà chàng cũng công khai dành cho vợ, dù những phi vụ đi đêm của đức ông chồng vẫn thi thoảng được báo giới bắt quả tang.

Chính Bobby về sau cũng thừa nhận rằng hôn lễ năm 1992 với Whitney đã phần nào nhằm chỉnh trang đánh bóng cho hình ảnh bê tha lắm tai tiếng của mình. Như một cuộc đánh đổi tàn nhẫn, ngay khi Bobby Brown tỏ ra chui vừa vặn vào chiếc áo mới mang màu sắc gia đình, thì các vụ scandal, chứng nghiện ngập và thói tính hung dữ thất thường lập tức vây phủ lấy Whitney. Công luận chuyển hướng tình cảm cho nàng từ thương hại sang phê phán khi nàng liên tục xuất hiện trước công chúng với những vết bầm hiện rõ sau lớp concealer. Từ vị trí nữ hoàng, Whitney trở thành hình mẫu hiện thân cho gia đình tệ nạn khu Ghetto.

Cặp đôi rời bỏ nhau chính thức năm 2007, sau 15 năm lửa hương thượng hạ, Houston khuấy đảo truyền thông bằng cuộc tình xập xình nhang khói với phi công trẻ Ray J.

2 năm sau đó, kỹ thuật thu âm đã bảo vệ cho tượng đài diva một cách mỹ mãn, khi nàng cất lên ca từ đầy dự cảm đau buồn: “About to lose my breath, there’s no more fighting left, sinking to rise no more, searching for that open door.”

Đĩa bán chạy, nhưng tour diễn bắt đầu cho thấy một phong độ diva rệu rã và một giọng ca đã bị hủy hoại quá nhiều.

Một tiểu sử đằng đẵng những vụ bạo lực gia đình, tiệc tùng, hào quang và, đương nhiên, rượu, chất kích thích lẫn thuốc an thần, hoàn toàn không có gì khác biệt với câu chuyện của Elvis, Michael, hay Amy – những cuộc đời tài hoa và cụt lủn.

Cả thế giới bên ngoài thảm đỏ đều mơ ước đặt phần số mình vào vị trí một ngôi sao, những kẻ có thể kiếm ra hàng triệu dollar, sống đời đế vương xa xỉ, và để mặc sắc đẹp cùng tiền bạc lo liệu cho mọi thứ còn lại trên đời. Whitney là một người như vậy, với tất cả những sự ưu ái của phần số, và lần lượt mất tất cả cho đến ngày cuối đời ở tuổi 48.

Sống như thiêu thân, chết như thần tượng

Như những ca từ đầy dự cảm trong bản I Look To You, có nhiều giả thuyết cho rằng Whitney rất có thể đã chìm hẳn vào bồn tắm do say rượu, hoặc phê thuốc, nhưng phần nhiều xác suất vẫn nghiêng về khả năng sử dụng thuốc kích thích quá liều. Có vẻ như một giả thuyết đơn giản, phổ biến và hợp lí cho phần lớn các vụ “sao băng hà”. Nhưng giả thuyết đầu tiên lại đúng hoàn toàn, khi xét đến theo nghĩa bóng: chìm hẳn khi say rượu!

Ngay từ lần đầu tiên lạc giọng trên sâu khấu ở độ tuổi còn quá trẻ, Whitney đã trở thành huyền thoại – điều còn có nghĩa là một thứ đã qua. Nàng đã chìm, từ rất lâu, và trong một cuộc hấp hối không hề đẹp mắt.

Trong khi các thủ tục giám định còn chưa cho kết quả cuối cùng về nguyên nhân cái chết, Patricia Houston – chị dâu của Whitney đã là một tiếng nói hiếm hoi cho rằng chính đời sống ái tình của Diva Đen, mà cụ thể ở đây là người chồng cũ và thói nghiện ngập đã đẩy nàng xuống vực thẳm của cuộc sống. Trong buổi trò chuyện với Oprah Wingrey trên chương trình Oprah’s Next Chapter, Patricia thừa nhận đã từng có dự cảm về cái chết trẻ của Whitney: “Điều làm tôi run sợ cho Whitney không hẳn đến từ những cơn say hay phê thuốc của cô ấy vào thời kỳ sau này, mà đến từ một cảm giác rõ rệt rằng cô ấy đang tuyệt vọng tìm kiếm ái tình toàn ở những nơi sẽ chẳng mang lại cho cô ấy điều gì tốt đẹp.”

Công luận phản ứng dữ dội khi Patricia chia sẻ cả những hình ảnh và chi tiết về thể trạng tồi tệ của Whitney trong những tháng ngày cuối. Thói nghiện crack đã khiến Whitney phải đeo răng giả, và chứng mất kiểm soát tiêu hóa khiến nàng phải mặc tã lót khi ra ngoài.

Người ta cho rằng việc Patricia tiết lộ thông tin về đời tư và lối sống của Whitney, cũng như việc La Toya Jackson ngay lập tức lên sóng truyền hình bới móc lại chuyện tình từ 1984 của Whitney với anh trai của Michael Jackson là Jermaine Jackson, là những đòn câu rating thảm hại và báng bổ. Ngay cả việc tiết lộ tấm ảnh cuối cùng của thi hài Whitney Houston cũng là một việc khiến các fan của nàng vừa xót xa thương cảm, vừa đùng đùng căm phẫn.

Người ta muốn Whitney Houston, cuối cùng, được nghỉ cho yên.

Piers Morgan – tay Ăng-lê duy nhất được trả tiền để làm cái việc dạy đời dân Mỹ trên TV Mỹ, đã lạnh lùng tuyên bố rằng những ngôi sao giải trí – phái thượng lưu mới của Mỹ, đang làm gương xấu cho cả thế giới bằng việc sống một cuộc sống bê tha và chết như những thần tượng.

Minh chứng hiển nhiên nhất lại được nhìn thấy khi chính con gái của nàng, đã lập tức phê thuốc trong tình trạng tinh thần suy sụp hoàn toàn ngay sau tang lễ của mẹ.

Xuất hiện trong show Today của đài NBC, Bill O’Reilly thẳng thừng buộc tội giới truyền thông đã khai thác chứng nghiện ngập của Whitney Houston: “Đã không một ai, trong số tất cả những thông tin ấy, thẳng thắn nói rằng ‘Này Whitney, chị ngưng trò ấy lại còn không là xuống đất nằm ngay đấy!’ Họ – những nhà báo, đúng lí ra là làm công việc của truyền tải sự thật. Và sự thật ở đây chính là cái chết được báo trước của Whitney. Cái thứ sự thật đó đã chẳng bao giờ được nhắc tới cả.”

Cú quẫy đạp sau cuối của Whitney, tiếc thay, đã quá muộn, không kịp đặt nàng một lần nữa lên đỉnh thế giới sau khi đã trượt dài quá sâu và quá lâu.

Whitney Houston đã chơi cuộc chơi của mình như vậy, với 3 octave rưỡi và 48 năm. Nàng bắt lấy ngôi sao của mình, nhưng thay vì tỏa sáng dài hơi dưới vì sao may mắn, ánh sáng spot light và rừng flash báo chí chỉ trả lại cho khán giả của nàng một người đàn bà mất thăng bằng và rệu rã.

Nghệ thuật cứu rỗi và xoa dịu, nhưng không phải cho những người tạo ra nó.

Stefano Pilati – ngai vàng & thập giá

Trác Thúy  Miêu

Vác chiếc thập giá vĩ đại của Yves Saint Laurent trên vai, điều vĩ đại nho nhỏ mà Stefano Pilati có thể làm, đó là nhìn nhận thẩm mỹ thời cuộc qua đôi mắt của bậc thầy quá cố, và từ đó, bằng mọi tinh hoa tài khí bản thân, dàn trải lên runway thượng tầng thời trang Pháp những hiện thân trung thực nhất của một tinh thần Yves Saint Laurent bất hủ – như một cuộc chiêu hồn lộng lẫy giữa thế cuộc đương đại.

Nhưng điều đó có khiến Stefano Pilati trở thành một tông đồ tuẫn tiết và một nghệ nhân phục chế cổ trang thuần túy?

 

Quân cờ cuối cùng trên thế trận siêu nhân sự

Các sàn diễn mùa thời trang Xuân-Hè cho đến Thu-Đông mới nhất, các trang bình luận chính thống và các tin đồn hành lang đột nhiên trở nên nhộn nhịp rối rắm một cách bất thường, dù lại thêm một mùa nữa vắng bóng Big John và khả năng gây náo loạn của gã.

Nhưng đây có thể được xem là dư chấn từ vụ vạ miệng năm ngoái của John Galliano và chiếc ngai giám đốc sáng tạo đến nay còn bỏ trống.

Thoạt tiên là tin Raf Simons rời Jil Sander và nghe đồn đang nhắm nhe vào chỗ trống tối cao nhà Dior, sau khi Marc Jacobs bị nhà này từ chối việc mang theo cả bộ sậu ê-kíp từ Louis Vuitton nhằm thanh lọc dòng máu Galliano đã nhiễm thấm khắp hệ thống Dior. Tờ Women’s Wear Daily nhạy tin đã nhanh nhảu cho biết rằng Simons và Dior đã đi đến phần thỏa thuận, trong khi Simons tiến đến những ngày cuối của mình tại Jil Sanders.

Khi bộ sưu tập chia tay của Simons xuất hiện trên sàn diễn nhà Jil cho buổi diễn cuối cùng mùa FW2012, với tinh thần minimalist chuẩn mực hoàn mỹ và bảng màu pastel, cùng lúc với tin Stefano Pilati rời YSL, người ta lại thấy có vẻ như đường tiến thân của Simons có đến 2 bến đỗ.

Trong khi đó, những tiếng xì xầm lan truyền từ front row buổi diễn nhà Miu Miu (nơi Marc Jacobs ngồi vừa gõ chân xem diễn) cho rằng sau vài lần kì kèo dằng dưa giữa Jacobs và nhà Dior, thì hình như cuối cùng, gã điển trai mặc váy đã ăn chắc ngồi vào chiếc ghế bỏ trống của Big John…

…cho đến khi tin Stefano Pilati rời Yves Saint Laurent, thế trận các siêu nhân sự thời trang thế giới trở thành một bàn cờ người bí ẩn hoàn toàn.

Hầu như bất cứ nước đi của bất kì quân cờ nào cũng có thể thay đổi hoàn toàn cục diện.

Stefano Pilati là ai, để bước vào cuộc chạy đua về phía chiếc ngai quyền lực mà một Marc Jacobs khét tiếng đã dường như tiến quá gần?

 

Làm luật và phá luật kiểu Milan

Xăm trổ quằn quện đầy mình, từng là dân “bay” heroin hạng nặng, tay hooligan Milan hoàn lương thú nhận “Thời trang, đối với người khác là nghệ thuật của xa xỉ hay đại phẫu thẩm mỹ lên đời, nhưng với tôi, đó đơn thuần là phép màu cứu rỗi”.

Stefano Pilati sinh năm 1965 tại Milan, con trai duy nhất của một gia đình công chức. Sau khi cha mẹ ly thân, ông sống với thân mẫu và 2 chị em gái. Từ khi 8 tuổi, đó đã là một cậu bé bị thời trang xâm chiếm toàn phần: “Một ngày tôi phải thay tới 5 bộ đồ, tôi thay giày loafers khi đi học, có đôi guốc gỗ để đi chơi, và giày xỏ dây hẳn hòi cho những dịp lễ nhà thờ. Đó là bài học đầu tiên của tôi về việc ăn mặc phù hợp, đương nhiên là cho đến khi có đủ bản lĩnh để liều lĩnh hơn mức “phù hợp”. Hồi đó tôi mê mặc đồ nhà Fiorucci lắm. Tôi bắt đầu thử nghiệm mọi cách để phá luật, cho đến khi tôi học cách làm luật. Đó là khi 16 tuổi, và tôi quyết định biến nó thành sự nghiệp của mình.”

Nghĩ là làm, năm 1982, cậu bỏ học, xin phụ việc cho Gianni Aglietta tại nhà Nino Cerruti, sau đó là công việc trợ lý dòng menswear cho nhà Giorgio Armani vào 1993. Hai năm sau, Pilati thẳng tiến đến quyền lực Ý – Prada, với đúng lãnh vực sở trường: vải sợi. “Tôi đã học những điều vô giá về Saint Laurent chính từ Miuccia: những sự đột biến ngẫu hứng và tự do, đến mức lệch lạc, chông chênh và lập dị, tất cả những điều đó đều được xây dựng trên những luật lệ vững chắc về cấu trúc và chất liệu, pha trộn với gout thẩm mỹ siêu hạng và nhiều, thật nhiều cá tính. Vậy đó, đúng như tôi nghĩ, những người làm luật trong thế giới thời trang, họ phải là những kẻ phá luật, và để làm được điều đó, họ phải nắm vững và tôn trọng những luật lệ cơ bản nhất.”

Quãng đường dài gắn bó với nhà Prada đã chuẩn bị cho Pilati những gì cần thiết nhất để thẳng tiến vào cánh cổng tiếp nhận kiêu kỳ nhà Yves Saint Laurent, triều đại Tom Ford. “Tom là một thuyết khách siêu tài. Khi chúng tôi gặp, tôi bị ông ta bỏ bùa ngay tắp lự. Vậy nên khi cuối cùng chuyển đến Paris để chính thức nhận việc tại YSL, tôi đã phát hoảng lên. Prada đã một thời gian dài như tổ ấm, một tổ ấm mẫu hệ, còn bên nhà YSL, đây là một hệ thống quyền lực nam quyền sặc sụa – lạnh lùng, chuẩn xác, đầy thách thức, và chính vì vậy, mà kích thích vô cùng.”

Chỉ 2 năm sau, giữa môi trường đầy thách thức ấy, Pilati xuất sắc được đề bạt vào ghế giám đốc thiết kế cho các dòng hàng Rive Gauche nhà YSL, và thêm 2 năm nữa để chính thức thế chỗ cho đức ngài tối thượng nhà YSL – Tom Ford. Điều này cũng cùng lúc chấm dứt những bước thăng tiến êm ái tiếp nối của sự nghiệp thời trang Stefano Pilati – ông nếm trái đắng đầu tiên.

Mùa Xuân-Hè 2005, giới phê bình thất vọng nhận ra Pilati còn quá non nớt, hãi sợ, và quá giống Yves Saint Laurent.

Thời trang Pháp thở dài sườn sượt trước tay người Ý nhạt màu yếm thế.


Những cây thập giá và màn pháo hoa hụt

Hẳn nhiên không hề là trò ngoa dụ khi dám nói rằng Yves Saint Laurent chính là cái tên vĩ đại nhất trong mọi cái tên của lịch sử thời trang thế giới. Stefano Pilati đã làm công việc mà Saint Laurent để lại trong suốt gần một thập niên qua, dẫu chỉ như một sự tiếp nối trơn tru, bởi có lẽ điều mà Pilati hiểu, khi đảm nhận thanh quyền trượng sáng tạo nhà YSL, và cũng là điều bất cứ ai khác cũng phải thừa nhận, rằng người ta vĩnh viễn sẽ không bao giờ có thể làm những gì Yves Saint Laurent đã làm, giống như vậy mà có thể tốt hơn như thế.

Hẳn nhiên, với một cây thập giá huy hoàng to bự trị giá hàng triệu Mỹ kim ấy, cùng với triện son vẻ vang cho profile bất cứ ai từng mang vác nó, “gánh nặng” nhà Yves Saint Laurent là một mục tiêu tối thượng của rất nhiều thế lực tên tuổi khác, và việc Stefano Pilati cõng gọn quyền lực thời trang ấy trên đôi vai tài ba của ông cũng nhân tiện làm ngứa mắt không ít người trong giới. Cùng lúc, các tín đồ thời trang Pháp thủ cựu thì hoài nghi khả năng của tay người Ý ngoại bang sau những gì gã cowboy Tom Ford đã làm với vương triều nhà Yves. Stefano cõng luôn lên vai gánh nặng của haute couture của cả Pháp lẫn thế giới mấp mé bờ vực khánh tận. Một nhà phân tích thông minh sẽ không dự đoán một cuộc phá phách bạt mạng theo kiểu hooligan của Jean Paul Gaultier hay khùng điên Don Quijote kiểu tay râu kẽm Galliano. Thời cuộc và những tai nạn của nó đã minh chứng rằng vận mệnh haute couture đang hồi nhạy cảm rất không nên bị hành xử một cách khinh suất bởi những cái đầu thiên tài và những trái tim đồng bóng.

Trong khi đó, sự trung thành chuẩn mực đến mức tưởng như bạc nhược của Pilati đã gồng gánh thành công quyền lực YSL suốt hơn bảy năm ròng. Vị tổ nghiệp làng haute couture đã tạo lập nên một nền thời trang Pháp huy hoàng diễm lệ, và ai có thể giữ nó khỏi bờ vực tận suy, nếu không phải là kẻ hậu duệ nghiêm cẩn và trung thành Pilati?

“Điều không may cho tôi khi ấy, đó là tinh thần đã được định hình, và thậm chí là chuẩn mực phong cách thời trang Pháp của nhà Yves Saint Laurent. Tất cả được thiết lập bởi một thiên tài bậc thầy, và duy trì tiếp nối bởi một tên tuổi siêu hạng khác. Tinh thần YSL ấy trở thành di sản cộng đồng, bất cứ ai ai cũng có riêng cho mình một quan điểm, khái niệm nào đó về nó. Điều đó có nghĩa là bất cứ lúc nào tôi cũng đang ở thế làm thất vọng một ai đó ngoài kia. Làm chân váy tầng viền ren thì người ta bảo tinh thần YSL đáng ra phải là áo choàng poncho cơ, rồi đến khi cho họ poncho, họ đòi tuxedo, thậm chí khi tung ra tuxedo, họ lại cho rằng nó chưa mang đúng dáng dấp thập niên 70’s. May thay, tôi xác định ngay từ đầu là không thèm quan tâm đến việc họ nghĩ rằng Yves Saint Laurent đáng ra sẽ cho họ những gì, tuy để lờ béng đi, đâu phải là điều dễ làm. Tôi biết mình đang ở vị trí phải hiểu rõ hơn ai hết Yves Saint Laurent sẽ tác tạo nên điều gì vào mùa tới và tại sao.”

Kim Jong-il từng nói (nếu các fashionista có quan tâm đến ông ta là ai, bên cạnh các ngôi sao truyền hình): “Kẻ yếm thế húy kỵ những thách thức sẽ chẳng thể nào làm một cuộc cách mạng”. Stefano, qua những gì đã làm dưới cờ tam tự YSL, đã hiển nhiên khẳng định một giai kỳ đầy tính cách mạng của tinh thần haute couture trường tồn, ắt đã không vì húy kỵ mà thể hiện tài hoa bản thân dưới một gout thẩm mỹ thuần túy Saint Laurent. Sự khác biệt ở chỗ – ông chọn ngồi vững chãi trên ghế sáng tạo và chiếu rọi thời trang qua lăng kính Saint Laurent trong khi ngoài kia, các designer mỏi mòn tìm kiếm sự khác biệt, và các fashion bloggers tiếp tục than khóc cho thời suy kiệt của thương hiệu huyền thoại Pháp Yves Saint Laurent.

“Yves bắt đầu tất cả từ con số 0. Tôi không may mắn bằng ông. Khi nhậm chức vào năm 2004, các báo cáo tài chính tổng kết rằng nhà YSL đang ở mức lỗ lã trung bình lên tới 75 triệu Euro/năm. Tôi bắt đầu từ -75 triệu. Người ta chờ đợi ở tôi một màn pháo hoa dằn mặt giới thời trang, các nhà đầu tư chờ đợi ở tôi những quả bom thương mại, Saint Laurent quá cố kì vọng ở tôi một sự trung thành tuẫn tiết tuyệt đối với tinh thần bất hủ của ông, chức vị trên tấm danh thiếp của tôi lại ấn định rằng tôi phải vong thân sáng tạo hết mức. Trong những “cây thập giá” ấy, tôi đã phải tuần tự chọn vác từng chiếc một. Nôm na, tôi chọn cuộc chiến cân bằng tài chính làm tiên quyết, và hơi hướm chính thống của Yves Saint Laurent trong từng thiết kế quyết định cho điều đó. Kết quả đã may mắn cho tôi thấy mình đã lựa chọn đúng những chiếc thập giá cần mang nặng trước tiên. Dẫu sao cũng rất lấy làm tiếc về màn pháo hoa không thành!”

Từ lời xưng tội của kẻ vác thập giá…

Khi mà thời trang đương đại được định vị bởi những nàng thơ Hồ Ly Vọng ở LA, với lớp trang điểm cầu kì vào giữa trưa, soiree dạ hội lúc 4 giờ chiều và những mái tóc kiểu 1930’s, dường như sự thanh lịch thật sự đã rời bỏ thế giới cùng với Grace Kelly. Điều này cũng là một rủi ro mang tính thời cuộc, khiến tư tưởng Yves Saint Laurent dễ dàng trở thành một biểu tượng của sự hoàng kim cũ kỹ và không còn hợp thời. Điều này được xác tín bởi tông đồ trung thành Stefano Pilati: “Ngày nay, thời trang không còn là thời trang nữa, và tất cả mọi thứ đều có thể trở thành cái gọi là Thời-Trang. Thời trang trở thành lối sống và thái độ, ai cũng có thể trở thành người ‘hợp thời trang’ cả, và bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành Thời Trang. Cách đây không lâu, mọi thứ cần một sự tinh tế nhất định, khi mà còn tồn tại tầng lớp thượng lưu đúng nghĩa, tôi không muốn nói đến giới nhà giàu thuần túy, và những nhân vật ưu tú ấy dẫn dắt xu hướng thẩm mỹ của cả xã hội một cách tinh tế, nghiêm cẩn nhất. Nói ra thì nghe rất nặng nề, nhưng một nhà thiết kế như tôi, sẽ có cơ hội dẫn dắt một phần nào đó của xã hội và tạo ra vận động của trào lưu. Nhưng ngày nay thì người ta có thể dẫn dắt được điều gì, khi thời thế đã sẵn có quá nhiều kẻ muốn làm anh hùng? Tôi tung ra flannel, ông chủ tiệm ngay kế bên thì tung ra hàng chiffon trong suốt, tín đồ hoang mang trong một tín ngưỡng hỗn độn với các quầy niềm tin tự chọn. Quá nhiều luật là điều không tốt. Giờ đây, các nhà phân tích phải lập ra cả một bảng dài lê thê để xác định trào lưu mỗi mùa, mà mùa nào cũng có ngần ấy thứ, tất cả mọi người luân phiên tung ra vào những thời điểm bất kì. Từ những ngày đầu của prêt à porter, đã là những ngày khai mở cho yếu tố thương mại của thời trang. Và ngày nay nó đã thành cái chợ. Trào lưu được định nghĩa là thứ kiểu dáng nào được nhiều người chọn mua nhất trong mùa. Trong thời trang dân chủ, tín đồ quyết định cho xu hướng của tín ngưỡng, đông thắng ít, mạnh thắng yếu. Thành ra cái chợ!”

Quan điểm trên của Pilati có thể được coi là một sự phản kháng ngầm với những gì mà Yves Saint Laurent đã tạo ra – lãnh vực prêt à porter, và đưa thời trang đường phố lên sàn diễn thượng tầng. Và sau ông, cho đến nay, vẫn không ai làm được điều tương tự, ngay cả Pilati.

“Vấn đề là với thời trang đường phố ngày nay, bạn muốn tôi đưa cái gì lên runway chính thống? Miniskirts, leggings, jackets da, tất cả điều này đã được đưa vào mainstream từ rất lâu rồi. Yves Saint Laurent là nhà thiết kế đầu tiên đặt chân đến sân sau vintage và chọn lấy những chất liệu tốt nhất để tái hiện lên sàn chính thống của thời trang cao cấp. Nếu nghiên cứu tiểu sử ông, người ta sẽ nhận ra những chuyến sục sạo của Yves tại những khu chợ trời London, săn tìm những món đồ cũ từ thập niên 30’s, và từ đó, ông làm ra cuộc cách mạng nữ quyền mặc quần tuxedo. Ông đã mua một áo smoking của một quý ông thời xưa cũ nào đó, choàng lên cho nàng thơ đương thời của mình, và một cuộc cách mạng thực thụ được bắt đầu như thế. Ngày nay, tôi có thể bơi cả ngày trong những cuộc hành hương vào sân chơi vintage như vậy, nhưng để tạo nên điều gì nữa đây, khi những món hay ho nhất tìm được hầu hết là các tác phẩm thời trang của chính Yves Saint Laurent? Tôi không còn làm các cuộc hành hương nữa, Saint Laurent đã làm điều ấy rồi. Tôi không muốn phí thời gian mỏi mòn vạch ra một lối mòn ngu xuẩn khác chỉ vì một lòng tự tôn phi lý.”

…đến phát ngôn của thần tượng thời trang tân thế hệ

Điều cuối cùng nằm trong sự quan ngại của nội giới về kẻ kế vị ngai tổng lãnh Dior – liệu sự đồng bóng vốn đã là thuộc tính của các nhà thiết kế có một lần nữa đưa triều đại Dior vào vị thế mất vua, và đẩy nền thời trang Pháp xuống triền đồi của diệt vong?

Liệu Stefano Pilati, dù đã gia nhập làng thời trang Pháp gần một thập niên qua, nhưng với tiểu sử bất hảo đã khét tiếng trong làng chơi Italy, có thể bảo đảm cho quyền lực Pháp một kẻ kế vị ít rủi ro hơn?

Trong thời kỳ những năm 1970s, chính Saint Laurent đã trải nghiệm triền vực băng hoại và vui thú của cuộc sống: nghiện ngập, tình dục tự do, v.v… Và lối sống ấy được chia sẻ bởi không ít thiên tài thời trang khác. Họ là những nghệ sĩ, và tự cho phép mình lối sống đó. Gã giang hồ hoàn lương người Ý tỏ ra kẻ cả khi chỉ trích sự lỗi thời trong cả Yves lẫn John – một là bậc thầy tiền nhiệm cũ, người còn lại đang rất có khả năng là người tiền nhiệm kế tiếp.

“Khi xu hướng thời trang không còn là cuộc chơi vị kỷ nhân danh nghệ thuật thuần túy, thì các nhà thiết kế bắt buộc chấm dứt trò tự coi mình là những tay chơi giàu chất nghệ mà trở thành các giám đốc sáng tạo – như một viên chức cấp cao, chỉ khác một điều là công việc văn phòng ấy không chỉ khoanh tròn trong 8 giờ vàng ngọc. Với tôi, đó là 24 giờ trong ngày. Cứ mỗi 2 tháng, công suất được tính bằng một bộ sưu tập khổng lồ. Lúc nào bạn cũng phải bảo đảm về tình trạng thăng bằng về cơ thể và tâm lý của bản thân, sung sức hơn một vận động viên và một ngôi sao nhạc rock cộng lại.

Điều đáng buồn ở đây, đó là thời trang có thể biến nó thành một bức tường vô hình bao bọc xung quanh bạn, cô lập bạn khỏi phần còn lại của thế giới. Tôi bước ra ngoài, làm một cuộc đi chơi và giao đãi, để gặp phải một thực tế là 99% nhân loại ngoài kia không làm nhà thiết kế thời trang. Tôi trở về không gian riêng của mình và an ổn hơn trong đó.

Hoặc tôi có thể biến đi đâu đó chục ngày, ăn chơi bét nhè quên mất nhân thân, rồi mất chục ngày nữa để hoàn hồn hồi sức, hi vọng không ai nhận ra những dấu vết tệ hại của cuộc chơi để lại, trong khi bộ sưu tập sắp tới chỉ còn cách bạn vài tuần. Tin tôi đi, vì nếu bạn biết tiểu sử của tôi, bạn sẽ biết rằng một gã Milano như tôi hoàn toàn không xa lạ gì với nếp sống đó cả. Hồi ở Prada, tôi sống như vậy. Một tay ở văn phòng biết tôi nghiện, y nói “Nè, David Bowie toàn thực hiện những bản thu tuyệt nhất khi đang phê đấy!” – đó là sự thể hiện đồng tình cuối cùng mà tôi có được cho lối sống “nghệ sĩ tính” của mình, và John Galliano là một mẫu mực cuối cùng của lối sống đó. Hệ quả thì ai cũng biết rồi đấy. Chúng ta không còn cả Yves lẫn John.”

Nhắc đến Big John, Pilati cho rằng vụ vạ miệng đã là: “Thảm cảnh, cho cả John lẫn nhà Dior. Nên nhớ rằng chúng ta đâu hề là những sinh linh trong trẻo và được phần số cưng chiều tuyệt đối. Chúng ta vác những cây thập giá lặc lè, chúng ta làm thuê cho những tập đoàn có hàng trăm đồng nghiệp về nhà lúc 2 giờ sáng bằng tàu điện ngầm, chứ không phải một cú phone gọi tài xế riêng. Ta học cách sống theo luật và những giá trị cần được tôn trọng, những điều cấm kỵ cần kiêng húy. Được thôi, nếu bạn là một tay nghệ sĩ độc lập, cứ ăn chơi hút chích cho bay đời đi, cho đến khi bò trên bốn chân về ổ đi, nhưng đừng mơ đến việc trở thành một vĩ nhân đương thời thì bạn sẽ ổn, vì những kẻ còn lại cũng sẽ chẳng nhận ra sự vắng mặt vào một ngày nào đó của bạn đâu.

Giá như John hiểu rằng có hàng tỉ người ngoài kia trông đợi mùa sau của nhà Dior để dẫn dắt và định hình bộ da cho họ, giá như ông ta ý thức được quyền năng của tài hoa sáng tạo mà ông ta sở hữu, hơn là một trò tự dung túng quá độ của một đứa trẻ hư đùa dai. Người ta muốn thấy John khùng điên và quá quắt trong sáng tạo, nhưng họ còn mong đợi ông ấy đứng thẳng thớm được quá 10 phút và phát ngôn trong trạng thái tỉnh táo. Cây thập giá quả nặng nề, nhưng Big John không vác được, thì Big John chỉ là một John bất kì.”


Cập nhật thế trận cờ người

Với tất cả sự nhạy bén về thời sự nội giới thời trang, người ta kết nối được một sự tương quan giữa việc ra đi của Stefano Pilati và Raf Simons cùng lúc rời nhà Jil Sanders, trong khi ngai tổng lãnh sáng tạo nhà Dior vừa kịp nguội hơi ấm vị cựu vương phải vạ. Song song với những tin hành lang về việc Marc Jacobs có thể vẫn trở lại trường đua đã tạo nên một cuộc hoán đổi vị trí, dọn dẹp những chỗ trống hiếm hoi cho các tên tuổi thiết kế mới nổi đang hừng hực nhuệ khí vực lại thị trường thời trang cao cấp.

Nhà YSL vẫn giữ kín thông tin về người kế nhiệm Pilati cho đến sau tuần lễ thời trang Paris, nhưng những lời đồn đều bỏ phiếu cho Hedi Slimane, vốn là designer dòng Dior Homme, hiện đang lênh đênh với sự nghiệp nhiếp ảnh độc lập từ hơn 4 năm nay. Slimane đã từng làm cho nhà YSL dòng menswear và hiện đang không tỏ ra thỏa mãn cho lắm với cuộc dạo chơi nhạt nhòa cùng nhiếp ảnh, tất cả cho thấy ý muốn quay đầu là bờ của một tài năng thiết kế đã từng làm nên chuyện cho cả YSL và Dior.

Nửa thập niên qua, tuy vắng bóng khỏi đại cuộc thời trang Pháp, người ta vẫn không quên dấu ấn Slimane trên các thiết kế mảnh dẻ và lưỡng tính, và có vẻ hơn bất cứ ứng viên nào, đây chính là mảnh ghép vừa vặn nhất để lấp đầy chỗ trống Pilati bỏ lại sau lưng, hoặc chiếc ngai tổng lãnh nhà Dior. Chưa kể đến một dấu hiệu đầy thuyết phục khác là dòng Twitter úp mở của một nội gián nhà Kenzo, với giọng nghiêm trọng huyền bí như sấm truyền, báo rằng “một nhà thiết kế nào đó sẽ được thay thế bởi một kẻ ngỡ đã rời cuộc chơi vài năm nay, nhưng vẫn luẩn quẩn trong thế giới thời trang”

Để lại sau lưng một ngôi vị danh giá và hai ứng viên rạng rỡ như vậy, người ta chỉ có thể thấy chính Pilati, như một divo mới của hàng thượng tầng thời trang xa xỉ, thẳng tiến đến chiếc ghế kiêu kỳ vẫn còn in dấu bàn tọa Galliano.

 

Dành cho độc giả

LUẬT CỦA PILATI

Cựu tổng lãnh nhà YSL tin rằng bạn nên khoe bắp chân thuôn dài, nghe R&B, và làm ơn luôn nói “Không!” với xe hơi thể thao màu vàng. Trong những dự báo về việc tay hoàn lương người Ý sẽ lại hạ cánh an toàn lên chiếc ngai quyền lực danh giá thứ 2 của thời trang Pháp, một fashionista, và cả các fashionisto sẽ muốn tham khảo bộ luật căn bản của nhà làm luật mới.

1. Sai lầm tệ hại nhất khi chọn lựa trang phục cho mình, ấy là khi bạn tự hình dung bản thân là một ai đó khác. Bạn luôn nghĩ đến khuôn mặt và tính cách của người ấy, mà chẳng mấy khi lưu tâm đến tỉ lệ thân hình, vốn là điều cơ bản nhất. Vậy cố gắng tránh nghĩ đến một cô gái trẻ nếu bạn là một phụ nữ trung niên, và đừng nghĩ đến một cô tóc vàng mũm mĩm khi bạn là tín đồ châu Á mặc petit size. Trang phục, trước hết, phải là bộ da thứ hai của cơ thể, gia cố tôn vinh nó, chứ đừng mong bóp méo đảo ngược thân hình bằng một bộ hóa trang. Đó chính là lí do vì sao nhiều phụ nữ trông vẫn rất đẹp, rất gợi tình trong bộ trang phục đàn ông, và đó là nguyên tắc vàng của chiếc tuxedo nữ huyền thoại của Yves Saint Laurent – nó được cắt để ôm lấy một thân thể đàn bà, sự vừa vặn làm nên điều khác biệt diệu kỳ.

 

2. Đáng tiếc rằng bắp chân là phần cơ thể luôn bị bỏ qua hay coi nhẹ, trong khi chúng là phần tuyệt đẹp trên cơ thể. Nó thể hiện rõ ràng sự mềm mại hay rắn chắc của thân hình, và chuyển động thật gợi tình theo từng bước đi, dáng ngồi. Phụ nữ may mắn hơn vì họ luôn có thể khoe phần cơ thể này ra, tôi không hiểu vì sao đàn ông lại cứ phải mặc những ống quần dài. Tại sao? Tại sao?

3. Đàn ông luôn đặt tính thiết thực và tiện lợi lên đầu, rồi tìm cách để nó phù hợp với phong cách thẩm mỹ của họ. Đàn ông không giỏi chịu đau, chịu cực nên đừng hòng họ dồi một lớp phấn sáp lên mặt dưới trời nắng nóng, hay đòi họ chơi trò thăng bằng phi nghĩa trên những đôi gót lênh khênh loẻo khoẻo. Đàn ông, đau và vướng một chút là lột phăng.

4. Thời thập niên 90’s với thẩm mỹ bóng bẩy đã là thời đại chuẩn mực của thời trang nam. Những bộ ghế bọc da đen thẫm, những thiết kế kiểu cách và đa dạng, các dòng nước hoa, v.v… Giờ đây, khi hầu như những thứ tốt nhất đều đã được nghĩ đến và làm ra, để lại một áp lực lớn cho thị trường thời trang nam giới. Dẫu sao thì người ta vẫn đang tiếp tục cố gắng và vận động – đó là một lãnh vực hà khắc so với thời trang quý bà.

5. Bạn có bao giờ để ý rằng đôi bàn tay là phần cơ thể được đưa ra với người khác nhiều nhất, được nhìn thấy, và đụng chạm thường xuyên nhất so với tất tật các phần kkha1c trên cơ thể? Đừng quên chúng đóng vai trò tối trọng trong toàn thảy những gì tạo nên ấn tượng ban đầu. Làm ơn, trau dũa các móng tay, và xài ít nhất một thứ sản phẩm gì đó – và làm điều ấy một cách nghiêm cẩn.

6. Tôi không bao giờ thật sự cho rằng có một người đàn ông nào đó trên đời này có thể trông hợp với một mái tóc dài.

7. Xe hơi, chúng giống như cơ bắp vậy. Giờ thì tôi ở độ 40, tôi sẵn lòng sắm về một chú Ferrari vintage. Đó là một cái xe tốt, dáng thể thao, nhưng phong cách thượng đẳng không chê vào đâu được. Đây không chỉ thuần túy là trò làm đỏm của đàn ông, bởi nếu tôi tậu một con Lamborghini vàng khè thì mọi chuyện trở nên khác hoàn toàn – nó như một anh chàng cổ to như cổ bò, chuột to như chồn, cơ bắp lổn nhổn. Chỉ có một cục thịt to bự như thế mới muốn cưỡi một con xe như thế kia. Chúng tôi là những thằng cha Batman biết chọn tay Robin phù hợp với mình.

 

Phạm Duy – hoàng đế Nhục Tình Ca

Jasmine nOir

Khi mà ngoài những con lộ trung tâm, những quả châu mừng đêm sao sáng đang được trưng lên cùng lúc với những dãy mai vàng tòe loe phồn thực, thứ hoa nhựa không tàn của thanh tân vĩnh cửu, như một điệp khúc hoan ca lặp lại 12 tháng một lần: Xuân!

Khi mà xen kẽ một cách tài tình vào guồng quay thít chặt của những tuần cuối cùng trong năm là những tấm thiệp hồng như cũng róng riết đầy xách mé: Mùa Tìm Bạn!

Một đáy mắt màu trà, một vạt nắng hanh hao hắt trên khuôn diện người đàn ông cuối chiều, dư vị cuối cùng của những cuộc sờ chạm 12 tháng qua cũng đã kịp tiêu hóa vào từng tế bào xúc cảm và tan biến, bất khả vãn hồi.

Như tuổi.

Như thời gian.

Những hò hẹn lướt qua chưa đủ chậm.

Người ta chỉ đủ thời gian để ghé qua nhau trong đời.

Bạn – diva thế hệ tân nữ nhi tiến bộ, như cô nhỏ xỏ chân vô đôi giày đỏ không thể ngừng những bước nhún nhảy, chợt hiếm hoi một lần ước cho mùa dừng lại.

Chớ vội Hạ thắm Thu vàng, tại sao lại không là một Xuân Hoàng kim Vĩnh hằng Vạn vạn tuế?

Hãy lắng nghe lời khuyên chân thành nhất từ dater của F.: nếu một Xuân dài hơi là thứ bạn đang tìm kiếm, điều dại dột nhất bạn có thể làm là hẹn hò với một chàng trai nhỏ hơn mình.

Hãy tìm đến với người đàn ông có trên mình hơn nửa thế kỷ yêu đương miên man mê khoái, hãy chọn cho mình một con đực đầu đàn với vẻ phương phi phỉ mãn, đôi mắt tinh anh và nụ cười Di Lặc.

Hãy chọn cho mình người đàn ông có mái tóc bạch kim hoàn hảo, khuôn diện hồng hào, và chiếc áo dạ màu bordeaux hàn lâm kiểu cách.

Hãy vận dụng đến từng giọt hormon đàn bà tính để tiết ra thứ thiện chí hợp mùa mà làm cuộc sờ chạm đầu năm với kẻ được mệnh danh là Hoàng Đế Nhục Tình Ca.

photo by DaiNgo

Quý cô F. và phiên chợ tình trung cổ

Điều quan trọng đầu tiên là bạn phải không được quên là dater đầu năm của bạn đã sống gần 1 thế kỷ, và bạn sẽ bình thản hơn khi đương nhiên là cuộc hẹn sẽ không thể diễn ra tại một tiệm café thời thượng nào dưới phố.

Vĩ nhân tóc trắng, cây đại thụ của lịch sử tân nhạc Việt Nam, sẽ chờ bạn trên một chiếc sofa khổng lồ màu tía. Từ khối thân thể ngót nghét 100 năm tuổi phát ra thứ giọng nói vang ấm như chuông đồng và chuẩn mực đến từng nguyên âm phụ.

Ông kể về những cuộc tình, và không về một cuộc tình nào cả:

Những tình nhân trẻ cách đây hàng thập niên cũng hoang mang phi lý đâu kém những nhân tình trẻ bây giờ. Họ hoang mang mò mẫm nhau đòi tìm hạnh phúc, rồi thả rông năng lượng vào những mối tình gầy, những ả vai gầy mi thưa, tình mỏng đến đến vô phương ôm nắm, rồi lại hoang mang tìm nắm những thứ mong manh. Họ cứ ngồi đó, nắm tay nhau rồi về thở than cho cái sự dở dang. Họ như những đứa trẻ nhỏ thơm vào má người tình mẫu giáo rồi bảo rằng dẫu sao đời cũng vá vào được lên vai một mảnh tình.

Ai bảo họ si tình và đa tình? Tôi cho đó là húy tình. Bởi thứ ái tình thật thà trần trụi nhất sẽ nuốt tọng, nhai rau ráu, sẽ đốt trụi những tâm hồn và thân hình mai hạc ấy. Ái Tình là hân hoan xác thịt như nó vẫn hằng, là thăng hoa nhục thể mà “lên đồi hẹn với bình minh”. Ái tình đâu phải vốn dĩ mong manh, bởi trong mắt nhìn của tôi, nó phồn thực ngạo nghễ và mê muội thật thà lắm lắm.

 

Bởi chăng cái thứ ái tình mỡ màng và thật thà trần trụi ấy đã nuôi đến phun trào phỉ khoái nguồn thi hứng tưởng như không cạn của người đàn ông tuổi đời ngót nghét non thế kỷ, giờ đây đang dãn nở thênh thang trên chiếc sofa đỏ thắm, thấp thoáng từ đôi mắt tinh anh tia thép sắc lạnh nghiệt ngã của kẻ đi đi về về đã mòn lối cuộc đong đưa.

Người đàn bà tưởng đã rành tám câu hò hẹn rồi cũng sẽ có lúc run rẩy cảm nhận đôi tia thép ấy lướt nhanh, rất nhanh xuôi chiều dài khiêm tốn của chiếc váy little-black-dress size XS của người đối diện.

Bạn – tín đồ trường phái vị lai của thập niên 1960 với thẩm mỹ Twiggy sẽ thấy mình lạc vào bữa đại tiệc ái tình phồn hoa của những mỹ nhân phồn thực thời 1940, thậm chí xa hơn về phía trước, nơi những người đẹp Phục Hưng tươi tắn khỏa thân ngồn ngộn, đôi má ngây hồng và da thịt tràn trề căng mẩy.

Hay đơn giản hơn, bạn, và tất cả những lý tưởng tình ái lãng mạn tân thế hệ của mình, sẽ thấy bản thân đứng lạc lõng trong một chợ phiên thời trung cổ, lúng túng thẹn thùa trước ánh mắt dửng dưng của tay đại phú hào tài hoa và quyền lực.

Điều này thật tệ nhưng cũng thật thú vị và kích động khôn lường.

Quý cô, hãy giữ nguyên đôi chân an ổn trên đôi gót mảnh, bắt chéo cặp đùi, bởi cuộc hàn huyên chỉ mới bắt đầu!

Người Việt lãng mạn và người Việt giả dối

Người nhạc sĩ tài hoa đã bước qua ngưỡng ngại ngần che đậy mà thơ thới phong phanh trước nhục cảm và ái tình. Thì bạn, cô nhỏ táo tợn, cũng chẳng can cớ gì mà dè dặt khi tung ra một cố gắng yếu ớt thử bao biện cho trường phái lãng-mạn-phi-dục-tình.

Nói rằng Ái là Dục thì hăn hẳn là sai. Vả chăng nếu bảo đấy là Dục, e rằng sẽ sinh nhiều nhầm lẫn tai hại. Tôi gọi đó là Nhục. Ái tình nào mà không thể có cái râm ran Nhục Thể? Dẫu cầm được bàn tay nhau cũng lâng lâng mụ mị tâm thần, ấy là hạnh phúc. Mà dẫu là Ái của cuộc vầy vò trên giường tình, đó cũng là hạnh phúc. Đẹp không nào “anh cuốn lưng cong em ưỡn lưng ong cho sét âm dương nổ tung”. Cái thăng hoa này lại nảy nở từ tình ái, chứ đâu phải chỉ suồng sã dục tình. Nó phải cuống quýt thèm thuồng, phải hau háu tưởng như không bao giờ no đủ. Chứ một cuộc trơ trẽn nguyệt hoa chỉ tổ tanh lạnh lúc nguội trò.

Bạn thở dài, sườn sượt tiếc nuối những cuốn tiểu thuyết diễm tình học đường của Tôi Thương Mà Em Đâu Có Hay và Bong Bóng Lên Trời.

Người Việt Nam quả là tổ sư lãng mạn. Không chỉ từ thời người Pháp mang vào đây những tư tưởng huê tình trưởng giả Tây phương, mà từ thời liền anh liền chị đong đưa lúng liếng đò tình Quan Họ, nào mắt lá răm nào yếm thắm, hay trò tán tỉnh thô bạo ngô nghê Nam bộ “ban ngày mắc cỡ tối ở quên về”, cũng táo tợn, cũng đầy nhục cảm, cũng lẳng, cũng tình lắm đó chứ.

Đến thời trào lưu văn minh Tây học, anh thi sĩ nào mà chẳng tơ vương vài dáng gầy nàng thơ, chỉ ngửi mùi giai nhân đi ngang đã lâng xiêu trời đất, thừa sức tự biên cả một cuộc tình lẫy hoa lệ. Từ các ông Đặng Thế Phong cho chí Văn Cao, ông nào ông nấy cũng ảnh hưởng nhiệt tình trường phái ‘romantisme Francaise’, làm gì có chỗ cho chuyện vầy vò mây mưa.

Nhưng rồi thời nào cũng rách trời rơi xuống một Hồ Xuân Hương táo tợn, một Phạm Duy Tốn phong tình bạo ngược, rồi lại sản sinh ra một Phạm Duy ngạo nghễ với những bản Tục Ca hay tôn vinh ái tình nhục thể qua những bản Nhục Tình ca.

Tình, phải đi với Tục, là thế. Bà thi sĩ họ Hồ có lãng mạn đa tình đấy, nhưng đọc thơ bà toàn nhựa mít với trôi nước trắng trắng tròn tròn, có ai nghĩ đến cái chất Tình ngay đâu, mà đã hừng hực lồ lộ cái điều tế nhị ấy ngay tắp lự.

Tình mà không có Tục, thì dở lắm!

Thế nên mới ra cớ sự, đang viết Tâm Ca, tôi để đấy, viết Tục Ca. Tôi đưa cho các anh Tuấn Ngọc với Duy Quang bảo hát, anh nào cũng hồn nhiên nho nhã, le lưỡi lắc đầu, bảo rằng “bố các anh ấy cũng không dám hát”. Thế là tôi phải minh chứng rằng các anh ấy sai: bố các anh ấy dám viết, thì dám hát.

Lạ nhỉ, tại sao người ta rất sợ phải sờ vào cái nơi vốn dĩ rất thích thú khi được chạm đến?

Vì người Việt ta giả dối lắm, cô ạ, đặc biệt là trong chuyện ái tình. Người ta cần xã hội và lề thói của xã hội, bằng không, chúng ta tất thảy đã thành một bầy đàn hoang dã thác loạn bốn mùa. Thích lắm chứ, thênh thang lắm chứ!

Nhưng thôi, cô đừng nghe tôi. Tôi vẫn là kẻ ngạo ngược xưa giờ, và những kẻ như tôi mỗi thời cuộc không có nhiều, nên ơn Trời, thế gian bình ổn!

Huyền thoại trai lơ và hôn nhân bảo toàn bát đĩa

Đối diện một người đàn ông mà tự thân kho tàng âm nhạc đồ sộ và những huyền thoại ái tình cũng toát ra một thứ hào quang khiến kẻ đối diện choáng mờ. Sự pha trộn kì lạ giữa tính hàn lâm và thông tục, với những nhấn nhá đồng bằng Bắc Bộ trên tiết tấu Tây phương, đã khắc tên ông vào tượng đài vĩ nhân huyền thoại. Nhưng chính thứ ái lực rần rật trong từng ca từ được nhả trau chuốt, và những ẩn dụ nửa ý nhị, nửa buông tuồng trai lơ mới khiến tên tuổi Phạm Duy gắn liền với hình ảnh một tình lang không tuổi.

Dường như ông yêu đàn bà quá, đến chẳng bao giờ là cạn cùng no đủ.

Người ta cứ bảo tôi đào hoa đa mang lắm, ừ đành rằng cũng có, bởi đương nhiên là vậy, nhưng không nhiều đến như họ đồn đại đâu. Nếu tôi nhớ không lầm thì độ vài trăm. Có lẽ nhờ được trời phú cho âm nhạc, hóa ra lại là ngón “câu khách” rất thành công. Thậm chí cách đây không lâu, vẫn còn có những bà thính giả chân thành lắm, nguyện về nâng khăn sửa túi. Chết thật, mà khi ấy tôi trả lời bà ấy ra sao tôi cũng quên rồi.

Người ta ngoài kia thương tôi nhiều lắm, nhưng rồi thời ham hố qua đi, có khi ngồi lại tôi lại tham lam hỏi người mà như tự vấn “Yêu tôi, hay yêu đàn?”

Rồi bà nào cũng thế, đàn thì có thể nghe được từ xa, chứ người đàn ông sống gần mới ê chề nhìn ra bao nhiêu là thói xấu. Chả mấy ai mà chịu nổi tôi, thế là họ ra đi, tôi lại vào vai anh thất tình ngồi viết nhạc để tán kẻ đến sau.

Thế rồi cũng có một người đàn bà chịu ở lại và sinh nở cho ông những đứa trẻ, bây giờ là những tài hoa lừng lẫy. Nửa đời kề cận vợ chồng, Phạm Duy vẫn chỉ gặp một người đàn bà theo ông là đủ hoàn hảo để làm được điều đó.

Bà cho ông mặc tình làm đứa trẻ tài năng và trái thói, mặc lòng, bà ấy vẫn dung dưỡng cả những thói tật của đức ông chồng vĩ nhân.

Một người đàn bà đẹp đến mấy, rành đường phong nguyệt đến mấy, lúc xa có tiếc, cũng chẳng tiếc là bao. Nhưng người nhạc sĩ già ngẩn người, hụt hẫng như đứa trẻ say vòi

Nếu có điều gì để tiếc, tôi chỉ tiếc rằng người vợ quá dễ thương, bà ấy mất sớm quá!

Nửa thế kỷ làm vợ, bà ấy đánh đổi để có được trong tôi một vị trí chưa hồng nhan nào có được, và độc tôn vĩnh viễn về sau. Tròn 50 năm sống với nhau, đến khi bà ấy mất đi, tôi vẫn không tin được rằng chưa hề có một cái bát cái đĩa nào bị vỡ.

Người đàn bà lí tưởng nên hiểu và yêu, hay chỉ nên khéo chịu đựng?

Chịu đựng chứ, không thì loạn gia cang lên mất!

 

Dater ngô nghê của F. sẽ gật gù chiêm nghiệm một chân lí hồn nhiên mới về cuộc hẹn hò lớn và lâu nhất đời người: cuộc tình viên mãn và một cuộc hôn nhân hoàn hảo là khi người ta chịu đựng nhau một nửa thế kỷ mà vẫn bảo toàn bát đĩa!

Một và một vạn

Như một tín đồ trường phái hưởng thụ chuyên chính, khuôn diện ông lại giãn nở hài lòng:

Ai bảo hôn nhân là khổ lụy thì tôi thương họ lắm, bởi mỗi ngày trong hôn nhân của tôi đều tựa thiên đàng. Hay bởi tôi tham lam tôi đòi nên được đáp? Tôi như đứa trẻ được cưng chiều suốt 50 năm. Tôi như trong một cuộc tình dài.

Rồi người ta cũng chỉ ghé qua đời nhau, cuộc tình tàn cuộc không có nghĩa là cuộc tình tạm bợ. Tôi không tin vào ái tình tạm bợ, cuộc duyên phần có thể chóng vánh, thậm chí dẫu chỉ vừa đủ cho một lần hoan lạc, nhưng nếu ta đói khát cho cạn cùng, cho nhận cho phỉ mãn, với tôi, đó vẫn là một cuộc tình trọn vẹn. Ấy huống hồ chi 50 năm phu phụ, những chuyến nhận-cho mang về những kiếp người mới, những đứa con. Cuộc tình ấy, với tôi là thiêng liêng trân quý lắm. Đến nỗi ngay những ngày gần đây, tôi vẫn thẫn thờ nhận ra bà ấy vẫn đang ở nhà, ra vào trông nom kề cận bên tôi. Thế mới hay, mới gọi là sống lâu biết đâu chưa đi trọn hết một cuộc tình. Tôi giàu có lắm, bà vợ tôi quả là người đàn bà vô giá: “yêu một người như yêu một vạn người”

Rồi ngay lập tức, như để đánh tan sự thất vọng của kẻ đối diện, ông cũng không thể ở lâu trong vai trai góa mồ côi:

Còn những cuộc tình. Lại nữa, ai bảo ái tình là khổ lụy, tôi cũng thương cho họ lắm. Dẫu có lúc bị phụ, ấy nhưng trong ái tình tôi “phởn” lắm, nên lúc nào cũng thơ thới. Khi yêu đương thì tôi mê muội quên đời, nhưng khi chuyện không thành, tôi hầu như chẳng chút dằn vặt. Cứ thế, nước trôi qua cầu thì dòng mới trong, mới thoát. Tù đọng làm chi cho ngầu đục dòng đời. Tôi chẳng nhớ gì, chẳng mong nhắc lại gì. Những gì đáng giữ thì đều ở lại cả trong tôi làm của nả mang về Tuyền Đài. Còn giờ đây, tôi còn bận giang tay ôm sự sống, chẳng còn tay nào để cắc cớ lần dở chuyện đã lắng sâu, trôi xa.

Những cuộc tình… Dường như Phạm Duy chỉ có một cuộc tình thủy chung duy nhất với Ái Tình ở nghĩa yêu đương rộng nhất, mà trong đó, những người đàn bà đến và đi, thay phiên nhau ngồi vào ghế nàng thơ, những nàng thơ thật ngoan.

Một người đàn ông, bận rộn lắm, và phải tự tạo cho mình một cái thế kiềng 3 chân vững chãi để làm nên cuộc sống: một sự nghiệp, một vợ, một người tình. Vợ tôi, bà ấy biết hết, hiểu hết, mà chẳng bao giờ một tiếng trách hờn. Bởi tôi là kẻ quá đỗi chung tình, nếu không thì tội gì tôi đã nói “nhiều người tình” chứ đâu chỉ là một.

Tôi thành danh về sự nghiệp, với vợ tôi là một cuộc hôn nhân trọn vẹn đề huề, và với người tình, tôi đoan chắc ngay giờ đây bà ấy vẫn đang nghĩ về tôi nhiều nhất. Có 3 điều ấy được bảo toàn, tôi thấy mình trọn vẹn, sung sức và phỉ mãn nhất, ở tư cách một người đàn ông.

Chẳng phải thế cân bằng của vạn vật chỉ cần là sự đối trọng hai yếu tố Âm-Dương? Tại sao ở đây, người đàn ông lại đòi hỏi có đến 2 người đàn bà?

Ô kìa, mỗi người đàn ông cần một vạn người đàn bà ấy chứ có phải 2 đâu. Nếu chỉ xét theo những gì Tạo Hóa ban tặng, từ xác thịt cơ thể, đàn ông đàn bà đã chẳng được tác tạo nên là vậy, việc của kẻ đi gieo giống, việc của kẻ ủ mầm,… Nhưng rồi có xã hội, có văn minh, có lề thói và trật tự. Người ta vẫn luôn cần những người có đạo đức, hoặc quyền lực, để đứng ra thiết lập đạo lý và lề thói cho an ổn mọi bề. Những cái người ấy, rất cần thiết là vậy!

Vậy ra đạo lý không đi cùng với tự nhiên sao?

Đạo lí phải đi cùng với tự nhiên, để kiểm soát và ngăn loạn. Nếu không thì tôi ở tù từ lâu rồi!

Những người đàn bà tuyệt vời!

Đàn ông, thật là những đứa trẻ hư hỏng quá đỗi! Chúng hư hỏng vì được nuông chiều.

Những đứa trẻ như thế, thường chỉ biết yêu chính bản thân và những cơn say vòi vô độ.

Thú thật, người đàn ông có những lúc yêu vì tự ái. Đàn ông tự ái ghê lắm, cần chăm sóc mơn trớn cái góc tự ái đó. Thế là họ dan díu yêu đương, và mỗi người huênh hoang theo một cách, anh phàm phu có cách của anh ấy, tôi thì khoe tình vào nhạc.

Nhưng không hiểu sao, những người đàn bà trong đời tôi, chẳng có bà nào phàn nàn về điều đó cả. Chẳng có ai bảo tôi phải bỏ vợ vì họ cả, mà vợ tôi cũng chả hờn ghen xem chuyện yêu đương ngoài chồng vợ của tôi là điều khuất tất. Những người đàn bà tuyệt vời!

Nhạc sĩ đánh giá sự phục tòng ấy là một phẩm hạnh của giống cái?

Hẳn nhiên, nếu không muốn nói là một trong những phẩm hạnh cao giá nhất.

Ông có e đây là ngôn luận phong kiến – một dấu hiệu đáng buồn của thời gian?

Lạc hậu à? Chẳng biết các chị phụ nữ của những anh khác thế nào, ngay trong thời đại văn minh này, những người đàn bà tuyệt vời của tôi, xưa nay họ vẫn nằm dưới.

An-nam woman smoking opium. Photo by Albert Kahn

Một thoáng văn minh thụ hưởng từ tư duy đồng đẳng tân thời khiến bạn khẽ rùng mình trước một sự khiếm nhã thản nhiên tênh hênh đến vậy.

Và không có gì qua mắt được sự tinh anh quái quỷ của người đàn ông đối diện

Nhưng chớ nghĩ tôi hàm ý điều chi khinh thị. Họ là Mẹ nhân loại, và khi an nhiên đặt mình bên dưới người đàn ông, họ hào phóng ban bố khoái lạc và Sự Sống. Nhân loại u mê trụy lạc, hay thông mẫn phồn vinh cũng từ đấy mà ra.

Thói trăng hoa ham hố phải chăng là một cách tán tụng nâng niu những người đàn bà đẻ ra sự sống ấy? Hay đó chỉ là nhu cầu vô độ của lạc thú ái tình hoặc thuần túy bản năng gây giống?

Đó là bản năng, thuần túy và thật thà nhất. Và người đàn bà hạnh phúc là người đàn bà hiểu rõ điều này.

con gái An Nam từ góc máy Pierre Dieulefils

Hồn nhiên là thế, đến trần trụi sỗ sàng nhưng hiển nhiên tự tại.

Cứ hồn nhiên đi, hồn nhiên là đàn ông đàn bà, rồi sẽ tìm thấy nhau mà hồn nhiên yêu. Adam yêu Eva đâu phải bởi quá nhiều tán tỉnh tương tư hay chiêu dụ mồi chài rù quến. Một đàn ông một đàn bà, mà từ đó những tội tình kì thú sinh ra.

Xuân Vĩnh Cửu trong cõi hoa màu thiền

Những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc hẹn, người đàn ông thả mình vào lưng ghế màu tía, vẫn cái giọng chuẩn chu đến từng nguyên âm phụ, nhưng đã không còn âm sắc ngạo tình tinh quái:

Chung quy ra Đạo Ca, Bé Ca hay Tục Ca, tất cả đối với tôi, đều là những cái Tri, cái Ngộ. Giữa cuộc u u minh minh của số phận và thời cuộc mà tôi gọi ấy là cái “thành vách sương mù”, tôi viết nên Đạo Ca như một nẻo đường sáng để vin vào và hướng tới. “Đạo” ở đây là “con đường”, chớ không hề là tôn giáo. Giữa những ái tình hời hợt thoảng qua, giữa những vai gầy mi rối tóc tơ, tôi lại ngộ ra chân lí của ái tình thăng hoa trong cạn cùng mãn nguyện, tuyệt đối của cuộc Nhận-Cho, và buông tuồng đến thật thà.

Cuối cùng, sau cuộc hành lạc hân hoan, “châm một điếu thuốc trầm ngâm lõa thể”, tiếng thốt lên tấm tắc của tình nhân “em thơm như cỏ hồng, em ơi!” chẳng phải là thiên đàng hạ giới đó sao?

Những kẻ như tôi không nhiều. Trong cuộc u u minh minh như kể ở trên, mấy ai thoát nỗi hoang mang đến trốn chui vào cái “động hoa vàng” mà an đời yếm thế. Còn tôi, yêu đời như tình nhân, phải ôm chầm lấy mới hả, dù điều đó sẽ gây đau vì cuộc sống không mấy khi tròn trịa. Mà hề gì, được Sống, cứ vồ vập lấy đi, “động hoa vàng” ai về sau mà chẳng có riêng cho mình một cõi hoa màu thiền.

Bạn sẽ đứng lên, giã từ cuộc hẹn hò khai Xuân với tình lang không tuổi.

Hãy thanh thản ra về, ngân nga cho chính mình một nguyện cầu chưa bao giờ xưa cũ

Xuân tôi ơi ! Sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm, có ta Xuân còn hơi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần…

Ngoài kia, xuôi những con lộ trung tâm, như vẫn hằng 12 tháng một lần, người ta lại đang một lần nữa rộn ràng chăng kết thứ hoa Xuân Vĩnh Cửu kì khôi bằng nhựa, một cõi hoa màu thiền.

Thỏ Cột Nơ – “Dân Chơi” Xuyên Thế Kỷ

Túy Ca

Không phải người đàn ông nào lang thang trên bề mặt địa cầu cũng được dịp tận hưởng cảm giác trở thành huyền thoại ngay khi còn sống và vẫn vận hành khá trơn tru. Nhưng thực tế của một huyền thoại cũng là một thứ hoàn toàn không như trí tưởng tượng hào phóng bởi ánh hào quang.

The legendary man…

Trai tân 22 tuổi và cơ đồ đại nghiệp Thỏ Cột Nơ

Ông bà giáo Grace Caroline và Glenn Lucius Hefner ắt chẳng bao giờ ngờ rằng đứa con trai đầu lòng sẽ một ngày trở thành tay ma cô hùng mạnh nhất của hai thế kỷ. Hugh Hefner đã bắt đầu sự nghiệp báo chí từ nền nếp gia huấn thủ cựu ấy, không có phụ huynh ly dị, mẹ độc thân, hay những vụ lạm dụng tình dục – một môi trường vô nhiễm hoàn toàn với những điều cấm kỵ hay ho.

Một cách khôi hài, Hefner tự nhận mình là trường hợp “hoa tình muộn nở” khi thú nhận không hề thủ dâm trước 18 tuổi, và đến 4 năm sau mới chính thức nếm trái cấm lần đầu.

Cuộc phiêu lưu đầu đời đã đột ngột phá bung cánh cửa dẫn ra thế giới của cậu trai 22 tuổi. Say sưa, đầy ám ảnh lẫn hiếu kỳ, cậu cả nhà Hefner lao vào trang bị cho mình kiến thức từ những ấn bản được coi là đệ nhất dâm thư của Kinsey và những cuốn cẩm nang ái tình chuyên chỉ dạy mách nước các mánh khóe phòng the. Không chỉ với lòng đam mê dục tình, mà cả tham vọng của một ông trùm tương lai đã khiến Hefner hình thành những nét phác đầu tiên cho cơ đồ quyền lực mang biểu tượng Thỏ Cột Nơ.

Năm 1953, anh chàng Hugh kì cục bắt đầu cầm cố tống tháo đống đồ gỗ trong nhà được 600$ (hoặc là 800$ mà mãi về sau này, Hefner vẫn không nhớ được), thuyết phục thành công 45 nhà đầu tư để gom về thêm một khoản tiền 8000$, trong đó có 1000$ của bà giáo Grace đáng kính (tuy không mặn mà với ý tưởng Playboy của ông con cho lắm, nhưng bà thân mẫu lại tuyệt đối tin tưởng vào chính cậu trai cả ngông cuồng của mình). Với chưa tròn 10,000USD trong tay, Hugh Hefner đặt viên gạch đầu tiên cho đế chế Thỏ Cột Nơ.

Quả bom bìa huyền thoại & cách mạng đồng tính tiên phong

Thoạt đầu, Hugh Hefner muốn đặt tên cho tờ tạp chí của mình là Stag Party (tạm dịch: Đại Tiệc Trai Lơ), nhưng ngặt nỗi cái tên đó đã có người sử dụng, từ đó Playboy (Dân Chơi) được ấn định trở thành tên gọi của cả một thế lực truyền thông sau này.

Số đầu tiên xuất bản tháng 12 năm 1953, với hơn 50,000 bản cháy sạp với ảnh bìa hình cô đào Marilyn Monroe khỏa thân hơ hớ, bỏng rẫy trên tay các cậu bé bán báo và thiêu đốt khắc khoải dưới gối các gã thiếu niên khắp nước Mỹ.

Cho đến nay, đó vẫn được xem là một trong những shot ảnh bìa gợi cảm và lộng lẫy nhất của lịch sử Playboy. Nếu về sau này, lịch sử ảnh bìa tạp chí khiêu dâm chỉ cho người ta những vận động viên phòng gym, lõng bõng những túi dung dịch dưới da, với tinh thần như thể vừa bước ra từ phòng xông hơi của câu lạc bộ thể hình, thì quả bom vàng hoe Marilyn của ngày ấy, mây mẩy phồn thực, khóe mắt nhễ nhại tình, lại có cái đẹp của người đàn bà thật thà vừa bước ra khỏi cơn cực khoái.

Trong suốt hai năm sau đó, Playboy nghiễm nhiên trở thành một ấn phẩm được cánh tu mi nam tử nô nức đón xem hàng kỳ, với những trang báo tràn trề da thịt được hau háu lần dở, và xuất hiện tại mọi phòng tắm của nam nhân trai tráng khắp nơi. Năm 1955, tờ Playboy đăng tác phẩm The Crooked Man của Charles Beaumont, một thứ văn chương viễn tưởng dặt dẹo về một người đàn ông dị tính bị ngược đãi và lạm dụng tả tơi trong một thế giới đồng tính, với hàng loạt những chi tiết rùng rợn hay ho được đặc tả huỵch toẹt. Đây quả là một truyện kinh dị đối với những người đàn ông khỏe mạnh và thẳng tưng của nước Mỹ. Thư phản đối từ khắp nơi gửi về, các nhà phê bình lên tiếng cự nự. Hugh Hefner – vẫn thẳng tưng, khỏe mạnh và mê gái đẹp, điềm tĩnh đáp trả “Thật là một truyện bậy bạ quá lắm, ngược đãi và chà đạp dân dị tính trong thế giới đồng tính. Vậy thì ngược lại, ngược đãi dân đồng tính trong thế giới tưởng mình là dị tính, cũng thật là sai quấy không kém vậy!” Từ đó, tay ma cô vĩ đại của nước Mỹ chính thức trở thành người hùng thẳng thớm (straight) đấu tranh cho quyền bình đẳng của dân đồng tính, thậm chí có cả một bộ phim tư liệu về việc này, mang tên “Hugh Hefner: Playboy, Activist and Rebel” (Dân chơi, nhà hoạt động, và phần tử phiến loạn)

Mối tình, cuộc hôn nhân và cơn đột quỵ đầu đời

Tuy là cục cưng trẻ tuổi tài cao của sân chơi gái gú thừa mứa những cuộc tình cho không biếu không, một ngày đẹp trời năm 1949, gã ma đầu Dân Chơi cũng đĩnh đạc thắt chiếc nơ chú rể vào dưới cằm và hỏi cưới người tình từ thời hoa mộng là cô sinh viên nền nã Mildred Williams về làm vợ.

Họ đã nối dài cuộc tình từ thời kì Hefner phục vụ trong quân đội, sau khi chàng hồi hương, cô sinh viên thú nhận đã ngoại tình trong suốt những tháng ngày xa cách. Về sau Hefner vẫn còn nhức nhối nhớ về vết thương cũ: “Đó đã là khoảnh khắc khủng hoảng nhất đời tôi!” Nhưng điều này không dễ làm nản lòng Dân Chơi, một hôn lễ truyền thống trắng muốt và tiếp nối là 2 đứa con xinh đẹp, người vợ, với lòng thống hối, sẵn lòng cho phép chồng ngủ với nhiều phụ nữ khác, và kết thúc bằng cuộc li dị năm 1959.

Bước ra khỏi cuộc hôn nhân kiểu Mỹ, Hefner, như mọi người đàn ông thẳng thớm và khỏe mạnh khác, dấn thân vào cuộc tận hưởng mùi đời một cách triệt để. Hai chương trình truyền hình Playboy’s Penthouse (1959-1960) và Playboy After Dark (1969-1970) của ông cũng ủy lạo tích cực cho lối sống hưởng thụ của quý ông độc thân thành thị. Vừa háu tình vừa kén chọn, mỗi tháng Playboy có một Playmate (Bạn Tình) thì mỗi năm, Hefner cặp kè với 11/12 cô nàng Playmates mỡ màng ấy với chu kỳ thay mới, đương nhiên, là vào mỗi 4 tuần.

Rồi điều phải đến đã đến. Năm 1971, Hefner lần đầu trải nghiệm tình dục đồng tính, chuyển từ Chicago đến Los Angeles và tiếp tục trải nghiệm cơn đột quỵ đầu tiên vào năm 1985, ở tuổi 59.

Xuân đi Xuân đến rồi Xuân lại về…

Cú cảnh tỉnh có hiệu lực, Hefner giảm bớt nồng độ “Dân chơi”, kết hôn lần nữa với Kimberley Conrad và đặt vương triều Playboy vào tay con gái là Christie. Cũng từ đó, Playboy Mansion được chuyển thể từ một tòa đại hí viện ái tình để trở thành một siêu dinh thự thân thiện, vui nhộn nhưng ấm áp không khí gia đình văn hóa.

Đây không hẳn là điều giai nhân Conrad trông đợi ở đức ông chồng đã khét tiếng làng chơi. Họ quyết định ly thân trong tình trạng cả hai đều đã ngán tận cổ trò gia đình văn hóa và sinh hoạt điều độ. Hefner lại ngay lập tức xoành xoạch thay đổi các người tình cư ngụ tại Mansion, thậm chí ông có thể cùng lúc công khai có mối quan hệ với một loạt bảy người đẹp, đại diện cho các thứ trong tuần.

Một cách ngang nhiên trước mũi dư luận, các hội đoàn đấu tranh vì bình đẳng giới, và những quý ông thiệt thòi còn lại trên cõi văn minh, Hefner gây dựng cho riêng mình cả một hậu cung ngồn ngộn phập phồng những cô khối da thịt mắt tóc măng tơ, vui nhộn mà ông yêu quý đồng đều như một vị quân vương hào phóng, sung mãn và thấu đáo lẽ đời.

Từ đó, Playboy Mansion một lần nữa trở thành cõi địa đàng lạc thú của không chỉ các quý ông mà còn là viễn mộng của tột đỉnh xa hoa, phù phiếm và một thế giới vô lo trên đỉnh nhan sắc khiến không ít phụ nữ, thậm chí các cô gái nhỏ, ngấm ngầm thèm muốn. Dĩ nhiên, trong mọi hình dung tưởng tượng của họ, những vết nhăn trên khuôn mặt Ngài Hefner đều được xóa mờ tài tình và mái tóc bạc của Ngài, cùng chiếc áo choàng smoking jacket đỏ tía lại có một sức quyến rũ lạ kì của bá tước Dracula điệu nghệ, uy quyền của những ly rượu lâu năm và những bản tango cổ lỗ cầu kì.

Bí mật chuyện tình điệp vụ Playboy

Trong các thiên tình sử ngắn dài đủ kiểu của Mr.Playboy, với hàng trăn hồ sơ “đăng ký yêu” vẫn được tới tấp gửi về hàng tuần, thì cánh cổng Playboy Mansion và đôi vòng tay Hugh Hefner hẳn nhiên đã có lần đón vào lòng những con sói đội lốt thỏ.

Không phải là câu chuyện cổ lỗ về một cô nàng hám lợi, bởi bản thân hậu cung Playboy đã là nghiệp đoàn nữ công nhân khai thác mỏ.

Đây là câu chuyện của Gloria Steinem – con thỏ cảm tử. Là một nhà hoạt động đấu tranh vì nữ quyền, từ khi còn rất trẻ và sở hữu một vẻ hấp dẫn “đàn bà-trẻ con” rất thịnh dưới thời người đẹp BB, Gloria từng ngụy trang dưới…bộ da và những đường cong của chính mình để đến sống tại Lâu đài Khoái lạc một thời gian, dưới tư cách Playmate được sủng ái của Hef, và về sau công bố mọi sự thật về lối sống của Trùm Tình Dục ra công luận như một bản tố cáo giật gân và điệu nghệ.

Trong những tiết lộ về đời sống một Playmate, cô để lại cho giới truyền thông Mỹ thời lạm phát tình dục “Một phụ nữ  đọc tờ PLayboy sẽ thấy chẳng khác gì một người Do Thái đọc tạp chí Quốc xã vậy.”

Mãi về sau, trùm Dân Chơi già lão còn nhắc về cô – khi này đã là một nhà hoạt động bình quyền nổi tiếng, một cách vừa vị tha, vừa vị nể, như về một hồng nhan tri kỷ đặc biệt “đã có lúc tôi cho rằng đã có thể nảy sinh những điều thật đặc biệt giữa chúng tôi. Đó là kiểu một cô gái có thể trị đàn ông như huấn luyện thú nhỏ”.

Sở hữu quyền lực của lòng tự tại và một sĩ diện duy mỹ khắc nghiệt, Hef thừa tư chất mã thượng và vị tha để biến những lời lên án và đòn công kích mãnh liệt từ nữ điệp viên xã hội này trở thành trò vật nẩy màu mè thường tình nữ nhi.

Chỉ đến gần đây, bà úp mở với báo giới một tình cảm lưu luyến đặc biệt dành cho “con yêu râu xanh” Hefner.

Nhưng, không rõ với lòng kiêu hãnh hay với một sự mỉa mai cao thượng, ngoài những lời ca tụng và những cái xoa đầu đầy vị tha dành cho giai nhân ngày cũ, Hefner chọn chôn dấu bí mật giữa hai người vĩnh viễn đằng sau những bức tường, đáng tiếc là không biết nói, của tòa biệt điện Dân Chơi.

Hai bà vợ rưỡi và một chú chó

Cuộc đời một người đàn ông tốt số không phải là những chuyến phiêu lưu gieo giống hoàng tộc như nam nhân thiên hạ vẫn nghĩ. Bản thân Hefner, với phần số đào hoa đậm đặc của mình, lại là một bờ bến mỡ màng phù sa nơi những người đàn bà đến và đi, không chỉ là các bà vợ.

Chuyện động trời xảy ra khi 3 trong số 7 nàng Bunny rời tòa mộng lâu, Hefner không tỏ ra hụt hẫng quá lâu và lập tức tự bù đắp bằng cục cưng mới được sủng ái nhất là Crystal Harris và cặp song sinh đôi mươi xinh như mộng Kristina và Karissa Shannon. Chỉ riêng “Mối tình” với cặp song sinh tóc vàng đủ để Hefner trở nên đáng ganh tị hơn James Bond và Casanova cộng lại đối với mọi quý ông lão ấu trên địa cầu.

Hefner chính thức ly dị với Conrad sau 11 năm ly thân, khi người con út của họ vừa tròn 18 tuổi. Ngay sau vụ ly dị và cuộc chia tay với cả hai chị em nhà Shannon, vị hoàng đế đa tình quay qua trân trọng những gì còn lại – người tình được sủng ái nhất Mansion là Crystal Harris.

Mọi động thái phòng vệ nghiêm ngặt lập tức được áp đặt cho lâu đài lạc thú để ngăn chặn làn sóng “thỏ chiêu hồi”. Ông thú nhận điều này với tờ New York Times trong khi phàn nàn về thói lẳng lơ của bà phu nhân tiền nhiệm: “Tôi chung thủy tuyệt đối với Kimberly Conrad, trong khi bà ấy ăn vụng bất kể bữa. Điều này khiến tôi luôn bị ám ảnh bởi cảm giác già khọm và cô độc trong suốt cuộc hôn nhân.” Hef coi đây là nguyên nhân khiến ông rơi vào phản ứng cực đoan và lao vào những cuộc tình tay ba tay tư cùng lúc với nhiều cô gái khác, kết thúc bằng luật giới nghiêm lúc 9 giờ tối, áp dụng trong phạm vi Playboy Mansion cho cả 7 cô bồ. “Cho chắc ăn!” ông nói vậy.

Sự bồng bột ngây thơ không đáng có của chúa tể lâu đài Playboy đã trả giá rõ ràng, ngay cả với luật giới nghiêm 9 giờ tối: nàng Crystal từ hôn khi chỉ còn 5 ngày trước lễ cưới, mang theo mình chiếc nhẫn đính hôn trị giá 90,000USD, con xe Bentley xa xỉ, nhưng đau đớn nhất, là cả chú chó cưng Charlie.

Ngay vào ngày đáng ra đã được ấn định cho hôn lễ, tân nương hụt tung hê tiệc tùng be bét ở Vegas và tồng tộc vạch chuyện phòng the trên đài phát thanh “Thân thể Hef không hề làm tôi bị tụt hứng, bởi ổng có bao giờ dám cởi đồ trước mặt tôi đâu. Tôi thề chưa một lần nhìn thấy ổng khỏa thân!”

Ở nhà, vị hôn phu u sầu post lên Twitter “Sau tất cả thăng trầm vinh nhục, cái gì làm được đã làm, những điều có thể nói cũng đã nói hết, cuối cùng thì độc thân có lẽ là điều tốt nhất.” Phía dưới, ông cũng đã kịp thông báo thêm với các follower về việc tự bù đắp sự trống rỗng trong tim bằng 2 giai nhân mới là Anna Sophia Berglund và Shera Bechard vừa dọn đến hậu cung Playboy.

Ngày 26 tháng Bảy, trong cuộc phỏng vấn truyền hình với Howad Stern, Crystal Harris, non nớt và sống sượng với tuổi 25 của mình, ngô nghê bôi tro trát trấu lên vị cựu hôn phu đáng kính, tồng tộc kể về cuộc ân ái mà theo nàng là lần duy nhất và kéo dài chỉ 2 giây.

Quá nhiều cho một người đàn ông vừa bị phản bội và bị lột truồng trước công luận bởi chính người đàn bà mà chút nữa đã trở thành phu nhân.

Người ta hể hả cho rằng đây chỉ là một phần rất nhỏ hệ quả dành cho Hugh Hefner, sau ngần ấy thập niên lột truồng các cô gái trẻ trên bìa tạp chí.

Crystal say sưa với danh hiệu “cô gái bỏ rơi Hef”, lại tiếp tục sa đà “Lúc đó tôi hơi xỉn và nghĩ: Ờ thì thử chút có sao đâu? Đằng nào thì ông ta cũng từng làm tình đến ngán ngẩm ngập ngụa rồi. Cuối cùng thì hóa ra ổng trụ được đúng 2 giây, trước khi kịp ghi bàn vào vùng cấm địa”

Hefner đón nhận đòn tro trấu của cô vợ hụt với một thái độ nhẫn nhịn, khả kính và kẻ cả. Ông thậm chí còn tỏ ra thú vị với những gì đang diễn ra. Quả tình, Crystal đã làm rất nhiều để Hefner không phải cảm thấy quá tiếc nuối nàng cùng ý nghĩ gắn kết trọn đời.

Đoàn luật sư tóc vàng và đức tính trung thành của loài thỏ

Đến đây, người ta lại tìm đến cuốn tự truyện Sliding Into Home của cựu nhân tình Kendra với những chi tiết thâm cung giật gân về cuộc sống của nàng tại Playboy Mansion và bản thân vị chủ nhân tôn quý của nó. Bỏ qua những chi tiết về ma túy, nghiện ngập, nghề người mẫu khỏa thân và các hộp đêm thoát y mà người ta có thể tìm thấy trong bất cứ hồ sơ của diễn viên phim đen hạng xoàng nào, thì những chi tiết mô tả cái “lần đâu xao xuyến ấy” với Hefner đủ làm ngứa mắt các nhà mô phạm.

Kendra Wilkinson mô tả tỉ mỉ cuộc làm tình tập thể mà các cô gái xếp hàng chờ đến lượt, mỗi người được ân ái trong khoảng một phút và lại thay ca “Lúc đó tôi chẳng buồn quan tâm đến việc ông ấy bao nhiêu tuổi, cuối cùng thì các bộ phận cũng vận động đúng chức năng cơ học của nó mà thôi. Buổi sáng hôm sau, đích thân Hef xuống tận phòng để hỏi thăm tôi ‘Hello, my darlin’. Và tôi cảm thấy được ưu ái đặc biệt, thấy mình được yêu, và thấy mình xinh đẹp. Chẳng phải đó là điều mọi cô gái muốn cảm nhận từ người tình của mình?” Và Kendra quyết định dọn vào Mansion sống như một trong những tình nhân lâm thời của Hugh Hefner, khi mới 18 tuổi, một cách tự nguyện hoàn toàn.

Cùng lúc, phản ứng trước sự mạo phạm của con chiên ghẻ Crystal, các bạn tình mới cũ của Hef đồng loạt lên tiếng bênh vực và tụng ca khả năng thụ hưởng ái tình của hoàng đế Dân Chơi. Bạn Tình xứ Phù Tang Hiromi Oshima nói “Chỉ có một luật được áp dụng trong phòng ngủ của Hef – đó là không có luật lệ lề lối gì ráo!”

Còn Dani Mathers ở đài truyền hình Playboy TV thì khẳng định như đinh đóng cột “Hef là một bạn tình hoàn hảo! Mấy người may mắn ở Playboy Mansion thật sự ham vui như bầy thỏ háu tình, và Hef có một đời sống phòng the cực kì bận rộn.”

Kiều nữ Shanna McLaughlin vô tình vạch ra rất rõ sự cảm kích từ các người tình của Hef không liên quan lắm đến khả năng tình dục của Đức Ngài “Tôi thấy tất cả những chuyện này về Crystal thật đáng buồn. Hef là một quý ngài cực kì dễ thương. Ông hào phóng và chu đáo bảo bọc tất cả mọi người quanh mình, đặc biệt là những nàng Playmates. Ít nhất là vì lòng biết ơn, một số bí mật nên được giữ riêng chỉ giữa hai người trong cuộc.”

Sau đợt sóng chỉ trích của dư luận và các chị em thỏ, cuối cùng thì nàng Crystal vạ miệng lại tất tưởi lên sóng truyền hình ấp úng lời xin lỗi đại loại “ý tôi không thật sự chỉ là 2 giây…”

Điều an ủi cuối cùng cho Hef là rồi thì phu nhân hụt cũng thuận ý trao lại cho ông quyền nuôi dưỡng chú chó Charlie “Có lẽ Charlie hạnh phúc hơn khi sống ở đó, còn tôi thì an ổn ở ngoài này. Hef cũng rất nhớ Charlie, điều này tốt cho tất cả.”

 …and the Man

Bất kể mọi thứ vây quanh cuộc đời Hugh Hefner có biến ông trở thành “lão già dơ” bậc nhất của thế kỷ, thì sự sành sỏi ngầm của tay chơi trải đời và tinh thần ngạo mạn đến tĩnh tại và lịch lãm của một quý ông vẫn bao phủ quanh Mr.Playboy một ma lực quyến rũ say sưa mê hoặc, sần nhám nhưng nhưng đê mê thách thức như hàm ria của tài tử Clark Gable vậy.

Sau cùng, nhân cách ưu việt nhất của trùm Thỏ Cột Nơ vẫn là sự trung thành tuyệt đối với tư tưởng hưởng thụ duy mỹ và, trên hết, cho một trùm truyền thông, đó là Sự Thật – toàn phần không che đậy.

Tất cả những điều đó quá đủ để biến một ông lão thành một huyền thoại sống.

Ông già Hef đáng mến và sự quyến rũ của loài thỏ

Những người đàn ông khác vẫn thường cảm thấy khó hiểu trước lòng ưu ái mến mộ của nữ giới dành cho “cha già khú đế” Hefner. Một số sử dụng liệu pháp AQ tinh thần khi thuần túy cho rằng đó không khác gì là những cuộc bán chác sòng phẳng. Hẳn nhiên, Hef có thể là một người tri kỷ hào sảng, một người cha sành điệu để chiều chuộng, chăm dưỡng và bảo bọc hợp tác xã gái tơ cơ nhỡ, chứ không hẳn họ lao vào Hef với những hứa hẹn về một bạn tình cao siêu tuyệt xảo.

Một cách thông tục nhất, một cô nàng tóc vàng hoe mẫu mực phải ngay lập tức liệt kê được những quyền lợi của một thỏ cưng nhà Playboy: giá chót 1000USD tiền mặt dằn túi do chính ngài Hef đưa cho vào thứ Sáu hàng tuần, dịch vụ làm tóc chuyên nghiệp nhất và hoàn toàn miễn phí, xe hơi đưa rước, được chi trả toàn phần cho các ca bơm ngực, làm răng và trang phục dạ hội cho các dịp tiệc tùng quan trọng.

Và nếu đó là tất cả, thì Hefner không là người đàn ông duy nhất.

“Vậy thì đó là cái gì, cái hấp lực gì từ lão già tốt số ấy?” – những người đàn ông còn lại trên đời và các phóng viên tự hỏi.

Không chỉ những nàng thỏ non tóc vàng của vương quốc Playboy, những ả nhan sắc công khai si tình sùng mộ lão quái già khoác áo choàng đỏ tía ấy, mà lão còn tài tình quyến rũ luôn mọi đại diện đầy lý trí của báo giới. Các cuộc tiếp cận đều bị chinh phục hoàn toàn, dẫu đó là lòng ngưỡng mộ quyền lực tổng lãnh Playboy hay khoái cảm vị tha trước sự nhã nhặn của một quí ông đáng mến phía sau lớp áo phong lưu.

So với những hình tượng “bô lão trác táng” nổi tiếng của thế giới, tính cả những nhân vật điện ảnh và văn học, người ta ngỡ ngàng khi không tìm thấy ở Hef khuôn mặt bóng dầu nhớp nháp của Bob Guccione, hay mùi tục tĩu mỉa mai của Larry Flynt. Bù lại, Hefner sở hữu vẻ lịch thiệp nguy hiểm của Robert De Niro, dã tâm và trí tuệ của Anthony Hopkins, và sự dịu dàng hàn lâm của Al Pacino. Nói chung là một loại tội phạm huyền thoại, điều mà người đàn ông nào cũng muốn tiếp cận và người đàn bà nào cũng mong sở hữu.

Biến thái tiên phong và khiêu dâm kiểu bảo thủ

Hefner tỉnh rụi và hòa nhã đến mức không một đại diện báo chí nào bị nhắc nhở về sự khiếm nhã và lố bịch khi cật vấn một vị cao niên về năng lực tình dục của ông ta.

Ông Dân Chơi không có gì để trách cứ, ở cương vị làm chủ cả hai yếu tố truyền thông và tình dục để hợp nhất lại dưới hình hài một tờ tạp chí hàng đầu trong công cuộc tôn vinh ca tụng khoái cảm dục tình. Và ắt nhiên, đó là hệ quả mà Hef vui lòng đón nhận sau gần một thế kỷ xây dựng đế chế quyền lực và hình ảnh cá nhân trên thứ bản năng cơ bản và tối thiết của con người: SEX!

Mặc nhiên với mọi sự đánh giá về vị trí và vai trò của ông trong lịch sử thượng lưu, Hugh Hefner vẫn là một thể thống nhất của hai khía cạnh mâu thuẫn cùng cực nhất: kẻ bệnh hoạn tiên phong, nghiện dục một cách thật thà và lây lan rộng khắp, nhưng lại cũng là người đàn ông kiên định đến khắc nghiệt với truyền thống của bản năng con đực, cùng lúc tự nhận mình là lão già đa tình ủy mị dòng sướt mướt, luôn ngô nghê đau đáu tìm kiếm ái tình chính thống toàn ở những nơi rõ ràng là sai lè lè. Đó vừa là vị tổng lãnh khôn ngoan đầy mưu mẹo của một huyền thoại về quyền năng lá cải, lại cũng chính là vị gia chủ thiệp liệp của lâu đài khoái lạc, tông đồ duy mỹ chánh tông của mọi lạc thú cuộc đời, từ gái non cho đến điện ảnh Hollywood dòng kinh điển.

Ông hoang đàng, trác táng và khinh mạn chà đạp lên thuyết bình đẳng giới một cách hào phóng và khả kính. Cùng lúc, bằng từng cuộc ái ân, hay mỗi chiếc đĩa than cổ lỗ, điếu cigar được thưởng thức đúng điệu, Hefner lại dường như là con chiên sùng đạo và tri ân mọi món quà của Thượng Đế một cách tận lực nhất.

Hefner là một người đàn ông hiếm hoi trở thành một mật mã khó giải đối với nhân loại, và rất có thể, với chính bản thân ông. Suốt hơn một thập niên, Hefner kiên trì theo đuổi việc thực hiện hồi ký và cuối cùng quyết định vứt bỏ tất cả và nhún vai một cách hài hước: “Tốt hơn hết câu chuyện đời tôi chỉ nên được kể ra khi tôi không còn ở quanh đây, bởi rồi sẽ có lắm người cáu với tôi lắm, nếu phải một lần nữa nghe rằng thật ra đến tận tuổi này tôi vẫn yêu đương phấn khởi đều đều.”

Người đàn ông phía sau chiếc mặt nạ tai dài

Khó có một nam nữ minh tinh nào dám mơ đến việc đứng đầu tần suất quan tâm của truyền thông đương đại khi đã sống và nổi tiếng mỏi mòn gần trọn thế kỷ. Ngày 19 tháng Chín, đài NBC tung đòn The Playboy Club – serie truyền hình xoay quanh thánh đường khoái lạc của giới thượng lưu Mỹ, đã tồn tại từ 29 tháng Hai 1960. Ngay lập tức, chương trình lọt hạng 3 với 5 triệu lượt người xem.

Các hội đoàn giáo dục và xã hội lên tiếng, các bậc phụ huynh đầy quan ngại gửi thư cự nự đến tận hai nhà tài trợ Unilever và Chrysler yêu cầu ngưng phát sóng, hay chí ít là chấm dứt việc “hân hạnh tài trợ cho chương trình này”, còn chi sở của NBC ở Utah là KSL-TV thì thẳng thừng từ chối phát sóng. Quý Ngài chỉ nhã nhặn đáp trả “Nói thật nhé, thư quý vị, chiến dịch Chống Tình Dục của quý vị mới chính là thứ phủ nhận quyền năng nữ giới một cách mạnh mẽ và vô tri nhất!” Mặc cho những bà cô mãn thì của các hiệp hội ngoài kia có thương xót và phẫn nộ khi phải chứng kiến các nàng Thỏ bị cư xử theo chế độ đa thê và xem như thú cưng ra sao, thì đằng sau những bức tường hoa mỹ của Playboy Mansion vẫn tồn tại một thực tế: họ xinh đẹp, vô ưu, mỡ màng và no đủ.

Nội dung serie phim truyền hình Playboy Club xoay quanh vị luật sư do Eddi Cibrian thủ diễn và vụ một nàng thỏ lỡ tay giết chết một tay trùm mafia, với Hefner úp mở cho biết rằng kịch bản dựa ít nhiều trên chuyện đời có thật của ông lại càng khiến lượng view tăng rần rật.

Với tinh thần thắng thế lia lịa như vậy, từ một tạp chí khiêu dâm thuần túy, Playboy cùng logo thỏ cột nơ trứ danh lại lần lượt bán license cho các hộp đêm thời thượng trải dài từ Chicago, Lodon, Cancun, Las Vegas, cho đến tận sòng bạc Đông phương Macao. Người ta còn bắt gặp license thương hiệu nóng bỏng này trên tất thảy những gì muốn khoác vào mình sắc màu “sành điệu kiểu Mỹ”, từ kem nhuộm da, hộp quẹt gas, thảm chùi chân, ghế bành, cho đến các loại nước giải khát đáng lẽ ra chỉ là thứ nước đường có gas hiền lành chân chất. Với chỉ một cặp tai dài dựng đứng và chiếc nơ diêm dúa, tất cả đều lập tức được đeo vào một hấp lực sặc mùi nồng nặc hormon giới tính và một vẻ nhâng nháo trai lơ không bao giờ lỗi mốt.

Người ta thậm chí còn cân nhắc đến việc đưa kịch bản Playboy Club lên sân khấu Broadway, điều này đồng nghĩa với việc ngần ấy thịt da sống sượng sẽ được trình bày trong thánh đường kịch thuật hẳn hòi, hơn hẳn Victoria’s Secret Show một tầm với.

Trùm Dân Chơi Hefner vẫn khiêm nhường trước những cuộc bành trướng của quyền lực Thỏ Thắt Nơ: “Tôi chỉ giữ mình lại ở vai trò cố vấn và tham gia một số công việc có liên quan trực tiếp đến tờ tạp chí mà thôi.”
Hàng tháng, ông vẫn là người đích thân quyết định shot ảnh bìa, chọn Bạn Tình Của Tháng, quyết định về hình ảnh, biên tập một số chuyên mục định kỳ và duyệt các trang layout.

Chỉ vậy mà thôi, xuyên qua hai thế kỷ.

Ông già Hef tội nghiệp!

Vương triều (hay ít nhất 73% của nó) trên vai và một hậu cung bận rộn trên đùi, Hefner cho rằng mình đang ở vào thời kỳ sung mãn nhất trong đời “Liệu tôi có thể tưởng tượng bản thân mình ở bất kì nơi đâu, bất kì hoàn cảnh nào trong đời tốt hơn như thế này? Hồi nhỏ, ngay cả trong những hoài bão điên khùng nhất, tôi cũng chưa hề tưởng tượng được điều gì ngọt lịm đến thế này.”

Mọi thứ có thật sự ngọt lịm hoàn hảo đến vậy không? Câu hỏi đó vang lên trong đầu bất cứ người đàn ông nào khi nhìn vào những tấm ảnh ông lão Hefner lặn ngụp giữa bể đường cong nóng hổi. Hay phải chăng ông già Hef tội nghiệp cũng chỉ đang gân cổ huýt sáo yêu đời và thầm kín nuốt ngược vào lòng vài cục đắng cay?

Trong tòa biệt đài 21,000 feet vuông, với những bãi cỏ xanh mướt được tỉa tót công phu, những món nội thất xa xỉ đế vương đúng gout một nhà quý tộc Ăng-lê bảo thủ, là căn phòng ngủ khổng lồ ốp gỗ, một lối cầu thang xoắn ốc dẫn lên một thư phòng bừa bộn. Để nhìn vào đời sâu thẳm đời sống riêng tư của một người đàn ông, không gì trung thực hơn nơi phòng ngủ. Trong trường hợp của Hef, đó là một chân dung Hugh Hefner không đánh bóng mỹ miều bởi những hào quang và truyền thuyết. Và đó là đây – tâm bão khoái lạc, vùng riêng tư của Lãnh Chúa Ái Tình, là một đống bừa bộn hàng trăm con gấu bông, lò sưởi chạm phù điêu đầu Frankenstein dị hợm và một khẩu súng đồ chơi ưa thích hồi nhỏ của ông được phục chế, đóng khung treo trang trọng trên tường. Tứ bề là những kỷ vật nửa quái gở, nửa buồn cười, những mảnh cuộc đời của huyền thoại Mr.Playboy, được vứt bừa bãi khắp nơi, ở giữa là một ông già gần trăm tuổi, nhỏ thó, và vẫn vẹn nguyên là cậu bé được nuông chiều giữa đống đồ chơi của mình, ngô nghê thốt lên một cách thành tâm nhất “Tôi có thật nhiều bạn tình để tìm thấy một bạn lòng đích thực!”

Những mảnh ghép vương vãi khắp nơi ấy nhắc về một tuổi thơ phi-sóng-gió, không có phụ huynh li dị hay lạm dụng tình dục trẻ em, đó còn là những bài báo, những tấm ảnh các đời Bạn Tình nhà Playboy qua bao thế hệ được ưu ái cất giữ như những mảnh lá cải có giá trị tinh thần, và dấu vết của cả những giai nhân hảo hớn đã từng là thượng khách của vương quốc khoái lạc Playboy.

Những năm 1970 trôi qua hoang tàn với những cuộc viếng thăm thường xuyên của Warren Beatty, Jack Nicholson và James Caan, những cuộc làm tình tập thể thường nhật, da thịt, hơi nóng và trạng thái mụ mị trở nên thường xuyên đến thừa thãi, nhưng cũng không bao giờ là đủ.

Mỗi tuần, ông chủ lâu đài Playboy vẫn nhận được thư từ khắp nơi trên thế giới, không phải những lá thư tình, mà những bộ hồ sơ thực thụ, kèm hình ảnh, của những cô gái trẻ muốn đăng ký làm nhân tình của Ông Playboy. Hugh Hefner không hoàn toàn u mê lờ đi việc “nghi ngờ” rằng điều mà họ nhắm đến có chút liên quan đến hào quang quyền lực và cuộc sống vương giả nhàn hạ tại lâu đài Playboy: “Đương nhiên, nhưng cuối cùng thì người ta ngoài kia thật sự bị quyến rũ bởi điều gì?”

Hefner đọc qua từng hồ sơ được gửi hàng tuần, xem xét các bức ảnh và nếu thích, ông sẽ hồi đáp và mời họ đến chơi vài hôm. Như một phiên bản thu nhỏ của America’s Next Top Model, những cô gái giành được lòng sủng ái của ngài Hef sẽ được mời chính thức dọn đến đây sống.

Ngụp lặn trong hàng tấn da thịt đàn bà, Hef nhìn quanh và nhận ra ông hầu như không còn một người bạn đồng niên nào. Như gã Từ Thức tốt số vẫn tắm suối với tiên chợt nhận ra đã gần một thế kỷ trôi qua “Sống lâu đến thế này, đương nhiên, người ta phải mất mát nhiều lắm. Hơn nửa thế kỷ qua, tôi là chứng nhân có thể duy nhất còn lại lần lượt chứng kiến sự ra đi của những người đàn ông kiệt xuất nhất, những bạn bè đồng niên thân thiết nhất trong đời…”

Đó đã là lời nói buồn hiếm hoi của Hef với báo chí. Người ta bảo ông tránh được cái chết và sự già lão một phần bởi việc ngoảnh mặt quay lưng với thứ thực tế đáng buồn và hiển nhiên ấy của quy luật sinh-lão-bệnh-tử. “Không, sự sống sau cái chết đối với tôi hiển nhiên là điều bất khả tri. Tôi chỉ biết một thực tế là bà thân mẫu của tôi thọ tới 101 tuổi, và tôi thì không muốn phí thời gian vào việc lo lắng cho chuyện còn xa mới đến”

Thậm chí Hef hoàn toàn không có một sự chuẩn bị nào về người thừa kế đế chế Thỏ Cột Nơ. Cả hai người con trai còn quá trẻ tuổi và không có tí kinh nghiệm đáng kể gì về truyền thông lẫn tình dục, trong khi người ái nữ Christie đã từng có thời thay cha cầm vương trượng lại không hề tỏ ra thú vị với lãnh vực này và đã rời ghế CEO từ 2009, sau 27 năm kế vị.

Dân chơi lão thành và suối nguồn tươi trẻ

Bên cạnh những vụ lật đổ uy tín ái ân của Hugh Hefner, một điều khác mà không ít người khao khát rằng tuổi tác sẽ mang lại cho ông chính là… cái chết. 86 tuổi, được số phần ưu ái và đương nhiên là một playboy vô độ hạng tiên phong, Hefner dường như là một ca nằm ngoài luật bù trừ của Tạo Hóa. Hefner phạm luật, và như thế, ông ta cần bất hạnh trong tâm hồn, kém cỏi về sinh lý hoặc hấp hối, hoặc cả ba, và như thế thì những quý ông còn lại trên đời mới có thể tin vào sự công bằng của Thượng Đế.

Do đó, phát triển nhanh như nấm, dịch bệnh và các tin đồn, trung bình cứ khoảng 1 đến 2 năm một lần, người ta lại xôn xao tin Hefner sắp, hoặc thậm chí đã chết.

Lần cuối cùng là vào tháng Bảy năm ngoái, bắt đầu vào một ngày thứ Hai với những lời tường thuật cụ thể về cái chết thê thảm của Phú Hộ Ái Tình Hugh Hefner. Cụ Hef tức tốc lật đật xuất hiện trên Twitter trấn an các followers: “Những tin đồn về cái chết của tôi, như Mark Twain từng nói trong trường hợp tương tự, là một sự cường điệu sống sượng. Tôi đang nằm cạnh Shera (bé cưng mới của nhà Playboy), chính thức còn cục cựa và sống nhăn.”

Mới đây, ngoài 28 quốc gia phủ sóng phát hành, Playboy lại chính thức xuất hiện phiên bản Nam Phi, Moldova và Mongollia. Internet và đại dịch đồng tính nam đã khiến chú thỏ đeo nơ của Hef trở thành lão già cổ lỗ đối với một thị phần Mỹ đáng kể, nhưng ngoài kia, vẫn còn đó những quý ông thẳng tưng và khỏe mạnh.

Và với lời tuyên bố đó, giữa thế giới đại đồng phi giới tính, Hugh Hefner trở thành một bô lão đáng kính của làng dân chơi thủ cựu bài tân, đại diện của trường phái tình dục cải lương chuyên chính.

Nhiều người cho rằng sự thủ cựu kiên trinh ấy chính là nguyên nhân khiến ngài Hef, dù thời gian qua đi, nhưng độ tuổi của những người tình của Hef không hề thay đổi. Chỉ là những cô gái được thay mới để vẫn luôn là những cô nàng tóc vàng hoe, ngớ ngẩn, với độ tuổi dưới đôi mươi và vòng ngực sánh bằng tuổi tác của tình quân. Việc này không là ngoại lệ, như thể những chiếc áo choàng màu đỏ tía hoặc pajamas bằng satin đen thẫm, những bộ phim thời hoàng kim đen trắng, nghe chanson và các dàn big band thời 1930 – thú vui mà ông tìm được sự đồng cảm vô điều kiện từ chú chó cưng hơn là từ những nàng tình nhân trẻ tuổi.

Ông lão chăn thỏ may mắn đã tìm ra bí kíp của suối nguồn tươi trẻ, nằm thâm sâu bên trong thói tật thường tình: “trong quan hệ nhận-cho với một cô gái trẻ, nhất là những nàng tóc vàng hoe vô tư lự, tôi học rất nhiều. Tôi tái khám phá thế giới một lần nữa qua góc nhìn ngô nghê nhẹ tênh của họ, thấy vui thú và thanh tân lại từ đầu. Những cô nhỏ dễ thương ấy, họ là những thiên thần lẳng lơ, vui nhộn, và đáng chiều chuộng là vì vậy!”

Kha khá thập niên đã đi qua và Hefner trở thành một cụ già lẫm liệt, và những cô bồ vẫn ở tuổi đôi mươi. Nhưng họ, những tình nhân mãi mãi tuổi 20 ấy, 55 năm về sau có thật sự vẫn không khác gì thế hệ thỏ tiền phong: “Họ vẫn vậy, tức là không ai như ai, luôn luôn là vậy. Các Bunny sẽ luôn là những dấu ấn riêng biệt, từng người một và tất cả. Ngày nay, họ to cao mạnh khỏe hơn, chăm tập thể thao, sành sỏi cách tự chăm sóc bản thân, nhu cầu về dung tích silicone có vẻ cũng cao hơn, nhưng nhìn chung thì đó chỉ là những thay đổi của trào lưu thời cuộc. Về bản ngã, Pamela Anderson hay Marilyn Monroe quả tình không có quá nhiều khác biệt. Rất có thể bởi “khẩu vị” của đàn ông Mỹ, và cả thế giới nói chung, cũng không phát triển hay đổi thay chi lắm.”

Chính trị, lối sống và thời trang thì vẫn xoay vần đấy, nhưng đi vào cái cốt lõi của thẩm mỹ hưởng thụ, khi chúng ta tự do và trung thực hoàn toàn, thì cũng vẫn vậy thôi, ngày nào người ta còn khoan khoái khi cắm ngập răng vào quả táo hườm hườm mọng nước: “Những quả táo, được yêu thích bởi tất cả những lí do xưa cũ, chúng không nhất thiết phải quá khác biệt, tiến bộ và giàu cá tính. Bạn nghĩ thế nào, khi cắn phải một quả táo đầy thái độ? Hay một quả táo thông minh?”

Đối thoại với Mr.Playboy

Sau hơn nửa thế kỷ yêu đương, bài học lớn lao nào mà ông rút ra được cho lỗi lầm thường mắc phải nhất của đàn ông là gì?

– Không lắng nghe. Chúng tôi luôn tưởng rằng những gì mình đem lại cho họ đã là đủ: sự chiều chuộng, bảo bọc chở che và bất cứ món thứ phù phiếm nào làm họ thích thú, và vào cuối ngày, họ vẫn không hạnh phúc. Người đàn ông sẽ không bao giờ có thể tự nhận rằng mình đủ quan tâm đến người đàn bà của mình, hoặc những người đàn bà của mình.

Ông có hối tiếc gì, sau một cuộc đời lẫy lừng tiếng tăm như vậy?

– Tôi nghĩ quyết định cưới vợ của tôi đã là sai lầm đầu tiên, nhưng nếu không như vậy, tôi đã chẳng có những đứa trẻ. Nhưng mà ân hận tiếc nuối gì, khi thực tế cuối cùng, tôi vẫn đang thụ hưởng một số phận mà bao người khác sẵn sàng làm tất cả để có được. Vậy nên tôi biết ơn phần số, đôi khi tất cả cái gọi là Vận Mệnh chỉ nằm trong một cú tung con xúc xắc. Bởi quá ý thức ân phúc của mình nên tôi không thật sự muốn hối tiếc hay làm lại điều gì. Tất cả đều đã diễn ra trong quá khứ để tôi có được điều tốt nhất – Hiện Tại!

Vậy nghĩ theo một cách khác, nếu không là sự nuối tiếc cho chính mình, thì lời khuyên của ông với các cậu nhà về hôn nhân sẽ là gì?

– Tôi sẽ bảo chúng rằng đấy là cách tốt nhất để có những đứa trẻ và nuôi dạy chúng khôn lớn. Tôi cũng sẽ bảo chúng rằng nếu gặp được một người xứng đáng để chia sẻ suốt phần đời còn lại, thì đám cưới là một ý hay. Nhưng ngày nay, người ta sống lâu hơn nên những lí tưởng lãng mạn sẽ cần có nhiều cơ sở hơn để tồn tại ngần ấy năm dài.

Than ôi, chẳng lẽ trong 100 năm nữa, khái niệm thủy chung sẽ tuyệt chủng?

– Không, nó sẽ chỉ trở thành một trong những lựa chọn. Mà hình như ngay bây giờ thời thế đã là như vậy rồi.

Đối với Mr.Playboy, liệu còn có món lạ nào, mánh khóe ái tình nào mà ông chưa biết tới?

– Tôi nghĩ vậy. Xưa nay tôi vốn cầu thị và tò mò mà.

Ông có nghĩ đến cái chết?

– Có chứ, nhưng thường là không quá lâu.

Ông nghĩ sao nếu người ta bảo rằng đúng ra ông nên hành xử đúng cương vị một cụ già cao tuổi đáng kính hơn là tiếp tục chơi búp-bê và chăn thỏ?

– Bộ mấy người đó mới nghe tên tôi hay sao? Từ đầu tôi đã quen với việc bước qua những hạn chế của chủng tộc, giới tính, đẳng tầng hay tuổi tác rồi. Mặc nhiên với con số đại diện cho số lượng năm tồn tại của bạn, nếu như bạn còn khỏe mạnh thì tại sao lại phải cân nhắc? Dục tình không phải là cách tụng ca và tận hưởng đặc ân cuộc sống đó sao? Hơn ai hết, những bậc cao niên nên hiểu rõ điều này.

Ông có những khoảng lặng trong lịch trình hội hè miên man của mình?

– Ngoài những gì người ta thường tưởng tượng và đồn đại, thì cuối cùng tô vẫn là một nhà báo và biên tập. Đương nhiên, tôi luôn bố trí cho mình những khoảng lặng của cuộc sống, khi tôi ở một mình để viết lách và làm việc.

Vào những đêm không phải ghi hình cho các TV series, hay những bữa dạ tiệc trên giường, tôi vẫn tuân thủ một lịch sinh hoạt khoa học và chặt chẽ, lặp lại mỗi đêm trong tuần. Tối thứ tư chơi bài với em trai và bạn bè, thứ Sáu thứ Bảy là đêm của các tác phẩm điện ảnh kinh điển, còn các tối Chủ Nhật để dành xem những phim mới.

Hơn nửa thế kỷ của ái tình miên man và hàng trăm bạn tình, người tình và cuộc tình, cuối cùng thì điều mà Mr.Playboy vẫn không thể hiểu được về đàn bà là gì?

– Điều mà quý bà quý cô nào cũng thường nói mà đàn ông vạn đời vẫn không bao giờ hiểu đúng được, đó là “khiếu hài hước”. Có vẻ điều đó quan trọng với nữ giới lắm, bạn thấy đấy, 90% đàn bà đặt đó vào những tiêu chuẩn đầu tiên để chọn người tình. Và một điều khác không được họ thường xuyên nói ra, ít ra là trong buổi hẹn đầu, nhưng cực kì cực kì quan trọng, đó là “sạch sẽ”. Đáng tiếc, dù việc giữ vệ sinh cá nhân và phân biệt được những màn pha trò tục tĩu hoặc nhạt thếch hoàn toàn không phải là khoa học phân tử, nhưng có vẻ bao thế hệ đàn ông vẫn đang tiếp tục đi từ sai đến sai bét. Cuối cùng, và trên hết, đó là sự quan tâm, thật sự Quan Tâm đến người đàn bà.

người tô son lên gót đàn bà

Trác Thúy Miêu

“Một đôi giày hoàn hảo, một chiếc váy khéo cắt và một tình quân si mê – đó là tất cả những gì cần có để làm nên một người đàn bà đẹp.” Đó là một câu nói chỉ có thể được nói ra từ một vĩ nhân đã chết: Coco Chanel, Yves Saint Laurent hay Christian Lacroix hay ngài Dior.

Nhưng đó là một tông đồ… còn sống, nắm trong tay một đế chế phú vượng chỉ trong 21 năm. Mới đây, người ta lại vừa mới khai trương một boutique chánh hãng tại Việt Nam, để những cú nện gót điệu nghệ đóng dấu son mang chữ ký Louboutin có thể cùng lúc ghi dấu giữa lòng phố lớn Manhattan trải dài đến tận hòn ngọc Viễn Đông, hòa trong cơn sùng bái mê muội chung trên toàn thế giới.

Từ Những Đôi Giày Bị Cấm Đến Cô Gái Điếm Ở Paris

Cậu bé Christian sinh ra trong một gia đình với cha là thợ mộc, các chị em gái thích đi những đôi giày đế gỗ lóc cóc, và người mẹ hiền lành không hề là tín đồ của giày cao gót.

Những đôi giày với chức năng không chỉ để bảo vệ bàn chân chỉ bắt đầu đến với Christian Louboutin khi cậu 13 tuổi, cùng đám con trai cùng tuổi kéo nhau đến tiệm nhảy Le Palace. Trong khi những cậu trai hiếu kì ngắm thân hình các vũ nữ trên sân khấu, Christian ngơ ngẩn đắm đuối ngắm những đôi chân của họ: “Cho đến tận bây giờ, những đôi giày của tôi vẫn thấp thoáng dáng vẻ của Le Palace ngày ấy, cái thời của disco, với kim tuyến, và những mảnh kim loại”

“Việc lớn lên trong một gia đình mẫu hệ với mẹ và 4 chị em gái, tôi học về phụ nữ từ rất sớm: cách họ tự nhìn nhận bản thân, cách họ đưa tay chỉnh chiếc gương soi, v.v… Và tôi thấy bầu không khí, mọi thứ xung quanh họ – những người đàn bà, thật thân thuộc với tôi. Chẳng lạ gì, bởi họ sinh ra tôi và tạo dựng thẩm mỹ tiềm thức của tôi.

Như sáng nay chẳng hạn, chúng tôi kiểm định thiết kế một đôi biker’s boots. Tôi băn khoăn tự hỏi: Cái thể loại đàn bà nào lại muốn quấn quanh cổ chân mình hai miếng quai da dày cui như vậy chứ? Thế này nhé, nếu bạn có đôi chân mảnh dẻ, bạn sẽ muốn khoe nó ra. Còn nếu bạn có đôi cổ chân to như cổ lực sĩ, bạn lại càng không muốn nhân đôi thảm họa đó. Cả ê-kíp của tôi trầm trồ tiếc rẻ: ‘Nhưng đây quả là một thiết kế đẹp quá chừng!’ Rõ rồi, thiết kế đôi boots ấy quả là có đẹp, nhưng người đàn bà mới là thứ cần đẹp hơn đôi giày của cô ấy. Tôi là vậy đó, cái đẹp quyết định cho thời trang. Đôi giày không thể được coi là hoàn thiện chừng nào nó còn chưa được xỏ vào chân. Nếu khi đó, trông nó không còn đẹp đẽ như trên thiết kế, thì đó là một đôi giày tồi và một thiết kế thất bại.

Nhưng một trong những đôi giày hằn sâu vào ký ức Christian Louboutin lại được nhìn thấy ở một bảo tàng viện, nhưng không phải dưới dạng một mẫu vật được trưng bày, mà ở bảng nội quy treo ở cửa ra vào: “Cấm đi giày cao gót”. Cạnh đó người ta cẩn thận vẽ một đôi giày minh họa.

Bản vẽ và dòng chữ ám ảnh Louboutin, và ông bắt đầu vẽ những đôi giày. Ông vẽ đi vẽ lại đôi giày nhìn thấy trên bảng cấm nọ, rồi một ngày ông giật mình nhìn thấy chính đôi giày đó, hiện hữu hẳn hòi, dưới chân một người đàn bà đi dạo trong công viên ở Paris: “Tôi lẵng nhẵng bám theo chỉ để chăm chú nhìn vào đôi giày. Thật kì diệu: chúng đang ‘sống’, có thật, và chuyển động! Tôi như bị thôi miên và đi miết theo đôi giày (có người phụ nữ trên đó) cho đến khi bị người ta tống cổ ra khỏi công viên. Lúc đó tôi mới hay người đàn bà nọ là một cô gái điếm.”

Cuộc gặp gỡ ngoạn mục với đôi giày ấy đã ấn định rằng thời trang thế giới chuẩn bị đón chờ sự xuất hiện của một Christian Louboutin.

Không được trải qua việc đào luyện bài bản về mỹ thuật và thiết kế, thay vì như mọi nhà thiết kế cùng thời là chọn phụ việc cho một tiệm thời trang đương thịnh nào đó, Christian Louboutin, khi này 17 tuổi, xin được chân phụ việc trong phòng phục trang của tiệm nhảy Folies Bergère, giữa những nàng vũ công với những kiểu mũ cầu kì, những chiếc váy nóng bỏng, những lớp trang điểm công phu và những chuyển động yểu điệu được kiến tạo và nâng đỡ trên những đôi giày.

Christian Louboutin tiếp tục xin việc trợ lý với Charles Jourdan, Chanel và Yves Saint Laurent, và nhanh chóng nghỉ việc: “Tôi là một trợ lí tồi. Làm trợ lí là phải trợ lí, còn tôi chỉ muốn làm việc của mình theo cách riêng.” Và cửa hiệu nhỏ đầu tiên được mở ra ở một ngõ phố cổ của Paris, đến nay vẫn là sở hội chánh của nhà Louboutin, với niềm kiêu hãnh non nớt nhưng hùng mạnh “since 1991”.

Mật mã Louboutin: Pantone 18 Chinese Red

“Những bức vẽ đầu tay của tôi hồi đó luôn đầy màu sắc sặc sỡ, nhưng khi đưa đi thực hiện mẫu vật đầu tiên, tôi nhận chúng về, bên dưới là phần đế đen xì dày cộm. Ơn Trời, cô trợ lí của tôi lúc đó đang ngồi sơn móng tay. Tôi vơ lấy chai sơn, cô ta hét lên tru tréo: ‘cẩn thận, cái đó mắc lắm đó!’ Tôi phải hứa sẽ mua đền lọ khác, rồi sơn bừa màu đỏ thắm ấy lên đôi đế giày. Như một cú shock điện vậy, đôi giày như được hô hấp nhân tạo, chúng hồi sinh! Tôi đã nghĩ tiếp ra trò đổi màu đế theo từng mùa, nhưng cuối cùng, đỏ không chỉ là một màu. Nó là một thái độ!”

Theo nhiều cách diễn giải khác, màu đỏ là biểu tượng của máu, tình yêu, năng lượng cảm xúc. Nhưng với Louboutin, Đỏ là một thứ đèn xanh tâm lí, một sự mời gọi đầy cảnh báo. Nhưng sắc độ 18 trên bảng mã Pantone được mệnh danh là Đỏ Trung Hoa (Chinese Red), dưới tay Louboutin cũng là dấu hiệu của những bước chân đến và đi, hoàn toàn chủ động một cách quyến rũ. Như lời giã từ ngạo nghễ của các cuộc chia tay màu nữ quyền, trên nền ca khúc của Jennifer Lopez “Throwing on my Louboutins, watch these red bottoms, and the back of my jeans. Watch me go, bye baby” (Xỏ chân vô đôi Louboutin, dòm cặp đế đỏ nè, nhìn vào phía sau chiếc quần jeans. Coi em đi nè, chào cưng!)

Với ma lực và mãi lực của những cặp đế đỏ kì diệu, hẳn nhiên nhà Louboutin nhảy đùng đùng vác chiếu đâm đơn đòi kiện cho ra nhẽ nhà Yves Saint Laurent, vốn bấy lâu là hảo hữu, vì việc táy máy đưa cặp đế đỏ trứ danh nọ vào bộ sựu tập mới tung ra gần đây. Nhà Yves Saint Laurent cứng cựa vác bài bản ra cãi lại rằng đế đỏ có phải đâu riêng nhà nào, rằng thì là ai dùng chẳng thế, bởi thật sự ra chúng đã xuất hiện từ thời Christian Louboutin còn ở nơi xa lắm, cụ thể thời Louis XIV đâu đó những năm 1600, với chứng cớ rành rành là…bộ phục trang của nhân vật Dorothy trong phim The Wizard of Oz (sản xuất năm 1939).

Cả giới thời trang cự nự la ó trước viễn cảnh Christian Louboutin sẽ độc chiếm mã 18 bảng Pantone và thả sức phạt vạ bất cứ nhà nào sờ phải sắc đỏ này. Ít ra thì Picasso đã chẳng bao giờ đâm đơn kiện Monet tội xài màu chàm trứ danh “của” ông cho mấy bức tranh vẽ hoa súng, và thế giới vẫn được chiêm ngưỡng cả hai bức tuyệt phẩm hội họa.

Vụ kiện tụng đến nay chưa ngã ngũ, nhưng theo một cách nào đó, nhà Yves Saint Laurent cũng không tránh mối quan ngại rằng các sản phẩm của họ sẽ bị nhầm tưởng là mang nhãn nhà Louboutin. Trong giới thời trang đã có một sắc đỏ Valentino, phần số của “màu đỏ Trung Hoa” mã số 18 cũng mặc nhiên đã được định đoạt.

Phán xét cuối cùng không thuộc về tòa.

Điệu Tap Dance Ngộ Nghĩnh Của “Vua Đế Đỏ”

Christian Louboutin biến chuyện thường tình guốc dép thành tín ngưỡng bái vật, thành những siêu vật thể vượt chót vót trên tầm tính chức năng, rồi ông ghi luôn tên tuổi Lady Gaga cho đến Oprah Winfrey vào danh sách con nhang đệ tử, bản thân Christian Louboutin lại là một ông lão thủ cựu trong lối sống của riêng mình. Đồng nữ Madonna hay đả nữ Angelina Jolie có khiến cả thế giới trầm trồ khi họ trưng khoe những đôi Louboutin trước rừng flash cũng không khiến ông rung động bằng một phần khi biết rằng vợ của ca sĩ Johnny Halliday cũng ưng chọn hãng giày Louboutin. Ông tấm tắc khoe mãi “Bạn biết không, ở Pháp, Halliday nổi tiếng lắm đó!”

Ông dửng dưng cả với việc thứ tự và tần số xuất hiện của giày Louboutin so với Blahnik và Jimmy Choo trong siêu phẩm truyền hình Sex And The City. Khi được hỏi, ông chỉ lơ mơ trả lời “Tôi đồng ý tham gia vì người ta bảo điều này tốt cho việc kinh thương lắm. Tôi đâu có biết, bởi có khi nào tôi xem TV đâu!”

Điều này giải thích được sự dửng dưng của Christian cả với talkshow khét tiếng của Oprah Winfrey. Vốn là một tín đồ hạng nặng của Louboutin, Oprah xem đây là dịp để thể hiện lòng ngưỡng mộ đến bậc thầy đã làm nên phần rất quan trọng trong hình ảnh trang phục của Madame O’. Đối với mọi công dân Hoa Kỳ, việc làm khách mời của Oprah’s Show có giá trị tương đương với việc được phong tước hiệp sĩ nhân dân vậy, thế mà ông già hủ lậu người Pháp lại chối từ quầy quậy chỉ sau một lần quay vì “họ tới tận Paris bắt tôi ra quay ngoài trời. Lạnh quá, thế là tôi bị bệnh. Nên tới khi họ nghĩ tiếp ra trò tôi đến Chicago, tôi phát cáu: Bộ mấy người khùng hả? Tôi bệnh rồi đây này! Đừng hòng!”

Cách đây vài năm, khi được một nhà tên tuổi trong làng thời trang (ông từ chối tiết lộ danh tánh) mời về trong vai trò tổng lãnh sáng tạo dòng thời trang cao cấp, Louboutin gọi đó là một sự xúc phạm: “Bạn biết không, giày, chúng có nhạc, chúng có nhịp phách, thái độ, âm thanh, chuyển động,… như khiêu vũ vậy. Quần áo thì là chuyện khác. Nếu không làm giày, thì tôi còn bao nhiêu đam mê khác, làm vườn nè, tập nhảy, làm đạo diễn,… Còn thiết kế quần áo ấy hả?…” Ông làm một vẻ mặt đủ để trả lời câu hỏi tu từ đầy thái độ.

Sự khó chịu rất Parisian của Louboutin thật sự trở nên quá quắt khi chấp thuận việc cho ra đời búp bê Louboutin Barbie, với một điều kiện: nhà sản xuất phải bóp nhỏ lại đôi cổ chân thô kệch to tướng của Barbie.

Người ta rùng mình về sự táo tợn này đối với cô búp bê được coi là ốm nhom, dài ngoằng và hợp thời trang nhất trong lịch sử đồ chơi. “Làm ơn bình tĩnh đi, cứ như là cô ấy sẽ bị đau không bằng!”

Nhưng sự khả ái đầy tính dân chủ của Christian Louboutin lại được thể hiện một cách bất ngờ nhất. Trong khi nâng niu những cặp gót sen Vệ nữ, tình yêu của Louboutin dành cho Sarah Jessica Parker cũng trân trọng ngang ngửa với sự chiều chuộng chu đáo ông dành cho bất cứ người đàn bà nào khác.

Trong một lần xuất hiện tại đại lộ Saks Fifth ở New York, ông sẵn lòng hủy cả chuyến bay về Paris để bỏ hai tiếng đồng hồ hào phóng ký tặng lên những đôi giày cho khách hàng. Trong số những tín đồ chờ xin thủ bút của designer huyền thoại, có một người đàn bà thẹn thùa xưng với ông rằng bà “chỉ là một người bình thường làm nghề nội trợ”. Christian Louboutin đã trân trọng ghi tặng lên giày cho cô này dòng chữ “Tặng bà nội trợ quyến rũ thân mến của tôi”. Một cô dâu trẻ tìm đến xin chữ ký, Louboutin lém lỉnh và chu đáo chụp lấy cây viết màu xanh và ký tặng “Cái này là cho một món màu xanh” (theo tục lệ, mỗi cô dâu về nhà chồng phải có trong mình một món đồ cũ, một món đồ mới, một món đồ mượn và một món màu xanh)

Christian Louboutin, với niềm đam mê hạng nhì của mình là du lịch và làm vườn, chỉ cảm thấy an toàn và thoải mái nhất giữa cây kiểng các kiểu, mấy môn thể thao nhè nhẹ và một chút khiêu vũ, đặc biệt là thiết hài, đương nhiên, là với đôi giày nhảy hiệu Louboutin. Khi ông xuất hiện trong clip khiêu vũ của Fashionair với đôi giày nhảy dát đá óng ánh và lấp lóa cặp đế đỏ sau mỗi bước tap dance, khuôn mặt rũ bỏ vẻ lãnh đạm kiêu kỳ rất “dân thời trang Paris”, chỉ còn lại một người đàn ông trung niên hạnh phúc như đứa trẻ, nhẹ tênh và đáng yêu đến mủi lòng. Khó lòng mà tưởng tượng được rằng gã đàn ông với điệu nhảy cổ lỗ sĩ ấy lại chính là bộ óc kì tài của trùm thiết kế vũ khí dụ tình. “Tôi chưa bao giờ ôm mộng trở thành một phần của thế giới thời trang cả, tôi chỉ muốn thiết kế giày. Thậm chí đến khi lớn lên tôi mới biết Vogue là tên một tờ tạp chí”

Đế Bằng, Guốc Gỗ Và Những Cơn Khó Ở Của Christian

Trong nghệ thuật rù quến, giày là một khí cụ tối thượng không thể bỏ qua, Christian Louboutin, hơn ai hết, hiểu rõ điều này. Và đó là nguyên nhân vì sao phụ nữ rên lên trước những đôi giày đế đỏ của ông – bản năng chiến binh khiến họ có thể đánh giá được ngay lập tức món vũ khí đắc dụng. Và để sử dụng giày như những món vũ khí một cách điệu nghệ, người ta phải học. Một cơn rùng mình khủng khiếp sẽ giáng vào nhà Louboutin nếu một quý cô tìm đến với ông và than vãn sao giày quá cao, sao đường viền quá mảnh mai chênh vênh. Với Christian Louboutin, không đôi giày nào là quá cao.

Để giải thích một nỗi ám ảnh trứ danh về những cặp gót cao và lòng miệt thị với đế bằng, Louboutin cho rằng “Bản thân hình dáng và độ cao khác biệt của chiếc gót giày đã đại diện rất nhiều cho nữ chủ nhân của nó. Chỉ với sự nâng cao của gót chân, một động tác đơn giản đến vạy, đã là cả một cuộc tổng quy hoạch han thể, như một cuộc đại phẫu thẩm mỹ vậy. Những lòng bàn chân duỗi thẳng đến uốn cong, những múi cơ đùi bị giật căng, vòng mông vươn cao và gom chặt, cứ thế, những phần cơ thể được tuần tự đặt vào trạng thái của một con mèo vươn vai, dài muốt đến từng ngón tay, và tuyệt đẹp. Những cặp gót, chúng cũng có âm nhạc, những âm thanh rất riêng nói lên rất nhiều về thái độ của nữ chủ nhân, gợi ý về tất cả những chuyển động thân hình ly kì phía trên nó. Hãy nhắm mắt và lắng nghe những tiếng gót giày, chúng biết nói, rất nhịp nhàng và trung thực. Tôi có thể chỉ lắng nghe mà biết đó là pump, boots, gót cao hay gót kitten, gót cuban đặc hay slimheel mảnh dẻ. Tôi “nghe” được cả cái cách mà phần mũi giày ôm lấy các ngón chân ra sao… Cũng như âm nhạc, cũng có những thứ chói tai. Tôi đặc biệt ghét những đôi guốc. Tôi mà làm vua là tôi ban hành lệnh cấm ngay lập tức. Một thứ tạp âm lóc cóc, và roèn roẹt kéo lê khô khốc, lỏng lẻo buông bỏ khỏi những lòng bàn chân. Không dễ thương chút nào, như thể người đàn bà sắp bị tuột khỏi những cặp thiết bị đi bộ bằng gỗ ấy.”

Sexy và đế bệt? Không thành vấn đề. Bởi chiều cao của gót không định đoạt độ “hot” của quý bà! Nhưng đừng mong tìm được điều đó ở những đôi sneaker thân thiện. “Jane Birkin đã từng làm điều đó trở thành hiện thực hồi thập niên 1970, nhưng huyền sử không lặp lại với những đôi sneakers super-techno hiện đại. Những thứ đó nói lên rất nhiều thứ về cá tính, thái độ, tuổi trẻ, sự sung mãn, tính năng vận động,… nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ nét nào sexy ở những thiết kế như vậy cả.”

Một trong những điều hành hạ Christian Louboutin còn là trường phái Total Look, với những diva vận nguyên con cùng thương hiệu “Cả hình hài họ như đang đồng loạt biểu tình, dương cao biểu ngữ hàng hiệu và thét lớn tên nhãn hàng. Khủng khiếp. Kinh tởm. Không có gì phản nhân văn hơn thế, đi ngược lại văn minh cá thể như thế! Một tội ác của sự ấu trĩ!”

“Đàn bà Pháp, đúng hơn là đàn bà Paris, là những quý bà kiểu cách và tao nhã. Điều này một phần nhờ vào lịch sử cả trăm năm trải dài những tiệm may, những nhà thời trang, những tên tuổi couturiers lẫy lừng điệu nghệ. Quý bà quý cô ở đây luôn có sự lựa chọn, họ không bao giờ cam chịu làm nạn nhân trung thành của một tiệm duy nhất giữa hàng vạn chào mời của những cung lộ mua sắm hào hoa nhất hành tinh. Nếu giữa Paris mà tôi va phải một bà vận nguyên cây Chanel thì đừng mong thuyết phục tôi rằng bà ta là một diva Paris ái quốc, bởi đó chắc chắn phải là một khách du lịch đến từ phương xa. Rất xa.”

Vậy liệu đối với Louboutin, có đôi giày nào là quá cao?

“Chắc là phải có chứ! Nhưng tôi không đi giày cao gót, tại sao lại phải quan tâm? Tôi ngắm, và kiến tạo nên thứ nhiều người thích ngắm, lựa chọn là của phụ nữ, còn ý kiến của bạn là gì?”

Cơn Cực Khoái Của Lòng Bàn Chân

Đã từng một thời, nước hoa và mỹ phẩm là vũ khí tài lực tối ưu của thế giới thời trang, giữ kiên cố thịnh vượng cho bao đế chế haute couture và các thiết kế phi-thân thiện. Rồi sau đó là thời của jeans và thời trang dân chủ để duy trì sức sống của thượng tầng thời trang. Còn bây giờ là thời của giày và túi xách – những quả bom tấn có thể định đoạt mãi lực sống còn cho mọi quyền lực thời trang xa xỉ. Christian Louboutin, song hành cùng Manolo Blahnik và Tamara Mellon của Jimmy Choo trở thành bộ tam đa hùng mạnh trấn giữ thị trường giày siêu thượng hạng, nơi những đôi giày có giá trị và ý nghĩa ngang tầm viên ngọc to nhất trên chiếc vương miện thẩm mỹ và đẳng cấp phải được đội kiêu hãnh trên đỉnh những cái đầu vương giả. Đứng giữa thái cực vừa cầu kì đến cực đoan, vừa đơn giản đến thô sơ của Blahnik, và vẻ diêm dúa đỏm dáng hoàng kim của Jimmy Choo, những đôi giày của Louboutin chỉ có một thông điệp duy nhất, thật thà và nặng ký: Sex!

Từ phong cách disco, những đường lượn thót tim nơi ức hỏm của lòng bàn chân nhạy cảm, cho đến sắc đỏ dập dồn ẩn hiện như một thứ mạch máu căng phồng lập lòe đâu đó sau mỗi bước sải diva, khiến người ta vẫn phải chiêm ngưỡng nàng từ phía sau với những uốn lượn vòng vèo muôn phần sinh động phía trên. Tất cả những thứ đó, không cần là một triết gia để thấy một chữ SEX đỏ chót được viết hoa.

Người ta có thể dễ dàng nhận ra một quý bà trong đôi giày Louboutin: nàng có dáng bộ yêu kiều chuẩn mực, và nàng hầu như không di chuyển quá nhiều.

Trên một đôi Louboutin, dù là dát cườm, quấn nơ hay đơn sơ một lượt da hảo hạng, người ta không có nhiều lựa chọn nào khác ngoài việc duỗi chân thẳng căng, ép sát các ngón chân đến ngặt nghèo với những bước chân được thực hiện theo điệu bộ một con linh dương bị thấp khớp và tuyệt đẹp. Một hiệu ứng phụ nữa là rất có thể, xác suất bị chuốc say và gạ tình rất rất cao.

Thứ gợi cảm nhất ở một đôi giày cao gót tuyệt nhiên không phải là chức năng tăng chiều cao. Do đó mà một diva hiểu biết phải biết rùng mình khó ở trước những đôi giày đế xuồng (một thứ giày bệt có đế thật dày). Như phần gáy, hay khoảng da thịt sau tai của người đàn bà, phần nhạy cảm và gợi tình nhất của giày cao gót nằm ở phần lõm của lòng bàn chân: “Nếu để ý, bạn sẽ thấy đây cũng là phần nhạy cảm trên cơ thể, và nó cũng co duỗi khi người đàn bà “lên đỉnh”. Một đôi giày cao gót đơn giản là một thứ khuôn đúc, khiến khi xỏ vào, đôi bàn chân phụ nữ lập tức bị uốn vào tư thế tự nhiên của nó trong cơn cực khoái.”

Thậm chí có rất nhiều người tin rằng lời giải thích trên của Christian Louboutin là một chứng cứ khoa học.

Bằng chứng chính là những vụ cầu hôn diễn ra liên tiếp tại cửa tiệm của ông, sánh ngang với tiệm nữ trang Tiffany hay nhà Cartier.

Những Cơn Đau Thời Trung Cổ

Giày đối với đàn ông chỉ mang hai ý nghĩa: phong cách lịch thiệp và mức độ giàu có. Còn đối với đàn bà, chúng là đại diện cho mọi khía cạnh đa diện, mâu thuẫn, kì cục và vi diệu bên trong tâm hồn họ. Tôi tin rằng họ sẵn lòng vui vẻ nhảy chân sáo dù đớn đau tím tái vì đôi giày dưới chân”

Và đó là những gì ông có thể say sưa diễn giải từ ngày này sang ngày khác, về cấu trúc cơ bản của một chiếc giày, về các hướng của lực trọng tâm, và coi khinh tất tật những tiếng rên rỉ của fashionista tuẫn tiết quằn quại âm thầm trên những đôi giày kiêu kỳ kén chủ. “Ừ thì phụ nữ chỉ có thể đẹp khi họ thoải mái và không đau. Nhưng thật lòng mà nói, tôi không cũng không thấy thoải mái chút nào khi người ta đến cửa tiệm của tôi và trầm trồ kiểu ‘Ôi, mấy đôi giày này trông tiện lợi quá!’”

Dẫu muốn phủ nhận thực tế của sự dã man mang sắc màu trung cổ này, thì người ta cũng khó lòng phủ nhận hơn 600,000 đôi dụng cụ tra tấn tự nguyện được bán ra trong chỉ 20 năm tồn tại của thương hiệu Christian Louboutin.

Cánh mày râu hoang mang tự hỏi rằng tìm đâu ra trong thế kỷ đàn bà trí thức không còn ưa thú trầm mình trong khổ hạnh, khi mà tục bó chân Trung Hoa và những chiếc đai tiết hạnh đã thành mẫu vật bảo tàng. Phụ nữ đi bar và từ chối các cơn đau tim si tình thống khổ. Và danh sách các khách hàng thân thuộc của nhà Louboutin tạo nên một thực tế đáng ngờ về quan niệm phụ nữ tân thời năng động, độc lập tự do.

Tuẫn tiết nhất là nữ văn sĩ “viện trưởng viện sến Hoa Kỳ” Danielle Steel. Bà ca tụng ái tình lãng mạn và đã tự hành quyết đôi chân mình trong thú đau thương với 6,000 đôi giày Louboutin, lập kỷ lục vô song trong danh sách thượng khách đặc biệt nhà Louboutin. Còn Blake Lively – cô đào nổi tiếng qua series phim truyền hình Hoa kỳ tân nữ Gossip Girl, sẵn sàng tậu một lèo 40 đôi Louboutin chỉ trong một chuyến săn.

Bà Vic nhà Beckham đang mang bầu cũng vong thân vận vào chân đôi Louboutins đến dự đám cưới hoàng gia vào tháng tư năm ngoái, và dài dài trong suốt thời kỳ mang bầu bé Harper, ngay cả với những dấu hiệu cảnh báo của chứng lệch đĩa đệm.

Và đó chỉ là một vài cái tên điển hình trong danh sách hơn 5,000 khách hàng thân thiết của nhà Louboutin, trong đó mỗi người sở hữu ít nhất 500 đôi giày đế đỏ.

Vậy đấy, như Germaine Greer từng viết “trong khi các nhà hoạt động nữ quyền vẫn vật lộn để giải phóng phụ nữ, thì giày cao gót đã kịp chinh phục nhân loại từ bao giờ.”

Louboutin hỏi lại “Con người tài ba đó là ai vậy?”

Một nữ học giả với những đầu sách vĩ đại thập niên 1970

“Vậy đó, thì ra bà ấy là một nhà cách mạng nữ quyền thập niên 70’s. Tôi thấy Madonna cũng là một phụ nữ khá độc lập đó chớ. Cổ là khách hàng ruột của tiệm tôi đó.”

 

Sự Trở Về Của Thời Trang Thập Niên 20 – Return To The Age Of Innocence

Thật ra, trong khi các fashionista Việt Nam còn chìm khá sâu vào giấc mơ hoa của phong trào vintage và rục rịch trù hoạch cho mùa tái thịnh của những chiếc váy mùa hè chít eo của thập niên 50, thì bên ngoài kia, vòng quay tráo trở của trào lưu sẽ dễ dàng chơi khăm các tín đồ vỡ lòng một vố thật đau. Hãy tỉnh táo chỉnh lại tầm ngắm, điều bạn muốn cho 2012 rất có thể được lấy cảm hứng từ một thời kỳ xa hơn từ đầu thế kỷ trước, chỉ riêng điều này cũng đủ giảm đáng kể nguy cơ bị “tủ đè” ê chệ với collection những món săn lệch mùa.

Hồ sơ hội chứng Flapper 20’s và báo động tái nhiễm

Với tất cả những dấu hiệu không chỉ từ mùa thời trang mới nhất, dự cảm của một shopper lão luyện sẽ nghe được từ mọi dấu hiệu của thời cuộc một trận tái thịnh huy hoàng của trào lưu flapper thời 1920, cái thời của cuốn tiểu thuyết Age Of Innocence (Thời Thơ Ngây) trứ danh, và những quý bà tập tành hút thuốc. Trong đó có cả lác đác sự trở về của vòng eo nhỏ xíu với chân váy lửng to phồng thập niên 1950, và một dòng khác với các chất liệu tổng hợp vui nhộn màu sắc disco điện tử 1980.

Nhưng qua mùa Spring-Summer vừa qua, hãy chọn đặt tầm ngắm báo bão vào lựa chọn tưởng như mong manh nhất: Flapper 1920!

Điều này đồng nghĩa với những cơn sốt muôn hình vạn trạng dựa trên tinh thần của thời kỳ đầu thế kỷ 20 này: những tà váy dài lững lờ trên cổ chân cho mùa hè-thu, đặc biệt tại các thánh địa nhiệt đới, các chất liệu xuyên thấu, thủ pháp layer, đường eo phôi pha rơi xuống quá xương hông để thành drop waist, những đường cong xôi thịt bị đánh mờ, những đường xương vai xanh xao và những cặp cổ chân mảnh khảnh sẽ lên ngôi nhan sắc. Dòng vintage tung hô vẻ đẹp gypsy, trong khi ready-to-wear cũng sẽ vận dụng cả kho tàng trang trí haute couture truyền thống với đăng-ten, chiffon, panther print, họa tiết dân dã, và thậm chí các tua rua kết thành mảng.

Người ta có thể dự báo cả một trận đại hồng thủy vào 2012, mặc nhiên, thời trang sẽ là tín ngưỡng chữa lành nỗi hoang mang tận thế với điệu nhảy Charleston quá vãng, trong xập xình nếp váy flapper.

Chỉ có điều, sẽ không phải là những món cổ trang được phục chế, tinh thần flapper hoàn toàn có thể được diễn giải qua ngôn ngữ thẩm mỹ thời trang đương đại và những chất liệu tân kỳ, nhưng đi cùng nó là những cơn sốt trở thành bất hủ,  những thứ không thể bị tuyệt diệt. Như pleat và safari.

Dự cảm của Patricia Field và lời sấm xếp pleat của Halston Herritage

Cuộc tái chấn hưng đã được dự báo từ gần 2 năm trước, trong lời sấm truyền kinh điển của nữ đại tông đồ Patricia Field – tổng lãnh phục trang cho siêu phẩm giải trí Sex And The City The Movie – cẩm nang thiêng liêng của mọi fashionista trên thế giới.

Vào đúng thời điểm tung ra bộ phim, Patricia – như mọi vĩ nhân khác của cõi loài người, bị đồng loại ném đá tả tơi bởi một selection phục trang lệch mùa với mọi sắc thái đồng bóng, cổ quái và bị làm quá không nương tay.

Người ta còn cho rằng có một vụ ăn cánh với Halston Herritage khi các thiết kế của nhà này đồng loạt xuất hiện rực rỡ trong hàng loạt những scene đắt nhất của bộ phim. Từ chiếc váy tơ đa sắc của Samantha, phong cách flapper không nhầm lẫn của Miranda với bộ váy antique emerald trong cảnh ăn trưa trên sa mạc. Nhưng dấu son của lời sấm SATC2 là bộ váy 2 tầng dài lê thê thõng thượt, xóa nhòa vòng eo mỏng dính của Sarah Jessica Parker trong sóng sánh một dòng thác xếp pleat đổ dài từ cằm đến đất, rừng rực một sắc cam tía của sa mạc hoàng hôn.

Các tín đồ ngô nghê thảng thốt hoang mang với sắc màu gypsy chói chang của thập niên 70’s, trong khi các chuyên gia thắt cả tim trước một dự báo hiển nhiên “Flapper sẽ quay về! Thời hồn nhiên của nhân loại ngô nghê 1920 sẽ tái thịnh, và hãy chuẩn bị ngai vàng cho PLEAT!”

Hoàn toàn không hề là một điều xa lạ, những nếp xếp (pleat) đã là một thủ pháp xử lí chất liệu có mặt từ rất lâu trong lịch sử thời trang thế giới. Từ mẫu vật cuối cùng được tìm thấy trong cổ mộ người Viking ở Birka trước Công Nguyên, cho đến thiết kế huyền thoại “Delphos” của Mariano Fortuny năm 1920.

Không thể không xét đến căn nguyên sơ khởi của pleat, một trò khéo tay của các phó may khi muốn tăng thêm cho sớ vải độ đàn hồi đủ để nhấn nhá ý nhị những đường nét chuyển động của cơ thể. Đặc biệt vào thời hoàng kim 1920, với cơn sốt của điệu nhảy swing và váy flapper đã tôn vinh những nếp xếp tung bay quanh những cặp đùi vũ nữ trứ danh.

Vài thập niên sau, Marilyn Monroe tung ra shot ảnh lịch sử với tà váy trắng bay không chút thẹn thùng, uốn lượn kì diệu nhờ những nếp pleat như bông hoa lan lộn ngược sỗ sàng bung nở, phô phang cặp đùi mỹ nữ tóc vàng.

Thập niên 60 với những chiếc miniskirt đầu tiên và phong cách váy tomboy ngô nghê lại tôn vinh những nếp xếp vuông vức chân phương trên những cặp chân thanh nữ khẳng khiu đương thì trổ mã.

Những năm 1970 của lối sống hippy và thuyết hiện sinh, các tín đồ trường phái bohemien xếp xuôi nếp váy dài dân dã những đường pleat nhàu nhĩ, thổi hơi sống vào tà váy carmen bay ma mị trong mùi marijuana và của các diva hippy chân đất đầu trần.

Cuộc đại cách mạng công nghệ tân kỳ hai thập niên tiếp sau đã xếp lại những nếp gấp nền nã ngô nghê trên đồng phục nữ sinh khắc khổ, và trên mình các nhân vật của Disney, để biến mất hầu như hoàn toàn khỏi runway và tủ quần áo những diva thời thượng.

Xếp nếp cả thế giới!

Từ lần cuối cùng xuất hiện vào cuối những năm 1980, người ta đã tưởng như pleat chỉ còn là kỷ niệm lỗi thời cho đến tận những tiếng sấm đầu mùa của thời trang Xuân Hè 2012, người ta lại thấy tung bay thấp thoáng trên runway đương đại những form váy thả suôn hững hờ mắc vào những khung xương vai loài hồng hạc, sổ dài những nếp pleat sống động nên thơ, như một dấu hiệu đầy đe dọa của cuộc tái chiếm rầm rộ vinh danh trường phái lãng mạn tốn vải trong hình thái hồi dương thanh tân của những năm 1920 hào hoa và vui nhộn.

“Quỷ cái” Prada nhanh nhảu ôm giữ tàn dư color-block, trộn nhuyễn lên trong bảng màu pastel tươi tắn, xếp pleat lên tất cả và đe dọa tống tiền cả thế giới.

Chloe nền nã với những đường nẹp trung tính tung xòe theo nếp pleat trường phái ngây thơ, Christian Dior và Gucci cũng không nằm ngoài cơn sốt chung, nhưng với những nếp pleat bén ngót, sắc cạnh trên những chân váy Thanh Giáo gợi tình, trong khi Barbara Casasola thắng lớn đầu năm với toàn tập pleat trung tính dài chấm đất, và Angelina Jolie cũng kịp thời xuất hiện trên thảm đỏ đêm Cartier như tượng nữ thần Hy Lạp trong bộ váy Elie Saab màu “tro của hoa hồng” xếp pleat sương khói đến chạnh lòng.

Đến cả những xì thẩu hàng Tàu chợ cũng đã kịp tung lên mạng giao dịch những mẫu váy mùa hè chiffon xếp pleat giá không quá 10USD bán lẻ.

Vậy là những nếp xếp pleat chỉ còn đợi một đợt gió nhẹ để cùng lúc tung xòa khắp những boutique lớn nhỏ của một cung lộ mua sắm Á châu, tìm ngược dòng về cái nôi của trường phái “ngây thơ phương Đông” những năm 1920 dĩ vãng. Những tín đồ quen nếp nền nã của Việt Nam sẽ không thể quá ngỡ ngàng với những nếp pleat thả xuống tận quá gối, thậm chí đến cổ chân.

Dấu hiệu và những triệu chứng của cơn thú tính lây lan

Quay trở về với Patricia Field và “lời nguyền” SATC2, cùng với hoa văn phương Đông, tua rua, những tảng ren cầu kỳ và họa tiết da báo là một sức nóng hừng hực của không khí sa mạc và vẻ đẹp rực rỡ của hoa xương rồng. Nói một cách khác, mùa Spring-Summer 2012 đang đưa cả thập niên 1920 vào một ảo ảnh sa mạc với tất cả những gì chói chang nhất, như vực dậy cả một sự hân hoan hồn nhiên trước mọi lời sấm xám xì về một cuộc tận thế hoang tàn.

Đây hiển nhiên là cơn sốt kéo dài dai dẳng từ mùa Fall-Winter năm ngoái, khi mà tại nhà Louis Vuitton, Marc Jacobs thẳng thừng đặt hai ông Ba Mươi to như thật, ngồi phệt trên catwalk, hầm hố báo hiệu cuộc tái thịnh hùng mạnh của các thế lực rừng xanh. Người ta hẵng chưa quên những những con khỉ và những quả chuối của Miuccia Prada đã tăng nhiệt cơn sốt ra sao. Thậm chí cả thế giới loài vật được tận dụng không thương tiếc, tôm hùm được vẽ tay tỉ mỉ lên chân váy Jasper Conran, nhà Alexander McQueen có cả những con bươm bướm 3D to tướng điệu đà. Tại một số show diễn, chúng còn xuất hiện trong hình hài sống động nhất – những con thú thật. Ngựa nghẽo làm loạn show nhà Hermes, một cặp French bulldog mặt mũi cau có nghễu nghện dạo chơi trên runway nhà Mulberry và tất cả biến thành một cuốn phim vui nhộn của Thế giới Động Vật.

Xa hơn, ngấp nghé từ mùa xuân năm ngoái, người ta đã nghe tiếng gầm gừ rình vồ của sự tái thịnh quá sớm của cơn sốt nhiệt đới lốm đốm da beo và ngoằn ngoèo họa tiết hoang dã (rural pattern) đủ để run căng những móng vuốt shopper nhạy mùa. Nhưng cú tung mình của cư dân rừng nhiệt đới mãi đến mùa Xuân Hè năm nay mới thật sự tấn công hoang tàn những đường catwalk thế giới.

Cho đến mùa Spring Summer vừa qua, ca sốt phừng phừng nặng nghiệp nhất xảy ra trên catwalk Michael Kors với những mảng phối như thể bạo liệt nhưng lại được tưới dịu bởi sự tiết chế đầy lý trí của dáng suôn mềm, những mảng chiffon trong veo và những nếp xếp điệu đà ý nhị.

Đây quả là một yếu tố văn minh cho cuộc tái thịnh của tinh thần 1920, bên cạnh bảng màu kẹo ngọt của Prada và Elie Saab. Những thân hình đồng hồ cát bó thít trong bộ váy da beo đã trở thành màn cải lương dĩ vãng của thời Pamela Anderson. Họa tiết da thú mùa này mới thật sự là những con thú hoang được thả lỏng trong silhouete suông nhẹ thảnh thơi, chúng không vồ chụp bặm trợn, mà bay bổng như những thước phim quay chậm của Discovery Chanel với nhạc nền của Louis Armstrong.

Safari và panther print cuối cùng cũng tìm được cho mình một hình hài hoàn chỉnh cho lần xuất hiện trở lại, với sự song hành hoàn hảo của tinh thần flapper thập niên 20.

Tại châu Á, cơn sốt da beo 2007 còn chưa kịp hoàn hồn, thì cuộc đổ bộ của bảng màu trung tính ấm nóng truyền thống của trường phái Safari, và hình ảnh mèo ngái ngủ của panther print thế hệ mới lại đang một lần nữa sẵn sàng biến mọi thánh đường mua sắm thành những khu rừng nhiệt đới sầm uất, cùng với sự ưa chuộng mới dành cho những sọc đen trắng zebra, đốm da hươu và cọp vằn cũng đang trở thành thú cưng mới của các diva sành điệu, dù là sự cầu kỳ của flapper 20’s, gợi tình một cách quý phái của 50’s, hoặc phóng khoáng trễ nãi phiên bản flapper thế kỷ 21


Dự đoán: sốt dai ở vùng nhiệt đới

Chưa thể nói đến khi nào cơn sốt này mới hạ nhiệt, khi mà dường như những nếp pleat bay bổng là một sự thách thức với tố chất của thời trang Thu Đông, trong khi animal print của trường phái Safari vẫn hoàn toàn hứa hẹn kéo dài thời thịnh trị đến tận mùa của cardigan, khăn choàng và những đôi boots. Đó là khi các thiết kế ứng dụng pleat sẽ nhìn sang thị trường vùng nhiệt đới, với nắng gió dư dật quanh năm, và trong trường hợp này, cuộc săn mới với tầm ngắm hướng về những chiếc váy suôn dài xếp nếp sẽ vẫn là một đầu tư khôn ngoan cho các shopper Sài-gòn.

Vậy, nếu bạn không muốn volume của thủ pháp xếp pleat tăng vài inch cho vòng 3 công sở, thì drop waist (đường eo thấp) và silhouhete buông thả vừa vặn sẽ lập tức chiều chuộng bất cứ thân vóc petite nào của tín đồ Sài gòn mặc tình cho đường cong được lượt là được ve vuốt bởi những nếp pleat nhuyễn.

Đây cũng là dịp cho các con nhang đệ tử nhà Cavalli hả hê với truyền thống họa tiết rừng rú lâu năm của ‘hãng nhà’,

Nhưng cũng không nên bỏ qua các triệu chứng sốt sẽ chắc chắn lây nhiễm qua các thiết kế của các thương hiệu hùng mạnh khác. Prada đang nhiễm khá nặng và chưa có dấu hiệu dứt cơn, Chanel đến nay có vẻ như thiên hẳn về những đường pleat kinh điển, nhưng người ta rất nên thận trọng với “thú tính” bùng phát bất ngờ của chú K. vào mùa sau.Và đúng như vậy, dưới đây là cuộc chấn hưng tinh thần flapper 20’s của thiết diện quản gia nhà Chanel cho mùa Fall-Winter:

Trong khi đó, Gucci đã dường như toàn phần đắm đuối trong cú ghi điểm lẫy lừng với silhouete buông thả của flapper, các dây tua rua và họa tiết lập thể đính cườm.

Trong tất cả những đế chế lẫy lừng ấy, một cái tên khá xa lạ với shopper Việt, nhưng cũng vừa ghi điểm hoành tráng mùa qua với những nếp pleat hào phóng và tinh thần 1920 toàn tập là nhà Etro cũng là một tham khảo đáng được nhìn tới.

Và với những tín hiệu không cần bàn cãi ấy, chắc chắn, bạn sẽ không hề muốn mình là một diva miễn nhiễm lệch mùa!

 

 The Age Of Innocence lãng mạn hào hoa…

…và cuộc tái thịnh huy hoàng sau gần 1 thế kỷ!


Temperley London



then…

…and now

Hé màn cơn sốt Fall-Winter

Author’s picks!!!

mix & match board

Dolce & Gabbana: Song Hiệp Lưỡng Tính

Trác Thúy Miêu

Phụ nữ tôn sùng họ, cánh đàn ông thời thượng trọng vọng tên tuổi họ, dân gay ca tụng họ như những nhà cách mạng đồng tính tiên phong và thành đạt, còn nhà báo nữ Carrie Bradshaw trong Sex And The City chỉ vì một bộ Dolce&Gabbana mà chấp nhận cuộc rủi may lộn nhào trên runway New York.

Một fashionista/fashionisto sành điệu và các phim dòng romance ướt át đã từ lâu không còn nhắc đến Romeo & Juliette, mà thay vào là tên tuổi cặp đôi huyền thoại thời đại ái tình phi giới tính Dolce & Gabbana.

Các tín đồ ngớ ngẩn mới nhập môn sẽ có thể hỏi “Dolce và Gabbana là gay à?” và sẽ được trả lời “Không, họ là những người đàn ông sống với nhau!”

Cuộc Bắc tiến của gã giang hồ Siciliano

Họ mang lại cho quý bà những thiết kế hoa lệ và tình tứ, cho quý ông những bộ sưu tập sắc sảo với kỹ thuật cắt may siêu hạng, và những dòng nước hoa bất hủ có mùi như một thứ mê hồn tửu đầy quyền năng. Tất cả đều thượng thặng, xa xỉ, nửa lòe loẹt nửa chân phương kinh điển đặc sệt phong vị thẩm mỹ miền Nam nước Ý.

Sicily, với văn hóa Địa Trung Hải, tinh thần cinema duy thực kiểu Visconti và Madonna chính là những nguồn ảnh hưởng thấm đẫm trong phong cách của Dolce & Gabbana. Bản thân Dolce là một Siciliano chính hiệu, và Gabbana cũng có một tình cảm đặc biệt dành cho đảo này từ khi họ mới gặp nhau hồi đầu những năm 1980. Tinh thần Sicile hòa nhất họ với nhau và trở thành một thánh địa thiêng liêng của hai tay thực tập sinh tại một nhà thời trang ở Milan lúc bấy giờ.

Dolce sinh năm 1958 tại Polizzi Generosa, gần thủ phủ Palermo của Sicily. 4 năm sau đó, tại Venice, trong khi thế giới ngoài kia còn đang đảo điên với những chiếc váy ngắn đầu tiên của lịch sử thời trang, Stefano Gabbana ra đời. Dolce theo học thiết kế thời trang và làm việc cho một xưởng may nhỏ của gia đình, trong khi Gabbana theo học thiết kế đồ họa tại Milan. Đây cũng là thời đại phát của trào lưu hippy, văn hóa hiện sinh, sơ-mi chim cò, kính to bản, và những bảng màu chói lọi còn ghi dấu sâu sắc trong các thiết kế của Dolce&Gabbana cho đến tận mùa tuần lễ thời trang Milan mới đây.

Dolce, với quyết tâm vùng thoát khỏi những vòng quay đều đặn của những chiếc máy may hãng thợ tỉnh lẻ, đã tiến hành cuộc Bắc tiến về thánh địa thời trang Milan, nơi cuộc gặp gỡ định mệnh với Stefano Gabbana được phần số sắp sẵn tại một tiệm thời trang nhỏ. Họ gặp nhau, chóng vánh yêu, khởi sự cho một thiên tình sử đồng tính kéo dài hai thập niên.

Năm 1982, Dolce và Gabbana quyết định rời bỏ hãng thời trang cả hai đang cùng làm việc để bắt đầu những lựa chọn sự nghiệp mới. Họ cùng chia sẻ một phòng làm việc, và cùng chia sẻ cuộc đời với nhau từ đấy, làm nền tảng cho suốt nửa cuộc đời về sau. 18 tháng sau, hạt mầm chung được gieo xuống, ấp ủ cho cả thế giới thời trang về sau một cặp đôi quyền lực dưới thương hiệu đơn giản của lòng kiêu hãnh và tình yêu: Dolce & Gabbana.

Ngay lập tức, họ được tổ chức thời trang quốc gia Camera Nazionale ghi nhận như những tài năng trẻ đầy triển vọng và được mời tham dự tuần lễ thời trang Milan với bộ sưu tập mang tên “Real Woman”.

Cặp đôi bất bại

Những thiết kế đầu tay của Dolce và Gabbana đã chớm thể hiện xu hướng tự do về cấu trúc, với những dây buộc, khóa cài nhì nhoằng khắp nơi. Sự “bất thường” hợp thời và trội bật này ngay lập tức lôi kéo được sự chú ý của nội giới thời trang Ý. Tất cả từng thiết kế đều được thực hiện thủ công với lực lượng trợ thủ tinh nhuệ của xưởng may nhà họ Dolce.

Cả nước Ý lập tức phát sốt, và giới thời trang nín thở chờ đợi những gì mà cặp đôi tài năng trẻ hứa hẹn sẽ hoành hành toàn cảnh thời trang không chỉ ở tầm độ quốc gia. Điểm tựa đầu tiên ấy đã cho Dolce và Gabbana một lực bẩy khổng lồ, đủ để liên tục rải thảm thị trường với không chỉ các bộ sưu tập thời trang, mà cả các dòng trợ lực kinh tế hữu hiệu với nam phục, thời trang biển, nội y, và nước hoa chỉ trong vài năm ngắn ngủi. Và người ta không hề ngạc nhiên khi chỉ đến 1989, cửa tiệm đầu tiên tại Tokyo của họ đã được khai trương, đánh dấu cuộc bành trướng đã tham lam tràn đến “lỗ đen mua sắm” Á-châu.

Năm 1987, lấy cảm hứng từ thẩm mỹ cine thập niên 40, 50 của miền nam nước Ý, Dolce và Gabbana ra mắt bộ sưu tập gồm những chiếc chân váy phồng xòe, những vòng eo thít nhỏ, áo khoác viền ren, và những chiếc khăn shawl đan móc theo kiểu phụ nữ Sicile. Một phong cách đặc quánh khí chất đại tẩu giang hồ Ý, đan xen với những nét hoài cổ trầm mặc của các họa tiết tôn giáo, những chi tiết đính cườm đỏm dáng, những chiếc váy đen nhỏ, khăn trùm đầu, và cả những chiếc rổ đan mộc mạc chân quê, như một cách phô diễn ý nhị tinh hoa tuyệt nghệ của các nghệ nhân thủ công miền Nam nước Ý – một tố chất không thể thiếu của những thủ phủ haute couture. Từng thiết kế trong bộ sưu tập đều hiển hiện rõ rệt hình ảnh phồn thực của hai “lệnh bà” đầy chất ciné Ý: Sophia Loren và Anna Magnami – thứ dục tình ma mị được phô trương tràn trề ngạo mạn và nồng sực hơi ấm da thịt đàn bà, đủ ấm để lây lan những giọt mồ hôi túa vã phía sau mọi ống kính của báo giới.

Cứ thế, họ là tình nhân và chiến hữu trong suốt gần 2 thập niên huy hoàng. Cơn say tình chóng vánh đã không chỉ là một trò tìm bạn trớ trêu chóng vánh như người ta vẫn nghĩ về những người đàn ông tìm nhau. Họ sành điệu và tài hoa như những quí ông hoàn hảo, và họ công khai mối quan hệ một cách kiêu hãnh, đầy thách thức và sặc mùi lãng mạn đàn ông.

Bảng màu lập thể của thời trang lưỡng tính

“Túp lều tranh” của cặp đôi vàng này là tòa dinh thự mang tên Villa Volpe, được xây từ thế kỷ 19 nằm ngay trung tâm Milan, vốn vẫn là đề tài bàn tán của báo giới. Người ta tán rằng ngôi nhà của họ có một phòng bếp tráng lệ, phòng vẽ dán nhì nhoằng họa tiết da beo, những chiếc ghế đẩu cũng bọc da beo lốm đốm, lót thảm bằng nhung tơ và ở khắp nơi là những cây nến to sụ như trong nhà thờ – một thứ phô trương màu mè đến chói chang của dòng máu Ý thuần chủng, pha với thói đỏm dáng làm quá của thẩm mỹ đồng tính. Họ không để phí một ngày nào của việc hưởng thụ lạc thú xa xỉ!

Dù nổi tiếng là hai tên tuổi sùng bái màu đen trong thiết kế, lấy cảm hứng từ bộ dạng hắc y toàn tập của giới gangsters và các mafioso khét tiếng đảo Sicile, Dolce và Gabbana luôn có những cuộc tung hứng va chạm những màu sắc, bề mặt chất liệu ngẫu hứng và chói mắt “không đỡ nổi”. Trong dinh thự riêng của mình, cả hai bày đặt cả một cuộc đại náo nháo nhào của các nền văn hóa, các trào lưu thẩm mỹ, như thể bỏ tất cả vào một cái máy xay sinh tố rồi bắn tung tóe khắp nơi cái thể thức hợp nhất kì cục lẫn kì thú ấy. Họ tự do tuyệt đối, đến mức tự dung túng bản thân trong không gian sống của mình và cho ra đời những chiến dịch quảng cáo, những thứ tư duy thẩm mỹ mà ngay cả sự hào sảng của dân Ý cũng phải hết hồn và bàn tán râm ran.

Họ trộn lẫn các thời điểm lịch sử, xé nhỏ và lắp ráp hết sức bậy bạ các vùng văn hóa cổ kim lại với nhau, họ tung hê nháo nhào vách ngăn biên giới giữa tủ quần áo quí ông và quí bà. Nhặt nhạnh và lắp ghép, như những thiên tài điên khùng, điều mà họ có được cuối cùng là cái thứ đã trở thành quyền lực thời trang Dolce & Gabanna.

Từ lông thú và váy dài 1990, vải ghép và vải hoa của 1992, quần da beo 1996, và cuối cùng là bộ suit pinstripe cổ điển mặc tròng bên ngoài áo may-ô, các thiết kế thời trang nữ của P&G khỏi phải bàn, rất sexy, nhưng gợi cảm theo kiểu đại nữ thành thị, ít nhiều tính ái nam gồ ghề suồng sã, mà gợi tình đến bất khả cưỡng. Không như điều mà người ta trông đợi ở giới thời trang Ý, Dolce và Gabbana không lệ thuộc vào các mỹ nữ vóc hạc nhan nhản của catwalk thế giới, mà lồ lộ bộ nhũ căng mẩy và những vòng hông phồn thực. Trong một cuộc phỏng vấn với Observer Life, Gabbana cho rằng: “Cơ thể con người, cùng tất cả những gì nó đại diện qua thứ ngôn ngữ rất riêng, là điều rất rất quan trọng của thời trang.”

Thời trang nam của D&G cũng không nằm ngoài công thức thêm thắt tính dục đan xen vào các yếu tố truyền thống của trang phục. Cũng bằng cách mà họ đặt quí bà vào trong những bộ nam phục, Dolce và Gabbana phủ lên các bộ suit kẻ sọc của các tay đại ca đầu gấu cỡ bự một thứ bảng màu hoa quả trái cây, và kết hợp với áo may-ô như nông dân Ý. Có dạo, kiểu này đã khuynh đảo toàn thể cộng đồng gay trên thế giới hồi mùa hè 1995, tạo thành cả một cơn sốt lòe loẹt ở khắp các thành phố lớn trên thế giới.

Trả lời chất vấn của the The Guardian Weekend với luận cứ cho rằng họ thuần túy ủy lạo xu hướng tình dục đồng giới, Dolce bác bỏ một cách ngạo mạn bằng luận điệu đủ để ông được đời đời ghi danh là nhà cách mạng bình đẳng giới: “Điều đó hoàn toàn không liên quan đến giới tính hay xu hướng tình dục. Đó chỉ đơn thuần là những gì chúng tôi có và muốn thể hiện, và còn là những gì thời trang mặc nhiên phản ảnh lại của xu hướng nhu cầu thẩm mỹ của thế giới xung quanh… Con người hình thành xã hội, và xã hội tự thiết lập nên một vách ngăn rạch ròi giữa cái gọi là quần áo dành cho đàn ông và đàn bà, bởi họ muốn tin rằng đàn ông và đàn bà phải rất khác nhau. Sẽ rất thú vị và hoàn toàn lành mạnh nếu người ta có thể tư do tìm kiếm sâu thẳm bên trong chính mình một góc nhỏ luôn tồn tại, trong cái góc nhỏ đó, định kiến không tồn tại, bạn hoàn toàn tự do, và nhận ra mình không chỉ có một giới tính. Thế giới và sự trải nghiệm mở rộng ra khi người ta biết rằng họ có sự lựa chọn lẫn quyền chọn lựa.”

Những đại gia và những minh tinh bị chối từ

Thái độ thừa thãi tự tin và hãnh tiến của cặp đôi Dolce-Gabbana không chỉ dành cho quan điểm về tình dục và giới tính của mình, họ còn được biết đến là những chủ nhân ông bất khả chiến bại hiếm hoi của làng thời trang thế giới, trước xu hướng bành trướng mạnh mẽ của các tập đoàn cá mập thứ dữ. Có thể coi đây là một trường hợp cực kì hiếm hoi của làng thời trang, khi mà các nhà thiết kế trực tiếp điều hành công việc kinh doanh và là chủ nhân ông duy nhất của giá trị thương hiệu, hoàn toàn miễn nhiễm trước mọi sự can thiệp của các thế lực tài chính. Ngoài dòng hàng thời trang nam nữ cao cấp, D&G còn làm chủ dòng White Label Collection nhằm vào thị phần trẻ, được thiết kế cho văn hóa nhạc dance và các club xa xỉ, dòng jeans mang nhãn cộc lốc ‘&.’, cùng la liệt các quả bom thương mại truyền thống khác như mắt kính, phụ trang, nội y, áo tắm, và, đương nhiên, nước hoa.

Để chứng thực hiệu quả mê hoặc của hai đầu óc sáng tạo không tiền khoáng hậu này là hàng loạt tên tuổi các ngôi sao thượng thặng, những quí ông và quí bà được cho là quyến rũ nhất hành tinh: Tom Cruise, Brian Ferry, Brad Pitt, Isabella Rossellini, Demi Moore, Nicole Kidman, v.v… đặc biệt là các bộ phục trang sân khấu cho tour diễn vòng quanh thế giới của Whitney Houston, với những thiết kế từ phong cách thường phục sắc sảo cho đến những chiếc váy maxi lộng lẫy nhất cho nữ hoàng đen.

Nhưng những thành tích và danh sách khách hàng cỡ bự ấy hoàn toàn không có được từ đức tính thân thiện hòa đồng của cặp D&G. Dolce và Gabbana nổi tiếng kén thân chủ, bởi chỉ thiết kế cho những ngôi sao mà họ thích, đối với số còn lại, họ chỉ đơn giản trả lời “Bổn tiệm có phòng trưng bày ở bất cứ thành phố lớn nào, quí khách cứ mặc nhiên chọn lựa!” Do đó, để đứng đầu danh sách ưa thích của D&G hẳn nhiên phải là tầm đệ nhất vương giả tài danh của làng giải trí, không ai khác là Đồng Nữ Madonna: “Chúng tôi yêu Madonna. Không có bất cứ thứ gì Đồng Nữ muốn mà không được đáp ứng lập tức tại nhà Dolce&Gabbana. Không chỉ vì Madonna là ngôi sao yêu thích của cộng đồng gay. Chúng tôi yêu quí con người cô ấy, phong cách ấy, và cá tính âm nhạc ấy…, tất cả những gì thuộc về cô ấy.” Họ thiết kế phục trang cho tour Girlie Show của Đồng Nữ năm 1993, khiến cho cả thế giới mãi về sau còn nhắc đến bộ váy “Kylie Minogue tribute”, những chiếc T-shirt “Rocco” hồi năm 2000, và đến 2001 thì khiến khán phòng phát sốt lên với Đồng Nữ diện bộ đồ cao bồi đính đá đúng chất nữ quyền bạo dâm, gợi cảm cùng cực trong một nét nhục dục lưỡng tính.

Ngược lại, Đồng Nữ cũng hết lòng sủng ái cặp tình nhân đồng giới này. Nàng tự nhận mình là tín đồ sùng mộ nhất của họ – những kẻ được cả nước Mỹ gọi là “những tay thời trang Ý”, nàng còn cho họ là hai trong số các đại diện của văn hóa Ý thuần chủng: “Khi mà những Fellini, Rossellini, Pasolini và Visconti đã không còn, tất cả những gì nước Ý có để vinh danh tinh thần văn hóa quốc gia là thời trang duy thực của Dolce và Gabbana.”

Tình ái và sự nghiệp, dường như họ có tất cả, và vẫn là chưa đủ. Họ có số điện thoại của Madonna trên phím gọi tắt, 200 cửa hiệu khắp thế giới, 2000 nhân viên và hơn 579 triệu bảng Anh niên lợi. Họ là bạn bè hữu hảo của các đệ nhất minh tinh, họ khinh thị và chối từ thế lực tài chính của các tập đoàn cá mập LVMH và Gucci lúc này đang thèm thuồng tuyệt vọng trước con mồi khó nhậu. Hai thành viên hội đồng quản trị duy nhất của Dolce&Gabbana là Dolce và Gabbana, và họ duy trì điều đó một cách an nhiên nhưng đầy bài bản: “Chúng tôi cũng sẽ chẳng hề hối tiếc nếu thứ duy nhất chúng tôi đóng góp cho thời trang thế giới chỉ là một chiếc áo lót màu đen, Nó sẽ là cái đẹp nhất!”

Ngạo nghễ và bất chấp là thế, hẳn nhiên, cặp đôi bất bại cũng có cho mình những cú va chạm và cả những cuộc lật đổ. Tháng Giêng 2007, shot quảng cáo của D&G bị la ó rầm rĩ tại Anh-quốc, với những người mẫu tay cầm dao găm đâm chém loạn xạ. Chỉ một tháng sau đó, D&G lại tiếp tục bị giới chức Tây Ban Nha và Pháp cự nự đòi tẩy chay khi quảng cáo tại Madrid và Paris hình ảnh một nam nhân đẹp như thần đang vật một phụ nữ xuống đất, trong khi một nhóm tu mi nam tử khác đứng bu lại nhìn ngó và tạo dáng rất điệu. Lên tiếng hùng hổ nhất là Bộ Lao động và Xã hội Tây Ban Nha, với luận cứ rằng hình ảnh trên là vi phạm pháp luật và sỉ nhục phụ nữ, cho dù các fashionista Tây Ban Nha vẫn khăng khăng rằng họ sẽ khó lòng thấy nhục dẫu có bị vật mạnh hơn thế nữa!

Định dạng Dolce&Gabbana

Không chỉ với những cú ghi điểm lẫy lừng với các thiết kế trang phục như giải Woolmark Award 1991, danh hiệu dòng nước hoa nữ xuất sắc nhất năm 1993 cũng là một sự ghi nhận chân thực quyền lực Dolce&Gabbana trong thế giới mùi hương. Tại Hollywood – thành phố của những minh tinh, họ nghiễm nhiên là lựa chọn hàng đầu. Điều này hiển nhiên dẫn dắt đến cuộc ra mắt cửa tiệm nhà Dolce&Gabbana đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 1995, ngự ngay thánh địa mua sắm thượng đẳng The Galleria, Houston. Đó cũng có thể được xem là một cú chinh phục cuối trước khi cơn mê đắm hai mẫu tự D&G chính thức khởi phát ồ ạt trên toàn thế giới, các cửa tiệm Dolce&Gabbana, như một vụ nổ lây lan, liên tiếp cát cứ tại những thánh địa thời trang mọi nơi trên thế giới, và lập tức trở thành biểu tượng đầy kiêu hãnh của thời trang cao cấp và văn minh couture.

Dolce&Gabbana được chia làm hai dòng chính: D&G và Dolce&Gabbana. D&G hình thành các nhánh thời trang thân thiện về cả thiết kế lẫn giá cả, trong khi Dolce&Gabbana mang nặng tinh thần haute couture xa xỉ. Mỗi dòng đều có các thiết kế áo tắm và nội y riêng biệt. Mô hình đăng đối này khiến Dolce&Gabbana duy trì được thế cân bằng giữa tính thương mại thực dụng và đẳng cấp hàng đầu của couture Ý, được trợ thủ cực kì hài hòa và đắc lực bởi các dòng nước hoa, mắt kính, giày, v.v…

Dolce&Gabbana là tất cả khía cạnh ồn ào, chói chang nhất của thẩm mỹ thời trang Ý. Thiên biến vạn hóa, đầy ngẫu hứng và bất ngờ, đó là khi thời trang nằm ngoài khái niệm che đậy thân thể. Mỗi thiết kế phải được cân nhắc hoàn hảo để trở thành những bộ khung, vỏ bọc hay bệ đỡ mỹ lệ nhất của cơ thể sống bên trong. Đến một mức độ nào đó, chúng vượt qua yếu tố tôn vinh thân thể mà trở thành một tạo vật được tạo hình hài hòa bởi những đường những khối nhồi lượn phập phồng bên dưới. Chúng ồn ào, diêm dúa, nhưng khúc chiết một cách kinh điển trong cấu trúc, tận dụng khai thác từng đường nét thể hình nhỏ nhất để phô bày trưng trổ. Dẫu đó là một chiếc áo khoác, váy, hay suit.

Trong các thiết kế của Dolce và Gabbana, người ta còn không thể không nhận ra nét hài hước ngỗ nghịch của những người đàn ông miền Nam nước Ý này, ảnh hưởng ít nhiều bởi tư tưởng cùng thời của Jean Paul Gaultier, thể hiện rõ qua các thiết kế corset vốn là thuộc tính biểu trưng của gã phá đền bạo tay này. Những chiếc corset của Dolce và Gabbana còn thể hiện nỗi đam mê ám ảnh của họ về phong cách va-va-voom di-gan đô thị, của vẻ thô thiển trác táng được trau chuốt bởi kỹ năng cắt may thủ công tuyệt nghệ. Đây cũng là nét hoài cổ trầm mặc luôn phảng phất trong các cuộc chơi tạo hình của Dolce và Gabbana. Họ khai quật những mẫu trang phục truyền thống của thời tiền-bình-đẳng-giới, cường điệu chúng lên bằng thẩm mỹ vị lai và tất cả những bảng màu sặc sỡ nhất.

Dolce & Gabbana cho tất cả

Dù với sự ngạo mạn, thất thường giữa hoài cổ và vị lai ấy, Dolce&Gabbana vẫn là một thương hiệu nóng của thị trường ready-to-wear thân thiện, đặc biệt tại Ý. Những năm cuối thế kỷ, dòng ready-to-wear của D&G đã mang lại món niên lợi 500 triệu Mỹ kim. Từng mẫu thiết kế ready-to-wear của D&G cho đến những bộ váy hào nhoáng xa xỉ của Dolce&Gabbana đều tuân thủ một tinh thần xuyên suốt: vẻ lộng lẫy thượng hạng, gợi cảm không e lệ, và nét hoài cổ cầu kì. Từng thiết kế mang tên cặp đôi quyền lực đều nồng nặc nhục dục trong bộ dạng ngạo mạn thượng tầng, ồn ào, lưỡng tính, và duy nhất! Và tinh thần đó được rải khắp thế giới qua sự có mặt của các cửa tiệm Dolce&Gabbana mỗi ngày thu hút hàng hàng lớp lớp lượt vào ra của các tín đồ tại Hoong Kong, Singapore, Đài bắc, Seoul, cùng khắp Âu châu cho chí Hoa Kỳ.

Người ta coi Domenico Dolce và Stefano Gabbana là những nhà ủy lạo nhiệt tình của phong trào bình đẳng giới, những kẻ làm nên phong độ mẫu mực của thế hệ đại nữ thành thị – mạnh mẽ, độc lập và hưởng thụ đến cực cùng lạc thú cuộc đời. Họ phá vỡ những lằn ranh của thẩm mỹ, của văn hóa, và tài tình để dành lại một phần đáng kể cho óc tưởng tượng của kẻ háo hức ngắm nhìn để hoàn tất bức phù điêu Vệ Nữ mang nhãn D&G.

Để có được những thiết kế ngời sáng thảm đỏ showbiz thế giới, những show diễn luôn khiến những hàng front-row dày đặc yếu nhân thời trang phải đứng bật dậy tán thưởng, trong phần còn lại của thế giới phải tiêu hao không ít tiền của, Dolce và Gabbana còn được biết đến bởi một phong cách bất di bất dịch: bạo liệt, sắc sảo và thuần túy gợi cảm với tuyệt chiêu tôn vinh tối đa vẻ đẹp cơ thể của người mặc. Giai nhân trứ danh Ý Isabella Rosselini kể rằng món đầu tiên của nhà Dolce&Gabbana mà nàng có là một chiếc sơ-mi trắng mà theo bà là “Thuần khiết, trinh bạch, nhưng với một form cắt khiến cho bộ ngực trông như sắp bật tung khỏi những chiếc khuy trêu ngươi.”

Người ta có thể “nhận diện” dấu ấn D&G, và một cách vô tình, Dolce và Gabbana thiết lập một phong cách thời trang để bất cứ tín đồ ranh mãnh nào cũng có thể “trông rất Dolce&Gabbana”, dù không hẳn có một món nào trên người mang tên họ! Bảng màu bạo liệt, form ôm sát nhưng tôn vinh hơn là tố cáo, những họa tiết in to bản, và lộ khe ngực càng nhiều càng tốt! Nếu một diva muốn trông thật gợi cảm mà không cần xăm chữ “sexy” lên trán, thì Dolce and Gabbana là hai người đàn ông mà họ cần.

Các chàng Romeo không thể có tất cả!

Họ có tất cả những gì khiến họ trở thành thần tượng của toàn thể giới gay trên thế giới: sự nghiệp, một mối tình bền vững, tột đỉnh danh vọng trong làng thời trang và một lối sống kiêu hãnh đế vương. Nhưng, hẳn nhiên, Thượng Đế không cho họ thật sự tất cả. Stefano là người đầu tiên nhận ra điều này, sau khi mối quan hệ của họ tan vỡ, và ông nhận ra, ngoài thời trang, không có một sự ràng buộc gắn kết nào là vĩnh cửu.

Năm 2005, trước sự sững sờ thảng thốt của cộng đồng gay thế giới, cặp uyên ương đồng tính tuyên bố chia tay. Gabbana cho biết họ đã dần xa cách trong khoảng 5 năm trở lại. Để xoa dịu các fashionisto và fashionista, Dolce và Gabbana vẫn duy trì một tình bạn khắng khít, và trên hết, vẫn là đôi song kiếm hợp bích tài hoa của thời trang Ý. Đằng sau một mối tình chết, cả hai vẫn có một “đứa con chung” là thương hiệu kiêu hãnh và quyền lực Dolce&Gabbana – điều đã gắn kết hai người đàn ông ấy lại với nhau, không chỉ bằng tình ái.

Domenico xoa dịu nỗi hoang mang của các tín đồ về cuộc chia loan rẽ thúy “Chúng tôi sẽ vẫn là cộng sự của nhau như trước giờ. Trong phương diện chuyên môn, chúng tôi vẫn là một nửa kia hoàn hảo của nhau, tương tác tuyệt vời và thông hiểu nhau thấu đáo nhất. Điều đã từng xảy ra trong quá khứ, sẽ được giữ nguyên như vậy, và sẽ mãi là như vậy. Chúng tôi có cùng một mối tình mãnh liệt, dù đó không còn là mối tình giành cho nhau.”

Họ chuyển đến ở tại hai căn hộ khác nhau trong cùng một tòa nhà tại Milan. Thương hiệu mang tên hai người giờ đây đã trị giá 350 triệu bảng với một danh mục thân chủ gồm cả Monica Bellucci, Beyonce, Kylie Minogue và cả bà Vic kiểu cách sành điệu. Dù cả hai đều đã có cho mình những mối quan hệ riêng, họ cùng cam kết không để mối ghen tuông của những người tình đến sau can thiệp và làm thương tổn đến sự nghiệp chung. Domenico cho biết: “Đây chỉ là vấn đề của việc ‘giáo dục cảm xúc’ sao cho khéo léo. Đương nhiên, nói thì dễ hơn rất nhiều. Dẫu sao chúng tôi cũng đã sống cùng nhau 19 năm, với sự đam mê nằm trong tất cả, từ thân thể xác thịt, cho đến tình yêu thật sự nằm sâu bên trong.”

Trong khi đó, Stefano xác tín rằng bất cứ người tình nào về sau của ông cũng phải chấp nhận và thuận thảo với mối quan hệ khắng khít của ông với Domenico: “Tôi luôn thẳng thắn và rõ ràng về việc này. Tôi có một mối ràng buộc khắng khít với Domenico. Chúng tôi từng ở bên nhau suốt ngày, thế rồi về đêm, chẳng mấy khi còn nhìn thấy nhau.”

Đứa con của Stefano Gabbana

Có vẻ như Stefano đã bị tác động mạnh mẽ bởi sự chia tay này có phần hơn hẳn Domenico. Chỉ không lâu sau khi chia tay, giới thạo tin đã kịp lan truyền ao ước của ông về…một đứa con.

Đây cũng là khi mà nước Ý đang chao đảo khi một bộ luật mới đang được đệ trình lên chính phủ, yêu cầu dành cho các cặp đôi không kết hôn, gồm cả những cặp đồng tính, các quyền lợi hợp pháp như những cặp đã kết hôn. Người đàn ông Một-Nửa-Quyền-Lực của thời trang thế giới thừa nhận: “Tôi thèm có một đứa con vô cùng, một giọt máu thật sự của tôi chứ không phải là một đứa con nuôi bất kì. Tôi không nhẫn tâm nhưng cũng không đủ mạnh mẽ. Tôi đơn thuần là muốn có cho mình một giọt máu thành hình, một thứ quả ngọt đâm nảy từ hạt mầm của chính tôi. Đương nhiên là tôi chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo vì chuyện tôi làm tình với một người mà tôi không yêu.”

Hẳn nhiên, cả thế giới biết Stefano yêu phụ nữ. Ông tôn vinh cơ thể họ và làm ra cho họ những bộ váy trác tuyệt, chứ không phải để làm tình cùng họ.

“Hiện thời tôi đang rất yêu một người, nên tôi mong tìm được một người phụ nữ thích hợp để cậy nhờ. Một tuần trước, tôi hỏi nhờ một người bạn thân, cô ấy nhỏ hơn tôi 12 tuổi. Cô bạn nọ đã hết hồn cho đến tận ngày hôm sau, khi cô ta gọi lại cho tôi, cô ấy vẫn chưa hết shock nhưng cũng nghĩ rằng đó là một ý hay.”

Gabbana không cho biết thêm liệu đó phải chăng đã là một lời đồng ý: “Tôi vẫn luôn tin rằng trẻ con cần được sinh hạ và giáo dưỡng bởi đàn ông và đàn bà, chứ không phải bởi các cặp tình nhân đồng tính. Bản thân tôi, tôi không tưởng tượng được quãng đời thơ ấu của mình mà không có mẹ. Và tôi cũng cho rằng việc tách đứa trẻ ra khỏi người mẹ là một hành động vô nhân.”

Ông cũng nói thêm rằng thời kỳ khủng khiếp nhất cuộc đời ông đã là khi chia tay với Dolce sau hơn 20 năm bên nhau: “Đó đã là một cú shock dữ dội. Tôi ngỡ ngàng khi thấy anh ấy thản nhiên vượt qua nỗi đau chia tay, thản nhiên như bất cứ cặp đồng tính hay dị tính nào mà tôi biết. Chúng tôi vẫn ở bên nhau, một phần bởi đã cùng có với nhau một mối tình tuyệt đẹp. Giờ đây tôi đã ở bên một người khác, nhưng Domenico sẽ mãi đặc biệt và quan trọng nhất trong đời.”

“Chúng tôi đã khéo léo duy trì mối quan hệ công việc và tình bạn, chứ không để cuộc chia tay biến thành sự tan rã của thương hiệu. Điều đó đã không hề dễ dàng cho cả hai, nhưng chúng tôi đã thành công.”

Ngay vào thời điểm những tâm sự này của Stefano Gabbana được công bố, cũng là lúc tòa thánh Vatican phản ứng gay gắt dự luật bình đẳng cho các cặp đồng tính và dị tính không kết hôn trước Chúa. Trên trang nhất tờ báo ngôn luận chính thức của Vatican là L’Osservatore Romano là hàng tít “Giáng sinh 2006: Tiễu trừ giá trị gia đình là tôn chỉ của luật pháp Ý.”

Cuối cùng thì “Romeo và Romeo” đương đại cũng không nằm ngoài quy luật khắc nghiệt dành cho những kẻ không may hòa lẫn ái tình và sự nghiệp. Nhưng liệu Stefano có vượt qua được đạo luật của tòa thánh và một lí lẽ tưởng như hiển nhiên rằng người đàn ông đồng tính không có quyền làm cha?

“The show must go on!”

Ở Milan, thời trang còn là công nghệ biểu diễn, và mỗi show diễn mang tính sống còn đến quyết liệt đối với từng hãng thời trang. Đó là kinh doanh, lợi nhuận, và danh dự đối với mỗi nhà thiết kế, thậm chí với cả những khách mời danh giá của những hàng ghế đầu.

Ở Milan, không có gì có thể làm hoãn hay gián đoạn một buổi diễn, dù có trùng ngay vào những đêm trao giải Oscar thu hút sự chú ý của cả thế giới, hay một vụ kiện trốn thuế quy mô lớn mà bị cáo là cặp đôi quyền lực Dolce – Gabbana.

Buổi trình diễn bộ sưu tập mới của Dolce&Gabbana vừa qua đã không may diễn ra vào đúng đêm sự kiện trao giải Oscar. Tất nhiên là khó lòng có mặt một minh tinh sáng giá hay nhân vật Hollywood thượng lưu nào trong khán phòng, mà đa phần là những nhân vật nội giới làng thời trang không mặn mà lắm với đại lễ ciné. Mọi ống kính của truyền thông thế giới đổ dồn về Los Angeles, và tuần lễ thời trang Milan bị bỏ rơi ra bên ngoài sức hút khổng lồ của thảm đỏ Oscar.

Điều đó kích hoạt thói lắm chiêu và hãnh tiến của giới thời trang Ý trong cuộc chiến không khoan nhượng giữa thảm đỏ Oscar và runway Ý, mà hung hãn hàng đầu là cặp song hổ Dolce-Gabbana. Ngay trong khi các cục cưng màn bạc của họ đang hãnh diện lượt là trong các bộ váy haute couture mang chữ ký Dolce&Gabbana, thì tại Milan, hai nhà thiết kế tiêu khiển cho khán phòng của mình bằng cả hệ thống Wi-Fi, cho phép đăng công khai mọi lời nhận xét về show diễn lẫn các bàn tán ngoài lề trực tiếp lên màn hình khổng lồ phía trên catwalk. Các câu comment từ những tín đồ theo dõi buổi diễn trực tiếp online, được post trực tiếp bằng smart phone và Blackberry, hiện lên màn hình ngay giữa buổi diễn, như một đại hội buôn chuyện của tín đồ thời trang thế giới đến tận hàng front-row danh giá của tuần lễ thời trang Milan. Dolce và Gabbana tâm đắc cho rằng thủ thuật này sẽ cộng hưởng cho công nghệ trình diễn thời trang thêm một yếu tố mang tính giải trí tương tác và một sắc diện “dân chủ” cho quyền lực thời trang thượng tầng.

Những comment từ vô thưởng vô phạt đến tán thưởng sâu sắc, hoặc châm chích khôi hài, từ “cám ơn những ly vang đỏ!” từ một khách mời hàng ghế thứ tư, cho đến “Trời ơi, thứ này bao giờ mới có ngoài tiệm vậy?” của một fashionista ở tận Đài Bắc được hiển thị trên background, xen lẫn với những hình ảnh truyền trực tiếp từ hậu đài, với huyền thoại Stefano Gabbana, mục kỉnh trượt trên mũi, tay vung vẩy ống keo, phủi sạch từng xơ vải trên các mẫu sắp được tung lên catwalk, mồm vẫn nhai gum tóp tép, hay cảnh các chân dài lênh khênh nháo nhào sấp ngửa ngay sau màn nhung. Không khí loạn lạc của hậu đài ấy, vốn được coi là một “thế giới ngầm” của hào quang thời trang xa xỉ, cũng được chia sẻ với các tín đồ trong khán phòng và trên toàn thế giới, như một cuộc xuống đường của thực tế thời trang.

Mặc nhiên với tính giải trí công nghệ cao của những cái đầu Ý, thuộc tính thời trang của show diễn vẫn là điều tối trọng. Bộ sưu tập mang cái tên gợi cảm một cách huỵch toẹt Sensuality: Masculine-Feminine. Các người mẫu được phủ lên toàn thân một lớp đăng-ten đen, những kiểu váy bó sát rạt bằng thun jersey, giày cao gót, những mảng miếng đong đưa à ơi trải dài catwalk. Điều khiến Sensuality: Masculine-Feminine gai góc và khác biệt chính là cuộc tập kích ồ ạt của những kiểu quần dài nam tính, sơ-mi trắng, và những làn môi cong tớn, tặng kèm cú đá lông nheo điệu nghệ bên dưới vành mũ đàn ông. Tất cả đặc sệt một màu sắc dục tình lưỡng tính. Mặt khác, cài cắm yếu tố thương mại thực dụng một cách tài tình, nét nam tính và yếu tố tinh xảo của kỹ thuật cắt form khiến những thiết kế này thân thiện với cả các diva công sở, và chỉ cần thêm một hàng nút buông lơi trên chiếc sơ-mi “trinh bạch”, sẽ thừa độ nóng cho những cuộc tán tỉnh nóng hổi dưới ánh đèn nightclub. Một cuộc tấn công không khoan nhượng vào quỹ mua sắm của mọi tín đồ nhạy mốt nhất trên khắp hành tinh.

Bộ sưu tập lần này của Dolce&Gabbana còn là cú lăng-xê các họa tiết hình ngôi sao to tướng. Màn hình sáng rực những comment tung hô “Tinh thần retro-70s bất diệt! Cool quá thể!”, hứa hẹn sẽ tạo sốt và hoành hành trường phái đường phố cao cấp đương thịnh của thị trường thời trang thế giới.

Tuy không có một động thái kiểm duyệt comment nào từ phía bộ đôi quyền lực, nhưng trên màn hình tuyệt nhiên không thấy có một lời bàn ra tán vào nào về tình hình vụ kiện trốn thuế với con số lên đến 416 triệu bảng đang nhằm vào Dolce và Gabbana, mà cặp đôi vương giả đang chối đây đẩy và cực lực kêu oan.

10 ngày trước đó, các luật sư phía Dolce và Gabbana một lần nữa đã thuyết phục thành công việc trì hoàn phiên tòa sơ thẩm thêm một tháng trước khi Dolce và Gabbana thật sự trở thành tâm điểm của mọi chiều chiếu rọi của dư luận, truyền thông và pháp luật.

Với tốc độ vững chắc nhưng chậm chạp của toàn cảnh công nghệ thời trang Ý, dù vừa ăn mừng 25 năm chính thức khai trương thương hiệu, Dolce và Gabbana vẫn được xếp vào hàng “thế hệ mới” của tuần lễ thời trang Milan giữa các tên tuổi thế lực như nhà Gucci tròn 90 tuổi, Fendi 86, và Salvatore Ferragamo 83. Với con số 25 tròn đầy thịnh vượng, bộ đôi Dolce và Gabbana vẫn đang là cặp hổ tướng đầu trò mọi cuộc cách mạng thẩm mỹ ngoạn mục cho mỗi mùa thời trang, và hà hơi vào đó những luồng sinh khí trẻ của tính đường phố đặc chuẩn Ý, nhưng dành cho thị hiếu tín đồ toàn cầu.

Trước tuần lễ thời trang Milan, cả hai cùng đứng ra tổ chức sự kiện vinh danh các tài năng thiết kế trẻ, được hào phóng tôn vinh bằng các bộ sưu tập phụ trang phụ kiện của Dolce&Gabbana tại một tiệm flagship của họ tại Milan.

Cũng như nhà Burberry của Anh quốc, Dolce và Gabbana đang tiên phong trong trào lưu phối hợp thế lực internet và các mạng xã hội để phát triển và quảng bá thương hiệu theo hướng dân chủ, như một chiến lược dân chủ điệu nghệ của các tay couturier thức thời. Ngoài mảng miếng tương tác online trong show diễn vừa qua, Stefano Gabbana còn là một Tweeter nặng nghiệp, đang tạo cả một cơn sốt follower hừng hực trên cộng đồng này hướng về những thuộc tính Italy đầy kiêu hãnh mà ông không ngừng ủy lạo: thú tắm nắng, những bãi biển, âm nhạc, các biểu tượng emoticon ngộ nghĩnh, và, đương nhiên, cả những bức ảnh đầy thi vị thời trang của chính mình với các người mẫu và celebrity.

Ngay sau buổi diễn, tất thảy các fashion blogger khét tiếng ở khắp nơi trên thế giới được mời đến các cửa hiệu của Dolce&Gabbana, nơi họ đích thân sử dụng các thiết kế có trong cửa tiệm và tái thiết lại cửa kính trưng bày theo phong cách riêng của mỗi người. Cú PR thông minh đầy tính cách mạng này đã khiến mạng lưới tông đồ – tín đồ của Dolce&Gabbana tăng lên theo cấp số nhân, và bằng tốc độ của một cú click.

Chit chat với Dolce & Gabbana

Người ta có thể có một anh bạn gay thân thiết để chơi trò best-friend-forever và vừa đắp mặt nạ dưỡng da vừa buôn chuyện với nhau. Nhưng một dịp chit chat với cùng một lúc một cặp đồng tính huyền thoại và quyền lực như Dolce và Gabbana, không phải fashionista nào cũng dám mơ đến.

Hãy nghe họ tâm sự về những điều nhỏ nhặt nhất, và cả những nuối tiếc còn vương vất sau cuộc tình đã thành huyền thoại của làng thời trang.

Stefano Gabbana:

Chúng tôi hầu như không có với nhau một bức ảnh chụp chung mang tính riêng tư nào, đơn giản là cũng trong ngần ấy năm, chúng tôi không còn có dịp để đi nghỉ ở đâu cùng nhau nữa. 10 năm đầu của mối quan hệ là bởi điều đó quá xa xỉ cho cả hai người, và sau 10 năm, chúng tôi không còn lí do gì để đi chơi cùng nhau nữa cả. Những bức ảnh hiếm hoi chụp chung của chúng tôi là cho những bài phỏng vấn trên các tạp chí. Trong một tấm, tôi chợt nhận ra mình chẳng thay đổi chi mấy, cũng vẫn sơ-mi trắng và jeans, đeo một lèo hai chiếc đồng hồ, một cái Cartier, cái Rolex là của Domenico tặng.

Cả đời, tôi đeo cà-vạt đen được đúng 3 lần. Thậm chí tôi không biết cách tự thắt nút cà-vạt. Một lần, tại buổi ra mắt một vở opera, Domenico đến sau để tìm thấy tôi đứng ẩn mình vào một góc, đang rối rít vẫy ‘Nhanh lên, làm ơn thắt giùm tôi cái cà-vạt!’ Bằng không, tôi thà mặc tuxedo với quần jeans và đeo một cây thánh giá. Nhưng dạo này, tôi bắt đầu đeo thánh giá lên chiếc quần lọt khe bằng da, không hẳn là món bling-bling phô trương, hơi hippy một chút, dù tôi cũng chẳng phải là dân hippy. Cây thánh giá này là quà của nhân tình hiện nay của tôi. Bạn bè thường than vãn rằng rất khó chọn mua quà cho tôi, nhưng thực tình không phải vậy. Tôi đương nhiên là không lấy giá trị của món quà làm trọng, tôi cũng không cần một bức vẽ của Julian Schnabel. Tôi không làm bộ làm eo, tất nhiên là tôi sẽ rất thích nếu có được bức họa đó, nhưng điều làm tôi đê mê sung sướng nhất là những món quà nho nhỏ, những thông điệp ngọt ngào từ người tình.

Tôi thích jeans bó sát, nhưng ngần này tuổi rồi, tôi không muốn mình trông lố lăng như hề lạc thời. Quần thụng thì không phải thứ tôi ưa, nhưng chỉ cần vừa vặn và thoải mái, và với tôi, thoải mái có nghĩa là không nhất thiết phải rất, rất, rất bó. Thế là tôi vào tiệm của mình mà mua quần, được giảm giá những 50%.

Chất denim luôn nằm trong những nỗi ám ảnh ký ức của tôi. Tôi nhớ mình mặc quần Levi’s hồi năm 12 tuổi. Hồi đó, bọn trẻ choai choai ở Milan phát sốt vì nhà Fiorucci nhưng hồi đó cỡ tôi làm gì mua nổi thứ đó. Tôi có cả một bộ sưu tập những chiếc túi mua hàng của Fiorucci, mẹ tôi vẫn giữ cùng với mấy cái hình dán stickers thuở nhỏ. Bây giờ thì tôi mời đích thân Elio Fiorucci đến các buổi diễn của chúng tôi. Ông ấy quả tình xứng mặt tiền nhân.

Khi tôi gặp Domenico, anh chàng là một nạn nhân thời trang thật sự. Tôi mua đồ ở mấy tiệm second-hand và bị mắng là đồ ngu. Mẹ tôi cũng điên tiết vì sở thích này của tôi: ‘Xem này, quần thủng đít! Con ăn mặc như đồ du thủ du thực vậy! Ngó vô kiếng đi!’, còn tôi thì cứ khăng khăng ưa thích mấy cái quần second-hand của mình. Mẹ tôi vẫn là một tín đồ thời trang tuẫn tiết. Bà xưa kia làm nghề giặt ủi, nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh bà chưng diện trong bộ suit đỏ thắm, với chiếc áo jacket mini, quần loe, bộ tóc giả (khi đó đang là mốt tóc giả) to phồng chải chuốt. Và với lệ bộ như thế, bà dẫn tôi đi mua sắm. Bây giờ thì tôi là người chăm sóc cho cả gia đình, như một cách tri ân, đối với cả gia đình Domenico nữa. Không có họ, sẽ không có một Stefano Gabbana của thế giới thời trang.

Khi tôi và Domenico chia tay, nỗi buồn có thể lắng lại trong tim trong óc, nhưng tuyệt đối không vương mảy may lên những bộ cánh nhà Dolce&Gabbana. Tôi không phủ nhận mình mê tiền và lối sống xa xỉ mà nó mang lại. Đáng tiếc, tôi có một tòa thự tuyệt đẹp ở Portofino, nhưng mỗi khi tôi buồn, quay về nơi đấy, tôi cũng chả hề thấy hạnh phúc hơn tẹo nào. Tôi có một chiếc du thuyền, nó cũng không có công dụng biến nỗi buồn thành niềm vui. Tôi du lịch tứ phương trong chiếc chuyên cơ riêng, khi tôi lên máy bay hay khi bước ra khỏi đó, tâm trạng của tôi cũng chẳng có gì thay đổi. Tôi không chỉ là một nhà thiết kế thời trang, tôi còn là một con người.

Tôi không bao giờ mang chuyện giới tính hay tình dục ra mà bàn thảo với gia đình. Sau khi tôi 18 tuổi, họ biết, chỉ như thế. Tôi chỉ bắt đầu thật sự nói về chuyện đó với họ năm 32 tuổi, như một sự giải thoát. Ý tôi là về tình ái, chứ không phải tình dục. Trước đây, khi còn trẻ, tôi sợ nói về những điều này, dù biết rằng mình khác biệt từ khi 5 hay 6 tuổi gì đó. Nhưng tôi sợ rằng nếu nói với mẹ tôi, rất có thể bà sẽ không còn yêu thương tôi nữa.

Người yêu của tôi bây giờ hoàn toàn không muốn dính dáng gì đến Dolce&Gabbana, và tôi hài lòng vì điều đó. Dù trong bất cứ trường hợp nào, chuyện tình giữa tôi và Domenico vẫn chưa bao giờ thật sự kết thúc, có nhiều cách để yêu thương, và là những người tri kỷ, là một cách.”

Domenico Dolce:

Hồi đầu, bọn tôi bị chê là lũ lôi thôi nhếch nhác. Khi đến London lần đầu tiên, chúng tôi đã bị choáng ngợp hoàn toàn bởi sự ưu ái hào phóng. Ở đó, người ta cứ tưởng chúng tôi là những thành viên của một boyband nào đó. Từ hồi đó đến giờ, phong cách cả hai hầu như vẫn vậy, dù trước đó tôi đã từng mê mệt Montona, Versace và Armani. Hồi tuổi teen, tôi ưa mốt quần nhung sọc và áo cũng sọc, hầu hết của nhà Clarks.

Bây giờ thì hầu như tôi luôn mặc T-shirt khi vui. Sinh ra trong một gia đình truyền thống nghề may, cả tuổi thơ tôi lớn lên giữa những câu chuyện về thời trang, hay nói một cách khác, tất cả mọi thứ trong cuộc đời tôi đều xoay quanh thời trang. Vậy mà đến tận bây giờ, phong cách trang phục của tôi vẫn không thay đổi là mấy, có chăng là khác biệt về độ dày mỏng của chất liệu – cashmere cho mùa đông, và cotton cho mùa hè. Và cả quần jeans nữa.

Đối với tôi, một trong những điều tuyệt vời nhất là ngắm nhìn người khác, những người bình thường, mặc những thiết kế của mình. Cũng có những lúc tôi nhìn thấy một ai đó mặc đồ D&G và thoáng nghĩ trong đầu “Ôi trời, không!”, nhưng bạn chẳng thể chặn thiên hạ giữa đường mà bắt người ta về nhà thay đồ.

Tôi có món đồ “hên” nào không? Có, nhưng đó là bí mật. Tôi có từng phạm sai lầm trong thời trang? Có, nhưng tôi không nói đâu. Tôi không thích mặc thứ gì nhất? Tôi có gout riêng, nhưng tôi không bao giờ nói không bao giờ.

Tin giờ chót: “Hân hoan” báo tử D&G!

Cho đến mùa tuần lễ thời trang Milan vừa qua, thương hiệu song hiệp hùng mạnh vẫn ngạo nghễ với sự tồn tại an nhiên qua bao mùa đại loạn của kinh tế thế giới trong suốt 26 năm tồn tại. Con dân phố Wall có thể  nhảy từ tầng cao building xuống và trái đất có thể đang nóng lên, nhưng Dolce và Gabbana vẫn là “Kings of Blings”, mỗi mùa rải khắp địa cầu những món thời trang để khích lệ những mùa săn ráo riết nhất.

Một số nhà phân tích cho rằng sự phối hợp song toàn giữa dòng thời trang xa xỉ Dolce&Gabbana, dòng thời trang thân thiện D&G và dòng phụ trang – mỹ phẩm đã cho họ một thế kiềng 3 chân kinh điển vững mạnh để duy trì thế đứng, ngay cả khi các thế lực thời trang hàng đầu đang liên tiếp ngả nghiêng chao đảo, đặc biệt các đế chế haute couture.

Thế nên, quyết định xóa sổ dòng D&G – vốn luôn được mặc nhận là tinh thần nữ tính và được báo giới nhắc đến như một nữ nhân. “Nàng út” D&G sẽ được sáp nhập cùng với cô chị xa xỉ Dolce&Gabbana của song hiệp khiến cộng đồng tín đồ thời trang hoang mang. Phải chăng ngay cả các thành trì vững chắc nhất cũng đang co mình lại cho vừa vặn chiếc chăn quá chật của toàn cảnh thị trường thời trang thế giới?

Tuần lễ thời trang Milan vừa qua, bộ sưu tập D&G cuối cùng đã thượng sàn catwalk. Một cuộc diễu hành thật sự của sự trẻ trung và lộng lẫy. Từ backdrop trải dài lên catwalk là một tấm khăn lụa kẻ ô sáng chói, dẫm đạp lẫy lừng phía trên là những cặp trường túc hào hứng nện gót, những cô dâu diêm dúa đủ màu cuồng nhiệt theo giai điệu các bản remix đầy thái độ của Prince và James Brown. Vẫn là những gì người ta biết về D&G – với thẩm mỹ của một gái hot và tài khoản của một CEO.

Nhưng ngay vào khoảnh khắc cặp đại song hùng bước ra cúi đầu chào, khi mà khán phòng hả hê đổ tràn ra hứng ánh mặt trời hào phóng của Milan, các hộp thư điện tử của họ đã kịp nhận thông cáo đóng cửa nhãn hàng D&G. Và chỉ cho đến khi đó, tức là vài giờ sau show diễn vui nhộn cuối cùng, người ta mới ý thức được rằng đã vĩnh viễn không còn tồn tại một D&G trên bản đồ thời trang thế giới. Hai người đàn ông Ý đã quá kiêu hãnh để chấp nhận một cuộc giãy chết hình thức mà gần đây người ta đã chứng kiến quá nhiều. Cánh hồng rải tung trong không trung, các soundtrack nhạc kịch cổ điển bi tráng, những giọt lệ lịch thiệp chừng mực từ hàng ghế đầu,… tất cả đều bị từ chối. D&G ngã xuống, cười toe.

Họ đã chọn cách thông báo tin này đến nội giới thời trang như một tin vui, hơn là một lá thư giã từ hay tuyên bố phá sản: “Chúng tôi xin được hân hoan báo tin cùng quí bà, quí ông, rằng từ các mùa thời trang kế tiếp, D&G sẽ trở thành một phần của Dolce&Gabbana, mang lại một sinh lực mới cho các bộ sưu tập về sau của chúng tôi.”

Đây là một động thái hưởng ứng khá kì cục đối với lời kêu gọi của Mario Boselli, chủ tịch Viện Thời trang Ý đối với các nhà thiết kế hiện đang dành nhau từng suất diễn quý báu để có mặt trong lịch trình của tuần lễ thời trang Milan “Đây chính là cơ hội để tự vệ trước khủng hoảng, hãy hợp nhất!”

Trên thực tế, các tay buôn tin hành lang đã kháo nhau về quyết định này của nhà Dolce Gabbana. Nhưng phần lớn sự đồ đoán đều cho rằng nếu có một phần nào của quyền lực song hiệp bị thu gọn, đó sẽ là dòng xa xỉ Dolce&Gabbana, theo gương “cần kiệm” của những thế lực haute couture đàn anh đang phải nhẫn nhịn “dân chủ hóa” tính công phu và tag giá kiêu kì vốn có của mình. Để đáp trả, Dolce và Gabbana đưa ra quyết định cuối cùng cho dòng hàng vốn xưa nay mang lại một nguồn niên lợi khổng lồ cho thế lực của họ, đặc biệt tại thị trường châu Á là D&G. Họ muốn một lần nữa ngạo nghễ chứng tỏ quyền lực của lòng kiêu hãnh haute couture, có thể tùng quyền thỏa hiệp, nhưng bất bại và trường tồn.

Đây còn là một đòn chơi khăm oái oăm nhất lên đầu hội xì thẩu chuyên hàng D&G nhái tại Trung Quốc với một sản lượng không hề nhỏ các sản phẩm mang nhãn D&G, từ T-shirt, jeans đến các hàng phụ trang. Điều này cũng đồng thời là một tin đáng hân hoan cho các fashionista ranh mãnh, khi mà từ nay, các dòng thời trang thân thiện sẽ kiêu hãnh mang tên Dolce&Gabbana với một cú nhún mình lịch thiệp đẹp mắt của thế lực xa xỉ đến với thị trường thời trang đại chúng.

Tuyết Lan: cuộc thi chỉ mới bắt đầu!

Đang cựa mình ngoạn mục thoát khỏi cái vỏ trứng vỡ vạc của Việt Nam Next Top Model, Tuyết Lan đã kịp có thêm trong portfolio của mình một cuộc thử lửa với cuộc tìm kiếm khuôn mặt người mẫu Elite. Cô gái trẻ đang say sưa với những bước sải thật sự đầu tiên, với một diện mạo xứng đáng đại diện cho một chương hứa hẹn mới của thế hệ công nghệ biểu diễn thời trang phi-nghệ-sĩ, khi mà ngoài kia, nền công nghệ thời trang cũng đang cựa mình cố thoát khỏi cái vỏ “nghệ thuật giải trí” đã không còn hợp thời.

Cô không hứa hẹn một lời tuyên bố giàu TNT, hay một số đo đủ để nổ tung một trang bìa tạp chí dành cho nam giới.

Không, đây hẳn không phải là một diva nổi loạn để làm mồi cho cuộc khen chê của đại đồng công chúng.

Nhưng đây có thật sự là một “gái ngoan” làng thời trang?

Mắc áo thông minh và mắc áo có quá nhiều thái độ

“Hư” thì rõ ràng không phải, vì cái “tội” lớn nhất cô từng phạm phải là đi liên hoan với lớp đến tận sau nửa đêm. Nhưng có lẽ những ai nghĩ Tuyết Lan “ngoan” thì sẽ sớm hiểu rằng cô gái này không bước chân vào nghề thời trang để nhận những cái xoa đầu, và cô gái trẻ này cũng không phải dễ dàng để bẹo má.

Vì một lí do nào đó, người mẫu tại Việt Nam được, hay bị, coi là nghệ sĩ. Họ cũng phải hành xử như người-của-công-chúng-bị-mất-quyền-công-dân. Nhưng kì thực, xét về bản chất chuyên môn, chúng tôi không phải là những nghệ sĩ giải trí để rao bán hình ảnh cá nhân và câu chuyện cuộc đời. Cũng như mọi vị trí công việc trong một ê-kíp thời trang, người mẫu nên là một người chuyên nghiệp và ắt nhiên, không nên có quá nhiều ý kiến. Người mẫu không chỉ là những cái mắc áo, đương nhiên, vì chúng tôi là những cái mắc áo đẹp mắt, thông minh và chuyên nghiệp, và sẽ rất phiền với một cái mắc áo có quá nhiều quan điểm lẫn thái độ. Màu sắc cá tính của một người mẫu nên là ngôn ngữ không lời thể hiện trước ống kính camera. Thế giới hậu đài của các cô gái trẻ, đẹp, đầy tham vọng và có cả gót cao lẫn móng tay nhọn, đã quá đủ chất “thái độ” rồi. Tôi chỉ muốn làm công việc của mình thật tốt. Và mọi chuyện đều ổn cho đến giờ, những cuộc thi và những bộ ảnh, đó là tất cả những gì tôi đã dốc lòng ‘bón mớm’ cho công chúng, một cách hết mình và sòng phẳng, không hơn không kém.

Tôi đến từ một gia đình, và tôi bất bại!

Như bao cô gái dư thừa chiều dọc khác, Tuyết Lan cũng từng mặc cảm về chiều cao của mình. Cô thường thắc mắc vì sao mình…cao quá, cao hơn cả chị mình. Cô cảm giác mình bị “thừa” cơ thể và không biết làm gì với ngần ấy diện tích thừa thãi. Thậm chí đã có lúc cô nhỏ ước gì có thể…cưa chân cho thấp bằng chúng bạn. Nhưng cảm giác đó qua đi mau chóng khi vào những năm cấp 3, với ao ước phổ biến nhất của đám bạn đồng trang lứa là chiều cao, cô biết rằng mình may mắn, đặc biệt vì đã không tự cưa chân.

Tất cả mọi chuyện đều đổi thay từ đấy, kể cả mơ ước trở thành cô giáo. Và có lẽ cũng từ đấy, tiền đồ phía trước mất dần màu sắc bằng an và bình dị như đã được định sẵn. Nó đa sắc hơn, tối nghĩa hoặc hay ho hơn, nhưng trên hết, ẩn chứa đầy sự bất an đến thú vị. Đường runway không bằng phẳng như nó có vẻ, và đặc biệt trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh, nó gập ghềnh vô lường.

Nhưng cô nhỏ liều mạng, như bao kẻ trẻ trung và liều mạng khác, bị hút vào đường catwalk phiêu lưu ấy, bắt đầu với VNTM:

Tôi vốn là đứa nhóc có thể khóc ngằn ngặt đinh tai nhức óc hàng xóm khi bị mẹ bỏ ở nhà một mình, hẳn nhiên, việc chứng kiến quá trình thử thách, lột xác và trưởng thành của tôi qua sóng truyền hình là cả một giai đoạn “cách mạng định kiến” với mẹ tôi. Nếu như tôi bắt đầu sự nghiệp bằng một cách thông thường nào khác, ắt mẹ tôi đã chẳng thể tận mắt chứng kiến được những thử thách phía sau cánh gà.

Giờ đây, một khi đã thật sự nhập cuộc, tôi làm tất cả mọi thứ để bảo đảm xác suất “lành lặn” cao nhất cho bản thân. Một vài cú trượt chân hay xây xước, đối với mình có thể là không đáng kể, nhưng tôi có một người mẹ sau lưng mình, và khi tự chịu trách nhiệm cho bản thân, tôi còn chịu trách nhiệm luôn cho sự an vui của mẹ. Một cú sảy chân đối với bản thân tôi có thể chỉ có giá trị ngang một cục u giữa trán, nhưng với đấng sinh thành, tôi thậm chí không thể mường tượng được nỗi đau. Cuộc chơi  này là của tôi, và khi mẹ tôi còn dõi theo sau lưng, trong các xác suất mà tôi chọn không có hình ảnh mọt bại binh thất thểu!

Thử thách đầu tiên: Những Kẻ Khiếm Nhã

Trước khi đến với VNTM, kinh nghiệm trình diễn duy nhất mà Tuyết Lan có được cho mình là những bước chân lập cập trên đôi gót chỉ cao 5 phân của chương trình Thời trang và Cuộc sống

“Tôi biết mình cần một bàn đỡ, một thứ bàn đỡ có “lò xo” – đủ sức bật không phải để đưa tôi đến đích, mà là đến xuất phát điểm có lợi thế nhất.

Khi chỉ còn có tôi và Huyền Trang cùng đứng bên nhau chờ kết quả, khi ấy trong tôi chỉ có một suy nghĩ: “Cuộc thi sắp…bắt đầu!” Mà cũng đúng như vậy thật, dù đó là tôi hay Huyền Trang, chúng tôi cũng chỉ là hai cô gái đứng chờ sẵn ở vạch xuất phát. Vị trí thứ hạng có chăng sẽ cho mỗi người một điểm đứng ít nhiều lợi thế hơn mà thôi. Kết thúc Việt Nam Next Top Model, đối với tôi, chính là khi cuộc chơi thật sự bắt đầu”

Và “cuộc thi” khốc liệt ấy đã bắt đầu với những thử thách quái ác bất ngờ nhất, hầu như ,không mấy liên quan đến kỹ năng catwalk.

“Ngay từ những ngày đầu xuất hiện trong VNTM, việc lần đầu tiên ý thức được những người không quen đang “nhận ra” mình trên phố, tôi đã học cách nói khẽ hơn, tiết chế cả đến nụ cười, nhưng tôi khoan khoái và thụ hưởng điều đó. Nhưng ngay sau đêm trao giải, những tin nhắn khiếm nhã hơn rất nhiều đã bắt đầu hạ cánh xuống hộp thư điện thoại. Pha trộn trong tất cả cảm xúc, phải thừa nhận rằng cú “chào sân” này đã khiến tôi hành xử như một đứa con nít bị bắt nạt thật sự: ‘Tại sao họ lại lỗ mãng với mình vậy? Quyết định đi theo nghề người mẫu và chỉ số chiều cao của tôi đã cho họ một cơ sở để đánh giá nhân cách tôi vậy sao?’ Dằn vặt ghê lắm, và rồi cũng phải cho qua một cách bình thản hơn – cuộc chơi đang thật sự bắt đầu. Vào cuối ngày nhìn lại thì chẳng có gì là cá nhân ở đây cả. Họ không phải là người thân của tôi, ơn Trời, và tôi cũng không hề là bạn bè của họ. Họ đã hành xử đúng theo một tập quán hành vi riêng của họ, và tôi cũng sẽ làm đúng như vậy, theo cách riêng của mình. Rồi từ từ thì các bên cũng sẽ hiểu nhau thôi. Cuộc chơi này là của tôi, và tôi định là trong cuộc chơi ấy, họ không phải là những người làm luật. Tôi biết rằng họ làm vậy không vì họ đánh giá tôi thấp, chỉ là vấn đề lối sống. Có lẽ thế! Còn ngoài ra, tôi hoàn toàn an ổn với tình trạng nổi tiếng này. Ít nhất là khi nhận một lời khen rằng tôi đẹp, tôi sẽ không nghĩ rằng họ nói quá!

Đó không chỉ là những hệ lụy, bởi rất có thể đó là những món bonus của công việc nổi-tiếng-chuyên-nghiệp lắm chứ? Các mối quan hệ thú vị, hoặc thậm chí một cuộc tình chẳng hạn?

Tình yêu không nên, và chưa bao giờ nên là một bonus của nghề nghiệp. Của nhan sắc thì được. Bản thân một cô gái đẹp sẽ biết cách từ xoay sở cho mình những “lợi ích cộng thêm” ấy, nhưng nếu quá liều cũng chưa chắc là điều hay. Như thuốc bổ, hay nữ trang vậy. Càng nhiều càng khó biết đâu là món thật sự giá trị và đáng quý, tôi nghĩ là vậy.

Hãy để nước mắt chuyển hóa thành mồ hôi

Say máu chiến và được đào luyện bằng kinh nghiệm thực chiến trong cuộc đua trên đường runway trong và ngoài nước, có vẻ như người ta cũng sẽ chẳng ngạc nhiên nếu một ngày cô làm thí sinh trong một cuộc thi sắc đẹp.

“Á, không, trước khi bắt đầu một cuộc thử sức, tôi đã nhận chân sở trường lẫn sở đoản bản thân. Rõ ràng là với nụ cười kéo từ mang tai bên này đến tai bên kia, tôi không phải là nhan sắc mẫu mực cho một hoa khôi hay hoa hậu. Đương nhiên là tôi có khả năng diễn thuần thục với áo dài hay chụp beauty, nhưng một cuộc thi sắc đẹp thì không. Hơn nữa, cá nhân tôi rất cảm phục các hoa hậu giữ được danh hiệu và hào quang trong suốt nhiệm kỳ sở hữu vương miện. Đó là cả một áp lực về hoạt động xã hội mà tôi không cho rằng cá nhân mình có thể đáp ứng được. Dẫu sao thì một chuyến đi từ thiện nằm ngoài áp lực giữ vững danh hiệu, đối với tôi cũng đáng trọng không kém.”

Còn những cuộc “chiến chinh” mở rộng “bờ cõi” khác?

Lấn sân lãnh vực à? Tôi mới đang ở những đoạn đầu của runway sự nghiệp, sao phải toan tính chi chuyện vãn cuộc? Ca hát thì chắc là không rồi, vậy mà đó lại là phần thi năng khiếu của cuộc thi tìm kiếm người mẫu Elite (cười lớn). Đơn giản là vì ngay cả công ty đại diện của tôi cũng không nghĩ rằng đó là phần thi quan trọng trong một cuộc thi tìm kiếm người mẫu. Thế là tôi chọn mặc một chiếc áo dài và hát bằng tiếng Việt. Điều này đúng là có khiến tôi tự tin, nhưng không đủ để tôi tưởng rằng mình hát hay. Thú thật, tôi hát dở ẹc! Nếu để chuẩn bị một phần thi tài năng để thể hiện tố chất văn hóa vùng miền và sự năng động rõ nét nhất, nếu làm lại từ đầu, tôi thà chọn năng khiến là môn banh đũa. Dám chắc là sẽ vui và không ai đấu lại tôi môn này, còn ca hát thì tôi thích để cho những ca sĩ chuyên nghiệp làm điều đó hơn. Tôi là một người mẫu!”

Không thi sắc đẹp, không chọn lấn sân bừa bãi, bạn sẽ làm gì một khi tuổi nghề người mẫu không bao giờ là quá dài?

“Đó chính là thử thách của tôi. Với một nền công nghệ thời trang phát triển hơn, thị phần tiêu dùng tuổi trung niên mới là tiêu điểm chính của các nhãn hàng, điều này dẫn dắt theo tuổi nghề kéo dài hơn của người mẫu. Tuổi hưu non của người mẫu là một dấu hiệu rõ rệt của sự bán chuyên. Rõ ràng điều này đồng nghĩa với việc xem sàn diễn thời trang là sân khấu giải trí, nơi ưu đãi tuổi trẻ và nhan sắc, mà thiếu hẳn yếu tố thương mại. Hẳn nhiên là một Tuyết Lan thì không thể thay đổi cho cục diện công nghệ thời trang Việt được, nhưng tôi tin vào thời điểm của độ tuổi đó, tôi sẽ có thể đứng vào hàng ngũ những model gạo cội mà vẫn sải bước trên đường băng chuyên nghiệp.”

Catwalk Việt đã có những thế hệ người mẫu trung niên hệ tiên phong chưa?

“Chị Xuân Lan chẳng hạn, tôi xem chị ấy như một cái mốc để hướng tới. Tỉ lệ thuận với tuổi nghề là sự chín mùi trải nghiệm và phạm vi hoạt động rộng hơn, và cả sự chọn lọc của tần suất xuất hiện. Đôi khi tôi ước gì mình là thí sinh của mùa VNTM thứ 2 để được giáp mặt với những thử thách và cả sự khắc nghiệt của Xuân Lan. Chị ấy thu hút sự khâm phục chân thành nhất của tôi.”

Đó không phải là một vị giám khảo dễ chịu…

“Tôi thích điều đó, tôi cũng không phải là một thí sinh dễ bị dọa…”

Mùa đầu của VNTM đã quá êm đềm chăng?

“Tôi đã vượt qua, không trầy xước!”

Còn Elite?

“Về thời lượng thì không thể so sánh được với những tập lên sóng ròng rã của VNTM, nhưng thử thách thì khắc nghiệt không kém. Chỉ có một điều mà các đối thủ của tôi không hề biết, đó là họ tiếp lực cho tôi rất nhiều khi ồ à rằng “Người Việt Nam mà cũng… cao quá ta? Ở đó có…nhiều người mẫu không?” Chính nhờ họ mà tôi nghiến răng tỉnh bơ trong những buổi chụp hình tím tái giữa trời lạnh, và trả lời theo cách của tôi: Vâng, con gái Việt Nam cao ngồng, và người mẫu Việt Nam lì đòn như vậy đó! Vấn đề của cuộc thi lần này đối với tôi không còn là kết quả nữa.

Dẫu vậy, không thể không tiếc nuối khi cuộc chơi ngừng lại với tôi ở ngoài vòng top 15. Thật ra tôi đã thất vọng và ngỡ ngàng cho nhiều thí sinh khác hơn là cho chính mình. Họ đều đẹp và điêu luyện trong quan niệm của tôi, và tôi tiếc đến sững sợ khi họ cũng phải chấm dứt cuộc đua quá sớm cho họ. A, ít ra là tôi tỉnh rụi và khá thăng bằng với kết quả. Hầu hết các cô ấy còn rất rất trẻ, không ít đi cùng với mẹ, và khóc òa lên khi biết kết quả. Tôi nghĩ giá mà mình cũng mẫn cảm và dễ khóc òa tức tưởi như vậy được lại hay, nhưng biết sao được, tôi còn có quá nhiều thử thách phía trước, ở các lần khác, nước mắt phải được để dành, vì tôi chắc chắn sẽ phải cần đến không ít mồ hôi trong tương lai sắp tới. Trước mắt tôi bây giờ là 2012, một con số đẹp!”

QUICK CHAT

Elle: Liệu bạn có sớm thay hình đổi dạng, bắt đầu với một phẫu thuật nâng ngực?

TL: Không! Điều đó không hợp với một người mẫu.

(Elle tân niên 2012)

Miuccia Prada – kẻ làm nên bộ da Quỷ Cái

Trác Thúy Miêu

Với Anna Wintour đứng đầu danh sách tín đồ và thanh danh bản thân cũng thuộc hàng đầu bảng phong thần của PeTA, Miuccia Prada có được cho mình một hình ảnh xứng tầm gia tộc quyền lực nhất thời trang thế giới.

Và khó lòng vẽ nên một chân dung hoàn chỉnh của chính “quỷ cái” Anna Wintour nếu thiếu một nét phác mang hiệu Prada.

Và từ đó, cái tên Prada không còn thuộc về gia phả cháu con nhà sáng lập Mario Prada nữa. Nó trở thành tính từ đại diện cho một phong cách sống: ngạo mạn trong tinh thần trang nhã, cầu kì trong cấu trúc thân thiện, và đài các ngay trong những bảng màu lòe loẹt và họa tiết ngô nghê nhất.

Nữ thừa tự đại nghiệp họ Prada

Không phát hiện “vấn đề giới tính” từ khi còn nhỏ, không bẻ ngoặt bánh lái số phận để chọn thời trang, có bằng PhD ngành khoa học chính trị, là một thành viên hoạt động bình đẳng giới, và chưa hề được đào tạo chính quy về mỹ thuật – người đàn bà mang cái tên quyền lực Miuccia Prada đã có cho mình một hồ sơ như thế, tức là không “fashionable” chút nào so với các đồng nghiệp đi trước và cùng thời.

Số phận đơn giản đã cầm tay dắt bà đến với thời trang, khi đặt Miuccia vào vị trí kẻ thừa tự của thương hiệu Fratelli Prada của dòng họ vào năm 1978, nơi bà đặt vào đó một góc nhìn rất riêng của một phụ nữ tưởng như không có chút gì khí chất thời trang: góc nhìn từ bộ óc của một diva quyền lực.

Điều này ắt đã là một sự bất ngờ với ông nội của bà, cũng là người sáng lập thương hiệu. Là một nam tử hán Ý Đại Lợi thuần chủng và thủ cựu, ông cụ Mario chưa bao giờ tin rằng thế giới của doanh lợi và quyền lực có chỗ cho những dấu chân đàn bà. Thậm chí ông đã đích thân ra tay can thiệp để tránh cho cuộc kinh doanh của dòng họ lọt vào tay một kẻ thừa tự là nữ nhi, dù đó có là người ruột thịt. Oái oăm thay, những đứa cháu trai mà ông kì vọng nhắm tới đều không tỏ ra tí hứng thú nào với việc cáng đáng đại sự nhà Prada. Mario ngậm ngùi đặt trọn ván bài vào tay đứa cháu gái, khi này đã lộ rõ khí chất nữ quyền.

Cũng vào thời kì này, Miuccia gặp và yêu người cộng sự và bạn đời Patrizio Bertelli. Đôi trẻ thế hệ cấp tiến đã lập tức cấy vào hệ thống nhà Prada những mầm mống mang xu hướng tư duy tiến bộ đầy tham vọng. Với gout thẩm mỹ của đứa con gái dòng họ Prada, lớn lên trong niềm kiêu hãnh của một gia tộc cầu kì và vương giả, Miuccia chỉ việc đặt lối sống của các tín đồ thời trang toàn cầu vào giá trị truyền thống của thương hiệu Ý, và không sự hợp nhất nào tốt hơn thế, để lập tức đặt bà vào vị trí đáng nể trong làng thời trang cao cấp thế giới.

Trường phái “tân Italy” trên gia huy họ tộc

Phớt lờ các nguyên tắc của thiết kế thời trang và kinh nghiệm về kỹ nghệ, đối với Miuccia, những kiến thức đang được tổng hợp lại đã đến từ chính những gia tộc thời trang như nhà Prada, nơi bà sinh ra và thừa tự: “Nên mặc nhiên với quá trình tư duy và sản xuất, sản phẩm cuối cùng mới là giá trị tiên quyết, cho dẫu bản thân tôi không đính nổi một cái móc khóa bình thường vào một chiếc túi xách bình thường nhất.”

Thái độ thực dụng “tân Italy” này được thể hiện rõ ràng hơn qua những thiết kế của Miuccia trên trang phục: tối giản, kinh điển, và hoàn toàn thoải mái tự tại trong sự xa xỉ đến ung dung tự tại. Say sưa với mục tiêu mới, Miuccia tiếp tục tung ra nhãn hàng mang dấu ấn cá nhân mang cái tên vui nhộn Miu Miu năm 1992, tách biệt khỏi ưu chất cố hữu của áp lực gia tộc Prada. Đến tận thời điểm này, Miuccia mới thật sự nhập cuộc. Miu Miu chính là phiên bản gout thời trang cá nhân của Miuccia, với chiến lược hình ảnh và tag giá thân thiện hơn. Với Miu Miu, bà có thể thực hiện cuộc chơi nhân danh bản thân mà không làm phương hại đến sự kiêu hãnh dòng hàng xa xỉ của nghiệp lớn nhà Prada. Miu Miu là một trò nghịch ngợm tài tình nhất, nguồn cơn hứng thú cho vị nữ vương dư máu liều: “Tôi không thích những thứ hiển nhiên, bởi vậy tôi luôn tìm cách tung ra một ý tưởng “lệch lạc”, sai so với cái vẫn hằng được cho là đúng – một cái gì đó khác. Chỉ thuần túy làm ra một cái gì đó đèm đẹp không thôi thì đã là điều dễ. Việc không được đào tạo cho phép tôi dễ dàng nhìn thấy những vẻ-đẹp-ngoài-luồng, và sự tỉnh táo giúp tôi biến chúng thành vẻ-đẹp-mới.

Cứ như thế, vào những mùa trào lưu màu trung tính, người ta sẽ có một Prada bung trào bảng màu lòe loẹt nhất đủ khiến phái bảo thủ Ý suy tim, cùng những mẫu giày sặc mùi thực dụng. Miuccia chỉ cười xòa: “Tôi thì tôi cho rằng thời trang đòi hỏi sự chuẩn xác đến cực đoan. Tôi cũng vậy, nhưng không cực đoan theo dòng.”

Ngược dòng thời thế tạo trào lưu

Bà tự nhận xét các thiết kế của mình là “kì khôi và không hoàn hảo”, và đó cũng chính là lí do vì sao bà tạo nên được cả một trào lưu cho các tín đồ tân thế hệ. Sự thừa nhận và tôn vinh quyền lực ấy đã ảnh hưởng lên văn hóa đại đồng, mà dấu son rực rỡ nhất là bomb cine The Devil Wears Prada.Dù nhăm nhe mô tả chuyện thâm cung tờ Vogue và đại nữ Anna Wintour cũng cần cả một chân dung đặc tả do Meryl Streep thủ diễn, bản thân Prada chỉ cần xuất hiện như thế, như một con dấu đóng lên cái tựa đầy kiêu hãnh, với sức mạnh ẩn dụ mãnh liệt hơn mọi tính từ để tô vẽ nên một khí chất Wintour.

Dấu ấn Prada xuất hiện ở khắp nơi, vượt trên cả một thương hiệu thời trang để trở thành dấu hiệu của lối sống xa xỉ, một thứ đế vương hiện đại, vừa đẳng cấp, vừa phổ thông, và phổ thông đến mức không chỉ xuất hiện trong siêu phẩm cinema mà còn cả những serie truyền hình thời thượng. Như thể nhắc đến câu chuyện của các diva thành thị, thì ắt đẳng cấp Prada không thể vắng mặt như một yếu tố cần và đủ.

Kinh điển nhất vẫn là serie về các tín đồ thời trang long lanh lãng mạn của New York – Sex And The City, khi mà cô nàng phóng viên thời thượng Carrie Bradshaw dẫn độ anh kép mới đến tiệm New York Prada để “đổi đời”: “Đối với một số người thì sự kiện hệ trọng tiên khởi là cuộc gặp gỡ các bậc phụ huynh, còn đối với Carrie, đó là cuộc chạm ngõ Prada”. Các tín đồ ruột khác của Prada là Linsay Lohan, Eva Longoria và, đương nhiên, đứng đầu danh sách là bà Mùa Đông Anna Wint-er cũng đồng ý với quan điểm thức thời và sâu sắc này.

Đồng bóng và tráo trở

Một ngày đẹp trời năm 2007, Miuccia Prada, khi này đã đường hoàng ngự chiếu trên làng thời trang thế giới, thở hắt đầy sầu não và tuyên bố “Tôi chán lông thú rồi!”. Hội PeTA reo hò, lập tức gửi đến tận văn phòng Miuccia một bó hồng đỏ tưng bừng thay lời tạ lỗi vì vụ khủng bố runway, do các nhà hoạt động xớn xác đã không thể ngờ rằng bộ sưu tập lần ấy của Miuccia đã ngấm ngầm sử dụng hoàn toàn lông thú nhân tạo. Trong khi đó, giới tín đồ chao đảo, còn Anna Wintour tuyên bố nếu không vì nghiện quá nặng những kiểu khăn choàng lụa của Prada thì đã gạch tên bà khỏi danh sách thượng khách cho những trang quảng cáo của Vogue.

Phe PeTA và đảng Xanh hẵng còn hể hả trước một loạt tên tuổi bự sự cuối cùng cũng hạ tay cam kết “cai nghiện xác thú” gồm Kenneth Cole, J.Crew, Ann Taylor và Ralph Lauren, thì lời tuyên bố của Miuccia quả đã thêm phần rạng rỡ cho vòng nguyệt quế vinh quang của sự nghiệp “cai nghiện”.

Trong khi đó, dân nội giới rành chuyện thì cho rằng tiếng thở hát não nề nọ rất có thể sẽ chấm dứt hình ảnh những binh đoàn trường túc mình khoác xác thú nghễu nghện diễu hành trên các runway cao cấp, không ít người khác chỉ cười ruồi và cho đây là trò đồng bóng thất thường vốn là thuộc tính của những tên tuổi khét tiếng làng thời trang thế giới.

Quả nhiên, chỉ một năm sau đó, các điệp viên hội PeTA đã ghi nhận được một cuộc điện thoại gọi trực tiếp đến đại bản doanh Prada Corps USA, xác nhận một lượng thiết kế đủ gây rùng mình bằng lông cáo, chồn, gấu trúc Bắc Mỹ vày chồn vizon đã được tung rải thảm tại toàn bộ hệ thống boutique và cửa hiệu Prada tại các department store tại Bắc Mỹ, với tag giá từ 2,000 USD cho một mẫu áo khoác viền lông, đến 22,000 USD cho chiếc áo khoác toàn bộ bằng lông chồn dày ngập mặt, làm từ xác 60 con chồn vizon tuyệt đẹp và không có khả năng tự vệ. Chúng được nhốt giữ trong điều kiện thê thảm tại các trang trại lông thú, bị giết bằng hơi gas hoặc chích điện, hay bị thương đến chết do bị sập bẫy.

Đòn lật lọng trắng trợn về sau được sao y nguyên mẫu với nữ đồ tể Donna Karan. Bà này thậm chí buông lời cam kết như đinh đóng cột, và ngay lập tức nuốt ngược vào chiếc lưỡi tráo trở của chính mình.

Rõ ràng cơn buồn chán của nữ đồ tể người Ý qua nhanh như gió thoảng, và tên tuổi dòng họ Prada lại tiếp tục vấy tanh máu súc vật. PeTA và các hiệp hội bảo vệ động vật khác lập tức rùng rùng triển khai chiến dịch kêu gọi ý thức tiêu dùng của các fashionista. Chưa bao giờ các cuộc tấn công bằng tương cà tàu hũ nát lại rầm rộ như thế. Mùa Đông năm ấy, tại một số khu thương mại, người ta đã ví von rằng không thể phân biệt nổi giữa tuyết rơi và tàu hũ bay, nếu không nhờ những tiếng thét căm phẫn của cả hai phía – phe nghiện xác và các nhà hoạt động.

Quỷ thì có thể bận đồ Prada, chứ thành viên hội PeTA thì chắc chắn là không.

Ứng viên viện Met 2012

Năm 2011 đã đánh dấu son lên lịch sử viện Met (Metropolitan Museum of Art exhibit) với cuộc triển lãm gây rúng động mang tên Alexander McQueen: Savage Beauty, như một sự kiện vinh danh và tưởng nhớ thiên tài thời trang vắn số. Với chính xác là 661,509 lượt người đến chiêm ngưỡng chỉ trong 4 tháng khiến Met trở thành thánh địa hành hương của mọi con dân tín đồ sùng kính nhất.

Câu hỏi còn lại là liệu viện Met sẽ chọn gương mặt nào để tự cạnh tranh với tên tuổi huyền thoại Lee McQueen cho lịch mục triển lãm 2012.

Và câu trả lời, sau rất nhiều đồ đoán lẫn những cuộc vận động ngấm ngầm, cuối cùng cũng đã được công bố trong sự tâm phục khẩu phục toàn phần của thời trang giới: nữ hiệp từng sát cánh với tên tuổi Salvador Dali lẫ Alberto Giacometi: Elsa Schiaparelli và, đương nhiên, vâng, chiếc vé còn lại thuộc về Miuccia Prada.

Trong mọi lí do để nôn nóng dành cho sự kiện này có cả việc trông đợi sự hiện diện của Quỷ Cái Anna Wintour, cùng Meryl Streep, Anna Hathaway và Emily Blunt – tác giả cuốn The Devil Wears Prada. Chưa hết, cô đào Haylee Steinfeld của True Grit, người vừa được chọn là gương mặt đại diện cho Miu Miu ắt cũng sẽ không thế vắng mặt, và thậm chí việc này ắt đã được cộng thêm vào các điều khoản hợp đồng kí kết giữa nhà Miu Miu và Haylee. Trong các tên tuổi đương thời của làng điện ảnh và là tín đồ của Prada còn có ngôi sao Twilight: Breaking Dawn 1 – Kristen Stewart. Stewart mắc chứng “nghiện” Prada khá nặng qua sự dìu dắt của stylist riêng là Tara Swennen.

Ngoài ra, các con nhang đệ tử nổi tiếng của Prada chắc chắn sẽ hành hương về viện Met còn có Carey Mulligan, Gwyneth Paltrow, Jessica Alba, Julianne Moore, Kirsten Dunst, Kate Hudson, Maggie Gyllenhaal, Mary-Kate Olsen, Megan Fox, Naomi Watts, Nicole Kidman, Rachal Zoe, Rihanna, Sienna Mmiller và Salma Hayek.

Chỉ bấy nhiêu thôi, đã đủ để sự kiện triển lãm sắp tới của viện Met dưới cái tên Prada hứa hẹn trở thành sự kiện thảm đỏ đình đám và lộng lẫy nhất của năm.

Và chỉ bấy nhiêu, cũng đủ để hàng ngàn con vật vô tội chờ đợi một cuộc đại thảm sát với những hình thức dã man nhất tại các trang trại lông thú để phục vụ cho ngày đăng quang những bộ da của loài quỷ.

Không chỉ dành cho trẻ em ham chơi lâu lớn

Những mảng ren cứng khô còng queo vằn vện chạy trên chiếc jacket hầm hố, họa tiết xe đua in nhì nhoằng trên những chân váy xếp pleat tung tẩy, đối với một nhà thiết kế nào khác, đây hẳn là bảng mô tả hiện trường một vụ tai nạn giao thông, nhưng đối với Miuccia, đó chỉ là bộ sưu tập Donna e Motori (Đàn bà và Xe hơi) – một khái niệm thoạt tiên tưởng chừng như sặc sụa hormone đàn ông, nhưng lại thể hiện một vẻ xinh xẻo dịu dàng cũ xưa.

Phía sau hậu đài, nhà thiết kế nói về ý tưởng kì khôi của mình “Tôi đã tìm cách để vực dậy khái niệm ‘dịu dàng xinh xắn’, thứ thẩm mỹ mà thời trang đương đại kị húy. Tôi không hiểu nổi, tại sao đàn bà con gái lại cần phải tỏ ra hung hăng ngạo ngược đến vậy?”

Thế là bà trộn nháo nhào lên mọi thứ, ngô nghê và láu lỉnh, cứng và mềm, đồ chơi cho con trai trên những bộ váy búp bê cho con gái. Nháo nhào và đăng đối một cách hoàn hảo! Chiếc bánh kem ngọt ngào trở nên dễ nuốt trôi hơn cho những nhà bình luận thời trang đã quen liều cay chua mặn chát của hương sắc hùng hổ nữ quyền. Sàn diễn loang lổ vệt dầu nhớt, những thanh xà kim loại nặng nề hầm hố, và những chiếc xe hơi con con màu hồng phấn ngô nghê,… tất cả tạo nên một phông màn hoàn hảo cho ý tưởng kì khôi nhưng dư thừa tiềm năng “cháy chợ”.

Cũng những yếu tố phông nền ấy được phản ảnh lại một cách tài tình trên từng thiết kế tung tăng diễu qua trước khán phòng: hồng kẹo ngọt, vàng mơ và xanh lơ của những chiếc Cadillac đỏm dáng, những chiếc áo chẽn nâng cao bộ ngực căng phồng, jupe bó sát bộ mông ngổ ngáo và hiếu chiến như những chiếc motor đôn dên, và la liệt những chiếc xắc tay trông như những chiếc xe đồ chơi, đủ để chiêu hồi khuyến dụ bất cứ cậu nhóc ham chơi nào bên trong mỗi quý ông.

Rõ ràng như dấu ấn của nữ thừa tự nhà Prada: năng lực sáng tạo và tiềm năng cháy chợ như những cỗ xe chờ phóng hết tốc lực, nhưng trong một bộ dạng thân thiện và, như bà nói, “xinh xẻo dịu dàng” – và hi vọng là sạch vết máu.

hồ sơ PeTA 2 (tiếp theo): Đại chiến Ngoạn mục PeTA Vs Vogue

Trác Thúy Miêu

Sự hằn học cay nghiệt giữa hai người đàn bà đã từ lâu trở thành một cuộc đấu tay đôi kì thú thu hút sự chú ý của báo giới, vừa mang khí khái của hai đại nữ khét tiếng trong xã hội, mỗi người nghiệt ngã với một lí tưởng riêng, vừa mang màu sắc bỉ bai cá nhân luôn khiến các nữ đối thủ có nhiều trò hấp dẫn hơn hẳn những cuộc đối đầu của các quí ông.

PeTA bị chơi khăm và Chiến thuật phong tỏa lộ trình hành hương điện tử

Tháng Hai 1995, một nhóm đối lập dựng lên website mang tên peta.org, với luận điệu rằng PETA là tên viết tắt của “People Eating Tasty Animals” (Những Người Ăn Thịt Thú Ngon). Vụ việc đã khiến Peta nổi đóa và theo đuổi kiện tụng cho mãi đến tận 2001, với phần thắng đương nhiên nằm ở phía Hội Những Người Không Ăn Thịt Thú Dù Dở Hay Ngon. Nhưng trong suốt những năm đó, hội peta.org đã gây không ít rắc rối cho kênh thông tin mạng của chánh hội Peta, khi mà hầu hết các cú click trên mạng Internet đều bị “dẫn độ” ngay tắp lự đến tên miền peta.org.

Ngay trong những năm theo đuổi vụ kiện tụng, kẻ khủng bố lắm chiêu Peta cũng mau mắn học lại được trò ranh mãnh này của đối thủ và dùng chính chiêu thức khủng bố mạng này để chống lại kẻ tử thù lâu năm của Newkirk là Anna Wintour. Thế là đường hoàng xuất hiện website voguemagazine.com, khiến những cú click của các tín đồ trên toàn thế giới, trên đường hành hương điện tử tìm đọc “thời trang chân kinh nguyệt san” Vogue bị “dẫn độ” về những trang hình ảnh và tư liệu lên án gay gắt đại nạn thảm sát động vật để phục vụ cho nền công nghệ xa xỉ đang được tích cực ủy lạo bằng những shot hình hào nhoáng trên các tạp chí thời trang láng lẩy mà Vogue đứng vào hàng đầu.

Hẳn nhiên, vụ chơi khăm nẻo hành hương điện tử của kênh truyền thông đối thủ không bao giờ tồn tại được lâu, nhưng cũng đủ thời gian để làm xính vính ít nhiều đến tờ Vogue, và đặc biệt lôi kéo thêm một số lượng tín đồ văn minh đáng kể trong đại cuộc tẩy chay thời trang lông thú.

Cảm tử quân khuyết danh vụ xác chồn ở tiệm Bốn Mùa

Cuối cùng thì người ta cũng tìm ra nữ chiến binh “cảm tử” đằng sau vụ xác chồn trên đĩa Anna ở Four Seasons để nghe cuộc tường thuật lại quá trình của hành động đáng nể ấy. Cô tường thuật lại việc tiếp cận một trang trại lông thú và nhặt được xác con vật tội nghiệp bê bết máu trong đống xác động vật. Xác con vật được ướp trong thùng lạnh chờ ngày hành động. Với nguồn thông tin từ chính nội gián Vogue, người ta nắm được lịch trình đi lại của Wintour, và bữa ăn trưa tại Four Seasons đã được chọn, bởi đây là nhà hàng nổi tiếng tập trung các yếu nhân giới thời trang và showbiz. Điều này càng khiến việc tiếp cận trở nên khó khăn hơn cho quân “cảm tử”, bởi lực lượng an ninh tinh nhuệ của nơi dành cho các yếu nhân này.

Cô đã chưng diện như một fashion diva chính hiệu, đặt xác chồn vào một túi mua sắm của một cửa hiệu thượng hạng và nói với nhân viên phục vụ ở đây rằng mình là cuộc hẹn mà Wintour đang chờ. Cô được dẫn đến bàn của đại nữ nhà Vogue, khi này đang dùng bữa cùng một phụ nữ và hai quí ông khác.

Nhà hoạt động can đảm tiến lại gần Bà Chúa Băng Giá, bất ngờ và đanh thép “Thật đáng xấu hổ cho mụ! Đây, cho những con vật mà mụ đã giết, đồ nghiện xác!” rồi vứt mạnh xác con vật rơi ngay lên đĩa thức ăn trước mặt Wintour. Đôi mắt bé xíu không còn sự sống của con vật vẫn mở. Trong khi Wintour và các vị khách vẫn còn sững sờ đông cứng như chính xác con vật tội nghiệp, nữ thành viên quả cảm của PeTA đường hoàng bước ra đường gọi taxi, kiêu hãnh và cả quyết hơn bao giờ.

Dịch vụ y tế bị khước từ

Trước những ngón “đòn thù” không khoan nhượng liên tiếp xả vào giới thời trang, Ingrid Newkird đã vô tình hình thành cho bản thân một bức chân dung dữ dằn và khắc nghiệt, như một đối trọng tuyệt vời với bà tổng biên tờ Vogue – kẻ thù số 1 của phái PeTA – Anna Wintour.

Không ngừng gửi những thông điệp vừa nghiêm khắc quyết liệt, vừa chân thành thống thiết tới tờ Vogue để thuyết phục bài trừ thời trang lông thú nhưng hoàn toàn vô hiệu trước phản hồi băng giá của Anna “Winter”, Ingrid ngán ngẩm tuyên bố rằng bà sẵn sàng đài thọ một ca chụp não cho Wintour để tìm liệu xem trong đó có xuất hiện dấu hiệu mong manh nào của nhân tính, với lời trần tình mai mỉa đầy tính khoa học “Bạn biết không, khi một số dây thần kinh bị tổn thương, nó ngăn chặn sự phát triển một số khía cạnh nhân tính cơ bản, chẳng hạn như lòng trắc ẩn và khả năng thấu cảm”.

Kể từ đó, xác chồn được quăng vào đĩa của Anna tại nhà hàng Four Seasons, sơn đỏ như máu hắt tràn trề nhày nhụa ngay thềm nhà riêng tại Sullivan Street. Mặc dù hẳn nhiên, cuộc chiến của PeTA không chỉ ưu ái tờ Vogue hay cá nhân Anna làm đối thủ, nhưng những chiến thuật bền bỉ và không khoan nhượng của Ingrid khiến người ta rùng mình tự hỏi điều gì đã khiến người đàn bà đầy lòng trắc ẩn với muôn loài sinh linh này lại có thể cay nghiệt đến vậy với đồng loại, và trên hết, mặc dù nhắm vào nhiều nền công nghệ khác nhau – từ nghiên cứu khoa học đến chế biến thực phẩm, nhưng các ngón đòn thù luôn được nhắm tập trung vào giới thời trang, dù không hẳn mức độ tàn sát đã sánh bằng với sự dã man trong các phòng thí nghiệm hay con số hủy diệt của ngành công nghiệp thực phẩm.

Trái tim Mùa Đông

Mưa tương cà vẫn rơi và đạn tàu hũ vẫy bay, Ingrid Newkirk vẫn điềm tĩnh tuyên bố “Tôi không chống lại thời trang! Tôi chỉ rất có vấn đề với một số người trong giới thời trang.” Bà khẳng khái thú nhận “Bản thân tôi sở hữu chiếc áo có cổ viền lông thú đầu tiên vào năm 18 tuổi, 19 tuổi tôi có hẳn một chiếc áo khoác làm từ 100 con sóc. Hồi đó tôi nghĩ trông mình mặc chiếc áo nọ thiệt đẹp!” Sự thật thà và một chút móc ngoáy ý nhị của Ingrid lại một lần nữa thắng điểm thiện cảm tuyệt đối của báo giới dành cho vị nữ thủ lĩnh đảng phái quá khích PeTA, đương nhiên là chừng nào bà còn chưa ném tàu hũ vào ống kính của họ. Dĩ nhiên rồi, không nhiều nhà báo có gout ăn xài của bà tổng biên tờ Vogue.

Không chỉ bởi những trang ảnh lộng lẫy trải tràn trề hàng tảng lông thú ngồn ngộn mềm mại đầy rù quến được ưu ái tỉa tót đến từng milimetre vuông được đăng ngập ngụa trên Vogue, không chỉ bởi những bài review ca tụng các mẫu thiết kế làm từ những xác thú chết đẹp mĩ miều, mà chính Wintour là một tông đồ khét tiếng trong vai trò con nghiện đồ da và áo lông thú đến bất khả cai chữa. Kéo theo từng lần xuất hiện của cá nhân bà, và từng trang bài, ảnh của Vogue là rầm rộ một cơn sốt đòi xác thú của hàng ngàn diva thời trang khắp nơi trên thế giới. Điều này khiến không chỉ ở vai trò tổng biên nhà Vogue, mà chính cá nhân Anna Wintour trở thành cừu nhân hàng đầu của phái PeTA và cá nhân nữ thủ lãnh Ingrid Newkirk.

Giới showbiz Mỹ rầm rộ phản ứng với Anna Wintour sau vụ bà này công nhiên đấu tranh cho cái gọi là “quyền mặc lông thú của phụ nữ”.

Vài tuần sau vụ con chồn chết ở Four Seasons, một lá thư được gửi đến văn phòng tổng lãnh Vogue, với chữ kí của Kim Basinger, Alec Baldwin, Sarah Bernhard, Woody Harrelson và ngay cả cục cưng trang bìa của Vogue là Tatjana Patitz, cùng nhiều sao thượng hạng khác thẳng thừng yêu cầu chấm dứt hành động ngang nhiên ủy lạo cho thời trang lông thú trên tờ Vogue: “Chúng tôi tin rằng chẳng có gì là sành điệu trong việc giết hại thú vật chỉ vì những món hàng xa xỉ. Chúng bị giết bằng hơi ngạt, chích điện, dìm xuống nước và siết cổ. Chúng tôi yêu cầu tạp chí Vogue hãy trở thành một ấn phẩm thân thiện bằng việc chấm dứt việc ủy lạo, quảng cáo cho thời trang lông thú.”

Sau khi lá thư được chuyển đi, người ta đã rất trông đợi vào một phản ứng tích cực từ văn phòng Mùa Đông, bởi hẳn nhiên, ai cũng biết bà Wint-er rất coi trọng những mối quan hệ với giới showbiz hàng đầu, mà hầu hết tên tuổi đều lưu lại thủ bút bên dưới bức tâm thư.

Phản hồi duy nhất đến từ một phát ngôn viên của tờ Vogue: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kí các hợp đồng quảng cáo và ủng hộ thời trang lông thú trên các trang mục của Vogue.”

Ngay sau đó, nội dung lá thư được đăng tải ngay sau thư tòa soạn của Vogue tháng ấy, như một thông điệp của Vogue rằng mùa đông này là mùa của những tín đồ thông minh và ưa chuộng lông thú: “Đây chính là khoảnh khắc để tôi thú nhận rằng, vâng, tôi mặc lông thú. Và tôi còn ăn cả beefsteak mỡ màng nữa.” Cùng với mẹo vặt là chiên khoai tây bằng mỡ động vật sẽ ngon hơn rất nhiều khiến Anna ngon ơ chiếm giữ đầu bảng trong danh sách đen của hội PeTA và sổ thù vặt của cá nhân Ingrid cùng nhiều thành viên PeTA khác.

Nhưng danh sách không chỉ dừng lại ở đó, vì Anna cũng có cho mình những tông đồ trường phái liệt neuron trắc ẩn.

Ở vị trí bia ngắm cho Ingrid, xếp hàng ngay sau lưng Wintour không ai khác hơn là nhà thiết kế rất được Vogue sủng ái – ông kẹ mặt chì nhà Chanel – Karl Lagerfeld. Cũng như Wintour, chú K. không hề lấy đó làm điều: “Trái đất đang nóng lên hả? Tôi có thấy vậy đâu?” Hẳn nhiên rồi, đương nhiên là thế, chú.K, khi chú đang đứng sát sạt ngay sau lưng Bà Mùa Đông, chẳng có gì phải bàn về nhiệt độ địa cầu cả!

Thái độ băng giá đầy khiêu khích của Wintour cũng kích động trào lưu ngang phè trong giới thời trang. Tiếp nối đại tẩu truyền thông và tay đồ tể mặt chì Lagerfeld, nhà thiết kế nội y Janet Reger ngang nhiên tuyên bố trên sóng truyền hình rằng mình là tín đồ nặng nghiệp của thời trang xác thú. Ngay lập tức hôm sau, thỏa lòng nguyện ước, Janet và các show diễn có sử dụng thiết kế của bà được đưa vào bản đồ chiến lược của phiên họp thành viên PeTA. Các chiến thuật đa chiêu lại được đưa ra bàn bạc giữa các thành viên dạn dày mưu lược, còn Janet Reger khấp khởi chờ ngày được phong thành tông đồ tử vì đạo, còn con gái bà là Alica Reger thì lớn tiếng gọi các nhà hoạt động là “bầy đàn bại binh nhếch nhác”.

Có vẻ như cuộc thánh chiến dằng dai PeTA chống thời trang lông thú sẽ còn tiếp diễn nóng rẫy tại khắp nơi và mỗi mùa tuần lễ thời trang. Những kẻ đã từng ủy lạo và cam kết, như Donna Karan, vẫn trở mặt, Naomi trở thành kẻ phản bội đê hèn, và những hình ảnh thương tâm sẽ vẫn được gửi đến tận tay những đồ tể hào nhoáng, những tiếng kêu rít của các sinh linh vô tội vẫn thống thiết vang lên bên ngoài lớp cửa khép kín của những tòa tạp chí, đeo đẳng bám theo bằng dấu máu trên bộ áo khoác của các diva. Hàng tấn tàu hũ sẽ vẫn còn bay, dẫu tuyệt vọng, về phía giá băng của đại nữ Wint-er, và xuôi theo vòng xoay thời trang, sẽ vẫn là câu cầu khiến mỏi mòn của không một thế hệ fashionista tiến bộ, mà còn là của nhân loại, và Mẹ Thiên Nhiên: “Stop the insanity! No blood for vanity!”